VĂN HÓA ONLINE –XÃ HỘI NHÂN VĂN – THỨ BẨY 28 OCT 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Ánh mắt của em bé Palestine. Photo: Reuters/BBC
Họa sĩ Bùi Văn Tuất: “Ánh mắt trẻ thơ”
Họa sĩ Bùi Văn Tuất (Hà Nội) tổ chức triển lãm cá nhân 'Nhìn lại' tại phòng tranh Ana Mandara Villas Dalat (Đà Lạt) với những đôi mắt của trẻ em vùng cao nước Việt.
Tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất triển lãm tại phòng tranh Ana Mandara Villas Dalat (Đà Lạt) - Ảnh: M.V
Chiều 28/10/2023, họa sĩ Bùi Văn Tuất đã ra mắt triển lãm “Nhìn lại” tại Đà Lạt. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ, được tổ chức tại phòng tranh Ana Mandara Villas Dalat.
Triển lãm với hơn 30 tác phẩm tranh sơn dầu. Mỗi tác phẩm là một đôi mắt của trẻ em vùng cao đẹp đầy ám ảnh. Triển lãm sẽ khép lại vào 28-11, sau hơn 1 tháng trưng bày.
Bùi Văn Tuất sinh năm 1982, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2007. Anh từng tham gia các triển lãm nhóm Tứ Lập 1, 2, 3 tại Hà Nội, Sài Gòn và một triển lãm cá nhân (Tuổi thơ như thế) năm 2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2018. Hiện anh sinh sống và sáng tác tại Hà Nội như một họa sĩ độc lập.
Họa sĩ Bùi Văn Tuất tại triển lãm - Ảnh: M.V
Bằng bút pháp tả thực, các đối tượng trong tranh Bùi Văn Tuất hiện lên sinh động và gần gũi. Chủ đề chính trong các sáng tác của anh là chân dung và phong cảnh ở các tỉnh miền núi, nơi anh đã thực hiện rất nhiều chuyến đi thực tế của mình. Có nhiều bức trong triển lãm là tác phẩm trực họa trong các chuyến đi.
Chân dung trong tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất rất đa dạng. Mọi độ tuổi, mọi giới tính, ngành nghề, nhưng ấn tượng đặc biệt nhất - điều tạo nên tên tuổi của anh chính là chân dung trẻ em.
Khách Đà Lạt đi xem tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất - Ảnh: M.V
Tranh của Tuất thú vị. Cách đặt tên cũng thú vị. Nhìn gần cũng đẹp, nhìn xa cũng đẹp. Đó là cái khó. Tuất đã tìm sâu vào đôi mắt trẻ em để khiến tranh mình đẹp ám ảnh. Nhà phê bình Lý Đợi
Tại triển lãm, họa sĩ Bùi Văn Tuất nói: “Tôi yêu trẻ con theo cách của chính bọn chúng, tức là tự thu nhỏ mình lại bằng chúng để chơi đùa, để hòa vào tâm hồn chúng. Tôi vẽ dáng vẻ hoang dại ngơ ngác đặc trưng và cái tinh nghịch, bướng bỉnh, ngây thơ trong trẻo của tuổi thơ mà mình tìm thấy.”
Mỗi bức tranh là một cuộc phỏng vấn giữa Tuất và em nhỏ các dân tộc ở Đông Bắc và Tây Bắc.
Tác phẩm "Ánh mắt ấy" No2, Sơn dầu trên vải
Chia sẻ về cái tên triển lãm, Bùi Văn Tuất nói: “Tôi chọn cái tên Nhìn lại như là một cách để nhớ lại những chuyến đi thực tế ở vùng cao của mình - những khoảnh khắc, những cảnh sắc, những cuộc trò chuyện, những con người mà tôi gặp gỡ.
Đây cũng là dịp để tôi nhìn lại một chặng đường sáng tác của mình, kể từ lúc bắt đầu cầm cọ, cho tới triển lãm cá nhân đầu tiên “Tuổi thơ như thế”, để thấy những gì mình đã và chưa làm được; hay nói khác đi là cái gì còn dở dang từ “Tuổi thơ như thế” thì tôi tiếp nối ở đây.
Và điều quan trọng nhất, tôi muốn nhìn lại lần cuối quãng đường vừa qua trước khi kết thúc để chuyển sang một giai đoạn sáng tác mới. Một tìm tòi mới cho mình, cả về ý tưởng lẫn phương pháp thể hiện”.
Tác phẩm "Khoảng sân nhỏ trước nhà", Sơn dầu trên vải, khổ 170x400cm
"Nhìn lại", ấn tượng vùng phên dậu Tổ quốc
Triển lãm “Nhìn lại”, Bùi Văn Tuất sẽ trưng bày khoảng trên 30 bức sơn dầu với đa dạng kích thước: bức lớn nhất có kích thước 170x400cm, bức nhỏ nhất 35x30cm, còn lại các bức trung bình có kích cỡ 55x73cm, 40x50cm.
Điều đặc biệt, tất cả tác phẩm bày trong triển lãm này đều là cảnh sắc và con người của Hà Giang, vùng đất mà Bùi Văn Tuất chia sẻ rằng đã để lại trong anh những ấn tượng sâu đậm nhất. Phần lớn các tác phẩm được anh sáng tác trong năm 2023, chưa từng công bố ở đâu.
Tác phẩm "Ánh mắt", Sơn dầu trên giấy dó
Tác phẩm "Ánh mắt" No1, sơn dầu trên vải
Tác phẩm "Áo lam", sơn dầu trên giấy dó bồi toan
Tác phẩm "Buổi chiều vàng", sơn dầu trên vải
Tác phẩm "Cảm xúc màu cam", sơn dầu trên vải
Tác phẩm "Chiếc áo ấm", sơn dầu trên vải