VĂN HÓA ONLINE – VIỆT NAM - THỨ SÁU 29 OCT 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Tây Ban Nha đấu giá Mũ quan triều Nguyễn lập kỷ lục: 600.000 Euro
28/10/2021
33 0 Lưu
TTO - Khởi điểm chỉ vỏn vẹn 600 euro, chiếc mũ quan triều Nguyễn đã có một phiên đấu giá vô tiền khoáng hậu khi tăng lên đến 600.000 euro (gần 16 tỉ đồng).
Chiếc mũ quan triều Nguyễn đi kèm hộp gỗ đã được bán - Ảnh: BALCLIS
Bất cứ ai theo dõi phiên đấu giá thường kỳ của nhà Balclis (21h ngày 28-10) cũng sẽ đồng ý rằng đây là phiên đấu giá "điên rồ" nhất từng diễn ra với cổ vật Việt Nam.
Bầu không khí nóng lên bất thường đã diễn ra từ cách đây một tuần lễ. Nguyên nhân bắt nguồn từ chiếc mũ quan văn (hàm nhất phẩm - nhị phẩm) triều Nguyễn được Balclis giới thiệu vào ngày 22-10.
Chiếc mũ có niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đi kèm với hộp đựng bằng gỗ. Cả hai đều có một số vết xước và bong tróc nhẹ nhưng tình trạng chung vẫn khá tốt.
Ở giai đoạn tiền đấu giá, chiếc mũ quan (lô 135) đã nhanh chóng tăng vọt từ 600 euro lên 70.000 euro chỉ sau vài ngày với 73 lượt tham gia đấu giá, điều này chưa từng có tiền lệ.
Mọi chuyện còn diễn ra "điên cuồng" hơn khi buổi đấu giá chính thức được tổ chức trực tiếp. Vì được dự đoán là một trong những cổ vật đáng chú ý nhất trong toàn phiên, người dẫn dắt có lẽ đã sử dụng "thủ thuật" kích động tâm lý nhà sưu tập khi ông cho tạm dừng chương trình vài phút, gây ra một vài sự xáo động trong phòng.
Ngay khi bắt đầu lại, giá liên tiếp đội lên với sự tham gia bỏ giá của những người ngồi tại khán phòng lẫn các nhà sưu tập đặt mua trực tuyến.
Ở mức giá 270.000 euro, khi người tham gia tại khán phòng bỏ cuộc, buổi đấu giá đã diễn ra cuộc đua "song mã" của hai người mua online. Giằng co liên tục trong hơn 10 phút, nhà sưu tập ẩn danh mang số hiệu 5618 đã sở hữu chiếc mũ quan triều Nguyễn khi chiếc búa được gõ xuống ở 600.000 euro - mức giá kỷ lục cho một cổ vật của Việt Nam.
Với mức giá gây kinh ngạc này, chiếc mũ quan triều Nguyễn đã bỏ xa các tác phẩm, hiện vật còn lại trong cùng phiên.
Dù có một vài chỗ bong tróc trên đôi cánh chuồn nhưng tình trạng chiếc mũ vẫn còn tốt - Ảnh: BALCLIS
Theo nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (chuyên về trang phục triều Nguyễn), chiếc mũ trên rất hiếm có trên thị trường, lại được bảo quản tốt nên việc thu hút đông đảo nhà sưu tập quốc tế là chuyện đương nhiên.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định với tình trạng gần như nguyên vẹn, có thể suy đoán rằng chiếc mũ đã được đưa ra nước ngoài từ lâu, hoặc do người Pháp mang đi, hoặc được các viên quan thời Tự Đức biếu tặng trong những chuyến công du.
Hộp gỗ được chạm khắc tinh xảo - Ảnh: BALCLIS
Ngoài mũ quan triều Nguyễn, cuộc rượt đuổi trên sàn quốc tế được tái diễn khi một chiếc áo đại triều phục mãng bào tứ linh của nhà Nguyễn và một đôi đài thờ chất liệu gỗ sơn son thếp vàng có xuất xứ Việt Nam được chào bán.
Đôi đài thờ được đấu giá - Ảnh: BALCLIS
Với mức khởi điểm khiêm tốn 340 euro, sau cuộc đấu giá căng thẳng, đôi đài thờ này đã được chốt giá 1.750 euro (hơn 46 triệu đồng).
