Lý Kiến Trúc và ‘10 ngày đêm Trường Sa rực lửa’ – Chương 2

26 Tháng Năm 20238:58 SA(Xem: 2172)

VĂN HÓA ONLINE – BỘ ẢNH TRƯỜNG SA 2014 – THỨ HAI 29 MAY 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Lý Kiến Trúc và ‘10 ngày đêm Trường Sa rực lửa’


Chương 2. Đá Nam


29/5/2023


Tiếp theo Chương 1. Cát Lái-Vũng Tàu ngày và đêm đầu tiên

image003

Từ Vũng Tàu (tọa độ: 10°20′37″B 107°05′43″Đ), con tàu đi ngược lên mạn bắc, muốn đến đảo Song Tử Tây phải vượt qua căn cứ SuBi của Trung cộng, gặp tiền đồn Đá Nam (tọa độ: 11°23′14″B 114°17′55″Đ) rồi mới đến đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông (tọa độ: 11°25′46″B 114°19′53″Đ).


Con tàu chạy với tốc độ không nhanh. Tôi nghĩ khoảng 10 gút. Theo lịch trình, từ biển Vũng Tàu nó di chuyển tới một tọa độ lửa: Đá Nam.


image005Từ Vũng Tàu, đi ngược lên hướng Bắc phải ngang qua đảo nhân tạo/căn cứ Subi của Trung cộng, gặp Đá Nam, rồi gặp Song Tử Tây và Song Tử Đông. Văn Hóa Map.


Ngày tắt nắng và đêm dần buông xuống, con tàu HQ-571 dường như ‘trôi’ trên mặt ‘hồ’ khổng lồ phẳng lặng, im ắng lạ thường. Cái im ắng ở biển hôm nay không phải là cái im ắng nghẹt thở của hai anh lính Bắc lính Nam đang ghìm tay súng ở chiến trường năm xưa.


Nhưng tôi sẽ làm gì, chụp hình những gì, viết những gì và suy nghĩ những gì về ‘mặt trận hôm nay’?


Đối với vai trò của một phóng viên Việt-Mỹ từ California trên đường về Biển. Tôi phân vân lẫn hoài nghi. Tôi được mời đi tới chỗ mà người anh em bên kia gọi là Trường Sa, nơi có những hòn đảo, đá rực lửa, nơi chưa bao giờ tôi có dịp đặt chân tới. Ở đó, chắc chắn tôi sẽ gặp những người lính ‘đóng đồn’ như câu chuyện năm xưa trên chiến trường biên giới, một thời tôi cũng đã ‘đóng đồn’ trơ vơ tọa độ chết ở núi rừng – chờ người anh em phương Bắc giã pháo như mưa và xung phong biển người.


Thực sự tôi rất mù mờ về ‘bãi chiến trường biển’ hoàn toàn mới mẻ mà kẻ thù là bọn phản động phương Bắc đang âm mưu bá chủ Biển Đông. Tôi chỉ biết và mường tượng cuộc chiến qua tài liệu và nguồn tin báo chí quốc tế.


Quả thật tôi rất thắc mắc về chữ ‘Đá’ trên các tài liệu mô tả các thực thể địa lý ở Biển Đông. Thiên nhiên sinh ra Đá ở biển, trước hết bản chất của nó không phải Đảo. Đảo có đất, có cát, có cây xanh, có chim chóc, có người. Riêng ở Biển Đông, người ta nói có Đá biển đông. Đá có hòn lớn hòn nhỏ. Về sinh thái, con người không thể sinh sống ở đá. Về địa chất, đá biển khác với đá núi. Nhưng ở Đá Nam có người sinh sống, có cơ sở xây dựng cho sinh hoạt hàng ngày và có những hoạt động quân sự. Đâu đó, ở hải ngoại, tôi hay nghe ca khúc ‘Đời đá vàng’ – Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu, ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau …


Theo lịch trình, Đá Nam là đá đầu tiên tôi sẽ đặt chân tới trong chuyến đi Trường Sa. Hòn đá hấp dẫn trí tò mò và bước chân phiêu lãng của tôi.


