Nguyễn Công Bằng:"Hòa giải dân tộc để hóa giải các vấn đề đất nước"

30 Tháng Mười Một 201512:03 SA(Xem: 7438)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ HAI 30 NOV 2015

 

"Hòa giải dân tộc" để hóa giải các vấn đề đất nước

Nguyễn Công Bằng (ĐVDVN)

Thay đổi vận mệnh một đất nước, đặc biệt là chuyển thể một chế độ độc tài toàn trị thành một chính thể dân chủ - đa đảng - pháp quyền, là một thử thách to lớn, đòi hỏi quyết tâm dấn thân và sự hy sinh của nhiều người. Bên cạnh đó là nhiều yếu tố cộng hưởng có liên quan mật thiết đến các siêu cường luôn muốn chi phối hiện tình nước ta. Xa hơn nữa là cơ trời vận nước.

Nhưng khó khăn chứ không có nghĩa là bất khả thi. Tình trạng mâu thuẫn, phân hóa hiện nay chỉ là hậu quả nhất thời của một giai đoạn chiến tranh và xung đột ý thức hệ -- một hoàn cảnh lịch sử không may của đất nước. Tất cả sẽ qua đi dần khi dân tộc ta vẫn có đủ ý chí quật cường và bản lãnh khắc phục nghịch cảnh.

Những năm gần đây, yếu tố Nhân-Hòa đang mỗi ngày đóng một vai trò quan trọng hơn trong tiến trình thay đổi cục diện nước ta. Người Việt Nam từ già đến trẻ, từ người lao động đến giới trí thức, nếu không nhờ chế độ độc đảng để giàu có, đều muốn đất nước phải được thay đổi thật nhiều và dứt khoát. Những người cấp tiến trong đảng và nhà nước Cộng sản cũng muốn thấy những sự đổi mới thật sự và to lớn. Phương thức vận động thay đổi có khác nhau song mục tiêu thay đổi ngày càng gần nhau: Việt Nam phải có dân chủ, tự do và công bằng xã hội.

Khát vọng vươn lên đã thúc đẩy một tiến trình hòa giải mặc nhiên giữa nhiều người vốn có xuất xứ, quá khứ và vị trí hiện thời khác biệt nhau. Tinh thần đoàn kết đấu tranh cũng đang là chất keo gắn liền những tâm hồn yêu nước với nhau trong công cuộc cứu dân cứu nước, không phân biệt quá trình. Thực tế đầy khích lệ này cho phép chúng ta được quyền có những ước mơ lớn cho tương lai đất nước. Ở đó, mẫu số chung của những người yêu nước đã thay đổi từ sự lệ thuộc vào các ý thức hệ ngoại lai trở thành tinh thần dân tộc tự quyết. Trong ý hướng đó, nhận định về “người Cộng sản” đang từng bước thay đổi.

Trước hết, người Việt Nam không sinh ra để trở thành Cộng sản, và đa số đảng viên Cộng sản đều là nạn nhân của một hoàn cảnh lịch sử quá nghiệt ngã. Do vậy, KHÔNG thể xem đảng viên Cộng sản là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Mục tiêu triệt hạ phải là chủ nghĩa Cộng sản, nguyên nhân dẫn đến nạn độc tài, tham ô và bất công ở nước ta. Mục tiêu đào thải là thiểu số lãnh đạo cực đoan đã trực tiếp gây ra thảm trạng cho Việt Nam; và thiểu số cán bộ cố tình lạm dụng quyền lực để bức hại nhân dân một cách nghiêm trọng. Thành phần này không lớn. Một khi họ bị số đông cô lập sẽ trở thành cô thế, yếu kém.

Kế đến, phần lớn còn lại vẫn là một thành phần không thể tách rời của dân tộc, trong đó có thành phần cấp tiến. Thực tế cho thấy nhiều người yêu nước có quá khứ Cộng sản đã tích cực góp phần thay đổi đất nước bằng hòan cảnh riêng, một cách công khai hay kín đáo. Tầng lớp này rất quan trọng vì vị thế chính trị của họ có thể làm lệch cán cân đối trọng giữa đảng CSVN và phong trào đấu tranh dân chủ. Một khi những người cấp tiến này cùng có một thái độ đối lập dứt khoát với đảng Cộng sản và đồng lòng thành lập đảng mới, thậm chí chỉ cần đồng loạt ly khai đảng, thì cục diện đất nước sẽ đổi thay vô cùng nhanh chóng.

Muốn thoát hẳn khỏi hậu quả chiến tranh và mấy mươi năm hận thù, đố kỵ, chúng ta không có sự chọn lựa nào tốt hơn là chấp nhận con đường hòa giải để đoàn kết dân tộc. Chúng ta KHÔNG NÊN quên quá khứ đau thương gây ra bởi chế độ Cộng sản, song cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước ngày nay KHÔNG THỂ lấy hận thù làm động lực khích động tinh thần như Cộng sản đã làm trong giai đoạn gây chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam. Chúng ta cần có một dân tộc thực sự hòa đồng, thương yêu và đoàn kết để có đủ điều kiện dân chủ hóa đất nước, và từ đó có thể bảo vệ được sự độc lập của đất nước.

