VĂN HÓA ONLINE – VIỆT NAM - THỨ SÁU 12 NOV 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Dịch vụ buôn người có hệ thống ở xã hội Cs Việt Nam
Biện pháp nào bảo vệ người lao động?
Minh Thư, BBC Tiếng Việt viết:
Tình trạng phụ nữ nước ngoài làm nghề giúp việc nhà ở Ả Rập Saudi bị bạo hành và ngược đãi được ghi nhận là rất phổ biến không những chỉ riêng với người Việt Nam. Bị cám dỗ bởi một công việc không đòi hỏi trình độ cao và có mức lương tương đối tốt, hàng trăm ngàn phụ nữ châu Á từ Philippines, Ấn độ, Bangladesh, Sri Lanka, Indonesia, v.v. đã và đang tiếp tục đổ sang Vương quốc Hồi giáo có văn hóa và khí hậu hà khắc này.
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, trong một phiên chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 6/2018, cho biết hiện có hơn 9000 người Việt Nam làm nghề giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi. Ông cho biết Bộ LĐ-TB-XH sẽ khuyến khích các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động mở thêm văn phòng tại nước này để 'hỗ trợ lao động Việt'.
"Để giúp đỡ các trường hợp rủi ro tại Saudi Arabia thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức xây dựng mô hình nhà tạm lánh cho công dân Việt Nam để chính quyền tác động hỗ trợ kịp thời", Bộ trưởng Dung được báo chí trong nước dẫn lời.
Ông cũng nói Bộ LĐ-TB-XH sẽ xử lý nghiêm minh 'bất kỳ doanh nghiệp, đơn vị nào trục lợi chính sách, cò mồi, thu tăng lệ phí, vi phạm hợp đồng theo quy định pháp luật'.
Năm 2015, chính phủ Indonesia đã chính thức cấm lao động nước này sang làm giúp việc ở 21 quốc gia Trung Đông, trong đó có Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ quyền người lao động cho rằng biện pháp này chỉ mở đường cho các công ty môi giới đưa người lao động đi 'chui', khiến họ còn chịu nhiều rủi ro hơn.
Những tiếng kêu cứu, những câu chuyện thương tâm về những người phụ nữ châu Á, trong đó có người Việt, như câu chuyện của chị Đào đã được truyền thông đăng tải rộng rãi trong nhiều năm qua và hẳn là đã đến tai giới chức.
Nhưng liệu những biện pháp mà các chính phủ đưa ra để bảo vệ người lao động có đủ mạnh để thực sự cải thiện an toàn và điều kiện làm việc của họ ở những môi trường làm việc hà khắc như Ả Rập Saudi?
++++++++++++++++++++++++++++++++
LHQ yêu cầu VN điều tra cáo buộc nạn buôn người sang Saudi Arabia 'có sự nhúng tay của giới chức'
BBC 11/11/2021
Vụ một thiếu nữ 15 tuổi tử vong tại Saudi Arabia là vụ việc mới nhất liên quan đến nạn bạo hành đối với người lao động Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 10/11, Giáo sư Mullaly Siobhán, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cảnh báo một số công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam đã làm giả danh tính, khai gian tuổi tác để đưa trẻ vị thành niên đến Saudi Arabia.
Tranh cãi về tuổi thật của nạn nhân
Nguồn hình ảnh, BPSO. SNạn nhân H Xuân Siu
Trong thông cáo ngày 4/11, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) đề cập vụ một thiếu nữ Việt Nam 15 tuổi tử vong tại Saudi Arabia.
Sau khi bị chủ đánh đập, cô gái này không được ăn và chữa trị. Cô chết trước khi được đưa trở về Việt Nam. Vì hồ sơ của cô bị một đơn vị tuyển dụng lao động làm giả mạo nên gia đình không thể đưa thi hài cô về nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đã xác nhận trường hợp này. Cô gái có tên H Xuân Siu, 25 tuổi, được công ty Cổ phần Hợp tác Lao động Quốc tế Vinaco đưa sang Saudi Arabia làm giúp việc gia đình từ cuối năm 2018. Theo kết quả giám định pháp y và giấy báo tử của Bộ Nội vụ sở tại cung cấp, Siu tử vong là do thiếu oxy trong máu, viêm phổi ngạt thở, máu đông trong phổi.
Tuy nhiên theo VOA thì tuổi thật của H Xuân Siu mới chỉ mới hơn 17. Dựa theo các tài liệu liên quan đến nhân thân của H Xuân Siu, VOA phát hiện năm sinh của nạn nhân đã bị thay đổi trên hộ chiếu để làm cho H Xuân Siu lớn hơn tuổi thật, dẫn tới những sai lệch trên các văn bản của nhà chức trách ở Saudi Arabia và Việt Nam.
Theo VOA thì gia đình H Xuân Siu cho biết nạn nhân được nhân viên của công ty Vinaco chiêu dụ vào tháng 8 năm 2018 khi em gần 15 tuổi. Đại diện của Vinaco có trụ sở ở Thanh Hóa, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa H Xuân Siu đi lao động thì nói không hề biết cô là trẻ vị thành niên.
