Trần Thùy Mai: “Trái xanh”

28 Tháng Hai 20246:50 SA(Xem: 307)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HỌC NGHỆ THUẬT – THỨ TƯ 28 FEB 2024


"Cứ mỗi lần trèo qua một con dốc thì lập tức xuất hiện trước mắt mình một con dốc khác cao hơn. Thế là lại đi và đi mãi như thế trong gió ngược... Nhiều khi mỏi mà không muốn dừng bởi hai bên đường nhiều hoa thơm cỏ lạ quá. Cứ muốn hái và ôm đầy tay..." (ttm)


Trái xanh

image007

Nhà văn Trần Thuỳ Mai. Tranh Đinh Cường.


Chỗ Mận tạm trú nằm trong con hẻm khuất nẻo. Phía trước là chùa, bên hông là trường học. Trong khung cảnh nghiêm trang kia, căn nhà sơn màu đỏ tím lòe loẹt nằm nghiễm nhiên như thách thức, với cái bảng hiệu được trưng lên như một nụ cười trâng tráo: Nhà nghỉ Đoan Trang.


Khi tôi ghé vào thì Mận đang xách váy bước qua, bước về trên một trách than hồng. Bà chủ và đàn em đi đâu chẳng thấy. Cô bạn ngồi xổm trên đất, ném từng nắm nhựa chai vào lửa, mùi chai phà bốc lên làm tôi sặc mũi. "Ôi trời ơi, may quá!". Thấy tôi Mận rú lên cười, rũ rũ váy rồi đon đả chạy lại. Cô bạn lườm dài dằng dặc, cất giọng nằng nặng đưa đãi:


- Đang ế ngáp dài ngáp ngắn ra, tau bày cho xông hơ một chút là trai dẫn xác tới liền liền.


Nói rồi cô ta cũng đứng dậy, vén váy nhảy qua nhảy về như con thoi trên trách lửa còn nghi ngút khói.


Cánh cửa sập sau lưng. Mận bật máy, bộ hình karaôkê bắt đầu diễu ra trong tivi. Tôi ngả người xuống ghế nệm, kéo tay Mận:


- Thôi. Dẹp đi. Anh đến đây có phải để hát hò đâu, em yêu.


Mận vặn nhỏ âm thanh:


- Kệ, có chút nhạc cho đúng điệu, ra vẻ mình đang hát kara thiệt.


Nói rồi Mận lại gần, đổ ập xuống, hai cánh tay rắn chắc xiết quanh tôi.


Nằm đè trên mình tôi như thế, nàng đưa tay xoa trán, bóp huyệt. Mận đã quen tính tôi rồi. Trước hết phải xả cho bộ dây thần kinh chùng xuống, các cơ thịt trên mặt giãn ra. Những giờ dài cầm lái trên đường làm tôi căng cả óc, mắt nhức, nhìn vào đâu cũng muốn gây sự.


Tay Mận thô, nhưng lòng bàn tay và mười đầu ngón rất mềm, ấm nóng. Mận có lần kể tôi nghe hồi mới vào làm ở đây, học lóm được của bà chủ cách ngâm tay bằng nước nóng rồi nhè nhẹ gỡ lần những cục chai to. Gỡ hàng tháng, da tay mới được như thế này. Cô lật sấp tôi lại. Những cái vuốt mạnh mẽ dọc theo lưng làm cơ thể ngổn ngang của tôi dần dần hồi tỉnh.


Cái ghế bành to đến nỗi tôi nằm thoải mái như nằm trên giường. Mận ngồi dậy, hai tay tuột cái áo chun qua đầu.


Giống như một ngọn lửa bùng lên, tôi cháy rất nhanh, rất đơn giản, rồi tắt.


 Nhổm dậy, tôi quờ chân tìm giày.


"Khoan, để em khuyến mãi thêm một chầu tẩm quất”.


Tôi ngồi nán lại để cho Mận vừa vỗ rôm rốp sau gáy tôi vừa thăn thỉ hỏi: "Anh có ghé Cổ Kỳ không? Bữa ni chỗ nớ ra răng anh, có chi lạ không?"


