"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ HAI 16 NOV 2015
'Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung' và nỗi buồn VHNT ở Little Saigon
Saturday, November 14, 2015 5:38:26 PM
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - “Tác phẩm của ông có thể được khơi nguồn từ những câu chuyện, những chi tiết có thể rất nhỏ, rất riêng tư, nhưng kết luận thì rộng, có tính phổ quát, và ai cũng có thể thấy đó là một bài học áp dụng cho riêng mình.”
Nhà báo Phạm Phú Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, nhận xét như thế về phong cách, nghệ thuật viết của nhà văn Phạm Quốc Bảo, tác giả của “Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung” vừa được ra mắt độc giả vào chiều Thứ Bảy, 14 Tháng Mười Một, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.
Nhà văn Phạm Quốc Bảo, tác giả "Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung" (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Trong khi bản thân tôi tỏ ra ngạc nhiên về sức viết của những “ông già” như nhà văn Phạm Quốc Bảo, “cứ một, hai năm lại có thể cho ra đời một tác phẩm mới,” và “Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung” là tác phẩm thứ 21 của tác giả này, thì nhà báo Thiện Giao có đầy đủ lý do để giải thích cho điều tôi “ngạc nhiên đến sửng sốt.” Đó là: “Ông là nhà báo. Một nhà báo có nền tảng học vấn triết học. Hai yếu tố này giúp tác giả Phạm Quốc Bảo có thể viết dài hơi.”
Theo nhà báo Thiện Giao, “Quyển sách mở đầu bằng kinh nghiệm đau đớn của tác giả. Kinh nghiệm đau đớn ấy đã định hình một phần đoạn đời sau của ông. Tác giả kể lại chuyện vợ chồng mình bị sẩy thai hai lần, họ không có con ruột. Nhưng cũng từ đó, họ có nhiều đứa con. Con nuôi!”
Điều này giúp người đọc có thể hiểu vì sao toàn bộ phần 1 của tập sách xoay quanh nội dung trao đổi bằng email giữa những đứa con nuôi, như Châm Đông, Saum Neang, Bé Hà, Ngọc Chiêu... với “bố Bảo và mẹ Hương,” vợ chồng tác giả.
Dù là email mang tính chất cá nhân, riêng tư, nhưng những lá thư điện tử từ trong nước gửi ra, kể lại những buồn vui xoay quanh công việc học hành, trường lớp, chuyện đi thực tập bệnh viện, chuyện đi xin việc làm, cả mối quan hệ chung quanh của những người con nuôi của tác giả là phần thú vị và hấp dẫn nhất trong "Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung."
Bởi lẽ, đó là những câu chuyện rất đời, những điều rất thực, giúp cho tất cả những ai đọc qua những trang sách này nhìn rõ hơn, hiểu nhiều hơn về hiện trạng của một đất nước mà mình đã từ đó bước ra.
Cũng qua phần email, người đọc nhìn ra được tấm lòng biết lắng nghe, thấu hiểu từ “bố Bảo mẹ Hương” dành cho những đứa con xa. Hay nói đúng hơn là tấm lòng, sự trải nghiệm dày dạn của một người đi trước chỉ bảo lại cho thế hệ con cháu trong chiều sâu của tình thương vô hạn.
Nhà báo Phạm Phú Thiện Giao giới thiệu ra mắt "Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung" (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Vẫn trong phong cách văn chương mộc mạc, đời thường đó, phần 2 mang tên “Ai đưa ta đến chốn đây...” ngỡ như chỉ là những ghi chép về cuộc chuyện trò giữa tác giả và anh em trong nhà; thế nhưng qua nội dung câu chuyện, người đọc lại nhìn ra được những khía cạnh về văn hóa, phong tục, tập quán, xã hội Việt Nam xưa nay, từ chuyện uống trà đến chuyện giỗ chạp, chuyện lịch sử tiền nhân...
Phần này, “rõ ràng người đọc nhìn ra được hình ảnh một ông già ngồi ôn lại và thẩm định những giá trị văn hóa Việt Nam trong tâm trạng của một kẻ ly hương, vừa chọn nơi định cư mới là nhà vừa nhắc nhau giữ gìn truyền thống.”
“Tôi nghĩ thế này, một nhà văn, viết theo trí tưởng tượng, có thể tạo ra những tác phẩm rất lớn, vì không có giới hạn cho trí tưởng tượng. Còn nhà báo viết các tác phẩm bám sát cuộc sống, từ quan sát của cá nhân mình,” nhà báo Thiện Giao nói.
Diễn giả này cho rằng, “Yếu tố khiến tác giả Phạm Quốc Bảo cứ tiếp tục quan sát chính là nền tảng học vấn triết học nơi ông. Nếu chúng ta đọc Phạm Quốc Bảo và thấy mỗi câu chuyện của ông đều được đúc kết lại thành một bài học có tính phổ quát hơn thì đó chính là con người triết học trong Phạm Quốc Bảo thúc đẩy nhà báo Phạm Quốc Bảo làm điều ấy.”
Thiện Giao cũng kể lại cho cử tọa nghe một kinh nghiệm riêng của tác giả “Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung” về việc “ông đã hai lần toan tự vẫn” vì cảm thấy “khổ quá” khi đang từ “một người của đô thị” bị đẩy đến những vùng nông thôn xa xôi ở miền Bắc sau năm 1975.
"Thế nhưng khi nhìn cái khổ của người miền Bắc, cả những người quản giáo thì ông lại thôi."
“Bảy năm tù là bảy năm tôi luyện, để chàng thanh niên đô thị Phạm Quốc Bảo được tôi luyện, được lớn lên, được hiểu và khi vượt qua mọi chuyện, ông cảm được cái tự do của đời sống. Mà người tự do thì nhìn mọi chuyện trở thành nhẹ tênh và rộng thênh thang,” chủ bút nhật báo Người Việt nhận xét.
Trong phần phát biểu của mình, tác giả của “Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung” chủ yếu nêu lên tâm tư của người cầm bút thuộc thế hệ thứ nhất nơi đây: “Bốn mươi năm sau 1975 người Việt chúng ta rời khỏi đất nước ra bên ngoài để thiết lập được cộng đồng người Việt ở khắp nơi. Chúng ta có đến 40-50 tác giả gốc Việt viết văn bằng tiếng Anh tiếng Pháp. Nhưng 40 năm qua sinh hoạt văn học nghệ thuật bằng tiếng Việt nơi đây càng ngày càng tàn lụi.”
Ông nói bằng sự u hoài, “Cách đây hơn 30 năm, chúng ta còn có nhiều tạp chí văn chương, giờ thì những tạp chí đó ngày càng mất hút, chỉ còn lại lác đác vài tờ mà thôi. Với sinh hoạt như thế thì làm sao cộng đồng đó lớn mạnh được?”
“Nếu chúng ta không cố gắng để có các sinh hoạt văn học nghệ thuật được mở ra hằng tuần, hằng tháng tại nơi chúng ta tự hào gọi là thủ đô tị nạn thì khi thế hệ thứ nhất mất đi rồi, thì liệu thế hệ thứ hai có còn gìn giữ để ra cho đời những tác phẩm thơ văn tiếng Việt nữa không?” Câu hỏi của nhà văn, nhà báo Phạm Quốc Bảo, kết thúc buổi chiều ra mắt “Tâm Tình Một Nẻo Quê Chung.”
---
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com