VĂN HÓA ONLINE – BỘ ẢNH TRƯỜNG SA 2014 – THỨ BA 13 JUNE 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Song Tử Tây, hòn đảo xanh mọc lên giữa đại dương
Tiếp theo Chương 1 - Lý Kiến Trúc và ‘10 ngày đêm Trường Sa rực lửa’
Tiếp theo Chương 2 - Đá Nam
Chương 3
13/6/2023
(bài đi 2 kỳ)
1.
Khi tôi viết bài này thì từ bên kia đại dương, Singapore - Shangri-La 2023 đã cung cấp nhiều sự kiện thời sự khá ‘nóng’ mà tôi cho rằng nó liên quan tới Việt Nam và Biển Đông (South China Sea).
Thượng đỉnh Shangri-La 2023 tập hợp hơn 600 đại biểu từ 49 quốc gia đã có các phiên họp quốc tế trong ba ngày (mùng 3 ,4, 5 tháng 6). (1)
Mọi chú ý dồn vào hai phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Li Shangfu – hai cường quốc đang hiện diện ở Biển Đông – phần nào bộc lộ quan điểm chính trị, ngoại giao, kinh tế và quốc phòng của nước họ, đặc biệt đối với Việt Nam.
Đáng chú ý về câu tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, theo hai nhà báo Chen Lin and Kanupriya Kapoor tường thuật trên Reuters, “thế giới đủ lớn để Trung Quốc và Mỹ cùng phát triển” – dư luận có thể hiểu rằng – đã đến lúc chấm dứt các tranh chấp ‘nóng’ giữa hai siêu cường ở South China Sea chỉ rộng có 3, 5 triệu km2; và trước mắt, thế giới ở đây là nam Thái bình Dương.
Cuộc họp kín trong “bóng tối quốc tế” của các thủ lãnh tình báo thế giới, một sự kiện mới lạ đầu tiên, “bóng tối quốc tế” được lộ ra qua bản tin độc quyền của các nhà báo Xinghui Kok, Raju Gopalakrishnan và Greg Torode; Edit bởi Gerry Doyle – có khả năng chăng – dẫn tới sự thay đổi cục diện thế giới trong tương lai.
https://www.reuters.com/world/worlds-spy-chiefs-meet-secret-conclave-singapore-2023-06-04/
Một biến cố khác diễn ra ở đảo Ba Bình (Itu Aba), tức đảo Thái Bình mà Đài Loan gọi là đảo Taiping Island, Cảnh sát biển của họ đã tập trận bắn đạn thật chung quanh vùng biển hòn đảo lớn nhất Trường Sa và nằm ở tọa độ tối quan trọng về mặt tấn công trong quần đảo Trường Sa.
Các cuộc tập trận bắn đạn thật của các lực lượng hải quân đang hiện diện ở Biển Đông, việc Trung Quốc cử các tàu ‘nghiên cứu khoa học’ hay tàu hải cảnh “quái vật – monster” đi thám sát công khai ở các khu vực biển, đảo, đá, bãi cạn thuộc EEZ/VN; việc Philippines đặt phao xác định Ranh giới Biển dường như – Biển Đông đang rơi vào bối cảnh một cuộc tranh chấp có thực chất và hiệu quả.
Riêng Việt Nam, ẩn số về việc hình thành một hay nhiều giải pháp để ‘giải quyết tranh chấp biên giới biển’– theo người viết, là mối ưu tư hàng đầu trong việc xác định đường biên giới, có chỗ liên tục, có chỗ rải rác, có tương thích với hội nghị COC do Trung Quốc khởi xướng hay không?
Quyền và yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, các vùng lãnh hải ở quần đảo Trường Sa, cụ thể là 54 thực thể địa lý mà quân lính Việt Nam hiện đang đóng giữ trên diện rộng sẽ biến dạng hay tiếp tục giữ nguyên trạng?
Trung Quốc luôn khẳng quyết Biển Đông là chuyện nội bộ của Trung Quốc với các nước ASEAN, nhưng Hoa Kỳ và Quốc tế không muốn như vậy. Trước hết, Biển Đông là mắt xích khó ‘nhai’ của chiến lược Indo-Pacific và nó trở thành vũng lầy của thế giới Đông-Tây.
Phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye đã chứng minh phản ứng của phương Tây. Ngược lại, đường lưỡi bò 9 đoạn chứng minh cho sự độc đoán của Trung Quốc xuyên qua vũ lực.
Một nhà nghiên cứu chính trị, Tiến sĩ Nagao Satoru nói về chính sách của Hoa Kỳ: “Các lợi ích chung như trật tự dựa trên luật lệ chứ không phải chế độ chính trị” (2).
Tôi xin thêm: Mọi lợi ích hiện nay đang dựa trên vũ lực quân sự và một nền móng luật lệ mong manh. Điều này có thể mang lại thiệt hại cho Việt Nam, nhưng tôi tin rằng Việt Nam có những cách đối phó riêng.
Một câu hỏi được đặt ra: Liệu Trung Quốc có chịu ngồi đàm phán với các lãnh đạo phương Tây hay khư khư ôm giấc mộng Trung Hoa với sức mạnh quân sự của họ?
Cụm Song Tử trong đó có hai anh em Trời sinh: Song Tử Đông và Song Tử Tây và các hòn đảo đang tranh chấp với Philippines sẽ biến dạng hay vẫn giữ nguyên trạng.
Song Tử Đông không phải là chủ đề trong bài viết này và tôi cũng chưa bao giờ đặt chân tới.
Trong quá khứ lịch sử cận đại, hòn đảo này đã mất về tay Philippines – bia đá lớn xác định chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa xây dựng trên hòn đảo có còn hay đã bị phá hủy. Không thể biết được.
Song Tử Tây, nơi tôi đặt chân tới vào ngày thứ ba trong “10 ngày đêm Trường Sa”, biết đâu sẽ đi vào ký ức và kỷ niệm đẹp.
2.
Chiều xuống, hòn đảo như một nàng tiên cá ưỡn ngực lên bầu trời chờ đợi những vì sao bắt đầu lấp lánh, chỗ cao nhất của nàng vút lên ngọn hải đăng như thách đố trời biển và những ai… Ảnh LKT
Lần theo cầu thang và hành lang con tàu, tôi leo lên chỗ boong cao nhất. Boong khá hẹp, tôi phải dựa lưng vào vách con tàu cho chắc ăn. Vị trí con tàu nằm thẳng gần 90 độ với khung cảnh bao la trước mặt, thật là tuyệt cho cái máy ảnh. Để cho con mắt thứ ba tốt hơn, tôi gắn thêm kính lọc màu.
Từ Đá Nam, mặt trời đỏ rực lóe màu sắc của buổi hoàng hôn. Màu đỏ của mặt trời ở biển, không như nắng vàng trên lục địa hay núi non. Từng giây từng phút, mặt trời rũ xuống mang theo thứ ánh sáng dị thường thay đổi liên tục. Một cuộc phối ngẫu giữa không gian và biển cả.
Màu xanh của mặt biển phẳng lặng lúc đậm lúc nhạt lúc u tối, phản chiếu, đan xen với màu đỏ chói của mặt trời, những đám mây xây thành quyện với nhau ở tận chân trời tạo ra sắc màu khó tả của buổi chiều tà trên biển Song Tử Tây.
Giá tôi là một họa sĩ. Trời ơi. Sự hùng vỹ làm tôi sững sờ. Hình ảnh toàn sắc của biển trời, những đụn mây, thuyền, sóng nước lăn tăn và hòn đảo tỏa ra sức hút mãnh liệt, quyến rũ, bí mật và đê mê.
