Tuệ Sỹ: Vị Thiền sư đi gánh ‘Pháp nạn’

14 Tháng Mười Hai 20237:16 SA(Xem: 1772)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA - THỨ BẨY 17 FEB 2024


Công án Thầy Tuệ Sỹ - CHƯƠNG II


Tuệ Sỹ: Vị Thiền sư đi gánh ‘Pháp nạn’

image003image005

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

17/2/2024

Tiếp theo Chương I: Công án Thầy Tuệ Sỹ - Dẫn nhập


Trang sử Phật cũng là trang sử Việt

Trải bao độ hưng suy, dẫu nguy mà chẳng mất.

(Vũ Hoàng Chương)

Đúng, khi thế giới vận động, chỉ có vấn đề giữa những người ngang nhau về quyền lực, trong khi kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu.

(Triết gia Hy Lạp cổ đại)

"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này".

(Hermann Hesse) (*)

“Cộng sản kỵ nhất hai mẫu người: lỗi lạc trong đảng và bất khuất trong tù. Lỗi lạc sẽ tái hiện một Gorbachev, bất khuất sẽ tái hiện một Mandela. Cả hai mẫu người này đều có ở Việt Nam.” (lkt)


I. Thầy Tuệ Sỹ dấn thân hay tránh nạn? 


1. Đạo sĩ Thi nhân đi làm rẫy, đi lên rừng núi Trường Sơn


*


Ở Chương I, chúng tôi đã nói năm 1973 – năm định mệnh của Thầy Tuệ Sỹ. ‘Con đường cái quan’ quốc lộ 1 dẫn Thầy rong ruổi gánh hàng hoa Bát Nhã đi lên mạn ngược. Vì sao thầy không về xuôi mà lên mạn ngược để chuốc lấy tâm khổ não? Vì nhà sư không chỉ gõ mõ tụng kinh mà phải (nhận) – gánh lấy nạn khổ của trần gian để chia sớt cái điên dại của dân tộc chăng!


Thì ra cái quang gánh định mệnh mà Thầy Tuệ Sỹ gánh là cơn lũ ‘Pháp nạn’ của Dân tộc, đặc biệt ở miền Nam VN từ những năm 1960-1963-1975-1981-1984-1988-…


Suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, Đạo Phật luân lưu với đời sống tộc Việt, Vương quốc Việt. Tùy vào sự cai trị trí-đức-hạnh của từng triều đại, lúc thịnh lúc suy, lúc cùng cực nguy biến, bậc chân tu gióng lên khúc tình chung của Thích Ca – không phải để trả thù, không phải để thỏa căm hận hay để thách đố, Tình chung không trả thù người, Khuất thân cho trọn một đời luân lưu.” (Một bóng trăng gầy). 


Thầy Tuệ Sỹ thảng thốt về ‘một buổi sáng mắt bỗng đầy quá khứ’. Một quá khứ hào quang sáng lạn và tối đen u uẩn hôm nay. Thầy có cần thiết cái hào quang quá khứ không? Không – Vì buổi sáng hôm nay cơn lũ đỏ đang chảy về nam cuồn cuộn. Thầy cũng không phải là nhà ‘thừa sai’ văn hóa, tư tưởng hay chính trị của triều đình, của thể chế, thậm chí của ‘đế quốc’. Nhà sư chống gậy trúc ra đi để thực hiện sứ mạng Nghiệp lành mà Bụt đã dành cho nhà sư, trong lúc Nghiệp dữ như mũi tên tẩm thuốc độc bắn đi từ phương bắc xa xôi – không thể chối cãi;


Thế nhưng. cách nào để giải nghiệp? Thiền sư Nhất Hạnh đã một lần về mở trai đàn giải oan. Bế tắc.


Con người chỉ thoát Nghiệp bằng cách làm trọn Nghiệp. Người chiến sĩ phải tranh đấu vì Công lý không thể trầm tư trong tịnh diệt đời đời. Trốn nghiệp không bao giờ thoát nghiệp. Đó chỉ là một hành vi hèn nhát của kẻ không xứng đáng làm người, không thể nào đến Nát bàn được. (Jiddu Krishnamurti).


Đúng, khi thế giới vận động, chỉ có vấn đề giữa những người ngang nhau về quyền lực, trong khi kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu. (Triết gia Hy Lạp cổ đại).


