Tính cách chuyên nghiệp trong nghề Sử

05 Tháng Ba 201812:30 SA(Xem: 8423)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ  HAI 05 MAR 2018


Tính cách chuyên nghiệp trong nghề Sử


image021

TRẦN ANH TUẤN


Sau bài tôi viết về sử gia Nguyễn Thế Anh trong thế kỷ XX được phổ biến trên liên mạng điện tử VanHoa Online này và nhất là trên  http://daihocsuphamsaigon.org/index.php/bienkhao/193-trananhtuan/3040-nguyentheanhvadhvk xuất xứ tại tiểu bang California ngày 12.4.2016, tình cờ tôi thấy trên liên mạng TiaSang.com (liên mạng điện tử của Bộ Khoa Học và Công Nghệ tại Hà Nội) ngày 19.1.2017 có người tên Việt Anh viết bài phản bác nhận định của tôi về cách viết sử lạnh lùng của sử gia Nguyễn Thế Anh. 


Nguyên văn trong bài viết của Việt Anh trên liên mạng Tia Sáng như thế này: "Thảng hoặc, có tiếng nói cho rằng Nguyễn Thế Anh quá lạnh lùng trong thể hiện sử kiện, song có lẽ chính nhận xét này vô tình thể hiện mong muốn phi chuyên nghiệp khi đòi hỏi dù chỉ nhỏ nhoi cảm xúc yêu ghét sân hận… của ngòi bút viết sử. Điều này là không thể, nhất là không thể trong tác phẩm của sử gia Nguyễn Thế Anh..." 


Bài viết nêu trên có nhiều chi tiết cá nhân và hình ảnh riêng tư mà chỉ người trong cuộc mới có, như quê quán thân phụ và thân mẫu của Giáo sư Nguyễn Thế Anh và ảnh vị viện trưởng viện đại học Huế Nguyễn Thế Anh đứng sau lưng Tổng Thống Lyndon Johnson năm 1967. Và cách diễn tả của tác giả Việt Anh (?) rất lạ, làm như Việt Anh chính là... Giáo sư Nguyễn Thế Anh, nhất là câu cuối cùng tôi vừa trích dẫn! Còn nhận xét về tôi trong bài viết, là tôi vô tình thể hiện mong muốn phi chuyên nghiệp thì tôi nói ngay ở đây, rằng không ai có thể kết án tôi "mong muốn phi chuyên nghiệp" trong nghề Sử được!


Niên khoá 1973-74 tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, một thí sinh tên Nguyễn Phát L... (lúc ấy là Trung Tá, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Ấn Loát Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH), trình tiểu luận Cao Học Sử đã bị Hội Đồng Giám Khảo cho thêm 6 tháng để hoàn thiện tiểu luận vì đã chép hơn 30 trang trong tiểu luận của một tác giả hiện cũng có mặt trong phòng thi, lời Giáo sư Chánh Chủ Khảo Nguyễn Thế Anh khi tuyên bố kết quả kỳ thi, Hôm đó, tôi có mặt và không để ý những chi tiết ấy. Mãi đến khi buổi trình tiểu luận chấm dứt, vào lại văn phòng Ban Sử, Giáo sư Nguyễn Thế Anh mới cho tôi biết là thí sinh đã chép sách của tôi, và kết luận, nguyên văn: "Bản mémoire của anh đã trở thành classic!"


Sau năm 1975, một cán bộ ngành Sử tên Chương Thâu ở Hà Nội lại chép tiểu luận của tôi trong bài "Về công tác sưu tập và công bố các nguồn sử liệu" (Sử Học Việt Nam Trên Đường Phát Triển, Hà Nội, 1981, tr. 269-282).


Nguyên văn tôi viết thế này năm 1972: "Revue Indochinoise đã cung hiến một số tài liệu về tất cả các giai đoạn của công cuộc đánh chiếm và cai trị Pháp tại Việt Nam. Những tài liệu này do các người tham dự hay chứng kiến những biến cố nay trở htaǹh lịch sử ghi lại, chưa kể những bài nghiên cứu của các học giả căn cứ trên những tài liệu đầu tay khác." (Xin xem: Trần Anh Tuấn, Thư Tịch Chú Giải Lịch Sử Việt Nam Qua Các Tạp Chí Pháp Ngữ: Billetin de l' École Francaise d' Extrême-Orient, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Excursions et Reconnaissances, France Asie, Revue Indochinoise 1864-1970, Sài Gòn, 1972, trang 15).


Ông Chương Thâu ở Hà Nội đã chép thế này năm 1981: ""Revue Indochinoise... những sử liệu về tất cả các giai đoạn của công cuộc xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Nguồn tài liệu này do những người tham dự hay chứng kiến những biến cố ghi lại, chưa kể những bài nghiên cứu của các học giả căn cứ trên những tài liệu của chính phủ Pháp."  (Tham khảo: Chương Thâu: "Về công tác sưu tập và công bố các nguồn sử liệu" (Sử Học Việt Nam Trên Đường Phát Triển, Hà Nội, 1981, tr. 272-273).


Chưa hết, ông Chương Thâu còn chép thêm một đoạn nữa.


Nguyên văn tôi viết thế này: "Đó là những tài liệu ghi nhận mọi sinh hoạt xã hội, từ những tổ chức triều đình, hành chính, quân sự, giáo dục, tư pháp, kinh tế, tôn giáo... cho đến nếp sống hàng ngày của người dân Việt đương thời, từ y phục cho đến phong tục tập quán." (Xin xem: Thư Tịch..., tr. 20).