Một màu tím lướt nhanh qua giác mạc, ảo giác vụt tắt vụt mở. Đôi mắt tôi biến đổi màu sắc hay sắc màu đã hỗn loạn trong đôi mắt tôi. Chiếc máy ảnh trong tay chợt cứng đờ. Nó đã tê liệt trước ảo ảnh của hoàng hôn, hoàng hôn tím.
Vầng thái dương đang chui xuống biển để tìm giấc ngủ sâu. Tạm biệt một ngày, tạm biệt những náo động mệt mỏi của nhân gian và những con thuyền chài lười lĩnh.
Không xa hòn đảo Song Tử Tây lắm, hai con thuyền trấn thủ ở đầu mút hòn đảo hướng mũi tàu về hướng đông. Vì xa quá, tôi không thấy sự chuyển động của hai con thuyền, nhưng tư thế của nó dường như sẵn sàng cho một cuộc đụng độ.
Tà dương trả lại cho biển đêm. Bóng tối phủ xuống ôm lấy hòn đảo nằm dài thon thả. Dáng của hòn đảo đầu nằm hướng về đông, chân duỗi về Tây. Như một nàng tiên cá ưỡn ngực lên bầu trời, chỗ cao nhất của nàng vút lên ngọn hải đăng thách đố những ai chưa có dịp leo tới. Những vì sao bắt đầu mọc lên lấp lánh tỏ tình.
3.
Hoàng hôn ở biển đảo Song Tử Đông (trái), Song Tử Tây (phải). Hai con thuyền hướng mũi về Tử Đông, dường như thuyền có súng lớn. Tử Đông hiện đang bị lính Philippines chiếm đóng. Tôi tự hỏi vì sao chính quyền Việt Nam không đòi lại Song Tử Đông? Ảnh LKT
Biển êm như chưa bao giờ tôi thấy êm như vậy, dù ánh mặt trời hâm sức nóng vào mặt biển. Biển chẳng khác gì mặt hồ khổng lồ lung linh đám mây trời còn sót lại. Sức nóng giảm dần và ánh sáng trên bầu trời phản chiếu sắc màu của buổi hoàng hôn.
Trước mắt tôi, biển đánh đổ mọi hình dung trong trí óc đầy ắp tưởng tượng. Nào là phong ba bão tố, nào là sóng dữ cao ngất cuồn cuộn, nào là bản chất trở nên hung dữ khi mắt bão kéo về mang theo tàn phá.
Tôi ngước mặt lên không trung hỉnh mũi đợi luồng gió ở hướng nào đó thổi vào. Tôi cố gắng đánh hơi mùi gió và mùi biển ở nơi này. Không có ngọn gió nào xôn xao xô mặt biển mang theo mùi tanh tanh của cá, cái mằn mặn của muối. Ít ra tôi cũng biết sơ sài về độ mặn của biển ở mỗi vùng mỗi khác, về độ ấm của nó hay màu da của những đàn cá có hình thù khác lạ, nơi ở của từng loại cá nông hay sâu.
Mũi tôi vốn khá thính về cái khoản đánh hơi. Cứ như đang đứng một chỗ bỗng có người phụ nữ nào đó tạt ngang, thoang thoảng mùi nước hoa Chanel-N 5 hay Tabu làm tôi hỉnh mũi ngạc nhiên đờ ra một lúc. Cũng như biển ở California, nơi tôi sống, nước lạnh ngắt. Vào mùa hè, dựng một cái dù nhỏ che mắt nằm phơi nắng trên cát nhưng đố tôi tỏ ra thích thú với làn nước lạnh.
Tôi đi tìm sự khác lạ ở Song Tử Tây, chẳng hạn như so sánh với biển ở Vũng Tàu, tôi mù tịt. Mặc dù tôi rất háo hức nhưng đôi khi thất vọng. Những sĩ quan và thủy thủ trên con tàu HQ-571 rất ít nói, họ chỉ nói ở buổi tối giao lưu trong các bài bản đã soạn sẵn hướng dẫn cho khách viếng thăm.