Đá Nam – tiếng Anh: South Reef. Về địa lý, Đá Nam không phải là hòn đảo nguyên sinh mà là một rạn san hô ngầm to lớn, dù mặt nước biển xuống, nó vẫn ngầm. Mỏm cao nhất của nó hoặc chỗ chọn lựa được công binh và thủy thủ Việt Nam kiến tạo thành một hải cứ nhỏ nổi lên mặt biển. Đó là một tiền đồn quân sự. Gọi là Đá Nam vì tọa độ của nó nằm về khoảng 3 hải lý (5,6km) phía tây nam đảo Song Tử Tây. Trên bản đồ chiến thuật trên không, diện tích tiền đồn Đá Nam rộng không đến 3000 square feet, khoảng 500m2, nhưng mặt bằng rạn san hô ngầm ở chung quanh đồn rộng hơn nhiều. Láng giềng của Đá Nam ngoài Song Tử Tây và Song Tử Đông, có Đá Bắc, bãi Ninh Ba, bãi Núi Cầu.


Tôi không rõ Đá Nam được công binh Việt Nam xây dựng lên từ một hòn đá nguyên thủy vào lúc nào năm nào.


Nhưng vào thời điểm này, để so sánh diện tích Đá Nam của Việt Nam với các đảo nhân tạo của Trung cộng; Trang tin quốc phòng IHS Jane's so sánh ảnh vệ tinh DigitalGlobe chụp Đá Tư Nghĩa ngày 01/2/2014 trước khi việc đổ đất xây đảo diễn ra, đá này chỉ có công trình bê tông 380 m2. Đến ngày 14/8/2014, việc cải tạo đất xây đảo nhân tạo đã diễn ra ồ ạt. Và đến ngày 24/1/2015 đảo nhân tạo đã rộng đến 75.000 m2, các công trình kiên cố lớn đang được Trung cộng xây. (Theo ảnh vệ tinh của Airbus Defense).


Một sĩ quan hải quân VN cho tôi biết, Đá Nam là một tiền đồn hải quân chỉ lớn khoảng 500m2. Đá Nam là đứa con của đảo Song Tử Tây. (Sẽ viết ở bài sau).


Đảo Song Tử Đông và Đá Bắc (North Reef) thuộc cụm Song Tử, tất cả nằm ở phía cực bắc của quần đảo Trường Sa. Biển vùng này sâu thăm thẳm.


image007Ảnh chụp từ vệ tinh, Đá Nam (South Reef) và các thực thể thuộc Cụm Song Tử. Nguồn: NASA.


2.


Chuyến hải hành HQ-571 lên đường vào ngày 18 tháng Tư năm 2014, năm thứ hai đánh dấu năm 2013, Trung cộng khởi công chiến dịch khổng lồ, đưa công binh và hàng chục tầu vét cát, bùn, sỏi đá, bồi đắp ở trung tâm quần đảo Trường Sa xây dựng 7 đảo nhân tạo từ các rạn san hô ngầm. Thực chất là 7 căn cứ hỏa lực, sau khi đã chiếm đoạt đá Gạc Ma năm 1988.


Tất cả 7 căn cứ này đều mọc lên từ bãi san hô ngầm dưới mặt nước, mang tên: Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Chữ Thập (Fierry Cross Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Souht Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Gaven (Gaven Reef).


Trước khi con tàu tiến vào Đá Nam, nó phải vượt qua mạng lưới an ninh hỏa lực của bọn Tầu phù. Nó đang đi vào vùng ‘tử địa.’ Vô tình chân vịt con tàu chạy lạc vào vùng cấm của bọn Tầu phù, một viên đạn đại bác từ đâu bay đến - ầm; một tên lửa từ dưới đáy biển phọt lên - ầm. Hy vọng thay, chỉ là sự tưởng tượng quá đỗi phong phú của tôi.