Còn theo báo Việt Nam Hội nhập, mẹ của H Xuân Siu cho biết nạn nhân sinh ngày 30/10/2003. Thời điểm đi xuất khẩu lao động nạn nhân chưa được 15 tuổi, nhưng không hiểu vì lý do gì thông tin ngày tháng năm sinh của nạn nhân lại bị sửa thành 30/10/1996
Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cho biết đang nỗ lực hồi hương thi hài lao động người Việt H Xuân Siu, gọi đây là "trường hợp đặc biệt", theo Zing News.
BBC News Tiếng Việt vẫn chưa thể độc lập kiểm chứng thông tin về tuổi của H Xuân Siu.
"Những cáo buộc đáng báo động"
Trong thông cáo ngày 4/11, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã nhận được những cáo buộc "thật sự đáng báo động" rằng những công ty tại Việt Nam làm giả giấy tờ tùy thân để tuyển cô gái trẻ không đủ tuổi để sang Saudi Arabia làm nghề giúp việc nhà.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) kêu gọi chính phủ Saudi Arabia và Việt Nam cùng truy quét nạn buôn người sau khi hồ sơ cho thấy có nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lạm dụng tình dục, bị chủ đánh đập, hành hạ khi đến Saudi Arabia làm nghề giúp việc nhà. Các phụ nữ không được cho ăn uống, chữa trị bệnh và trả lương thấp hơn trong hợp đồng.
"Chúng tôi nhận thấy những kẻ buôn người đang nhắm đến phụ nữ và trẻ em gái nghèo ở Việt Nam, nhiều người nằm trong nhóm dễ bị tổn thương và bị phân biệt đối xử.
"Những tên buôn người hoạt động mà không bị pháp luật trừng trị" OHCR cho biết.
Từ ngày 3/9 đến 28/10/2021, OHCHR cũng cho biết đã có gần 205 phụ nữ Việt Nam, nhiều người là nạn nhân được hồi hương. Nhiều người trong số đó là nạn nhân của đường dây buôn người.
OHCHR yêu cầu chính phủ Việt Nam và Saudi Arabia tiến hành một cuộc điều tra độc lập và bất thiên vị đối với những cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái lao động ở nước ngoài, và cáo buộc có sự liên quan của giới chức nhà nước trong nạn buôn người, và đồng thời truy tố thủ phạm.
"Chúng tôi muốn nhắc nhở Việt Nam và Saudi Arabia về nghĩa vụ quốc tế phối hợp nhằm chống lại nạn buôn người, bao gồm điều tra tội phạm, cung cấp các biện pháp và sự trợ giúp hiệu quả đối với các nạn nhân," các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đề cập trong thông cáo.
OHCHR cho biết đã liên lạc với phía Saudi Arabia và Việt Nam liên quan đến các cáo buộc này và muốn tiếp tục có được sự tham gia mang tính xây dựng từ cả chính phủ hai nước.
"Chưa có phản hồi chính thức từ Việt Nam và Saudi Arabia"
Nguồn hình ảnh, BPSOS. Một nạn nhân Việt Nam bị đánh đập tại Saudi Arabia
Giáo sư Mullaly cho BBC biết rằng theo quy trình, Việt Nam và Saudi Arabia có 60 ngày để đưa ra tuyên bố hoàn chỉnh tính từ ngày 4/11 khi OHCHR đưa ra thông cáo chính thức. Cho đến nay, chính phủ 2 nước chưa công bố thông tin chính thức nào.
Cả Việt Nam và Saudi Arabia đều xác nhận đã nhận được thông cáo từ OHCHR.
"Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin từ phía Việt Nam là họ đang làm việc, tiến hành điều tra. Và chúng tôi cũng đã làm việc với đại diện từ phía Saudi Arabia. Hiện chúng tôi đang chờ phản hồi đầy đủ từ phía 2 quốc gia trong vòng 60 ngày. Nhưng chúng tôi hy vọng nhận phản hồi sớm nhất có thể." Giáo sư Mullaly nói.
Nhân định về mạng lưới buôn người từ Việt Nam sang Saudi Arabia hiện nay, Giáo sư Mullaly cho biết đây là một mạng lưới buôn người có hệ thống và bài bản, nhắm đến những phụ nữ và trẻ em gái nghèo khó, bị phân biệt đối xử và đối mặt với nguy cơ cùng rủi ro cao. Những kẻ trong mạng lưới này đã hoạt động mà không bị trừng trị theo pháp luật.
"Thế nhưng chúng tôi hy vọng với việc tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp trên phạm vi quốc tế sẽ có thể giúp truy tố hình sự thủ phạm. Điều này rất quan trọng vì nếu chúng ta không cùng nỗ lực thì nạn buôn người này sẽ cứ tiếp diễn khi kẻ thủ ác không bị trừng trị và chúng cứ nhởn nhơ vì lợi nhuận từ việc buôn người rất lớn."
"Bọn buôn người lợi dụng phụ nữ yếu thế"
Theo Giáo sư Mullaly Siobhán, nguyên nhân cốt lõi của việc buôn người đó chính là sự nghèo khó, tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, điều kiện làm việc nghèo nàn, không thể tiếp cận cơ chế pháp lý, nạn bạo hành mà họ phải gánh chịu trong khi kẻ bạo hành thì không bị trừng trị.
