VĂN HÓA ONLINE - KHOA HỌC - THỨ HAI 11 MAR 2019
Hồi sinh san hô Cù Lao Chàm
23/02/2019
Những rạn san hô ở Cù Lao Chàm (TP.Hội An, Quảng Nam) đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm tựa vững chắc cho những đàn cá trở về cư trú, sinh sôi, nảy nở...
Kiểm tra san hô phục hồi . HUỲNH DIÊN
Kỹ sư Lê Vĩnh Thuận, chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”, vui mừng thông báo những rạn san hô ươm nuôi ở Cù lao Chàm (TP.Hội An, Quảng Nam) “đã sống khỏe, phát triển mạnh mẽ”, trở thành điểm tựa vững chắc cho những đàn cá trở về cư trú, sinh sôi, nảy nở. “Không riêng gì san hô ươm nuôi, mà cả những rạn san hô trước đây bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ, khai thác thủy hải sản của bà con ngư dân, từ hoạt động tham quan ngắm san hô cũng đã trở mình, thức dậy, hồi sinh…”, kỹ sư Thuận nói về thành quả sau ba năm triển khai đề tài tại Cù Lao Chàm.
Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư khai thác thủy sản năm 2005 tại Trường đại học Nha Trang, năm 2006 Lê Vĩnh Thuận tình nguyện ra đảo làm việc tại Ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Thời gian này, chứng kiến những tác động của thiên tai lẫn con người xâm hại, phá vỡ môi trường sinh sống của nhiều loài thủy hải sản, kỹ sư Thuận cùng các cộng sự không khỏi xót xa. “Không thể ngồi nhìn những rạn san hô tuyệt đẹp chết dần chết mòn. Anh em chúng tôi đưa ra nhiều ý tưởng, quyết tâm tìm mọi cách để phục hồi. Và may mắn được tiếp cận nghiên cứu của các thầy ở Viện Hải dương học Nha Trang, kế thừa rồi xem xét, đo đạc, lựa chọn vùng nước cũng như các phương án ươm nuôi san hô cho vùng biển Cù lao Chàm”, kỹ sư Thuận kể về công trình do mình làm chủ nhiệm và nói thêm: “Đặc biệt ở Cù Lao Chàm, chúng tôi đã vận động, chuyển giao công nghệ để người dân cùng tham gia ươm nuôi, phục hồi, nhận trách nhiệm trông coi, giám sát và bảo vệ sự phát triển của rạn san hô.
Chính cách làm này đã giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Khi cá tôm đã trở lại, môi trường biển được phục hồi, du khách đến với Cù Lao Chàm tham quan thưởng lãm theo tour đi bộ dưới đáy biển ngắm san hô tăng cao thì cuộc sống, thu nhập của cộng đồng dân cư theo đó cũng được nâng lên”.
Người dân tham gia vào công tác phục hồi, bảo vệ rạn san hô ở Cù Lao Chàm
Sau ba năm, theo kỹ sư Lê Vĩnh Thuận, đến nay đã ươm nuôi thành công trên diện tích 2.747 m2 với hơn 3.000 tập đoàn san hô (nhánh san hô) tại bãi Bắc và bãi Tra, tỷ lệ sống đạt 78,9%, tốc độ tăng trưởng trung bình 5,36 cm/năm.
Ngoài ra, còn xây dựng 2 vườn ươm san hô giống tại bãi Bò và bãi Nần với gần 600 tập đoàn san hô, tỷ lệ sống trên 99%. “Với kết quả khả quan này, chúng tôi hy vọng được đóng góp nhiều hơn cho kế hoạch dài hạn để phục hồi rạn san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm cũng như nhân rộng mô hình này cho các vùng biển tương tự ở Quảng Nam như xã đảo Tam Hải (H.Núi Thành) cũng như chuyển giao công nghệ cho các địa phương ven biển ở miền Trung…”, kỹ sư Thuận chia sẻ.
Nhiều loài san hô ở Cù Lao Chàm đã phục hồi.
San hô được ươm nuôi.
Theo các nhà khoa học, rạn san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm không chỉ góp phần điều hòa môi trường biển, cung cấp dinh dưỡng mà còn là nơi cư trú, sinh sản và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh ở vùng biển Cửa Đại - Cẩm Thanh (TP.Hội An) và từ ngoài khơi với nhiều loài hải sản quý hiếm. Và tin vui là từ kết quả những rạn san hô ở Cù Lao Chàm hồi sinh, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định công nhận đề tài nêu trên để ứng dụng vào thực tiễn ở vùng biển Quảng Nam. (TN)