VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA – THỨ BA JAN 10, 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Chuyện Cô Mèo Lên Cõi Trời
Phan Tấn Hải
Quý Mão, con mèo… Chúng ta đang tới gần Tết Nguyên Đán 2023.
Nếu có ai hỏi rằng thế giới có sáng tác văn học nào thơ mộng về mèo hay không. Không, chúng ta không có ý nói gì về những chuyện đời thường lãng mạn hay tiểu tam hay tiểu tứ gì hết. Chúng ta chỉ muốn nói về một cõi thơ mộng y hệt như thời của Cha Rồng và Mẹ Tiên. Có đấy chứ, có một truyện về một cô mèo tam thể của một chàng họa sĩ Nhật Bản trong một thời nào xa xưa lắm, khi người ta chưa xài Tây lịch. Và truyện do một nhà văn Hoa Kỳ kể lại.
Truyện này có nhan đề “The Cat Who Went to Heaven” – nghĩa là “Cô Mèo Lên Cõi Trời” và kể về một con mèo được chàng họa sĩ vẽ vào một bức tranh có chủ đề Đức Phật Nhập Niết Bàn, và rồi một phép lạ xảy ra. Dĩ nhiên là truyện hư cấu, vì nếu bạn có mua vé phi cơ để bay sang Nhật, thì có tìm cả chục năm cũng không dò ra nơi sinh của chàng họa sĩ trong truyện, và cũng không hề thấy ngôi chùa nào đang treo bức tranh Phật trước khi nhập Niết Bàn đã từ bi thò tay ra ban phước cho một con mèo nhỏ tội nghiệp.
Trong Kinh Phật cũng từng nói về chuyện mèo, nhưng là một biểu tượng khác. Như trong Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, trong bản dịch nhan đề Milinda Vấn Đạo của Đại sư Bhikkhu Indacanda, nơi Phẩm IV, Phần 2 có câu hỏi về tính chất của loài mèo. Nơi phẩm này, nhà sư Nāgasena trả lời một vị vua, trích như sau:
“Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài mèo nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như loài mèo đi đến hang, đi đến hốc, đi đến ở bên trong tòa nhà dài, và tìm kiếm chỉ mỗi loài chuột. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập đi đến làng, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, nên thường xuyên, liên tục, không xao lãng, tìm kiếm chỉ mỗi loại vật thực là niệm đặt ở thân. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài mèo nên được hành trì.
Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài mèo tìm kiếm thức ăn chỉ ở khu vực lân cận. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sống có sự quan sát trạng thái sanh và diệt ở chính năm thủ uẩn này: ‘Thế này là sắc, thế này là sự sanh lên của sắc, thế này là sự biến mất của sắc. Thế này là thọ, thế này là sự sanh lên của thọ, thế này là sự biến mất của thọ. Thế này là tưởng, thế này là sự sanh lên của tưởng, thế này là sự biến mất của tưởng. Thế này là các hành, thế này là sự sanh lên của các hành, thế này là sự biến mất của các hành. Thế này là thức, thế này là sự sanh lên của thức, thế này là sự biến mất của thức.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài mèo nên được hành trì.” (ngưng trích)
Nghĩa là khuyến tấn Niệm thân liên tục. Nhưng chuyện cô mèo của chàng họa sĩ nghèo Nhật Bản khác hơn. Không cao siêu như Kinh vừa dẫn. Tiểu thuyết trung thiên “The Cat Who Went to Heaven” ấn hành năm 1930, dày 88 trang, viết bằng tiếng Anh, do nhà xuất bản Macmillan. Truyện này được giải thưởng Newbery Medal năm 1931 trao cho bởi American Library Association (Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ) với lời ca ngợi rằng đây là “đóng góp xuất sắc nhất cho văn học Hoa Kỳ dành cho trẻ em” của năm 1930. Nhưng tác giả Elizabeth Coatsworth là ai? Và tại sao viết truyện về một cô mèo nài nỉ chàng họa sĩ xin vẽ cô vào một góc trong bức tranh Đức Phật Nhập Niết Bàn?