Không gian vắng lặng như tờ. Trong căn phòng nhỏ của chúng tôi, mấy người bạn mới đã say ngủ, họ là người Thái Lan. Tôi nhẹ bước xuống cái giường sắt đi ra lan can con tàu. Gió biển thổi phần phật vào mặt mát rượi. Tôi và con tàu đang lênh đênh trong đêm đầu tiên giữa biển. Ngước nhìn bầu trời đầy sao lấp lánh, tôi chụp bức ảnh về đêm, dưới ánh sáng lóe ra từ flash của máy ảnh, nước rẽ qua lườn con tàu tạo ra luồng sóng bạc sủi bọt tung tóe. Con tàu to lớn nên tôi không thể vươn tay ra đùa với sóng nước, tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Thâm Tâm trong bài Tống Biệt Hành – “Đưa người ta không đưa qua sông, mà sao có tiếng sóng ở trong lòng.”


Bỗng dưng tôi buồn cười cho cái ý nghĩ vừa vụt qua, chàng trai nước Việt nào trong thời loạn mà không một lần đưa ‘mối tình thiên thu’ qua sông. Tiếng sóng bên tai tôi lúc này không phải là tiếng sóng dội lên từ một cuộc tình tan vỡ trong quá khứ mà là âm ba bí mật của trùng dương đang vẫy gọi cánh chim hải hồ.


image009Dưới ánh sáng lóe ra từ flash của máy ảnh, sóng nước tung tóe dưới lườn con tàu nhưng tôi không thể đưa tay ra đùa với nó. Ảnh tài liệu của VHO


3.


Thật ngộ nghĩnh, mặt biển tháng Tư phẳng như tấm gương khổng lồ phản chiếu không gian. Dường như biển tháng Tư là biển của nàng tinh tú soi gương nhan sắc.


Nhưng những vì sao lấp lánh trên bầu trời không đủ soi sáng biển về đêm – đêm đen thui, đen ngòm dễ sợ.


Rồi bình minh ló dạng, tia nắng xuyên qua lớp kính làm chói đôi mắt tôi còn đang say giấc điệp. Cánh cửa ánh mặt trời đã mở toang, chói lọi, tôi còn ngủ mãi làm gì. Tôi bước ra lan can con tàu, từng tia sáng màu sắc lạ lùng xuyên qua những đám mây hình thù kỳ dị. Mây ở biển khác với mây ở núi. Bầu trời trong vắt, những cụm mây trắng hiền lành lơ lửng ngoan ngoãn. Nếu trời nổi cơn thịnh nộ, mây ra sao? Chưa biết được. Nhưng buổi sáng hôm nay, biển êm đềm và mây đẹp khó tả, như tóc chẳng hạn.


Trên con đường hải hành tuyệt không thấy một điểm đen nào giữa màu xanh bát ngát, một con tàu cũng biệt tăm. Tôi bỗng cảm thấy cô đơn. Như con tàu giữa đại dương, bồng bềnh như đám tóc mây  mong manh lơ đãng đậu cuối chân trời.


Tôi leo lên boong cao nhất của con tàu, chỗ của vị thuyền trưởng chỉ huy và các sĩ quan hải hành làm việc. Ngước lên bầu trời cao tít, nhìn xuống mũi con tàu đang phom phom rẽ sóng, một cảm giác khoan khoái chạy rần rật gân cốt. Tôi hít từng hơi dài không khí trong lành vào hai buồng phổi, hai cánh tay giang rộng như cánh chim, tôi biến thành cánh chim của Mẹ trùng dương mới sinh nở, ngơ ngác, gió thổi tung tóc phơi phới ngược về phía sau, tôi đang bay giữa trời cao biển rộng, tôi sung sướng xóa tan mộng mị hãi hùng trong đêm đầu tiên chùm chăn kín mít trên một chiến hạm. Ngày xưa tôi cũng đã ngủ như vậy dưới căn hầm dã chiến, vểnh tai lắng nghe mọi tiếng động bất thường. Không có tiếng súng nổ gần hay xa. Tôi cảm ơn trời đất đã cho tôi một đêm bình an.