Tất cả các nhân tố này đã dẫn đến việc nạn buôn người cứ diễn ra. Và nguyên nhân chính đó chính là việc thiếu cơ hội việc làm. Khi bị dồn vào tình trạng như thế này thì nguy cơ xảy ra nạn buôn người ngày càng gia tăng.
Bình luận về liệu Saudi Arabia có luật bảo vệ lao động nước ngoài hay không, Giáo sư Mullaly Siobhán cho biết Saudi Arabia có luật bảo vệ những người lao động là nạn nhân của mạng lưới buôn người. Thế nhưng Liên Hiệp Quốc đã từng nhấn mạnh đến khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi pháp luật tại Saudi Arabia như vấn đề bảo vệ nạn nhân, xác định danh tính của họ. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đã làm việc với phía Saudi Arabia liên quan đến việc củng cố cơ chế bảo vệ và xác định danh tính nạn nhân.
"Đây là những vấn đề mà chúng tôi rất quan ngại."
"Phải giám sát đặc biệt các công ty xuất khẩu lao động"
Nguồn hình ảnh, BPSOS. Một nạn nhân của đường dây buôn người từ Việt Nam sang Saudi Arabia
Một số công ty xuất khẩu lao động trái phép vẫn nhắm đến những phụ nữ thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, làm giả giấy tờ tùy thân để đưa họ sang Saudi Arabia làm việc.
Theo Giáo sư Mullaly Siobhán thì điều quan trọng là Việt Nam phải gia tăng nhận thức về nạn buôn người.
"Việt nam cần phải đặc biệt giám sát các công ty tuyển lao động khi họ làm giả giấy tờ cho trẻ em gái để xuất khẩu lao động, đặc biệt là về vấn đề hợp đồng lao động giả mạo. Sau đó thì quá trình giám sát theo dõi những lao động sau khi họ đã đến quốc gia điểm đến, trong trường hợp này là Saudi Arabia. Liệu là công việc của họ có theo như đúng hợp đồng hay không, người chủ đó là ai..."
Giáo sư Mullaly cho rằng các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Saudi Arabia là rất quan trọng. Vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cũng rất quan trọng như gặp gỡ người lao động, bảo vệ họ, xem hợp đồng lao động...
"Như tôi đã đề cập thì sự nghèo khó, phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em chính là những nguyên nhân cốt lõi khiến nạn buôn người gia tăng. Và sau khi người lao động trở về thì cũng phải bảo vệ họ, đảm bảo trợ giúp về phúc lợi, pháp lý, y tế lẫn tâm lý.
Thông tin chính xác rất quan trọng nhất là trong thời điểm đại dịch Covid. Chúng tôi biết là những tên buôn người thường nhắm đến dụ dỗ phụ nữ và trẻ em gái qua internet với thông tin giả mạo."
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Phụ nữ Việt kể chuyện bị bạo hành ở Ả Rập Saudi
- Minh Thư
BBC 31/8/2018
'Tới khoảng 9 giờ tối là lúc tôi đói lắm, đói tới mức uể oải chân tay không muốn làm nữa.'
BBC kể lại câu chuyện của chị Phạm Anh Đào, 46 tuổi, từ tỉnh Hòa Bình, người đã trải qua nhiều bất trắc thăng trầm trong bảy tháng làm nghề giúp việc ở Ả Rập Saudi trước khi chị tìm được đường trở lại Việt Nam.
Tên của một số nhân vật đã được thay đổi.
Đổi chủ vì không chịu được đói
Tôi đến thủ đô Riyadh vào buổi sáng Chủ Nhật ngày 3/9/2017, chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi tôi ký hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp tác Quốc tế Thăng Long.
Mới chiều thứ Sáu tuần trước, công ty giục tôi ký và lăn tay lúc 4 giờ 30 và nói tôi phải làm thật nhanh vì họ đóng cửa lúc 5 giờ. Tôi chẳng kịp đọc gì trong cái hợp đồng dày cả đốt ngón tay, nên cũng chẳng biết rõ nó nói gì nữa.
Đặt chân xuống sân bay, tôi được văn phòng môi giới Riyadh cử người ra sân bay đón. Tôi chưa kịp định thần thì họ đưa tôi tới một căn phòng rất nhỏ hôi hám, chỉ khoảng 1m50 x 3m và nhốt tôi vào đó cùng ba lao động Việt Nam nữa. Họ mua bánh mì và nước và mang đến cho mỗi người chúng tôi một túi.
Khoảng 30 phút sau, họ đưa tôi ra xe khách và gửi tài xế đưa tôi đi qua 3 chặng xe tới thành phố biển Yanbu, nơi tôi sẽ bắt đầu làm cho nhà chủ đầu tiên.
Gia đình nhà chủ có 13 người, bốn nữ còn lại toàn là nam to cao lực lưỡng. Người hay giao việc cho tôi là bà chủ, nhưng người hay theo dõi tôi làm việc lại là mẹ chồng của bà chủ.