Tiểu sử chính thức cho biết nhà văn Elizabeth Coatsworth (1893 –1986) là con của Ida Reid và William T. Coatsworth, một nhà buôn ngũ cốc phát đạt ở Buffalo, New York. Cô theo học Chủng viện Buffalo Seminary, một trường tư thục dành cho nữ sinh. Cô có cơ duyên đi du lịch từ khi còn thơ ấu, đến thăm dãy núi Alps và Ai Cập khi mới 5 tuổi. Coatsworth tốt nghiệp Đại học Vassar College năm 1915 với tư cách Á khoa (Salutatorian). Năm 1916, cô nhận bằng Thạc sĩ (Cao Học) tại Đại học Columbia University.
Sau đó, cô đi du lịch đến Đông Á, cưỡi ngựa qua Philippines, khám phá Indonesia và Trung Quốc, và ngủ trong một tu viện Phật giáo. Tiểu sử không kể chi tiết về tu viện Phật giáo Trung Hoa đó, và hiển nhiên là trong các tu viện thường không nuôi mèo để rồi sau này có những gợi ý nào để tác giả hình thành truyện Cô Mèo Lên Cõi Trời.
Từ phải: Tác giả Elizabeth Coatsworth và 2 bìa khác nhau của 2 lần tái bản “The Cat Who Went to Heaven.”
Tiểu sử kể rằng, vào năm 1929, nhà văn Coatsworth kết hôn với nhà văn Henry Beston, người mà bà có hai con gái, Margaret và Catherine. Họ sống ở Hingham, Massachusetts, và Chimney Farm ở Nobleboro, Maine. Con gái của bà, Kate Barnes (1932–2013), sẽ tiếp tục thành công trong lĩnh vực văn chương theo cách riêng của mình, được tấn phong làm Poet Laureate (Nhà thơ được chính quyền bổ nhiệm để sáng tác trong các sự kiện đặc biệt) đầu tiên của tiểu bang Maine. Nhà văn Elizabeth Coatsworth qua đời tại nhà riêng ở Nobleboro, vào ngày 31/8/1986. Bà để lại nhiều tác phẩm, nhưng nổi bật nhất là cuốn tiểu thuyết trung thiên “The Cat Who Went to Heaven” và cuốn này được tái bản nhiều lần, được soạn thành nhạc kịch, và cốt truyện được chuyển thành phim hoạt họa.
Tác phẩm “The Cat Who Went to Heaven” lấy bối cảnh ở Nhật Bản vào thời rất là xa xưa, kể về một họa sĩ nghèo tới mức nhiều lúc không một xu dính túi, và về một cô mèo tam thể mà cô quản gia của họa sĩ mang về nhà. Dĩ nhiên là truyện hư cấu, nhưng cũng dựa trên một số nguồn văn học cổ. Cốt truyện được cho là dựa trên một câu chuyện dân gian Phật giáo cũ, và bao gồm, bên cạnh đó, một đoạn kể ngắn về cuộc đời của Đức Phật và những câu chuyện ngắn gọn về một số kiếp trước của Đức Phật là động vật, như trong các câu chuyện Jataka (Bản Sanh). Tác phẩm có tám chương, ở cuối mỗi chương trong số tám chương là một trong những bài hát của nàng quản gia, tức là một bài thơ ngắn, mang lời bình luận sâu sắc của cô quản gia về những gì đang xảy ra.
Một hôm, chàng họa sĩ nghèo Nhật Bản gửi cho cô quản gia vài đồng xu nhỏ để mua thức ăn. Thay vào đó, cô mang về nhà một con mèo từ ngôi làng, giải thích lý do mang mèo về vì ngôi nhà của chàng họa sĩ đang “cô đơn.” Chàng họa sĩ không hài lòng với việc đưa cô mèo vào nhà, vì chàng đang đói. Họa sĩ nói rằng anh bây giờ không thể nhớ bánh gạo có hương vị như thế nào, và nói rằng mèo là thứ quỷ quyệt. Tuy nhiên, họa sĩ cũng được an ủi phần nào khi nhận thấy rằng bộ lông trắng của con mèo thực sự có một vùng ba màu, và ba màu như thế được coi là màu may mắn. Việt Nam mình gọi là mèo tam thể.
