Việt Nam: Chú khỉ trầm cảm khi cuộc đời 'bị đánh cắp'

20 Tháng Tư 20239:27 SA(Xem: 1820)

VĂN HÓA ONLINE – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN – THỨ NĂM 20 APRIL 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Việt Nam: Chú khỉ trầm cảm khi cuộc đời 'bị đánh cắp'


image017Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. Chú khỉ bị trầm cảm tại vườn quốc gia Bù Gia Mập và hình vẽ minh họa của sinh viên Đại học HUTECH, Nguyễn Hoàng Minh Hiếu


BBC 20/4/2023


Không phải tất cả chúng ta đều biết loài khỉ có thể bị trầm cảm như con người, sau khi chúng phải trải qua nhiều tổn thương trong quá khứ.


Trong một chuyến đi trekking tại vườn quốc gia Bù Gia Mập ở tỉnh Bình Phước cách đây vài tháng, sinh viên Nguyễn Hoàng Minh Hiếu từ Đại học HUTECH ở Sài Gòn chú ý đến một con khỉ 15 tuổi, ngồi buồn bã trong chiếc chuồng sắt.


"Tôi chú ý đến một chú khỉ già lắm rồi, ngồi yên trong cái chuồng, rất khác so với những con khỉ hiếu động kế bên."


Cuộc đời 'bị đánh cắp'


Sau khi hỏi các nhân viên kiểm lâm của vườn quốc gia Bù Gia Mập, Minh Hiếu hiểu thêm về nguyên nhân trầm cảm của chú khỉ mặt đỏ này, vốn đã mất khả năng quay trở về thiên nhiên.


"Một anh kiểm lâm nói với tôi rằng chú khỉ đó bị săn bắt trộm từ nhỏ, sau đó được giải cứu về thì chú ta bị trầm cảm. Sau khi được thả về rừng tự nhiên thì chú khỉ này không được đồng loại chấp nhận, và cũng không tự kiếm ăn được. Sau vài lần thả không thành công như vậy, người ta phải đưa chú về lại vườn quốc gia. Chú khỉ này sống tại Bù Gia Mập khoảng 8 đến 9 năm rồi", Minh Hiếu nói với BBC News Tiếng Việt.


Nhân viên kiểm lâm kể thêm với Minh Hiếu là họ đã giải cứu chú khỉ này ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, khi đó chú khỉ "rất hoảng loạn khi lồng kế bên là một khỉ khác bị chết."


image020Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. Minh Hiếu cho biết bản thân rất bị ám ảnh từ đôi mắt buồn bã của chú khỉ 15 tuổi này


"Chú khỉ mặt đỏ 15 tuổi này được giải cứu từ một vụ mua bán động vật hoang dã trái phép. Lúc mới tiếp nhận, chú bị nhốt trong một cái lồng chật hẹp, sức khỏe rất yếu. Bên cạnh chú là một bạn khỉ đi cùng đã chết nên lúc đầu về trung tâm chú rất hoảng loạn, trầm cảm, không ăn uống gì nhiều. Sau nhiều tháng được chăm sóc thì tâm lý chú phần nào đã ổn định."


"Chú khỉ ngồi yên ở Bù Gia Mập như đang suy nghĩ về trong quá khứ, về một cuộc đời bị đánh cắp vậy với ánh mắt nhìn rất xa xăm", Minh Hiếu nói với BBC.


Tác phẩm về chú khỉ bị trầm cảm ở trung tâm cứu hộ động vật rừng quốc gia Bù Gia Mập của sinh viên Đại học HUTECH, ngành thiết kế đồ họa này đã thu hút hàng ngàn lượt like trên mạng xã hội.


'Biết vui, biết đau'


Minh Hiếu nói khi còn nhỏ, con vật yêu thích là hươu cao cổ, nhưng khi lớn, đôi mắt của loài khỉ khiến bạn rất ám ảnh.


"Sau thời gian tìm hiểu thì tôi thích khỉ, vì tôi thấy chúng có nhiều cảm xúc giống như con người, biết vui, biết đau. Đôi mắt của chú khỉ bị nhốt trong chuồng khiến tôi bị ánh ảm."


Khỉ mặt đỏ là loại động vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ (Red List of Threatened Species) của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN với mức độ bảo toàn khẩn cấp.


"Khỉ không phải thú cưng, đừng nuôi nhốt chúng bằng những chiếc lồng sắt hay trói chân chúng bằng xiềng xích", theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Education for Nature Vietnam - ENV).


image022Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. "Chú khỉ ngồi yên ở Bù Gia Mập như đang suy nghĩ về trong quá khứ, về một cuộc đời bị đánh cắp vậy với ánh mắt nhìn rất xa xăm", Minh Hiếu nói với BBC


Minh Hiếu đã vẽ minh họa cho một số sách thiếu nhi và được xuất bản. Chủ đề đa số về số phận động vật hoang dã tại Việt Nam.


Ngoài chú khỉ bị trầm cảm, tác phẩm 'Bức tranh chim mồi' của Minh Hiếu nói về nạn săn bắt chim mùa di cư ở Việt Nam.


"Một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của tôi là về mùa chim mồi. Tôi đã ấp ủ trước đó một năm rồi sau khi đọc bài viết về săn bắt chim trời thì rất thiếu nhân tính, đau đớn. Đọc tư liệu và xem hình thật thì tôi đau lòng quá, phải dừng lại rồi sau đó mới vẽ tiếp được."


image024Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. Minh Hiếu vẽ một con cói bị khâu mắt để làm mồi săn bắt chim trời


Mùa chim di cư ở Việt Nam diễn ra từ cuối tháng Tám, đầu tháng Chín, khi chim bay từ phía bắc về phương nam để chống rét.


Săn bắt chim trời vẫn là cách mưu sinh của nhiều người dân Việt Nam.


image026Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. Minh Hiếu vẽ một con chim bị vặt lông sau khi bị bắt trong mùa di cư, để đem đi tiêu thụ thịt


Dùng các loại bẫy như cò giả và mồi thậm chí như con cói bị khâu mắt, nhiều người vẫn tiếp tục săn bắt, giết thịt và buôn bán chim di cư tại những nơi được gọi là 'thủ phủ' như tại Hà Tĩnh...


image028Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. Minh Hiếu vẽ về những bữa ăn với thịt chim từ nạn săn bắt trái phép mùa chim di cư tránh rét


Minh Hiếu cho biết những tác phẩm về bảo vệ động vật hoang dã, có thể chạm đến cảm xúc của người xem sẽ luôn là động lực của bạn.


image030Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. Qua hình vẽ, Minh Hiếu muốn nói về số phận những cú voi phải cõng khách du lịch và chịu tổn thương về xương sống như Pai Lin đã được giải cứu tại Thái Lan


image032Nguồn hình ảnh, Wildlife Friends Foundation in Thailand (WFFT). Voi Pai Lin, 71 tuổi ở Thái Lan, đã bị còng xương sống sau 25 năm cõng khách du lịch, mỗi lần cõng đến sáu người


"Chủ đề về phóng sinh cũng rất hay, và tôi cũng có kế hoạch vẽ tiếp về các động vật bị sử dụng cho dịch vụ du lịch."


"Trong tác phẩm 'Niềm vui ngắn, nỗi đau dài, tôi nghĩ không có động vật nào đáng phải chịu đau đớn như vậy. Ngôi nhà của chúng là ở tự nhiên", Minh Hiếu cho biết.


image034Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. Minh Hiếu vẽ về những con gấu bị bắt đứng hai chân làm xiếc


image036Nguồn hình ảnh, Minh Hieu. Sinh viên Minh Hiếu kêu gọi mọi người hãy gọi đến đường dây nóng của ENV 1800-1522 ở Việt Nam khi phát hiện thấy có vi phạm động vật hoang dã


Việt Nam còn bao nhiêu con hổ hoang dã?


13/11/2021


Nhu cầu sử dụng cao hổ và các sản phẩm từ hổ vẫn tồn tại ở một số nước châu Á như Việt Nam đã đẩy loài thú này vào nguy cơ tuyệt chủng.


Tại Việt Nam, một nhà bảo tồn cho rằng hiện còn khoảng 5 con hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, một số khác nhận định hiện hổ hoang dã ở Việt Nam đã tuyệt chủng.


"Bức ảnh cuối cùng chụp được hổ hoang dã ở Việt Nam là vào năm 1999 tại Vườn Quốc Gia Pù Mát," ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã cho BBC hay.


Ở Việt Nam, hổ chủ yếu được mua để lấy cao nấu xương. Giá cao hổ hiện nay rao bán trên thị trường khoảng 1000 đôla/lạng.


Một số trang trại nuôi hổ ở Việt Nam được cho là không đóng góp gì vào việc bảo tồn hổ.


Hổ tại các trang trại này chủ yếu được nhập từ Lào. Sống trong môi trường chật hẹp, ăn thức ăn không phù hợp, hổ nuôi thường mắc nhiều bệnh và không thể thả về tự nhiên.


Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy cao hổ thực sự có tác dụng chữa bệnh. Một số người thường xuyên dùng rượu cao hổ thậm chí còn mắc bệnh thận hoặc các bệnh nguy hiểm khác.