Hàng ngày, tôi dậy từ khoảng 5 giờ sáng và làm việc đến một giờ đêm, có hôm đến 2 giờ đêm. Công việc thì chủ yếu là lau chùi, dọn dẹp, giặt giũ, hút bụi... nhưng khối lượng công việc nhiều khủng khiếp.
Những người trong nhà năm, sáu ngày mới tắm một lần, nhưng họ lại thay quần áo một ngày tới mấy bộ, và thay đâu thì bỏ đó luôn.
Tủ quần áo của họ đầy ắp, nhưng hễ lấy một bộ, họ lại tung hết cả ba ngăn xuống đất, để mặc tôi nhặt từng cái xếp lại. Họ đi vệ sinh thì luôn không xả nước, và quăng giấy khắp nền nhà để tôi dọn.
Nguồn hình ảnh, Phạm Thị Anh Đào. Bữa ăn đầu tiên của chị Đào trên đất Ả Rập.
Tôi được cho ăn một bữa vào lúc một giờ chiều, đồ ăn thì thường là cơm và thịt cừu, không có rau quả.
Tới khoảng 9 giờ tối là lúc tôi đói lắm, đói tới mức uể oải chân tay không muốn làm nữa. Đó cũng là khi mẹ chồng của bà chủ xuất hiện, theo dõi tôi và chửi bới nọ kia.
Sau 10 ngày như vậy, tôi sinh buồn chán và mệt mỏi, tôi không chịu được đói nên liên hệ với văn phòng môi giới xin đổi chủ khác.
Nhưng phải sau hai tháng kể từ khi tôi bắt đầu làm, công ty môi giới mới đồng ý cho tôi rời nhà chủ thứ nhất và về văn phòng môi giới để chờ đổi chủ.
Bị Thằng Lùn đánh ở văn phòng môi giới
Khi tôi về văn phòng môi giới ở Riyadh, tôi gặp một trong hai người Ả Rập là chủ văn phòng. Người đàn ông này thấp thấp, mắt to và được chị em Việt Nam ở văn phòng môi giới gọi là Thằng Lùn.
Vừa tới nơi, Thằng Lùn gọi tôi ra sân rồi bất ngờ đấm tôi nhiều phát vào bả vai bên trái.
Nó đấm tôi xong mới hỏi tôi tại sao tôi không làm cho nhà chủ mà lại đòi về văn phòng đổi chủ.
Vẫn còn choáng và sợ vì bị đánh, tôi bảo hắn (qua cô phiên dịch tên là H.T.): "Vất vả bao nhiêu tôi cũng chịu được nhưng đói tôi không chịu được nên tôi mới phải về văn phòng xin đổi chủ khác".
Trong mấy ngày ở văn phòng này, tôi được biết mình không phải là người duy nhất bị Thằng Lùn đánh. Nhiều chị em Việt Nam và các nước khác làm nghề giúp việc cũng bị thằng Lùn đánh dã man.
Sau khi ở văn phòng môi giới mấy hôm, họ chuyển tôi tới nhà chủ thứ hai, cũng ở Riyadh. Ở đó tôi gặp một cô bé tên là L.T. Mai, sinh năm 1977, quê ở Nam Định.
Mai bị bệnh tiểu đường nên không làm việc được theo yêu cầu của nhà chủ và bị trả về văn phòng. Cô kể với tôi rằng Thằng Lùn bảo cô giả vờ và đánh đập cô dã man. Lúc đó, có năm người Việt Nam ngồi bên cạnh mà họ sợ run lên không dám làm gì.
Vì tôi và Mai cùng làm cho một nhà chủ, tôi hiểu tình hình như vậy là không ổn và một trong hai người chúng tôi sẽ phải ra đi. Thương Mai bị bệnh, tôi đã xin rời nhà chủ thứ hai để Mai được ở lại.
'Ở văn phòng môi giới Medina, tôi được biết tôi chủ văn phòng môi giới là kẻ chuyên hiếp dâm phụ nữ, không từ một người nào hết.'
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
Rời nhà chủ thứ hai, Thằng Lùn lại đưa tôi tới văn phòng môi giới ở thành phố Medina, nằm ngay gần sân bay.
Ở đây được chừng một tháng, tôi phát hiện ra rằng chủ văn phòng môi giới là kẻ chuyên hiếp dâm phụ nữ, từ người Ghana, Ấn Độ, Philippines, cho tới người Indonesia, Việt Nam. Hắn không từ một người nào hết.
Chúng tôi ở tầng hai, còn hắn ở tầng ba. Một hôm hắn gọi B. T. Hương, từ Nghệ An hay Hà Tĩnh tôi không nhớ nữa, và một người Philippines lên dọn dẹp. Hắn chỉ vào nhà tắm và bảo cô gái Phillipines vào đó dọn, còn Hương thì hắn gọi vào phòng để ngủ với hắn.
Hắn tìm cách hãm hiếp Hương nhưng cô giơ chân đạp lại, chống lại. Hắn bóp cổ, bứt tai, đấm đá vào ngực và lưng Hương.
Một lúc sau, Hương được xuống tầng hai. Cô vừa khóc vừa kể lại sự việc cho tôi. Nhìn lên đồng hồ, lúc đó là khoảng 11.30 ngày 19/11/2017.