Tất nhiên là tôi có ghé. Cái làng trơ trụi với những mái tranh, điểm vài căn nhà xây blô đơn giản. Những bức vách không tô trát, những cánh cửa gỗ ván cong vênh. Lần nào tới đây tôi cũng cố kiếm một cái tin nào đó cho Mận. Mấy bữa này thấy người ta chở gạch vào làng, xây giếng. Dạo này mới có cái đập nước mới xuất hiện gần ngã ba. "Chỉ có rứa thôi à?" "Ừ, anh chỉ thấy có vậy".


Lúc sắp đi, tôi rút ví. Mận xua tay: "Miễn phí cho anh đó". Tôi cự nự: "Đã ế, xông hơ xả xui, lại còn chảnh". Mận đẩy tôi ra: "Đi đi. Nếu qua đây thì ghé vô, kể chuyện làng cho em nghe là đủ rồi".


Tôi cười, gật gật: "Dễ mà".


Trong khi tôi cài lại khuy áo, Mận bó gối ngồi, nhìn trân trân vào vách. "Mau thiệt, rứa mà em xa quê sáu năm rồi". "Chưa hề về à?" "Có chứ, hai năm đầu em nói với xóm giềng vô học uốn tóc, về thăm luôn. Được hai năm thì thằng On xóm trên có lần vô chơi, trời xui đất khiến hắn vô trúng chỗ  em, hết chối. Từ đó ông nội không cho về nữa, ông nói vác mặt về là ông chém chết".


Mận cười khừ khừ trong cổ, nghe như tiếng rên rỉ. Tôi hỏi: "Vậy trước đó em gửi tiền về, ông không hỏi tiền đâu mà có à?" Mận thở hắt ra, mắt ráo hoảnh:


- Ông cũng lờ mờ biết em làm nghề ni chớ. Nhưng khi xóm giềng chưa biết thì đâu có sao. Xóm giềng biết rồi là chuyện khác.


Tôi chịu, không hiểu nổi cái lôgic của ông cháu nhà Mận.


*


Làng Cổ Kỳ, quê Mận nằm không xa trục đường Bắc Nam. Đường vào làng phải rẽ vào một ngã ba, có dãy đồi chạy lan từ phía núi đến sát đường quốc lộ. Nhờ dãy đồi này mà phong cảnh Cổ Kỳ đẹp như tranh, nhưng cũng vì nó mà ngôi làng cách biệt hẳn với những vùng lân cận. Trong khi nhà ngói mọc lên ở hai bên đường một thì ngôi làng này vẫn tuềnh toàng chẳng khác gì mười lăm năm trước. Thật tình mà nói, Mận không lấy tiền tôi cũng phải. Nếu không có lời khẩn cầu của Mận thì tôi chẳng việc gì phải cho xe vào đây. Mất thêm ba mươi phút ra vào, mà chẳng có việc gì ngoài việc liếc qua xem "có gì lạ không".


Thỉnh thoảng Mận gửi tôi cầm về một ít tiền, một gói quà. Cô chẳng bao giờ nói cho tôi biết nhà ở đâu, chỉ bảo ghé đến chỗ bưu điện xã đưa chongười quen nhờ chuyển về cho Mận Xanh. "Lại cũng Mận à?" Mận gật đầu: "Chị là Mận Chín, em là Mận Xanh". Hai chữ Mận Xanh làm nước bọt tôi tưa ra. Vì chợt nhớ thói quen trèo cây hái quả non chấm muối ớt hồi nhỏ, chứ không phải vì thói đàn ông ham hố. Mận liếc nhìn cục tội trên cổ tôi phập phồng, nguýt dài thậm thượt. Tôi bảo:


- Sao em không chỉ nhà, anh đến đưa tận tay cho chắc.


- Thôi... Mận ngập ngừng lảng tránh, lát sau mới nói - Con bé còn đi học, tội nghiệp nó mà anh.


Tôi cáu:


- Em coi thường anh quá. Ăn có nơi, chơi có chốn, anh có phải là yêu râu xanh đâu.


- Biết rồi, nhưng anh mà vô nhà, hàng xóm biết quà em gửi, ông nội em ném ra cửa ngõ liền. Với lại, em sợ Mận Xanh thấy anh chi hắn cũng nèo nèo hỏi cho ra em ở đâu.


Tôi gật đầu, hiểu ý Mận.


