VĂN HÓA ONLINE – VIỆT NAM - THỨ TƯ 12 JAN 2022
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Nông sản xuất khẩu phải theo đường chính ngạch sang Trung Quốc!!!
Lối thoát nào để nông sản Việt Nam hết gian nan?
- Trần Trung Dân
- Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
11/1/2022
Những ngày cuối năm, báo chí tràn ngập thông tin nông sản Việt Nam ứ đọng tại các cửa khẩu với Trung Quốc làm dấy lên vấn đề nhức nhối bao lâu nay. Cửa khẩu nào cũng hàng mấy ngàn container, xe tải chen chúc, chờ đợi vô vọng, không biết đến bao giờ mới thông quan. Cứ tính mỗi container vài chục tấn, xe tải chừng chục tấn là biết tổng lượng hàng cỡ nào. Toàn hàng tươi.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu ngành 2021 (bao gồm nông, lâm, thủy sản) đạt 48,6 tỉ đôla (tăng hơn 2020 là 14,9o/o). Dù nỗ lực tối đa, vẫn khá khiêm tốn so với 335 tỉ đôla (tăng 13,8o/o) tổng xuất khẩu cả nước. Khiêm tốn vì 65o/o dân số Việt Nam hiện sống ở nông thôn.
Không chờ cũng chẳng biết làm gì. Bí quá, đổ bỏ vì quay đầu xe, chở hàng về thì lỗ lũy kế. Bao nhiêu hệ lụy phát sinh. Từ việc tăng giá thành vì phí bến bãi, lương tài xế, phí vận hành (chạy máy lạnh và thuê xe) đến giao thông tắc nghẽn, tâm lý chủ hàng hàng và chủ xe hoang mang, xã hội bất an…Thiệt hại về vật chất, mỗi ngày tốn bạc triệu, có những xe nằm chờ gần cả tháng. Đã có nhiều trường hợp không thể thông quan, chủ hàng bỏ luôn, không thanh toán phí phát sinh cho nhà xe, đôi bên cùng thiệt hại, lái xe cũng lãnh đủ.
Ông Đinh Trung Kiên, phó giám đốc Trung tâm Quản lý Cửa khẩu (Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn), cho biết việc xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) ngày 18/12 lại tạm dừng sau nửa ngày thông quan trở lại nhưng Trung Quốc không nêu lý do. Trước đó, họ cũng tạm dừng nhập khẩu hàng hóa từ ngày 15/12 với lý do "lỗi mạng". Cửa khẩu Chi Ma vẫn đóng cửa từ 8/12. Cửa khẩu Hữu Nghị thông quan rất chậm.
Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN. Hình minh họa lái xe Việt Nam mặc đồ bảo hộ và lấy giấy tờ kiểm tra dịch trước khi qua cửa khẩu Hữu Nghị vào ngày 27/2/2020
Việt Nam có 6 tỉnh giáp Trung Quốc; Lạng Sơn là trọng điểm vì giao thông thuận lợi. Từ Hà Nội đi của khẩu quốc tế Hữu Nghị 171km, Tân Thanh 179km. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho hay "Lý do ùn tắc nông sản là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây".
Nghe để nghe, chẳng ai tin vì chuyện hàng nông sản xuất khẩu dồn ứ cửa khẩu Việt - Trung là "chuyện thường ngày ở huyện", từ bao năm nay, nhất là vào dịp Tết. Cứ năm sau căng thẳng hơn năm trước. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận "Việc ùn tắc nông sản xuất khẩu ở các cửa khẩu Việt - Trung, Việt Nam hoàn toàn bị động".
Điều đó ai chẳng biết. Vấn đề là cách giải quyết.
Vì đâu nên nỗi?
Có lẽ, không có nông dân nước nào khổ như Việt Nam. Mất mùa, được giá nhưng không có hàng bán. Được mùa thì mất giá, quanh năm ra rả điệp khúc "giải cứu nông sản"; từ kính thưa các loại trái cây đến ngũ cốc, gia vị, thủy sản…Cứ như đó là loại hình kinh doanh đặc thù, chỉ Việt Nam mới có.
Ở Việt Nam, làm kinh tế tùy hứng như phong trào, lúc lên, lúc xuống. Nhà nước vẫn gọi là "Phong trào làm kinh tế…" đấy thôi.
Nông dân không được định hướng, cứ "Thấy người ta ăn khoai là vác mai đi đào", không cần biết qui luật cung - cầu. Nông sản quanh năm dội chợ vì thứ gì năm nay thiếu thì năm sau thừa và ngày càng trầm kha.
Hàng bán tháo vỉa hè, rẻ như cho. Ở Sài Gòn, ngày 9/1/2022; thanh long đổ đống vỉa hè, ruột đỏ 5.000 đồng ký; ruột trắng 10.000 đồng 3 ký, tha hồ lựa. Giá bán ở vườn chỉ 1 - 2.000 đồng, không đủ tiền công hái. Để trái thúi, cây đổ bệnh, tiền dọn dẹp mấy triệu mỗi ha.