Đưa đôi mắt quan sát tứ phía, bất chợt, tôi nhìn thấy rác rưởi nổi lềnh bềnh trên mặt nước, quá đỗi ngạc nhiên, tôi tự hỏi ở biển Trường Sa mà cũng có rác? Một vết nám ‘dã man’ trên khuôn mặt xinh đẹp. Ác ôn thiệt.


image011Rác giữa biển Trường Sa tựa như một vết nám ‘dã man’ trên khuôn mặt xinh đẹp. Biển phẳng lặng như mặt hồ khổng lồ phản chiếu không gian.


4.


Hiện Việt Nam đã và đang chiếm giữ 48 thực thể địa lý ở khu vực biển Trường Sa. Những thực thể này là 48 điểm đóng quân – phòng thủ và hiện diện. Phòng thủ không có nghĩa là không phản công nếu bị tấn công. Trận liệt Trường Sa dàn trải rộng hơn hai trăm nghìn km2. Tôi linh cảm bàn cờ Biển Đông với những tay chơi quốc đang ‘chiếu tướng’ hạ bệ nhau những đòn nguy hiểm. Nó không êm đềm như mặt biển tháng Tư.


Bẩy công trình khổng lồ của Trung cộng đang gấp rút ra sức kiến tạo sẽ ‘bao vây’ 48 điểm đóng quân của Việt Nam. Những nhà quân sự biển của Việt Nam đã rải quân trên diện rộng Đông Tây Nam Bắc nếu lấy đảo Trường Sa Lớn làm điểm trung tâm. Họ đã và đang nỗ lực sử dụng 48 căn cứ trên Biển Đông để bao vây 7 công trình cốt lõi của Trung Quốc đang thiết lập ở trung tâm quần đảo Trường Sa? – hay còn có một mục đích nào khác?


Trong mối quan hệ phương Nam và phương Bắc ở Biển Đông khó có thể lý giải một cách giản đơn. Trường Sa ví như bức tranh thủy mạc mờ ảo.


image013Nếu lấy đảo Trường Sa Lớn làm trung tâm chỉ huy, 48 điểm đóng quân của Việt Nam rải quân bốn hướng Đông Tây Nam Bắc trên diện rộng trên 100.000km2. (Bản đồ minh họa của LKT)


Trên thực tế, các nhà phân tích chính trị cho rằng Việt Nam tiếp tục đấu tranh để giành lại thế chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Một số đá nhỏ chìm nổi, một số vùng biển có tiềm năng tài nguyên, các rạn san hô có vị trí chiến thuật-chiến lược ở khu vực quần đảo Trường Sa mà Trung cộng đã chiếm đoạt từ những năm 1988-2013, Việt Nam phải đòi lại, phải cương quyết bảo vệ quyền lợi chủ quyền lãnh thổ lãnh thổ, nhất là ở vùng EEZ.


Với kỹ thuật công binh biển hiện đại, người ta có thể xây dựng kiên cố các công trình trên những rạn san hô mấp mé dưới mặt biển có độ sâu một hai mét. Lợi dụng sức mạnh ưu thế về công binh kiến tạo và đoàn tàu chuyên hút cát, đất đá, san hô, Trung cộng đang nạo vét, bồi đắp, lập các đồn bót trên biển bất kể chuyện phá hoại môi trường sinh thái mà thiên nhiên ban bố cho loài người. Để bảo vệ chủ quyền trên biển, Việt Nam sẽ phải làm gì?


Một kế hoạch kinh khủng nung nấu ở Tử Cấm Thành có tên gọi là “Giấc mộng Trung Hoa.” Nó đang ngấm ngầm diễn ra ở Biển Đông. Con tàu HQ-571 chở chúng tôi đang vùng vẫy trong cái mạng nhện, trong cái gọi là đường lưỡi bò 9 đoạn.


Có lẽ trên thế giới này chỉ có dân tộc Việt mới biết rõ dã tâm xâm lược của phương Bắc. Lịch sử hàng ngàn năm của các triều đại Vương Quốc Việt đã ghi dấu không biết bao nhiêu trận đánh giữ đất-giữ nước-giữ nhà-giữ dân, thề không để cho nòi Hán đồng hóa.


Tôi nhớ, có lần, cựu tổng bí thư của đảng Cs VN Lê Duẩn đã gọi đích danh kẻ thù phương Bắc là bọn phản động Bắc Kinh – nó sẽ đánh vào Việt Nam từ biển.


