VĂN HÓA ONLINE - KHOA HỌC - THỨ TƯ 28 NOV 2018
Phi thuyền vũ trụ NASA hạ cánh xuống sao Hỏa sau chuyến bay 6 tháng
07:12 27/11/2018
Sau cuộc hành trình dài đầy nguy hiểm, tàu vũ trụ InSight đã hạ cánh an toàn xuống bề mặt sao Hỏa và gửi đi thông báo khiến các nhân viên NASA vỡ òa trong vui sướng.
Tàu vũ trụ Mỹ NASA mang tên InSight đã thành công hạ cánh trên sao Hỏa hôm 26/11 /2018 sau khi bay xuyên qua vùng trời đỏ rực của hành tinh này với tốc độ siêu thanh đầy nguy hiểm, theo AP. Đây là tin vui đối với các nhà khoa đã hồi hộp chờ đợi trên Trái Đất. Ảnh: Minh họa của NASA
Các khoa học gia điều khiển tại Phòng thí nghiệm phản lực của NASA ở Pasadena, California, nhảy ra khỏi ghế, và ôm nhau khi biết rằng tàu vũ trụ InSight an toàn đến sao Hỏa sau nhiều lần thử nghiệm thất bại trước đó.
“Xác nhận chạm xuống bề mặt!”, một kiểm soát viên nói lớn khiến mọi người trong căn phòng từ chỗ hồi hộp cắn móng tay bỗng dậy lên làn sóng ăn mừng. Thông báo xác nhận này được phát đi vài phút từ một cặp vệ tinh rất nhỏ đã đi theo tàu InSight trong suốt hành trình dài 482 triệu km trong 6 tháng.
“Hoàn hảo. Đây là những gì chúng tôi hy vọng và tưởng tượng trước đó. Đôi khi mọi thứ sẽ diễn ra đúng như ý muốn”, Rob Manning, kỹ sư trưởng Phòng thí nghiệm phản lực của NASA, nói với AP.
Người điều hành NASA, Jim Bridenstine, cho biết: “Thật là một ngày tuyệt vời cho đất nước chúng ta”. Ông nói thêm rằng thông báo từ vệ tinh gửi về bị chậm 8 phút so với thực tế do mất thời gian truyền tín hiệu từ sao Hỏa đến Trái Đất.
Không chỉ mang tới tin vui, hai vệ tinh còn gửi về những hình ảnh sao Hỏa đầu tiên của tàu InSight chỉ 4 phút sau khi hạ cánh. Bức ảnh không rõ nét vì lớp bụi vẫn còn trên ống kính máy ảnh, nhưng địa hình có vẻ khá mịn và được bao phủ bởi cát. Các nhà khoa học đang mong đợi có được nhiều bức ảnh đẹp hơn trong những ngày tới.
"Trong những tháng tới và thậm chí nhiều năm sau, sử sách sẽ ghi lại cấu trúc bên trong sao Hỏa”, giám đốc Phòng thí nghiệm phản lực của NASA Michael Watkins nói.
Phi thuyền vũ trụ InSight là dự án quốc tế trị giá một tỷ USD, bao gồm thiết bị do Đức chế tạo có chức năng đào sâu xuống bề mặt sao Hỏa 5 mét để đo nhiệt độ bên trong. InSight cũng được trang bị máy đo địa chấn của Pháp để đo cường độ các trận động đất hay xung chấn nếu có trên sao Hỏa để xác định các thành phần trong lõi của hành tinh này. Ảnh: NASA.
Đây là lần hạ cánh thành công thứ 8 trên sao Hỏa của tàu NASA kể từ năm 1976 với đợt thăm dò Viking, cũng là lần thành công đầu tiên trong 6 năm qua. Tàu Rover Curiosity của NASA, đến đây vào năm 2012, hiện vẫn di chuyển trên sao Hỏa.
Bằng cách kiểm tra và lập bản đồ bề mặt sao Hỏa, các nhà khoa học hy vọng có thể tìm hiểu sự khác biệt của các hành tinh trong hệ mặt trời và vì sao Trái đất lại trở thành thiên đường cho sự sống.
Tuy nhiên, không có thiết bị thăm dò sự sống trên InSight. Đây sẽ là sứ mệnh tiếp theo của NASA được gửi gắm cho tàu Mars Rover dự kiến được phóng năm 2020.