Nhiều vườn cho không và gởi thêm tiền thu hoạch cho người làm thuê để cắt lỗ. Dọc đường quốc lộ 22A, đoạn qua quận 12, những ngày cuối năm 2021; thịt heo, thịt gà; giá chỉ 50 - 60.000 đồng mỗi ký.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Hải quan Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo tạm ngưng nhập khẩu thanh long của Việt Nam trong vòng bốn tuần, từ 29/12 đến 26/1
Giá quá bèo. Phải nói là siêu rẻ nhưng nhiều người mua vẫn thờ ơ vì sợ; từ dư lượng thuốc trừ sâu, chất kích thích, hóa chất bảo quản đến thuốc tăng trọng, tạo nạc và nhiều hóa chất phù thủy biến rau thối, thịt bệnh thành hàng tươi, ngon, đẹp mắt.
Có người nửa đùa nửa thật "Người Việt dũng cảm nhất thế giới, dám ướp xác từ lúc còn sống". Năm 2015, tại diễn đàn quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh từng cảm thán "Con đường từ dạ dày ra nghĩa địa (của người Việt) chưa bao giờ ngắn như thế!".
Đi Tây Ninh, thủ phủ mãng cầu ta (na), quanh năm trĩu quả. Dọc đường, vô số điểm bán. Trái nào cũng chín mọng, hấp dẫn. Mấy lần tính ghé mua đều được bàn bè tại chỗ ngăn "Đừng, toàn mảng cầu thuốc. Cần ăn thì để tui hỏi người quen, mua riêng". Cam, ổi… miền Tây cũng tương tự. Ra Lý Sơn (Quảng Ngãi) qua mấy ruộng tỏi, rẫy đậu là nồng nặc thuốc trừ sâu. Ở Sài Gòn, mấy người bán xe đẩy vô tư trương bảng "Dứa (thơm) mật". Dứa chua té đái, ăn không được. Bao khách bị lừa nhưng chẳng ai nhắc nhở, nói chi xử lý.
Nghe phàn nàn, bạn tôi, làm du lịch phán: "Muốn dùng thực phẩm sạch thì qua mấy nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn, Đài, Bhutan… mà ở. Nông sản sạch ở Việt Nam cũng bị làm giả, cả hàng nội lẫn hàng ngoại. Thèm, cứ mua ăn nhưng phải nhai kỹ cho virus chóng mặt và chết bớt".
Nông sản dồn ứ ở các cửa khẩu Việt - Trung đều là hàng tiểu ngạch, chất lượng thất thường.
Bạn còn kể, năm 2011, tham gia Famtrip du lịch Dubai (UAE), thấy thanh long Việt Nam bán trong các cửa hàng địa phương giá 20 đôla mỗi ký. Oái ăm thay, lúc đó thanh long Bình Thuận đổ đống, giá tại vườn chỉ 2.000 đồng. Nhiều người tiếc của, gom hàng vượt gần 2.000 km lên Lạng Sơn, năn nỉ Trung Quốc mua với giá 6 - 7.000 đồng. Họ "Ra tay, giúp đỡ" và xuất đi các nước với giá cao hơn hàng chục lần.
Càng nghĩ càng buồn và tức. Buồn vì nỗi khổ của nông dân, sự gian nan của nông sản Việt và tức vì cung cách quản lý thờ ơ, vô cảm. Khi cửa khẩu ùn tắc; Lạng Sơn, Quảng Ninh cảnh báo các địa phương nhưng quá trễ. Thậm chí cấm, hàng vẫn lên vì không còn lựa chọn nào khác. Các cơ quan quản lý bất lực, loay hoay trông chờ lòng hảo tâm từ Trung Quốc. Chưa có biện pháp nào cụ thể, quyết liệt để giải quyết thực trạng nhức nhối này, cứu nông dân và doanh nghiệp, cả trước mắt và lâu dài.
Hàng nông sản Trung Quốc vẫn được thông quan vào Việt Nam.
Lại nhớ chuyện bạn tôi, chủ doanh nghiệp kể việc chính phủ cấm xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực. Chuyện hơn chục năm trước, trong buổi họp mặt kỷ niệm báo D. Toàn lãnh đạo mấy công ty lớn. Bàn chuyện của báo, qua giáo dục và nóng nhất là việc cấm xuất khẩu gạo trong lúc thị trường thế giới giá rất cao và Thái Lan hưởng lợi nhất.