Biển nào? Biển Vịnh Bắc Việt nhỏ bằng bàn tay chỉ cách đảo Hải Nam của Trung cộng có 200 cây số, pháo hạm của nó sẽ pháo phủ đầu vào Hà Nội; biển Trường Sa cách Sài Gòn từ 500 km đến ngàn cây số. Chiến đấu cơ phản lực của Trung cộng sẽ dội bom lên đầu ‘hòn ngọc viễn đông’. Thế mòn lực kém, từ Bắc chí Nam sẽ thua tơi tả nếu quân lực hải quân vẫn còn lẹt đẹt thời thế chiến thế kỷ 20.


Bên cạnh tôi là khẩu đại bác 2,7ly, giữa đại dương mênh mông, tôi thấy nó nhỏ xíu xiu như món đồ chơi của trẻ em.


5.


Một bàn tay vẫy từ trong phòng chỉ huy dường như có ý gọi tôi. Tôi bước nhanh vào cánh cửa kính. Tôi đến gần viên sĩ quan đang ngồi ở chiếc ghế da lớn giữa phòng. Viên sĩ quan chỉ tay về phía trước nói:


- Chúng ta sắp đến Đá Nam, mời bác về phòng chuẩn bị.


- Ồ, thật là tuyệt vời. Cám ơn anh.


Xếp hàng theo một số người, tôi được một thủy thủ choàng vào người cái áo phao cứu sinh màu đỏ tô đậm đen hàng chữ HQ 571 trước khi bước xuống ca nô. Một sĩ quan hải quân hướng dẫn nói với tôi:


- Tàu lớn phải đỗ ở xa, không thể vào gần Đá Nam được, vì rạn san hô chìm chung quanh đá rất lớn, mấp mé mặt biển độ một mét, chúng ta phải dùng ca nô để đi vào căn cứ.  


image015Tàu lớn phải đỗ ở vùng biển sâu, các thành viên đi vào thăm Đá Nam bằng ca nô.


image017Ca nô trực chỉ Đá Nam, hòn đá nổi lên giữa đại dương mênh mông.


image019Ngồi trên ca nô chạy về Đá Nam, chỉ còn cách khoảng vài trăm mét, nhìn xuống đáy biển, nước trong veo lồ lộ san hô, bùn, cát. Nếu được bước xuống, biển chỉ đến ngực.


image021Càng đến gần, sát tới hòn đảo đầu tiên, những người lính trên bờ đảo đang chuẩn bị đón chúng tôi. Tôi thầm đếm khoảng 10 người lính, đúng một tiểu đội.


image023Một sĩ quan hải quân dường như là người chỉ huy Đá Nam cùng với hàng quân 8 người chào đón khách bước vào căn cứ.


image025Ông Đặng Thái Hùng, một người trong ban tổ chức chuyến đi Trường Sa đang ngồi lắng nghe viên sĩ quan chỉ huy Đá Nam báo cáo tình hình căn cứ tiền tiêu.


Tôi bước ra hòn đá, đi quanh một vòng, trước mắt tôi, những thiết bị quân sự, súng đạn, ra đa, điện mặt trời, chậu rau muống và những người lính trẻ măng da mặt cháy nắng đã biến thành màu đỏ đen. Họ đang sống ở đây, ăn uống ngủ nghê ở đây, quanh năm suốt tháng với ụ bê tông khẩu cao xạ đen xì lầm lì, quanh quẩn với nhau ngày và đêm ở một căn cứ tiền tiêu rập rềnh giữa trùng trùng sóng nước xa cách đất liền và gia đình cả ngàn cây số.


image027thưa bác, chúng cháu ra đây là quyết tử ạ.


image029Căn cứ Đá Nam rộng khoảng 400 m2, ngoài cùng căn cứ, một lô cốt bê tông chứa khẩu cao xạ, dưới chân là những thùng đạn. Có lẽ đây là ụ súng chiến đấu. Chủ nghĩa dân tộc bừng lên trong đầu của một cánh chim xa xứ hướng về Biển Đông nhằm khỏa lấp những ưu tư về đất nước. Trước mắt tôi, những người lính da mặt đen xì cháy nắng biển, họ đang sống ở đây, một hạt cát nổi trên biển xa đất liền cả ngàn cây số đang bảo vệ lãnh thổ.


image031Tôi đi một vòng quanh đảo Đá Nam, dưới chân cột truyền tin hay ra đa, những chậu rau muống xanh tươi. Một người lính nói với tôi: thưa bác, đây là nguồn rau xanh chúng cháu trồng trong chậu để cải thiện bữa ăn.


image033Vòng qua phía sau hòn đảo nhỏ tí, tôi lại thấy thêm một khẩu súng đại liên trong hố bê tông. Khẩu súng này liệu có chống lại đại pháo từ chiến hạm hay không? Một thủy thủ nói với tôi: thưa bác, chúng cháu ra đây là quyết tử ạ.


image035Những mái nhà điện mặt trời ở trên một hòn đảo dùng để sinh hoạt và truyền tin, phát sóng ra đa…


image037cột phát sóng truyền tin…


image039Tôi bỗng thấy một người lính đi cùng thuyền ca nô với tôi cầm theo một cây đàn Guitar bước vào căn phòng căn cứ…


image041Ban tổ chức mời chúng tôi ngồi nghỉ ở lan can hòn Đá Nam, chúng tôi được chúa đảo mời uống trà. Một ngạc nhiên diễn ra, người lính cầm đàn Guitar xuất hiện theo sau là một cô gái, dường như là một nghệ sĩ …


image043người nữ nghệ sĩ say sưa hát lên những bài ca nhuốm tình Quan họ Bắc Ninh, những người lính trấn thủ hòn Đá Nam cùng với khách đi tham quan cùng ngồi bên nhau những giây phút đầu tiên trên hòn đá đầu tiên lạ lùng trong chuyến hải hành…


image045đứng dựa vào lan can ngoài cùng hòn Đá Nam, sau lưng tôi là biển Trường Sa không bờ không bến, một màu xanh thăm thẳm nước và trời; Tôi chợt nghĩ làm sao tôi có thể sống ở đây nổi một tháng?


image047viên sĩ quan tiểu đội trưởng trạc tuổi hai mươi, chỉ huy căn cứ tiền tiêu bước đến chỗ tôi cầm theo lá cờ và một con sò ở biển Trường Sa, tôi nhận con sò về làm kỷ niệm và cám ơn viên sĩ …


image049từ căn cứ Đá Nam nhìn ra khơi xa, con tàu HQ-571 đang chờ khách thăm đảo trở về …


Chủ nghĩa dân tộc bừng lên trong đầu của một phóng viên già viễn xứ từ phương Tây bay về Biển Đông. Biển của nước tôi. Tôi ngậm ngùi thấu cảm tình yêu nước trong veo như biển của những người lính trẻ đang trực diện với quân thù phương bắc với niềm tin sắt đá. Họ, chính họ ngày hôm nay đã truyền cảm hứng mùi hương mặn nồng của biển đến bầy chim xa xứ khỏa lấp phần nào mái tóc bạc màu ưu tư.


Những người lính vô vàn gian nan, vô vàn cực khổ, đói, bệnh, và có thể trở thành phế binh hay bồi bổ xác thân cho rong rêu san hô đảo đá và cá dữ. Thời gian và chiến sự năm xưa đã làm những người lính bên kia chẳng khác gì người lính bên này – Lính nào cũng là Lính, như 50 năm trước, chàng sĩ quan trẻ tuổi trấn thủ lưu đồn làm sao có thể quên được ‘một thời để yêu và một thời để nhớ’.


Họ nói với tôi ở Đá Nam:


- Thưa bác, chúng cháu ra đây là quyết tử ạ.


image051tạm biệt Đá Nam, tôi trở về HQ-571, chuẩn bị ngày mai đến hòn đảo lớn Song Tử Tây.


Lý Kiến Trúc

California 29/5/2023


Phụ lục Hát Chèo ở Đá Nam
28 Tháng Chín 2020(Xem: 6256)