'7 phút kinh hoàng' khi tàu vũ trụ NASA hạ cánh xuống sao Hỏa 27/11/2018
Sau 6 tháng du hành ngoài không gian, robot thám hiểm InSight đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa trong sự hồi hộp theo dõi của các nhà khoa học NASA.
Thiết kế của bộ phận hạ cánh sử dụng cho chuyến thám hiểm sao Hỏa lần này có vẻ ngoài tương tự như khoang tàu vũ trụ trong các sứ mệnh Apollo thám hiểm Mặt trăng những thập niên 1960-1970, theo CNN.
Bộ phận đáp có thiết kế hình nón, cùng phần đáy phẳng và nhẵn. Phần đáy của khoang tàu chính là giáp chống nhiệt, được thiết kế nhằm bảo vệ robot thám hiểm sao Hỏa vượt qua bầu khí quyền khá mỏng của "hành tinh đỏ".
Robot hạ cánh như thế nào?
Quá trình hạ cánh được đánh giá là phần thách thức hàng đầu của sứ mệnh gửi tàu thám hiểm đến hành tinh thứ tư trong Thái Dương hệ. Khoang đáp sau khi rời khỏi hệ thống du hành không gian phải vượt qua bầu khí quyển nhiều biến động.
Theo các nhà khoa học, khoang chứa robot thám hiểm sao Hỏa bay xuyên qua bầu khí quyển với vận tốc ban đầu hơn 19.700 km/h. Góc rơi của khoang tàu phải đạt chính xác 12 độ. Nếu góc thấp hơn, robot có thể dội ngược trở vào vũ trụ. Nếu góc rơi quá dốc, robot sẽ bị thiêu rụi và sứ mệnh thám hiểm thất bại.
Toàn bộ quá trình rơi của InSight diễn tra trong gần 7 phút, tất cả được tự động hóa. Ảnh minh họa: NASA.
Khoang tàu vũ trụ bảo vệ robot thăm dò sao Hỏa mất khoản 6 phút 45 giây để di chuyển qua lớp khí quyển trước khi bắt đầu quá trình hạ cánh. Trong giai đoạn này, khoang tàu sẽ chịu gia tốc gấp 12 lần trọng lực Trái đất. Giả sử đây là một người nặng 68 kg, trọng lực trong quá trình rơi xuyên tầng khí quyển sao Hỏa sẽ lên đến 1 tấn.
Khoảng 3 phút 30 giây sau khi rời khỏi tầng khí quyển, khoang đáp phóng dù và giảm đáng kể vận tốc rơi. 15 giây sau đó, các vụ nổ đã phá hủy lớp vỏ chống nhiệt ở đáy khoang tàu. Không còn lớp bảo vệ, robot thám hiểm InSight mở càng chuẩn bị hạ cánh.
Những phần còn lại của khoang đáp sẽ tiếp tục rơi thêm gần 2 phút cùng dù bảo hộ. Robot vẫn được bảo vệ khá an toàn bằng khoang tàu hình nón bên ngoài. Khoảng 45 giây trước khi robot InSight hạ cánh, nó được lập trình tự động tách rời khỏi vỏ nón và hướng xuống mặt đất. Ngay lập tức, các tên lửa đẩy được kích hoạt hỗ trợ quá trình hạ cánh.
Thiết kế ba càng đáp và đỉnh hình hộp của InSight tương tự robot thám hiểm Mặt trăng Apollo. Các tên lửa đẩy giúp giảm tốc độ rơi của robot thám hiểm sao Hỏa và kết thúc chuyển động rơi theo phương ngang. Khoảng 15 giây trước khi tiếp đất, robot InSight dần hạ cánh với vận tốc hơn 2 m mỗi giây.
Tín hiệu vô tuyết từ sao Hỏa đến Trái đất truyền đi với độ trễ khoảng 8 phút 7 giây, do đó các nhà khoa học nhận được kết quả hạ cánh của InSight chậm hơn so với diễn biến trên thực địa.
Toàn bộ quá trình hạ cánh diễn ra trong khoảng 7 phút. Tất cả đều được tự động hóa. Các nhà khoa học thiết kế InSight gọi đây là "7 phút kinh hoàng" của sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa.