Tình huống tương tự xảy ra với chiếc áo mãng bào tứ linh, từ 850 euro tăng lên 35.000 euro (khoảng 930 triệu đồng). Chiếc áo thuộc về nhà sưu tập online mang mã số 5777, người đã mua rất nhiều cổ vật châu Á trong cùng phiên.
Tổng toàn phiên, cổ vật Việt Nam có giá gần 17 tỉ đồng.
Bộ triều phục hiện có giá 2.200 euro (hơn 58 triệu đồng) - Ảnh: BALCLIS. MAI THỤY
Đấu giá Mũ quan triều Nguyễn ở Tây Ban Nha
Làm sao tránh tình trạng "chảy máu" cổ vật?
Cổ vật có nguồn gốc Việt Nam không thể mua bán, trao đổi và để thừa kế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (!!!)
LĐO | 27/10/2021 |
Cổ vật có nguồn gốc Việt Nam không thể mua bán, trao đổi và để thừa kế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Mới đây, sự việc một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn còn nguyên vẹn nhất từ trước tới nay được Nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) chuẩn bị đấu giá với giá khởi điểm 500 Euro đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Giá khởi điểm cho chiếc mũ này là 500-600 Euro.
Phiên đấu giá chính thức sẽ mở lúc 16h00 ngày 28.10.2021 trên trang web invaluable.com.
Bất ngờ là chỉ sau hơn 3 ngày kể từ khi thông tin được công bố (22 - 25.10) đã có người đặt 40.000 Euro, gấp 80 lần giá khởi điểm chiếc mũ.
Đây là phiên đấu nhận được sự quan tâm của đông đảo người yêu cổ vật Việt Nam trong và ngoài nước. Bởi đây là mũ quan văn triều Nguyễn kèm với hộp đựng mũ không những đẹp, tinh xảo mà còn nguyên vẹn nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết chỉ theo dõi và không tham gia đấu giá mũ quan triều Nguyễn ở Tây Ban Nha vì lý do giá quá cao. Vấn đề này cho thấy, chúng ta chưa có các chính sách phù hợp để “hồi hương” cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài.
Mũ quan văn triều Nguyễn đang được đấu giá ở Tây Ban Nha. Ảnh từ invaluable.com.
Trả lời báo Lao Động, Cục trưởng Cục di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cho biết, Luật Di sản văn hóa năm 2001 công nhận và bảo vệ về các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa. Điều 5 quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với di sản văn hóa được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Về Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng được Luật Di sản văn hóa quy định tại Khoản 2, Điều 8 như sau: “Di sản văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế và theo quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.”
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước tham gia "Công ước UNESCO 1970 về Các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa". Công ước này là một công cụ pháp lý quan trọng để cộng đồng quốc tế nói chung và các nước thành viên tham gia công ước nói riêng có thể hạn chế, tiến tới ngăn chặn việc buôn bán trái phép tài sản văn hóa.
Xe kéo của vua Thành Thái tặng mẹ là một trong số ít những cổ vật “hồi hương” được qua hình thức đấu giá của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trong nhiều năm qua. Ảnh: LĐO
Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia Công ước UNESCO 1970 và để tránh “chảy máu” những cổ vật thuộc sở hữu nhà nước và những hình thức sở hữu khác, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan đã có những quy định cụ thể (Điều 43 Luật Di sản văn hóa; Luật Thương mại; các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 Luật nêu trên…).
Theo đó, về cơ bản, các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, thậm chí là các cổ vật có xuất xứ nước ngoài (trừ trường hợp tạm nhập khẩu - tái xuất khẩu) đều không thể mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế, trải qua nhiều thế kỷ giao thương quốc tế, nhiều vật có nguồn gốc Việt Nam đang được lưu giữ ở nước ngoài, có trong những bộ sưu tập lớn với những hình thức sở hữu khác nhau hoặc được trưng bày tại các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.
