VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - XÃ HỘI - THỨ TƯ 23 MAR 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Tòa Hà Nội kết án Nhà báo Nguyễn Tường Thụy và Nhà báo Lê Văn Dũng
VOA 22/03/2022
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, từng là cộng tác viên của RFA, hiện đang thụ án 11 năm tù tại Bình Dương.
Nhà báo và blogger Nguyễn Tường Thụy vừa bí mật gửi ra một bức thư phản đối bản án 11 năm tù mà ông đang thực hiện tại một trại giam ở Bình Dương sau khi yêu cầu giám đốc thẩm xem xét kháng nghị không thành.
Ông Thụy, cùng với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn, bị đưa ra xét xử và kết án hồi đầu năm ngoái ngay trước thềm Đại hội 13 của Đảng Cộng sản. Cả ba người đều là thành viên của Hội nhà báo Độc lập và bị buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên tòa sơ thẩm ngày 5/1/2021.
Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, cho biết chồng bà nói rằng bản án mà ông đang phải thi hành là “oan sai” và đã gửi đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm tới Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TPHCM nhưng chưa được trả lời.
Trong bức thư gửi cho bà Lân mà VOA được xem, ông Thụy cho rằng “vụ án là minh chứng cho việc vi phạm nhân quyền, đàn áp báo chí và dựng án.”
Ông Thụy, từng là blogger và cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA), bị kết tội là đã cùng các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập “viết bài, trả lời phỏng vấn, đăng tải công khai hàng ngàn bài viết lên trang web, blog ‘Việt Nam Thời Báo’” của hội. Trang blog này, theo Công An Thành phố Hồ Chí Minh, là nhằm “tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”
Ông Thụy cho biết trong bức thư rằng ông đã gửi một lá đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 14/9/2021, trong đó nói rằng ông bị áp đặt hành vi mà ông không làm và bị kết tội với những bằng chứng giả mạo.
Kết luận điều tra cho biết công an thu giữ bộ tài liệu 13 trang liên quan đến vụ án khi khám xét nhà ông Thụy nhưng ông cho biết trong bức thư rằng công an đã không thu giữ được “bất cứ tài liệu nào liên quan đến vụ án.”
VOA không thể liên lạc được với VKSND TPHCM để xin bình luận về đơn “kêu oan” của ông Thụy.
Viện Kiểm sát, khi xét xử ông Thụy và các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập, xác định rằng “hành vi chống phá Nhà nước” của các bị cáo là “đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.”
Ông Thụy, cùng ông Dũng – người bị kết án 15 năm tù, đã không kháng cáo bản án. Nhưng theo bà Lân cho biết, chồng bà bị bắt viết đơn kháng án theo mẫu “xin giảm án” cho nên ông Thụy đã “xé đơn và bỏ về buồng (giam).”
Các tổ chức quốc tế và chính phủ phương tây, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng phản đối bản án nhiều năm tù dành cho các thành viên Hội Nhà báo Độc lập. Chủ tịch của RFA, Stephen Yates, lên án bản ánh dành cho ông Thụy là “sự tấn công tàn bạo” nhắm vào tự do báo chí.
Chính quyền Việt Nam luôn nói rằng họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật. Nhưng trong suốt phiên tòa xét xử trong 1 ngày hồi đầu năm ngoái, ông Thụy luôn nói rằng ông không có tội.
Bà Lân cho VOA biết bà lo ngại cho sức khỏe của chồng mình trong khi không thể thường xuyên đến thăm chồng khi bị giam giữ ở rất xa nơi gia đình ở.
“Có lẽ anh Thụy là người bị giam giữ xa nhất trong các tù nhân Việt Nam – nhà tôi ở Hà Nội mà (họ) lại giam anh ấy ở Bình Dương,” bà Lân nói và cho biết mỗi lần đi thăm chồng, bà phải đáp máy bay vào TPHCM rồi đi ô tô đến Bình Dương trước khi bắt xe ôm đến trại giam. “Nó ở vùng hoang vu. Nói chung là khắc nghiệt lắm.”
Ông Thụy, hiện 72 tuổi, cho rằng ông “khó có thể ở tù đủ án” trong môi trường tù đày.
Tuy nhiên ông Thụy cho biết trong bức thư gửi cho bà rằng ông “nhất định không nhận tội để giảm án.”
Ông Thụy viết trong bức thư: “Người ta chỉ sống một lần. Nếu cho tôi làm lại, tôi vẫn làm như thế thôi.”
Tòa VN phạt ông Lê Văn Dũng 5 năm tù vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’
VOA 23/03/2022
Ông Lê Văn Dũng tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 23/3/2022. Photo YouTube VTC.
