VN khẳng định lập trường Biển Đông nhân 5 năm phán quyết La Haye

15 Tháng Bảy 20219:09 SA(Xem: 6753)

VĂN HÓA ONLINE – VIỆT NAM - THỨ NĂM 15 JULY 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Việt Nam khẳng định lập trường Biển Đông nhân 5 năm phán quyết La Haye


Việt Nam lên tiếng nhân 5 năm phán quyết bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông


12/07/2021


TTO - Việt Nam tái khẳng định lập trường ở Biển Đông hôm 12-7, nhân tròn 5 năm tòa án quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.


image021Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: BNG


Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh đến lập trường nhất quán của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông.


Bà Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.


Việt Nam ủng hộ việc các biện pháp giải quyết tranh chấp này được thực hiện bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.


"Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước (UNCLOS 1982), cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.


Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở UNCLOS 1982.


Sau 5 năm ngày phán quyết được tòa ở The Hague đưa ra, Trung Quốc vẫn không chấp nhận, tiếp tục ngó lơ phán quyết này.


Hôm 11-7 (giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lặp lại quan điểm của Washington về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, tức bác bỏ các yêu sách này như cách người tiền nhiệm Donald Trump đã làm.


Chính quyền ông Biden đồng thời cảnh báo Trung Quốc rằng bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào Philippines (đồng minh của Mỹ) cũng sẽ nhận lại sự đáp trả của Mỹ theo hiệp ước quốc phòng chung giữa Mỹ và Philippines. (NHẬT ĐĂNG)


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Philippines đưa phán quyết Biển Đông 2016 ra LHQ, Bắc Kinh nói 'đã khép lại rồi mà'


25/09/2020


TTO - Sau khi Tổng thống Philippines Duterte đưa phán quyết Biển Đông 2016 ra Liên Hiệp Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Philippines tiếp tục bác bỏ, cho biết ông Duterte đã đồng ý với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 'khép lại vấn đề này'.


image023Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (giữa) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Manila năm 2018 - Ảnh: REUTERS


"Lập trường của Trung Quốc về cái gọi là phán quyết trọng tài luôn rất rõ: Chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi không công nhận cái gọi là phán quyết này. Hai lãnh đạo của chúng ta đã nhất trí rằng chúng ta nên khép lại vấn đề cũ và gác lại các khác biệt", Đài ABS-CBN News ngày 25-9 dẫn lời đại sứ Trung Quốc Huang Xilian.


Theo ông Huang, các cơ chế đối thoại như Cơ chế tham vấn song phương (BCM) giữa Trung Quốc và Philippines đang hoạt động rất tốt để giải quyết các khác biệt và rằng Bắc Kinh "cam kết đẩy nhanh" tham vấn về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN để thúc đẩy hòa bình và ổn định.


Đại sứ Trung Quốc cũng khẳng định các nước có quyền "tự do đi lại trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế", bác bỏ các cáo buộc "bẫy nợ" của Trung Quốc.


Trung Quốc trước nay vẫn bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 trong vụ kiện đường lưỡi bò phi pháp ở Biển Đông do Philippines đệ trình.


Phán quyết của tòa đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, gồm cả "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ ra để đòi chủ quyền và rằng cái gọi là chủ quyền lịch sử là không có cơ sở pháp lý.


Ngày 23-9, ông Duterte nhắc lại phán quyết trong phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.


"Phán quyết này giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài sự thỏa hiệp và vượt ra ngoài tầm của các chính phủ để có thể làm phai nhạt hay bỏ đi. Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này" - Tổng thống Duterte tuyên bố hôm 23-9.


Ông Duterte cũng cảm ơn các nước đã ủng hộ phán quyết năm 2016. "Chúng tôi hoan nghênh việc ngày càng có nhiều nước ủng hộ phán quyết. Nó đại diện cho chiến thắng của lẽ phải trước sự thiếu suy nghĩ, của luật pháp trước sự hỗn loạn" - ông nói.


Theo trang The Inquirer, đây là lần đầu tiên ông Duterte có bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc kể từ lúc lên làm Tổng thống Philippines. (TRẦN PHƯƠNG)
10 Tháng Hai 2022(Xem: 4846)
15 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 5896)