Phùng Khánh-Phùng Thăng, những dịch giả một thời; Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

13 Tháng Hai 20248:29 SA(Xem: 410)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT - THỨ BA 13 FEB 2024


Phùng Khánh-Phùng Thăng, những dịch giả một thời


22/01/2024


image031Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải. (Phathocdoisong.com)


Hai chị em, hai nữ lưu xuất chúng, không dễ xuất hiện được mấy phụ nữ trong cả một thế hệ, đã mang tài trí phụng vụ đạo pháp và trí tuệ cho hàng triệu người Việt Nam.


Đinh Yên Thảo


Lời tác giả: Sau sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ, tôi dành thời gian tìm đọc lại một số tác phẩm của vài bậc cao tăng và giáo sư tại viện đại học Vạn Hạnh, nơi tập trung những trí thức lỗi lạc của miền Nam trước năm 1975, từ các bậc tu sĩ, giáo sư cho đến những sinh viên từng thụ huấn.


Trong số các vị này là hai chị em dịch giả Phùng Khánh và Phùng Thăng với một vài dịch phẩm mà tôi đã từng đọc qua trước đây nhưng chưa biết nhiều về thân thế. Vậy là cất công quay ngược lại thời gian để tìm hiểu thêm về hai nữ lưu trí thức và tài ba này. Vài chi tiết tham khảo trong bài viết này được sử dụng từ ấn bản đặc biệt về Phùng Thăng trên Thư Quán Bản Thảo (số 59, tháng 3-2014) do nhà văn Trần Hoài Thư chủ trương cùng một số trang Phật học khác nhau (ĐYT).


***


Trong dịch phẩm "Kẻ lạ ở thiên đường" (nguyên tác Attente de Dieu hay Waiting for God) của nữ triết gia người Pháp gốc Do Thái Simone Wiel, dịch giả nhận xét trong lời giới thiệu rằng, "Kẻ lạ ở thiên đường" được chọn làm tên chung cho bản dịch sáu bức thư gởi cho linh mục Perrin và năm bài trần thuyết về năm đề tài tôn giáo. Qua toàn thể văn phẩm, tâm hồn Simone Weil vẫn là một tâm hồn quằn quại cô đơn nhưng rất sáng suốt trong công cuộc đi tìm một Quê Hương tâm linh đích thực cho mình. Chính sự sáng suốt ấy đã đưa Simone Weil đến chỗ khước từ thiên đường hữu hạn để chọn hỏa ngục vô biên vì quá xót thương và muốn chia sớt những lầm than của trần thế. Trong nguyện ước của nàng, như có vọng âm những lời phát nguyện của các vị bồ tát Phật giáo từ muôn nghìn thế kỷ. Trên thiên đường hữu hạn ấy, nếu được chọn, Simone Weil sẽ vẫn mãi mãi là một kẻ xa lạ lạc loài, vì nàng không ước muốn. Nàng chỉ ước muốn Thiên Đường chính thực, Quê Hương tâm linh bình đẳng cho tất cả Loài Người.".


Đọc lời giới thiệu trên, có thể hiểu đó là sự thấu cảm của dịch giả về tác phẩm và tác giả mà cũng có thể, văn phong và tư tưởng đó xuất phát từ chính dịch giả, một nữ lưu rất trẻ, chỉ quá giữa tuổi đôi mươi mà tài năng và sự suy tưởng đã uyên sâu và đầy hạnh nguyện để cảm nhận và giới thiệu về một tác phẩm mang đầy tính tôn giáo và triết học như vậy.


Nữ dịch giả đó là Phùng Thăng, em ruột của Phùng Khánh, tức Ni trưởng Thích nữ Trí Hải, một vị danh ni thông tuệ của Phật giáo Việt Nam trong nhóm đại học Vạn Hạnh và cũng là một dịch giả riêng hay chung với em gái trong một vài tác phẩm vang tiếng một thời, có thể kể như Câu chuyện dòng sông, Bắt trẻ đồng xanh, Sói đồng hoang, Ngư ông và biển cả, Câu chuyện triết học...


Ni sư Thích nữ Trí Hải, Pháp danh Tâm Hỷ và thế danh Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh sinh năm 1938 tại làng Vỹ Dạ và em gái Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng sinh năm 1943 trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc thâm tín Phật giáo tại Huế. Cả hai bà được kể lại là có tư chất thông tuệ và phẩm cách thanh cao, có ý hướng phát nguyện và dấn thân vào Phật giáo từ rất trẻ.


Ngay thời còn đi học, cả hai bà đã am hiểu triết học Đông phương sâu sắc, giỏi tiếng Anh và tiếng Đức. Nói thêm là, tiếng Đức vốn được xem là ngôn ngữ của triết học và có nhiều triết gia hậu cổ điển lừng danh như Kant, Hegel, Marx, Nietzsche, Heidegger..., tất nhiên cả văn hào Hermann Hesse nên có một giới trí thức rành tiếng Đức để đọc hay Việt dịch các tác phẩm tiếng Đức. Riêng bà Phùng Khánh còn thông thạo cả tiếng Hán lẫn tiếng Pháp, khi đọc lại lời giới thiệu cuốn sách Nhập Bồ Tát Hạnh, được Ni sư Trí Hải cho biết bà đã dịch từ Hán ngữ và tham khảo thêm từ cả hai ấn bản tiếng Pháp và tiếng Anh.