Sở dĩ tôi nhớ rõ vậy vì ở văn phòng môi giới này họ không tịch thu điện thoại. Tôi đã chụp ảnh vết thương của Hương và gửi cho H.T, phiên dịch của Thằng Lùn.
Nhận được ảnh, H.T nói cô sẽ nói với ông chủ của cô để xử lý ngay tên chủ văn phòng môi giới Medina.
Sau đó, tôi không thấy họ đưa người Việt Nam đến văn phòng này nữa.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++
'Tôi bị năm gã bạo hành trong trại Ả Rập Saudi'
- Minh Thư
BBC 5/9/2018
Nguồn hình ảnh, NurPhoto/Getty Images. Quang cảnh thủ đô Riyadh, Ả Rập Saudi.
BBC tiếp tục kể phần hai câu chuyện của chị Phạm Anh Đào, 46 tuổi, từ tỉnh Hòa Bình, người kết thúc sớm hợp đồng lao động để về Việt Nam sau bảy tháng trời bị bỏ đói, ngược đãi và bạo hành ở Ả Rập Saudi.
Con đường đưa tôi vào trại tỵ nạn
Đến ngày 8/12/2017, tôi được đưa đến làm cho nhà chủ thứ ba ở thành phố Tabuk. Đến chủ thứ ba này, tâm trạng của tôi rất lo lắng. Tôi lo sợ rằng các nhà chủ Ả Rập nay có thể tốt với tôi, nhưng mai họ trở mặt như trở bàn tay. Và nếu tôi bị trả về văn phòng môi giới ở Riyadh, tôi sẽ lại bị Thằng Lùn đánh còn đau hơn lần trước.
Lo lắng của tôi quả là không sai. Một hôm bà chủ nhà sai tôi lên phòng tìm bình sữa của con bà để rửa. Vì tôi chưa từng vào phòng ông bà chủ, loay hoay một lúc tôi mới tìm thấy bình sữa.
Tôi cầm cái chai xuống bếp, không nhìn thấy bà chủ đang đứng ở sau cửa. Bất ngờ, bà đẩy tôi thật mạnh từ phía sau khiến tôi ngã chúi xuống, tý nữa thì dúi xuống nền nhà. Vừa ngạc nhiên, vừa giận dữ, tôi không kìm được cơn nóng giận. Tôi chỉ tay mắng lại bà (bằng tiếng Việt) và suýt nữa thì lao vào đánh bà.
Sau trận đó, bà chủ đối xử với tôi tốt hơn và quan tâm đến tôi nhiều hơn, nhưng nói thật là đến lúc này, tôi chán chường và tuyệt vọng, chẳng còn tư tưởng muốn làm việc nữa.
Tôi chỉ muốn thoát khỏi văn phòng môi giới Ả Rập với Thằng Lùn khốn nạn, thoát khỏi đất nước Ả Rập đầy cạm bẫy và trở về Việt Nam.
Sau hơn một tháng làm việc, tôi quyết định xin nghỉ việc ở nhà chủ thứ ba để tìm đường về Việt Nam.
Tới khoảng 5 giờ chiều ngày 19/1/2018, tôi được đưa lên xe để trả về văn phòng môi giới Riyadh.
Đi tới 3 giờ sáng hôm sau, xe dừng ở bến xe thành phố Hail chừng 30 phút để lấy thêm hàng. Lúc đó, tôi nảy ra ý định gọi điện cho chị M của văn phòng đại diện của Công ty Thăng Long ở Riyadh để cầu cứu. Chị M nói tôi đừng đi đâu mà nên ngồi trong nhà chờ ở bến xe cho đến khi trời sáng, rồi lên taxi bảo họ gọi điện cho chị. Chị M sẽ chỉ đường cho họ đưa tôi đến văn phòng đại diện.
Tới 6 giờ sáng, tôi lên taxi và nhờ anh tài xế gọi cho chị M. Từ đó tới 7 giờ 30, sau mấy chục cuộc gọi và nhắn tin, chị M vẫn không trả lời. Sau một hồi đi lòng vòng, taxi lại đưa tôi trở về bến xe.
Bến xe báo cảnh sát, và cảnh sát bắt tôi đưa vào một trại tỵ nạn ở Hail, cách thủ đô Riyadh gần 700 km.
Chụp lại hình ảnh, 'Thấy tôi không hợp tác, họ cầm một ống nước cao su màu xanh dài khoảng 80 cm và đánh tôi tím hết một nửa người'.
Cơn ác mộng trong trại tỵ nạn
Khoảng 8 giờ tối ngày 20/1, tôi tới trại tỵ nạn ở Hail. Chừng 9 giờ tối, có năm người đàn ông Ả Rập xuất hiện và gọi tôi vào nhà vệ sinh.
Họ bảo tôi cởi hết đồ ra. Chẳng có lý do gì tôi phải cởi đồ cả, và tôi không chấp nhận cởi.
Thấy tôi không hợp tác, họ cầm một ống nước cao su màu xanh dài khoảng 80 cm và đánh tôi tím hết một nửa người.
