VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - THỨ BA 04 JAN 2022
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Làm sao tiêu thụ 1 triệu tấn nông sản Việt khi TQ 'đóng cửa'?
Khoảng 300.000 tấn thanh long, 250.000 tấn xoài, 160.000 tấn mít, 140.000 tấn bưởi, 130.000 tấn cam đã đến vụ thu hoạch, trong khi các cửa khẩu của Trung Quốc gần như đóng cửa.
(Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam)
- Thanh Thương
- 31/12/2021
Doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần quan tâm đến tiêu thụ nội địa nhiều hơn thay vì chỉ chú trọng đến thị trường xuất khẩu.
Tại Diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức sáng 31/12, ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho biết bất chấp những khó khăn về thông quan, điểm sáng của nông sản là giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 11 vẫn đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 18%.
"Con số này, chứng tỏ Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với Việt Nam", ông Hòa nói.
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249 chủ trương quản lý chặt kinh tế biên mậu và thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch.
"Chúng ta cần đẩy mạnh, cải tiến, đảm bảo quy trình sản xuất tốt để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo khả năng có thể tham gia vào các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc", ông Hòa nhấn mạnh.
Hàng nghìn xe tải chở nông sản bị mắc kẹt tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn thời gian qua. Ảnh: Thạch Thảo.
"Cần nhìn nhận tiềm năng của thị trường nội địa"
Ngoài ra, ông Hòa cho rằng doanh nghiệp, người dân cần tập trung định hướng tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước các sản phẩm đang vào mùa vụ.
"Đồng thời, những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng nông sản rớt giá trong và sau Tết Nguyên đán”, ông Hòa nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng trong điều kiện Trung Quốc hạn chế nhập nông sản, trong đó có những trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, mít, dưa hấu, nhiệm vụ chúng ta là làm rõ thêm vai trò của thị trường nội địa.
Ông cho biết nhiều doanh nghiệp chế biến và nhà máy sẵn sàng thu mua các xe nông sản quay đầu về từ biên giới. "Thị trường nội địa vẫn có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh, đáp ứng đa dạng thị trường thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc", ông nói.
Mít Thái không thể xuất khẩu sang Trung Quốc phải quay đầu kêu gọi "giải cứu" giá rẻ. Ảnh: Việt Linh.
Thứ trưởng Nam cho biết hiện có khoảng 300.000 tấn thanh long, 250.000 tấn xoài, 160.000 tấn mít, 140.000 tấn bưởi, 130.000 tấn cam đã đến vụ thu hoạch, trong khi các cửa khẩu của Trung Quốc gần như đóng cửa.
“Các Sở ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để tiêu thụ. Đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ NNPTNT sẽ làm hết mình với vai trò kết nối”, ông nhấn mạnh.
Khoảng 300.000 tấn thanh long, 250.000 tấn xoài, 160.000 tấn mít, 140.000 tấn bưởi, 130.000 tấn cam đã đến vụ thu hoạch, trong khi các cửa khẩu của Trung Quốc gần như đóng cửa. (Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam)
Thứ trưởng Nam cũng thông tin thị trường Mỹ đã thông báo 60 ngày nữa, bưởi Việt Nam sẽ chính thức được vào thị trường này. Sau đó, nước này sẽ xem xét hồ sơ về quả dừa của Việt Nam. Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan cần tích cực làm việc với Cục Bảo vệ thực vật để hoàn tất hồ sơ.
"Chúng tôi đã làm việc với cơ quan Hải quan Trung Quốc, hạn chế và tiến tới không xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch", ông nói.
Tương tự, Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cũng đề nghị Bộ NNPTNT và các đơn vị liên quan cần có chính sách tuyên truyền để người nông dân, doanh nghiệp quan tâm đến thị trường nội địa nhiều hơn, chứ không chỉ tìm đến khi xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay.
"Chúng tôi cùng các hệ thống siêu thị vẫn gặp khó khăn. Do về mặt thói quen kinh doanh của hợp tác xã, doanh nghiệp thường hướng đến xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa", ông nhìn nhận.
Do đó, ông Dũng cho rằng cần có công tác định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh được rủi ro trong xuất khẩu. Khi song hành trong thị trường xuất khẩu và nội địa, nền nông nghiệp sẽ phát triển ổn định và bền vững cho người nông dân.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thu mua
Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) - cho biết cách đây 10-15 ngày, công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới. Cụ thể, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 100-150 tấn nông sản các loại, đặc biệt là xoài.
Công ty cũng kết hợp với Đồng Tháp, Tiền Giang để có nguồn cung phục vụ chế biến nông sản tại Ninh Bình, Gia Lai. “Hiện nay chúng tôi vẫn chế biến, thu mua xoài với số lượng lớn, mỗi ngày thu mua khoảng 4 container ở biên giới. Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn về tiêu thụ, công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ”, ông Khuê cho biết.