Ở đời “rất khó có vĩ nhân cưỡng lại lịch sử, hãy cứ tạm để cho lịch sử tung hoành”; thầy Tuệ Sỹ, vị thiền sư muốn gánh cái quang gánh một bên là kẻ mạnh một bên là kẻ yếu – không phải dễ. “Chỉ có nan hành khổ hạnh mới có thể cứu sống được đời” (HH). Ôi, đôi vai nhật nguyệt trơ xương của nhà sư chiều hôm trăng khuyết có thể gánh cái quang gánh bụi đời nổi không!


Ta thử soi bóng lại quá khứ du hành mới đây xem sao.


**


Ở chùa Hải Đức Nha Trang từ năm 1973 đến 1976, Thầy Tuệ Sỹ về làng Vạn Giã làm rẫy. Xem ra làm rẫy cũng yên mà cũng băn khoăn. Không phải Thầy vui với thú điền viên mà thấm thía những giọt mồ hôi của người lao động. Mồ hôi lao động khác gì mồ hôi kẻ sĩ. Nhưng khổ thay, chí của kẻ ‘rong chơi từ hỗn độn’ không chịu triền miên trong trầm tư cô tịch, Thầy bèn chống gậy leo lên dãy Trường Sơn bạt ngàn huyền hoặc. Đất trời. Rừng núi. Những cụm mây xám dày đặc trên không phủ kín tấm thảm xanh khổng lồ bên dưới dấu giếm vô số bí mật.


Trường Sơn. Dãy núi huyền thoại trùng trùng điệp điệp là giấc mơ giải phóng hay là nghĩa trang vĩ đại?


Ở đó, đêm đêm những cặp mắt đèn pha sáng rực gầm rú dưới vòm lá thấp. Ở đó, tiếng đại bác, đại pháo ì ầm vọng từ bên này chiến lũy bên kia chiến hào. Ở đó, tiếng hò hét xung phong rợn người. Ở đó, những đoàn quân ma ẩn hiện, những tín hiệu điện tử tinh quái báo hiệu trận say máu rùng rợn cuối cùng sắp diễn ra.


Bấy lâu nay trên chiến địa quê ta phơi xác ta. Say trong khói súng hăng hắc, người lính hai bên bốc lên máu thù tiền kiếp, giết, giết hết ‘quân thù huynh đệ’. Nhưng thật lạ lùng, chẳng có người lính bên nào xưng mình là anh hùng. (Vậy mà người ta vẫn khoác lên cái áo anh hùng cho người lính.).


Phải chăng mệnh số dân tộc này là phải đê đầu chịu đựng cơn sóng tràn núi lở – kẻ thắng người thua rồi đêy sẽ tự mình ‘chôn’ mình, chôn nền hòa bình mà đế quốc chủ nghĩa ban ân huệ cho nước Việt dân Việt. Ôi! Thắng-Thua- Nhục.


(thêm: ngày 2/5/1975, có một viên tướng thắng trận dõng dạc tuyên bố tại dinh Độc Lập Sài Gòn: "Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng”; “triệu người vui triệu người buồn”. Hay đáo để. 


Nhưng rồi, lời tiên tri:


Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu.


(thêm: theo Thầy Phước An, Tuệ Sỹ làm hai câu thơ trên khi đang làm rẫy tại núi rừng Vạn Giả, khoảng cuối năm 1977)


lời tự nhận:


Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá.


Tại sao lại phải “Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá”? Mỵ ngữ? Không có gì khó hiểu.


Triết gia Phạm Công Thiện giải ảo: “Nghe nói lúc băng rừng vượt núi trong thời gian đấu tranh bí mật để liên lạc giao kết với mặt trận rừng núi cao nguyên, trên những ngọn đèo trùng điệp của quê hương;” “Tuệ Sỹ không để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời sống cá nhân thường nhật của mình.”


Dường như chưa đủ nghĩa, Phạm Công Thiện “tố” thêm: – Đời sống cá nhân thường nhật đã vắng mặt; còn cá tính đã được bôi sạch hay đã được ẩn giấu nhẹ nhàng đâu đó; (1).


Thật ra, Tuệ Sỹ từng thú nhận:


Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ



Một lần ngại trước thông già cung kỉnh
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?


(Không Đề)


Bốn lần ‘một lần’ trong đời nhà sư, trong đó có một lần nông nổi và một lần lầm lỡ. Một lần ác nghiệt, không tránh nổi.