Cách nhau năm tuổi, hai bà cùng tốt nghiệp Viện đại học Huế với Phùng Khánh lấy cử nhân Anh văn và Phùng Thăng là cử nhân Triết. Ra trường, hai bà trở thành giáo sư tại các trung học nổi tiếng tại Quảng Nam. Phùng Khánh dạy tại trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng và Phùng Thăng dạy tại trường Trần Quý Cáp, Hội An.


Năm 1960, Phùng Khánh sang Mỹ du học. Sau khi tốt nghiệp Cao học ngành thư viện và văn chương tại Princeton, bà tiếp tục làm luận án tiến sĩ nhưng bỏ dỡ để về nước lo Phật sự đang rất cần hiền tài lúc bấy giờ. Hạnh nguyện thọ giới Sa di từ trẻ chưa đạt nên năm 1964 bà quyết dứt bỏ thế tục, xuống tóc quy y, được Giáo hội cử làm thư ký cho Thượng Tọa Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh Thích Minh Châu. Bà là giáo sư Anh ngữ rồi được cử làm Thư viện trưởng và Giám đốc trung tâm an sinh xã hội của viện.


Sau 1975, Ni sư tiếp tục Phật sự và hoằng pháp. Bà nghiên cứu, giảng dạy và biên dịch, trở thành nữ giảng sư đầu tiên của Viện Cao cấp Phật học Việt Nam.


Năm 1984, bà bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam vì bị xem có liên đới với hai vị Thượng Tọa Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu, đến năm 1988 mới được trả tự do sau hơn bốn năm tù. Là Viện chủ các Tu viện Lộc Uyển, Liên Hoa và Diệu Không, Ni trưởng Trí Hải cũng hoạt động tích cực trong các cuộc lạc quyên và ủy lạo các nạn nhân thiên tai bão lụt.


Cuối năm 2003, với tài đức và đạo hạnh của một vị Ni trưởng từ bi và thông tuệ, bà được cử làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Nhưng đáng buồn là chỉ vài ngày sau, giới ni tăng cùng Phật tử, trí thức Việt Nam bỗng bàng hoàng nhận hung tin là Ni trưởng Thích nữ Trí Hải đã tử nạn cùng vài đệ tử tháp tùng trong một tai nạn giao thông, khi bà đang trên đường về sau một cuộc cứu trợ. Bà thọ 66 tuổi thế và chúng sanh mất đi một biển sở học và trí tuệ, theo như pháp hiệu Trí Hải của bà. Tính đến cuối năm qua, Ni sư Trí Hải đã viên tịch tròn 20 năm.


Với Phùng Thăng là một câu chuyện buồn khác khi bà bị thảm tử lúc còn khá trẻ. Các tài liệu cho biết, sau biến cố 1975, bà dắt con gái xuống miền Tây tìm đường vượt biên, nhưng đã bị quân Pol Pot bắt và hạ sát cùng với nhiều người Việt khác, vào thời điểm mà Khmer Đỏ tái phát động phong trào “cáp duồn”, hạ sát người Việt sắt máu hơn ngay sau 1975. Câu chuyện buồn nên có lẽ không cần đi sâu hơn, chỉ biết rằng dịch giả Phùng Thăng như vậy đã qua đời khi mới ngoài 30 tuổi.


Hai chị em, hai nữ lưu xuất chúng, không dễ xuất hiện được mấy phụ nữ trong cả một thế hệ, đã mang tài trí phụng vụ đạo pháp và trí tuệ cho hàng triệu người Việt Nam. Giới trí thức cùng những cựu sinh viên học sinh đồng thời với hai bà trong các bài viết đều cho biết rằng, họ đã học hỏi và khai mở trí tuệ và tâm thức rất nhiều qua những tác phẩm đầy ảnh hưởng của hai bà.


Hãy cùng đọc lại một đoạn văn mà cả hai vị đã viết và dịch chung qua "Lời ngỏ" tiểu thuyết Câu chuyện dòng sông mà có người từng nhận xét, qua sự Việt hóa của những dịch giả, ngỡ đâu Hermann Hesse đã viết riêng tác phẩm này cho người Việt.


(Trích)


"Quyển "Câu chuyện dòng sông" dịch từ chuyện "Siddhartha" trong tập "Weg nach Innen" (Đường về nội tâm) của Herman Hesse. Hermann Hesse là một văn hào của văn học Đức ở thế kỷ XX, sống cùng một thế hệ với Thomas Mann, Werfel, Wassermann và E. Vl Salomon.