Thế rồi dần dà, cô mèo làm họa sĩ thân thiện hơn, thương cảm hơn, và chàng đặt tên cho mèo này là “May mắn” hay “Điềm lành” ("Good Fortune"). Vào bữa sáng, chàng họa sĩ nhận thấy rằng con mèo dường như đang bày tỏ lòng kính trọng đối với hình ảnh của Đức Phật, và chàng mới nhớ rằng chàng đã thiếu cầu nguyện vì những khoảng thời gian khó khăn mà chàng đã trải qua. Tội nghiệp, chủ đói, thế nên mèo cũng đói. Thế rồi, chàng nhìn thấy cô mèo đói ăn của chàng chộp lấy một con chim nhỏ, và điều làm chàng kinh ngạc là, cô mèo sau đó nhẹ nhàng thả con chim nhỏ ra bay về thiên nhiên. Hóa ra, nàng mèo rất mực thiện lành. Chàng họa sĩ không ngờ cô mèo nhỏ ăn chay. Và cư xử cũng rất mực quý phái. Mèo tự rời khỏi phòng khi thấy chàng họa sĩ có vẻ cần trầm tư một mình, và trước khi rời phòng là sắp xếp ngay ngắn những thứ chung quanh có thể được.
Nghề vẽ tranh dĩ nhiên là đói thê thảm. Thế nhưng, một cơ may đã tới với chàng: các nhà sư tại một ngôi chùa địa phương tới thuê chàng vẽ một bức tranh. Các sư thuê chàng chỉ vì một lựa chọn huyền bí: họ đã đặt những mẩu giấy có ghi tên của nhiều họa sĩ khác nhau ngoài sân, và tờ giấy ghi tên chàng là tờ còn lại sau khi gió thổi bay đi những tờ khác. Các nhà sư muốn chàng họa sĩ phải vẽ một bức tranh về Đức Phật đang nằm trước khoảnh khắc nhập Niết Bàn, và xung quanh Đức Phật là nhiều con vật đến để tỏ lòng tôn kính với ngài. Chàng họa sĩ được trả một số tiền lớn như một khoản thanh toán đầu tiên, để chàng "an tâm" – nghĩa là, sẽ có gì làm ấm bụng để ngồi vẽ.
Trong thời gian vẽ tranh, chàng họa sĩ đã tư duy, đã cân nhắc bố cục tranh, đã suy tính về màu sắc, đã thiền định về cuộc đời của Đức Phật và những kiếp trước của Đức Phật, để có thể vẽ chân thực từng phần của khung cảnh.
Vào cuối quá trình vẽ tranh, sau khi vẽ nhiều loài động vật khác nhau vào tranh, chàng họa sĩ nhận ra rằng con mèo của mình, nàng mèo mà bây giờ chàng coi là một sinh vật thực sự cao quý, không thể được phép xuất hiện trong bức tranh. Câu chuyện kể rằng niềm tin truyền thống vào thời đó của xã hội Nhật Bản cho rằng mèo là thứ quỷ quyệt, bị cho là vì lòng kiêu căng và tự cao đã xui khiến mèo từ chối cúi đầu trước Đức Phật khi ngài còn sinh tiền, và điều này có nghĩa là mèo không thể tới gần khi Đức Phật nhập Niết Bàn. Do đó, suy nghĩ phổ biến là không con mèo nào có thể lên được cõi trời, nơi phải có thiện hạnh mới đủ phước đức mà lên. Dĩ nhiên, thời Đức Phật cũng có nhiều Fake News như thời chúng ta bây giờ, và loài mèo đã xui xẻo bị các dư luận viên cuồng nhiệt chụp mũ. Vì thực tế không có Kinh Phật nào nói như thế, trong khi chúng ta nơi đầu bài này đã dẫn ra một phẩm trong Kinh Milinda Vấn Đạo nói về phẩm tính tốt của mèo.
Khi bức tranh sắp hoàn thành, cô mèo “May mắn” dường như nhìn thấy và cô lộ vẻ buồn bã phản đối việc không có con mèo nào trong bức tranh. Vô cùng xúc động trước nỗi đau của cô mèo, cuối cùng chàng họa sĩ đã vẽ một con mèo nhỏ màu trắng, tuy nhiên, biết rằng điều này có thể khiến các nhà sư không hài lòng. Khi thấy nét vẽ của chàng họa sĩ đã cho mèo vào tranh, cô mèo “May mắn” chết vì sung sướng. Bên mộ nàng mèo là cây đào, với một cành đào treo chuông; người quản gia hát rằng cô mèo có thể nghe thấy tiếng chuông đang hát “Hãy vui lên!”
