GS Trần Huy Bích thuyết trình về ‘Bình Ngô Đại Cáo’ vì ‘lạnh người’ với sách trong nước

10 Tháng Giêng 20246:49 CH(Xem: 1453)

VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ TƯ 10 JAN 2024


GS Trần Huy Bích thuyết trình về ‘Bình Ngô Đại Cáo’ vì ‘lạnh người’ với sách trong nước


January 10, 2024

Văn Lan/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV) – Một số giáo viên trẻ dạy tiếng Việt tại Little Saigon cùng một số vị giáo sư, giới văn học, nhà nghiên cứu lịch sử, và đồng hương vừa được nghe Giáo Sư Trần Huy Bích thuyết trình về “Bình Ngô Đại Cáo,” bản tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt, một áng văn kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam cách đây gần 600 năm.


image003Buổi thuyết trình về “Bình Ngô Đại Cáo” diễn ra sôi nổi tại Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Trong buổi thuyết trình diễn ra tại Viện Việt Học, Westminster, hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Hai, 2023, nhiều người mới biết rằng sách lịch sử Việt Nam và cả sách văn học trong nước hiện nay giảng nhiều điều không đúng sự thật.


Giáo Sư Trần Huy Bích cho hay: “Với ‘Bình Ngô Đại Cáo,’ tôi giật mình khi thấy một cuốn sách do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội phát hành ở trong nước gần đây giảng ‘Vẫn đăm đăm con mắt dục đông’ là… ‘muốn đi về phía đông là phương có mặt trời, có vượng khí.’”


“Ngay sau đó, cuốn ấy giảng ‘Vẫn mịt mù như kẻ vọng dương’ là ‘trông về phía mặt trời, ý nói mong một cứu tinh,’ tuy trong nguyên tác, Nguyễn Trãi dùng chữ ‘dương’ 洋 (với nghĩa là biển). Tôi thấy ‘lạnh người,’ nên xin scan trang bìa của cuốn sách ấy cùng trang có những lời giảng động trời như thế,” Giáo Sư Bích nói.


Cuốn sách và tác giả mà Giáo Sư Trần Huy Bích nhắc đến là “Thơ Văn Bùi Kỷ” của Nguyễn Văn Huyền, do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội phát hành năm 1994. Tác giả Nguyễn Văn Huyền đã giảng sai một số chữ trong “Bình Ngô Đại Cáo.” Như đã nói, ông Nguyễn Trãi dùng chữ “vọng dương,” chữ “dương” ở bộ Thủy với nghĩa là “biển,” và ông Ngô Tất Tố dịch là “mịt mù như nhìn chốn biển khơi,” nhưng ông Nguyễn Văn Huyền lại giảng là “vọng dương là trông về phía mặt trời.”


“Tác giả giảng ‘Bình Ngô Đại Cáo’ như thế, đã viết và in tới trên 10 cuốn sách về văn học Việt Nam. Ông ta cũng viết về Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phạm Văn Nghị (thầy dạy của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San và Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến) … Tôi không có những cuốn ấy, nên không biết ông ta viết và giảng ra sao,” Giáo Sư Bích tiếp.


image005Giáo Sư Trần Huy Bích thuyết trình về “Bình Ngô Đại Cáo” tại Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Đó chính là lý do thúc đẩy Giáo Sư Trần Huy Bích nhận lời yêu cầu của nhóm các thầy cô giáo trẻ từ Học Viện Ngôn Ngữ DeMille (trước đây là trường Tiểu Học DeMille) ở Midway City, đang dạy tiếng Việt cho các học sinh gốc Việt tại Orange County. Đây là trường đầu tiên trên nước Mỹ có chương trình dạy song ngữ Anh-Việt. Các thầy cô muốn giới thiệu áng văn chương lịch sử hào hùng ấy tới các em học sinh, nhưng nhiều câu chính các thầy cô cũng không hiểu rõ, nên họ mời Giáo Sư Trần Huy Bích để xin giáo sư giảng rõ.


Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết bài “Bình Ngô Đại Cáo” do Nguyễn Trãi soạn thảo vào mùa Xuân năm 1428, cách nay 595 năm, viết thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh, tuyên bố giành lại độc lập cho nước Đại Việt.


Vậy Bình Ngô là gì? Vào thời đó, Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hảo Châu, xưa thuộc đất Ngô, là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356 Chu Nguyên Vương xưng là Ngô Quốc Công, tám năm sau ông cải xưng Ngô Vương. Bởi vậy Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Chu Nguyên Vương, vừa là nguồn gốc quê cha đất tổ của Chu Nguyên Vương. Bình Ngô nghĩa là dẹp tận gốc gác, giống nòi của dòng họ Chu – Thái Tổ nhà Minh.


Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại Cáo” bằng chữ Hán được các ông Bùi Kỷ, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, và Mạc Bảo Thần (Nhượng Tống) dịch sang tiếng Việt.


Theo Giáo Sư Bích, bản dịch của ông Bùi Kỷ gần như là một áng văn kiệt tác trong văn học Việt Nam, nhưng có nhiều chữ cổ xưa khó hiểu; bản dịch của ông Ngô Tất Tố lại là bản dễ hiểu, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể đọc được. “Nhưng nếu đọc cả hai bản thì lại càng rõ hơn về tính văn học sâu sắc và cả tính thông dụng bình dân trong xã hội,” ông nói.


“Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi được xem là bản “Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai” của dân tộc Việt Nam, sau bản “Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên” là bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, được Trần Trọng Kim dịch sang Việt Ngữ.


image007Sách “Thơ Văn Bùi Kỷ” của Nguyễn Văn Huyền, do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội phát hành năm 1994, có đoạn giải thích về “Bình Ngô Đại Cáo” hoàn toàn sai với nguyên bản. (Hình: Trần Huy Bích cung cấp)


Nguyễn Trãi sinh năm 1380 và mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê tại làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, nay thuộc Chí Linh, Hải Dương. Ông là một nhà Nho yêu nước, một quân sư cho vua và là người có công rất lớn trong chiến thắng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.


Năm 1980 nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, ông được Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới.”


Qua buổi thuyết trình, mọi người mới biết nguyên do là vào Tháng Năm, 2023, các học sinh của Học Viện Ngôn Ngữ DeMille có tham dự cuộc thi “Tiếng Việt Mến Yêu” do Bên Em Đang Có Ta Foundation và Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại đồng tổ chức tại đài truyền hình SBTN, cùng một số cơ quan trong cộng đồng bảo trợ.


Cuộc thi với sự hưởng ứng của các trường công lập và các trường Việt Ngữ cuối tuần, các trường Việt Ngữ ở xa, nhằm khuyến khích các trường Việt Ngữ và các em thiếu nhi trình bày văn hóa tiếng Việt qua những tiết mục văn nghệ như ca, vũ, nhạc, kịch.


Để tham dự cuộc thi, mỗi trường học phải ghi danh rất sớm với chủ đề “Anh Hùng Anh Thư Nước Việt” và học sinh của Học Viện Ngôn Ngữ DeMille giành giải nhất trong tiết mục trình diễn bài “Thương Ca Tiếng Việt” sáng tác Đức Trí.


Cô Phạm Từ Ái, cô giáo dạy Tiếng Việt ở Học Viện Ngôn Ngữ DeMille, soạn chương trình và dàn dựng cho tiết mục dự thi, cho hay tiết mục này mang tính lịch sử rất nhiều, nên cô đưa vào thêm hai phần trình diễn. Phần đầu là hoạt cảnh cuộc khởi nghĩa Mê Linh của Hai Bà Trưng, và phần hai là “Lê Lai Cứu Chúa” trong cuộc kháng chiến 10 năm đánh đuổi quân xâm lăng nhà Minh.


image009Các giáo viên trẻ dạy tiếng Việt tại Học Viện Ngôn Ngữ DeMille trong buổi thuyết trình về “Bình Ngô Đại Cáo” tại Viện Việt Học, Westminster, từ trái, cô Phạm Từ Ái, cô Đặng Quỳnh Hương, thầy Trần Chí Hồng Tiên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Kể về kết quả học sinh Học Viện Ngôn Ngữ DeMille thắng giải nhất cuộc thi, cô Từ Ái cho hay: “Em phải nghiên cứu sách lịch sử Việt Nam tại hải ngoại thật kỹ, không dùng bất cứ tài liệu lịch sử nào trong nước đang giảng dạy, phải viết lời, soạn thêm những câu thơ để tập cho các em, và cô Bảo Châu cùng thầy Hồng Tiên đã giúp sức rất nhiều. Riêng cô Đặng Quỳnh Hương, dạy tiếng Việt lớp Sáu của trường, cũng bỏ công sức nhiều nhất khi sẵn sàng lo hết tất cả tài liệu các lớp học cần, trong đó có lịch sử cũng là một trong những môn học song ngữ của học sinh.”