Đời người thường, chỉ một lần thôi đủ chết lên chết xuống, đủ lên mây xuống gió, đủ hào quang đen đủi, đủ mặn nồng trần tục, đủ đỏ, vàng, xanh, trắng …, đến khi biết ra lẽ vô thường mà vẫn giữ được cốt cách ung dung tư tại trong cái xã hội hỗn độn…, may ra mới ngộ.


Song, Nguyên Tánh Phạm Công Thiện viết Tuệ Sỹ “băng rừng vượt núi” để làm gì?


Giả sử như để xem tư tưởng Chủ nghĩa Tự do Tư bản phương Tây có “tích hợp” với “Thiên đường Marxism-Chủ nghĩa Xã hội phương Đông”; giả sử như đem cái chất lãng mạn tư sản phương Tây ‘mềm hóa’ cái búa thép đã tôi thế đấy. (Paven/ Nikolai Alekseyevich Ostrovsky); giả sử như đem ông Thiện song đấu với ông Ác một trận để đời phân liệt thắng bại;


Thể nào chả có lần hai nhà sư uyên bác tư tưởng Thích Ca, một bên đầy ắp triết học thi ca tư sản lãng mạn phương Tây, một bên hiện thân của duy lý khoa học duy vật sử quan Karl Marx-Engels – tranh luận về các vấn đề của nhân loại, về các vấn đề của dân tộc, về nền chuyên chế miền Bắc, về nền Cộng hòa non trẻ mới khai sinh ở miền Nam;


Những lúc này, bản thể của hai người bạn chí cốt bộc lộ tư tưởng qua từng phạm trù khách thể, chủ thể, mọi ‘chân ngôn’ được xét lại; “nếu loài người duy vật thật – chỉ có khoa học của vật chất luật tắc; nếu loài người duy tâm thật – chỉ có tông giáo qua thần thức.” (HH); 


Dưới đáy hồn lương tâm Luy Lâu, hai thầy Tuệ Sỹ-Trí Siêu đã vượt qua khuôn sáo của dòng lý luận tư sản, tiểu tư sản, dòng lý luận chuyên chính, vô sản bỏ qua thời kỳ quá độ tiến thẳng lên tư bản đỏ … Hai thầy cố bày ra nền móng Thiền đường làm con đường đạo lý, Thầy Trí Siêu thâm trầm sâu kín, Thầy Tuệ Sỹ chống gậy lên đường để tận mắt thấy:


Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy,
Thịt xương người vung vãi lối anh đi.


Dù sao, hiếm có thay giây phút lý tính và cảm tính của hai lữ khách thiền môn-tính-tâm-thân-mệnh cuộn lên những con sóng bạc đầu tung hoành tóe tung bèo bọt.


Thật ra, cố biện minh tư tưởng của hai vị thiền sư lớn chỉ làm trò cười cho khập khiễng; nhưng truy tới cùng, phó sản của tư bản và cộng sản chỉ là đau khổ, đời đời đau khổ mà kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu.


Thôi thì,


Đời khách lữ biết bao giờ yên nghỉ,                                     
Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai.
Để một thoáng giấc mơ còn kinh dị,
Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay.


image007Bên dòng suối uyên nguyên, “Ta đứng mãi trên suối ngàn vĩnh viễn,
Mộng vô thường máu đỏ giữa hoàng hôn” “Để một thoáng giấc mơ còn kinh dị.”
Ảnh tài liệu không ghi chú thích.


***


Ai nói Giấc mơ Trường Sơn không vỡ mộng, vì nông nổi, vì lầm lỡ, vì huyền thoại?


Vì máu người Việt vẫn loang ở buổi hoàng hôn. Vì thịt xương người Việt vẫn vung vãi trên các nẻo đường bìa rừng ven sông bờ suối. Vì sức mạnh của đạn bom rải xuống cứ lấy xác người mà đếm. Vì thế sự thăng trầm ròng rã đè lên đại khối bình dân năm này năm nọ. Vì giấc mơ Nam Kha của các bộ óc vĩ cuồng lúc bừng tỉnh thì cái ác ô uế đã hiện bên cạnh cái thiện hiền lương.


Đôi khi ảo vọng khác chi huyền thoại, huyền thoại mù. Nhiều người vẫn thích ôm lấy huyền thoại mù. Chắc chắn đạo sĩ thi nhân Tuệ Sỹ không khoác cho mình cái ảo vọng. Thầy vốn có sẵn cái áo cà sa mỏng bạc màu dính trên thân gầy từ tấm bé.