Bức tranh được chuyển đến ngôi chùa, được vị sư Trú trì khen ngợi hết lời cho đến khi nhà sư nhìn thấy một con mèo trong mép họa phẩm. Lúc đó, vị sư từ chối tranh hoàn toàn và nói ý định đốt tranh, rồi sẽ thuê họa sĩ khác vẽ. Thế rồi, một phép lạ xảy ra. Và đúng là một phép lạ.
Vị sư trú trì tới than phiền chàng họa sĩ, nói rõ với chàng rằng danh tiếng của chàng sẽ bị hủy hoại vì bức tranh này, vì nhà sư sẽ đốt bức tranh, sau đó sẽ tìm một họa sĩ khác để vẽ một bức tranh khác. Nói xong, nhà sư bước ra. Chàng họa sĩ lặng người. Thế rồi đột nhiên có nhiều tiếng náo động từ hướng ngôi chùa. Có vẻ như dân làng đang rủ nhau tới chùa để xem gì đó. Cô hầu gái nói với chàng họa sĩ rằng hãy cùng đến chùa nhanh lên, xem chuyện gì náo động lớn như thế.
Chàng họa sĩ theo đám đông đến ngôi chùa. Câu chuyện kỳ diệu là, ở nơi bức tranh của chàng. Các nhà sư kể rằng, họ đốt bức tranh của chàng, vì không chấp nhận hiện tượng phạm thánh là trong tranh vẽ Đức Phật lại có một con mèo. Các nhà sư kể lại, khi đốt tranh, lửa cháy phừng phựt, tro bụi bay lên trời cao và rồi tro bụi lại kết hợp với nhau và lại trở thành một bức tranh nguyên vẹn, chỉ khác một chút.
Chàng họa sĩ nhìn vào bức tranh của anh, nhìn vào vị trí nơi chàng vẽ con chó và đã thấy con chó ở đúng chỗ, nhưng con mèo ở mép tranh biến mất rồi. Chàng họa sĩ nhìn vào Đức Phật đang nằm giữa tranh, thấy Đức Phật thò dài tay ra, nơi lòng bàn tay của Đức Phật là con mèo. Trong tranh, cô mèo “May mắn” nằm trong lòng bàn tay của Đức Phật và đang nhìn về hướng khuôn mặt Đức Phật một cách thành kính. Như thế bây giờ, mèo là con vật trong tranh ở vị trí gần Đức Thế Tôn nhất.
Bạn có thể xem tóm lược truyện này chuyển thể thành vở nhạc kịch cho trẻ em với video dài 2:06 phút:
Nhưng, có thật là nền văn hóa cổ của Nhật Bản có thành kiến với loài mèo? Có lẽ không. Thêm nữa, một nhà sư luôn luôn nuôi dưỡng lòng từ bi, sẽ không kỳ thị sân si với bất kỳ một sinh vật nào, nói chi tới loài mèo được nhiều gia đình Nhật Bản nuôi trong nhà như thú cưng. Có thể là tác giả đã hư cấu chi tiết này để hiển lộ lòng từ bi của Đức Phật đối với cả các sinh vật từng tai tiếng quỷ quyệt gây rối như mèo?
Có một đồ chơi nổi tiếng của Nhật Bản có tên là Maneki-neko, dịch sang tiếng Việt là “con mèo vẫy tay” có hình tượng một chú mèo màu vàng hay trắng đưa tay lên vẫy. Các pho tượng mèo nhỏ này có một bàn chân mèo giơ lên, đôi tai nhọn màu đỏ, được dân gian tin tưởng từ nhiều thế kỷ là chú mèo Maneki-neko mang lại may mắn và thịnh vượng.
