Ảnh vệ tinh: Phi đạn Trung Quốc bố trí tại Phú Lâm Hoàng Sa

18 Tháng Hai 201610:41 CH(Xem: 12695)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 19 FEB  2016

Ảnh vệ tinh mới nhất: Tên lửa Trung Quốc tại Hoàng Sa

 image104

Tên lửa Hồng Kỳ (HQ-9) được phô trương tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2009. Ảnh minh họaJian Kang - Wikipedia

Vào lúc các lãnh đạo Mỹ và ASEAN thảo luận về cách ngăn chặn việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, ảnh vệ tinh mới nhất xác nhận : Bắc Kinh vừa triển khai một hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên quần đảo Hoàng Sa. Đài truyền hình Mỹ Fox News vào hôm qua, 16/02/2016 đã công bố ảnh vệ tinh mà họ vừa có được, cho thấy các giàn phóng tên lửa địa đối không Hồng Kỳ HQ-9 trên đảo Phú Lâm,

Trên ảnh vệ tinh dân sự mà hãng ImageSat International chụp được hôm 14/02, người ta thấy hai khẩu đội gồm 8 bệ phóng tên lửa phòng không, cùng một hệ thống radar được đặt trên một bãi biển trên đảo Phú Lâm. Theo Fox News, giàn tên lửa này mới được triển khai trên đảo, vì ảnh vệ tinh chụp trước đó vào ngày 03/02 không thấy có hệ thống phòng không này.

Một quan chức Hoa Kỳ đã xác nhận tính chính xác của các bức ảnh vệ tinh. Theo quan chức này, ảnh chụp được cho thấy là tên lửa được triển khai thuộc loại Hồng Kỳ HQ-9, một hệ thống phòng không gần giống với tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có tầm bắn 125 dặm, do đó sẽ trở thành hiểm họa cho bất kỳ loại phi cơ nào – dân sự cũng như quân sự - bay gần đảo Phú Lâm.

Đối với Fox News, sự hiện diện của các tên lửa phòng không này tại Hoàng Sa là bằng chứng mới về việc Trung Quốc đang ngày càng « quân sự hóa » những hòn đảo mà họ chiếm đóng tại Biển Đông, làm cho tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.

Trả lời đài truyền hình Mỹ, một quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận là Lầu Năm Góc vẫn theo dõi sát tình hình. Nhân vật này nhắc lại : « Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tranh chấp phải ngừng khai hoang đất đai, xây dựng, và quân sự hóa các thực thể địa lý trong khu vực Biển Đông ».

Dẫu sao thì việc triển khai tên lửa phòng không tại Hoàng Sa nằm trong chiến lược của Trung Quốc, được báo chí nước này liên tiếp nêu lên, đặc biệt sau vụ Hoa Kỳ bất ngờ cho chiến hạm USS Curtis Wilbur tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa hôm 30/01 vừa qua.

Việc triển khai này cũng đi ngược lại các cam kết trấn an của giới lãnh đạo Bắc Kinh là sẽ không quân sự hóa Biển Đông, từ tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho đến gần đậy là lời khẳng định của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhân một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh khi ngoại trưởng Hoa Kỳ ghé thăm Trung Quốc vào tháng Giêng.

Vào khi ấy, ngoại trưởng Trung Quốc đã công khai tố cáo những ai cho rằng Bắc Kinh không biết giữ lời hứa là sẽ không quân sự hóa các đảo đang tranh chấp : « Trung Quốc đã đưa ra một cam kết là không tham gia vào cái gọi là quân sự hóa, và chúng tôi sẽ tôn trọng cam kết đó. Chúng tôi không thể chấp nhận các cáo buộc theo đó lời nói của Trung Quốc không kèm theo hành động ».

Có điều là Bắc Kinh luôn luôn để mở khả năng triển khai vũ khí đến các đảo đã lấn chiếm hay đánh chiếm của nước khác, nhưng được họ luôn luôn cho rằng thuộc chủ quyền « không thể chối cãi » của Trung Quốc « từ ngàn xưa ».

Trong cuộc họp báo kể trên với ông John Kerry, ngoại trưởng Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh có quyền triển khai vũ khí để bảo vệ các đảo của mình : « Các quần đảo ở Biển Đông đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ trong lịch sử. Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình ».

Chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Quần đảo này đã bị Trung Quốc chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, và từ đó đến nay đã không ngừng khẳng định quyền kiểm soát của họ, xem đấy là lãnh thổ của Trung Quốc mà không bên nào khác được quyền tranh chấp./  

Trọng Nghĩa 17-02-2016 10:52

++++++++++++++++++++++++++++++

Trung Quốc bố trí phi đạn ở Hoàng Sa

 

image105

Ảnh vệ tinh cho thấy các công trình xây dựng gần đây của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm.

