https://drive.google.com/open?id=1m9Y_jTYRDrvoxUBPIKeIakCh46T0P2jI
Orange County Celebrates Entrepreneurship
“Stories of New Venture Creation”
Upcoming Community Events and Resources
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Văn Hóa Online-California
Chào năm mới 2020
Giáo sư Trần Anh Tuấn:
Học giả Hà Văn Thùy:
Nhà báo Lý Kiến Trúc:
- Zen. Tuổi trẻ, và ... thời đại của tôi
- Thanh minh Thiền viện, HT Quảng Độ và Lý Kiến Trúc
Văn Hóa Online-California Khai Bút Đón Giao Thừa
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Đọc Xưa&Nay năm 2019
Trần Anh Tuấn
Sống ở hải ngoại, tôi biết đến Xưa&Nay trong một dịp tình cờ cách đây 25 năm, chính xác là tháng 11 năm 1995.
Nguyên một giáo sư người Nga, Anatoli A. Sokolov, chuyên viên văn hoá và lịch sử Việt Nam năm ấy đến đại học Berkeley nghiên cứu, có nhờ người trung gian để tiếp xúc với tôi. Trong khi trao đổi, giáo sư Sokolov tình cờ hỏi tôi đã đọc tạp chí Xưa&Nay, cơ quan ngôn luận thứ hai của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, mới xuất bản mà ông khen là có giá trị chưa. Tôi ngạc nhiên vì đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên Tạp Chí, nên chỉ còn biết lắc đầu một cách ngượng ngùng.
Tôi đến với Xưa&Nay trong hoàn cảnh ấy. Dĩ nhiên sau đó tôi tìm đọc Tạp Chí từ số đầu chưa đánh số và đến tháng 7.1997, gửi cho Tổng Biên Tập một lá thư dài nhận xét về "8 điều đáng tuyên dương" và "8 điều cần phải cải tiến" qua 39 số Xưa&Nay đã phát hành.
Năm 2019 Tạp Chí ra được nhiều số đặc khảo. Trong kỹ thuật làm chuyên san, đặc khảo về một chủ đề chứng tỏ sự chuyên sâu của nội dung và sự phong phú của thành phần cộng tác viên.
Trong 12 số, Xưa&Nay có tới sáu số -tức một nửa số phát hành toàn năm- là những số đặc khảo, gồm số 503 đặc khảo Tết, số 504 đặc khảo cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, số 508 đặc khảo Phú Yên, số 510 đặc khảo Hoàng Sa&Trường Sa và Nguyễn Hùynh Đức, số 513 đặc khảo Hội An, và số 514 đặc khảo Bến Tre và phong trào Đồng Khởi.
Bìa tạp chí Xưa&Nay số Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Ảnh do tác giả cung cấp.
Nội dung như thế cũng có nghĩa là Hội Đồng Biên Tập đã tận tâm tận lực gây dựng cho giá trị của Tạp Chí ngày một cao thêm.
Tổ chức của Tạp Chí qua 25 năm tồn tại chỉ có một Tổng Biên Tập. Đó cũng chính là yếu tố cần thiết cho sự nuôi dưỡng và trưởng thành của một sản phẩm tinh thần, dẫn xuất từ sự nhất quán của tổ chức và uy tín cùng khả nămg của nhân sự.
Tổ chức của Xưa&Nay hiện đã mở rộng sự cộng tác với giới nghiên cứu quốc tế. Tôi thấy các tác giả trong năm 2019 có người từ Canada như Vĩnh Sính, từ Nhật như Kikuchi Seiichi, từ Pháp như Đinh Trọng Hiếu, Andrew Hardy, và Dominique Wolton, từ Đức như Nguyễn Tiến Hữu, từ Mỹ như Nguyễn Tuấn Khanh. Riêng tôi ở California cũng đã góp mặt ba lần trong các tháng 2, 7, và 8.
Nội dung Xưa&Nay năm qua đặc biệt có nhiều bài liên quan đến thư-tịch-học là ngành quan trọng vì lẽ đơn giản là không có tài liệu thì không có lịch sử!
Như bài Henri Oger và bộ Kỹ Thuật của người An Nam của Tam Hữu trong số 506, bài Những bài viết của Nguyễn Văn Tố trên tạp chí Thanh Nghị của Trần Thị Thanh Huyền trong số 507, bài Tạ̣p chí Dân Việt Nam Le Peuple Vietnamien năm 1948-1949 của Ngô Thế Long và bài Di sản văn hoá Hán Nôm tại làng Tây Hồ của Nguyễn Văn Cương và Nguyễn Văn Khánh trong số 509, bài Lược đồ 400 năm nghiên cứu Việt Nam của các học giả nước ngoài của Đoàn Lê Giang trong số 511, bài Cổ thư được chuyển lên Đà Lạt trong những năm 1960 của Nguyễn Huy Khuyến và Lương Thị Hải Văn và bài Quảng Tập Viêm Văn sách tổng hợp về văn hoá xã hội thế kỷ XIX của Tôn Thất Thọ trong số 512, bài Sự hình thành và phát triển khu phố cổ Hội An của Kikuchi Seiichi và bài Những tư liệu quý hiếm về Hội An và Đàng Trong... tại bang Bavaria (Đức) của Nguyễn Tiến Hữu trong số 513, bài Một góc nhìn về tính cách của Phan Thanh Giản qua một số tác phẩm của ông của Nguyễn Đông Triều trong số 514.
Giá trị nội dung phải kể bài Triều Mạc ở Cao Bằng (1592, 1593-1677) của Đặng Đức Thi trong số 505, ngắn, nhưng rất đầy đủ. Hay bài Chính sách của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đối với phong trào đấu tranh của Fulro (1958-1969) của Phạm Thúc Sơn tổng kết chính sách của chính phủ VNCH khi khai thác tài liệu văn khố của Nguyễn Trắc Dĩ, ngòi bút thẩm quyền nhất về Thượng Vụ thời VNCH. Hay bài Việc cải cách Nội các triều Bảo Đại năm 1933 của Trần Sĩ Huệ trong số 503 ghi lại diễn tiến rất chi tiết và sống động. Hay bài Sự chỉ đạo của vua Tự Đức về việc biên soạn Việt Sử của Đặng Đức Thi trong số 508 khai thác các dụ chỉ và châu phê để phân tích rồi tổng hợp vai trò chỉ đạo của Tự Đức trong việc biên soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, thường gọi tắt là bộ Cương Mục. Hay bài Vai trò của người Nhật ở thương cảng Faifo-Hội An (cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII) của Trần Văn An trong số 513 chứng minh người Nhật -chứ không phải người Tàu- là những thương nhân đầu tiên kích hoạt hoạt động mậu dịch ở Hội An.
Nội dung lý thú vì đề tài độc đáo có bài của Võ Hà về Vài nét về công tác quản lý nước mắm tại Việt Nam qua các thời kỳ trong số 509, bài của Nguyễn Tiến Hữu về Những vụ loạn luân hợp pháp trong lịch sử trong số 511, và bài của Đặng Thị Vân Chi về Phong trào tẩy chay Hoa kiều ở Việt Nam năm 1919 trong số 512.
Hình chụp minh họa giá trị có thể kể hình chụp năm vị tân thượng thư trong chính phủ Bảo Đại năm 1933, hình vua Duy Tân năm 1907 và Đề Thám cùng các cháu trong số 505, hình phái bộ Phan Thanh Giản ở Pháp năm 1863 trong số 506, và hình Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức trong số 510.
Độc giả cũng phải ngậm ngùi khi đọc bài của những tác giả mà tên được đóng khung - có nghĩa là họ đã mãn phần- như Võ Nguyên Giáp, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Đào Hùng, Ngô Văn Quỹ, Vĩnh Sính... Có người số tháng 3 còn nguyên tên, đến tháng 6 tên đã phải đóng khung, như Đặng Đức Thi, hay Hà Văn Tấn tháng 7 còn nguyên tên, đến tháng 12 tên đã phải đóng khung!
Đuốc đã trao cho thế hệ nghiên cứu mới!
Ngành sử học trong nước vì thế, phẩm và lượng tốt hơn hay không phải chờ thời gian mới có câu trả lời cụ thể và chính xác được.
Trở lại với nội dung cuả 12 số Xưa&Nay năm 2019, tôi chỉ đặt vấn đề với hai bài. Đó là bài của tác giả Nguyễn Q. Thắng và bài của tác giả Trần Việt Dũng.