Có một truyền thuyết khởi đầu với một con mèo được sinh ra tại ngôi chùa Gōtoku-ji (Hào Đức Tự) ở quận Setagaya, Tokyo trong thời kỳ Edo (1603–1868). Theo các nhà sử học của ngôi đền, trong khi đi săn bằng chim ưng, lãnh chúa Ii Naotaka đã được cứu khỏi một loạt tia sấm sét khi con mèo cưng Tama của sư trụ trì tới, ra hiệu cho nhóm quan chức chạy vào chùa Gōtoku-ji.
Biết ơn con mèo vì đã cứu mạng mình, lãnh chúa đã phong nó làm người bảo trợ cho ngôi đền, nơi nó được tôn kính trong chính ngôi đền của mình kể từ đó. Ngày nay, khu đất yên tĩnh của Gōtoku-ji được điểm xuyết bằng hàng nghìn bức tượng mèo vẫy gọi với nhiều kích cỡ khác nhau. Du khách đến để xem hàng đàn mèo trắng—thường có hình dạng giống mèo đuôi ngắn Nhật Bản, một giống mèo thường xuyên xuất hiện trong văn hóa dân gian địa phương—và để cầu may mắn. Các bức tượng có thể được mua tại chùa và thường được để lại như một món quà, mặc dù nhiều người mang chúng về nhà làm kỷ niệm.
Chưa hết, lại có thêm truyền thuyết khác, cho thấy dân tộc Nhật Bản thực sự ưa thích mèo, chứ không kỳ thị. Nơi gần Asakusa, Tokyo, truyền thuyết kể về chú “mèo may mắn” của Đền Imado, một biến thể của mèo vẫy tay ngồi nghiêng và đầu hướng về phía trước. Năm 1852, một bà lão sống ở Imado nghèo đến nỗi không thể nuôi con mèo cưng của mình được nữa và buộc phải thả nó đi. Đêm đó, con mèo xuất hiện trong giấc mơ của bà cụ và nói: “Nếu cụ bà làm búp bê theo hình ảnh của tôi, tôi sẽ mang lại may mắn cho cụ bà.”
Theo chỉ dẫn của con mèo, bà lão làm những bức tượng nhỏ từ đồ gốm Imado-yaki và đến đền thờ để bán chúng ở cổng. Chú mèo đã giữ lời hứa và những bức tượng nhỏ bằng gốm nhanh chóng trở nên nổi tiếng, giúp bà lão thoát khỏi cảnh nghèo khó. Cùng năm đó, nhà in nổi tiếng Hiroshige Utagawa đã minh họa những con mèo được bán ở chợ trong bản in khắc gỗ nổi tiếng của ông – và các bản in gỗ từ đây là hình ảnh mèo may mắn lâu đời nhất được biết đến.
Bất kể huyền thoại của các bức tượng mèo là gì, có một điều chắc chắn là: Những con mèo mang lại may mắn. Lý do cho sự phổ biến của chúng dường như được liên kết với lịch sử: năm 1602, một sắc lệnh của nhà cầm quyền đã thả tự do cho tất cả mèo ở Nhật Bản, nhằm tận dụng khả năng tự nhiên của mèo để kiểm soát dịch hại, đặc biệt là trong cộng đồng trồng dâu nuôi tằm.
Nơi đây, chúng ta nhìn thấy sức mạnh của nghệ thuật chỉ nằm trong tình yêu thương. Từ nét vẽ của chàng họa sĩ nghèo, cho tới tiểu thuyết hư cấu của nhà văn Elizabeth Coatsworth, cho tới những huyền thoại truyện cổ tích về loài mèo… Tất cả đều ngợi ca lòng từ bi với chúng sinh, đều trân trọng với những cảm xúc dù là mong manh tới đâu. Niềm vui khi thấy được vẽ vào tranh Phật đã làm cô mèo của chàng họa sĩ chết vì tràn ngập hạnh phúc. Thế giới này tương liên và tương tác với nhau. Trong niềm vui và nỗi buồn, tất cả chúng sinh đều không dị biệt nhau.
Bìa khác nhau của 3 lần xuất bản, tái bản “The Cat Who Went to Heaven.”
Trong tranh bên trái, cô mèo nằm mép bức tranh. Tranh bên phải, mèo nằm gần Đức Phật nhất. Hình lấy từ video nhạc kịch cho trẻ em.
Các pho tượng mèo Maneki-neko mang lại may mắn và thịnh vượng.