VĂN HÓA ONLINE – VỊNH BẮC VIỆT – THỨ BẨY 16 MAR 2024
VĂN HÓA ONLINE
16/3/2024
Tổng hợp từ:
Trương Nhân Tuấn, Phan Văn Song/ BBC, VNEXPRESS
Về vụ TQ công bố đường cơ sở bổ sung ở Vịnh Bắc Bộ
15/3/2024
https://baotiengdan.com/2024/03/16/ve-vu-trung-quoc-cong-bo-duong-co-so-bo-sung-o-vinh-bac-bo/
Phần đường cơ sở Trung Quốc vừa bổ sung (màu đỏ). Ghi Chú của nhà nghiên cứu Phan Văn Song
Vụ Trung Quốc công bố hệ thống đường căn bản bổ túc trong Vịnh Bắc Việt gây “giật gân” trong giới nghiên cứu và báo chí hải ngoại, khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng “chữa lửa”. Nhứt là BBC, trang này đăng ý kiến nhiều chuyên gia.
Có ý kiến đọc qua “té ghế”. Vụ này tôi nói rồi, hôm kia.
Việt Nam bị “nguy hiểm” về điều gì? Không thấy BBC nói tới.
Trên nguyên tắc, mục đích của “đường cơ bản” là xác định hệ thống các điểm chuẩn từ đó đo bề rộng lãnh hải của quốc gia.
Trung Quốc không hề “vẽ lại đường cơ sở” như chuyên gia nói trên BBC mà chỉ “bổ túc” thêm ở các khu vực chưa vẽ đường cơ sở (hay đường căn bản). Trường hợp này là từ giới điểm số 9 cho đến điểm cuối cùng (hệ thống đường căn bản) trên đảo Hải nam.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có thể vịn vào hệ thống đường căn bản mới để yêu cầu Việt Nam phân định lại ranh giới trong Vịnh Bắc Việt hay không?
Theo tôi là không.
Bởi vì phía Việt Nam cũng có thể công bố hệ thống đường căn bản của mình, mà điều này khiến phía Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nếu phải phân định lại.
Xét hình dưới đây. Đường màu đỏ là đường căn bản phía Trung Quốc (mới công bố). Đường vàng là đường căn bản của Việt Nam giả định sẽ công bố. Đường xanh là đường “trung tuyến có điều chỉnh”.
Nếu Việt Nam và Trung Quốc phân định lại ranh giới, theo nguyên tắc “đường trung tuyến có điều chỉnh” (tôi nhớ không lầm tỉ lệ 1:1,15). Từ đường màu xanh, ta thấy ngay giới điểm số 10 sẽ phải dời sâu về phía Trung Quốc.
Tất cả các giới điểm, từ số 11 cho tới số 21 đều phải dời qua phía Trung Quốc. Đặc biệt giới điểm số 17.
Tức là, giả định Việt Nam công bố hệ thống đường căn bản như trong hình, Việt Nam sẽ lấy lại 11 ngàn cây số vuông biển đã mất cho Trung Quốc qua cuộc phân định ngày 25-12-2000.
Từ 20 năm trước, khi hai bên Việt Nam và Trung Quốc công bố nội dung Hiệp định Phân định vịnh Bắc Việt 2020, tôi đã viết bài chỉ ra những thiệt hại phía Việt Nam. Trong đó có vấn đề Việt Nam không vẽ hệ thống đường căn bản trong Vịnh Bắc Việt, từ đảo Cồn cỏ tới cửa sông Bắc luân.
Hệ thống đường căn bản giả định do tôi vẽ hoàn toàn phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Điều mà người ta lo ngại về việc Trung Quốc công bố hệ thống đường căn bản bổ túc (mà BBC News Tiếng Việt không thấy nói) là do hệ quả của nó có thể gây tiền lệ ở eo biển Đài Loan. Eo biển Đài Loan, cũng như eo biển Quỳnh Châu (giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam), sẽ trở thành nội thủy của Trung Quốc.
++++++++++++++++++++++++++++++
Trên BBC có bài viết nói về vụ TQ công bố hệ thống đường cơ sở trong Vịnh Bắc Việt. Thiệt tình "té ghế" khi đọc ý kiến chuyên gia.
Theo tôi, chuyên gia chưa tham khảo Hiệp định phân định Vịnh Bắc Việt giữa VN và TQ ký ngày 25 tháng 12 năm 2000.
Ngoài ra còn có Hiệp định qui định "vùng đánh cá chung và xác định "vùng đệm" cho tàu bè nhỏ ra biển từ của sông Bắc luân.
Bản đồ bên dưới.
Hiệp định về Vùng đánh cá chung có thời hạn là 12 năm, có thể gia hạn thêm 3 năm. Hiệp định này có hiệu lực từ năm 2004.
Tức là Hiệp định "vùng đánh cá chung" đã hết hạn từ năm 2019.
Hiệp định "Vùng đánh cá chung" được gia hạn thêm một năm. Ngày 30-6-2020 là hết hạn.