Sóng gợn lăn tăn như khúc nhạc chiều êm ru con thuyền xa xa bất động. Tôi có cảm tưởng những người ở trên con thuyền đó không cưỡng nổi chiều tà, đôi mắt trĩu xuống buồn ngủ sau một ngày chài lưới mệt nhọc.
Bỗng đôi mắt tôi phát hiện ở hướng Đông, một vệt đen nhỏ, hơi dài, thấp lè tè dưới mặt biển. Kích thước của nó so với đảo Song Tử Tây nhỏ hơn. Trông nó thật cô đơn, buồn tẻ, nằm dài im ỉm ở một góc biển trời. Nó chẳng khác gì con sâu róm. Tôi hỏi một thủy thủ trẻ đứng gần tôi,
- Đó là đảo gì vậy cháu? Chỉ tay về hướng đó, người lính nói:
- Đó là đảo Song Tử Đông.
À, hôm nay tôi mới nghe một thủy thủ nói về Song Tử Đông. Đó là một hòn đảo có nhiều chuyện lôi thôi trong lịch sử cận đại. Nó đang lù lù trước mắt. Nó là biểu tượng của sự mất mát trong quá khứ của Việt Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng và nó trở thành đối tượng tranh giành chủ quyền của hai nước Việt Nam-Philippines.
Tôi tự hỏi vì sao chính quyền Việt Nam hiện nay không đòi lại Song Tử Đông hay chấp nhận sự nguyên trạng.
Như cái mâm đồng rực lửa cuối chân mây đi tìm giấc ngủ sâu dưới lòng biển mẹ, ông trời chìm xuống lặng thinh giữa hai đứa con song sinh Tử Đông và Tử Tây bị ngăn cách bởi lằn ranh biển rộng chưa tới 3km. Bên trái xa xa là đảo Song Tử Đông, bên phải là đảo Song Tử Tây. Ảnh LKT
Toàn cảnh bao la cho tôi thấy hóa ra hai con thuyền có vẻ như đang ở vị trí trấn giữ ngay chân đảo Song Tử Tây. Bề rộng từ chân đảo Song Tử Tây đến đầu mũi Song Tử Đông không xa lắm, chỉ khoảng 3km. Khoảng cách này đối với một tay bơi lặn giỏi, chắc chỉ hơn một tiếng trong tình trạng bể yên sóng lặng.
Tôi thu ống kính lại tối đa, tập trung con mắt thứ ba vào hai con thuyền đang hướng mũi về Song Tử Đông. Một ụ đen có vẻ như khẩu súng lớn. Chúng đang im lìm chờ đợi một cuộc tấn công hay đang lững lờ với làn sóng nhấp nhô nhè nhẹ.
Lúc bấy giờ tôi mới tiếc phút cuối cùng trên đường đi ra phi trường LAX, tôi đã bỏ lại cái máy ảnh Nikon D3000 gắn ống kính 300-500mm nặng nề to đùng như khẩu đại bác 155ly mà chỉ nhớ đến bịch thuốc lá rê Thổ nhĩ Kỳ đủ hút cho 10 ngày đêm.
Kể ra thì sự tưởng tượng của tôi cũng không nhầm lẫn cho lắm. Đang có chuyện gì giữa hai hòn đảo một bên đông một bên tây. Va chạm? Tranh chấp? Đụng độ giữa lính thủy hai bên? Những tia lửa phụt ra liên hồi ở những nòng súng từ tây qua đông từ đông qua tây. Chà! lúc đó thì tôi làm sao nhỉ. Tôi sẽ luống cuống hay mải mê nhấn cái nút máy ảnh liên hồi.
Một ít tài liệu cũ cho biết, khoảng năm 1965-1971, Philippines đã chiếm đoạt đảo Song Tử Đông của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện lính Philippines đang đóng quân trên đó. Họ đang làm gì trên đó. Thực sự nó thuộc về nước nào trong lịch sử. Câu chuyện về sự mất mát một hòn đảo lớn lọt về tay nước khác theo thời gian đã biến mất, nhưng là mẫu mực hiện nay cho chủ đề tranh cãi quyền và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.