Cùng với các cuộc trưng bày cổ vật, bảo vật quốc gia do Việt Nam phối hợp với các nước tổ chức ở nước ngoài, đây chính là những minh chứng cho giá trị di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam được giới thiệu cho cộng đồng quốc tế. Hải Ngọc
Những cổ vật triều Nguyễn đang lưu lạc trên khắp thế giới
LĐO | 25/10/2021 | 17:22
Trấn phong bằng vàng, cổ vật thuộc sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại được đưa ra bán đấu giá ở London vào năm 2008. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
Chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá tại Tây Ban Nha đang là tâm điểm của những người yêu thích lịch sử và sưu tầm cổ vật nước nhà. Đồng thời, nó cũng làm dấy lên một câu hỏi: “Còn bao nhiêu cổ vật của Việt Nam đang chịu cảnh lưu lạc ở nơi đất khách quê người?”.
Theo Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, sau chiến tranh, có rất nhiều cổ vật, đặc biệt là từ triều đại nhà Nguyễn, của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài. Có những cổ vật đã may mắn được thu hồi về với quê hương, cũng có những món hiện nằm trong bộ sưu tập của những nhà sưu tầm khắp thế giới.
Dưới đây là một vài cổ vật thuộc triều đại nhà Nguyễn vẫn chưa tìm được cách trở về với quê hương.
1. Thái A kiếm
Thanh kiếm này đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Pháp ở Paris (Pháp). Nó gồm 2 phần: Lưỡi kiếm hơi uốn cong, làm bằng thép dài khoảng 1m và chuôi kiếm dài khoảng 20cm. Trên lưỡi kiếm có khảm 3 chữ Hán "Thái A kiếm" bằng vàng, sát với đốc kiếm. Chuôi kiếm tạo hình một đầu rồng làm bằng vàng, chạm trổ rất tinh xảo.
Theo nhà nghiên cứu Dominique Rolland (Paris, Pháp) và theo giáo sư Võ Quang Yến (Paris, Pháp) chia sẻ với Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, đây là thanh bảo kiếm của vua Gia Long, vốn được trưng bày trong Đại Nội Huế, nhưng đã bị người Pháp lấy đi sau vụ “Kinh đô thất thủ” vào tháng 7.1885.
Thái A kiếm của vua Gia Long đang trưng bày tại Bảo tàng Quân đội ở Paris. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
2. Chậu quán tẩy bằng vàng
Chiếc chậu này được trưng bày trong cuộc triển lãm của nhà buôn bán đồ cổ Roger Keverne (London, Anh) vào cuối năm 2008. Đây là chậu rửa tay của vua trước khi cử hành những đại lễ trong tông miếu triều Nguyễn.
Về nguồn gốc, theo ghi chép tại cuộc triển lãm thì cổ vật này nằm trong hoàng cung Huế, sau đó được ông Ralph Marty - một nhà sưu tầm người Anh - mua lại vào năm 1926. Tuy nhiên, theo thống kê về những cổ vật triều Nguyễn bị người Pháp cướp đoạt của linh mục Siefert, nhiều khả năng đây là cổ vật bị đánh cắp khỏi Đại Nội Huế trước khi được bán lại cho ông Ralph Marty.
Quán tẩy bằng vàng thời Nguyễn trưng bày trong cuộc triển lãm của nhà buôn bán đồ cổ Roger Keverne (London) vào mùa đông năm 2008. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
3. Sách phong bằng vàng đời vua Gia Long
Cổ vật này được đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris (Pháp) ngày 16.12.2010, cũng thuộc bộ sưu tập của ông Ralph Marty. Sách phong này do vua Gia Long (1802 - 1820) cho làm vào năm 1807 để tôn phong bà Đoàn Thị (khuyết danh), chánh phi của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601 - 1648) là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu hoàng hậu. Tuy nhiên, cổ vật này vẫn nằm lại trong bộ sưu tập của ông Ralph vì không có người mua.
Sách phong bằng vàng do vua Gia Long cho làm vào năm 1807. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
4. Sách phong bằng bạc mạ vàng đời Thiệu Trị
Cổ vật này ban đầu thuộc sưu tập của ông Hồ Đình Xuân (Paris, Pháp), đã được bán đấu giá năm 1996. Người mua này về sau đã ủy thác lại cho phòng đấu giá Sotheby's bán lại vào năm 2010 ở Paris. Đây là sách phong do vua Thiệu Trị (1841-1847) tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846).