Bài Hoàng Xuân Hãn nhà Việt Nam học lớn của Nguyễn Q. Thắng được đăng trong số 503. Tác giả đã hết lời ca tụng Hoàng Xuân Hãn, là nhà Việt Nam học lớn mà tác phẩm của cụ là di sản đồ sộ của tòa lâu đài văn hóa Việt Nam...
Không ai phủ nhận sự thông minh và sự chăm chỉ cần cù nơi trường ốc của Hoàng Xuân Hãn. Cũng không ai phủ nhận thành tích học vấn xuất sắc hầu như không có người Việt nào khác sánh được với cụ.
Trong tiền bán thế kỷ XX, thi vào một đại học lớn của Pháp đã khó lắm, vậy mà Hoàng Xuân Hãn đã vào và tốt nghiệp không chỉ một mà ba trường lớn của Pháp tại thủ đô Paris là trường École Normale Supérieure (Cao Đẳng Sư Phạm, tốt nghiệp ra Thạc Sĩ), trường Polytechnique (Đại Học Bách Khoa), và trường Pont et Chaussées (Cầu Cống).
Khi làm Bộ trưởng bộ Giáo Dục-Mỹ Thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim, cụ chỉ đạo công cuộc soạn thảo chương trình trung học chuyển ngữ tiếng Việt để thay thế chương trình Pháp tại Việt Nam, thường gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn. Khi đất nước qua phân, cụ nhiệt tình cộng tác với Tập san Sử Địa xuất bản tại Sài Gòn suốt những năm 1966 (số 1, số đầu tiên) cho đến năm 1975 (số 29, số cuối cùng).
Nhưng tôi không quên một hai sự kiện liên quan đến cụ.
Một là khả năng Hán văn. Thủa nhỏ khi cụ học vỡ lòng ở nhà, cụ học chữ Hán vì thân sinh cụ xuất thân tú tài Hán học. Nhưng ngay từ bậc tiểu học thì cụ đã học trường Pháp Việt. Trung học thì cụ học trường Bưởi và Lysée Albert Sarraut đều là chương trình Pháp, và đỗ tú tài Pháp năm 1928. Lên cấp đại học thì cụ học ba đại học tại Pháp.
Thử hỏi thời gian đâu mà cụ có thể dùi mài cho tinh thông chữ Hán? Chính trong bài tựa sách La Sơn Phu Tử (Paris, nxb Minh Tân, 1952), cụ cũng đã thành thật nêu rõ, nguyên văn: "Trong lúc viết sách này, nếu không có thân phụ tôi và nhiều cụ túc nho giúp sức, thì sự khảo cứu của tôi cũng không công hiệu."
Có người chia sẻ trực tiếp với tôi là sự am hiểu chữ Hán của Hoàng Xuân Hãn có vẻ bị giới hạn nên cụ có sai lầm trong nghiên cứu. Người đó không ai khác hơn là nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Duy Chính hiện ở Nam California, người đã xuất bản mười (10) tác phẩm về thời Tây Sơn do khả năng khai thác tài liệu bằng chữ Hán. Mười tác phẩm ấy đã được bốn (4) nhà xuất bản trong nước in ấn, là nxb Khoa Học Xã Hội, nxb Văn Hoá Văn Nghệ, nxb Hội Nhà Văn, và nxb Hà Nội.
Đó là những sử phẩm Thanh Việt Nghị Hoà (2015, 388 tr.), Thanh Việt Chiến Dịch (2016, 544 tr.), Phái Đoàn Đại Việt và Lễ Bát Tuần Khánh Thọ của Thanh Cao Tông (2016, 484 tr.), Khâm Định An Nam Kỷ Lược (2016, 624 tr.)...
Sách của Nguyễn Duy Chính khi ra mắt ở Sài Gòn thì có Phó Chủ Tịch Hội KHLSVN Nguyễn Thị Hậu giới thiệu. Khi ra mắt ở Hà Nội thì có sự tham dự của Phan Huy Lê, Tạ Ngọc Liễn...
Theo dõi khả năng chữ Hán của Nguyễn Duy Chính, tôi đọc thấy một nhận định chính xác của ông trong lời Mở Đầu bản dịch Đại Việt Quốc Thư (2016, 408 tr.). Đó là khi ông nhận định bản dịch Đại Việt Quốc Thư xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn "... nhiều chỗ tối nghĩa, thiếu chính xác không phải vì ngữ nghĩa mà vì dịch giả không nắm vững một số điển lệ Trung Hoa (TAT nhấn mạnh)."
Chính vì tin tưởng vào khả năng Hán văn của Nguyễn Duy Chính, tôi đã đề nghị từ lâu với ông là nhặt ra những lỗi về chữ Hán của Hoàng Xuân Hãn trong các sách của cụ, rồi in ấn phổ biến để độc giả hậu sinh ý thức những sai sót của người trước. Hy vọng công tác quan trọng này sẽ sớm được hoàn thành.
Hai là về nhân cách của kẻ sĩ theo truyền thống từ ngàn xưa. Hoàng Xuân Hãn thực ra là một trí thức Tây học nên cụ xa lạ với tiết tháo của kẻ sĩ Đông phương.
Cụ là người phù thịnh.
Trong suốt thời gian kéo dài từ năm 1951 cho đến năm 1975, cụ không hề có liên lạc văn hóa gì ngoài Bắc. Tình cảm hướng về miền Nam của cụ lộ rõ qua những bài nghiên cứu sử học dài hàng đôi ba chục trang viết tay một cách cẩn trọng, chữ nhỏ, rõ, và đẹp chỉ để gửi cho Tập san Sử Địa ở Sài Gòn.
Nhưng Sử Địa không phải là cơ quan văn hoá duy nhất cụ cộng tác với miền Nam. Trước Sử Điạ, thư mục Hoàng Xuân Hãn do học giả Tạ Trọng Hiệp, môn sinh đắc ý và gần gũi nhất của cụ ở Paris, soạn thảo cho thấy cụ cộng tác với Viện Đại Học Huế để viết bài cho tập san Đại Học ngay từ năm 1959 và gửi nhà xuất bản Đại Học Huế in quyển Bích Câu Kỳ Ngộ năm 1964. Cụ viết cho tạp chí Bách Khoa năm 1962 và Phổ Thông ở Sài Gòn năm 1965. Cụ còn có bài cho tập san Vạn Hạnh của Viện Đại Học Vạn Hạnh ở Sài Gòn năm 1966. Chỉ từ năm 1966 khi Sử Điạ ra đời thì cụ mới chuyên viết cho tập san này mà thôi.
Vậy mà sau tháng Tư năm 1975, cụ tiếp cận và thân thiết với chính quyền mới ngay.
Đầu tiên, cụ khai bút năm Bính Thìn 1976 trong báo Đoàn Kết số 183 xuất bản ở Paris ngày 21.2.1976 với hai câu thơ, nguyên văn: "Hoà bình trở lại nước nhà, Xâm lăng quét sạch, chánh tà phân minh..." (ghi lại trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Tập I, trang 387). Lời thơ thật mạnh mẽ và xác quyết, nhưng như vậy là trong hơn 15 năm (1959-1975), cụ đã bỏ "chánh" để theo "tà" khi đất nước chia thành Bắc và Nam sông Bến Hải!
Rồi cụ chính thức xuất hiện trong nước năm 1977 với bài gửi đăng trong Tạp chí Văn Học xuất bản tại Hà Nội. Quan trọng nhất là nội dung thư chúc Tết Bính Tý 1996 cụ gửi thủ tướng Phạm Văn Đồng mà cụ thân mật gọi bằng bí danh "Anh Tô." Trong thư, cụ ca tụng "Anh Tô," nguyên văn: "Nước ta chỉ có hai cuộc giải phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh."
Đây là một nhận định lịch sử độc đáo của người từng là tác giả của những sử phẩm có giá trị khoa học như Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử, hay Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo. Tiếc thay, nhận định của cụ lại trái ngược với nhận định của một đảng viên cao cấp Đảng Cộng Sản Việt Nam là Võ Văn Kiệt khi cố thủ tướng nước CHXHCNVN chia sẻ biến cố 30.4.1975 làm "triệu người vui và triệu người buồn."
Viết ra những dòng chữ này, tôi không vui gì hết! Cụ Hoàng Xuân Hãn chính là thần tượng của tôi khi tôi còn là sinh viên ngành Sử trong thập niên 1960 tại Sài Gòn. Nhưng trong nghề Sử, tôi không thể giữ cho riêng mình những gì tôi biết về cụ.
Tôi cũng không có ý so sánh vị học giả lão thành với người hậu sinh hậu học. Nhưng đây là trường hợp học hiểu Hán văn của hai hướng khác nhau nên trình độ cũng khác nhau. Hoàng Xuân Hãn tự học Hán văn với mục đích hiểu và phân tích những văn bản cổ do người Việt để lại. Nguyễn Duy Chính, ngược lại, tự học để trau dồi khả năng Hán văn sao cho tinh tường, chi li đến cả điển lệ trong cung đình để hiếu đúng và hiểu sâu ngữ nghĩa trong từng ngữ cảnh.
Còn nội dung chính của số đặc khảo Hoàng Sa&Trường Sa năm 2019 là sự xác định chủ quyền của Việt Nam qua thư tịch cổ. Đây không phải là công việc thừa của giới nghiên cứu. Nhưng số phận của những hải đảo này đã và đang bị ngoại xâm xâm chiếm liên tục từ năm 1974 đến nay thành ra phản ứng của giới nghiên cứu chưa đủ. Người ta trông chờ các giới chức khác nhập cuộc một cách cụ thể và hữu hiệu để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ do tiền nhân để lại.
Ở đây, tôi muốn phân tích bài Giá trị pháp lý của công thư năm 1958 liên quan đến chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học Luật Huế tức giáo sư Trần Việt Dũng trong số 510.
Nội dung của bài do giáo sư Dũng viết là pha những sự kiện lịch sử lẫn với thông tin tuyên truyền sai sự thật.
Sự kiện lịch sử thứ nhất mà tác giả ghi nhận là chủ quyền của hai quần đảo đã được quốc tế công nhận trong bốn văn kiện pháp lý quốc tế gồm Tuyên bố Cairo năm 1943, Tuyên ngôn hội nghị Postdam năm 1945, Biên bản hội nghị San Francisco năm 1951, và Tuyên bố cuối cùng của hội nghị Genève năm 1954.
Sự kiện lịch sử thứ hai mà tác giả nêu lên là, vì thế, tuyên bố của chính phủ nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ngày 4.9.1958 là một tuyên bố, nguyên văn trong bài viết: "đơn phương với nội dung xuyên tạc trái ngược với những chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý và đặc biệt trái ngược với những văn kiện pháp lý quốc tế từ trước và sau chiến tranh thế giới lần thứ 2."
Sự kiện lịch sử thứ ba là, nguyên văn trong bài viết: "Do đó, bất cứ văn bản nào ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng không có giá trị pháp lý..."
Đã nêu lên được ít nhất ba sự kiện có giá trị chân xác, tiếc thay, tác giả ngay sau đó đi vào ngành thông tin tuyên truyền mà tôi tưởng đã tuyệt chủng rồi, khi nền sử học Việt Nam ra biển lớn để góp mặt với năm châu bốn biển.
Thứ nhất, tác giả dựa vào sự ngắn gọn của văn bản để thông tin sai lạc là thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến tên hai quần đảo trong công hàm ngày 14.9.1958 nên không hề có sự kiện nhường Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Viết như thế là tác giả đã coi thường độc giả của Xưa&Nay, là đọc mà không hiểu nghĩa!
Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng có nội dung nguyên văn được chép lại trong bài viết là: "Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc quyết định về hải phận của Trung Quốc."
Ghi nhận và tán thành một bản tuyên bố nghĩa là ghi nhận và tán thành những gì mà nội dung bản tuyên bố ấy chứa đựng, chứ còn gì khác nữa?!
Vậy tuyên bố của chính phủ nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc được tác giả chép lại trong bài viết chứa đựng những gì? Thưa, nó khẳng định Hoàng Sa của Việt Nam là Tây Sa của Trung Quốc, và Trường Sa của Việt Nam là Nam Sa của Trung Quốc!
Thử hỏi nếu công hàm 14.9.1958 không có nghĩa nước VNDCCH quyết định nhường hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, thì tại sao sau ngày công hàm được gửi cho Chu Ân Lai, Tổng lý Quốc vụ viện, sách giáo khoa điạ lý trong các trường học trong nước có bản đồ nước Việt đã thay địa danh Hoàng Sa và Trường Sa thành địa danh Trung Quốc hết?!
Bằng chứng thứ hai là Tập Bản Đồ Thế Giới do Cục Đo Đạc và Bản Đồ trực thuộc phủ thủ tướng nước VNDCCH phát hành tháng 2.1972 đã thay tên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành tên Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc!
Tập Bản Đồ Thế Giới do Cục Đo Đạc và Bản Đồ trực thuộc phủ thủ tướng nước VNDCCH phát hành tháng 2.1972 ghi Hoàng Sa là Tây Sa và Trường Sa là Nam Sa. Nguồn BBC / Tài liệu VH.
Quan trọng hơn nữa, tác giả phân tích luật pháp nước VNDCCH để xác định thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên văn là: "Thủ tướng không có tư cách pháp lý thay mặt nhà nước, thay mặt chính phủ..."
Tôi thật tiếc cho thủ tướng Phạm Văn Đồng nay đã không còn để chất chính sự sai trái của thế hệ con cháu.
Tác giả Trần Việt Dũng sinh ra, lớn lên, và làm đến giáo sư đại học Luật Khoa trong chế độ Chủ Nghĩa Xã Hội chẳng lẽ không biết nguyên tắc tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách của chế độ hay sao? Ký một văn kiện quan trọng liên hệ đến lãnh thổ quốc gia, thủ tướng họ Phạm đã nhân danh cả một chính phủ chứ có phải nhân danh cá nhân ông đâu. Văn kiện vì thế, chính là kết quả của những cuộc họp thảo luận, phân tích, và cuối cùng là quyết định của chính phủ, kể từ Chủ Tịch nước xuống đến các thành viên của chính phủ.
Vì bài vở mà nội dung có vấn đề như trên, tôi mong Hội Đồng Biên Tập của Xưa&Nay lưu ý xét duyệt bài gửi đăng để bảo vệ và duy trì tính khoa học của một tạp chí chuyên môn, dù Xưa&Nay chỉ có mục đích phổ cập lịch sử trong đại chúng, khác với tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Hội Khoa Học Lịch Sử có tính cách hàn lâm.
Bìa tạp chí Xưa& Nay với nhiều chủ đề, trong đó có bài "Nỗi buồn cổ vật" của tác giả Trần Anh Tuấn. Ảnh do tác giả cung cấp.
Tôi cũng muốn có một đề nghị với Toà Soạn Xưa&Nay là, theo nguyên tắc của tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử đã áp dụng̉ xưa nay, nên ghi một hai chi tiết của tất cả những tác giả nào có bài đăng. Tình trạng giới thiệu người này mà không giới thiệu người kia là một sự đãi ngộ không bình đẳng. Độc giả sẽ có cảm tưởng chiếu trên chiếu dưới như làng xã thủa xa xưa trong thời vua quan phong kiến.
Lấy một thí dụ. Trong số 504, Xưa&Nay giới thiệu bốn (4) tác giả, gồm Trần Đức Cường là PGS.TS, Vũ Dương Ninh là GS. NGND, Vũ Minh Giang là GS.TSKH, và Trần Anh Tuấn là từ Hoa Kỳ. Nhưng có tới mười một (11) tác giả khác không được một lời giới thiệu, gồm Nguyễn Minh Tường, Hoàng Phương Mai, Lưu Anh Rô, Lương Văn Thiết, Huỳnh Công Tín, Trần Văn An, Đoàn Lô Giang, Đổng Thành Danh, Lê Hồng Khánh, Đình Hy, và Trần Thị Thanh Vân.
Cuối cùng, một ưu điểm nữa của Xưa&Nay cần ghi nhận là phần Tin Tức cuối mỗi số. Tiết mục này cung cấp thông tin về sinh hoạt Sử Học trong cả nước - có khi cả sinh hoạt quốc tế liên hệ đến Việt Nam - rất hữu ích vì cần thiết, giúp độc giả cập nhật kiến thức về một ngành chuyên môn trong nước.
Trần Anh Tuấn
Xuân Canh Tý
1.2020
CÙNG TÁC GIẢ:
Trần Anh Tuấn: Những món quà tinh thần từ chuyên san Xưa&N
Sử gia Trần Anh Tuấn "phê phán" Sử gia Tạ Chí Đại Trường
Sử gia Trần Anh Tuấn "nhận xét" Sử Gia Tạ Chí Đại Trường
Sử gia Trần Anh Tuấn: "Nhận định về sử gia Tạ Chí Đại Trường"
Trần Anh Tuấn: "Thêm một Ấm Rồng Chu Đậu"
Gs Trần Anh Tuấn: Về chuyện phê bình sách trên Amazon.com
Gs Trần Anh Tuấn: "Một trường hợp mất gốc"
Trần Anh Tuấn: Hồi ký Một Người Mất Ngày Tháng của nhà văn Nhã Ca
Trần Anh Tuấn đọc Chinh Chiến Điêu Linh của phóng viên Kiều Mỹ Duyên
Gs Trần Anh Tuấn: Về sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hoà
Trần Anh Tuấn: Một tác phẩm mới về trống đồng Đông Sơn
Trần Anh Tuấn: "Nỗi buồn cổ vật"
Trần Anh Tuấn: "Mẫu vẽ của Phố Phái"
Gs Trần Anh Tuấn: Nhân kho báu triều Nguyễn...