Suốt đời tu hành, viết sách, Tuệ Sỹ - một lần nữa, Thầy viết Mỵ ngữ để nói thay cho bản thể thanh tịnh. Hạt giống của bản thể thanh tịnh là hạt giống của bi tráng và nan khổ hạnh. Tuy có nhiều cái nhìn theo luật lệ của họ khoác áo mới cho thầy; phất cà sa xuống núi, trên con đường đời thầy viết Mỵ ngữ – Huyền thoại Duy-Ma-Cật là món nợ tình giải nợ cho thế gian.


Trước hết và trên hết, nhà tu có bao giờ vọng tưởng đến thế tục của bọn tục, sợ hãi trước bạo quyền, mê hoặc trước tiền tài danh vọng, chập chờn trong mùi Đạo lẩn khuất mùi Đời; “Mùi phú quý nhữ làng xa mã, Bã vinh hoa lừa gả công khanh” (Cung Oán Ngâm Khúc).


Gạt bỏ mọi tục, Tuệ Sỹ, đúng là một chiến sĩ thuần lương, là ngọn cỏ trước cuồng phong,


Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại,
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy.
Ôi hạnh phúc, anh thấy mình nhỏ bé,
Chép tình yêu trên trang giấy trắng thơ ngây.


Một khi hình hài soi bóng bên nguồn suối trong, mặt nước lững lờ, cuồn cuộn, đáy nước lunh linh, – ta là ai, ta đang đứng ở đâu, ta đang sống gì; thoảng nghe mệt nhọc, ta ngồi dưới gốc thông già oai vệ cô đơn vi vu trên đồi gió nghe gió tự tình, “phương trời viễn mộng” sẽ vỡ mộng huyền thoại, sẽ hóa kiếp thành hương của gió “tan theo biển bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không.” (Di chúc)


image009“ngồi dưới gốc thông già oai vệ cô đơn vi vu trên đồi gió nghe gió tự tình,” “phương trời viễn mộng” sẽ hóa kiếp ta thành hương của gió... Ảnh tài liệu không ghi chú.


(thêm: Trong vô số các bài viết về Thầy Tuệ Sỹ khi nghe tin thầy viên tịch, Tiến sĩ Triết học Nguyễn Hữu Liêm (ở San Jose-California) có cái nhìn riêng:


“Thầy Tuệ Sỹ (từ đây Tuệ Sỹ) là một hình ảnh biểu hiện những đức hạnh của một tăng sĩ đạo Phật - từ vóc dáng thân thể đến lập trường, quan điểm trên bình diện thế gian.”


Rõ ràng hơn, Ts Liêm viết: “Khởi đi từ văn hóa miền Nam trước 1975, Tuệ Sỹ xuất hiện theo cao trào Phật giáo lãng mạn mang hương vị hiện sinh trong một giai thời hỗn loạn”; “Phật học đối với Thầy cần hương vị văn thơ để cho tư duy được chuyển động. Đạo lý đối với Thầy cũng giống như thi văn, triết học. Những lý luận về tánh không, hư vô, hay thiền học đều ít nhiều mang nội dung thi ca” … “Tuệ Sỹ đã như là một chiếc bè mong manh giữa biển sóng mạt pháp của nhà Phật” (NHL/BBC 27/11/2023).


Biển sóng mạt pháp của nhà Phật? Nghe kinh khiếp quá.


Thú thật, từ lâu tôi nghi ngờ về hai chữ “mạt Pháp.” Pháp của Phật đã mạt? hay Ta mạt khiến cho người đời tưởng là Pháp mạt?


2. Nghe chim rừng đổi giọng, về Gà Lam, đi tù gulag


*


Thế rồi, “Một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng” nhà thơ du thủ ẩn nấp ở Vạn Giã hiu quạnh, nghe lời gọi của Ht Trí Thủ (2), thầy Tuệ Sỹ xuống núi trở về cái nôi ấp ủ thời còn là chú tiểu: Chùa Già Lam. Mái chùa che chở chú tiểu ngày xưa đó có lần cao ngạo đòi xô dạt bóng thiên thần.


*


Về đi lữ khách đường xa lắm,

Cát bụi thời gian vướng đã nhiều,

Thanh thản ngủ trong lòng đạo cả,

Cho hồn thơ ấu được nâng niu.

