Vì sao Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng?

17 Tháng Bảy 20186:30 CH(Xem: 8775)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ BA 18 JULY 2018


Vì sao Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng?


BBC 16/ 7/ 2018


image011

Image caption Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) là bản điện tử của báo Tuổi Trẻ ở TPHCM


Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam ngày 16/7 ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí điện tử của tờ Tuổi Trẻ Online, và phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng.


Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) là bản điện tử của báo Tuổi Trẻ ở TPHCM.


Bản báo in của nhật báo Tuổi Trẻ và các ấn phẩm còn lại của báo như Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Tuổi Trẻ Cười... vẫn được hoạt động bình thường.


'Ảnh hưởng rất nghiêm trọng'


Quyết định xử phạt do Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc ký, giải thích báo Tuổi Trẻ có hai hành vi "vi phạm hành chính".


Cụ thể, Cục Báo chí kết luận về "thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng" trong bài báo "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" đăng trên Tuoitre.vn ngày 19/6/2018.


Bài báo này ban đầu viết Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông "đồng tình với kiến nghị của cử tri" cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về việc này.


Cục Báo chí nói khi tiếp xúc cử tri ngày 19/6 ở TPHCM, ông Quang không phát biểu như vậy.


Vì bài này, báo Tuổi Trẻ phải đóng phạt 50 triệu đồng, phải cải chính, xin lỗi.


'Mất đoàn kết dân tộc'


Bài thứ hai, "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây" đăng trên Tuoitre.vn ngày 26/5/2017, bị Bộ Thông tin - Truyền thông kết luận là phần Bình luận của bài viết này "gây mất đoàn kết dân tộc".


Vì bài này, Tuổi Trẻ phải đóng phạt 170 triệu đồng, cải chính, xin lỗi.


Cũng vì bài thứ hai này, văn bản của Cục Báo chí nói hình phạt bổ sung là tước quyền hoạt động của Tuoitre.vn trong thời hạn ba tháng.


Quyết định được giao cho ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Online.


Ông Lê Thế Chữ cũng là Tổng biên tập của báo Tuổi Trẻ, được bổ nhiệm tháng 10/2017.


Báo Tuổi Trẻ có đơn vị chủ quản là Thành đoàn TPHCM.


Bộ Thông tin - Truyền thông nói thêm báo Tuổi Trẻ có quyền khiếu nại hay khởi kiện hành chính đối với quyết định của Cục báo chí theo quy định của pháp luật Việt Nam.


Tin mới nhất cho hay Tuổi Trẻ đăng một lời xin lỗi trên Facebook với nội dung:


"Tuổi Trẻ Online gửi lời xin lỗi đến toàn thể bạn đọc vì không thể phục vụ bạn đọc trong thời gian 3 tháng kể từ hôm nay. Xin được trân trọng cảm ơn tất cả tình cảm của các cơ quan quản lý cùng bạn đọc gần xa đã và đang dành cho Tuổi Trẻ Online. Xin tạm biệt, chúng tôi luôn nhớ bạn đọc của mình."


image001


Báo Tuổi Trẻ Online tạm biệt bạn đọc trong 3 tháng


TTO - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) sẽ tạm dừng hoạt động trong 3 tháng, kể từ hôm nay 16-7.


tuoitre.vn


image012


Tự do của một tiếng nói.


Tờ Tuổi Trẻ Online vừa bị đình bản ba tháng. Có hai lý do được đưa ra là bài “"Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này" - Thông tin này bị cho là ông không nói. Và bài báo là sai sự thật.


Ngoài ra, thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận bài viết "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?" đăng ngày 26/5/2017.


Trong thực thế, khi tin tức báo chí sai, sự buộc cải chính, chịu xử phạt hành chính, hoặc bị các bên ảnh hưởng kiện ra tòa, là động thái văn minh của báo chí - khi liên tục đấu tranh với biến động để buộc mình phải “cứng” hơn trong kiểm chứng và hành xử thông tin.


Nhưng bịt miệng một tờ báo, là một hành động hoàn toàn khác. Đình bản một tờ báo, nghĩa là tước bỏ quyền tường thuật của nó. Vụ bịt miệng Tuổi Trẻ Online cho thấy sự trừng phạt bằng cách “cắt lưỡi” không loại trừ tờ báo nào dù nhỏ hay lớn, giúp những tờ báo khổng lồ nhận diện rằng họ cũng là một công cụ truyền thông (quảng cáo) không khác gì với những tờ báo nhỏ hơn và có số phận mong manh hơn trong những sự vụ đầy màu sắc chính trị như vầy.


Tự do báo chí không thể được ban phát bởi một ai, bởi sự giàu có về mặt nhân sự, tiền bán báo, hay sức mạnh làm quảng cáo. Tự do báo chí được xây dựng từ ý thức muốn độc lập của những người thực hiện từng bài báo và trang báo mỗi ngày.


Ý thức này, tôi không nhận thấy tờ Tuổi Trẻ có, trong những ngày họ ca ngợi anh Đinh La Thăng như đấng cứu thế của Sài Gòn. Thời điểm đó, bất cứ ai làm báo cũng hiểu anh Thăng đã làm gì ở Bộ Giao Thông Vận Tải. Là người làm báo, nếu không thể dùng bài viết để thể hiện rõ thông tin, thì sự chừng mực trước nghi ngờ là cần thiết. Tờ báo này khi ấy làm tôi ngạc nhiên như một kênh PR cho anh Đinh La Thăng. Và tới khi anh vô tù, thì hệt như trang quảng cáo tội trạng của anh. Những ngày đó, khi mở tờ báo ra đọc, thứ duy nhất tôi cảm thấy là sự sỉ nhục - trong tư cách người đọc.


Với cá nhân tôi, tự do của một tờ báo có được từ ý thức tôn trọng thông tin - và đúng hơn - tôn trọng người đọc. Tại Philippines, khi tờ Rappler bị tổng thống Duterte đòi tước giấy phép hoạt động, tờ báo này đăng một cuộc crowdfunding, nói rằng họ cần độc giả, xin hãy chia sẻ khoản chi phí họ cần để duy trì thông tin độc lập, họ sẽ tiếp tục làm báo. Chỉ sau hơn một tuần, tờ báo vận động được hơn một nửa số tiền họ cần để sản xuất nội dung trong một năm. Rappler sản xuất ra những loạt phóng sự điều tra thành thật, dữ dội và đầy thông tin về cuộc chiến chống ma túy của Duterte. Một tờ báo trên mạng, một startup báo chí, đã làm cho báo chí phương Tây phải kính nể về trình độ tác nghiệp, khả năng sản xuất tin bài, và trên hết là sự kiên cường để độc lập tác nghiệp - vì độc giả.


Khi nhìn vào trang báo của Rappler tại Philippines, những vùng quảng cáo được thông tin rõ cho người đọc. Những trang tin bài là một phân vùng khác. Không có sự “mặc áo” quảng cáo làm nội dung. Ở một quốc gia lộn xộn, đói nghèo, lu xu bu như Philippines, ý thức về chuyên môn làm báo và giá trị của tự do thông tin mà Rappler theo đuổi đã tạo nên tiếng nói gây kinh ngạc cho cả khu vực Đông Nam Á - và cho người đọc.


Tôi không biết thế nào là định nghĩa về “tờ báo lớn nhất” hay “tờ báo uy tín nhất” hay “tờ báo giàu nhất” tại Việt Nam. Tôi tôn trọng từng nhà báo mà mình gặp và nhìn thấy họ đang đấu tranh cho từng milimet của thông tin đi đúng với những gì họ ghi nhận được. Đó là “tế bào” duy nhất của báo chí xứng đáng được tôn trọng.


Còn các tờ báo, dù lớn như Tuổi Trẻ Online, dù giàu như tờ báo giấy đã sinh ra nó, mà vẫn có thể khiến người đọc bật cười trước cả một trang chủ ca ngợi anh Đinh La Thăng, xong tới cả một trang chủ chửi anh vô tù, thì đó là tờ báo chưa hề coi trọng người đọc - thứ tự do duy nhất được cài lên áo họ.


Tự do ngôn luận chỉ dành cho những người tôn trọng tự do đó - dù là tờ báo nhỏ nhất hay lớn nhất. Và cuộc đình bản ngày hôm nay phơi bày chuyện đó - cho những ai còn tưởng mình “quyền lực” nhất.


Khải Đơn


Lê Hoài Anh


on Monday


Đình bản 3 tháng báo Tuổi trẻ on-line
Thôi xong! Quyết định này ngang với giết chết một tờ báo điện tử


Tôi từng rơi nước mắt khi tờ Phụ nữ News của mình bị đình bản 3 tháng và phạt 140 triệu đồng vào tháng 11/2017.


Gần 3 năm trời bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu sức người, bao nhiêu cố gắng chỉ vì một lỗi rất rất nhỏ, một sự sơ suất của TK toà soạn ...


Làm báo bây giờ... đáng sợ quá.

15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)