Gs Trần Anh Tuấn: Trở lại chuyện hỏng thi thời VNCH
Trần Anh Tuấn: Vài hình ảnh tháng Tư 1975
Gs. Trần Anh Tuấn: Về bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử Học Hà Nội
Gs. Trần Anh Tuấn: "Không có tài liệu, không có lịch sử"
Gs. Trần Anh Tuấn: Thiệp Tết, một thế kỷ sau
Gs. Trần Anh Tuấn: Đĩa "Ngũ Hạc Tề Phi"
Gs. Trần Anh Tuấn: Chúng ta thấy gì, qua những lần Việt Nam Sử Lược được tái bản trong nước?
Gs Trần Anh Tuấn: Về bộ thông sử A Story of Viet Nam của Gs Trương Bửu Lâm
Ts Trần Anh Tuấn, Ts Nguyễn Thanh Liêm, Ts Trần Huy Bích, Ls Đoàn Thanh Liêm, Sử gia Nguyễn Văn Lục, Ts Mai Thanh Truyết
Trần Anh Tuấn: Bưu ảnh 13 thủ cấp có phải là các anh hùng VNQDĐ hay không?
Tính cách chuyên nghiệp trong nghề Sử
Về bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử Học Hà Nội
Tác phẩm mới về trống đồng Đông Sơn
...
XEM THÊM:
‘Bằng chứng của TQ vô giá trị’
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Kiêu ngạo và Sụp đổ
(Suy ngẫm về Tiền sử người Việt của G.s Trần Quốc Vượng)
Hà Văn Thùy
Cuốn Lịch sử Việt Nam, nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2012, Giáo sư Phan Huy Lê chủ biên, Giáo sư Trần Quốc Vượng viết chương I Thời Tiền sử trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong ba trang 19, 20, 21, tác giả dẫn tài liệu mang tính “giáo khoa thư” của thế giới về lịch sử hình thành loài người theo học thuyết Darwin. Tiếp đó ông trình bày quá trình tiến hóa của Người vượn ở Đông Nam Á bắt đầu bằng Eugene Dubois năm 1887 tại Sumatra đến Franz Weidenreich năm 1937 với người Bắc Kinh. Là người theo Thuyết Đa vùng của nguồn gốc loài người (Multiregional hypothesis), ông thừa nhận: “Đối với châu Á, Homo erectus Chu Khẩu Điếm được coi là cội nguồn của đại chủng Mongoloid, còn Homo erectus Java thì tiến hóa qua dạng người Ngandong để trở thành Australoid. Sau đó loại hình Mongoloid dần dần đẩy lùi người Australoid ở Đông Nam Á. Còn ở châu Âu thì Homo erectus phát triển qua người Neanderthal để trở thành tổ tiên của người châu Âu hiện đại.”
Kết thúc phần này, ông viết: “Trong những năm gần đây, các nhà sinh học phân tử đã sử dụng phương pháp nghiên cứu DNA trong đó loại gen di truyền sinh học xác định sự biến đổi của DNA với một tốc độ không đổi, tạo ra một loại “đồng hồ phân tử”…
Với phương pháp này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng tất cả các con người hiện đại đều sinh ra từ một tổ tiên chung ở châu Phi trong khoảng 200.000 năm trước. Tuy nhiên, tư liệu hóa thạch người dường như lại không ủng hộ cho quan điểm một trung tâm phát sinh người duy nhất này.”
Về Người vượn trên đất Việt Nam, tác giả cho rằng: “Người vượn đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng nửa triệu năm cách ngày nay. Chúng ta có thể xem đây cũng là thời điểm mở đầu cho lịch sử Việt Nam…
Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy công cụ lao động của Người vượn Thẩm Khuyên. Trong một số di tích được xem là niên đại sơ kỳ đá cũ Việt Nam lại không có tài liệu địa tầng, không có di cốt người và động vật. Tuy nhiên vẫn có ý kiến muốn liên hệ chúng với di tích Người vượn Thẩm Khuyên và xem đó là giai đoạn “thái cổ” ở Việt Nam, tương đương với Người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus pekinensis) và Người vượn Java (Pitecanthropus).”
“Lịch sử tiến hóa liên tục từ Người vượn đến Người khôn ngoan (Homo sapiens) giai đoạn sớm và sau đó là Người khôn ngoan giai đoạn muộn tại Việt Nam còn được phát hiện ở các địa danh Thẩm Ồm (Nghệ An) và Hang Hùm (Yên Bái). Những người khai quật Thẩm Ồm định niên đại cho các hóa thạch phát hiện ở đây là từ 140.000 đến 250.000 năm cách nay (trang 28).”
Ba trang sách toát lên ba điều:
1. Đó là lối viết của bài nghiên cứu mà không phải bút pháp dùng cho sách sử. Đối với sử gia, mọi bàn luận chỉ diễn ra bên ngoài còn trong tác phẩm phải là những kết luận xác thực.
2. Một phong cách tư biện chủ quan không dựa trên cơ sở khoa học: “chưa tìm thấy công cụ lao động, không có tài liệu địa tầng, không có di cốt người và động vật” vẫn suy đoán chúng thuộc Người vượn Thẩm Khuyên rồi đưa vào chính sử!
3. Tài liệu tác giả dẫn ra quá cũ nên lạc hậu so với thực tế khoa học. Đúng là giai đoạn đầu nghiên cứu nguồn gốc loài người, khoa học đi qua những bước như vậy. Tuy nhiên, ở thập niên 1970 thế kỷ XX khảo cổ học phát hiện sự thật khác. Đó là, 250.000 năm trước, người Đứng thẳng Homo erectus tuyệt diệt trên đất liền châu Á. Cốt sọ Ngandong 200.000 năm tuổi là dấu vết cuối cùng của Người đứng thẳng trên các đảo Đông Nam Á (1). Trong khi đó, những cốt sọ người hiện đại Homo sapiens xuất hiện rất muộn: tại Hang Niah 39.000 năm và xưa nhất là bộ xương người Lưu Giang Quảng Tây 68.000 tuổi! Như vậy, trên địa bàn châu Á, Người đứng thẳng cuối cùng sống cách Người hiện đại đầu tiên hơn 130 năm, khiến cho ít nhất hơn trăm năm châu Á vắng bóng người! Thực tế này đã phủ nhận việc Người đứng thẳng Homo erectus chuyển hóa thành người hiện đại homo sapiens trên đất châu Á. Đó chính là chiếc đinh đầu tiên đóng xuống quan tài Thuyết Đa vùng của nguồn gốc loài người.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng ở đấy.
Ngày 29 tháng Chín năm 1998, sau nhiều năm làm việc với Dự án Đa dạng di truyền dân cư Trung Quốc, bằng tài trợ của Quỹ phát triển Khoa học tự nhiên Trung Quốc, Y.J. Chu Đại học Texas và cộng sự công bố trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) thông tin gây chấn động: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện đầu tiên ở châu Phi 160-180.000 năm trước và 70.000 năm trước theo ven biển Ấn Độ Dương tới Việt Nam.” (2)
Sang đầu thế kỷ XXI, Spencer Wells của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (3) rồi Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford (4) công bố những nghiên cứu không chỉ ủng hộ kết luận của Y.J. Chu mà còn cụ thể, xác thực hơn, khẳng định nguồn gốc châu Phi của loài người. Cũng thời gian này, nghiên cứu di truyền học xác nhận, trong bộ gen con người ngày nay chỉ có từ 1 đến 2% gen của Người đứng thẳng. Điều này chứng tỏ, Người đứng thẳng chỉ là họ hàng xa mà không phải tổ tiên chúng ta.