Sách gồm 5 tờ 10 trang, kích thước 23cm x 14cm. Đây là sách phong duy nhất làm bằng bạc mạ vàng vẫn còn tồn tại, vì ở Việt Nam và hải ngoại hiện nay, người ta chỉ còn thấy một số đồng sách (sách phong bằng đồng) và thể sách (sách phong bằng lụa).
Sách phong bằng bạc mạ vàng do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
5. Trấn phong bằng vàng đời Khải Định
Đây là cổ vật thuộc bộ sưu tập của hoàng thái tử Bảo Long (con trai vua Bảo Đại), được đưa ra bán đấu giá ở London vào năm 2008. Trấn phong có kích thước 20cm x 19cm, làm bằng vàng, nặng 11,9 lượng. Thân của trấn phong khắc nổi dòng chữ Hán "Vạn thọ tứ tuần đại khánh tiết". Cổ vật này là món quà của người dân An Nam mừng thọ vua Khải Định nhân dịp sinh nhật lần thứ 40 vào năm 1924.
Trấn phong bằng vàng thuộc sưu tập của hoàng thái tử Bảo Long. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
6. Trấn phong bằng vàng đời Khải Định
Trấn phong này thuộc bộ sưu tập của Cựu hoàng Bảo Đại, đã được đưa ra bán đấu giá ở London vào năm 2008. Cổ vật này gồm 4 tấm vàng liên kết với nhau, có tổng chiều dài là 57,5cm, cân nặng 1,66kg. Mặt trước trấn phong chạm nổi hình bản đồ Việt Nam, chùa Thiên Mụ, Phu Văn Lâu và Kỳ Đài Huế, đồ án rồng mây và văn thủy ba. Mặt sau trấn phong khắc chữ Hán cho biết đây là quà tặng của người dân An Nam cho hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại) vào năm 1923.
Trấn phong bằng vàng thuộc sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
7. Tượng con giải trãi bằng vàng đời Minh Mạng
Cổ vật này là pho tượng linh thú duy nhất bằng vàng của triều Nguyễn hiện còn được ghi nhận từ trước tới nay. Tượng cao 12cm, nặng 211,7 gram, được đưa ra đấu giá ở Reuil-Malmaison (Pháp) với giá khởi điểm là 12.000 euro. Dưới bụng tượng này có khắc 2 dòng chữ Hán: "Minh Mạng thập bát niên tạo" (nghĩa là làm vào năm Minh Mạng thứ 18 - năm 1837) và "Bát ngũ tuế hoàng kim trọng ngũ lượng ngũ thốn cửu phân" (nghĩa là làm từ vàng tám tuổi rưỡi, cân nặng 5 lượng 5 chỉ 9 phân).
Tượng giải trãi bằng vàng đời Minh Mạng được bán đấu giá ở Paris vào năm 2011. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam
8. Cành vàng lá ngọc chưng trong chậu pháp lam
Bộ cổ vật cành vàng lá ngọc này thuộc về một nhà sưu tập ở Mỹ. Theo nhà nghiên cứu Philippe Truong (Paris, Pháp) - người đã tiếp xúc với bộ cành vàng lá ngọc này - chia sẻ với Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, thì đây là bộ cành vàng lá ngọc thực sự, được gia đình nhà sưu tầm lưu giữ trong hơn 50 năm qua.
Cành vàng lá ngọc thời Nguyễn. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam.
9. Những kim bài, kim khánh, kim bội, ngọc khánh của triều Nguyễn
Hiện tại, có rất nhiều cá nhân là người nước ngoài, hoặc Việt kiều ở hải ngoại đang sở hữu nhiều kim bài, kim khánh, kim bội, ngọc khánh của vương triều Nguyễn. Đó là bảo vật truyền gia của gia tộc, họ tộc mà họ là người thừa kế; hoặc mua bán, đấu giá cổ vật được.
2 bộ sưu tập cổ vật dạng này đáng giá nhất hiện được lưu giữ và trưng bày ở Châu Âu là bộ sưu tập của ông Andrè Hüsken ở Hamburg (Đức) và của ông Antonio Benedetto Spada - cựu đại sứ Italia tại Pháp, đang trưng bày tại Bảo tàng Légion d’Honneur ở Paris.
Kim bài khắc dòng chữ Hán “Thái bình thiên tử” của vua Khải Định. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc
gia Việt Nam.
Ngọc bội khắc dòng chữ Hán “Thiệu Trị trân bửu”. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam