Vì sao Philippines và Trung Quốc đang trên đà xung đột?

25 Tháng Mười 20237:40 SA(Xem: 1102)

VĂN HÓA ONLINE – HS-TS 2014 – THỨ TƯ 25 OCT 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Vì sao Philippines và Trung Quốc đang trên đà xung đột?


image018Chụp lại video. Biển Đông: Tàu cảnh sát biển Trung Quốc va chạm với tàu tiếp tế Philippines


  • Tác giả, Rupert Wingfield-Hayes
  • Vai trò, BBC News
  • 25/10/2023


Hãy xem kỹ đoạn video về "vụ va chạm" hôm Chủ nhật giữa một tàu tuần duyên Philippines và một tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông.


Khi đuôi tàu này va vào boong tàu kia, ngay giữa khung hình là đoàn truyền hình Philippines đang cố gắng để có được thứ mà giới báo chí gọi là "dẫn trước ống kính".


Cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh ở các bãi cạn chìm ở Biển Đông đã diễn ra trong nhiều thập kỷ.


Nhưng trong những tháng gần đây có điều gì đó đã thay đổi.


Các cuộc tranh chấp trên biển hiện đang diễn ra dưới sự chú ý cao độ của giới truyền hình. Đây là lần thứ hai trong nhiều tuần, các nhà báo Philippines quay được một cuộc chạm trán ở cự ly gần, cạnh một rạn san hô đặc biệt nhạy cảm được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như Bãi Cỏ Mây, Bãi cạn Ayungin hay Nhân Ái Tiêu (Ren Ai).


Đây là hoạt động có chủ ý, một phần trong chính sách của chính phủ Philippines nhằm thu hút sự chú ý vào điều mà họ gọi là "sức mạnh vũ lực" của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát đối với những gì Manila nói là vùng biển của mình.


Đại tá đã nghỉ hưu Raymond Powell thuộc Trung tâm Gordian Knot của Đại học Stanford cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đã thấy một sự thay đổi đáng kể trong năm nay. Đó là điều mà tôi gọi là một chiến dịch minh bạch đầy quyết đoán”.


Bắt đầu từ tháng Giêng, chính phủ Philippines đã bắt đầu cung cấp thêm các video về những cuộc chạm trán cho truyền thông địa phương. Vào mùa hè, ngày càng có nhiều nhà báo, trong đó có BBC, được lên thuyền và máy bay của Manila tiến vào vùng biển tranh chấp.


“Nó giống như bật đèn chiếu lên để cho thấy các hoạt động vùng xám của Trung Quốc,” Đại tá Powell nói.


image020Nguồn: REUTERS. Tàu Philippines đang trên đường tới Bãi Cỏ Mây vào Chủ nhật 22/10/2023


Trung Quốc dường như đã bị bất ngờ trước những chiến thuật mới này.


Trong một thời gian, có vẻ như chiến lược này đã đạt được hiệu quả, theo Oriana Skylar Mastro, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, bà nói thêm rằng: “Chúng tôi thấy các hoạt động của Trung Quốc có phần tạm lắng”.


Bắc Kinh đã giảm bớt căng thẳng và Manila đã có thể thực hiện một số chuyến tiếp tế tới một đồn trú mà nước này có trên Bãi Cỏ Mây - một tàu mắc cạn cũ kỹ có từ thời Thế chiến thứ hai mang tên Sierra Madre.


Chiếc tàu được cố tình neo đậu trên rạn san hô vào năm 1999. Kể từ đó, một nhóm nhỏ thủy quân lục chiến Philippines đã đơn độc canh chừng con tàu rỉ sét khi nó dần bắt đầu mục rã.


Vào năm 2014, một nhóm BBC đã lên con tàu này. Thậm chí khi đó nó vẫn giữ nguyên trạng tồi tệ với những lỗ thủng lớn ở hai bên và sóng bắn xuyên qua tàu.


Hầu hết các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đã bằng lòng chơi một trò dài hơi. Khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila tốt đẹp, lực lượng cánh sát biển của Trung Quốc đã cho phép việc tiếp tế cho tàu Sierra Madre. Khi quan hệ trở nên căng thẳng, họ chuyển sang chặn các chuyến tiếp tế.


Nhưng đánh giá chung của Bắc Kinh là Sierra Madre không thể tồn tại mãi, và đến một lúc nào đó, Philippines sẽ buộc phải sơ tán thủy quân lục chiến, khi con tàu vụn thành từng mảnh xuống biển.


Trong sáu năm dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte, giả định đó có vẻ có cơ sở. Nhưng kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đắc cử năm ngoái, chính sách đối ngoại của Philippines đã quay ngoắt 180 độ.


image021Nguồn hình ảnh, REUTERS. Một số ít quân Philippines đang đóng quân trên Sierra Madre đổ nát


Tổng thống Marcos không chỉ đảo ngược chính sách nồng ấm với Bắc Kinh của Duterte, mà ông còn quay lại ủng hộ hoàn toàn việc liên minh với Mỹ và bắt đầu lớn tiếng phản đối việc Trung Quốc xâm nhập Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila.


Còn nữa. Các nguồn tin ở Manila tiết lộ rằng đồ ăn và nước uống không phải là thứ duy nhất Philippines mang đến tiếp tế cho Sierra Madre. Họ nói rằng họ đã âm thầm vận chuyển vật liệu xây dựng, bao gồm cả xi măng và giàn giáo. Mục đích: chống đỡ cho con tàu rỉ sét.


Đại tá Powell nói: “Thật khó để biết họ có thể kéo dài hơi sức của con tàu bằng cách nào. Tôi nghĩ chúng ta đang đi đến điểm khủng hoảng. Ngày tàn của Sierra Madre đã gần kề. Nó có thể vỡ vụn sớm thôi."


Có lẽ chính cảm giác cấp bách mới này đang thúc giục cả Manila lẫn Bắc Kinh trở nên quyết liệt hơn. Philippines đang cố gắng duy trì sự hiện diện ở Bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh một lần nữa nhắc lại quyền lực của mình, xác định rằng Sierra Madre sẽ không tồn tại được.


Nhưng nếu Sierra Madre cuối cùng chìm xuống vùng nước màu xanh ngọc của Biển Đông - hay Biển Tây Philippine như cách gọi của Manila - thì điều gì sẽ xảy ra?


Liệu Bắc Kinh có nhảy vào và cố gắng giành quyền kiểm soát rạn san hô như họ đã làm ở những nơi khác ở Biển Đông không? Manila sẽ cố gắng neo đậu một tàu khác trên Bãi Cỏ Mây? Và Washington sẽ phản ứng thế nào?


Không ai biết nhưng ngày đó sẽ đến, có lẽ sớm thôi.


++++++++++++++++++++++++++++++++++


Philippines, Mỹ tập trận ở phía nam đảo Luzon sau vụ lưới hàng rào ở Scarborough


DUY LINH


Vài ngày sau căng thẳng ở bãi Scarborough, Mỹ và Philippines cùng một số đồng minh tiến hành một cuộc tập trận ngoài khơi Manila, phía nam đảo Luzon.


image023Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Hải quân Mỹ nằm trong số các tàu tham gia tập trận - Ảnh: US NAVY


Theo Hãng thông tấn AFP, khoảng 1.800 binh sĩ Mỹ và Philippines cùng năm nước khác đã khởi động cuộc tập trận thường niên Samasama ngày 2-10.


Cuộc tập trận 12 ngày gồm các khoa mục chống tàu ngầm, tàu nổi và tác chiến điện tử diễn ra ngoài khơi Manila và phía nam Luzon, đảo chính của Philippines.


Phát biểu trong lễ khai mạc, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Phó đô đốc Karl Thomas cảnh báo quyền đảm bảo chủ quyền quốc gia "đang bị tấn công hằng ngày trên biển".


"Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thứ vốn đảm bảo hòa bình khu vực trong nhiều thập kỷ, đã bị xé toạc và thử thách để mang lại lợi ích cho không phải tất cả các quốc gia mà chỉ một quốc gia", ông Thomas nêu vấn đề nhưng không đề cập "một quốc gia" là nước nào.


Theo tư lệnh Mỹ, trong bối cảnh đó, cách tốt nhất để đảm bảo chủ quyền và an ninh khu vực là hoạt động cùng nhau, ám chỉ các hoạt động tuần tra và tập trận chung.


Đồng quan điểm, Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó đô đốc Toribio Adaci nhấn mạnh cuộc tập trận Samasama sẽ giúp các bên tham gia chuẩn bị "để cùng nhau đối mặt với một loạt mối đe dọa".


Khi được hỏi đang ám chỉ đến nước nào, tướng Thomas uyển chuyển bằng việc nói rằng phải duy trì quyền đi qua khu vực "mà không cần phải lo lắng về việc bị tấn công" hoặc "bị đe dọa".


Cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau các diễn biến căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi Scarborough.


Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch đặc biệt vào tháng 9, trong đó Lực lượng tuần duyên Philippines đã cắt các dây cáp nối hàn rào tại bãi Scarborough do Trung Quốc kiểm soát.


Manila cáo buộc hàng rào nổi này đã ngăn cản ngư dân Philippines đi vào ngư trường truyền thống của nước này nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ năm 2012.


Bắc Kinh đáp trả bằng cách cảnh báo Manila "không được khiêu khích hay gây rối", cùng lúc khẳng định lại chủ quyền cũng như quyền hàng hải của mình đối với cái mà họ gọi là đảo Hoàng Nham.


Trong vài tuần gần đây, Bắc Kinh đã triển khai các tàu tuần tra đến Biển Đông mà Manila cho rằng các tàu này đã quấy rối tàu công vụ và tàu cá Philippines tại khu vực.


Sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đưa ra yêu sách gần như toàn bộ vùng biển này bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài ở The Hague, đã trở thành mối lo ngại ngày càng tăng đối với Washington và các đồng minh trong khu vực.


Theo AFP, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey, máy bay giám sát hàng hải P-8 Poseidon và một tàu tiếp tế tham gia tập trận Samasama.


Hải quân Philippines huy động một tàu hộ vệ tên lửa, trong khi Nhật Bản đưa một tàu khu trục, còn Canada cử tàu hộ vệ HMCS Vancouver.


Ngoài Mỹ và Philippines, Anh, Nhật Bản, Canada, Pháp và Úc là những nước cử binh sĩ trực tiếp tham gia. New Zealand và Indonesia cử quan sát viên.