Huyền sử kể rằng trời đất sinh ra hai đứa con cùng giọt máu của Long Vương và Mẫu Thủy nhưng vì không thắng được lòng sân hận danh vọng mà trở thành kẻ thù không đội trời chung. Một đứa bên tây một đứa bên đông. Suốt đời hai anh em không gặp nhau bởi một lằn ranh biển chia cách rộng có 3km.
Thật sự lằn ranh biển ở đây lớn hơn nhiều so với dòng sông lịch sử đã phân chia đôi bờ mảnh đất chữ S cong cong.
Con sông Bến Hải nơi rộng nhất chỉ có 200 mét mà ngăn nước Việt thành hai nước tới 20 năm – hai mươi năm chinh chiến điêu tàn. Lằn ranh biển ở đây rộng chưa tới 3km đã ngăn hai anh em Tử Tây và Tử Đông hơn 50 năm – năm mươi năm trong uất ức.
Có lẽ gió đông gió tây không đủ sức xô anh em gần lại với nhau. Tưởng như người Việt viễn xứ và người Việt trong nước muốn ‘nối vòng tay lớn’, nhưng gót chân của Achilles vẫn còn dợm vết gai nhọn dưới lòng bàn chân.
Đột nhiên màu sắc mỗi lúc thay đổi lạ lùng. Song Tử Tây nổi lên như một chàng dũng sĩ nằm dài ngủ mệt, song tay vẫn chống thanh kiếm nhọn hoắt ngang tàng kiêu hãnh. Mặt trời cố lóe ra vòm hào quang trước khi tắt lịm chui thật sâu dưới tấm thảm nước khổng lồ. Hoàng hôn tím cũng đã biến mất.
Tôi phân vân quá, ngộ nghĩnh quá. Biển mỗi chỗ một màu khác nhau, nước ấm khác nhau, màu sắc khác nhau, sóng cũng khác nhau. Cũng vào tháng này, mới chỉ cách hai ngày, tôi đến biển Vũng Tàu, ngập trong nắng vàng nhiệt đới mồ hôi thấm đẫm lưng. Thành phố cảng dưới chân dãy núi lớn xanh xanh mờ dần phía sau đuôi con tàu kéo theo dòng nước bạc.
Con tàu to lớn đang chở tôi đi vào chốn phiêu bồng mới lạ. Nó sẽ mang lại cảm giác thích thú lẫn suy tư về công việc phải làm của một nhà báo tự do.
Chiều Đá Nam nhìn về Song Tử Tây như bức tranh sơn dầu vĩ đại huyền ảo dưới bàn tay tài hoa trác tuyệt của người nghệ sĩ thiên nhiên.
Sức hút mãnh liệt đến độ cái máy ảnh, con mắt thứ ba của tôi bất động. Nó đã tan loãng vào thinh không vô tận, im lặng vô tận, nó ngượng ngập trước vẻ đẹp kỳ thú và xấu hổ trước nụ cười chế nhạo của thiên nhiên ‘nhà mi không đủ tài hoa lột tả hết vẻ đẹp hiện hữu của ta; không những thế, nhà ngươi còn tàn phá những báu vật đã nuôi ngươi khôn lớn.”
Tôi hít một hơi dài lấy lại bình tĩnh. Khứu giác phập phồng đánh hơi mùi vị của vùng biển mới, soi mắt vào những đám mây xám đang cuốn lấy nhau từng cụm từng cụm đè xuống mặt trời, từ đâu đó âm u lời khuyên nhủ của thần bóng tối ‘hãy nhìn lại bóng tối hôm qua, còn chần chừ chi nữa, đừng ngần ngại, đừng tham lam với ánh sáng mê hoặc, đừng vội vã nguyền rủa, bóng tối sẽ gợi lên câu chuyện tình bất tử của hai anh em Song Tử cùng yêu một nàng tiên cá không có đoạn kết cho khách lữ hành tha hồ thêu dệt.’