Bill Ide

BẮC KINH—

Các giới chức Đài Loan và Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã bố trí phi đạn địa đối không trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng và quần đảo Tây Sa. Sự xác nhận này được loan báo trong lúc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kết thúc một hội nghị thượng đỉnh có tính chất lịch sử tại California với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó ông hối thúc các bên ở Biển Đông tự chế và ngưng các hoạt động quân sự hoá trong vùng biển có tranh chấp. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường thuật từ Bắc Kinh.

Tin về việc Trung Quốc bố trí phi đạn trên đảo Phú Lâm đã được loan tải lần đầu tiên bởi đài truyền hình Fox News của Mỹ, dựa trên những hình ảnh của công ty vệ tinh tư  nhân ImageSat International.

Theo bản tin này, những hình ảnh đó cho thấy hai đơn vị phi đạn địa đối không và một hệ thống ra đa được triển khai trên đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1956.

Sau đó, một giới chức quốc phòng Mỹ xác nhận tin của Fox News.

Và người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đài Loan, Thiếu tướng La Thiệu Hoà, hôm nay cũng xác nhận tin này và nói thêm rằng “các bên liên hệ nên làm việc chung với nhau để duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và không nên có hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng.”

Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Julie Bishop của Australia ở Bắc Kinh ngày hôm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không phủ nhận tin này, nhưng ông tỏ ý chê trách các cơ quan truyền thông phương Tây.

"Vài phút trước đây tôi mới có người nói với tôi về những tin tức này. Tôi nghĩ rằng có lẽ đây là cách làm việc của một số cơ quan truyền thông Tây phương nhằm 'chế tạo tin tức'".

image108

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tại Bắc Kinh, ngày 17/2/2016. Ông Vương tuyên bố Trung Quốc có quyền thiết lập cơ sở quân sự trên những hòn đảo ở Biển Đông.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc cho rằng truyền thông Tây phương nên chú ý tới những ngọn hải đăng và những cơ sở dự báo thời tiết mà Trung Quốc xây dựng trên những hòn đảo ở Biển Đông.

"Tôi hy vọng giới truyền thông, kể cả truyền thông Tây phương, chú ý nhiều hơn tới những ngọn hải đăng mà chúng tôi xây dựng trên những hòn đảo chúng tôi trú đóng. Những ngọn hải đăng này góp phần bảo vệ an toàn hàng hải cho tàu bè. Chú ý nhiều hơn tới những cơ sở dự báo thời tiết mà chúng tôi sắp xây dựng. Chú ý nhiều hơn tới những cơ sở mà chúng tôi sắp xây dựng để làm nơi trốn bão cho tàu bè các loại và cho những hoạt động ứng cứu trên biển. Đó là những sản phẩm phục vụ công chúng mà chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho cộng đồng quốc tế trong tư cách là nước ven biển lớn nhất ở Biển Đông."

Tại cuộc họp báo hôm nay, Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop, một lần nữa kêu gọi các bên ở Biển Đông tự kiềm chế.

"Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn và đầy đủ về Biển Đông. Chúng tôi một lần nữa khẳng định là chúng tôi không ngả về bên nào trong vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng chúng tôi muốn duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi thúc giục  Trung Quốc và các bên liên hệ ở Biển Đông tự chế và giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hoà bình."

Bắc Kinh nhiều lần nói rằng họ không có ý định quân sự hoá Biển Đông, nhưng hôm nay Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc có quyền thiết lập cơ sở quân sự trên những hòn đảo ở vùng biển này.

"Về việc Trung Quốc xây dựng những cơ sở có tính chất hạn chế, có tính chất cần thiết trên những hòn đảo mà chúng tôi trú đóng, điều đó hoàn toàn phù hợp với quyền tự vệ mà luật pháp quốc tế dành cho một nước có chủ quyền."

Một số nhà quan sát cho rằng việc bố trí phi đạn trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có ý định thực hiện thêm những hoạt động quân sự hoá trong vùng quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đã ráo riết xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo trên những bãi cạn và đảo san hô mà Việt Nam và Philippines cũng có yêu sách chủ quyền./

02 Tháng Bảy 2024(Xem: 1474)
Lần thứ hai, Manila đệ nạp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) Liên Hiệp Quốc văn kiện mở rộng thềm lục địa ở Biển Tây Philippines