Cô Ái tiếp: “Trong bài trình diễn dự thi, các em học sinh phải luôn đi sát chủ đề ‘Anh Hùng Anh Thư Nước Việt’ với bài hát, múa, đọc thơ. Sẵn dịp, em hỏi Giáo Sư Trần Huy Bích luôn về ‘Bình Ngô Đại Cáo.’ Khi hiểu được nội dung bài này, em thật sự muốn khóc vì suốt 10 năm kháng chiến của vua Lê để giành lại độc lập tự do cho đất nước.”


“Mặc dù ba của em cũng dạy cho biết bài ‘Bình Ngô Đại Cáo’ nhưng lúc đó em còn nhỏ, chưa đủ sức hiểu hết tầm quan trọng của bài thơ này. Nay sau khi thắng giải, được các thầy cô khen ngợi, em cũng thú thật là em cũng chưa hiểu nhiều vì trong bài có quá nhiều từ Hán-Việt. Khi Giáo Sư Trần Huy Bích nghe vậy, thầy sẵn sàng có một buổi thuyết giảng cho các thầy cô giáo tại nhà thầy,” cô kể.


“Nhưng em suy nghĩ rằng đây là một đề tài lớn của lịch sử Việt Nam, người hiểu biết thấu đáo có thể cũng chưa nhiều, hơn nữa quanh đây cũng có nhiều trường song ngữ Anh-Việt, vậy tại sao không mở rộng thành một đề tài thuyết trình cho công chúng nghe. Thế là Viện Việt Học sẵn sàng tiếp tay,” cô Ái tiếp.


image011Toàn thể các thầy cô giáo và học sinh Học Viện Ngôn Ngữ DeMille nhận giải nhất cuộc thi “Tiếng Việt Mến Yêu” vào Tháng Năm, 2023. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Bác Sĩ Đinh Thái Sơn, cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An, chia sẻ: “Tôi rất khâm phục các thầy cô giáo trẻ dạy tiếng Việt tại Mỹ, lại càng khâm phục nhiều hơn các em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ thích học tiếng Việt, lại thêm các bậc phụ huynh sẵn sàng đưa đón con đi học các lớp Việt Ngữ vào cuối tuần. Chính những yếu tố đó giúp phát huy và cũng là cách bảo tồn tiếng Việt trong sáng được trường tồn nơi hải ngoại.”


Chuẩn bị cho buổi thuyết trình này, Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết vì nhớ lại cách giảng không đúng của ông Nguyễn Văn Huyền về “Bình Ngô Đại Cáo,” nên ông đành nhận lời yêu cầu thuyết trình của nhóm các thầy cô giáo trẻ ở Học Viện Ngôn Ngữ DeMille, mặc dù “năm nay tôi 87 sắp lên 88. Ở tuổi ấy người ta có khuynh hướng… lười,” theo cách nói của ông.


Giáo Sư Trần Huy Bích sinh năm 1936 tại Nam Định. Ông tốt nghiệp ban Việt Hán, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, và dạy học nhiều năm ở Việt Nam, nhiệm sở cuối cùng là Văn Hóa Vụ, trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt.


Ở Hoa Kỳ, sau khi đậu xong cao học và tiến sĩ tại đại học University of Texas at Austin, ông được trao nhiệm vụ phụ trách các tài liệu về Á Châu học (Asian studies) và Trung Hoa học (Chinese studies) tại Thư Viện Trung Ương, Đại Học UCLA và sau đó, Đại Học USC.


Sau khi về hưu năm 2007, ông dành ra mỗi tháng một buổi chiều cuối tuần để tiếp xúc với các bạn trẻ, những người muốn hiểu biết thêm về văn học và văn chương Việt Nam. [qd]


https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/gs-tran-huy-bich-thuyet-trinh-ve-binh-ngo-dai-cao-vi-lanh-nguoi-voi-sach-trong-nuoc/