VĂN HÓA ONLINE – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN – THỨ NĂM 04 MAY 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Cựu Đại sứ Mỹ, Ted Osius nói về nghĩa trang Biên Hòa và quá trình hòa giải thời hậu chiến
- Tác giả, Bùi Thư
- Vai trò, BBC News Tiếng Việt
- 1 tháng 5 2023
Cựu đại sứ Mỹ Ted Osius nói với BBC News Tiếng Việt hôm 30/4 rằng, ông có niềm tin vào việc hòa hợp hòa giải và cá nhân ông cam kết "hết sức mình" trong việc thúc đẩy tiến trình này.
Trong mười tám tháng qua, ông Osius đã đến Quận Cam (Orange County) ở California, nơi được coi là thủ phủ của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Ông cũng đã gặp gỡ nhiều thành viên cộng đồng hải ngoại ở trong và quanh Washington, DC.
“Tôi thường lắng nghe cộng đồng và tôi tin rằng đang có sự cởi mở hơn bao giờ hết đối với tiến trình hòa giải," ông Osius nói.
Sau chiến tranh, Mỹ và Việt Nam đã trải qua những hành trình đầy trắc trở trước khi tiến đến bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Một trong những bằng chứng của quá trình ấy là sự hợp tác để tìm kiếm và hồi hương binh sĩ Mỹ chết và mất tích trong chiến tranh, bao gồm cả các trường hợp mà phía Mỹ nghi ngờ là tù binh của họ vẫn còn bị phía Việt Nam giam giữ.
Dù nhiều khó khăn, nhưng quá trình hợp tác này đã giúp phía Mỹ xác định được và hồi hương hàng trăm quân nhân tử trận. Trong số 1.973 quân nhân được xác định mất tích trong cuộc chiến, tính đến giữa năm 2022, Mỹ đã nhận diện được và hồi hương 729 người, chỉ tính ở lãnh thổ Việt Nam.
Phía Mỹ cũng hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật để giúp phía Việt Nam tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Tiến trình hợp tác này vẫn còn tiếp diễn.
Trái ngược với sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong tìm kiếm quân nhân tử trận, chủ đề tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những người thuộc về “Bên thua cuộc”, trở nên nhạy cảm hơn nhiều.
Con mương và rễ cây
Năm 2021, ông Ted Osius ra mắt cuốn hồi ký về Việt Nam có tựa đề Nothing is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam (Không gì là không thể: Hòa giải của Mỹ với Việt Nam).
Cuốn sách nói về hành trình dài hướng tới hòa giải giữa hai nước cựu thù và chính tác giả là người được đánh giá có nhiều đóng góp, từ lúc ông là một nhân viên ngoại giao cho tới khi giữ cương vị đại sứ Mỹ tại Hà Nội (nhiệm kỳ 2014-2017).
Ông nói với BBC News Tiếng Việt hôm 30/04/2023 rằng, khi còn là đại sứ, ông thường nói chuyện với các thành viên của cộng đồng người Việt ở California, Washington, Texas, Virginia và những nơi khác. Ông nhìn thấy được hơn hai triệu người Mỹ gốc Việt đã hình thành một nhóm “ngày càng thịnh vượng và hoạt động chính trị tích cực”.
“Họ sẽ quyết định mối quan hệ giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam và các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ phát triển với tốc độ như thế nào, cũng như có bao nhiêu lượng khách du lịch và mức độ trao đổi sinh viên diễn ra giữa hai nước. Người Mỹ gốc Việt sẽ thiết lập tốc độ hòa giải,” ông Ted Osius nhận định qua mail với BBC.
Hồi năm 2017, Đại sứ Mỹ Ted Osius đã dẫn đầu đoàn các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và một lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Việt đến thắp hương tưởng nhớ các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa trang Biên Hòa, ở tỉnh Bình Dương - nay được gọi là nghĩa trang Bình An.
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa với tên gọi mới là Nghĩa trang Nhân dân Bình An tọa lạc tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam
Sau ngày 30/4/1975, nghĩa trang này được giao cho Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Qua nhiều năm bị bỏ hoang do không có người trông coi và chăm sóc đã làm hàng nghìn ngôi mộ xuống cấp - một chứng tích khác của cuộc chiến điêu tàn.
Ông Osius nhắc chuyện hậu trường việc tôn tạo nghĩa trang dành cho quân nhân Việt Nam Cộng hòa ở Biên Hòa - một điều được ông xem là “mang tính biểu tượng” về hòa hợp, hòa giải trong cuộc phỏng vấn năm 2021.
Cựu đại sứ Mỹ dùng hình ảnh con mương và rễ cây, tức hoạt động đào mương thoát nước và chặt rễ cây xâm hại mồ mả tại Nghĩa trang Biên Hòa, để làm biểu tượng cụ thể cho hòa giải giữa hai miền Nam - Bắc sau chiến tranh Việt Nam.
Tác giả cũng kể với BBC về việc trùng tu nghĩa trang và những vấn đề trong việc hòa giải:
“Sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, phải mất một thời gian dài để miền bắc và miền nam hòa giải. Tôi đã trò chuyện với Drew Gilpin Faust, hiệu trưởng Đại học Harvard. Là một sử gia đầy uy tín về Nội chiến Hoa Kỳ và hậu quả của nó, Faust hiểu rất rõ về hòa giải.
“Tôi đã hỏi bà ấy về Nghĩa trang Biên Hòa, nơi mà tôi tin là có tầm quan trọng mang tính biểu tượng. Tôi đã hỏi bà Faust: ‘Việc chôn cất đàng hoàng những người đã ngã xuống tại quê hương của họ là điều quan trọng đối với người Việt Nam, bất kể họ từ vùng nào của đất nước. Nhưng chính phủ (Việt Nam) sẽ không cho phép cộng đồng người Mỹ gốc Việt chăm sóc nơi đây. Tôi nên làm gì bây giờ?’
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tham quan địa điểm xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng ngày 18/10/2016.
"‘Sau Nội chiến Hoa Kỳ,’ bà Faust đáp, ‘phải mất một thời gian dài người lính miền Nam mới có thể được chôn cất tại Gettysburg. Trong các nghĩa trang, những người chiến thắng và kẻ bại trận vinh danh người đã khuất và sự hy sinh của họ. Nhưng những người chiến thắng là bên quyết định ai sẽ được vinh danh, và họ có thể không dành sự kính cẩn tương tự với những người đã chiến đấu ở bên thua cuộc.
‘Thưa Đại sứ, hãy để tôi đưa ra một gợi ý,’ bà tiếp tục. ‘Thay vì nói về 'Người Chết' (The Dead) với chữ T viết hoa và chữ D viết in hoa, thay vào đó, hãy thử nói về việc tôn vinh những người đã khuất.’ Tôi nghĩ rằng đây là lời khuyên tuyệt vời," ông Ted nói với BBC hôm 30/4.
Hòa giải từ những người đã khuất
Cuốn sách Không gì là không thể, Đại sứ Osius kể rằng vào năm 2017, ông đã gợi ý với ông Lê Hoài Trung, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam (hiện là Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), về việc “Bên thắng cuộc” cần có một cử chỉ quan tâm tới Nghĩa trang Biên Hòa.
Ông Trung đã đáp: “Vấn đề Nghĩa trang Biên Hòa khó đấy. Những kẻ chống đối chúng tôi đã biến nó thành một chủ đề chính trị.”
Đại sứ Osius mới đưa ra gợi ý cụ thể hơn: “Khi mùa mưa đến, họ (các gia đình quân nhân VNCH) không muốn quan tài bị nước cuốn trôi. Họ không muốn rễ cây thọc xuyên qua mộ. Sẽ không có treo cờ hay biểu tượng hay chính trị gì cả. Chỉ có hai yêu cầu thôi: cho họ đào mương và cắt rễ cây.”
Thứ trưởng Trung đã nghĩ ngợi một lúc mới trả lời: “Hào và rễ cây. Để xem thử tôi có thể làm được gì.”
Sự lưỡng lự của Thứ trưởng Trung phần nào cho thấy chính quyền Hà Nội rất nhạy cảm với các vấn đề mang tính biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa.
Tới khi nhiệm kỳ đại sứ của ông Osius kết thúc vài tháng, ông mới được kể lại rằng đã có sự cải thiện ở Nghĩa trang Biên Hòa.
“...Một người bạn viết thư cho tôi, vì biết rằng tôi vẫn còn quan tâm tới Nghĩa trang Biên Hòa. Ông ấy kể rằng mương đã được đào ở nghĩa trang và rễ cây đã được cắt. Rồi mùa mưa cũng tới, đổi màu cây cối từ xám thành xanh tươi,” Đại sứ Osius viết trong cuốn sách.
Ở bình diện rộng hơn, phóng viên BBC News Tiếng Việt đã từng tiếp xúc với nhiều người là đồng đội hoặc thân nhân các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa cũng như một số tổ chức Công giáo. Gần nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc, họ vẫn còn âm thầm tìm kiếm hài cốt của người thân ở chiến trường An Lộc cũ, ở đồi Charlie, ở Bình Thuận.
Nguồn hình ảnh, CÔNG THUẬN. Thương phế binh Võ Phùng Dương đã dành nhiều năm tìm kiếm hài cốt đồng đội
Theo số liệu của Mỹ và các nhà sử học độc lập ước lượng có khoảng 220.000 đến 319.000 quân nhân VNCH chết trong suốt cuộc chiến. Bị chính quyền mới thời hậu chiến ghẻ lạnh, các quân nhân VNCH tử trận chỉ được người thân, đồng đội cũ tưởng nhớ và kiếm tìm.
“Các ngài chết trong chiến trận, rồi thời cuộc đổi thay, mộ các ngài bị bỏ hoang. Tôi cùng các sơ ở đây quy tập về, khâm liệm tươm tất, mồ mả đàng hoàng,” một bà sơ tại một giáo xứ ở tỉnh Bình Thuận chia sẻ.
Một thương phế binh VNCH ở Bình Phước, ông Võ Phùng Dương, từng kể câu chuyện đi tìm kiếm đồng đội với BBC News Tiếng Việt hồi 2020:
“Tôi ở đây, vẫn nhớ anh em còn nằm lại An Lộc. Suốt thời bao cấp khổ cực và nguy hiểm, tôi nhớ mấy chỗ chôn cất đó nhưng không dám đụng vô. Lúc đó mình mới đi cải tạo ra, coi như là ra tù, còn nhiều khó khăn. Hồi đó đụng vô mấy chuyện này là ghê lắm, bị xử bắn chứ không đùa.”
Mãi tới những năm 2000 ông mới đi tìm kiếm và đưa về chôn cất tại Chơn Thành, Bình Phước.
“Mình còn sống là may mắn lắm, nên làm được gì cho anh em thì làm,” cựu quân nhân Võ Phùng Dương tâm sự. “Mình tật nguyền nhưng tay vẫn cầm cuốc đào được, tâm mình không có tật, chỉ nghĩ phải làm gì đó cho anh em, để vậy thì thương lắm. Mộ anh em ở đấy, khi nào nhớ nhớ thì tôi vào thắp nhang. Không có ngày giỗ. Tôi cũng tránh mấy ngày lễ kẻo rắc rối, chỉ đi vào ngày thường.”
Tuy nhiên, có những lúc tình hình khá hơn và như một cựu binh VNCH, Nguyễn Đạc Thành kể cho BBC Tiếng Việt, việc tìm kiếm hài cốt các chiến sĩ, sĩ quan VNCH cũ và hài cốt "tù cải tạo" chết ở Bắc VN, "có sự trợ giúp của chính phủ VN".
Hôm 28/04/2010, ông Nguyễn Đạc Thành, khi đó là chủ tịch Tổng hội HO và Hội Người Việt mất tích nói với đài BBC nhân dịp 35 năm kết thúc Cuộc chiến VN:
"Trước hết, không có sự trợ giúp chính thức của chính phủ Việt Nam thì chúng tôi không làm được gì cả, bởi vì chính phủ Việt Nam họ quản lý đất nước, nếu họ không chấp thuận thì chúng tôi không làm được gì hết..."
Nguồn hình ảnh, CÔNG THUẬN. Khu mộ tập thể quân nhân chết ở đồi Charlie vào năm 1971 được lập tại Chơn Thành, Bình Phước vào các năm 2014, 2015
Vẫn còn nhiều cấm đoán
Mỗi một năm kỉ niệm 30/4 - ngày Sài Gòn sụp đổ - cờ đỏ sao vàng lại được treo lên khắp phố phường ở Việt Nam với tinh thần thống nhất bất diệt.
Những cụm từ "hòa hợp" "hòa giải" lại được nhắc đến nhiều, nhưng các sự kiện gần đây khiến cho nhiều người suy ngẫm về một nền hòa bình thực sự, khi cuộc chiến được phản ánh nhiều góc cạnh khác nhau.
Diễn viên Quan Kế Huy tỏa sáng trên sân khấu Oscars 2023 với bài nói về xuất thân là một thuyền nhân đầy cảm hứng trên báo chí nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì vắng bóng. Nhà phê bình văn học Đặng Tiến thuộc thời VNCH qua đời thì truyền thông trong nước cũng bị cấm đưa tin.
Năm 2016, Tiểu thuyết “The Sympathizer” của Nguyễn Thanh Việt được giải Pulitzer nhưng cuốn sách không được dịch sang tiếng Việt.
“The Sympathizer” khi được chuyển thể lên màn ảnh cũng phải quay bối cảnh ở Thái Lan chứ đoàn làm phim không thể thực hiện các ảnh quay ở Việt Nam. Tác phẩm “The Refugees” của ông, được dịch ra tiếng Việt mang tên “Người tị nạn” (NXB Hội Nhà Văn, 2017) thì bị kiểm duyệt, cắt bớt truyện War Years (nói về hoạt động kêu gọi quyên góp chống cộng).
Ngay chính cuốn sách của cựu đại sứ Ted Osius dù được Đại sứ Hà Kim Ngọc nhắc đến, ca ngợi nhưng sự kiện về cuốn sách của ông Osius ở Đại học Fulbright Việt Nam lại bị hủy bỏ. Trong khi ông Osius từng nắm chức vụ Phó Chủ tịch của Fulbright Việt Nam trước đây.
Trong cuốn sách phi hư cấu Nothing ever dies của tác giả Nguyễn Thanh Việt viết: "Tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần, lần đầu tiên trên chiến trận, lần thứ hai trong ký ức."
Và sự kiểm duyệt, những cấm đoán nêu trên có thể xem là một trong những rào cản khiến cho việc hòa hợp hòa giải giữa người Việt Nam với nhau có vẻ khó khăn hơn giữa Việt Nam với Mỹ, nhất là khi "bên thắng cuộc" vẫn tiếp tục viết câu chuyện, ký ức về chiến tranh theo cách của mình.
Tác giả đạt Pulizer cũng nhắc đến trải nghiệm của mình khi đến Nghĩa trang Biên Hòa: ông phải xuất trình hộ chiếu và có nhân viên đi theo khi ông thăm viếng từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác.
Ông mô tả những con người bị lãng quên và những cuốn sách bị quên lãng “toát ra cùng một nỗi thê lương, sự sống và cái chết.”
“Trong trường hợp của nghĩa trang, người chết quá nguy hiểm nếu không canh chừng, nhưng cũng quá nguy hiểm nên không thể san bằng, ít nhất là hoàn toàn. Họ vẫn là nguồn tài nguyên quý giá, nếu một mai nhà nước muốn dùng họ để hoà giải với những người lưu vong bại trận của quốc gia này,” ông Nguyễn Thanh Việt viết.