Đánh xong, họ còn dùng giày da dẫm lên 10 đầu ngón chân tôi. Trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ - họ có thể đánh chết tôi nhưng dứt khoát tôi sẽ không cởi đồ.
Cuối cùng sau một hồi, họ cũng dừng lại và đưa tôi về một phòng trong trại tỵ nạn.
Tôi đang nằm bê bệt trong phòng thì có một chị người Ma Rốc bước vào. Tôi được biết chị cũng đang chờ để về nước. Thấy tôi bị đánh đau, chị nhờ những người nấu ăn ở trại, những người hay đi ra ngoài mua đồ ăn, mua cho tôi hai hộp sữa tươi. Ngày hôm sau chị được về nước nhưng tôi luôn biết ơn chị vì đã chăm sóc cho tôi lúc hoạn nạn.
Nguồn hình ảnh, Pham Thi Anh Dao. Bản đồ chị Đào vẽ khi ở văn phòng môi giới Riyadh chờ về Việt Nam.
Nguồn hình ảnh, HASSAN AMMAR/Getty Images. Quang cảnh thành phố Hail về đêm chụp từ trên cao.
Chẳng khác nào ở tù trước khi về VN
Tới ngày 22/1, cảnh sát tới trại tới đón tôi và thả tôi về bến xe ở Riyadh. Tôi bơ vơ một mình, tiếng Ả Rập thì chưa nói được mấy. Tôi vội tìm một chiếc taxi và nói họ đưa tôi đến sứ quán Việt Nam.
Chờ tới giờ sứ quán mở cửa, tôi vào làm việc với người phụ trách phòng lao động. Vừa nói được vài câu, tôi đã thấy thằng lái xe của Thằng Lùn xuất hiện để đón tôi về văn phòng môi giới Riyadh. Vừa nói vừa ra hiệu, tôi bảo thằng tài xế này "ông chủ mày đã đánh tao rồi, tao không muốn về văn phòng môi giới nữa đâu."
Gã này không nói gì, chỉ nhìn tôi và cười. Gã kiên trì chờ tôi suốt từ sáng tới trưa. Rồi phiên dịch H.T gọi đễn dỗ dành: "Chị ơi chị cứ về văn phòng môi giới đi, em sẽ nói với ông chủ em không đánh chị nữa."
Nhiều người khác cũng gọi đến thuyết phục tôi, trong đó có cả chủ của Công ty Môi giới Bảo Sơn từ Việt Nam, công ty mà đến lúc đó tôi ngã ngửa ra rằng tôi đã được chuyển giao.
Cuối cùng tôi đành đồng ý quay trở về văn phòng môi giới Riyadh, nơi có Thằng Lùn và Thằng Cao (cũng là chủ văn phòng) hung bạo, để chờ ngày được về nước.
Chụp lại hình ảnh, 'Nhóm chúng tôi có 11 người. Họ khóa cửa phòng 24/24 không cho đi đâu hết.'
Thời gian ở đó chẳng khác nào ở tù. Nhóm chị em Việt chúng tôi có khoảng 11 người tất cả, người thì chờ đổi chủ, người thì chờ về Việt Nam.
Họ khóa cửa phòng chúng tôi gần như 24/24, không cho chúng tôi đi đâu hết. Mỗi ngày, họ chỉ cho chúng tôi có hai bát gạo, một quả cà chua và một củ hành tây để tự nấu ăn.
Có lần, ba ngày trời họ chẳng mang cho chúng tôi một chút gạo nào. Mấy chị em đói quá, nằm dài la liệt trong phòng.
Nếu có ai ốm đau thì họ bảo là giả vờ và không cho thuốc men.
Mỗi khi Thằng Lùn hay Thằng Cao vào phòng chúng tôi, ai cũng run. Chúng tôi ngồi im như tượng vì sợ chúng nó sẽ đánh một ai đó.
Trong thời gian này, tôi được gọi điện về cho gia đình. Tôi xin họ giúp đỡ nộp tiền bồi thường và tiền vé máy bay để tôi được về nước.
Tới ngày 8/4/2018, tôi được báo ngay hôm sau tôi sẽ bay. Vậy là cuối cùng tôi cũng được thoát khỏi đất nước ma quái này, tôi mừng không tả xiết.
Giờ đây nghĩ lại, tôi vô cùng ân hận vì đã bất chấp lời gàn của bạn bè, gia đình, đã ăn phải bùa mê thuốc lú của gã môi giới mà đi sang Ả Rập lao động.
Mấy tháng sau khi về nước, hồn vía tôi vẫn như bay bổng trên mây xanh. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi những chuỗi ngày kinh hãi ở đó.
Khi ra đi, tôi từng hy vọng sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá để nuôi con. Khi về nước, tôi tay trắng và chỉ có những vết thương và nỗi ám ảnh làm hành trang.
Một người Việt ở Berlin: 'Những hôm không lạnh, tôi ngủ ngoài đường'
7 tháng 4 2021
"Tôi quê Quảng Bình," anh Nguyễn V T (không phải tên thật) nói với BBC Tiếng Việt từ một địa điểm ngoại vi Berlin. "Tôi qua đây đã được hơn một năm."
