1969-2019: 50 năm chuyện Apollo 11 bay lên thăm "chị Hằng

20 Tháng Mười Một 201811:49 CH(Xem: 5527)

VĂN HÓA ONLINE - KHOA HỌC  - THỨ TƯ 21 NOV 2018


1969-2019: 50 năm chuyện Apollo 11 bay lên thăm "chị Hằng (*)


17/11/2018


image068

Các phi hành gia Mỹ có mặt trên con tàu vũ trụ  Apollo 11 ngày 16/7/1969 từ trái:Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin - Ảnh: NASA


Nếu Liên Xô có nhà du hành Yuri Gagarin là người đầu tiên trong lịch sử bay vào vũ trụ vào năm 1961, thì nước Mỹ có nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969.


Đầu thập niên 1960, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) xúc tiến mục tiêu đưa phi hành gia lên mặt trăng và quay lại trái đất bình an vô sự. Đó là viễn cảnh mà người dân Mỹ và thế giới chưa từng nghĩ đến.


Và rồi vào ngày 16-7-1969, tên lửa Saturn V đưa tàu vũ trụ Apollo 11 cùng 3 phi hành gia người Mỹ là Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin rời khỏi địa cầu.


Ngày 20-7-1969, sau khi bay vào quỹ đạo mặt trăng, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và làm nên lịch sử là Neil Armstrong (1930-2012).


Khoảnh khắc Neil Armstrong và Buzz Aldrin cắm quốc kỳ Mỹ lên bề mặt mặt trăng - Nguồn: NASA


Tàu vũ trụ Apollo 11 có ba bộ phận chính gồm: Một mô-đun (module) điều khiển với cabin dành cho các phi hành gia và cũng là bộ phận duy nhất sẽ quay trở về trái đất; một mô-đun hỗ trợ lực đẩy và cũng là nơi lưu trữ ôxy, nước và năng lượng điện; một mô-đun Mặt trăng có nhiệm vụ hạ cánh lên bề mặt của mặt trăng.


Đó là những chuyện mà ai cũng biết. Tuy nhiên, theo trang Listverse (Anh), sau đây là những câu chuyện điên rồ nhất mà không phải ai cũng từng nghe về cuộc đổ bộ đầu tiên của con người lên mặt trăng.


Vào Mỹ là phải làm thủ tục nhập cảnh!


Sau khi trở về trái đất, mô-đun chở Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin đáp xuống Thái Bình Dương. Ba phi hành gia được tàu sân bay USS Hornet vớt đưa vào đất liền. Tuy nhiên, thời điểm đó, hải quan Mỹ bắt ba phi hành gia phải điền vào tờ khai hải quan giống như những người nhập cảnh vào Mỹ.


image069

Tờ khai mà hải quan Mỹ bắt các phi hành gia phải điền - Ảnh: TWITTER


Trong tờ khai tại thành phố Honolulu thuộc bang Hawaii ngày 24-7-1969, các phi hành gia phải ghi "các mẫu đá mặt trăng và đất mặt trăng" ở mục hàng hóa.


Các nhân viên hải quan không thể xác định liệu các phi hành gia có mang bất kỳ mầm bệnh nào hay không, do đó ở mục này đánh dấu dòng chữ "cần được xác định".


Tội nghiệp "chị Hằng", Neil Armstrong vứt rác và phân trên mặt trăng


Phi hành gia Buzz Aldrin và Neil Armstrong vẫn còn ở bên trong mô-đun Mặt trăng vài phút sau khi mô-đun này đáp xuống mặt trăng. Trong lúc đó, Aldrin đã chuyền cho Armstrong một túi đựng rác chứa những bọc gói thức ăn và phân các phi hành gia ở ngoài vũ trụ trong 3, 4 ngày.


image070

Chiếc túi đựng rác thức ăn, phân người mà Armstrong vứt lên bề mặt mặt trăng - Ảnh: POPULAR MECHANICS


Armstrong đã vứt chiếc túi này lên mặt trăng khi ông bước xuống mô-đun. Bức ảnh đầu tiên mà ông chụp trên mặt trăng cho thấy rõ chiếc túi này.


Các nhà du hành bỏ lại nhiều rác và các dụng cụ không cần thiết để chừa chỗ trống chứa các mẫu đất đá mà họ lấy từ mặt trăng.


Diễn văn phòng trường hợp Apollo 11 "một đi không trở lại"


Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã chuẩn bị một bài phát biểu phòng trường hợp tàu vũ trụ Apollo 11 không bao giờ trở lại, Neil Armstrong và Buzz Aldrin bị kẹt lại trên mặt trăng.


NASA tự tin vào con tàu Apollo 11, nhưng không tự tin vào phần mô-đun Mặt trăng. Họ sợ rằng mô-đun Mặt trăng không thể bay lên lại sau khi đáp xuống bề mặt mặt trăng, hoặc gặp trục trặc nửa đường và rơi xuống mặt trăng.


image071

Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon - Ảnh: GETTY


NASA cũng lo ngại phần mô-đun Mặt trăng không thể kết nối lại với mô-đun chỉ huy, để đưa nó cùng phi hành đoàn bay về trái đất. Nếu các viễn cảnh này xảy ra, nhóm phi hành gia có thể chết.


Bài phát biểu trên là sáng kiến của NASA. Bài phát biểu được giao cho William Safire, người viết diễn văn cho tổng thống Nixon, viết một tháng trước khi tàu vũ trụ Apollo 11 rời địa cầu, tức Armstrong cùng các cộng sự vẫn còn trên trái đất.