Hệ quả tất nhiên là: không có chuyện chuyển hóa từ loài Homo erectus sang Homo sapiens! Những khám phá trên là những cái đinh cuối cùng đóng xuống quan tài Thuyết Nhiều vùng. Tiếc rằng do không cập nhật thông tin, tới năm 2005, trong công văn phản đối Tiến sỹ Marc Oxenham của Đại học Quốc gia Úc cho rằng “nông nghiệp được đưa từ phía Bắc xuống,” Giáo sư Trần Quốc Vượng vẫn khẳng định: “Việt Nam ủng hộ thuyết Nhiều vùng.”(5)
Trong khi đó, tiếp cận thông tin về cuộc du hành của di dân châu Phi tới Việt Nam, năm 2001, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiệp và Luật sư Cung Đình Thanh công bố những nghiên cứu đầu tiên về đề tài con người từ châu Phi di cư tới Việt Nam trên tạp chí Tư tưởng ở Australia.
Đầu năm 2005, kết hợp thông tin từ công trình của Y.J. Chu và nhiều tư liệu khác, Hà Văn Thùy viết và công bố trên BBC tiếng Việt chuyên luận tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa. Tiếp đó, cho in Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2006), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (Văn học, 2011).
Từ chứng cứ vững chắc của di truyền và khảo cổ học, những cuốn sách cho thấy: 70.000 năm trước, người Homo sapiens từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Sau khi tăng nhân số, người từ Việt Nam đi ra chiếm lĩnh thế giới, làm nên phần lớn nhân loại. Người Việt đi lên Hoa lục, làm nên dân cư và văn hoá Trung Quốc. Tiếng Việt là chủ thể của tiếng nói Trung Hoa. Chữ Việt là chủ thể làm nên chữ viết Trung Hoa… Điều này khẳng định: lịch sử Việt Nam được bắt đầu từ 70.000 năm trước!
Tiếc rằng Giáo sư Vượng qua đời hơi sớm nên không được biết tới lịch sử vĩ đại của dòng giống mình. Nhưng không hiểu tại sao, cộng sự của giáo sư không chỉ cho in những trang sách quá đát của ông vào năm 2012 mà thậm chí tới năm 2017, Giáo sư Phan Huy Lê còn cả quyết: “Thời tiền sử của người Việt Nam kéo dài tới 800.000 năm trước!” (6) Dù là thuyết một vùng hay nhiều vùng thì đó cũng là của phương Tây. Việc gì phải “kiên định giữ gìn” để đến nỗi “bảo hoàng hơn vua?!”
Một tiểu tiết nhưng không thể không nói vì nó bộc lộ sự thiếu chuẩn mực tri thức.
Trong sách của mình, Giáo sư Vượng gọi Homo erectus là Người đi thẳng! Nhân học thế giới không hề có thuật ngữ vô nghĩa như vậy! Liệu có Người đi ngang không? Nhân học gọi Homo erectus là người đứng thẳng (standing upright man), là người đi bằng hai chân, để phân biệt với những hominin đi bốn chân. Tiếc rằng sai lầm đó lại được sao chép tràn lan trong nhiều bộ sách sử, khiến học thuật Việt Nam lạc lõng trước thế giới!
Tôi tự hỏi, vì sao vị giáo sư mà mình kính trọng lại có những lầm lẫn đáng tiếc như vậy? Phải chăng, ngoài việc thiếu tri thức cơ bản về sinh học còn nguyên nhân quan trọng là sự chủ quan do bệnh kiêu ngạo cộng sản?
Khi nghe thế giới nói người Homo sapiens xuất hiện 200.000 năm trước ở châu Phi, đáng lẽ phải tìm mọi cách để kiểm chứng thông tin mới, thì ông lại tự bằng lòng vì lý do quá ư tư biện: “Tuy nhiên, tư liệu hóa thạch người dường như lại không ủng hộ cho quan điểm một trung tâm phát sinh người duy nhất này.” Người có kiến thức cơ bản về di truyền học sẽ không nói như vậy. Bởi lẽ, hồ sơ hóa thạch là chắp vá và không hoàn hảo. Số đo sọ (metric) chỉ thể hiện những tính trạng bên ngoài - phenotype. Còn gen phản ánh những yếu tố bên trong, thuộc về bản thể chủng loại - genotype. Vì vậy thông tin của gen là quyết định.
Jared Diamond tác giả những cuốn sách lừng danh: Loài tinh tinh thứ ba; Súng, thép và vi trùng… cả quyết: “Những gì thuộc về con người mà không được di truyền học xác nhận đều không đáng tin.”
Do chủ quan, bất cẩn, giáo sư Vượng dễ dàng và đơn giản bỏ qua khám phá mang tính cách mạng của thế giới, để tự giam mình trong tri thức đã bị thải loại. Sự bất cẩn của ông thầy đầu đàn dẫn giới sử học Việt Nam lạc đường. Không chỉ là nền tảng của cuốn sách này, “công trình” của Giáo sư Vượng còn đặt cơ sở cho cuốn sách 15 tập của Viện Sử học và cả “cuốc sử” 35 tập của Hội Sử học sắp ra đời! Lịch sử là hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Một khi nhận thức sai về chủ thể của lịch sử thì mọi sách lịch sử viết ra đều vô giá trị.
Với sự thật về người Việt được khám phá như vậy, cái gọi là Thời Tiền sử trên lãnh thổ Việt Nam do Giáo sư Trần Quốc Vượng dóng dựng đã sụp đổ. Trong lịch sử của mọi quốc gia, thời Tiền sử là nền tảng. Một khi nền móng sụp đổ sẽ dẫn tới tàn hủy cả một nền sử học!
Hà Văn Thùy
Sài Gòn, khai bút năm Canh Tý.
Tài liệu tham khảo:
- Đó là thông tin từ thế kỷ XX. Nhưng tài liệu mới nhất vào tháng 12 năm 2019 cho thấy, tuổi của sọ Ngandong từ 117.000 tới 108.000 năm trước.
“Tuổi của sọ Ngandong cũng cho thấy mạnh mẽ rằng Homo erectus có thể đã bị tuyệt chủng, ít nhất là ở Indonesia, rất lâu trước khi loài của chúng ta đến được nơi này. Các nhà thám hiểm Homo sapiens phiêu lưu nhất có lẽ ở đâu đó quanh Levant hoặc Bán đảo Ả Rập vào thời điểm đó và đã không đến được các hòn đảo ở Đông Nam Á cho đến khoảng 73.000 năm trước.”
The last days of Homo erectus
https://arstechnica.com/science/2019/12/the-last-days-of-homo-erectus/ - Y.J. Chu et al. Genetic relationship of populations in China https://www.pnas.org/content/95/20/11763.short
- Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey ... - Amazon.com https://www.amazon.com › Journey-Man-Genetic-Odyssey
- Stephen Oppenheimer. THE PEOPLING OF THE WORLD - HUMANKIND'S GLOBAL MIGRATION. http://www.bradshawfoundation.com/stephenoppenheimer/index.php
- BBC Vietnamese. https://www.bbc.com › story › 2005/03 › interviewweek112005
- Trang Thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 22.2 năm 2017 (http://www.tuyengiao.vn/Home/khoahoc/97096/Giao-su-Phan-Huy-Le-Nhan-thuc-ve-lich-su-can-toan-bo-va-toan-dien)
CÙNG TÁC GIẢ:
Hà Văn Thùy: Thư gởi Gs. Lương Đình Vọng
Hà Văn Thùy: Góp phần giải mã di cảo của Sử gia Tạ Chí Đại Trường
Hà Văn Thùy: Trao đổi tiếp với Gs Phan Huy Lê về Sử Việt
Hà Văn Thùy: Trao đổi với Gs Phan Huy Lê về Sử Việt
Hà Văn Thùy: Triết lý Giáo dục cho Việt Nam
Hà Văn Thùy: Mấy Ý Kiến Về Hai Nghiên Cứu Gen Việt Nam Mới Công Bố
Hà Văn Thùy: Cần viết lại lịch sử phương Đông và Việt Nam?
Hà Văn Thùy: " Trí tuệ Việt ở đâu?"
Hà văn Thùy: Đã tới lúc khẳng định nguồn gốc của An Dương Vương
Hà Văn Thùy: Tìm hiểu nguồn gốc của quan niệm Đồng Bào
Hà Văn Thùy: "Nhìn lại việc đánh giá Triệu Đà..."
Hà Văn Thùy: Con người rời khỏi Châu Phi khi nào?
Hà Văn Thùy: "Về hiện tượng Keith Weller Taylor"
Hà Văn Thùy: Kiến nghị nghiên cứu và viết lại lịch sử Việt Nam
Hà Văn Thùy: "Nhìn lại việc đánh giá Triệu Đà..."
Hà Văn Thùy: Việt Nam có bị Hán hóa?
Hà Văn Thùy: THÊM MỘT LẦN BUỘC PHẢI TRANH BIỆN VỚI GS KELLEY
Hà Văn Thùy: Việt Nam có bao nhiêu dân tộc?
Hà Văn Thùy: Việt Nam có bao nhiêu dân tộc?
Hà Văn Thùy: "BA LẦN ĐAU ĐẺ CỦA CHÚA"
Hà Văn Thùy: Một cách lý giải khác về Vương quốc Phù Nam
Hà Văn Thùy - Tao Babe: Khám phá chữ Lạc Việt tại Quảng Tây
Hà Văn Thùy: Chữ Nôm sáng tạo hay tối tạo?
Hà Văn Thùy: Bài thơ "Người chăn vịt"
Hà Văn Thùy: Tranh luận với Triết gia François Jullien
Hà Văn Thùy: Người Lạc Việt là chủ nhân Kinh Dịch
Hà Văn Thùy: Lời ai điếu cho một thời "Tứ Trụ"
Hà Văn Thùy: Phê bình Học gỉa Phan Khôi
Hà Văn Thùy: Những vấn đề nền tảng của Lịch sử Việt Nam
Hà Văn Thùy: Việt cổ: Cái Nôi Của Văn Minh Châu Á
Hà Văn Thùy: Sách Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử
Hà Văn Thùy: Những vấn đề của Phật giáo VN
Kỷ niệm lên Mười - Trung tâm Minh Triết (2007-2017)
Hà Văn Thùy: VỀ CUỐN SÁCH “THE GENESESIS OF EAST ASIA, 221 BC. – AD. 907”
Hà Văn Thùy: Thư gởi Gs. Lương Đình Vọng
Hà Văn Thùy: Yêu cầu VINMEC rút lại tuyên bố sai lầm về nguồn gốc người Việt
Hà Văn Thùy: Thêm một lần buộc phải tranh biện với Gs. Kelley
Hà Văn Thùy: Thư gởi GS. Nguyễn Minh Thuyết hai chữ "tích hợp"
Hà Văn Thùy phản biện các tác giả khẳng định người Việt bị Hán hóa từ 800 năm trước
Hà Văn Thùy: Phê bình bài "Đôi điều về Văn Hóa VN" của Sử gia Trần Quốc Vượng
Hà Văn Thùy: Vì sao Học giả phương Tây nói tiếng Việt mượn 70% ngôn ngữ Hán
Đọc Sách Nhà Nước Xích Quỷ Từ Huyền Thoại Tới Hiện Thực
Lần Thứ Ba Thưa Chuyện Với Ông Tạ Chí Đại Trường
Ra khỏi Việt Nam chiếm lĩnh thế giới
Ghé Nhìn “Cửa Sổ” Danh Sư Hà Văn Tấn*
Phải Chăng Di Truyền Học Bất Lực Trước Việc Khám Phá Lịch Sử Dân Cư Đông Á?
“Trần Ngọc Thêm và điều kiện tệ hại của học giới Việt Nam”
Di Cảo Của Nhà Sử Học Tạ Chí Đại Trường
Bộ Giáo dục không hiểu chức năng của môn Sử
Về pho tượng nàng Mỵ Châu cụt đầu
Bản Đồ Gen Về Sự Đa Dạng Sinh Học Dân Cư Châu Á*
Di Cốt Người Hiện Đại Homo Sapiens Ở Maroc Nói Lên Điều Gì?
Tranh luận học thuật:Tộc Việt và tộc Hán khác nhau hay giống nhau?
Di Chỉ Cồn Cổ Ngựa Và Vấn Đề Tiền Sử Người Việt
Trao đổi với Gs. Phạm Việt Hưng về bài "Sự sống, một thiết kế vĩ đại"
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Lý Kiến Trúc
thơ
Tôi sợ nhất độc thoại
Tôi sợ nhất cách mệnh độc thoại
Nhưng vẫn phải nghe và nhìn
Tôi sợ nhất chính trị độc thoại
Nhưng vẫn phải nghe và nhìn
Tôi sợ nhất độc thoại mấy chục năm qua
Nhưng vẫn phải nghe và nhìn
Mấy chục năm qua Cách mệnh và Chính trị độc thoại
Nhưng vẫn phải nghe và nhìn
Tôi sợ nhất tiếp tục nghe và nhìn mấy chục năm nữa
Nhưng vẫn phải nghe và nhìn
Tôi sợ nhất Bônsơvích thủ tiêu Trotskyism Mensơvích và ngược lại
Nhưng vẫn phải nghe và nhìn
Tôi sợ nhất Cộng sản thủ tiêu Quốc gia và ngược lại
Nhưng vẫn phải nghe và nhìn
Tôi sợ nhất giai cấp Tư bản tiêu diệt Vô sản và ngược lại (*)
Nhưng vẫn phải nghe và nhìn
Tôi sợ nhất câu kinh nhật tụng nhật tân nhật nhật tân
Nhưng vẫn phải bình sinh tận tâm tận lực.
(*) Nhà phê bình Thiếu Sơn viết về lãnh tụ Đệ tứ Việt Nam Tạ Thu Thâu: Không ai phủ nhận được tấm lòng yêu nước của ông, chẳng những yêu nước mà còn hy sinh cho nước. Chỉ có điều khác là nói tới nước, ông liền nghĩ tới dân, thứ nhất là dân vô sản. Còn những ông XY thì chỉ nói tới giang sơn gấm vóc, để nghĩ ngay đến những gấm vóc che phủ nơi nhà các ông, mà không cần biết tới những kẻ khố rách, áo ôm là đa số đồng bào ruột thịt của mình. (wikipedia)
- Ngày 7 và 8 tháng 9 năm 1945, một số thành viên Trotskyist cùng tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia một cuộc tấn công đẫm máu nhưng bất thành nhằm vào các thành viên Việt Minh ở Cần Thơ. Họ tổ chức một cuộc biểu tình của khoảng 20.000 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với các khẩu hiệu "Võ trang quần chúng chống thực dân Pháp. Tẩy uế các phần tử thúi nát trong ủy ban Hành chánh Nam bộ". Việt Minh huy động lực lượng Thanh niên Tiền phong bắn vào đoàn biểu tình khiến nhiều người chết và bị thương.
Ngay sau đó, Dương Bạch Mai tống giam những người Trotskyist tại Sài Gòn. Binh lính Anh tìm thấy họ đêm 22/9/1945 và giao nộp cho người Pháp.[2] Sau khi được thả, những người Trotskyist tổ chức tấn công quân Anh, Pháp theo lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu đứng đầu. Trong một đợt tổng rút quân của lực lượng kháng chiến Nam Bộ giữa tháng 10/1945, Đảng cộng sản Đông Dương đã truy lùng, bắt giữ và hành quyết một cách có hệ thống khoảng 20 lãnh đạo phe Trotskyist trong đó có Phan Văn Hùm, một lãnh đạo có uy tín của phe Trotskyist. Những nhân vật chính yếu của Cộng sản Đệ Tứ như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch bị Việt Minh giết. Hoạt động của Cộng sản Đệ Tứ tại Việt Nam xem như chấm dứt năm 1946. Những thành viên Trotskyist khác phải nương tựa Hòa Hảo và các đảng phái quốc gia khác ở Đồng bằng sông Cửu Long.
- Theo một nhà nghiên cứu Sử ở California; Thứ nhất, họ (nhóm Đệ tứ Việt Nam) không bị bắt mà hội ý nhau rồi quyết định ra trình diện theo như thông báo của Ủy Ban Kháng Chiến Nam Bộ của nhóm Trần Văn Giàu, dù họ chấp nhận trình diện là chết. Tất cả họ bị thủ tiêu ở Phan Thiết. Số người bị hại trên 40 chứ không phải chỉ 20 như trong chú thích. Thứ hai, Thật khó hiểu cho quyết định mù quáng của nhóm Trốt-kít trong thời kháng Pháp ở miền Nam. Nhưng chính trị và những sự kiện lịch sử trong công cuộc kháng chiến chống Pháp rất phức tạp và còn nhiều bí ẩn.
- Tới nay, tuy không có tranh cãi về việc mặt trận Việt Minh sát hại Tạ Thu Thâu, vẫn còn nghi vấn về lệnh giết từ đâu đến.
- Nhà sử học Daniel Hémery cho rằng Việt Minh đã ám sát ông.
- Trong buổi phỏng vấn ngày 25 tháng 6 năm 1946, Hồ Chí Minh đã trả lời đảng viên Xã hội Daniel Guérin về cái chết của Tạ Thu Thâu như sau: Ce fut un patriote et nous le pleurons... Mais tous ceux qui ne suivent pas la ligne tracée par moi seront brisés (Tạ Thu Thâu) là một nhà ái quốc, chúng tôi đau buồn khi hay tin ông mất... Nhưng tất cả những ai không theo con đường tôi đã vạch đều sẽ bị tiêu diệt.
- Nhóm Đệ Tứ Việt Nam cho rằng Tạ Thu Thâu bị Việt Minh bắt theo lệnh Trần Văn Giàu và bị giết theo lệnh của Giàu và Hồ Chí Minh. (wikipedia)
- Những người Trotskyist muốn thực hiện ngay lập tức một cuộc cách mạng xã hội và vũ trang quần chúng chống lại lực lượng Đồng Minh, còn Đảng cộng sản Đông Dương muốn thực hiện giải phóng dân tộc trước rồi làm cách mạng xã hội, đồng thời thỏa hiệp với Đồng Minh để giành độc lập từng bước.
(ct: đảng CSVN thỏa hiệp với Đồng Minh tùy theo từng thời kỳ; sau khi thỏa hiệp với Nga, Tầu, đánh nhau với Mỹ; tới nay, dư luận đòi hỏi đảng CSVN đã đến lúc thỏa hiệp với Mỹ để chống chủ nghĩa bành trướng Hán hóa của Bắc Kinh.)
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Thanh minh Thiền viện, HT Quảng Độ và Lý Kiến Trúc
11 July 2019: Trải qua dâu bể, hàng chục năm Thiền viện cửa sắt then cài, nay đã rộngmở, nhưng chùa đã có Trụ trì mới, đệ tử mới. Cả đời Thầy Quảng Độ hướng về Phật Pháp Tăng, sống chết với mảnh đất Giáo hội tự do miền Nam. 20 năm bị "quản chế" ở Thanh minh Thiền viện, Thầy như vị Bồ tát kim cang bất hoại thu hút hàng loạt chính khách, chính trị gia thế giới, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, thế giới lưu ý đến tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong nước, người ta sợ Thầy "đột quỵ" bất ngờ hoặc viên tịch tại Thiền viện, sinh ra to chuyện, nên họ mời Thầy về Thái Bình an dưỡng. Họ hàng nhà Từ đường của thầy ở Thái Bình thỉnh ý Thầy ở lại quê nhà, nhưng Thầy từ chối. Từ Thái Bình, Thầy trở lại Thiền viện, căn phòng nhỏ "quản chế" Thầy biến thành thư viện. Không còn nơi lưu trú, Thầy vân tập về một ngôi chùa Từ Hiếu nhỏ, khá xa trung tâm Sàigon làm nơi ẩn dật. Năm nay tuổi hạc Thầy đã ngoài 90.
Thanh Minh Thiền Viện và chân dung Hòa thượng Quảng Độ chụp năm 2019. Tư liệu của VH.
Năm 2000, Dân biểu Liên bang Ed Royce (trái) là chính khách đầu tiên ở Hoa Kỳ về Việt Nam tìm cách gặp Ht Quảng Độ. Ảnh cho thấy cuộc gặp gỡ bí mật với Hòa Thượng Thích Quảng Độ (giữa) tại Thanh minh Thiền viện. (Hình: Văn phòng Dân Biểu Ed Royce cung cấp).
Dân biểu Liên bang Loreatta Sanchez nói hôm 20/11/2011 trong buổi Đại lễ suy tôn Ht Quang Độ lên ngôi vị Đệ ngũ Tăng thống GHPGVNTN tại chùa Điều Ngự: "Tôi đã từng hân hạnh được diện kiến Hòa thượng Thích Quảng Độ".
Năm 2014, Nhà báo Lý Kiến Trúc đảnh lễ khấu đầu trước HT Thích Quảng Độ, vị lãnh tụ tôn giáo lớn của miền Nam Việt Nam trước và sau năm 1975 trên căn gác nổi tiếng "Giáo hội PGTNVN và nền tôn giáo chính trị VN", nằm sâu kín bên trong Thanh minh Thiền viện. Ảnh VH.
Nhà báo Lý Kiến Trúc phỏng vấn Ht Thích Quảng Độ, một thiền sư khổng lồ tại căn phòng nhỏ nổi tiếng trên gác Thanh Minh Thiền Viện - Saigon. Lần đầu tiên được thưa chuyện với Ngài hơn một tiếng, trước mặt Thầy là máy thâu băng và business card Lý Kiến Trúc; trước khi từ giã Thầy về Mỹ, nhà báo hỏi: "Xin Thầy cho biết về tương lai Việt Nam?" Thầy ngẫm nghĩ một lúc rồi chỉ tay lên trời nói: "Chỉ có trời cứu thôi con ạ!" www.nhatbaovanhoa.com
Ngày 04/5/2015: Các chính khách dân cử Hoa Kỳ về Việt Nam tiếp xúc với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Từ trái qua phải, Dân biểu Tom Emmer, Dân biểu Matt Salmon, và Dân biểu Alan Lowenthal lúc chia tay bên ngoài Thanh Minh Thiền Viện. (Hình: IBIB)
+++++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
(theo wikipedia)
Từ nhiệm và tái nhiệm
Năm 2013, Hòa thượng Thích Quảng Độ muốn tẩn xuất hòa thượng Thích Chánh Lạc khỏi giáo hội, và gọi vị này là tăng phạm trọng giới. Tuy nhiên nhiều thành viên như Thích Viên Định (viện trưởng Viện hóa đạo), Thích Viên Lý (Văn phòng II) không đồng ý, thậm chí còn muốn tôn Thích Chánh Lạc làm Cố vấn Văn phòng II, thay hòa thượng Phó Tăng thống Thích Hộ Giác mới viên tịch. Vì mâu thuẫn này nên ngày 10 tháng 8 năm 2013 hòa thượng Thích Quảng Độ ra thông báo Cáo bạch từ nhiệm, rời khỏi chức vụ Tăng thống. Tuy nhiên hai ngày sau ông chủ động tái nhiệm nắm giữ chức vụ Tăng thống.
Sau đó hòa thượng Thích Quảng Độ ra Giáo chỉ số 10 loại bỏ Thích Viên Định, Thích Viên Lý khỏi Viện hóa đạo và Văn phòng II. Những người bất mãn với giáo chỉ này đã tách khỏi Giáo hội và lập Tăng đoàn GHPGVNTN, tôn Thích Thiện Hạnh làm Thượng thủ, Thích Chánh Lạc làm Chủ tịch hội đồng giáo phẩm. Từ lúc này hòa thượng Thích Quảng Độ không còn vai trò với hầu hết các hoạt động.
Rời khỏi Thanh Minh thiền viện
Sau 20 năm lưu trú tại Thanh Minh thiền viện, cuối năm 2018, trụ trì của Thiền viện đã gây sức ép để ông phải rời đi. Ngày 15 tháng 9 năm 2018 hòa thượng Thích Quảng Độ phải rời khỏi thiền viện, tá túc tại một số ngôi chùa, và ngày 5 tháng 10 năm 2018 lên tàu về quê cũ ở Thái Bình. Đến ngày 18 tháng 11 năm 2018 thì ông trở lại Sài Gòn và đến tại chùa Từ Hiếu.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Zen. Tuổi trẻ, và ... thời đại của tôi
(nhớ hè 1972, 1974)
1.
Tuổi trẻ ... và thời đại của tôi
không chỉ là tiếng sét ái tình bất ngờ yêu
không chỉ là lạc thú ra vẻ tay chơi điệu nghệ
vênh váo gối đầu tàng kinh tích điển
nghiền ngẫm mớ chủ nghĩa giết người
ngấu nghiến luận đề văn chuơng loạn ngữ
yêu, ghét, hận, thù, trộn mộng tương lai
thời đại của tôi
sống, chết, buồn thiu trên chiến trường hắc ám.
2.
Tuổi trẻ ... và lính
đập đầu vào đá
bước vào cõi tử sinh
anh: lính Bắc
tôi: lính Nam
chúng ta là Lính
lính nào cũng là lính
lính đói triền miên
đói ngày đói đêm
đói kỳ về phép
tiền lương dành dụm
bánh quà cho Mẹ.
Lính một Mẹ trăm con
lính ngàn năm bóng tối
lính trăm năm nhục nhằn
lính thời kỳ đồ đá
lính thời kỳ lai căng
hai ta hai khẩu súng
súng bắn anh
chết trẻ trên chiến trường
súng bắn tôi
chết non ngoài trận địa.