Nhưng giá trị Hiệp định phân định Vịnh Bắc Việt có giá trị "vĩnh viễn", không thể thay đổi, ngoại trừ các điểm từ số 1 đến số 7. Vụ này tôi có viết bài hồi tuần rồi.
Theo tôi không hề có tranh chấp gì giữa VN và TQ trong vịnh Bắc Việt.
Theo tôi VN cũng không bị thiệt hại, hay bị ảnh hưởng gì về vùng EEZ của VN trong Vịnh Bắc Việt, như ý kiến của chuyên gia.
Theo tôi, nay mai VN sẽ công bố hệ thống đường cơ bản của mình trong vịnh Bắc Việt.
Đường cơ bản này chắc chắn sẽ bao gồm các đảo của VN trong vịnh Hạ long, hay ngoài khơi tỉnh Hải phòng, gồm các đảo Long Châu, Ngọc vừng, Cô tô, Thanh lân v.v... Các đảo này sẽ nằm trong "nội hải" của VN. Lúc đó ta sẽ so sánh bên nào, VN và TQ, tham lam hơn bên nào.
Điều cần nhắc là lúc đó các giới điểm từ số 1 đến số 7 sẽ trở thành đường "phân chia nội hải" giữa VN và TQ.
Theo tôi nghĩ, "vùng đệm" để tàu bè ra vào sông Bắc luân (Ka long) cần được giữ lại. Vì lợi ích ngư dân hai bên.
Fb Trương Nhân Tuấn
++++++++++++++++++++++++++++++++
Việt Nam lên tiếng về 'đường cơ sở' Trung Quốc tuyên bố ở Vịnh Bắc Bộ
Thứ năm, 14/3/2024, 16:42 (GMT+7)
“Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ. Hai nước ngày 25/12/2000 ký kết hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ, có hiệu lực từ ngày 30/6/2004. Hiệp định xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong Vịnh Bắc Bộ.
“Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ hiệp định phân định năm 2000, khi nước này ra tuyên bố xác lập đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ.
Phạm Thu Hằng: "Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 6-6-1996 của Chính phủ Việt Nam liên quan đến tuyên bố ngày 15-5-1996 của Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc" - bà Phạm Thu Hẳng khẳng định.
"Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000, cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong họp báo ngày 14/3.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi của VnExpress về thông tin Trung Quốc ngày 1/3 tuyên bố xác lập đường cơ sở ở khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ theo luật ban hành năm 1992, trong đó quy định đường cơ sở của lãnh hải nước này được phân định bằng phương pháp đường cơ sở thẳng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: BNG
Trong tuyên bố này, chính phủ Trung Quốc đưa ra 7 "điểm cơ sở" khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố "lãnh hải" ở Vịnh Bắc Bộ. Các điểm này không tồn tại trong 49 điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố ngày 15/5/1996 để tính chiều rộng lãnh hải từ Hải Nam tới Thanh Đảo.
Bà Hằng cho biết Việt Nam "đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau".
Theo người phát ngôn, Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 6/6/1996 của chính phủ Việt Nam liên quan đến tuyên bố ngày 15/5/1996 của chính phủ Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc.
"Việt Nam cho rằng các quốc gia ven biển cần tuân thủ UNCLOS 1982 khi xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải, quyền quá cảnh qua các eo biển sử dụng cho hàng hải quốc tế, và phù hợp với UNCLOS 1982", bà Hằng nhấn mạnh.
Đường cơ sở Trung Quốc tuyên bố xác lập ngày 1/3 (đường màu đỏ) tại khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ. Đồ họa: X/Kentaro Nishimoto
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ. Hai nước ngày 25/12/2000 ký kết hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ, có hiệu lực từ ngày 30/6/2004. Hiệp định xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước trong Vịnh Bắc Bộ.
Vũ Anh - Nguyễn Tiến
++++++++++++++++++++++++++++
Biển Đông: Trung Quốc vẽ đường cơ sở mới ảnh hưởng gì tới chủ quyền Việt Nam?
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Hoạt động buôn bán tại cửa sông Ka Long đổ ra Vịnh Bắc Bộ, khu vực nằm giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc)
BBC 11/3/2024
Trung Quốc mới đây chính thức tiết lộ đường cơ sở mới, nêu rõ yêu sách lãnh thổ của mình ở phía bắc Vịnh Bắc Bộ, khu vực chung với Việt Nam.
Tuyên bố này được đưa ra trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng này. Qua đó, Trung Quốc giới thiệu bảy điểm cơ bản mới mà khi được kết nối sẽ tạo thành đường cơ sở cho các yêu sách chủ quyền của mình ở Vịnh Bắc Bộ.
Vịnh Bắc Bộ nằm ngoài khơi bờ biển Bắc Bộ của Việt Nam và Nam Trung Quốc.
Năm 2004, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận vạch ra ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ.
Cả hai bên đều coi thỏa thuận này là công bằng. Tuy thế, các xung đột trên Biển Đông vẫn xảy ra giữa hai nước do vẫn còn mơ hồ về ranh giới ở khu vực bên ngoài cửa vịnh.
Những mâu thuẫn này, theo Bắc Kinh, giờ sẽ được giải quyết thông qua một quy trình phân định mới, chính là đường cơ sở mới với bảy điểm nói trên.
Trung Quốc nói rằng đường cơ sở mới này không ảnh hưởng đến quyền lợi Việt Nam hay bất cứ nước nào, mà thậm chí còn góp phần thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa nước này và các nước liên quan.
Cùng lúc, Trung Quốc lâu nay vẫn duy trì yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông với "bản đồ đường chữ U".
Việt Nam cần làm gì để không ‘há miệng mắc quai’?
Ngư dân là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên từ các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhiều ngư dân Việt Nam thậm chí đã thiệt mạng trong những cuộc đụng độ ngoài khơi với tàu Trung Quốc.
Trên trang EurAsian Times, Shashank S. Patel, một nhà phân tích địa chính trị theo dõi chặt chẽ các hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đánh giá: “Vịnh Bắc Bộ, nơi chứng kiến nhiều thỏa thuận biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam trong ba thập kỷ từ 1974 đến 2004, chiếm hơn một nửa diện tích vùng biển Việt Nam. Việc Trung Quốc tuyên bố một đường cơ sở mà nhìn trên bản đồ có vẻ lấn lướt như vậy sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và vùng biển tranh chấp.”
Ông cũng nói rằng việc Trung Quốc đơn phương đưa ra đường cơ sở mới này là nỗ lực để hạn chế các đòi hỏi về quyền lợi của Việt Nam tại vùng EEZ của chính Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ giành nhiều quyền tiếp cận hơn tới các ranh giới trên biển, qua đó ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây đối với các vấn đề ở Vịnh Bắc Bộ.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), các quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý (22,22 km), vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa kéo dài tới 350 hải lý.
Tuy nhiên, Vịnh Bắc Bộ có chiều rộng tối đa không quá 180 hải lý.
Thực tế này dẫn đến sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cả Trung Quốc và Việt Nam trong vùng vịnh. Do đó, toàn bộ vùng vịnh phải chịu các yêu sách chồng chéo của cả hai bên, theo EurAsian Times.
“Đường cơ sở mới sẽ mang lại hơn 60% diện tích biển cho chính quyền Trung Quốc, vi phạm trắng trợn Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)," ông Patel nói thêm.
Ngoài ra, đường cơ sở mới có thể giúp Trung Quốc cản trở quyền tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp và đường ống cũng như các nỗ lực bồi đắp đảo của Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có động thái chính thức nào trước nước đi mới của Trung Quốc.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Song Phan - một nhà nghiên cứu Biển Đông sống tại Úc – nhận định rằng phần đường cơ sở mới vẽ này dựa trên một số điểm cơ sở ở các đảo rất xa bờ, nên sẽ đẩy đường ranh ngoài của lãnh hải Trung Quốc ra xa thêm ngoài biển.
Do hai nước Việt-Trung đã đàm phán và ký kết thỏa thuận phân giới biển ngày 12/12/2000 nên đường này – như vậy - sẽ không ảnh hưởng đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của cả hai, trừ khi Trung Quốc dựa vào đường mới này để đòi thương lượng lại.
Tuy nhiên, do đường cơ sở quá xa bờ, kéo theo đường biên lãnh hải lấn xa ra biển, nên “chắc chắn ảnh hưởng đến các quyền liên quan khác của tất cả các nước, gồm Việt Nam”.
Ví dụ như quyền tự do hàng hải, quyền đặt cáp/ống ngầm, khảo sát khoa học…
“Lưu ý rằng VIệt Nam cũng còn phần bờ biển từ đảo Cồn Cỏ chạy cho tới biên giới Việt-Trung chưa vẽ đường cơ sở và đường cơ sở từ đảo Phú Quý tới tới đảo Thổ Chu cũng không thật phù hợp với UNCLOS,” ông Song Phan chỉ ra trong phân tích của mình.
Phần đường cơ sở mới của Trung Quốc (màu đỏ ở rìa phía đông vịnh Bắc Bộ). Đường cơ sở của Việt Nam vẫn còn thiếu ở phần Vịnh Bắc Bộ.
"Luật biển Việt Nam 2012 đặt UNCLOS và luật quốc tế lên trên nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh phần đường cơ sở này và hoàn chỉnh đường cơ sở cho toàn bộ bờ biển.
"Không chỉnh đường cơ sở đoạn này, Việt Nam rất khó phản đối Tàu ‘cộng’ trong vụ này vì 'há miệng mắc quai’,” nhà nghiên cứu Song Phan viết.
+++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
W.DC 23/9/2008: Nhà báo Lý Kiến Trúc phỏng vấn Đại sứ Lê Công Phụng
Vịnh Bắc Việt: Căn cứ bất khả xâm phạm? Vết hằn còn đó
https://www.nhatbaovanhoa.com/a11758/vinh-bac-viet-can-cu-bat-kha-xam-pham-vet-han-con-do