Tôi là hình ảnh của phố phường. Bộ quần áo Jean, chiếc dây chuyền nơi cổ, cái đồng hồ trên tay. Hình ảnh tôi sẽ gợi lên tiếng gọi cồn cào từ một cuộc đời no đủ hơn, có thể sẽ làm nung nấu trong lòng Mận Xanh thơ ngây ý muốn bỏ làng ra phố. Như Mận Chín sáu năm trước. Phải, như Mận Chín cái hồi đi nhờ xe tôi vào đây, chưa biết xức nước hoa, mang giày cao gót và cố tẩy cho hết vẻ quê mùa như bây giờ.


*


Cầm lái đường dài thật buồn. Xe tôi băng qua những quãng đường miền Trung, hai bên là ruộng khô trơ trụi. Tiếng nhạc boléro từ chiếc máy nhạc làm tôi đỡ cô quạnh: "Đường dài, miệt mài tôi đi...".


Lần này ghé về thành phố thì đêm đã tối. Tôi tìm chỗ đậu an toàn dưới lùm cây bằng lăng. Một bóng đen từ xa sáp đến gần, với ngọn lửa sáng lập lòe. "Ai trứng lộn không?" Người đàn bà gầy nhom tay xách đèn, tay bưng thúng rà lui rà tới. Tiếng rao trứng lộn kéo dài, lập đi lập lại trong đêm mưa, thoạt nghe thật áo não, nghe lâu dễ khiến người ta tủm tỉm cười. Thấy bóng đen cứ lảng vảng không chịu đi, tôi chọc:


- Có mỗi một cái mà cũng xách đi bán hả o?


Người đàn bà thấy tôi bắt lời, lập tức chào hàng:


- Anh cần thì tui đi kêu, mấy cái cũng có.


- Thôi. Đang mệt bã cả người, vả lại mắc hàng hóa trên xe không đi đâu được.


- Thì phục vụ tận nơi, lo chi anh. Năm chục chớ mấy.


"Được rồi, chị tới chỗ nhà nghỉ Đoan Trang, kêu cho tôi..."


Mận lom khom che dù đi tới trong mưa. Tôi đóng sập cửa xe. Một tiếng ho từ cổ nàng phát ra. Tôi bật đèn xe, Mận xua tay:


- Tắt đi anh. Ra đây thì phải cẩn thận, chớ không em lãnh đủ.


Trong bóng tối tôi cảm thấy vai nàng mỏng hơn, hơi thở cũng nóng rực. "Coi chừng, em đang sốt đó". Mận cười khàn:


- Dạo này em đang đắt nên phải cố.


- Đắt?


- Bà chủ em giỏi lắm, có người âm phò trợ mà lại có cả người dương che chở nữa. Bà mới mua thêm căn nhà, mở thêm quán cà phê.


Mận cười uể oải: "Cà phê phía trước bốn ngàn một ly, ra mé sau bốn chục ngàn một ly... Mà thôi, kể chuyện làng em nghe đi..."


Tôi kể. Người ta đang kéo cáp về làng, chắc sắp có điện. Người quen ở bưu điện xã báo tin là Mận Xanh đã ra nhận tiền. Đúng như Mận đoán, nó nằng nặc hỏi thăm Mận đang ở đâu. Tôi đưa thư cho Mận. Trên đường vào, lúc nghỉ chân tôi đã đọc lén bức thư, những dòng chữ non nớt nguệch ngoạc: "Chị ơi đi học xa quá, trên thị trấn đứa mô cũng có xe đạp một mình em không có. Chừ em chỉ ưng ra phố học may …” Không dám bật đèn xe, Mận mượn tôi bật quẹt, che ngọn lửa đọc giấm giúi. "Không được! Không cho hắn lên phố. Bắt hắn phải đi học. Thiếu tiền em gửi!”


Mận rủ rỉ, giọng mệt mỏi nhưng đầy tự hào: "Em phong trần thiệt nhưng em của em học hành tử tế, ở làng con gái không ai được đi học như hắn mô.”


 Tôi nhét tiền vào túi áo Mận, Mận giảy nãy, nhưng tôi đã mạnh tay đẩy nàng xuống khỏi xe:


- Lần này cầm lấy, liệu mà tẩm bổ kẻo rạc người ra bây giờ.