Chi hết hơn 500 triệu đồng để rời quê nhà bằng đường đi lậu qua ngả Nga, anh T tới Berlin ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại châu Âu.
Anh T là một trong số những người Việt hiện đang sống cảnh "không quần áo" - tiếng lóng ám chỉ không có giấy tờ hợp pháp ở Berlin.
'Không quần áo' theo nghĩa bóng, và không chốn nương thân, theo nghĩa đen.
"Thấy chỗ nào có người cùng quê hương thì tôi xin ở nhờ, chỗ này một ít chỗ khác một ít, mỗi nhà độ một tuần," anh T nói về cuộc sống của mình trong những tháng ngày qua. "Những hôm không lạnh, tôi ngủ ngoài đường."
Tình cảnh của anh T có lẽ không phải là hiếm hoi, và cũng không phải là điều gì xa lạ đối với cộng đồng người Việt tại Berlin.
"Họ thấy thương, nên cho tôi gạo, thức ăn. Tôi đi xin về ăn," anh T kể. "Có nhiều người qua đây có hoàn cảnh giống tôi, rất nhiều người. Chúng tôi chia sẻ với nhau."
"Tôi cũng xin người này một ít, người kia một ít. Những người cùng quê họ thấy mình vất vả, lâm cảnh thế này thì họ thương, họ cho tiền, người cho dăm chục, người cho ba chục."
'Lâm bước đường cùng'
Cuộc sống vất vưởng nơi đất khách chưa phải là tất cả, bởi gia đình anh T còn có một khoản nợ lớn ở quê nhà.
"Tôi để từ Việt Nam ra đi đã phải vay ngân hàng mấy trăm triệu, sổ đỏ, đất nhà đều đem thế chấp hết rồi. Vay ngân hàng thì số nợ gốc nằm đó, lãi suất phải trả hàng tháng," anh nói.
Trả một khoản tiền lớn để ra đi, anh T mong sẽ đem đến cho gia đình một mức thu nhập tốt hơn, bởi, như anh nói, việc kiếm tiền ở quê khó khăn khiến gia đình anh lâm cảnh "nợ chồng nợ".
"Tôi chọn đi Đức vì nghe phong phanh những người đã đi trước nói là qua Đức làm đỡ hơn ở quê nhà. Ở quê, tôi làm nghề biển thì đói, nợ chồng nợ."
"Ở nhà làm một tháng được dăm ba triệu, họ nói ở đây có khi một tháng được mười mấy hai mươi triệu, đỡ hơn nhiều. Mình có thể trả được lãi ngân hàng, rồi từ từ tiết kiệm đủ để nuôi con cái, gia đình."
"Nhưng giờ sang trúng vào đợt dịch bệnh, tôi thấy thực tế sai với những lời đồn đại và khác với những gì tôi tưởng."
"Lỡ qua đây rồi, tôi ước mong làm sao trả được nợ để tôi quay về với gia đình, vợ con. Tôi đã đánh đổi tất cả hạnh phúc của gia đình để qua đây, lỡ bước đường cùng rồi, giờ phải chấp nhận và tìm cách kiếm một công việc để trả nợ."
'Kiếm tiền nơi đất khách'
Anh T nói công việc bình thường duy nhất mà anh từng xin được kể từ khi tới Đức đến nay là làm phụ việc cho một cửa hàng hoa.
Có lẽ đó cũng là thời gian 'dễ thở' nhất đối với anh, vì anh ít nhiều cũng gửi được tiền về cho gia đình, dẫu rằng anh vẫn phải sống một cuộc sống chui nhủi.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh, Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến công ăn việc làm ở đâu cũng trở nên khó khăn
"Hồi mới sang, tình hình dịch bệnh chưa nặng, có người cho tôi làm việc ở cửa hàng hoa. Tôi phụ việc, dọn đồ, bưng bê cho người ta chứ không biết làm gì khác. Được vài tháng đầu tiên, gửi được một ít tiền về trả lãi ngân hàng."
"Dịch bùng phát căng quá, cửa hàng hoa đóng cửa. Từ đó tôi không xin được việc làm ở đâu."
Sau đó, để có tiền qua ngày, anh T nói anh phải chấp nhận làm bất kỳ việc gì, kể cả bán thuốc lá lậu, "trừ ăn cắp, giết người, cướp của".
"Có một đợt, tôi đi bán thuốc lá cho người ta, bị công an bắt. Họ không hỏi gì nhiều, chỉ lăn dấu vân tay, chụp hình, hỏi mình ở đâu, họ tên là gì. Vậy thôi, rồi họ thả ra."
"Tôi cảm thấy họ không bực bội căm ghét gì mà thái độ rất tốt, đối xử tốt. Khi bắt, trong người mình có thuốc lá thì họ tịch thu thuốc."
"Tôi buộc phải làm bất kể việc gì, để có tiền sinh sống. Chỉ có ăn cắp, giết người, cướp của thì dù có chết đói tại nước Đức tôi cũng không làm. Còn các việc khác, như đi bán đồ, làm thuê cho người ta, việc gì tôi cũng làm."