(Nhất Hạnh)


II. Các giai đoạn tranh đấu của GHPGVNTN


Từ năm 1977 trở đi, chúng tôi tạm chia ra từng giai đoạn:


1. Giai đoạn 1 từ năm 1977, 1978 đến 2003: Thầy Tuệ Sỹ rời Vạn Giã, bị bắt, đi tù, ra tù, nhập thân tranh đấu với hai Ht Huyền Quang và Quảng Độ


*


Năm 1977, rời Vạn Giã, Thầy Tuệ Sỹ về lại chùa Già Lam. Thầy được Ht Trú Thủ giao công việc “quản thủ Thư viện Phật học” và cấp cho thầy một căn phòng nhỏ trên tầng trên, bên trái, gần đại hồng chung, thầy đặt tên là Thị Ngạn Am. Thị Ngạn Am là bộ tư lệnh rèn luyện sức mạnh cho cuộc đấu tranh quốc cộng, là nơi tâm đạo và trí đạo tỏa hào quang. Thị Ngạn Am là nơi mà ba trái tim tam muội Ht Trí Thủ, Ht Huyền Quang và Ht Quảng Độ đốt lên ngọn lửa giác ngộ, luận bàn kế hoạch thống nhất tranh đấu cho sự tồn tại, phục hoạt sinh lực GHPGVNTN. 


image011Thầy Tuệ Sỹ và “Thị Ngạn Am”. Nguồn ảnh: Nguyễn Thị Khánh Minh (VB 19/12/2023….) Ảnh không ghi rõ thời gian chụp.


**


Đầu năm 1978, kiếp nạn ập tới. Theo tin tức, Thầy Tuệ Sỹ bị bắt cùng một lúc với Thầy Trí Siêu ở chùa Già Lam.


Vì sao công an bắt hai người cùng một lúc ở chùa Già Lam? Thầy Tuệ Sỹ thường trú ở Thị Ngạn Am thì ai cũng biết, còn Thầy Trí Siêu có ở Già Lam thường xuyên không hay thỉnh thoảng có việc mới đến? bắt hai thầy, công an quy “tội” là thành viên cao cấp hoạt động cho GHPGVNTN.


Vì sao công an không bắt ba hòa thượng lãnh đạo của GHPGVNTN mà lại bắt hai bộ óc tham mưu?


Có thể vì mới có ba năm “tiếp thu” miền Nam, đảng Cs chưa yên bề được quốc nội còn phải lo đối ngoại với quốc tế, nhất là phe quốc tế Nga-Tầu, nên không muốn động thủ nặng đến GHPGVNTN, thực tế vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng Phật tử miền Nam. Bắt ba hòa thượng Trí Thủ, Huyền Quang, Quảng Độ sẽ gây làn sóng bất mãn trong xã hội, quốc tế sẽ gióng lên nhà nước Cs mới thống nhất đất nước đã vi phạm trầm trọng nhân quyền, dân quyền.


Biện pháp hay nhất là nhốt Thầy Tuệ Sỹ trong “trại cải tạo” 3 năm, trại cải tạo là tác phẩm gulag của Stalin được nhà nước ta cải biến. Xin nhắc, gulag cải tạo không có chế độ ưu đãi nhà tu. Nhà tu lao động ăn uống ngủ học tập xếp hàng báo cáo cán bộ chẳng khác gì vô số sĩ quan chế độ Sài Gòn đang ủ tờ.


Ba năm cực hình thầy biết thế nào là gulag; (trước đây gulag chỉ trong sách vở, hoặc trong “Tội ác và Hình phạt/ Fyodor Dostoevsky”). Ba năm “cải tạo” thầy thấy cảnh địa ngục trần gian, thầy cám cảnh người Việt đối đãi người Việt, kẻ Bắc người Nam không thật như nhạc sĩ vàng chơi giutar đỏ họ Trịnh sáng tác (Thầy Tuệ Sỹ vốn là nhạc sĩ piano nên chắc chắn ở Sài Gòn thầy phải nghe danh tiếng Trịnh Công Sơn); một lần đi lao động, lỡ mà Một sớm hụt chân rơi vách núi” thì về nằm chung với bãi tha ma chôn vùi chôn lấp tư tưởng mang xuống tuyền đài chưa tan.


Trong sâu thẳm của cái gọi là cuộc chiến huynh đệ tương tàn không giống ai, ở ‘bên kia sông là ánh mặt trời’ (Nguyễn Đức Quang), có rất nhiều người “đi theo tiếng gọi từ trái tim mình” (Vũ Trọng Hối) bị lừa chết đứng như Từ Hải, cũng có rất nhiều người ở phía bên này được tô vẽ “ta thấy hình ta những miếu đền”!


(thêm: Miếu đền ở trại cải tạo linh thiêng lắm. Trại Ba Sao Nam Hà là một trong những trại gulag nổi tiếng có chùa thờ linh vị mấy trăm cải tạo chết.).


image013Một trong các trại Gulag tập trung tù nhân ở Siberia, Nga Xô Viết thời Staline. Ảnh tài liệu.


image015Số 4 Phan Đăng Lưu khét tiếng là cơ quan điều tra của công an Tp HCM. Ảnh chụp không ghi rõ năm tháng. Google images.


Than ôi,


Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng ngà lụa trắng trải ngàn cây
Khuya lành lạnh gió vào run bóng quỷ
Quỷ run run hôn mãi đống xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đầu lửa ma trơi
Khi tâm tư chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời.


(Ngồi giữa bãi tha ma)


Tánh của “một nhà thơ ẩn trong một nhà tu” (Nguyễn Đình Toàn) là tánh không. Những vần thơ nhà thơ viết trong tù (1978-1981 & 1984-1988) tuyệt không mang âm hưởng thù hận, cũng không kém ác mộng, bởi “Đứng bên đường nghe mối hận lên cao”; vì sao, vì yêu em? Em là ai?


Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy,
Thịt xương người vung vãi lối anh đi.
Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy,
Vì yêu em trên cây lá đọng sương mai.


 (Ác mộng rừng khuya – Tuệ Sỹ)


Mỵ ngữ! Ô hô, trong đói rách nhục hình lao động khổ sai đã nẩy ra bậc thiên tài thơ ca mỵ ngữ.


Mỵ ngữ của Tuệ Sỹ vút bay lên đến tận cùng của chữ nghĩa ở trong lao tù. Đỉnh cao chói lọi của ngôn ngữ cao siêu đến đâu mà ở tù gulag trại cải tạo cũng khó chống lại cái đói triền miên năm này qua năm nọ. Gulag trại cải tạo đi đôi với đói. Đói làm tê liệt mọi sức phản kháng – “bưng bát cơm trong tay mà những giọt lệ thầm rơi lã chã” (Nguyễn Minh Cần/Moscow).


(thêm: thời VNCH, hết thanh tra Mỹ này đến phái đoàn Mỹ nọ đi ‘thăm’ khám Chí Hòa, nhà tù Côn đảo xem tù nhân Cs có bị bỏ đói không!!!)


Không riêng Thầy Tuệ Sỹ như nhà phản kháng Nguyễn Minh Cần viết, những người tù ruột thịt miền Nam bưng bát cơm tù mà chưa vội nuốt, còn chần chừ;


(thêm: ai có xem phim The Pianist nhớ cảnh anh chàng nhạc sĩ Ba Lan trốn ở trên gác xép căn nhà hoang được viên sĩ quan Đức Quốc Xã cho ổ bánh mì kèm gói confuture, nhạc sĩ nhà ta quệt ngón tay đưa lên miệng mút, mắt lim dim … thiệt ra nhạc sĩ Ba Lan thua xa sĩ quan cải tạo miền nam khi  nhận được gói quà nước mắt chỉ dám ngậm ¼ cục đường đen mà không dám nuốt, sợ nó tan đi).


Phụng từ ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn.


Tạm dịch:


Hai tay dâng bát cơm tù
Cúng dường Tối Thắng Đại Từ Thế Tôn
Cõi trần máu hận trào tuôn
Tay bưng bình bát lặng thầm lệ rơi.


(Cúng dường, Tuệ Sỹ/Mượn dấu thời gian, Nguyễn Minh Cần)


image017Bức ảnh duy nhất do Phóng viên Mỹ trong đoàn Báo chí Quốc tế đi thăm trại cải tạo Hàm Tân năm 1988; thời điểm này nhà nước CsVN thỏa thuận với Hoa Kỳ thi hành chương trình tái định cư cho tù chính trị. Nguồn ảnh cung cấp từ cựu Đại tá Lê Thương (Quân lực VNCH), được chụp lại trên báo Người Việt. Trong số những sĩ quan đang chống cuốc nghỉ lao động, người đứng thứ tư (từ trái) là Tướng Lê Minh Đảo, nguyên tư lệnh Sư đoàn 18-Long Khánh.


***


Năm 1981, hết ba năm, công an trả thân da bọc xương Tuệ Sỹ về chùa Già Lam, (quản chế dưới chế độ ba không: không hộ khẩu, không lương thực, không thẻ mua lương thực hợp tác xã).