Theo kịch bản, trước khi phát biểu, ông Nixon sẽ liên lạc với gia đình của các phi hành gia và thông báo tình hình cho họ. Sau đó, ông sẽ đọc bài diễn văn trước cả nước với dòng mở đầu: "Số mệnh đã định rằng những người đàn ông lên mặt trăng để thám hiểm trong yên bình sẽ ở lại trên mặt trăng để an nghỉ trong yên bình".


Neil Armstrong chỉ có một bức ảnh chụp toàn thân trên mặt trăng


Neil Armstrong là "gương mặt đại diện" của Apollo 11 khi con tàu đáp xuống mặt trăng.


image072

Ảnh cho thấy đầy đủ người Armstrong - Ảnh: NASA


Tuy nhiên, hầu hết ảnh chụp trong chuyến hành trình chỉ có mặt Buzz Aldrin. Armstrong là người giữ camera chính và ông dùng nó để chụp ảnh Aldrin.


Còn Aldrin cũng có máy ảnh, nhưng ông được yêu cầu chụp những thứ khác xung quanh.


image073

Phi hành gia đứng cạnh quốc kỳ của Mỹ cắm trên bề mặt mặt trăng không phải là Neil Armstrong, mà là Buzz Aldrin - Ảnh: NASA


Dẫu vậy, bức ảnh toàn thân duy nhất của Neil Armstrong lại không cho thấy rõ ông. Ông đang làm thứ gì đó cạnh mô-đun Mặt trăng với phần lưng quay về phía camera.


Trong khi đó, lá cờ của Mỹ được nhìn thấy ở phía trái bức ảnh. Không có bức ảnh nào cho thấy khuôn mặt của Armstrong khi ông đi trên bề mặt mặt trăng.


Phi hành gia thứ ba chưa từng đặt chân lên mặt trăng


Trong hành trình trên, phần mô-đun Mặt trăng sẽ đáp lên bề mặt mặt trăng trong khi phần mô-đun chỉ huy vẫn ở trong qũy đạo mặt trăng.


Bên trong phần mô-đun này là Michael Collins, phi hành gia thứ 3 tham gia sứ mệnh chinh phục mặt trăng.


image074

Michael Collins ở một mình trong mô-đun chỉ huy trong hơn 20 tiếng đồng hồ - Ảnh: CURIOSITY.COM


Ông Collins không thể cùng hai phi hành gia còn lại đáp xuống mặt trăng vì mô-đun chỉ huy cần người điều khiển.


Trong lúc Armstrong và Aldrin chụp ảnh và nhặt các mẫu đất đá thì Collins chụp ảnh mặt trăng từ xa. Ông sống trong "cô đơn" trong hơn 20 tiếng đồng hồ.


Trong trường hợp Armstrong và Aldrin kẹt lại trên mặt trăng, ông sẽ trở lại trái đất một mình.


Câu nói nổi tiếng của Neil Armstrong đã bị trích dẫn sai?


Neil Armstrong đã nói câu "Đó là một bước đi nhỏ bé đối với con người (for man), nhưng là một bước tiến khổng lồ đối với nhân loại", hay "Đó là một bước đi nhỏ bé đối với một con người (for a man), nhưng là một bước tiến khổng lồ đối với nhân loại"?


Sự khác nhau của hai câu này là mạo từ "a" (nghĩa là "một"). Người Mỹ thường dẫn lại câu nói của Armstrong mà không dùng mạo từ "a" mặc dùng Armstrong khăng khăng ông đã nói "a".


Khoảng khắc Armstrong nói: "That’s one small step for a man, one giant leap for mankind." Tuy nhiên, ông đã nuốt chữ "a" do giọng vùng Trung Tây của mình - Nguồn: NASA


Sự hiện diện của "a" làm đổi nghĩa của câu. Nếu không có "a", từ "man" có nghĩa là nhân loại, còn dùng "a" trước "man" tức chỉ một cá nhân, tức Armstrong.


Thiếu sót này được cho là lỗi của radio với âm thanh ồn ào vào thời điểm đó, cũng như do giọng vùng Trung Tây của Mỹ, khiến người ta không nghe được chữ "a".


Những người có âm giọng này thường nói nuốt luôn chữ "a", do đó Armstrong nói liền mạch "for man" thay vì rành mạch "for a man".


Phi hành gia bị cách ly khi về trái đất


Ngày nay, các phi hành gia vừa rời khỏi tàu vũ trụ là có thể tiếp xúc với mọi người xung quanh. Nhưng điều này không được cho phép vào thời điểm diễn ra sứ mệnh của Apollo 11.


Sau khi trở về trái đất, 3 phi hành gia thời điểm đó đã bị cách ly trong 3 tuần trước khi được phép đụng chạm vào mọi người.


image075

Các phi hành gia bên trong phòng cách ly trên tàu sân bay USS Hornet vào ngày 24-7-1969. Bên ngoài là Tổng thống Mỹ Richard Nixon đang nói chuyện với họ - Ảnh: NASA


Đây là một biện pháp phòng ngừa do NASA không chắc liệu mặt trăng có chứa các vi sinh vật gây chết người hay không.


Do đó, các phi hành gia đã bị cách ly trong khi các mẫu vật cùng trang phục của họ cũng được kiểm tra kĩ càng. NASA làm điều tương tự với các phi hành gia trong sứ mệnh tàu Apollo 12 và 14. Họ dừng biện pháp này kể từ sứ mệnh Apollo 15. (theo TTO / BÌNH AN)
01 Tháng Bảy 2018(Xem: 5392)