VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI HÔM NAY – THỨ HAI 22 MAY 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
G7 ra tuyên bố chung; Quad họp; Trung Quốc và Nga phản ứng
21/05/2023
THẢO VY
(PLO)- Các nhà lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung, cam kết sát cánh cùng Ukraine và đề cập nhiều vấn đề liên quan Trung Quốc, Bắc Kinh và Moscow lên tiếng chỉ trích.
Ngày 20-5, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nền công nghiệp phát triển(G7) đã ra tuyên bố chung, cam kết hỗ trợ Kiev, kêu gọi Trung Quốc (TQ) đóng vai trò trung gian để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, theo hãng tin Kyodo News.
Tuyên bố của G7 được đưa ra vài phút sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Nhật để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Tuyên bố viết: “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine để mang lại một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài”.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ tăng cường các nỗ lực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân để đạt “mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu (EU) tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở TP Hiroshima (Nhật) ngày 20-5. Ảnh: KYODO
Tuyên bố kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực để Nga kết thúc cuộc chiến ở Ukraine và giải quyết các vấn đề về Đài Loan một cách hòa bình.
Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho biết họ “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”.
Tuy nhiên, tuyên bố khẳng định G7 “sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với TQ”.
Về kinh tế, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ khởi động một nền tảng để ngăn chặn những hành vi “ép buộc kinh tế nhằm theo đuổi các mục tiêu chính trị”.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi cung ứng đối với các vật liệu công nghiệp quan trọng (như chất bán dẫn) và cam kết chống thương mại đơn phương.
Tuyên bố chung cũng nhắc đến Triều Tiên, lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng và kêu gọi nước này từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Cùng ngày, Bắc Kinh đã phản ứng trước tuyên bố chung của G7 và gửi công hàm phản đối tới nước chủ nhà thượng đỉnh G7 là Nhật.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân cáo buộc G7 “bôi nhọ, tấn công TQ và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ” của nước này.
Ông Uông lưu ý “vấn đề Đài Loan là vấn đề của người TQ”. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ, đóng góp cho luật biển quốc tế và nói rằng tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông “nhìn chung vẫn ổn định”.
Về “ép buộc kinh tế”, người phát ngôn TQ cho rằng Mỹ mới là “kẻ cưỡng bức kinh tế thực sự”. Ông kêu gọi G7 "không đồng lõa" với Mỹ trong vấn đề này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 20-5 cho rằng các quyết định được thông qua tại thượng đỉnh G7 nhằm theo đuổi mục tiêu ngăn chặn Moscow và Bắc Kinh, theo hãng thông tấn TASS.
“G7 đã đặt ra nhiệm vụ một cách to tát và công khai đó là đánh bại Nga trên chiến trường và loại bỏ Moscow như một đối thủ cạnh tranh địa chính trị” - ông nói thêm.. THẢO VY
Bộ tứ Quad kim cương cam kết xây dựng khu vực không có ‘đe dọa và ép buộc’
21/05/2023
THẢO VY
(PLO)- Các lãnh đạo của “Bộ tứ kim cương” (gồm Nhật, Úc, Mỹ, Ấn Độ) đã gặp nhau, nhất trí theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không có “sự đe dọa và ép buộc”.
Ngày 20-5, các lãnh đạo của “Bộ tứ kim cương” (nhóm Quad - gồm Nhật, Úc, Mỹ, Ấn Độ) đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật, nhất trí theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không có “sự đe dọa và ép buộc”, theo hãng tin Kyodo News.
Bốn nhà lãnh đạo đã cam kết quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và làm việc minh bạch với các đối tác khác trong khu vực.
“Tầm nhìn của chúng tôi là hướng tới một khu vực hòa bình và thịnh vượng, ổn định và an toàn, tôn trọng chủ quyền - không bị đe dọa và ép buộc và các tranh chấp được giải quyết theo luật pháp quốc tế” - tuyên bố chung của nhóm viết.
(từ trái) Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị thượng đỉnh nhóm Quad ngày 20-5. Ảnh: KYODO
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nói: “Môi trường an ninh thậm chí còn trở nên khắc nghiệt hơn và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đang bị đe dọa”.
Ông nhấn mạnh mục tiêu quan trọng là khuyến khích cộng đồng quốc tế “hợp tác” nhiều hơn thay vì “chia rẽ và đối đầu”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng một trong những nhiệm vụ của nhóm là chứng minh “năng lực quản lý của các nền dân chủ”.
Theo chính phủ Nhật, các nhà lãnh đạo nhóm Quad đã “thẳng thắn” thảo luận về những tác động tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ không lên án Moscow về cuộc chiến.
Ban đầu, hội nghị thượng đỉnh nhóm Quad dự kiến diễn ra tại TP Sydney (Úc) vào ngày 24-5 nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ vì Tổng thống Biden phải trở về Mỹ để tham gia các cuộc đàm phán trong nước về trần nợ.
