Nguyễn Duy đọc thơ Tiếng tắc kè và lời mong 'sắp về'

01 Tháng Giêng 20206:17 SA(Xem: 6504)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ NĂM 02 JAN 2020


Mọi liên lạc bài vở - vui lòng gởi về Email: vaamacali@gmail.com


Nguyễn Duy đọc thơ Tiếng tắc kè và lời mong 'sắp về'


BBC 31/12/2019


image001


"Khi ở trong lò lửa chiến tranh, gần với cái chết nhất, người lính luôn khát vọng về hòa bình, khát vọng được sống," nhà thơ Nguyễn Duy nói với BBC News Tiếng Việt.


"Khi về tới Sài Gòn, một thành phố đầy tắc kè, đi đâu cũng nghe tiếng tắc kè kêu, tôi nhớ đến đoàn quân đi xuyên Trường Sơn, toàn những thằng lính trẻ."


"Nghe tiếng tắc kè kêu, tôi nhớ về những người lính không về đến Sài Gòn."


Vào một buổi chiều nắng đẹp tháng Bảy 2019 ở Porto, Bồ Đào Nha, nhà thơ Nguyễn Duy đọc tặng khán thính giả BBC News Tiếng Việt bài thơ ông viết hồi năm 1978.


Nghe tiếng tắc kè kêu trong thành phố


Tắc kè...


tắc kè...


tôi giật mình


nghe


trên cành me góc đường Công Lý cũ


cái âm thanh của rừng lạc về thành phố


con tắc kè


sao mày ở đây?


Sáng ra nhìn soi mói những cành cây


chả thấy con tắc kè đâu cả


khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá


tắc kè kêu như tiếng vọng về


Chợt hiện về, thăm thẳm núi non kia


dưới lá là hầm, là tăng, là võng


là cơn sốt rét rừng vàng bủng


là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn...


Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn


ngủ ôm súng suốt một thời trai trẻ


đêm trăn trở đố nhau:


bao giờ về thành phố?


con tắc kè nhanh nhảu nói: sắp về!


Sắp về!...


sắp về!...


người bạn tôi rung võng cười khoái trá


ấy là lúc những cánh rừng trút lá


mùa khô năm một nghìn chín trăm bảy tư


Tết rừng xong


từ giã chú tắc kè


chúng tôi xuôi - ào ào cơn lũ đổ


các binh đoàn tràn vào thành phố


đang mùa thay lá những hàng me


Lá me vàng lăn tăn rải thảm phố hè


chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy


cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy


hột mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay


Người bạn tôi không về tới nơi này


anh nằm lại bên kia cầu xa lộ


anh gục ngã trước cửa vào thành phố


giây phút lạnh lùng chấm dứt cuộc chiến tranh


Đồng đội, bao người không "về tới" như anh


nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù, và xa nữa...


tất cả họ, suốt một thời máu lửa


đều ước ao thật giản dị:


sắp về!


Qua hai mùa thay lá những hàng me


cái tết hoà bình thứ ba đã tới


chao ôi nhớ tết rừng không hương khói


đốt nhang lên


chợt hiện tiếng tắc kè


Tôi giật mình


nghe


có ai nói ở cành me:


sắp về!


sắp về!


sắp về!...


++++++++++++++++++++++


Nhà thơ Hoàng Hưng: 'Văn Việt không chủ trương đối đầu'


Quốc Phương BBC Tiếng Việt


 image004

Bản quyền hình ảnh Vanviet.info Image caption Trang bìa số đặc biệt đánh dấu 5 năm thành lập Ban vận đ Văn đoàn Độc lập trên Tạp chí mạng Văn Việt


Ngày 03/3/2019, Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam đánh dấu năm năm ngày thành lập.


Ban vận động này không được chính quyền ở Việt Nam công nhận.


Nhìn lại giai đoạn phát triển này, một thông điệp được đăng tải trên Tạp chí Văn Việt, diễn đàn thuộc Ban vận động, có đoạn:


"Thoắt cái đã năm năm! Vui buồn lẫn lộn! Vui vì anh chị em ta, những người Việt viết văn tử tế trên toàn cầu liên kết nhau, đã làm được những việc đúng đắn và có ích, nhiều việc lúc đầu không mấy người nghĩ là làm được."


Nhân dịp này, mời quý vị theo dõi một cuộc trao đổi giữa BBC với nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, thành viên sáng lập Tạp chí Văn Việt và Ban Vận động bên lề một Hội thảo tư trong dịp nhà thơ ghé thăm châu Âu.


Nhà thơ Hoàng Hưng: Trang mạng Văn Việt là cơ quan chính thức của Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam mà chúng tôi thành lập từ tháng Ba năm 2014. Đến nay qua mấy năm vận hành, tôi thấy rất có hiệu quả và cái chúng tôi mừng nhất là nó tập hợp được ngày càng đông các tác giả về văn học trong và ngoài nước. Thí dụ số tác giả ở hải ngoại có mặt trên Văn Việt tôi thống kê tạm thời đã tới trên 150 tác giả, tức là chiếm một nửa các tác giả xuất hiện trên Văn Việt.


Thế thì chứng tỏ điều chúng tôi đề ra từ đầu, tức là tạo ra không gian để cho các nhà văn không phân biệt quan điểm chính trị, nghệ thuật, mà chỉ có chung nhau một nguyện vọng xây dựng nền văn chương tiếng Việt tự do, nhân bản, không phân biệt trong, ngoài nước, chúng tôi cho rằng chúng tôi đã bước đầu thành công.