Tương tự, ông Paul Lê - đại diện Central Retail - cho rằng trước tiên cần phân loại các sản phẩm đang bị ùn tắc tại cửa khẩu cũng như nhà vườn và Central Retail sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa tết.
"Long An, Bình Thuận là 2 tỉnh trồng nhiều thanh long, đơn vị sẽ cố gắng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này ở thị trường nội địa và giúp người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sản phẩm tốt", ông nói.
Nhiều doanh nghiệp chế biến, siêu thị sẵn sàng thu mua, hỗ trợ tiêu thụ nông sản số lượng lớn. Ảnh: Phương Lâm.
Về vấn đề xuất khẩu, ông cho rằng Việt Nam nên tập trung qua các thị trường khác. "Central Retail sẽ hỗ trợ các nông sản đạt chuẩn của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ nước ngoài, không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn ở thị trường phương Tây như Pháp, Mỹ, Đức… Tuy nhiên, chúng ta phải xây dựng sản phẩm tốt, đạt chất lượng", ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thái Dũng cũng cho biết đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống 100 siêu thị ở 7 tỉnh thành từ Bắc đến Nam.
Ông Dũng còn cho biết công ty sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến cuối năm. “Thị trường nội địa đang vào mùa mua sắm cuối năm, nhu cầu tăng do đó chúng tôi mong muốn hợp tác với bà con nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ", ông nói.
Lãnh đạo công ty này cho rằng với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán không lợi nhuận, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận.
Hàng năm, nhà nông trồng trái Thanh Long đặt rất nhiều kỳ vọng vào vụ tết. Ảnh: An Bình.
23h ngày 30/12, nhiều người dân tập trung về đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi có nhiều xe tải bán mít "giải cứu".
Do Trung Quốc siết chặt biên giới, hàng nghìn container nông sản bị mắc kẹt tại cửa khẩu và chưa thể thông quan. Để gỡ vốn, nhiều tiểu thương đành đưa hàng về các tỉnh để tiêu thụ với giá rẻ.
Ánh mắt thẫn thờ mệt mỏi vì nhiều đêm không ngủ, chị Dung (tiểu thương) chị kinh doanh hoa quả xuất sang Trung Quốc đã nhiều năm nay, nhưng chưa năm nào gặp tình cảnh khó khăn như thế này. "Trong số 10 xe hoa quả của gia đình thì chỉ 3 xe được thông quan, 4 xe vẫn nằm lại ở cửa khẩu. Còn xe mít này và 2 xe khác, tôi đành phải cho quay đầu và bán với giá rẻ ở Hà Nội, hi vọng gỡ gạc được chút vốn", chị nói.
Mít bán thanh lý tại Hà Nội có giá 10.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 so với giá xuất sang Trung Quốc. "Tính sơ sơ năm nay gia đình tôi chịu lỗ vài ba tỷ đồng, giờ chỉ hy vọng bán hết số hàng này và về nhà nghỉ Tết thôi vì giờ cũng hết vốn để làm ăn rồi", chị Dung ngậm ngùi.
Trung bình mỗi quả mít Tiền Giang có trọng lượng từ 8-12 kg. Xe mít của gia đình chị Dung chở gần 2.000 quả với trọng lượng khoảng 20 tấn. Mít trước khi xuất đi Trung Quốc được cắt đầu để kiểm định, nếu quả còn non chưa chín sẽ bị loại bỏ, sau đó bọc bằng giấy màu khác nhau để phân loại kích cỡ, chất lượng và giá cả.
Mít được bổ tại chỗ để khách hàng thưởng thức và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nhiều người Hà Nội nhận xét mít ngon, ngọt, cùi dày. Nhiều quả bổ dở cũng được chủ hàng tặng kèm khi người mua có nhu cầu.
Đôi bàn tay đen đúa vì phải liên tục bốc hàng từ 4h sáng đến 23h đêm, anh Đồng Văn Tùng cho biết gần 1 tuần nay, anh mất ăn mất ngủ vì lo chạy hàng. Hiện giờ anh chỉ mong sao bán được càng nhanh càng tốt vì mít một khi đã chín rất khó để được lâu.
Cũng theo anh Tùng, để bán hết số mít này cần mất 2-3 ngày nữa. "Ban ngày chúng tôi tận dụng container làm nơi bán hàng nhưng đêm vẫn phải đánh xe về bãi và bật máy lạnh để bảo quản mít. Càng để lâu càng nhiều rủi ro vì hàng bị hỏng cũng như đội thêm chi phí về bến bãi, xăng dầu", anh Tùng nói.