Đặc biệt, không thấy thông tin nào về Thầy Trí Siêu, người bạn chí cốt từ thời còn để tóc ở vào giai đoạn u sầu ảm đạm này. Thầy Trí Siêu biệt tăm. Thầy bị nhốt ở chỗ nào hoặc được thả từ lúc nào? Từ năm 1981 đến năm 1984, hành tung của Thầy Trí Siêu khá bí ẩn, không “để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì”, dấu vết gì.


(thêm: Tôi nhớ lại từ sau ngày 30/4, cả nước miền nam mặc “quốc phục bà ba đen”, những tấm drap trải giường trắng nuốt bị nhuộm đen may thành bộ bà ba đen bán ngoài chợ trời để bà con mặc cho hợp thời trang.).


image019Trí Siêu (bên trái) và Tuệ Sỹ (bên phải) thời còn để tóc. Nguồn ảnh không ghi rõ thời gian.


****


Năm 1984, biến cố: Có nguồn tin khả tín cho rằng ngày 03 tháng Tư năm 1984, Ht Thích Trí Thủ “đột ngột qua đời” ở Bệnh viện Thống nhất. Cánh chim đại bàng đầu đàn GHPGVNTN và GHPGVN về dưới chân Đức Phật không để lại di chúc.


Ht Thích Trí Thủ là một vị cao tăng rất đặc biệt sau 1975 sống dưới chế độ cộng sản. Ngài đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong cả hai giáo hội vào năm 1975 và năm 1981. Quan điểm và chủ trương của ngài về Phật giáo VN nói chung ra sao cho đến nay vẫn chưa “giải mã” tường tận. Chỉ biết, sau một thời gian làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương trong GHPGVN 1981 (Quán Sứ) thì ngài từ chức. Do bất đồng hay do “lực bất tòng tâm”?


Từ vai trò Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN 1975 đến vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương trong GHPGVN 1981, tôi nghĩ rằng Ht Trí Thủ canh cánh bên lòng nỗi niềm “Tăng già Hòa hiệp”. Tôi có cường điệu hóa suy nghĩ nông cạn này không. Xin thưa, có thể có có thể không.


Tuy nhiên, ý tưởng tuyệt vời về “Tăng già Hòa hiệp” – nếu có, nói theo ngôn ngữ chính trị là hòa hợp hòa giải trong Phật giáo – khởi đi từ Ht Thích Trí Thủ khi ngài đảm nhiệm cùng một lúc hai chức vụ trong hai giáo hội, đó là vai trò rất phức tạp và khó khăn của vị cao tăng được toàn khối tăng ni Nam-Bắc kính trọng. Nhưng chính trị là chính trị – không có chữ nếu.


Tôi nghĩ rằng sau này Thầy Tuệ Sỹ đã hòa với ý tưởng của Ht Trí Thủ để viết “Thư Khánh Tuế” để kêu lên “Tăng già thanh tịnh Hòa hiệp.”.


Nhà báo Ngô Nhân Dụng phân tích: “Trong bức “Thư Khánh Tuế,” Hòa thượng (Tuệ Sỹ) viết, “Tăng-già, chúng đệ tử Phật, tự thể vốn thanh tịnh và hòa hiệp, là cỗ xe vững chắc mà Đức Thích Tôn đã tác thành.” Thực hành tâm bất phóng dật thì có thể đạt được mười điều thanh tịnh, như lời Kinh Hoa Nghiêm. Hòa thượng lập lại nhiều lần hai chữ Hòa Hiệp. “Tôi được ủy thác nhiệm vụ kế thừa, … chính xác là kế thừa tâm nguyện chưa được viên thành của Hòa Thượng Trưởng lão Thích Quảng Độ, muốn thấy uy đức Tăng-già được thể hiện trong bản thể thanh tịnh hòa hiệp ...”  (VOA 25/11/2023)


Như trên, “nếu” Tăng già tự thể vốn thanh tịnh và hòa hiệp khởi đi từ Ht Trí Thủ cho đến tâm nguyện chưa được viên thành của Hòa Thượng Trưởng lão Thích Quảng Độ, Thầy Tuệ Sỹ đã tiếp bước con đường tôn giáo và chính trị của hai Hòa thượng Trưởng lão.