*


Mận vào toalét rửa tay thật lâu rồi trở ra nằm xuống bên tôi. Tôi lùa tay vào áo nàng. Thịt nàng lạnh và mềm, chỉ còn đôi vú xộc xệch là có chút hơi ấm. Tôi nấn ná sưởi tay trên vùng ấm mong manh đó. Mận rúc cái đầu phảng phất mùi nước hoa rẻ tiền vào ngực tôi như mọi lần. Một lát, nàng đẩy tôi ra, vẻ khổ sở.


"Sao thế? - Tôi nhổm dậy - Anh có tiền mà".


Mận nhăn nhó:


- Em có tiếc gì với anh đâu, chỉ vì em đang bệnh.


Tôi lặng thinh. Buồn nhưng không quá bất ngờ. Kiếp giang hồ trước sau rồi cũng có lúc thế này. Mận kéo tôi nằm xuống, cười gượng:


- Anh đừng buồn, em vẫn có cách làm cho anh vui được mà.


"Thôi, không cần. Em mở cửa ra cho anh hút điếu thuốc".


Chân Mận lê lệt xệt trên sàn gạch. Hồi Mận mới vào làm, bà chủ mắng mãi vì cái tội lê dép. "Chỉ có đồ nhà quê mới đi nặng nề như voi đạp, nghe tiếng chân ngửi thấy cả cái mùi nước mặn đồng chua!". Bỏ cái thói đó, Mận đã phải tập tành vất vả lắm... Thấy Mận ngồi rụt rè cách một khoảng xa, tôi kéo nàng lại gần:


- Sao không đi khám chữa đi, muốn chết à.


- Đi chứ, gắng tới hết tuần đã. Ngoài làng em...


Ngoài làng em có chi lạ không, tôi trả lời câu hỏi của Mận không biết bao nhiêu lần rồi. "Điện vào làng rồi. Bữa qua nghe nói có người bị điện giật chết" "Ai? Anh có nghe tên ai không?" "Nghe nói ông Bỉnh, ông Binh chi đó, ông kẹp máy xịt nước trong nách mà tưới cây, xui xẻo điện hở mạch truyền vào nước". Mận than thở, chắt lằn chắt lưỡi một hồi. Nghe Mận nói hồi nàng đi thì ông này còn nghèo, mấy năm nay trồng vườn mới khá lên chút đỉnh thì chết oan chết uổng.


 Tôi nói lảng qua chuyện khác:


- Ngã ba vào làng tráng nhựa rồi. Bữa này Mận Xanh đi học khỏi lội bùn lội bụi.


"Dạ". Mận lẩm bẩm như nói cho mình nghe: Không biết có khỏe mãi mà lo cho hắn được không?


 Bỗng, mắt Mận sáng lên:


- Này, sao anh không lấy vợ đi, lang bạt mãi.


- Lù khù như anh, lấy ai bây giờ.


- Thôi mà, lù khù ôm lu cũng nổi. Lấy Mận Xanh không, em làm mối cho.


Tôi phá ra cười. Thật bất ngờ. Mận có vẻ tự ái:


- Em đi giang hồ thiệt nhưng nhà em đã từ rồi. Từ em rồi thì nhà em vẫn là nhà đàng hoàng, anh làm rể cũng đâu có xấu.


Tôi lắc đầu: "Quỷ. Ai mà nghĩ rắc rối như vậy".


- Vậy anh chê Mận Xanh cái gì?


- Ai chê. Có điều đã thấy mặt mày, tiếng tăm chi. Mấy năm nay em giữ khư khư không cho anh giáp mặt. Còn hơn gái cấm cung, rồi đùng một cái biểu lấy làm vợ. Biết hắn có ưng mình không, hay hắn cho mình cái tát, hắn chửi vào mặt mình là đồ vô duyên, chạy không kịp.


Mận cười, cố nín cơn ho:


- Nói nghe tội chưa. Anh mà thiệt bụng ưng Mận Xanh, em chỉ nhà chỉ xóm cho mà tìm. Anh cứ hứa đi đã, hứa chắc rồi em chỉ.


- Không hứa. Chuyện nhân duyên là số trời, ai dám hứa trước được. Tin thì tin, không tin thì thôi.


- Tin chớ sao không. Nghe em đi, cưới vợ ở quê cho chắc - Mận cầm tay tôi, trong hố mắt trõm sâu chợt ánh lên một tia lấp lánh: "Em làm gái mà anh còn tử tế thế này, mai sau chắc đối với vợ con cũng tốt, phải không anh?"