Lính!
những con tim nồng cháy
mắt còn nguyên mù sương
tên lửa súng và bom
bão lửa pháo và mìn
chúng tha hồ dội xuống
vùng oanh kích tự do
nhiệm vụ tối cao của nó
thí nghiệm vũ khí tối tân (1)
đất này thật lý tưởng
tàn sát sinh lực và hủy diệt nhân tài.
3.
Tuổi trẻ ... và chiến
với những thằng bạn học
suốt ngày ngồi gục quán
học và ... hành thân xác kiếm cháo cơm
mài công ... danh phận gì sông núi
thức qua đêm banh con mắt vô hồn.
Ngày về rừng của những đứa con rừng núi
guốc mộc bước vào trận phiêu du mộng tưởng
đi về đâu những mơ ước huyễn hoặc hào hùng
thời buổi bây giờ một dzô bưng hai đăng lính
thằng dzô bưng, thằng đăng lính, thằng lý sự cùn
thằng trùm mền thằng phản chiến nhởn nhơ
thằng cơ hội đâm sau lưng chiến sĩ
đường ra trận (2) lùa tuổi trẻ vào lửa
đường Trường Sơn (3) huyết chiến hai lằn ranh
quốc và cộng xây vinh quang bằng máu
những viên đá lót hòa bình bằng xương
sẽ đến ngày sinh mệnh sôi sùng sục.
4.
Tuổi trẻ ... và mưu
bọn đế quốc âm mưu
rừng núi và đồi hoang
biển rộng và sông dài
sình lầy và ruộng lúa
thành phố và thôn quê
hai mùa trời mưa nắng
lãnh thổ chia lãnh địa
người Nam hận thù Nam
người Bắc hận thù Bắc
người Trung hận thù Trung
cả nước hận thù nhau
người thành kẻ sát nhân
một trận liệt tuyệt vời
cho sân chơi đế quốc.5.
Tuổi trẻ ... và khói
Nếm mùi vị chiến trường
trơ vơ tọa độ pháo
trơ trọi giữa bạt ngàn
bên này đồi chiến lũy
bên kia núi chiến hào
đại bác gầm trực xạ
pháo rít xé màn đêm
đại quân loang vết máu
bãi tai bèo nón sắt nát ngổn ngang
đuốc lân tinh trải thảm chín da người
trận địa điên cuồng hò xung phong sát sát
xáp lá cà giết giết, giết liên miên
ô, sao giết mãi mà bọn mày không hết!
tìm, diệt, và đếm xác
ô, sao giết mãi mà bọn tao vẫn còn!
Ê! bạn phải biết
trên mảnh đất đau khổ này
đã ngập xương và máu
"bắn tôi đi cho tôi chết nhẹ nhàng"
Gió hú hỏa châu chiêu hồn hồn tử sĩ
về đây! về đây! về bầu bạn với quân thù
những cuộc chiến của những anh hùng không thể thắng.
6.
Tuổi trẻ ... và nhớ
hình như năm nào đó
em phồn hoa tìm đến
cả bầu trời nức nở đón chân em
áo lượt là mây đông sà nòng pháo
sao trên rừng ngơ ngác tối cao nguyên
như lần đầu khờ khạo chạm môi em
súng biên thùy lắc lư đành thất thủ
lính đóng đồn vui như hội chùa Hương
bầy man dã ngẩn ngơ mơn người đẹp
lật chiến hào môi hồng nhạt vấn vương.
Quân đâu!
của cải rừng thiêng có gì ngon mang ra đãi
ai bảo rằng bọn lính rừng thiếu phong nhã hào hoa.7.
Tuổi trẻ ... và môi
chạm môi em. Lính rừng xanh
chao đảo đỉnh chòi canh
chạm môi em. Người rừng rú
áo hoa nhàu dã chiến
người em nhỏ. Nụ hôn non
mong manh vùng lửa đạn
đạn xé gió. Thủng con tim
trai tráng mộng ban đầu
hầm hố lạnh. Làm sao biết
nó chực chờ phía trước.
8.
Tuổi trẻ ... và đêm
thao diễn nghỉ
dưỡng quân trong vườn hoa và đại bác
mặc hỏa châu chiêu loang loáng hồn đêm
đường kiếm sĩ kinh hồn phường bạt tụy
mưa đầu mùa gọi gió đã phong sương.
Cái đêm hôm ấy… đêm gì (4)
đêm đại liên vãn chuyện với sao khuya
đêm lột khóm hoa đăng cởi yếm ngực tràn ánh sáng
anh hai mươi em mười tám mịn hồng căng cớn áo thơm thơ
ai cấm nổi ta mê nàng say đắm?
ai bắt ta mê đắm đắm say nàng?
Cái đêm hôm ấy
Ta đã đứng bên dòng sông khô héo Santa Ana
Mặc gió đông hơi tráng sĩ đâu là
Thả nỗi buồn giấc mộng mới xăm xa
Bên dòng nước ai là người nhớ nước. (5)
9.
Tuổi trẻ ... và
thời đại của tôi
chiến tranh, phiêu bạt, mộng tưởng.
Leo lên núi từ bi
quì trước cửa công đồng
chắp tay sám hối luân hồi luận
thấy ra
Sen Thiên Giới nở ngát Mạn Đà La. (6)
(trích từ tập thơ: Zen. Lính chiến và Tình yêu. LKT sắp xuất bản)
(1) Xem: Weapons Of The Field Artillery (1966)
The Screaming Eagles In Vietnam - The Big Picture Aug 30, 2011
https://www.youtube.com/watch?v=7o1MloQoRAQ&t=1285s
The Screaming Eagles In Vietnam - The Big Picture May 19, 2013
https://www.youtube.com/watch?v=9orXyXl21Vk
Xem Wikipedia: SAM-4: 2K11 Krug là một hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm xa và trần bắn trung và cao của Liên Xô (cũ) và Nga. "2K11" là tên định danh GRAU, tên ký hiệu NATO là SA-4 Ganef. Hệ thống này được thiết kế bởi NPO Novator và chế tạo tại Nhà máy chế tạo máy Kalinin Nga.
SAM-5: NPO Almaz S-200 Angara/Vega/Dubna, tên ký hiệu NATO SA-5 Gammon, là một hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) có tầm xa, trần bắn từ trung bình đến cao, được thiết kế nhằm bảo vệ các mục tiêu lớn khỏi các máy bay ném bom hoặc các máy bay chiến lược khác của phương Tây. Mỗi tiểu đoàn biên chế gồm 6 bệ phóng tên lửa đơn và đài radar điều khiển hỏa lực. Hệ thống phòng không S-200 còn có thể liên kết với các hệ thống radar tầm xa khác.
(2) lời ca khúc Trường sơn Đông Trường sơn Tây / Hoàng Hiệp, Phạm Tiến Duật.
(3) đường mòn hồ chí minh.
(4) tựa ký sự Phùng Gia Lộc, báo Văn Nghệ 1987.
(5) bài thơ đầu tiên của tác gỉa khi đến Mỹ - đông 12/1991 đăng trên báo NV 1992.
(6) Mạn Đà La còn gọi là hoa Mạn Đà (Mandharavas, Sen Thiên Giới, Hoa Vô Ưu)
Bên này đồi dã chiến,
Bên kia núi chiến hào. Photo Vietnam War.
++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Chân trần
Bỏ đôi dép đỡ đần vào bãi cỏ
Về với chân trần với đất đi em
Áo bà ba gợn sóng lũy tre xanh
Hương đồng nội trổ giàn hoa thiên lý.
Kìa đàn gà cục tác chui bờ giậu
Tan chợ chiều quẩy gánh gánh long đong
Này bờ ao, này mái giạ, này chuồng trâu
Bùng bếp lửa, đàn con, bữa cơm chiều vội vã.
Chùa ở đâu ngân nga chuông đến lạ
Bát nâu sòng nở rộ gánh hàng hoa
Trèo lên non lần xuống biển băng hà
Trầm diện bích tìm cho ra diệu ảo.
Chân đất ơi! chân lụy đời thế tục
Ta sẽ về giữa tối mật thinh không
Ta sẽ đến và gục đầu kính cẩn
Hôn chân người y hệt đất hôn chân.
(Riêng gởi về Biển trong sạch).
(trích từ tập thơ: Zen. Lính chiến và Tình yêu. LKT sắp xuất bản)
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Mùa Xuân đầu tiên
https://www.youtube.com/watch?v=BxkTYEuLDrE
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Orange County Celebrates Entrepreneurship
“Stories of New Venture Creation”
Upcoming Community Events and Resources
|
Fri, Jan 31, 1:28 PM (20 hours ago) |
|||
|
|
||||||||||
|
||||||||||
|
|