Hiện giờ chỉ có hai vấn đề. Thứ nhất là khả năng về công nghệ, kỹ thuật của chúng tôi rất hạn chế, bởi phần lớn những người làm cũng là những người lớn tuổi, không phải là thạo công nghệ lắm. Và thứ hai vẫn là sự ngăn chặn rất ghê gớm của an ninh mạng. Tức là họ tìm cách chặn bằng tường lửa, rồi họ tìm cách cản trở các cộng tác viên trẻ làm việc với chúng tôi, vì họ rất sợ các ảnh hưởng. Cho nên họ gây sách nhiễu rất nhiều với những người trẻ tuổi mà cộng tác với Văn Việt.


Và cái đó chúng tôi cũng nhiều lần có ý kiến phản đối. Hay là hàng năm chúng tôi đều trao giải Văn Việt, thì giải thưởng này càng ngày càng có uy tín, trao cho cả tác giả trong nước lẫn ngoài nước, dựa trên một tiêu chí duy nhất là có chất lượng nghệ thuật. Thế nhưng họ vẫn luôn luôn phá những buổi trao giải đó. Gần đây họ phá rất kinh khủng, chẳng hạn, chỉ vì chúng tôi trao giải thưởng cho một tác phẩm dịch "1984" của George Orwell. Chúng tôi đã phản đối công khai vì chúng tôi không chấp nhận được chuyện đó.


'Làm văn, không làm chính trị'


image006

Bản quyền hình ảnh Văn Việt Image caption Một tác phẩm thi ca được Văn Việt chọn giới thiệu trên tạp chí này


BBC: Liên quan Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, bao giờ Văn đoàn đó chính thức ra đời và sẽ như thế nào, thưa ông?


Nhà thơ Hoàng Hưng: Cái này cũng có rất nhiều người đặt vấn đề, ngay trong nội bộ thành viên của Ban vận động cũng nhiều lần đặt ra. Nhưng cuối cùng, sau khi cân nhắc, những anh em chủ chốt cũng đưa ra một ý kiến là chưa đến lúc để ra đời một Văn đoàn Độc lập đúng như danh xưng của nó. Tức là một tổ chức rõ ràng, một thứ hiệp hội rõ ràng.


Là vì chúng tôi là những người làm văn là chính, chúng tôi không phải là một tổ chức đấu tranh chính trị, cho nên chúng tôi cần một sự làm việc lâu dài. Như tôi vẫn nghĩ chúng tôi không muốn làm liệt sỹ quá sớm. Bởi vì đối với văn học, chuyện xông ra để mà làm liệt sỹ đấu tranh, tôi nghĩ là nó không có ý nghĩa lắm bằng việc mình phải làm tác phẩm, làm tác phẩm để lại cho lâu dài đối với nền văn học tiếng Việt.


Chúng tôi phải giữ được sân chơi rất rộng rãi, cởi mở, nhưng có một đường hướng rõ ràng, chứ không phải là thỏa hiệp một cách bừa bãiNhà thơ Hoàng Hưng


Cho nên chúng tôi không chủ trương đối đầu đối với công an hay là đối với nhà nước. Thế thì bây giờ nó có một cái tế nhị là theo quy định hiện hành của nhà nước Việt Nam, chúng tôi muốn lập hội thì chúng tôi phải xin phép. Mà xin phép tất nhiên là không được, chắc chắn là không được rồi.


Bởi vì chỉ cần họ đưa ra lý lẽ như thế này là chúng tôi sẽ bị loại ngay, tức là trong Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội của họ, họ nói rằng mỗi một công việc chỉ có một hội thôi, thế thì văn học đã có Hội nhà văn Việt Nam chính thức của nhà nước rồi thì không thể có một hội thứ hai được nữa.


Điều này vô lý lắm, nhưng đã là quy định của nhà nước rồi thì họ có thể dựa vào đó để họ 'khủng bố', do đó chúng tôi chủ trương không đối đầu, cái đó không cần thiết, mà cái chính là mình làm được cái gì. Còn cái đó ngày xưa người ta gọi là một Câu lạc bộ thì có cái gì đâu? Hay thử gọi đây là một nhóm vui vẻ thì cũng chẳng chết ai, miễn là nội dung làm được cái gì.


image008

Bản quyền hình ảnh Văn Việt Image caption Hình tư liệu sự kiện thành lập Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam


BBC: Trước đây ông có thời gian tham gia biên tập cho Tạp chí mạng Talawas, sau này tham gia sáng lập và điều hành Văn Việt, có điều gì đặc sắc mà ông có thể chia sẻ từ hai kinh nghiệm làm báo này?


Nhà thơ Hoàng Hưng: Nổi bật nhất trong công tác biên tập của Văn Việt là chúng tôi phải giữ được sân chơi rất rộng rãi, cởi mở, nhưng có một đường hướng rõ ràng, chứ không phải là thỏa hiệp một cách bừa bãi. Chúng tôi luôn luôn phải dựa vào một số tiêu chuẩn.


Thứ nhất là tất cả những bài mà chúng tôi đăng lên phải có một chất lượng nhất định về cả mặt nghệ thuật lẫn về mặt tư tưởng.


Thí dụ những bài viết có tính chất quá khích chúng tôi cũng không đăng. Hay những bài viết có thể có ý tưởng hay, nhưng chất lượng nghệ thuật chưa đến nơi, thì chúng tôi cũng không thể đăng được.


Tiêu chuẩn chỉ có thế thôi, còn ngoài ra, chúng tôi chấp nhận mọi trường phái, mọi phong cách, mọi quan điểm nghệ thuật. Đó cũng là điều mà có lẽ cũng khác với nhiều chỗ khác, kể cả khác với Talawas./( 4/3/2019)

15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)