Tự nhận là cường quốc xuất khẩu gạo, đâu phải thời chiến hay dịch bệnh mà hù "an ninh lương thực". Ai cũng thắc mắc, cứ tưởng do tầm nhìn hạn chế. Ai dè, nữ giám đốc một doanh nghiệp lớn của nhà nước nhỏ nhẹ "Các anh làm kinh tế, mà nghĩ đơn giản và chân thực quá. Lênh cấm đó phải lobby hàng triệu usd để cắt lỗ cho các đại gia xuất khẩu gạo. Nếu phải mua với giá thị trường thế giới, họ sẽ mất hàng chục triệu usd chênh lệnh, so với giá chỉ đạo trong nước". Anh bạn bảo, nghe xong, lùng bùng lỗ tai, mấy đêm không ngủ được.
Vài giải kiến chủ quan
Việc giải cứu là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, giải cứu nông sản chỉ là phần lá, kiểu thoa dầu, cạo gió khi bị cảm. Gốc rễ là phải giải cứu tư duy của cán bộ quản lý các cấp cho đến từng hộ nông dân. Đừng để nông dân mãi kêu ca "Mất mùa, thì đổ thiên tai. Được mùa, lại bảo - thiên tài, Đảng ta" (ca dao mới).
Với hệ thống chính trị chằng chịt, đến tận tổ sản xuất, hoàn toàn có thể thuyết phục, vận động nông dân đoạn tuyệt với các chất cấm trong trồng trọt chăn nuôi. Tối thiểu là Vietgrap, tiến dần lên Globalgap.
Đừng đổ tội cho nghèo. Bhutan chưa phải là nước giàu, nhưng cả nước đều trồng trọt, chăn nuôi và cả sản xuất sạch, quốc gia duy nhất có khí thải âm. Hành vi lạm dụng hóa chất, chất bảo quản, chất cấm trong sàn xuất, trồng trọi phải xử nghiêm như tội làm thuốc giả.
Nếu vùng quê nào cũng làm được như làng rau Trà Quế (Quảng Nam) hay cồn Chim (Trà Vinh); chẳng những nông sản không sợ ế mà có thể phát triển du lịch kiểu "Nhà quê, khách mê". Làng rau Trà Quế, bao đời nay toàn trồng hữu cơ. Quốc lộ có lối đi riêng dành cho du khách đạp xe vào làng trải nghiệm.
Gần 100 triệu dân Việt trong nước là thị phần rất lớn, lâu nay bị xem thường. Nếu nông sản Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn Vietgap, người Việt sẽ dùng hàng Việt chất lượng, mỗi năm nhà nước tiết kiệm được mấy tỉ đôla hàng nông sản nhập khẩu, tạo thêmhàng triệu việc làm, giúp nông dân làm giàu chính đáng.
Việc này rất khó thực hiện nếu cứ thả cửa cho người Trung Quốc vào lập trang trại, công ty; thu gom nông sản trên khắp lãnh thổ Việt Nam, ép giá nông dân tơi bời như hiện nay.
Cần có chiến lược quốc gia và từng vùng về phát triển sản phẩm nông nghiệp. Ưu tiến cho các thị trường cao cấp, ổn định. Hạn chế, tiến tới loại trừ các thị trường dễ dãi và thất thường. Làm ăn với Trung Quốc như chơi dao hai lưỡi. Thứ nào cũng có thể gây khó dễ, nóng lạnh theo chủ quan của họ, chính trị hóa mọi giao thương, dù là tiểu ngạch. Mở cửa, mời gọi đầu tư và người nước ngoài vào làm ăn nhưng phải có tiêu chí rõ ràng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, không để họ vung tiền, tự tung tự tác.
Các cửa khẩu phải có kho lạnh tương xứng để điều tiết hàng trung chuyển. Điều này đáng lẽ phải làm trước khi mở cửa khẩu quốc tế. Hiện nay vẫn chưa cửa khẩu nào có. Hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp mua bán theo hợp đồng xuất khẩu chính ngạch với các điều kiện giao dịch, giao nhận, thanh toán quốc tế rõ ràng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Cửa khẩu Tân Thanh ở Lạng Sơn (ảnh tư liệu năm 2008)
Ngay bây giờ, phải khẩn trương tính việc công nghiệp chế biến nông sản, bên cạnh xuất tươi. Cần chiến lược dài hạn để nông sản Việt Nam cất cánh; từ sản xuất, chế biến, vận tải, tiêu thụ, trữ lạnh, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu. Điệp khúc "giải cứu và nông sản nghẽn ở cửa khẩu" không chỉ là khiếm khuyết mà là "Nỗi nhục quốc thể".
Việc này Thủ tướng phải trực tiếp ra tay và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Một mình Bộ NN&PTNT không thể làm nổi, bao năm nay rồi.
Phải thay đổi triệt để hoặc tiếp tục tụt hậu.
Nếu không thay đổi cách nghĩ thì thay người. Không còn cách nào khác.
Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến của Trần Trung Dân, người từng làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở TP HCM.
Ùn ùn tắc tắc hàng triệu tấn nông sản ở cửa khẩu chánh ngạch Việt-Trung.