Nhà báo tự do Lê Văn Dũng vừa bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù và 5 năm quản chế vì phạm tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999, cho dù ông Dũng cho rằng mình vô tội, theo tin từ luật sư và gia đình.
Phiên tòa diễn ra trong vài giờ buổi sáng ngày 23/3 với tình hình an ninh được siết chặt và thân nhân không được tham dự.
Ông Hà Huy Sơn, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Dũng, nêu nhận định với VOA về bản án vừa tuyên:
“Tôi cho rằng bản án này là bản án oan, không có căn cứ để buộc tội ông Lê Văn Dũng theo Điều 88”.
Ông Lê Văn Dũng, 51 tuổi, còn được biết là Lê Dũng Vova, bị bắt hồi cuối tháng 6/2021 ở Hà Nội sau khi ông đăng một số đoạn video và bài viết trên Facebook và YouTube trong đó ông nêu các vấn đề bức xúc của người dân, bình luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội, bao gồm cả cung cấp thông tin về pháp luật và các quyền cơ bản.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018, ông Dũng “đã làm, đăng tải lên internet 12 clip có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước, phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lời nói sau cùng của ông Dũng tại tòa cho biết: “Tôi không tranh cãi về mặt pháp luật với tất cả các hệ thống pháp luật trên thế gian hiện nay”.
Trong khi đó luật sư Hà Huy Sơn thuật lại lời ông Dũng, nói:
“Tại tòa, tinh thần của ông Dũng tỉnh táo, bình tĩnh. Ông ấy phát biểu rằng việc cáo buộc ông ấy vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999 dựa trên kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội là không có căn cứ pháp luật, không theo một tiêu chuẩn, quy định nào cả và ông ấy cho rằng ông ấy vô tội”.
Luật sư bào chữa Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook sau khi phiên tòa kết thúc: “Ông Lê Văn Dũng thừa nhận hoàn toàn các hành vi mà cơ quan an ninh điều tra truy cứu, cụ thể là các clip mà ông ấy đã post công khai trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, ông vẫn nhất quán bác bỏ quan điểm cho rằng các phát ngôn trong các clip ấy là bất hợp pháp”.
Cũng tại phiên tòa này, ông Nguyễn Văn Son, 66 tuổi, chú của ông Dũng, bị phạt 18 tháng tù treo về tội “Che giấu tội phạm” do đã cho ông Dũng ở nhờ khi ông Dũng bị truy nã mà không tố giác.
Bà Bùi Thị Huệ, vợ của ông Dũng, cho VOA biết bà và mẹ của ông Dũng không được phép tham dự phiên tòa, mặc dù phiên tòa được thông báo xét xử theo thủ tục công khai. Bà Huệ chia sẻ trên Facebook: “Chỉ được thấy anh từ xa”.
Các luật sư cho biết ông Dũng sẽ kháng cáo.
HRW giục Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc với ‘nhà báo công dân’ Lê Văn Dũng
Hôm 22/3, một ngày trước khi diễn ra phiên xử sơ thẩm ông Dũng, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí thúc giục chính quyền Việt Nam “cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị nhằm vào nhà bình luận xã hội Lê Văn Dũng”.
“Lê Văn Dũng là một trong hơn 60 người dân đang bị nhà cầm quyền Việt Nam truy tố hoặc giam cầm chỉ vì lên tiếng phê phán chính quyền”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW, nói trong bản thông cáo báo chí. “Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục coi bất cứ lời phê phán chính quyền nào cũng là nguy cơ nghiêm trọng phải đưa ra truy tố với mức án tù nặng”.
HRW kêu gọi các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần gây sức ép để Hà Nội “lắng nghe những người lên tiếng phê bình thay vì đàn áp họ”.
Ngay sau khi ông Dũng bị bắt, các tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và Phóng viên Không Biên giới (RSF) đồng thanh kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.
Trái ngược những chỉ trích từ các tổ chức và chính phủ nước ngoài, trong nhiều dịp khác nhau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và các chính khách nước này vẫn thường khẳng định rằng Việt Nam chỉ nghiêm trị những người vi phạm pháp luật, không có chuyện Việt Nam trấn áp giới bất đồng chính kiến.
+++++++++++++++++++++++++++
Việt Nam phản đối giải thưởng Mỹ trao cho Phạm Đoan Trang
Truyền hình VOA 18/3/22
18/03/2022
Việt Nam hôm 17/3/2022 nói hành động của Hoa Kỳ trong việc trao giải thưởng ‘Phụ nữ can đảm quốc tế’ (IWOC) cho nhà báo Phạm Đoan Trang, hiện đang bị cầm tù, là thiếu khách quan và không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước.