VĂN HÓA ONLINE – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN – THỨ HAI 17 APRIL 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Bài CảmTác 0423Sức sống của một ý thơ
Mấy tháng đầu năm 2023 này sao mà mưa bão liên miên... Làm như thiên nhiên muốn bù đắp cho tình trạng hạn hán kéo dài cả thập niên trước đây ở tiểu bang Cali ?
Dường như không hẳn thế mà xem ra còn ngược lại: Đợt biến động khí hậu này liên tiếp cũng đã và đang gây nên quá nhiều thiệt hại trên hầu hết các vùng của lãnh thổ Hoa Kỳ, đe dọa nặng nề đến môi trường sống của toàn thể dân cư nữa!
Riêng cá nhân tôi thì phải thú nhận, sức khỏe rõ rệt đã bết bát rồi. Vì đủ mọi thứ, mà chắc hẳn rõ rệt và gần gũi nhất vẫn là tuổi tác: Năm nay tôi thực sự đã bước vào lớp tuổi tám mươi. Thêm nữa, mấy năm vừa qua, bạn hữu thân thuộc của tôi, họ rủ nhau đi vào cõi vô cùng khá là nhiều; nhiều đến độ chưa bao giờ tôi cảm thấy chóng mặt ...Nói chung, cụ thể là tôi bị cảm cúm, không nặng lắm nhưng lại dây dưa kéo dài hai ba tuần lễ mới khỏi. Và dĩ nhiên là tôi bắt buộc phải ở nhà dưỡng sức, thưa hẳn đi các dịp ra ngoài gặp gỡ bè bạn.
Trong lúc rảnh rỗi ấy, tôi nhẩn nha mò vào Google và kiếm ra được đoạn Cổ phong [bài thứ 39] của Lý Bạch (1), do GS Dương Anh Sơn biên soạn và dịch (2).
Nguyên bản và thơ dịch:
Tiện thể tôi xin phép được chép ra đây:
Đăng cao vọng tứ hải, 登高望四海,
Thiên địa hà man man ! 天地何漫漫!
Sương bị quần vật thu , 霜被群物秋,
Phong phiêu đại hoang hàn. 風飄大荒寒。
Vinh hoa đông lưu thủy, 榮華東流水,
Vạn sự giai ba lan . 萬事皆波瀾。
Bạch nhật yểm tồ huy , 白日掩徂輝,
Phù vân vô định đoan . 浮雲無定端。
Ngô đồng sào yến tước , 梧桐巢燕雀,
Chỉ cức thê uyên loan . 枳棘栖鵷鸞。
Thả phục quy khứ lai , 且復歸去來,
Kiếm ca hành lộ nan . 劍歌行路難。
Lý Bạch 李白
Chú thích:
- Cổ phong 古風 : hay còn gọi là "Cổ thể" là một thể thơ có từ những thời đại trước nhà Đường, gồm hai loại thơ năm chữ và bảy chữ. Tinh thần của thơ cổ phong rất phóng khoáng. Thơ chỉ chú ý vần điệu chứ không cần theo đúng luật bằng trắc. Thơ có thể làm ngắn hoặc dài cũng như số chữ có thể tăng nhiều hơn. Vần có thể độc vận hoặc hoán vận (một vần hoặc đổi vần...). Những bài như "Tương tiến tửu" của Lý Bạch hay "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị là những bài tiêu biểu .
- Hà 何: câu hỏi nghi vấn: sao, cớ sao.
- Man man 漫漫: rộng lớn, mênh mông, xa thăm thẳm.
- Bị 被: che phủ, đắp lên, khoác áo, cái mền, chịu, bị, mang vác...
- Quần 群: quây quần, tụ lại, đám đông...
- Phong phiêu 風飄: gió cuồn cuộn, gió cuốn thổi mạnh...
- Ba lan 波瀾: sóng lan tràn, đợt sóng lớn...
- Bạch nhật 白日: ban ngày, mặt trời
- Yểm tồ huy 掩 徂 輝 : Che khuất ánh sáng mặt trời còn lại (yểm: che lấp,khuất lấp, che chắn; tồ: còn lại, đến, đi, mới đầu; huy: ánh sáng, sáng sủa, rực rỡ, soi chiếu) .
- Đoan 端: đầu mối, bắt đầu, nguyên nhân...
- Thê 栖: đậu lại, nghỉ ngơi.
- Chỉ cức 枳 棘: cây gai nhọn kết thành bụi cây rậm rạp. (chỉ: loại cây có gai, lá hình răng cưa trái như cây quất thường mọc hoang; cức: loài cây có gai nhọn mọc thành bụi rậm).
- Thả phục 且 復: Thôi hãy quay về lại (thả: huống chi, hãy tạm, thôi hãy; phục: quay về , trở lại).
Dịch nghĩa:
Lên cao, trông vời bốn biển. Cớ chi trời đất rộng mênh mông! Sương mùa thu che phủ khắp mọi vật. Vùng hoang rộng lớn gió cuồn cuộn thổi lạnh lùng. Chuyện sang giàu như nước trôi chảy về phương đông .Muôn việc đều như những đợt sóng lớn tràn bờ. Ánh sáng ban ngày bị che khuất! Đám mây trôi nổi không biết dừng nơi nao! Con chim én, chim sẻ làm tổ nơi cây ngô đồng; con chim uyên, chim loan đậu nghỉ nơi bụi gai. Thôi thì hãy quay trở về chốn cũ. Cùng thanh kiếm hát bài" đường đi bao khó khăn"!
Tạm chuyển sang thể lục bát:
Cổ phong (Bài thứ 39)
Lên cao bốn biển vời trông
Cớ sao trời đất mênh mông không lường!
Mùa thu mọi vật phủ sương,
Gió cuồn cuộn lạnh khắp vùng rộng hoang.
Về đông xuôi chảy giàu sang,
Biết bao nhiêu chuyện sóng tràn cuốn bay!
Khuất che ánh sáng ban ngày,
Không sao đoán được mây trôi bềnh bồng!
Tổ chim én, sẻ, ngô đồng,
Uyên, loan gai góc cũng dừng nghỉ ngơi.
Hãy về quê cũ hỡi người!
Cùng thanh kiếm hát: đường đời khó khăn!
* GS Dương Anh Sơn.
Tác động từ cảm nhận thơ cổ:
Nội dung bài thơ Cổ phong nêu trên của Lý Bạch (2) đã khiến tôi liên tưởng nhớ lại cách đây trên nửa thế kỷ. Khoảng độ năm 1967, tôi sống bằng nghề dậy học trong xã hội Miền Nam Việt Nam bấy giờ đang dần dần nhấm sâu vào hoàn cảnh bức bách, với một tương lai mỗi lúc một đen tối thêm. Quay quắt bí lối, tự nhốt mình vào không khí Thơ Đường, trong ba năm trời tôi miệt mài đọc những cuốn sách mà đến giờ còn nhớ được. Như Tản Đà Vận Văn toàn tập của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu; như Đường Thi do cụ Trần Trọng Kim tuyển dịch, nhà xuất bản Tân Việt- 1950; hay Cổ Văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê ... Hồi ấy, tôi đã nhẩn nha đọc, thấm thía và tiện thể phóng dịch, cứ thế độ trên hai trăm bài của nhiều tác giả, suốt từ đời Tùy xuống đến triều đại nhà Thanh, tất cả theo thể lục bát. Dĩ nhiên trong ấy có bài Cổ phong này.
Và nếu tôi còn nhớ không lầm thì hồi ấy tôi đã tự diễn nghĩa ra theo phương thức tôi hiểu bài thơ này một cách hợp lý và đồng thời xử dụng từ ngữ của thời đại hiện tôi đang sống, đương nhiên là cụ thể và khẳng định hơn thời xưa nhiều. Chẳng hạn tôi muốn dẫn giải như sau:
Lên lầu cao, nhìn ra bốn phương tám hướng. (Thấy) trời đất sao mà rộng đến thế! Sương thu che phủ khắp mọi vật. Ngoài bãi hoang rộng lớn mênh mông, gió cuồn cuộn thổi lạnh lùng. (Mà tự nghiệm thấy) chuyện vinh hoa phú quý trong đời người ( thì lúc còn lúc mất) giống như nước trôi xuôi rồi cũng chảy (mất hút) về (biển) đông (mà thôi). Muôn sự việc (ở đời) cũng đều như những đợt sóng lớn tràn bờ. Ban ngày nắng sáng rồi cũng bị che khuất! ( Trên bầu trời) mây luôn luôn trôi nổi vô định. Chim én, chim sẻ làm tổ nơi cây ngô đồng; chim uyên, chim loan đậu nghỉ nơi bụi gai. Thôi thì hãy quay trở về chốn xưa. Cùng thanh kiếm (mà ) hát " đường đi gian nan"!
Dẫn giải đây có nghĩa là tôi muốn trình bày theo những gì tôi hiểu nội dung bài thơ của người xưa theo như nguyên trạng như vậy. Nhưng đồng thời tôi lại thấy phần đoạn thơ ở giữa ( từ câu thứ hai đến câu thứ chín), nhà thơ Lý Bạch đã diễn giải lan man từ những hiện tượng - cảnh sắc thiên nhiên - sang đến cảm nhận được biến đổi hoàn cảnh sống của đời người lẫn vũ trụ vạn vật; nhưng trong những đổi rời miên man ấy, vạn vật cũng như con người luôn tìm cách để được ổn định- an bình.
Phần diễn tả thực tại này hiện diện từ thời đại của Lý Bạch, nghĩa là xưa đến cả trên dưới một ngàn rưỡi năm, xem ra so với giai đoạn 1967-1975, hoàn cảnh tôi đang ngụp lặn hồi ấy đã phức tạp và gay gắt hơn rất nhiều rồi. Khác biệt đến độ tôi thấy đoạn thơ này được tác giả Lý Bạch diễn đạt khá đơn giản và đã không đủ sức kích thích để tôi phóng dịch đầy đủ ra thành cả bài. Và cuối cùng tôi đã chỉ có thể diễn đạt qua bốn câu lục bát, qua 2 câu đầu và hai câu cuối nguyên của bài thơ Cổ phong ấy, để chỉ muốn diễn tả cảm xúc của cá nhân tôi hồi đó.
Cảm tác, mỗi thời mỗi khác:
Trình bày một cách rành mạch hơn: Sự kiện mà tôi tiếp cận với bài cổ phong này của Lý Bạch lại đã cách nay cả trên nửa thế kỷ nữa rồi, tôi không chắc là mình nhớ đúng nguyên văn như vậy. Nhưng cụ thể thì lục ra những gì còn ghi lại, tôi chỉ tìm thấy có bốn câu cảm tác bài Cổ phong ấy như sau:
" Một hôm lên được lầu cao
Nhìn ra bốn phía, cảnh trào ý dâng...
Thôi ta về quách cho xong
Vỗ gươm mà hát rằng đường gian nan"
Bình tâm mà nghiệm lại, tôi thấy hoàn cảnh tại Sàigòn, với những biến động như Tết Mậu Thân (1968), đã khiến cá nhân tôi phải nỗ lực bươn trải tranh đấu gay gắt để được sống sót từng ngày trước một tương lai mù mịt. Hoàn cảnh lúc ấy cũng đã quá sôi động, hơn hẳn khung cảnh mà Lý Bạch diễn đạt trong nguyên tác bài thơ của ông.
Huống chi bây giờ, giữa lúc tâm trí tôi đang bấn bíu bởi những sự kiện đang biến động gay gắt trong xã hội: Chẳng hạn như đại dịch Covid-19 ba năm rồi vẫn dây dưa và chưa dứt khoát biết được nguyên do(3), cũng như sinh hoạt xã hội - chính trị hiện quá nhiều bế tắt đang cần phải điều chỉnh cấp thời (4)... Và nhất là hiện trạng ở Việt Nam đang diễn biến sau gần nửa thế kỷ nay:
- Một mặt chính quyền mỗi lúc một lộ rõ chủ trương nô lệ hóa chính dân cư của mình! (5)
- Trong khi ấy thì dân chúng mỗi lúc một cam go trong nỗ lực sống còn bằng diễn trình thực thi quyền làm người nói chung, mà phải lặn ngụp qua những gian khổ để mong tạo cho được nếp sống xã hội dân sự của nền dân chủ phôi thai (6)...
Và tôi thấy cũng nên ngẫm lại từ kinh nghiệm sống của cá nhân mình:
- Cách đây trên nửa thế kỷ, sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, tôi đã phải ngụp lặn trong
hàng loạt những gian khổ triền miên bên bờ vực tử sinh cả trên một thập niên sau đó.
- Còn hiện tại, con đường trở về với cái tâm trong sáng của từng cá nhân mỗi người trong chúng ta chắc chắn là vẫn cứ phải phấn đấu sống còn ở tương lai trước mặt.
Từ đấy, tôi bật ra ý định rằng mình tự nhiên muốn viết lại bốn câu thơ chót, thành:
" Một hôm lên được lầu cao
Nhìn ra bốn phía, cảnh trào ý dâng...
Thôi ta về quách cho xong
Dẫu tâm đã rõ rằng đường gian nan" (2023) ./.
Chú thích:
(1) Lý Bạch (701 - 762) là một trong những nhà thơ (..) nổi tiếng nhất thời Thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung. Ông được tán dương là một thiên tài về thơ ca, người đã mở ra một giai đoạn hưng thịnh của thơ Đường.[ trích "Lý Bạch – Wikipedia tiếng Việt: wikipedia.org;"]
(2) Trích: https://nguyenhuehaingoai.blogspot.com/2021/03/chuyen-dich-tho-ly-bach-bai-2-3.html;
(3) Đại dịch COVID-19: Các ca đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc tháng 12 năm 2019.Cho đến nay, tổng số tử vong cả thế giới đã trên dưới 8 triệu.[ Trích nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_d%E1%BB%8Bch_COVID-19_theo_qu%E1%BB%91c_gia_v%C3%A0_v%C3%B9ng_l%C3%A3nh_th%E1%BB%95]
(4) - Chính trị cụ thể như "Vụ truy tố cựu TT Trump cho thấy một vấn đề lớn hơn nhiều" John Wahl; : Nhã Đan dịch [Nguồn: Báo Mai, ngày đăng: 2023-04-12]
- xã hội như: * bạo lực súng đạn ở trường học:- "Trong 4 tháng đầu năm 2023 đã có ít nhất 42 vụ tấn công bằng súng vào trường học, unfire on school grounds, khiến 17 tử thương và 32 nạn nhân bị thương trên toàn Hoa Kỳ".[Nguồn: https://everytownresearch.org/maps/gunfire-on-school-grounds/]
* tội phạm gia tăng đột biến: "Theo đài ABC 7, có đến ba vụ đâm xảy ra trong một tuần trên xe của Metro. Hai người bị đâm chỉ cách nhau vài giờ hôm Thứ Năm, 6 Tháng Tư, và thêm một người bị đâm hôm Thứ Tư, 12 Tháng Tư. Các giới chức của Metro cho biết tội phạm, chẳng hạn như đánh đập và cướp giật, trong năm 2022 tăng 24% so với năm 2021. Một điều làm nhiều người lo sợ là chỉ mới bốn tháng đầu năm 2023 đã có 21 người chết trên xe của Metro, con số này bằng cả năm 2022." [ trích: https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/toi-pham-gia-tang-hanh-khach-di-xe-cua-metro-o-los-angeles-lo-so/?utm_source=Ng%C6%B0%E1%BB%9Di+Vi%E1%BB%87t+Newsletter&utm_campaign=126f056b12-EMAIL_CAMPAIGN_2023_04_14_07_00&utm_medium=email&utm_term=0_cf5f0a479c-126f056b12-157043941]
(5) Xin nêu ra đây vài tin cụ thể tiêu biểu, như:
- " Chỉ nhờ mấy câu nói vô tình của cô bán báo (đã gián tiếp) mô tả đúng tình hình VN, đang gây chấn động cả nước: -Cô bán báo ơi, còn báo gì vậy cô? -Dạ, còn Thanh Niên, Phụ Nữ nhưng hết Văn Hoá. - (Và) còn Nhân Dân (báo Đảng CS), Công An nhưng không có Pháp Luật." [ trích https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgzGsmDmpBpKJFFZvGXWSWfRQztdM]
- Chương trình xuất cảng lao động: "Bà Ingrid Christensen, giám đốc Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) tại Việt Nam, dẫn thống kê cho biết mỗi năm những người Việt xuất cảng lao động tại Nhật gửi về Việt Nam $3 tỷ, dưới dạng “thực tập sinh” được ghi nhận “rất lớn,” chiếm một phần tư trong tổng số 1.8 triệu lao động ngoại quốc ở nước này..."[Trích "Người Việt xuất cảng lao động tại Nhật gửi về nước $3 tỷ mỗi năm" nhật báo Người Việt, April 5, 2023; https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nguoi-viet-xuat-cang-lao-dong-tai-nhat-gui-ve-nuoc-3-ty-moi-nam/]
(6) "Báo cáo mới được đưa ra của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) cho biết hiện có gần 300 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và gần 80 người bị chính quyền bắt giữ trong năm qua."[ trích: https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-vnhr-viet-nam-dang-giam-giu-gan-300-tu-nhan-luong-tam/5938345.html]
- Nỗ lực tạo nếp sống dân chủ: "Người dân không còn cần một lãnh tụ vĩ đại!" tác giả: Lưu Á Châu sinh 1952, là Thượng tướng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF), nguyên Phó Chính ủy Không quân Trung Quốc; nguyên Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Stanford Mỹ. Ông đồng thời là một nhà văn có tiếng, chủ nhân một số giải thưởng văn học. Các bài viết của ông (có ) ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ (nhất là quan điểm đối với Mỹ), lập luận sắc bén của ông ( lâu nay đã) được dư luận rất quan tâm. Tướng Lưu là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm...Lưu Á Châu, một đảng viên cao cấp của ĐCSTQ đã bị bắt cách đây hai năm, có thể bị kết án tử hình nhưng ( cứ nhì nhằng) kéo dài thời hạn thi hành án vì ( bị vu cho) tội tham nhũng nghiêm trọng..."[ trích từ Nguồn: https://longnguyen48.blogspot.com/2023/04/luu-chau-nguoi-dan-khong-con-can-mot.html]
14/04/2023.
Phạm Quốc Bảo