Đức Đệ ngũ Tăng Thống nói: “Một Giáo hội mà không y chỉ trên y xứ Tăng-già hòa hiệp chỉ là một ngôi nhà trên bãi cát, lực tự tồn còn chưa đủ, nói gì đến hoằng pháp lợi sanh.”


Khi nhận nhiệm vụ Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Ht Tuệ Sỹ viết Thư Khánh Tuế (Phật lịch 2564 - Dl 2020) kính gởi đến Chư tôn Trưởng lão, Chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng già nhị bộ – Theo người viết, Thư Khánh Tuế chính là “văn kiện chính trị” nói rõ quan điểm, chủ trương và ý nguyện của Ht Tuệ Sỹ.


Một điểm chú ý trong nội hàm “Văn kiện chính trị Thư Khánh Tuế” – Tăng vị Đệ Ngũ Tăng Thống là là tăng vị cuối cùng của GHPGVNTN; đồng thời, chối bỏ vai trò Tăng vị Đệ Lục Tăng Thống GHPGVNTN, kể cả vai trò và chức vụ Pháp Chủ GHPGVN (Quán Sứ 1981).


image021Tăng đoàn GHPGVNTN.


Xin nhắc lại, Quyết Định số 21 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ban hành ngày 02/10/2015 khai trừ 6 thành viên khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) : TT Giác Đẳng, Sư Bà Nguyên Thanh, Sư Bà Tịnh Thường, TT Thông Đạt, ông Trần Đình Minh và ông Mai Xuân Châu; (https://pttpgqt.org/2015/10/05/quyet-dinh-cua-duc-tang-thong-khai-tru-6-thanh-vien-khoi-ghpgvntn/ PARIS ngày 5.10.2015 (PTTPGQT);


Ngày 25/11/2018, Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ ra quyết định giải thể Hội đồng Giáo phẩm Trung ương.


Ngày 24/5/2019, Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ ra quyết định chọn Ht Tuệ Sỹ đứng đầu vị trí Viện Tăng Thống. (3)


Chức vụ Đệ Ngũ Tăng Thống sẽ là chức vụ cuối cùng của GHPGVNTN hay còn là một dấu hỏi lớn? (4 Di chúc)


Đức Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ đã đi một nước cờ cuối cùng của GHPGVNTN sau một thời gian dài tranh đấu kể từ sau 1975 bị nhà nước CsVN đàn áp khốc liệt. Quyết định cuối cùng của Ngài trước khi viên tịch là một quyết định lịch sử. Vị Thầy được chọn để ‘gánh quang gánh lịch sử đó’ không ai khác hơn là Hòa thượng Tuệ Sỹ.


Tuệ Sỹ, Vị Thiền sư đi gánh ‘Pháp nạn” y chỉ trên y xứ Tăng già Thanh tịnh Hòa hiệp liệu có xây trên bãi cát hay không.


Hữu phá hữu, lập Không

Hữu phá Không, lập Giả

Vừa phá cả hai vừa lập cả hai, gọi là song phi song chiếu, thiết lập Trung.


Lý Kiến Trúc

17/2/2024 California

* xem tiếp Phần 2 CHƯƠNG HAI: Tử hình mà không tử hình.


CHÚ THÍCH:


(*) thơ Vũ Hoàng Chương; @bobitiglao / trích từ Twitter; Đinh Yên Thảo: Phùng Khánh-Phùng Thăng/ trích từ Việt Báo.


(1) Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ.


(2 Ht Trí Thủ) Trong Đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kỳ 5 và kỳ 6, Ngài được giao trách nhiệm hết sức quan trọng và nặng nề là Viện trưởng Viện Hóa Đạo để thay thế Hòa thượng Thích Thiện Hoa vừa viên tịch. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của đất nước cũng như Giáo Hội. Đến năm 1975, Ngài lại phải gánh thêm một trách vụ nặng nề nữa, là xử lý thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Ngày 07-11-1981 Đại hội Thống nhất Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, thành lập Giáo Hội toàn quốc với danh xưng “Giáo Hội Phật giáo Việt Nam”, Ngài được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương - nhiệm kỳ I. (theo Thư viện Hoa Sen)


(3)

image023

(4 Di chúc)

image025

(3)  Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ viên tịch, GHPGVNTN chấm dứt hay tồn tại?


https://www.nhatbaovanhoa.com/a9779/de-ngu-tang-thong-thich-quang-do-vien-tich-ghpgvntn-cham-dut-hay-ton-tai-
19 Tháng Hai 2024(Xem: 374)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 629)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 546)