"Nhưng bây giờ bán thuốc [lậu] không ăn thua, mỗi ngày kiếm được đôi ba chục. Đang dịch bệnh, tiền ăn không có, tôi biết đi đâu được? Tôi lúc này chỉ muốn kiếm tiền để ăn cho qua ngày, chống chọi với mùa dịch. Đâu có tiền mà nghĩ tới chuyện gì sâu xa?"
Hành trình sang Đức
"Từ Việt Nam, có người dẫn dắt đi qua Nga. Tôi ở lại Nga khoảng 15 ngày rồi qua đây. Người ta đưa đi, tôi không cầm giấy tờ gì," anh T kể về quá trình từ Việt Nam tới Đức.
"Từ Nga sang Đức, tôi nhớ là mất khoảng một tuần. Người ta đưa đi bằng ô tô, nam cũng có, nữ cũng có, phải đổi xe qua mấy chiếc ô tô."
"Trên đường đi, người ta đối xử cũng tốt, nhưng tôi cảm thấy con đường đi quá gập ghềnh, quá nguy hiểm, quá sợ hãi."
"Lúc đi là đi người không, áo quần cũng không được đưa đi vì họ bảo đi trên xe không được cồng kềnh, không được mang theo thứ gì hết."
"Tôi phải bỏ hết tất cả mọi thứ ở Nga. Chỉ có bộ áo quần và đôi giày trên người thôi."
"Sang tới đây, mạnh ai nấy đi. Ai có bà con anh em, người quen ở đây thì đi tìm người nhà, còn ai không có thì tự đi tìm chỗ nào nhờ cậy được."
Chợ Đồng Xuân
Trong những tuần đầu tháng Ba vừa qua, hàng loạt báo lớn ở Berlin đã có các bài, tin về kết quả cảnh sát điều tra các đường dây Việt Nam đưa người lậu vào Đức và châu Âu.
Các tường thuật này mô tả Đồng Xuân Center ở Berlin như một điểm quan trọng móc nối, trung chuyển người nhập lậu.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Cộng đồng người Việt ở Đức xôn xao, nhiều doanh nhân lo lắng.
Có ý kiến cho rằng truyền thông Đức cố ý mở chiến dịch "nói xấu cộng đồng Việt chuẩn bị cho ý đồ gì đó", "kết tội Đồng Xuân oan", "người Việt chi tiền để tới Đức sống khác gì người Phi, người Trung Đông, đâu có gì sai?".
Cũng có ý kiến từ cộng đồng Việt ở Đông Berlin bác bỏ những cáo buộc "buôn người", hay "dùng lao động trẻ em" từ Việt Nam, mà một trang web của Đức (Taz.de) đã trích đăng tuần này.
Thực tế là với những người như anh T, thì Đồng Xuân trở thành địa chỉ đầu tiên họ muốn tìm đến.
"Lúc đầu tiên tôi qua đây, tôi không quen biết ai, tôi vào chợ Đồng Xuân. Tôi nghe người ta nói vào Đồng Xuân thì có người Việt nhiều, nên tôi vào đó."
Anh T không kể chi tiết những gì đã xảy ra khi anh tới đây, nhưng với một người 'không quen biết ai' ở Đức, có lẽ nhờ nơi này mà anh đã tìm được những sự trợ giúp ban đầu.
"Ở đây có hội đồng hương Quảng Bình, rồi hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh nữa," anh nói.
Sự trợ giúp của người trong cộng đồng có lẽ cũng là lối đi duy nhất giúp những người như anh T có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền, dẫu cho có lẽ cả người thuê lẫn người được thuê đều biết việc trợ giúp như thế là không hợp pháp theo luật sở tại.
"Tôi sợ bị công an Đức bắt giữ, sợ họ bắt mình rồi phạt chủ thuê mình," anh T nói. "Chủ thương mình, thấy mình hoàn cảnh khó khăn, vất vả thì họ giúp mình. Thế nên thấy công an là tôi phải trốn."
Không công ăn việc làm, không có thu nhập, không được chăm sóc y tế nếu lỡ có ốm bệnh, nhưng anh T nói anh "sợ nhất là bị công an Đức bắt" và "không dám nhập trại [tị nạn]" dù biết rằng cuộc sống trong trại tốt hơn nhiều so với hoàn cảnh hiện thời.
"Tôi sợ nhất là bị công an Đức trả về Việt Nam," anh nói.
"Tôi nghe phong phanh là nhập trại cũng rất tốt. Nhưng tôi sợ nhập trại thì công an Đức sẽ trục xuất tôi về Việt Nam."
"Để sang đây, tôi phải chi hết hơn 500 triệu đồng, đem cầm cố hết sổ đỏ, nhà cửa cho ngân hàng để có tiền ra đi. Vợ con tôi giờ vẫn đang phải vay mượn hàng tháng để trả lãi. Nếu tôi bị trả về bây giờ, nhà cửa sẽ mất hết."
"Tiếng Đức không biết, giờ tôi chỉ mong được ai đó giúp đỡ để tôi có một công việc, tôi làm kiếm tiền ăn cho qua đợt dịch này và để trả lãi vay khoản nợ ở nhà."
"Giờ qua đây, tôi hối hận về quyết định của mình, tôi đã chọn sai con đường."