Ông Chương Thâu đã chép đoạn này như sau: ""Bên cạnh đó là những tài liệu ghi nhận mọi sinh hoạt xã hội từ tổ chức triều đình hành chính, quân sự, giáo dục, tư pháp, kinh tế, tôn giáo cho đến nếp sống hàng ngày từ y phục cho đến phong tục tập quán của người dân Việt đương thời." (Đối chiếu: Chương Thâu, "Về công tác..., tr. 273).


Trên đây là hai trong số những ảnh hưởng của ngòi bút viết Sử họ Trần thời nay. Và hãy để ý cách viết của tôi, là "đánh chiếm và cai trị Pháp" đã bị cán bộ Sử Học tại Hà Nội khi chép lại đổi thành "xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp," thì khách quan và chủ quan, chuyên nghiệpphi chuyên nghiệp đã rõ như ban ngày!


Vì thế, viết rằng tôi "mong muốn" dù cho tôi hay cho người khác "phi chuyên nghiệp" chẳng qua là một kết luận hàm hồ thiếu suy nghĩ. 


Với những ai được thầy người Pháp người Mỹ người Anh... dạy dỗ, tôi không biết. Còn tôi là sản phẩm của giáo dục miền Trung (Thanh Hoá) miền Bắc (Hà Nội) và miền Nam (Sài Gòn) qua nhiều chế độ khác nhau trong gần ba thập niên, cuối 1940 đầu 1970. Đó là cái may mắn vô tình của tôi. Thực ra, tôi đã có thể du học Pháp năm 1973, nhưng tướng Đặng Văn Quang, buổi ấy là Cố Vấn An Ninh Phủ Tổng Thống cho Nguyễn Văn Thiệu, đã không cho phép xuất ngoại với lý do, nguyên văn, "Đương sự chưa có gia đình!"  Thật là một lý do vớ vẩn, chỉ  vì "đương sự" có thói quen không đút lót ai bao giờ.


Thói quen đó, cùng với sự khách quan và sự thẳng thắn vô vị tình của tôi khi nghiên cứu Sử từ năm 1966 đến nay, từ trong nước ra đến hải ngoại, đã làm một số người có ác cảm. Đó chính là cái giá phải trả cho sự chuyên nghiệp của một ngòi bút viết sử!


Theo truyền thống "khách quan lạnh lùng đến vô tổ quốc" của những người nghiên cứu Sử do đại học Pháp huấn luyện, giáo sư Philippe Langlet, một người đồng thời, đồng song, đồng nghiệp, và đồng nhiệm sở với giáo sư Nguyễn Thế Anh từ Sài Gòn sang đến Paris, đã kết án các tác giả của bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là "không khách quan" chỉ vì các sử quan của bộ sử này đã một lần đề cập đến quân nhà Nguyễn là "ngã quân," tức quân ta. (Xin đọc "La Tradition Vietnamienne: Un État au Sein de la Civilisation Chinoise, d'après la Traduction des 33e et 34e Chapitres du Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Texte et Commentaire du Miroir Complet de l'histoire Viêt, établi par order impérial)" trong Bulletin de la Société des Études Indochinoises, bộ mới, quyển XLV, Sài Gòn, 1970, trang 156).


Theo truyền thống đó, ông/bà/cô/cậu Việt Anh nào đó có dám kết án Trần Trọng Kim là "phi chuyên nghiệp" không, khi Trần Trọng Kim không mệnh danh một nước là "Trung Tâm của Vũ Trụ" như danh xưng Trung Quốc bao hàm, hay "Tinh Hoa của Trung Tâm Vũ Trụ," như danh xưng "Trung Hoa" bao hàm, mà từ trang đầu đến trang cuối của tác phẩm Việt Nam Sử Lược, họ Trần lúc nào cũng mệnh danh nước là "nước Tầu," và người là "người Tàu."


Trần Trọng Kim đã ca tụng Hưng Đạo Vương là "danh tướng đệ nhất nước Nam," Bắc Bình Vương với "võ công lẫm liệt..." Rồi Trần Trọng Kim gọi hạng vua hèn, hay kẻ hàng giặc bằng tên trống không như Trần Di Ái, Quí Ly, hay tên Tình tên Ngọc (Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc là những tay sai vây bắt vua Hàm Nghi nộp cho quân Pháp)... tức là một cách diễn tả sự khinh bỉ rõ rệt.


Những nhận định trên đây của Trần Trọng Kim đúng hay sai? Lạnh lùng khách quan, hay chính là tấm lòng của một con dân đất Việt viết sử với chủ đích, là "làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước..."? (Việt Nam Sử Lược, in lần thứ tư, Hà Nội, Tân Việt xb, 1951, trang VII).


Nhận định của tôi về hai sử gia Trần Trọng Kim và Nguyễn Thế Anh trong cái khung của thế kỷ XX không có nghĩa là đặt hai vị trên cùng một bàn cân với trọng lượng như nhau.


Không, hai sử gia này rất khác biệt nhau.


Một, là người đã thực hiện sử phẩm làm kim chỉ nam văn hoá cho năm (5) thế hệ dân Việt trong thế kỷ XX và ảnh hưởng của bộ sử vẫn còn tiếp tục trong xã hội người Việt khi tôi viết những dòng chữ vinh danh Người.


Hai, là người có khả năng nghiên cứu đặc biệt đã cung hiến cho thế giới bên ngoài Việt Nam nhiều sử phẩm bao la và thông tuệ, còn trong nghề Sử là người đầu tiên và duy nhất đào tạo khá nhiều tiến sĩ Sử Học cho nhiều nước ở Âu Châu, Mỹ Châu, Á Châu...


TRẦN ANH TUẤN


27.2.2018
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)