Nỗi hận thù của hàng triệu nạn nhân chế độ Cộng sản có những lý do vô cùng chính đáng, vì chưa bao giờ trong lịch sử mà người Việt lại nhân danh "Tổ Quốc" để giết hại nhiều người Việt như những gì CSVN đã làm. Tuy nhiên, để giải quyết các mâu thuẫn của dân tộc, "hận thù" không thể là động lực đấu tranh, và "trả thù báo oán" không thể là mục tiêu sau cùng. Muốn cứu nước, chúng ta cần có một tinh thần bao dung đủ lớn để chứa cả dân tộc, trong đó có cả hàng triệu người đã trở thành Cộng sản bởi một hoàn cảnh lịch sử, hay chỉ vì nhu cầu sinh tồn trong xã hội, hơn là từ sự chọn lựa có tư duy và do tâm thức.

Hòa giải dân tộc còn là một cơ hội để giúp thành hình các giải pháp chính trị thích hợp cho nước ta, ngăn ngừa được những biến động có thể gây ra tình trạng khủng hoảng to lớn cho đất nước. Chỉ với tinh thần đó, đất nước chúng ta mới có cơ hội xây dựng một nền hòa bình đúng nghĩa, và từ đó, mới có điều kiện phát triển sức mạnh dân tộc để làm vũ khí chống xâm lăng. Nhưng tất nhiên, sự hòa giải và đoàn kết dân tộc ở đây không có nghĩa đơn giản là gác lại tất cả mâu thuẫn, phẩn uất, bất bình... để tiếp tục chấp nhận sự lãnh đạo độc tài của đảng CSVN. Đối với các tổ chức, đoàn thể đối lập, vấn đề hòa giải và đoàn kết dân tộc càng không có nghĩa là thỏa hiệp với đảng Cộng sản Việt Nam để cùng chia quyền lãnh đạo độc tài. Tinh thần hòa giải chỉ dành cho những người gốc Cộng sản đã khẳng định thái độ KHÔNG tiếp tục chấp nhận chủ nghĩa và sự lãnh đạo độc tài của đảng CSVN.

Để ước mơ hòa giải trở thành hiện thực, thiện chí của nhà nước đương quyền, cụ thể là đảng CSVN, là một yếu tố không thể thiếu. Do vậy, đã đến lúc để đảng Cộng Sản Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Xã hội và giải tỏa bế tắc chính trị của đất nước bằng cách có một thái độ ôn hòa, xây dựng trong kỳ Đại hội Đảng CSVN sắp tới. Kế đến, nâng cao một mức đáng kể, ít nhất là 30%, số ứng cử viên độc lập trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội năm 2016. Cùng lúc đó, phải chủ động tạo môi trường, điều kiện vận động tranh cử công bằng cho tất cả ứng cử viên. Chỉ với một sự đổi mới đúng nghĩa và đúng mức mới tạo ra điều kiện để tiến hành một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do; từ đó thiết lập một chính thể dân chủ đa đảng pháp quyền thật sự, giúp đất nước vượt qua được các bế tắc hiện nay. Và đó cũng là cơ hội để hậu thân đảng CSVN có điều kiện tham gia vào xã hội dân chủ, phục vụ đất nước và nhân dân trong một tinh thần hoàn toàn mới.

Khẳng định: Để có thể cứu nguy đất nước, dân tộc và bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, nền chính trị của Việt Nam phải được thay đổi một cách nhanh chóng và dứt khoát. Cơ hội cuối cùng cho sự thay đổi toàn diện và rốt ráo là kỳ Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó biểu hiện một cách cụ thể trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội vào tháng 5-2016.

Nếu đảng Cộng sản Việt Nam thực sự muốn đổi mới để được nhân dân chấp nhận cho tồn tại hoạt động, thì kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội lần tới sẽ là cơ may tốt nhất để tạo dựng một trang sử ngoạn mục. Các quy định bất công trong Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội phải được hủy bỏ, kể cả vai trò phê chuẩn danh sách ứng cử viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuộc bầu cử phải được tiến hành một cách tự do và công bằng với sự quan sát tự do của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, và nhân quyền quốc tế. Tiến trình đó phải được bắt đầu ngay và thể hiện một cách cụ thể.

Nước Việt phải có Dân chủ! Người Việt phải có Tự Do!

Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để biểu hiện thiện chí dân chủ hóa đất nước một cách hòa bình song diễn tiến này có được hay không là tùy vào thái độ của những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi, các nỗ lực đấu tranh bằng nhiều hình thức, sách lược khác nhau cần được tiếp tục thực hiện cho đến khi đất nước thực sự đã có dân chủ -- miễn là nó không nhằm gây ra cảnh tang thương, đổ vỡ. 

Trong bối cảnh đất nước đang ở tình trạng bị ngoại bang xâm lấn, và có nguy cơ bị chiến tranh, nhu cầu hòa giải và đoàn kết dân tộc càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Thiện chí của những người yêu chuộng dân chủ, tự do đã có, phần còn lại là ở những người lãnh đạo đảng CSVN.

Hãy bắt đầu bằng một thái độ tử tế và những hình thức đối thoại với tinh thần cảm thông, xây dựng đối với những người đối lập ôn hòa ở trong nước. Đó là nỗ lực hòa giải cần thiết đầu tiên để làm nền tảng cho một tiến trình đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện dân chủ hóa đất nước, độc lập hóa chủ quyền, và nhân bản hóa xã hội nước nhà.

Nguyễn Công Bằng (ĐVDVN)


Nguồn:
www.dangvidan.net Liên lạc tác giả: ncb@dangvidan.net


Skype ID:  vietnammoi

29 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6956)
06 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8884)
24 Tháng Mười 2015(Xem: 7131)
Có vẻ như trang phục của Chủ tịch Tập Cận Bình và Đệ nhất Phu nhân Trung Quốc thường có nét giống nhau về màu sắc.