*


Ông già sờ soạng trên mặt bàn, đưa mấy ngón tay quều quào mân mê gói giấy. Nhướng đôi mắt mờ đục về phía tôi, ông hỏi:


- Tôi hỏi khi không phải ... Mấy thứ này có phải là của con Mận gửi về?


Tôi nín khe một lúc, rồi nói dối:


- Dạ không. Có người bạn cháu quen với Mận Xanh, nhờ cháu cầm quà về giúp.


- Con Mận Xanh cả đời ở làng, làm sao quen ai ở xa.


Hai bàn tay xương xẩu run run mở gói giấy, những ngón tay lần mò quanh hộp chè và mấy chai dầu xanh. Hai giọt nước mắt lăn tăn từ từ ứa ra trong hai cái tròng mùa lòa. Ông già bập bệu:


- Anh đừng giấu tui, tui biết của con Mận đây mà. Anh biết hắn ở mô thì nói giùm hắn về cho tui gặp. Làng bữa ni cũng khá rồi, về mà làm ăn đừng đi trôi nổi nữa làm chi.


Thái độ của ông già làm tôi bất ngờ. Lúng túng một lúc, tôi khẽ "Dạ". Mừng cho Mận, mà cũng lo nữa, dù sao thì nàng đang bệnh, đâu thể về lúc này được. Tôi bảo ông cụ:


- Hay là cụ nói Mận Xanh viết thư nói rõ ý cụ như thế, chứ cháu chỉ nói mồm, sợ cô ấy không tin.


-Khổ, con Mận Xanh lại đi mô rồi… Anh cứ nói với con Mận Chín là tôi già rồi, sắp chết rồi, kêu hắn về.


- Thôi cụ cứ yên tâm, cháu sẽ nói, có gì lần sau cháu quay lại.


Từ giã ông già ra đi lòng tôi lâng lâng. Không rõ Mận Chín có đủ can đảm về không, nhưng ít nhất nàng cũng có một mái nhà chờ đợi. Mải vui mà tôi quên cả đói, lúc xe ra đến ngã ba ven đồi, mới nhớ ra từ trưa đến giờ mình chưa có hạt cơm nào trong bụng.


Đúng là vùng này giờ đây đã khác nhiều lắm so với cái thời Mận Chín ra đi. Nhà ngói mọc lên đến vài chục nóc. Trên mặt đầm tĩnh lặng, mấy chiếc quán tranh mọc lên trên mặt nước. Những mái tranh được cắt tỉa gọn gàng, xinh xắn. Băng qua chiếc cầu tre mỏng mảnh, tôi vào một quán có chiếc nia bằng tre treo lủng lẳng ngoài cửa, trên nia vẽ mấy chữ "Cơm Quê". Chủ quán, một người đàn ông vạm vỡ đón tôi vào ngồi trên bộ bàn ghế gỗ thấp lè tè cạnh cái chiếu cói. "Dùng chi, eng? Cháo cá hỉ? Cá vớt ngay dưới hồ đây, tươi lắm".


Con cá giẫy đành đạch trong chiếc vợt sũng nước, người đàn ông xách vào căn bếp khuất sau bức vách nứa. Còn lại một mình, tôi nhìn ra cửa sổ. Quán nào cũng đầy vẻ bình yên với ngọn khói nhẹ nhàng vươn lên nền trời. Bên vệ đường, cạnh xe tôi còn vài chiếc ô tô khác đậu trong bóng cây - đa số là những chiếc xe bốn chỗ ngồi từ xa tới.


Tô cháo nghi ngút khói đặt trước mặt. Tôi ngước nhìn: Không phải gã chủ quán mà một cô bé, gọn gàng, chắc lẳn trong bộ quần lụa áo cánh. Da thịt trẻ trung rực rỡ trong bộ áo quê mùa mộc mạc. Cô bé nhìn tôi, cười ngây ngô. Bất giác tôi hít vào một hơi đầy lồng ngực, cảm thấy quanh đây cái gì cũng tươi tắn, mới mẻ, nguyên sơ.


Tôi húp một muỗng cháo, ruột gan thấy dịu lại, ngọt đến đầu lưỡi.


"Mận ơi, có quạt chưa?" Gã chủ quán hỏi vọng vào. "Có". Cái tên Mận làm tôi chững lại. Tôi buông thìa quay nhìn. Cô bé cười, vẻ mặt hồn nhiên, tay phe phẩy chiếc quạt mo rất chân quê:


- Thì anh cứ ăn đi đã, đi đâu mà vội.


Dứt lời, không dừng tay quạt, cô nằm xoài xuống bên tôi. Đưa tay lật thân áo trước lên lên, cô ưỡn người để lộ một khoang bụng nâu mịn với cái rốn sâu tròn trĩnh. Hai bắp vế căng đầy xoãi ra dưới lớp quần lụa. Dáng nằm vụng về, thô thiển mà gợi cảm, làm chốc lát tôi hiểu ngay ý nghĩa hai chữ "Cơm Quê" treo lủng lẳng ngoài cửa quán.


 Dưới chân tôi, Mận Xanh đưa hai bàn tay xòe ngón lên, cho tôi biết giá cả. Thấy tôi cứ đờ ra, có lẽ cho rằng tôi chê đắt, cô ta nói, tỉnh queo:


- Anh thông cảm, vàng lên thì l... cũng lên chớ. Thời buổi ni, cơm quê có giá hơn cơm phố đó anh...


Tôi sững sờ, cúi mặt. Cảnh tượng như nhòe đi, chỉ còn hình ảnh đôi mắt của Mận Chín trõm sâu đầy bóng tối, với những tia lấp lánh chờ mong...


Trần Thùy Mai


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Công chúa Đồng Xuân - vén ẩn tình, bày lịch sử


 Thứ bảy, 04/03/2023


Với "Công chúa Đồng Xuân", nhà văn Trần Thùy Mai đã khắc họa lại toàn bộ bức tranh lịch sử triều Nguyễn giai đoạn bắt đầu đương đầu trực tiếp với cuộc xâm lăng của nước Pháp, qua một chân dung bi kịch cá nhân.


Từ mối hàm oan…


Bộ tiểu thuyết hai tập Công chúa Đồng Xuân (NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2023) có bối cảnh kéo dài 40 năm từ 1859 đến 1900, sát theo các mốc cuộc đời của công chúa Đồng Xuân, đồng nghĩa cũng là các mốc lịch sử thời kỳ Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, với sân khấu chính là cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa trong triều đình nhà Nguyễn. Một nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, không những đại diện, mà còn song hành với một thời kỳ lịch sử. 


Công chúa Đồng Xuân tên thật là Nguyễn Phúc Gia Phúc, là con gái thứ 35, và cũng là con gái út của vua Thiệu Trị, mẹ là Cung nhân Hồ Thị Ý Nhi. Mười sáu tuổi, Gia Phúc lấy phò mã Đô úy Nguyễn Lâm, con trai của Võ Hiển điện Đại học sĩ Nguyễn Tri Phương. Năm 1873, Phò mã Nguyễn Lâm tử trận khi Pháp công thành Hà Nội lần thứ nhất, công chúa trở thành góa phụ. Ở tuổi 26, “lá ngọc cành vàng” đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng đó chưa phải là bất hạnh lớn nhất.


Trần Thùy Mai đã ấp ủ chấp bút Công chúa Đồng Xuân từ lâu. Khi còn công tác tại Đại học Sư phạm Huế, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, đặc biệt ghi chép được các ca dao, truyện kể, bài vè sử xứ Thừa Thiên, nhà văn phát hiện trong ký ức nhân dân có hai nhân vật triều Nguyễn được ghi dấu đậm nét là Từ Dụ thái hậu và Tôn Thất Thuyết. Nhân vật thứ nhất - Từ Dụ thái hậu, đã được bà chuyển tác thành bộ tiểu thuyết hai tập cùng tên ra mắt năm 2019, xoay quanh chủ đề cung đấu với những âm mưu, xung đột trong cung cấm. 


Nhân vật còn lại - Tôn Thất Thuyết, thì đóng vai trò then chốt trong tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân. Ông là thủ lĩnh phe chủ chiến, còn đối lập với ông, Gia Hưng vương Hồng Hưu là người phe chủ hòa. Cả hai cùng với Nguyễn Văn Tường đều là phụ chính đầu triều lúc bấy giờ. Sự nghiệp chính trị của Hồng Hưu bị kết liễu bằng hai vụ việc, một là vụ loạn dâm với em gái cùng cha khác mẹ, chính là Đồng Xuân công chúa, hai là án thông đồng với Khâm sứ Đại Pháp Pierre Paul Rheinart. 


Bìa cuốn sách Công chúa Đồng Xuân. nh: Minh Hùng


Bởi thế, nhân vật chính của tiểu thuyết đồng thời cũng là bị can chính của một trong hai nghi án lớn nhất thời Nguyễn. Án đầu triều trước đó là án Mỹ Đường, xoay quanh Ứng Hòa công Mỹ Đường, con trai trưởng của hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, đích trưởng tôn của Hoàng đế Gia Long, bị vu tội tư thông với mẹ ruột là Anh Duệ vương phi Tống Thị Quyên. Hậu cục là vương phi họ Tống bị gia hình, còn Mỹ Đường thì thân bại danh liệt.  


Hai vụ án chấn động triều Nguyễn đều được các nhà bình luận hậu thế nhận định dường như là các vụ hàm oan nhằm động cơ chính trị. Điểm chung là chứng cứ không thuyết phục, thuần túy dựa trên lời tố giác, dẫn đến hai nghi can đều bị khép tội và xét xử một cách vội vã. 


Việt sử giai thoại khi bàn về án Mỹ Đường cung cấp thêm một manh mối: “Thời ấy, có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn được yên vị trên ngai, ắt phải khép Mỹ Đường vào tội thất đức là thông dâm với mẹ. Ôi, giá mà Mỹ Đường chẳng phải cháu đích tôn của Gia Long thì đời ông sẽ êm thấm biết ngần nào...”.


Vậy chăng, nếu Nguyễn Phúc Hồng Hưu không phải là một nhân vật chủ chốt của phái chủ hòa, không liên đới mâu thuẫn với phái của Tôn Thất Thuyết, thì số phận của ông lẫn Đồng Xuân công chúa sẽ không phải chịu bi khốc?


Sự thật là sự thật nào?


Tại sao nhà văn Trần Thùy Mai lại chọn vụ án công chúa Đồng Xuân làm đề tài cho tiểu thuyết của mình? Theo lời tác giả, vụ án xảy ra vào đêm trước khi kinh đô thất thủ, sự kiện được coi là “một trong những chấn thương lớn để lại ám ảnh sâu sắc trong đời sống văn hóa Việt”. Một chuỗi sự kiện biến động và song hành như vậy, hiển nhiên có vấn đề của riêng nó.


Về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam sau 1986, nhìn chung các nhà nghiên cứu cố gắng khái quát thành các khuynh hướng chính, có thể kể đến như tái hiện, phục dựng và minh định lại bức tranh lịch sử (theo quan điểm của nhà văn); hay ở một đối cực, lấy lịch sử làm bối cảnh cơ sở để tự do hư cấu; hoặc tận dụng lịch sử như một chất liệu để diễn giải các vấn đề lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng…; đối thoại với lịch sử, mượn lịch sử để suy nghiệm về thời cuộc cùng những vấn đề đương đại.


Tự thân tái minh định lịch sử cũng có hai chiều cạnh, một là “điền vào chỗ trống”, nhà văn vận dụng óc hư cấu sáng tạo bổ sung vào những chi tiết sử học còn đang bỏ ngỏ hoặc khiếm khuyết (như các tác phẩm của Hàn Thế Dũng, Ngô Văn Phú, Đan Thành, Hoàng Quốc Hải), hai là “lật ngược” quan niệm cố hữu về sự kiện và nhân vật lịch sử có vấn đề (Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Lại Giang, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thân).


Công chúa Đồng Xuân, cùng Từ Dụ thái hậu trước đó cho thấy rõ quan điểm tiếp cận của Trần Thùy Mai đối với tiểu thuyết lịch sử, đặc biệt là trong sự chuyển dịch từ âm hưởng khuấy động, hiệu triệu tập thể của tiểu thuyết truyền thống - bắt nguồn chủ nghĩa lãng mạn/anh hùng, cảm hứng lịch sử dân tộc - sang chủ thuyết nhân đạo. Lịch sử là một đại tự sự cấu tạo nên từ nhiều tiểu tự sự riêng tư của mỗi người. Lúc này, cái cá nhân, nhân văn được chú trọng và lên ngôi. 


Ngay cả vấn đề hai phái chủ chiến và chủ hòa cũng được nhận định lại bằng lăng kính bình thản, công tâm. Nếu trước đây, phe chủ chiến thường được xem như lá cờ chính nghĩa, dựa theo truyền thống yêu nước đánh giặc, “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” ngàn xưa, thì phái chủ hòa bị quy là chủ hàng (và chủ bại), nhu nhược, dâng đất bán nước. 


Nhà văn Trần Thùy Mai trò chuyện với độc giả trong buổi giao lưu ra mt b tiu thuyết lch s Công chúa Đồng Xuân tại Hà Nội, tháng 1.2023. Ảnh: CTV


Song, khi lắng xét từ nhận thức đương đại, ranh giới tốt - xấu phân minh sẽ bị xóa nhòa. Ngay cả trong số những người chủ hòa, cũng có một trí thức yêu nước với nhân cách lớn, và không may cuộc đời là bi kịch cá nhân lớn: Phan Thanh Giản. Dưới cái nhìn cảm thông hơn, cũng có thể giải pháp của họ, trong một trạng huống ngặt nghèo của lịch sử, là để giảm thiểu thương vong xương máu nhân dân.   


Viết Công chúa Đồng Xuân, là Trần Thùy Mai muốn tìm một sự thật cho nhân vật đầy bi thương và oan khuất này. Sự thật ở đâu sau một bản án vội vã, đặt giữa chồng chéo những xung đột căng thẳng triều chính. Các sử gia hậu thế có chắc đã chiêu tuyết cho nàng? Sâu xa hơn nữa, là sự thương cảm mang thiên tính nữ tác giả dành cho một thân phận nữ đa truân nhưng đầy tình yêu-sống, tình yêu-với-tình yêu. 


Một trong những đặc sắc tài tình của tiểu thuyết lịch sử, là cấp cho những sự kiện và nhân vật vốn vô tri trên văn tự một cái “hồn” sinh động. Không chỉ công chúa Đồng Xuân, những nhân vật lịch sử có thật như vua Tự Đức, Từ Dụ thái hậu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Đoàn Trưng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Phúc Hồng Hưu đều hiển hiện ấn tượng, có sắc thái cá tính riêng qua mỗi trang viết. Còn một nhân vật hư cấu như Nguyễn Chí, xuất hiện để biểu trưng cho sự chứng kiến và tham dự của tác giả lẫn người đọc vào từng sự kiện, trong từng mối quan hệ với từng nhân vật, thậm chí hơn thế nữa, lấy chính mình minh giải mối hàm oan cho nàng công chúa.


Sự thật là sự thật nào? Sứ mệnh của tiểu thuyết gia không phải là lệ thuộc quá nhiều vào sự kiện lịch sử, để tìm cách “chép lại” nhân vật lịch sử “đúng” nhất nhân danh sự thật, bởi đó là công việc của sử gia. Trái lại, với quyền hư cấu và diễn giải của mình, họ “khắc họa” một chân dung nhân vật lịch sử sống động nhất có thể thông qua văn chương. Đó là sự thật của nhà văn. 


*


Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954, quê ở huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, thành phố Huế. Bà sáng tác văn chương khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh và sinh viên Đại học Sư phạm Huế (trước 1975).


Trần Thùy Mai đã in 16 tập sách, một số tác phẩm tiêu biểu: Thị trấn hoa quỳ vàng (1994), Trò chơi cấm (1998), Quỷ trong trăng (2001), Người khổng lồ núi Bạc (2002), Thương nhớ Hoàng Lan (2003), Mưa đời sau (2005), Trăng nơi đáy giếng (2010), Từ Dụ thái hậu (2019), Công chúa Đồng Xuân (2023) … Trong đó, một số tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và kịch: Gió thiên đường, Thập tự hoa (2005), Trăng nơi đáy giếng (2009) …


Nhà văn Trần Thùy Mai đã được trao các giải thưởng: Giải A, Văn học nghệ thuật Cố đô với tập truyện ngắn Thập tự hoa (2005); Giải cống hiến vì cộng đồng do Ủy ban Kết nghĩa TP.HCM và Thành phố San Francisco trao tặng (2001); Giải thưởng Sách Hay với tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu (2020); Giải nhất tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Từ Dụ thái hậu (2020) ...


Trang Ngọc
19 Tháng Hai 2024(Xem: 374)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 629)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 547)