Hesse sinh năm 1877, được giải thưởng Nobel văn chương năm 1946, tác giả nhiều tập thơ và nhiều cuốn tiểu thuyết bất hủ như Peter Camenzind (1904), Demian (1919), Der Steppenwolf (1927), Narziss und Goldmund (1930), Das Glaserlenspiel (1943).


Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho đời mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời Thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt:


"Dù bị đau đớn quằn quại,
tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này".


Und allem Weh zum Trotze bleib ich.
Verliebt in die verruckt Welt


(Hermann Hesse)


Khi viết dòng thơ trên phải chăng Hermann Hesse đã muốn nói lên tất cả ý nghĩa của sự nghiệp văn chương ông giữa cơn biến động phũ phàng của thời đại? Ý nghĩa thâm trầm ấy cũng bàng bạc trong quyển"Câu chuyện dòng sông".


Đọc "Câu chuyện dòng sông" chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. "Câu chuyện dòng sông" là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta; đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tuyệt". Phùng Khánh-Phùng Thăng.


(hết trích)


Khi chọn lọc dịch thuật các tác phẩm rất nổi tiếng của thế giới bằng một ngôn ngữ và tâm đạo cao đẹp, chứa đầy chánh niệm và từ bi như vậy, hai bà đã mang tâm huyết cùng công sức để góp phần soi sáng trí huệ lẫn tư tưởng của cả một thế hệ độc giả.


Chưa kể đến những bộ sách, kinh kệ Phật pháp được Ni sư Trí Hải viết hay dịch, hàng chục dịch phẩm văn chương và triết học quen thuộc được Phùng Khánh hay Phùng Thăng, hoặc từ cả hai chị em bà cùng chung sức Việt dịch, đã là một gia sản văn chương và tư tưởng không nhỏ mà cả hai bà đã giới thiệu và mang đến cho Việt Nam. (VOA 22/1/2024)


Đinh Yên Thảo


++++++++++++++++++++++++++++++


Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm


Trịnh Khải Hoàng


Bỏ qua những tranh luận của một số tác giả viết về tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn qua thi tài diễn Nôm trác tuyệt của Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm, nhiều thập niên trước 1975 … Có nhiều khi tôi tự hỏi “nếu bà Đoàn Thị Điểm không diễn nôm Chinh Phụ Ngâm thì tác phẩm thi văn này có được nhiều người biết và mộ chuộng trong kho tàng gìn vàng, giữ ngọc danh tiếng quốc gia không…”? Chỉ cần đọc hai câu thơ mở đầu Chinh Phụ Ngâm nguyên tác từ Hán văn theo thể thơ tứ ngôn của tác giả Đặng Trần Côn và biệt tài diễn Nôm của bà Đoàn Thị Điểm cũng đủ cho chúng ta nhận biết giá trị và tìm đâu có ai hơn Bà chứ!


 Thiên địa phong trần


Hồng nhan đa truân


(Chinh Phụ Ngâm Đặng Trn Côn)


Diễn Nôm:


Thuở trời đất nổi cơn gió bụi


Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên


(Chinh Phụ Ngâm Đoàn Th Đim)


 Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm hiệu Hồng Hà đã chiếm địa vị tôn kính trong Văn Học Sử Việt Nam và đặc biệt tuy dưới thời Quân Chủ phong kiến, bà là một nữ sĩ tài danh đã vượt trội đã góp tinh hoa cho nền văn học nước nhà với nhiều tác phẩm phong phú tài tình, đã kinh qua thời gian dài nhiều thế kỷ chưa bị phai mờ theo tính cách đào thải vô thường của vạn pháp biến thiên và tính vô tình của thế thái nhân tình.


THÂN THẾ:


Theo tài liệu Văn Học Sử, bà Đoàn Thị Điểm sinh năm Ất Dậu (1705 theo Tây lịch), nguyên là họ Lê, tới đời thân phụ của bà thì đổi thành họ Đoàn, nguyên quán ở làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Cha là Đoàn Doãn Nghi đậu Hương Cống, sau hỏng thi Hội ông mở lớp dạy học và mất năm 1729 khi bà được 25 tuổi. Mẹ là ái nữ của vị quan võ họ Vũ. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm rất xinh đẹp, phong cách thanh tao với đầy đủ cả tứ đức công, dung, ngôn, hạnh. Ngay từ thuở niên thiếu, cô Đoàn Thị Điểm đã tỏ nét hương sắc tinh anh, dung nhan xinh đẹp diễm kiều, phong cách đoan trang thanh tao, nói lời chân tình văn hoa, thái độ khiêm tốn lịch sự… Vì thế cô thiếu nữ họ Đoàn đã nổi danh rất sớm. Khi nữ sĩ tròn 16 tuổi, quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn xin đưa về làm dưỡng nữ, Ông nhận thấy nữ sĩ có văn tài đặc biệt và nhan sắc nên có ý định tiến vào cung chúa Trịnh. Nhưng nữ sĩ không ưng thuận và xin về lại nhà, rồi theo cha tới làng Lạc Viên, huyện Yên Kinh, tỉnh Nghệ An mở trường dạy học và cũng không ngừng đèn sách sôi kinh, nấu sử cùng quán xuyến việc nhà.


Tuy có tài sắc vẹn toàn, nhưng đường tình duyên của bà lận đận như “trời xanh ganh ghét má hồng” ? Thật sự là ở bối cảnh ở thôn quê nghèo khó thời bấy giờ có ít vương tôn công tử, nam nhân cao sang thanh lịch trú ngụ, còn kẻ thôn dã thì không xứng duyên đôi phu thê nên khi thân phụ qua đời, nữ sĩ đã tới tuổi 25 xem như đã lỡ thời thành gia thất. Sau khi an táng cha tại quê nhà, nữ sĩ cùng với mẹ tới sống với bào huynh ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên làm nghề dạy học. Tại nơi này vốn là nơi gần đất kinh kỳ, phố thị phồn thịnh có đông người sinh sống khá giả, tình trạng dân trí cao và là vùng xuất phát nhiều nhân tài hơn chốn làng quê thôn dã… Do vậy, có nhiều nam nhân khoa bảng, học thức thanh lịch như tiến sĩ Nhữ Ngọc Toản, tiến sĩ Nguyễn Công Thái đều làm chức Thượng Thư cầu hôn với nữ sĩ, nhưng “bà” không nhận lời. Thời gian không bao lâu sau thì anh trai của bà qua đời, bà lại phải thay anh quản chuyện gia đình. Bà hành nghề Đông Y bốc thuốc trị bệnh tại bản làng để lo sinh kế cho mẹ già và vợ góa đàn con côi của người anh... ! Từ đó, trách nhiệm đè nặng trên đôi vai gánh vác việc nhà, bà không màng tới chuyện duyên nợ ba sinh hương lửa. Tuy tuổi đời qua tháng năm lỡ thời xuân, nhưng danh tiếng của bà thêm sáng rạng, vẫn có nhiều nam nhân có danh phận quyền cao, chức trọng tới vấn danh xin hỏi cưới, trong số có người thuộc họ Chúa là Bình Trung Công đã nhiều lần tới nạp sính lễ hỏi cầu hôn, nhưng bà vẫn thối thác. Cũng có kẻ cậy quyền thế định cưỡng hôn bà, nhưng bà quyết liệt để thoát. Sau những sự việc trải qua này… Người ta lại càng hiểu tánh khí, tiết hạnh của bà phú quí không ham mê trọng vọng, nghèo khó vẫn an nhiên tự tại là sĩ khí của hạng “phượng hoàng bất như ô tuế”. Thời gian sau, bà nhận lời vào cung dạy học cho cung nữ.


Thời chúa Trịnh Giang năm 1939, tình hình đất nước suy bại, dân chúng loạn lạc nổi lên khắp nơi. Bà phải đem gia đình về cư ngụ ở xã Chương Dương phía bên kia sông Nhị. Bấy giờ bà đã 35 tuổi và vẫn lại hành nghề Y chẩn mạch, bốc thuốc trị bệnh cho dân chúng và vẫn thi thố văn tài cho đời biết ta, nhưng hiềm vì luật triều đình quân chủ phong kiến hữu lậu đã không cho giới nữ ứng thí, bà đành phải nối nghiệp thân phụ và bào huynh mở trường dạy học cho sĩ tử học mưu cầu đạt bảng vàng công danh rạng rỡ. Dân chúng nghe danh tài, sở học uyên bác của bà nên có rất nhiều người tìm tới xin học, trong số học sinh có nhiều hiển đạt như Đào Duy Doãn đã thi đậu Tiến Sĩ. Danh tiếng của bà thêm tỏa sáng và vì thế có rất nhiều sĩ tử, các bậc thanh văn, khoa bảng thành danh tìm tới đàm luận, thử tài trí thức uyên thâm và bái phục văn tài của bà. Trong số có người xin vấn danh kết hôn mặc dù bà đã 37 tuổi quá thời xuân lâu lắm rồi …! Mãi sau bà mới ưng thuận nhận lời cầu hôn của ông Nguyễn Kiều người làng Phú Xá, nổi tiếng có sở học nhân tài và thi đậu Tiến Sĩ năm 21 tuổi, làm quan tới chức Thị Lang được cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông tao nhã và phải vất vả cầu hôn nhiều lần với bà, nhưng bà vẫn từ chối. Bà than rằng:” Khi còn trẻ ta mong đợi kẻ xứng tầm tới cầu hôn, trải qua hơn 20 năm rồi… Chung qui, ta không quan tâm tới việc ấy nữa. Ta từng tự bảo rằng hạng tài tử giai nhân từ xưa vẫn hiếm; chi bằng ta rửa sạch lòng trần, an nhàn nuôi lấy khí chất thanh bình an lạc. Vì vậy ta đã thôi nghĩ đến việc vợ chồng từ lâu. Người này lại đem việc hôn nhân làm ta phiền não “! Bà vẫn quyết không màng tới việc nhân duyên sắc cầm hòa hiệp. Nhưng thân mẫu của bà và những người thân tình, học trò rất năng nỗ tán thành và khích lệ bà ưng chịu lời cầu hôn của ông Nguyễn Kiều. Sau cùng bà nhận lời kết hôn và làm vợ ông vào cuối năm Nhâm Tuất (1742). Một tháng sau thì ông Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ sang Trung Quốc, cho tới 3 năm sau mới trở về sum họp gia đình. Mùa hè năm Mậu Thìn, ông được lệnh vào trấn Nghệ An và không may cho bà bị bệnh cảm hàn nguy kịch, thuốc thang chạy chữa vô hiệu quả. Bà mất vào ngày 11 tháng 9 năm Mậu Thìn (1748) thọ 44 tuổi. Nguyễn Kiều vô cùng thương tiếc vợ, làm lễ thành phục, sáng chiều trai đàn cúng tế với bài điếu văn:


Ô hô! Hỡi nàng!


Huệ tốt, lan thơm.


Phong tư lộng lẫy, cử chỉ đoan trang


Nữ đức trọn vẹn, tài học ngỏ ngàn


Giáo mác, ấy bàn luận; gấm vóc, ấy văn chương.


Nữ trung, rất hiếm có như nàng


(ngưng trích đoạn Văn Tế)


Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm mất đi, đã để lại cho Nguyễn Kiều và các văn nhân, thi sĩ, bậc thanh văn đương thời nhiều nỗi tiếc thương ! Nhưng với hậu thế và Văn Học Việt Nam, Nữ Sĩ đã để lại rất nhiều tác phẩm Hán văn và chữ Nôm (Quốc Ngữ) giá trị, tiêu biểu như tuyệt tác phẩm diễn nôm Chinh Phụ Ngâm lừng lẫy còn lưu lại tới ngày nay trong kho báu Văn Học Sử Việt Nam.


 NỮ SĨ ĐOÀN THỊ ĐIỂM TRONG BỐI CẢNH LỊCH SỬ:


Bà Đoàn Thị Điểm sinh vào cuối thời Trịnh xứ đàng ngoài – Nguyễn xứ đàng trong phân tranh từ năm 1627 – 1775 thời gian trải dài tới 148 năm lịch sử huynh đệ tương tàn, bì oa chử nhục, tình hình đất nước loạn ly với 8 trận chiến khốc liệt đã xảy ra trong giai đoạn này… Tới đời chúa Trịnh Giang (1729 – 1740), bấy giờ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm trưởng thành. Tại triều đình chúa giết vua và sát hại đại thần trung chính, lại nhũng lạm tài sản quốc gia, ăn chơi xa hoa phung phí, bỏ mặc dân tình khốn khổ điêu linh, nên giặc giã nổi dậy khắp nơi: ở Hải Dương có Nguyễn Cừ, Võ Trác Oanh, Nguyễn Tuyển nổi lên; tại Sơn Nam có Võ Đình Dung, Hoàng Công Chất nổi dậy; ở Sơn Tây có Nguyễn Diên, Nguyễn Danh Phương, Tế Bồng nổi lên; vùng biển có Nguyễn Hữu Cầu; xứ Thanh Nghệ có Lê Duy Mật nổi dậy… chống phá khắp nơi với danh nghĩa “Phù Lê Diệt Trịnh” và đám thổ phỉ địa phương họp bè đảng cướp phá xóm làng không kể xiết … Do vậy, chúa Trịnh không những chỉ chiến đấu với chúa Nguyễn xứ đàng trong không thôi, mà còn phải đương đầu với những thế lực nội loạn trong xứ đàng ngoài này. Vì thế, dân tình tại miền Bắc đương thời khốn khổ vô cùng… ! Chính bởi bối cảnh loạn lạc, binh lửa bất an triền miên này đã khiến cho Đặng Trần Côn cảm tác mà viết nên áng thơ Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn và sau đó có vài tác giả đã diễn Nôm (Việt ngữ), song tác phẩm Chinh Phụ Ngâm qua thi tài của Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm thật là tuyệt tác.


Với bối cảnh xã hội, đất nước nhiễu nhương như thế, cho chúng ta nhận thấy bà đã sinh sống trong giai đoạn lịch sử chiến tranh loạn lạc, đương nhiên tác động và ảnh hưởng tới cuộc đời của bà… Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó như khúc sông dậy sóng trường giang đã làm nổi bật giá trị của con thuyền thân thế và bản lãnh tay chèo vững chắc tài hoa của bà, một người phụ nữ Việt sáng danh trong dòng sinh mệnh văn hiến Việt Nam.


HÀNH TRẠNG VÀ ĐỊA VỊ XÃ HỘI CỦA PHỤ NỮ VIỆT QUA CHÂN DUNG NỮ SĨ ĐOÀN THỊ ĐIỂM DƯỚI THỜI QUÂN CHỦ PHONG KIẾN:


 Bà Đoàn Thị Điểm chỉ là một cô gái sinh trưởng trong gia đình Nho giáo ở làng quê, cha mẹ của bà cũng không phải là lớp người phú gia hay quan chức quyền thế. Do vậy, cuộc sống của bà cũng giống như số đông phụ nữ thường dân thôn dã đang thời. Vì thế, chúng ta có có thể lấy đó làm tiêu biểu để nhận xét về địa vị xã hội của người phụ nữ Việt lúc bấy giờ.


Bà mồ côi cha khi ở lứa tuổi trưởng thành, bà cùng với mẹ già ở chung với anh là Đoàn Doãn Luân mở trường dạy học tại huyện Đường Hào, rồi người anh mất sớm, bà phải một mình làm cột trụ gia đình nuôi nấng mẹ già, chị dâu và đám cháu côi cút. Như vậy, bà nghiễm nhiên trở thành gia trưởng gánh vác tất cả trách nhiệm nặng nề là mưu sinh cho gia đình, phụng dưỡng mẹ già, giúp chị dâu nuôi dưỡng, dạy dỗ các cháu. Bà đã hoàn thành trọng trách người gia trưởng tốt đẹp trong thời buổi rất khó khăn ngoài xã hội loạn lạc.


Bà là một nhà Nho có sở học tinh thông Y Lý Số và nhờ vậy bà đã mạnh dạn làm Thầy Thuốc chữa bệnh cứu người và làm phương tiện sinh nhai. Đây là một nghề cao quí của bậc sĩ hữu học và đức độ được mọi người kính trọng trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ và thường là do nam giới đảm trách. Trong Y thuật phải tinh thông nhân tướng, quan sát khí sắc, chẩn mạch để nhận biết bệnh chứng, trạng thái hư thật loại nào là cần phải đồng trị dỵ bệnh hoặc dỵ bệnh đồng trị, thực hư hàn hỏa nội nhiệt, địa lý tứ thời bát tiết gây bệnh và am tường tính lý thảo mộc, ngũ vị gia gia giảm để thay thế loại thảo dược không thể có được và dụng dược trị bệnh sao cho hiệu quả … đòi hỏi rất nhiều sở học Y - Lý - Số và sự tín nhiệm bởi tài năng chữa lành cho dân chúng thì mới hành nghề Thầy Thuốc được dài lâu. Như thế, bà đã tạo cho mình địa vị xã hội được tôn trọng như nam giới quả thật là không dễ ở đang thời.


Bà làm nghề Đông Y Sư để sinh sống và nuôi đủ gia đình, nhưng cũng chính bởi thế mà tài văn chương của bà không có dịp thi thố với đời và nay bà đã 35 tuổi tự vấn thân:” … Ta xem qua các chuyện nữ giới ngày xưa nhận thấy không thiếu kẻ có tài học, nhưng không thấy ai mở trường dạy học trò, ta phải làm việc này …”! Bà quyết định mở trường thu nhận học sinh. Giới sĩ tử nghe tiếng sở học tinh hoa văn tài, thông bác kinh sử của bà từ lâu nên tới theo học rất đông. Đây không phải là chuyện đơn giản vì tuy dân tộc Việt ta có Hai Bà Trưng và các nữ tướng soái dưới trướng cầm quân quật khởi đánh dẹp giặc Hán ra khỏi bờ cõi và cởi ách đô hộ ngàn năm, Bà Triệu lẫm liệt trên lưng chiến tượng, chỉ huy quân Nam Việt đương đầu với đại quân Đông Ngô để cứu dân lành và còn biết bao vị Anh Thư nước Việt đã uy dũng chiến đấu không thua các bậc trượng phu “gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao” trên chiến trường để bảo quốc, an dân… Nhưng các triều đình nước Việt ta cứ mãi u mê theo văn hóa Trung Hoa, nhất nhất tổ chức hệ thống triều chính cai trị dân, chế độ chuyên chế học thuật và thi cử y cứ theo nhà Hán… Do vậy, giới phụ nữ bị xem nhẹ và không được ứng thí làm quan, đóng góp tài năng cho quốc gia. Quan niệm tiến thân chỉ ở “tiến vi quan, thối vi sư” lấy làm mục đích của giáo dục… Vì thế, bà Đoàn Thị Điểm tự mạnh dạn tin vào tài trí Văn học của bản thân mà dám vượt qua những định kiến, thành kiến cổ hủ của xã hội đang thời mà mở trường dạy học là một nghề rất cao quí. Chúng ta đã thấy bà hành nghề Đông Y Sư tốt đẹp và làm Thầy dạy học có nhiều nho sinh là học trò của bà hiển đạt khoa cử tiến sĩ.


Là bậc thầy Nho gia ngày xưa, họ có sở học, kiến văn tinh thông khoa Đông – Y – Lý – Số và tuy bà không lấy Lý Số làm kế sinh nhai. Nhưng cần lý giải cho những sự việc cần phải biết trong nghi vấn để góp thêm cho nhận xét thực tế và quyết định chọn phương thức, giải pháp cho sự việc, bà đã nhiều lần xử dụng tài độn giáp, dịch lý là môn học hiểu bản thể nguyên uyên, cách vật trí tri để tránh tai họa cho bản thân và gia đình… Năm 1739, khi giặc giã nổi lên khắp nơi, bà bấm độn biết được làng Vô Ngại nơi bà đang sinh sống sẽ thành chiến địa, nên bà dọn nhà qua bên kia sông Nhị, về ở xã Chương Dương để cho gia đình được an toàn. Quả thật ít lâu sau, làng Vô Ngại gặp tai họa chiến tranh hoang tàn.


Vào mùa Hè năm 1748, bà và phu quân đang đàm luận về văn chương thi phú tại tư thất, bấy giờ có cơn gió mạnh thổi tung mành cửa, bụi bay mờ mịt… Bà nhận biết điềm lạ và bấm quẻ độn rồi nói với chồng:


Bắc khuyết vân bình chiêu thiếp thụ


Nam thùy xuân vũ trước quân ân.


Nghĩa:


Cửa bắc xe mây điềm thiếp rõ


Bờ nam mưa ấm tỏ ơn vua.


Bà biết là điềm báo sinh mệnh của bà sắp tận số, nhưng phu quân của bà sắp được thăng chức và sẽ đổi vào phía Nam. Ông không có kiến thức nhiều về khoa huyền học, nên muốn bà giải thích cho tường tận, nhưng bà không nói thêm. Mấy ngày sau, ông nhận được lệnh triều đình vào trấn nhậm Nghệ An. Ông muốn bà cùng đi theo, bà thối thác, viện cớ bận việc nhà không muốn đi cùng. Ông cố nài nỉ, bà biết khó cải số trời nên bất đắc dĩ đi với ông. Một hôm khi thuyền đậu nơi bến đền Sòng, mọi người trên thuyền đã an giấc, bà còn chong đèn đọc sách rồi thiu thiu ngủ, bà thoát nghe trong không gian có tiếng chuông khánh, mùi hương lạ lan tỏa trong khoang thuyền, bà biết đó là điềm tốt báo cho biết bà sẽ từ biệt thế gian, thật ứng với câu thơ “Bắc khuyết vân bình chiêu thiếp thụy” tức ứng vào vận mệnh của bà. Quả nhiên, sau đó bà bị cảm hàn, khi thuyền tới Nghệ An mấy ngày sau thì bà qua đời như điềm đã báo trước.


Khi còn tại thế bà Đoàn Thị Điểm đã từng nắm giữ những trách nhiệm thật nặng nề: Bà gánh vác nhiệm vụ làm gia trưởng, làm thầy thuốc, làm thầy dạy học và làm vợ một quan nhân. Tất nhiên, dưới thời phong kiến, bà đảm nhận những trọng trách mà người đời thường khó kham được nếu không có khả năng hiểu biết tầm cao và tinh thần trách nhiệm hơn người. Làm người gia trưởng là đại diện cho gia đình quán xuyến mọi việc trong nhà, giao tiếp với xã hội mà thiệp thế không phải dễ trong thời loạn lạc, bà đã chu toàn và còn làm rạng danh gia tộc, làm lương y cứu nhân độ thế, chỉ cần một sai lầm có thể làm nguy hại tới sinh mệnh bệnh nhân ! Bà đã hành Y cứu chữa bệnh thời gian dài với hiệu quả tốt lành, như thế chứng tỏ kiến thức Y lý và tài y thuật của bà thật tinh thông, sâu rộng không phải ở tầm cỡ thường y. Bà có thể truyền thụ Y khoa và Văn tài cho môn sinh và đào tạo ra những nhân tài có khả năng nắm giữ rường mối quốc gia. Ở thời đại của bà, tất cả những vị thế và trọng trách trong guồng máy triều chính và xã hội đều dành riêng cho nam giới nắm giữ. Tuy vậy, đương nhiên trách nhiệm càng cao thì địa vị xã hội càng được tôn trọng quí mến ! Ngoài một số ít thuộc giới giai cấp quí tộc, còn lại đại đa số quần chúng đều chấp nhận nấc thang giá trị căn cứ theo việc làm có học thức là Sĩ và lao động Nông - Công – Thương. Trong Sĩ bao gồm cả Nho – Y – Lý – Số và nghành nghề dạy học, thầy thuốc, coi địa lý phong thủy đều đòi hỏi sự thông minh, học lực kinh thư cổ kim, trí thức và kiến thức uyên bác, tâm thức bác ái, cao thượng… Do vậy, bậc Sĩ được người đời tôn trọng. Bà Đoàn Thị Điểm xuất thân trong một gia đình Nho học bình thường, lại sinh trưởng trong giai đoạn lịch sử chiến nạn loạn lạc liên miên. Tuy có tài trí hơn người, bà đã đảm nhiệm những trọng trách nặng nề cao quí nhất trong xã hội một cách thành công. Chính bà đã đưa địa vị xã hội của người Phụ Nữ Việt lên ngang hàng với nam giới. Đương nhiên, chúng ta phải biết rằng ở thời đại 4 thế kỷ qua, được như thế thì tài trí của bà phải hơn hẳn nam nhân. Bà Đoàn Thị Điểm thật là một nhân tài quí hiếm của nước Việt.


Hãy nhìn lại địa vị xã hội của người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại phong kiến, thường thì chúng ta có nhận xét chung chung, phiến diện không chính xác lắm do ảnh hưởng của định kiến, thành kiếp bởi nhiều lớp sóng quá khứ lầm tưởng và sai lạc chồng chất. Địa vị của phụ nữ Trung Hoa từ thời phong kiến rất thấp và ngày nay cũng chưa được mấy tốt hơn ! Những quan niệm như: Nam quí nữ tiện, trọng nam khinh nữ, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô… có xuất xứ tại xã hội phong kiến Trung Quốc chứ không có trong xã hội Việt Nam, tuy có bị ảnh hưởng vì ngàn năm Bắc thuộc, trong đó các quan lại người Trung Hoa tìm cách đồng hóa dân tộc Việt, nhưng tất cả các cố gắng đó đều hầu như thất bại. Dân Việt vẫn là một khối thuần nhất, với đặc tính văn hóa riêng, tiếng nói riêng dù xưa kia vẫn mượn chữ Hán nho để viết chữ, giữ phong tục, tập quán, y phục riêng… Dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa, tiếp thu văn hóa Trung Hoa có chọn lựa, đãi lọc và tuyển dụng ngỏ hầu làm phong phú thêm cho văn hóa Việt Nam. Do vậy, những quan niệm về địa vị thấp kém của phụ nữ trong văn hóa Trung Hoa không thực sự có trong xã hội Việt Nam. Người phụ nữ Việt trong gia đình, ngoài xã hội luôn có một vai trò, địa vị xứng đáng và được tôn trọng như nam giới. Trường hợp của bà Đoàn Thị Điểm tuy hiếm quí, nhưng không phải là ngoại lệ và bất cứ người phụ nữ tài trí nào cũng có đầy đủ cơ hội tiến thân và thành đạt.


 Hãy nhìn lại lịch sử Việt Nam về Võ nghiệp như “Võ thét uy hùng dẹp bốn phương”: Cách nay 2000 năm, hai Bà Trưng đã là người phụ nữ tiền phong đứng lên tranh đấu cho sự độc lập của dân tộc, giành lại quyền tự chủ của đất nước, rồi tới 200 năm sau lại có bà Triệu cầm quân đánh đuổi giặc Đông Ngô xâm lăng nước Việt… Các vị Anh Thư này có đại chí, đại dũng, đại từ ái thương dân như con đẻ và xem thân mình “nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây” đều vì tình cảnh dân chúng lầm than, bị ô nhục kiếp nô lệ mà tự đứng lên cầm quân chống lại bạo quyền, bảo quốc an dân… Chứ họ không giống như Lã Hậu nhà Hán, Võ Tắc Thiên nhà Đường, Từ Hi nhà Thanh hoặc Cleopatra của Ai Cập xuất thân là cung phi được vua sủng ái, công chúa vương quyền, hoàng hậu được vua yêu thương rồi sau đó dùng sắc đẹp quyến rũ, mưu sâu, gian kế liên hiệp với gian thần để lên nắm giữ quyền hành, thỏa mãn tham vọng cá nhân, thụ hưởng vật chất xa hoa …!


 Về Văn Nghiệp như “Văn dìu cánh phượng yên trăm họ”: Chúng ta có những văn tài như bà Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, bà Hồ Xuân Hương, bà Ngọc Hân Công Chúa, bà Nguyễn Thị Bích Câu… những người đã tô điểm cho Văn Học Sử Việt Nam nhiều nét son đặc biệt, quí bậc nữ lưu này đã làm rạng danh phụ nữ Việt Nam.


 Ngày nay chúng ta nhìn lại địa vị xã hội của người phụ nữ Việt qua chân dung Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm để thấy và minh chứng rằng trong dòng lịch sử của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã có địa vị xứng đáng tôn kính với giá trị mà họ đã thật sự đóng góp tài hoa trong lịch sử tiến hóa của dân tộc. Dân Việt tôn vinh hai bà Trưng, bà Triệu, bà Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, bà Hồ Xuân Hương, bà Ngọc Hân … là chúng ta tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, sự tôn vinh đó chính đáng và công bình. Rồi đây trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa, vì trong đại đa số phụ nữ Việt chúng ta đều thấy tiềm ẩn hình bóng, tinh thần Võ công của bà Trưng, bà Triệu, Văn thánh của bà Đoàn Thị Điểm và nhiều Bà nữa…


Trịnh Khải Hoàng
19 Tháng Hai 2024(Xem: 374)
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 629)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 548)