Hà Văn Thùy: Hoa Việt Đồng Văn Đồng Chủng

22 Tháng Hai 20217:22 SA(Xem: 5363)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ HAI 22 FEB 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Hoa Việt Đồng Văn Đồng Chủng

image014

Hà Văn Thùy


Thuở nhỏ ở quê, nghe các cụ nói: “Hoa Việt đồng văn đồng chủng” do chưa hiểu nên mang theo như nỗi day dứt trong lòng. Tới khi đầu bạc mới nhận ra, trong tâm thức các nhà nho xưa, Trung Quốc là nguồn cội của Việt Nam không chỉ về máu huyết mà còn văn hóa. Không bỗng dưng mà dòng đầu tiên cuốn Đai Việt sử ký toàn thư ghi: “Thuở Hoàng Đế dựng muôn nước.” Đến thời Nguyễn, nhiều sách sử nhận người Việt là “Hán nhân”! Cái cảm thức gốc Trung Hoa càng sâu đậm khi nhận ra quê hương Núi Thái, Sông Nguồn…


Nhưng sang thế kỷ mới, khoa học đã mở ra cách nhìn hoàn toàn khác. Đúng “Hoa Việt đồng văn đồng chủng” nhưng mảnh đất nhỏ bé Việt Nam lại là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông. 70.000 năm trước, người từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ di cư tới Việt Nam. Tại Việt Nam, những dòng người gặp gỡ hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid cùng thuộc loại hình Australoid. Khi khí hậu được cải thiện, người Việt cổ đi lên Quảng Đông, Quảng Tây rồi tỏa ra chiếm lĩnh Hoa lục. Di cốt người đàn ông ở Tiên Nhân Động Chu Khẩu Điếm mang mã di truyền O3 M122 được khoa học xác nhận là người Hòa Bình đi lên 40.000 năm trước, trở thành tổ tiên của người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và là thủy tổ dân bản địa châu Mỹ. Khoảng 7000 năm trước, tại văn hóa Ngưỡng Thiều Nam Hoàng Hà, người Việt tiếp xúc với người Mông Cổ, sinh ra chủng người Mongoloid phương Nam, sau này được gọi là người Việt hiện đại. Người Việt hiện đại tăng nhân số, trở thành chủ thể của lưu vưc Hoàng Hà. Những ký tự sơ khai khắc trên đá Hà Giang theo chân người Việt tới văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước, thành những chữ viết đầu tiên, như các chữ Nhật, Hỏa, Mục, chữ Bát (số 8) và số 20 còn được dùng cho tới ngày nay. Quan niệm âm dương, ngũ hành cùng Tý, Sửu, Dần, Mão… từ Việt Nam lên Nam Hoàng Hà khoảng 6500 năm trước, vào thời của Phục Hy, trở thành Kinh Dịch dưới dạng bản kinh vô tự với những quẻ vạch liền, vạch đứt. Trước đó, người Việt từ Hòa Bình đã tới Triều Tiên và Nhật Bản, làm nên văn hóa Jomon. Toàn bộ Đông Á là quê hương của người Việt với văn hóa Việt mà ngôn ngữ Lạc Việt là chủ đạo. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ do họ Hiên Viên dẫn đầu đánh vào Trác Lộc, chiếm đất của người Việt ở miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Tỵ nạn chiến tranh, người Việt từ lưu vực Hoàng Hà chạy xuống Nam Dương Tử rồi đi tiếp tới Việt Nam, mang nguồn gen Mongoloid hòa huyết với người Việt dòng Australoid ở Nam Trung Quốc và Việt Nam, chuyển hóa di truyền dân cư khu vực trở thành chủng Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Đông Á cùng một chủng Mongoloid phương Nam. Các nghiên cứu di truyền dân cư châu Á cùng đưa ra kết luận: Đại bộ phận dân cư châu Á cùng một chủng Mongoloid phương Nam trong đó người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất, chứng tỏ người Việt Nam già nhất, nói nôm na, Việt Nam là trưởng tộc của chủng Việt.


Mọi cuộc xâm lăng đều gây ra chết chóc, đau khổ. Cuộc xâm lăng của họ Hiên Viên không là ngoại lệ. Nhưng do may mắn hiếm có, cuộc xâm lăng của Hoàng Để tạo khúc quanh vĩ đại cho lịch sử tộc Việt. Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể chi phối, Hoàng Đế và người của ông đã không tàn sát hay đàn áp dã man người Việt như dân du mục thường làm mà áp dụng chính sách cai trị khoan hòa khiến cho cuộc sống của người Việt trong nhà nước Hoàng Đế được đảm bảo. Đó là khi mà văn minh du mục với tư duy phân tích, hành động quyết đoán kết hợp hài hòa với tư duy tổng hợp nhân bản của dân nông nghiệp tạo ra Thời đại Hoàng kim trong lịch sử phương Đông. Những ký tự Việt đầu tiên xuất hiện 9000 năm trước nhưng sau 5000 năm vẫn là phù tự - chữ bùa chú, chỉ được dùng trong cúng tế và bói toán. Nhưng chỉ trong 200 năm từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XI TCN, sau khi chiếm được chữ của người Việt tại An Dương, nhà Ân với nền quân chủ mạnh, đã làm cho văn tự trưởng thành, đủ sức ghi chép mọi hoạt động của xã hội. Tiếp đó nhà Chu nâng cấp chữ viết để ghi thành kinh điển những tư tưởng của tộc Việt, tạo nên kho tàng văn hóa rực rỡ của phương Đông. Sau nhà Chu hưng thịnh, Trung Quốc bước sang loạn lạc thời Chiến Quốc. Hàng triệu người dân việt vùng ven biển Trung Hoa chạy nạn qua Triều Tiên. Sau đó một bộ phận từ Triều Tiên đi sang Nhật Bản làm nên văn hóa Jayoi.


Người Việt từ đồng bằng miền Trung Hoàng Hà trở về Việt Nam cô đúc nỗi nhớ quê hương thành câu ca Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra. Có lẽ khi đó người Việt chỉ biết quê hương phải bỏ lại bên dòng Sông Vàng mà không biết rằng nơi mình đến mới là quê gốc, nơi đất tổ sinh ra mọi dòng tộc Việt. Suốt trong tiến trình lịch sử biết bao thế hệ người Việt tiếp tục trở về từ phương Bắc, mang theo kho tàng tri thức vĩ đại về xây dựng văn hóa Việt Nam. Trong khi người từ phương Bắc trở về góp phần làm nên người Việt hiện đại thì người ở lại Núi Thái-Trong Nguồn trở thành dân vương triều Hoàng Đế. Một bộ phận người Viêt tự do vẫn kiên trì cuộc đấu tranh của mình, sau đó hợp nhất trong vương triều Chu rồi trở thành dân cư nhà Tần, nhà Hán. Cái sự đồng văn đồng chủng của Việt và Hoa có cội nguồn từ đó! Người xưa đã đúng khi nói Việt Hoa đồng văn đồng chủng. Chỉ vì lúc đó hiểu sai lịch sử nên cho rằng Trung Quốc là cội nguồn của dân tộc Việt. Nay, sự thật được minh định: Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông. Người Việt là trưởng tộc đang canh giữ ngôi đền thiêng thờ Tổ tiên tộc Việt.


Lịch sử phương Đông tuy rực rỡ nhưng cũng là một lịch sử buồn khi các dân tộc anh em tranh giành đất đai, tài nguyên đã đánh giết nhau gây ra mối thù truyền kiếp. Hoang tưởng về một dân tộc ưu việt, người Trung Quốc cho người Việt Nam là man di. Để giải thích sự tương đồng về nhân chủng và văn hóa giữa hai dân tộc Nhật - Hàn, người Nhật cho rằng, mình từng thống trị Triều Tiên, bắt nô lệ mang về. Còn người Hàn thì nói, mình từng chiếm đóng đất Nhật nên để lại con người và văn hóa! Thật xót xa khi gà cùng một mẹ vẽ mặt thành khác giống để đá nhau!


Thoát Trung ư? Núi liền núi sông liền sông làm sao mà thoát? Làm sao mà thoát khi đồng văn đồng chủng? Thoát Á ư? Làm sao mà thoát Á khi đất Việt là trung tâm của châu lục, khi tổ tiên chúng ta sinh ra toàn bộ dân cư cùng văn hóa châu Á? Chỉ có cách duy nhất, bằng trái tim nhân ái, hóa giải mọi oán thù, trung thực sống với nhau trong tinh thần đồng bào như tâm nguyện của tổ tiên xưa! Còn muốn thoát Trung ư? Quá đơn giản bởi người xưa đã dạy: “Yêu nhau rào dậu cho chắc.” Ngày nhỏ không hiểu, thấy vô lý. Nhưng lớn lên mới biết cha ông quả là minh triết. Chính vì yêu nhau mà phải rào chắc dậu.


Sài Gòn, Lập Xuân năm Tân Sửu                                                                                                                       HVT
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)