Bóng tối đã che lấp sự thật. Từ thủa trời đất nổi cơn gió bụi, hai anh em Tử Đông - Tử Tây đã đánh nhau một trận tơi bời vì câu chuyện gió bắc gió nam ai giải phóng ai.
Lòng Mẹ biển bao la quặn thắt đớn đau, quay quắt từng đợt sóng thần cao ngất, từng cơn phong ba bão tố. Mẹ giận dữ dâng nước lên cuồn cuộn nhưng núi cứ vọt lên lỳ lợm. Mẹ kêu gào cầu cứu Long Vương. Long Vương nổi trận lôi đình. Ngài vung cây gậy thần cổ tích chỉ vào dòng sông phân liệt hai miền suốt hai mươi năm nhuộm máu đỏ lòm – ‘hãy nhìn vào đó mà làm bài học cay đắng.’ Ngài chỉ xuống biển – ‘cho đến khi nào chúng nó biết ôm nhau sám hối mà nước mắt rưng rưng thì lúc đó mới hợp quần.’
Chiều lặn dần xuống biển. Mênh mông. Bóng tối bắt đầu đen ngòm phủ xuống con thuyền và hòn đảo Song Tử Tây bí mật. Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông dường nào, chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu … (3). Ảnh LKT
Ông trời rơi xuống mặt hồ
Hoàng hôn chợt tím, trơ vơ muộn màng
Mây chiều ráng đỏ như than
Tử Tây rực lửa, Đá Nam ngủ vùi. (4)
Từ Đá Nam. vị trí máy ảnh đứng trên boong chỉ huy con tàu HQ-571, nhìn xuống dưới là mũi tàu. Màu sắc thay đổi từng giây từng phút lúc ông trời lặn xuống biển đi tìm giấc ngủ sâu. Vài vệt nắng sót lại bơ vơ. Ảnh LKT.
Gió Đông gió Tây. Gió Bắc gió Nam. Gió loạn. Loạn gió. Chúng không bao giờ gặp nhau trong dịu êm mát mẻ vì loạn lạc tơi bời; nhưng tôi tin rằng, cực hữu, cực tả, thiên tả, vô sản, tư bản, bọn trùm mền vô cảm, bọn vinh thân phì gia “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, cuối cùng cũng phải hóa kiếp vào dòng chảy miên man đãi lọc của lịch sử dân tộc nước ta.
4.
Vietnam War đã tiêu diệt hàng triệu chiến sĩ liệt sĩ nhân tài trên khắp mặt trận từ Nam chí Bắc. Ngày 19 tháng Giêng năm 1974, trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và hải quân Trung cộng diễn ra ác liệt ở quần đảo Hoàng Sa tây, (74 – có tin 77 chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh).
74 hay 77 Chiến sĩ Hải quân VNCH tử trận?
Trận hải chiến Hoàng Sa luôn nằm trong đầu các nhà quân sự biển và các nhà hoạch định chính sách quốc gia. Bất kỳ dự án chiến lược nào cũng phải nằm trong tầm vóc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Nói thì dễ nhưng làm thì khó.
Vụ ‘hải chiến’ thứ hai diễn ra giữa hải quân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Trung Quốc diễn ra vào ngày 14 tháng Ba năm 1988, thường gọi là trận Gạc Ma, (tin nói 64 liệt sĩ hy sinh), càng làm cho Hà Nội quyết tâm xây dựng mạng lưới chủ quyền lãnh thổ qua “đại chiến dịch Trường Sa.”
Một loạt 54 đồn bót cấp tốc xây dựng bằng bê tông rải đều khắp 200,000km2 ở khu vực quần đảo Trường Sa. Một dự án khổng lồ có tham vọng thiết lập hệ thống đồn bót thành những chốt kiềng hỏa lực liên hợp trên một diện rộng và địa hình xôi đậu phức tạp. Binh sĩ và súng ống thường trực tác chiến trên các đảo và đá.