“Tôi thực sự xin lỗi vì đã để các bạn phải đến đây thay vì tôi sẽ đến Úc. Nhưng chúng tôi có một vấn đề nhỏ đang diễn ra ở trong nước” - ông Biden nói.
Về câu hỏi liệu ông có lo lắng vấn đề nợ trần hay không, Tổng thống Biden nói: “Không hề. Tôi vẫn tin rằng chúng tôi có thể tránh được tình trạng vỡ nợ”. THẢO VY
Zelensky gặp gỡ, hội đàm với nhiều lãnh đạo G7
21/05/2023
THẢO VY
(PLO)- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Nhật để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), đánh dấu chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.
Chiều 20-5 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Nhật để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), gặp gỡ và hội đàm với các lãnh đạo G7, theo tờ Japan Times.
Tổng thống Zelensky đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.
Ấn Độ giữ lập trường trung lập trong cuộc xung đột tại Ukraine. Thủ tướng Modi viết trên Twitter rằng ông đã truyền đạt “sự ủng hộ rõ ràng của New Delhi đối với đối thoại và ngoại giao để tìm ra con đường phía trước”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) bắt tay với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại TP Hiroshima (Nhật) ngày 20-5. Ảnh: AFP
Ông Zelensky sau đó đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại đây, ông Macron nhấn mạnh cam kết “sát cánh” của Paris với Kiev và khen ngợi chuyến đi Nhật của nhà lãnh đạo Ukraine.
“Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội duy nhất để Ukraine chia sẻ tình hình hiện tại và truyền tải thông điệp của mình tới các nước ở Nam bán cầu. Tôi tin rằng chuyến đi có thể thay đổi cuộc chơi” - ông nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại TP Hiroshima (Nhật) ngày 20-5. Ảnh: AFP
Ông Zelensky cũng đã hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại TP Hiroshima (Nhật) ngày 20-5. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại TP Hiroshima (Nhật) ngày 20-5. Ảnh: TWITTER
Theo thông báo của chính phủ Nhật, ngày 21-5 ông Zelensky sẽ có cuộc họp với các nhà lãnh đạo G7 để thảo luận về xung đột tại Ukraine. Sau đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng sẽ dự một phiên họp về hòa bình và ổn định có sự tham gia của lãnh đạo các nước khách mời của thượng đỉnh G7.
Cùng ngày, ông cũng sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Kishida bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 20-5 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp riêng với Tổng thống Zelensky. THẢO VY
Trung Quốc triệu tập đại sứ Nhật Bản về tuyên bố của G7, Tokyo nói gì?
22/05/2023
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối những tuyên bố liên quan Bắc Kinh được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối ngày 21.5 ra thông báo cho biết Thứ trưởng Tôn Vệ Đông đã triệu tập đại sứ Nhật Bản Hideo Tarumi để bày tỏ "sự không hài lòng và cương quyết phản đối" về những điều mà Trung Quốc cho là bị thổi phồng liên quan Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản) từ ngày 19-21.5.
Các nhà lãnh đạo G7 và EU tại Hiroshima ngày 19/5/2023. REUTERS
Ông Tôn cho rằng Nhật Bản đã liên kết với các nước còn lại trong G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Pháp và Ý) "nhằm bôi nhọ và công kích Trung Quốc, can thiệp nghiêm trọng vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và tinh thần của 4 văn kiện chính trị giữa hai nước", theo Reuters.
Đáp lại, đại sứ Tarumi nói việc G7 nhắc đến những lo ngại chung là điều bình thường và sẽ tiếp tục làm vậy nếu Trung Quốc chưa có biện pháp tích cực để thay đổi hành vi và giải quyết những lo ngại đó.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 22.5 nhấn mạnh chính sách của Nhật Bản về Trung Quốc vẫn nhất quán và Tokyo sẽ lên tiếng liên quan vấn đề cần thiết nhưng cũng hợp tác trong các vấn đề chung.
Theo tuyên bố chung của G7, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, đối thoại thẳng thắn nhưng cũng sẵn sàng bày tỏ lo ngại trực tiếp.
Các nước khẳng định hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu có lợi ích chung là điều cần thiết và cách tiếp cận của G7 không nhằm cản trở sự phát triển của nước này.
Tuy nhiên, tuyên bố chung cũng nhắc đến những lo ngại về hành vi tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế, về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.
Thứ trưởng Tôn Vệ Đông nói Đài Loan là "cốt lõi của những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" và là "lằn ranh đỏ không được vượt qua". Ông tuyên bố vấn đề nhân quyền là chuyện nội bộ của Trung Quốc và không lực lượng bên ngoài nào được phép đưa ra phát biểu thiếu trách nhiệm hay cố tình can thiệp.
Trong diễn biến liên quan, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cũng ra tuyên bố "kêu gọi London không phỉ báng và bôi nhọ Bắc Kinh" để tránh gây tổn hại thêm mối quan hệ song phương. Tuyên bố được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak gọi Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng của thế giới.