Nghĩa địa của các robot vũ trụ
Các chuyên gia của NASA hoàn toàn có lý khi lo sợ sứ mệnh gặp sự cố. Sao Hỏa được ví von là "nghĩa địa" của những robot thám hiểm thất bại.
Cơ quan không gian của nhiều nước đã thử phóng robot lên sao Hỏa tổng cộng 44 lần, trong đó mới có 18 lần các thiết bị thăm dò hạ cánh thành công. 23 lần các robot bị phá hủy và 3 lần thiết bị thăm dò đạt được giai đoạn xoay quanh quỹ đạo sao Hỏa nhưng không thể hạ cánh.
NASA đặt rất nhiều tham vọng cho sứ mệnh InSight lần này. Khác với robot thăm dò Curiosity được Mỹ gửi lên sao Hỏa vào năm 2012, InSight sẽ không chu du trên bề mặt mà được đặt cố định nhằm nghiên cứu lớp vỏ "hành tinh đỏ".
Thiết bị thăm dò sẽ phát sóng vô tuyến để các nhà khoa học trên Trái đất theo dõi. Bằng các tính toán kỹ lưỡng về sự thay đổi tầng số vô tuyến, họ sẽ nghiệm được độ nghiêng của sao Hỏa khi tự quay xoanh trục, tương tự như Trái đất. Kết quả này giúp con người hình dung rõ thêm về lõi của hành tinh, chẳng hạn như các thành tố và nhiệt độ nóng chảy trong lõi.
Thiết bị thăm dò InSight không di chuyển như "người anh" Curiosity năm 2012, mà được đặt cố định để đo đạt các chỉ số liên quan đến lớp vỏ sao Hỏa. Ảnh: NASA.
InSight còn triển khai một thiết bị đo địa chấn để theo dõi các chuyển động địa chất, cũng như các đợt thiên thạch va chạm với sao Hỏa. Việc theo dõi sóng địa chấn sẽ giúp con người hiểu thêm về cấu tạo bên trong của hành tinh.
Mục tiêu thứ 3 của sứ mệnh thám hiểm là đo nhiệt độ hành tinh. InSight sẽ khoan gần 5 m vào bề mặt của sao Hỏa. Việc đo nhiệt độ này cho phép các nhà khoa học ước tính lượng nhiệt thoát ra từ sao Hỏa. Biện pháp này cũng giúp NASA xác định rõ hơn về nhiệt độ cận lõi hành tinh.
Những thông tin này sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều điều về quá trình hình thành của sao Hỏa. Nó đồng thời làm giàu thêm kho kiến thức về cách thức những thành tinh thể rắn, tương tự như Trái đất, được hình thành và phát triển ra sao.
Việc theo dõi nhiệt độ tầng sâu của sao Hỏa có thể làm sáng tỏ thêm về xác suất tìm thấy nước trên "hành tinh đỏ". Bề mặt hành tinh có thể đủ ấm để nước trở thành dạng lỏng chứ không ở trạng thái đóng băng. Phát hiện ra nước dạng lỏng sẽ mang ý nghĩa then chốt đối với giấc mơ thám hiểm sao Hỏa.
Các ảnh chụp thăm dò thời gian qua có thể đã phát hiện được một hồ nước bị chôn vùi trên sao Hỏa, hứa hẹn nhiều tiềm năng khám phá. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa có đủ dữ liệu vững chắc để kết luận. Kịch bản nhiệt độ bề mặt sao Hỏa đủ ấm để nước được duy trì ở dạng lỏng sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với các nhà thám hiểm trong tương lai.
Thám hiểm Thái Dương hệ là bước đầu tiên để nhân loại theo đuổi giấc mơ thám hiểm những vì sao xa xôi hơn. Sứ mệnh thăm dò sao Hỏa InSight sẽ cho con người có thêm nhiều kiến thức quý báu, cân nhắc xem liệu du hành vũ trụ có được nhân loại đạt đến trong tương lai gần hay không.