Đó là mục tiêu hàng đầu của Hà Nội từ năm 1988 liên tục đến những năm sau. Chính phủ trung ương biết cần phải đầu tư vào những cơ sở trên biển cả đặc biệt trên các bãi cạn ở vòng đai nhạy cảm.
Hà Nội rất hoa mỹ vận dụng biện pháp quân sự đi đôi với chiến thuật ngoại giao và chính trị. Họ đã thực hiện một cách chuyên nghiệp xuyên qua các thực thể địa lý.
Đảo và đá ở các tọa độ chiến lược không thể bỏ sót, kể cả chuyện di dân trên đất liền tới sinh sống ở đảo để trở thành dân cư biển hay ngư phủ.
Thời gian và sự hy sinh mạng sống của Lính đã giúp cho Hà Nội đi trước Bắc Kinh một bước.
Sau khi ‘đốn ngã’ đối thủ phương Bắc qua trận Gạc Ma 1988. Quả nhiên Trung Quốc phải khựng lại. Không có trận Gạc Ma, Trường Sa đã mất ngay vào tay bọn Tầu ô cướp biển.
Tuy nhiên, tục ngữ Việt có câu ‘Lực bất tòng Tâm’. Những câu hỏi đặt ra liên miên trong đầu tôi.
54 chốt cảm tử của Việt Nam thiết lập sau đó có khẳng định được chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, hay buộc phải “xử lý linh hoạt nhục nhã” trong vòng cương tỏa của lưỡi bò 9 đoạn?
Tất nhiên cũng không thể bỏ qua thời điểm mà các tay chơi quốc tế đã dùng bàn cờ Biển Đông làm mảnh đất tranh hùng để phân chia thế giới.
“Thật ra cho đến nay, trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của hai đại cường Hoa – Mỹ ở Biển Đông vẫn chưa thấy bất kỳ tuyên bố cụ thể nào từ hai phía liên quan đến lợi ích cốt lõi của họ, quyền lợi quốc gia của họ, hay một tổ chức quốc tế nào phân định ranh giới biển một cách cụ thể rõ ràng và thật sự công bằng đối với các nước ven biển.”
Ngày 21/5/2015 Nguyên Thủ tướng CsViệt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã xác nhận trước Quốc Hội Việt Nam về chiến dịch khổng lồ làm chủ Biển Đông, cụ thể là quần đảo Trường Sa. Ông thủ tướng tuyên bố rõ ràng, “chúng ta tiếp thu từ chính quyền Sài Gòn 5 đảo lớn: đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca.”
Nhưng Bộ chính trị Hà Nội không dừng lại, họ tiếp tục bồi đắp, xây dựng và mở rộng thêm 21 đảo, 33 điểm đóng quân trên các thực thể đảo đá và 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính.
(báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội VN ngày 25/11/2015) https://www.nhatbaovanhoa.com/a10081/tt-nguyen-tan-dung-phat-bieu-o-quoc-hoi-vn-4-van-de-ve-bien-dong-
Cách đây gần 20 năm, tại miền nam California, tôi đã tham dự một đại hội về Biển do một tổ chức chính trị tổ chức trong một khách sạn sang trọng ở thành phố du lịch Anaheim, dưới chủ đề “Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.”
Hiện nay, với sự hiện diện thường xuyên của hải quân Việt Nam trên 54 điểm đóng quân, những công việc cải tạo, mở rộng những hòn đảo lớn, xây dựng các đồn bót hải cứ bằng bê tông vững chắc, các kế hoạch nằm trong chiến lược Biển của một quốc gia nhỏ ven biển vẫn tiếp tục cho thấy – việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ phải đồng hành với việc xác định đường biên giới hay ranh giới biển.
5.
Song Tử Tây, hòn đảo thứ hai tôi tới sau căn cứ Đá Nam.
(tiếp theo kỳ cuối)
Lý Kiến Trúc
California 13/6/2023