Bão cát Sao Hỏa làm tê liệt robot thám hiểm tự hành NASA 14/06/2018
Cơn bão cát dày đặc bao phủ bề mặt Sao Hỏa gây nguy cơ tổn hại các thiết bị quang học và ngăn cản ánh sáng mặt trời nạp năng lượng cho robot Opportunity.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết robot thám hiểm tự hành Opportunity đang mắc kẹt giữa trận bão cát phủ kín một phần tư diện tích bề mặt Sao Hỏa và đang lan rộng với vận tốc chóng mặt.
Cơn bão có khả năng sẽ hoành hành trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tới. Trong thời gian đó, ánh sáng mặt trời bị cản trở không thể chiếu xuống bề mặt Sao Hỏa và nạp năng lượng cho Opportunity.
Ảnh chụp cơn bão cát trên bề mặt Sao Hỏa. Ảnh: NASA
"Cơn bão này là một mối nguy hại, chúng ta không biết nó sẽ kéo dài bao lâu, chúng ta không biết môi trường Sao Hỏa sẽ như thế nào khi bão tan", ông John Callas, quản lý dự án Opportunity tại NASA, cho biết.
Bộ điều khiển bay của NASA đã cố gắng liên lạc với Opportunity hôm 12/6 nhưng không nhận được phản hồi. NASA cho biết Opportunity sẽ không bị chôn vùi trong cơn bão cát vì hiện tượng này thường chỉ để lại một lớp cát mỏng sau khi tan.
Mối lo ngại lớn nhất là các thiết bị quang học trên Opportunity bị che phủ và pin chạy bằng năng lượng mặt trời của robot này cũng đang trong tình trạng yếu.
Robot thám hiểm tự hành Curiosity đang hoạt động ở bán cầu bên kia của Sao Hỏa cũng gửi tín hiệu về cơn bão cát. Tuy nhiên, các nhà khoa học không quá bận tâm về robot này vì nó chạy
bằng năng lượng hạt nhân.
Robot thám hiểm tự hành Opportunity. Ảnh: NASA
Năm 2003, NASA phóng hai robot thám hiểm tự hành Opportunity và Spirit với nhiệm vụ chính là nghiên cứu đất và đá trên bề mặt Sao Hỏa. Spirit đã không hoạt động trong nhiều năm, Opportunity vẫn ở trong tình trạng tốt dù vượt quá độ tuổi dự đoán.
Đây không phải lần đầu tiên con robot thám hiểm mang tên "Cơ hội" đối mặt với tình trạng thời tiết khắc nghiệt. Năm 2007, một cơn bão cát lớn làm Opportunity ngưng hoạt động trong vài ngày.
"Hãy nhớ là chúng ta đang nói về con robot thám hiểm tự hành hoạt động lâu nhất trên Sao Hỏa. Nó làm việc không ngừng nghỉ suốt 15 năm nay trong khi thiết kế ban đầu chỉ trong vòng 90 ngày", ông Jim Watzin, giám đốc chương trình thám hiểm Sao Hỏa của NASA, nói. THANH DANH
Sau 45 năm, vì sao con người vẫn chưa trở lại Mặt trăng?
27/11/2018
Dù với những công nghệ tiên tiến hiện tại vượt xa những năm 70 thế kỷ trước, con người vẫn chưa đặt chân trở lại vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào ngày 20/7/1969. Ba năm sau, ngày 11/12/1972, tàu vũ trụ Apollo 17 mang theo 3 phi hành gia Eugene Cernan, Ronald Evans và Harrison Schmitt là những người cuối cùng đặt chân lên ngôi sao này, cho đến nay.
Tại sao trong 45 năm qua chúng ta không quay trở lại Mặt trăng? Tại sao cuộc chạy đua vào không gian lại thay đổi chóng mặt trong suốt bốn thập kỷ qua?
Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969. Ảnh: Thevintagenews.
Cuộc chạy đua tốn kém
Những năm sau Thế chiến II và thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đều trong một cuộc chạy đua vũ trang quân sự lớn. Cuộc cạnh tranh lên đến đỉnh điểm với sự phát triển các loại tên lửa có thể bắn vào bất kỳ mục tiêu trên toàn thế giới.
Nhằm giành lấy cho mình những lợi thế, cả hai nước đều cố gắng là quốc gia đầu tiên đưa vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, sau đó là Mặt trăng. Điều gì đến cũng phải đến, cuộc chạy đua đưa người vào không gian nổ ra.
Tháng 10/1957, Moscow phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người lên không gian. Sau đó đưa Yuri Gagarin vào không gian năm 1961.
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), sự kiện đã tạo nên cơn hoảng loạn ở nước này. Giới quân sự Mỹ nhận thấy loại tên lửa đưa vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân đến mọi mục tiêu.
Và khi căng thẳng giữa hai quốc gia tăng lên, đồng nghĩa các chương trình không gian lúc này đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh quân sự của mỗi bên, cũng ngày càng được triển khai gấp rút.
Đến năm 1966, khi cuộc đua quân sự đạt đỉnh điểm, ngân sách của NASA chiếm đến 4,5% toàn bộ ngân sách liên bang. Theo Death by Cosmos, con số này vào khoảng 182 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay. Mỹ đã có những bước tiến lớn trong chương trình không gian của họ, đi kèm với đó là chi phí bỏ ra không hề nhỏ.
Vị trí tàu Apollo 17 đáp xuống Mặt trăng. Hình được chụp bởi vệ tinh Lunar Reconnaissance Orbiter. Ảnh: NASA.
Tuy nhiên năm 1982, chi phí cho dự án tàu không gian chỉ bằng 0,75% ngân sách liên bang. Đến những năm 2000, số tiền cho Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) thậm chí còn nhỏ hơn. Thời điểm tàu không gian Apollo đáp xuống Mặt trăng năm 1969, hỗ trợ chính trị và kinh tế cho dự án Apollo cũng đã bắt đầu suy yếu dần.
Khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ diễn ra vào năm 1973, người dân Mỹ dần trở nên e dè hơn với các quyết sách chi tiêu. Các cuộc thăm dò không gian vẫn được thực hiện nhưng phải được tính toán kỹ càng hơn về mặt tài chính. NASA cũng bị giới hạn trong các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của mình. Đây cũng là khoảng thời gian tổ chức này bắt đầu với các dự án trạm không gian Skylab và tàu con thoi Space Shuttle.
Cũng trong thời gian này, NASA chấm dứt các dự án tên lửa Saturn V, những tên lửa không sử dụng cũng được đưa vào bảo tàng. Các dự án cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ cho việc đổ bộ lên Mặt trăng cũng bị hoãn vô thời hạn.
Dự án tàu con thoi cũng gặp vấn đề. Các con tàu được thiết kế tái sử dụng nhằm giảm chi phí, song theo thời gian, nó lại trở nên quá phức tạp để làm mới. Đỉnh điểm là khi tàu con thoi Challenger phát nổ vào năm 1986 giết chết tất cả phi hành đoàn, dự án đã bị hoãn lại trong hơn hai năm rưỡi.
Mẫu đất bề mặt Mặt trăng được Apollo 17 thu thập. Ảnh: Wknight94 CC BY-SA 3.0.
Thời hậu Liên Xô
Những năm 1990, Liên Xô tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc, những dự án chạy đua như tàu con thoi đột nhiên trở nên thừa thãi. Cơ quan Vũ trụ mới của Liên bang Nga lúc này cũng phải tận dụng những con tàu như Soyuz ra đời từ thập niên 60.
NASA luôn muốn xây dựng một trạm không gian, nhưng chi phí là vô cùng đắt đỏ. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ muốn hợp tác với Nga và nhiều nước khác để chia sẻ phần gánh nặng xây dựng ISS.
Các tàu con thoi được tận dụng để làm trạm không gian, trong khi những con tàu như Soyuz dùng để chuyên chở phi hành gia và hàng hóa. Ngoài ra, sự tham gia của phi hành gia ở nhiều nước cũng góp phần xây dựng mối quan hệ quốc tế.
Những năm gần đây, thăm dò không gian đã bắt đầu được ưu tiên trở lại, NASA đang chuẩn bị cho ra mắt tàu vũ trụ Orion, có khả năng vượt ra ngoài quỹ đạo Trái Đất để đến Mặt trăng, thậm chí là sao Hỏa.
Ngoài ra, những công ty như SpaceX đang có nhiều bước tiến lớn trong việc tạo ra các công nghệ với chi phí rẻ hơn, hứa hẹn ngày con người đặt chân trở lại Mặt trăng sẽ không còn xa.
Đại Việt Theo Vintage News