VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ NĂM 11 MAR 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)
Vài nhận xét về Tập San Việt Học
Trần Anh Tuấn
Tuy có liên hệ với Viện Việt Học ngay từ khi Viện hình thành, tôi không có dịp theo dõi sinh hoạt của Viện đã lâu. Mới đây khi liên lạc lại, tôi ngạc nhiên và thích thú về một sinh hoạt đặc thù của Viện, là sự hiện hữu của Tập San Việt Học trên mạng điện tử.
Vì thế, như một lời hoan nghênh anh chị em thiện nguyện giúp Viện sinh tồn và phát triển bấy lâu nay, và cũng là phản hồi trong tư cách của một độc giả, tôi muốn chia sẻ một vài nhận xét về nội dung của Tập San.
Trước hết, Tập San quy tụ được nhiều chuyên viên và học giả nổi tiếng.
Chuyên viên ngữ học và văn học có Đàm Trung Pháp, Nguyễn Văn Sâm, Sử học và Thư viện học có Lâm Vĩnh Thế và Lâm Văn Bé, Thổ nhưỡng học có Thái Công Tụng, Lúa gạo có Trần Văn Đạt, Ngữ học tiếng Việt có Tu Dinh và Vo Cao (?)... Thật khó có một tập san nào quy tự được nhiều chuyên viên và học giả như Tập San Việt Học.
Nhiệm vụ chủ biên được giao cho giáo sư Đàm Trung Pháp. Về chuyên môn, giáo sư Pháp tốt nghiệp tiến sĩ Ngữ Học Mỹ ngay từ năm 1964. Về chuyên nghiệp, ông dạy tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước năm 1975. Tị cư tại Mỹ thì ông giảng dạy tại đại học Texas Woman's College và về hưu với hàm giáo sư thực thụ năm 2012.
Ban Chủ Biên cũng là một sắp xếp tuyệt vời. Độc giả thấy rõ chủ trương của Viện, là không cần nhiều, nhưng cần phẩm chất. Chỉ vỏn vẹn có ba người trong Ban, nhưng là ba chuyên viên-học giả, khác họ và khác ngành đã đành, mà còn là sự hiện diện của đầy đủ ba thành phần đất nước, là Bắc (họ Đàm), Trung (họ Thái), và Nam (họ Nguyễn).
Đọc tác giả Đàm Trung Pháp, tôi thích bài Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam và nhất là bài Thứ tiếng Anh bất thường của tôi khi mới qua Mỹ du học thể hiện cung cách học sinh Sài Gòn thập niên 1950-1960. Tức là học văn chương thì phải viết sao cho bay bướm, sử dụng nhiều từ ngữ sao cho mới lạ có khi đánh đố cả thầy.
Là người say mê văn chương từ thủa bé và theo đuổi trường ốc cho đến bực học cuối cùng, tác giả họ Đàm viết về ngữ học và văn học Việt đã đành, mà còn dạy cả sinh viên Mỹ về văn phạm Anh văn. Rồi khảo về Truyện Kiều đã đành, ông khảo cả Chinh Phụ Ngâm và Đường thi của Tàu cùng Haiku của Nhật. Khảo nhà thơ Đinh Hùng, Nguyên Sa, Thanh Nam của Việt Nam, ông khảo tiếp nhà thơ Uhland và Goethe của Đức, Victor Hugo và Beaudelaire của Pháp, hay nhà thơ xứ lạ như Neruda của Chile.
Tuy mới tiếp cận trong một thời gian ngắn, tôi nhận thấy giáo sư Đàm Trung Pháp là một trí thức đúng đắn, người dung hợp tài tình cung cách nhà nho truyền thống với người tốt nghiệp đại học Mỹ. Ông có hai đức tính mà ít người có học vị cao có thể có, là tinh thần cầu toàn và phục thiện mà chính tôi đã từng chứng kiến.
Giáo sư Thái Công Tụng là chuyên viên thổ nhưỡng hàng đầu của VNCH trước năm 1975. Mục Môi Trường là nơi tác giả họ Thái tung hoành. Ông gốc miền Trung mà viết rất sâu sắc về miền Nam và miền Bắc. Ông không chỉ viết về chuyên ngành của mình, ngòi bút họ Thái còn vung ra nhiều thể loại, về cao nguyên, rừng núi, sông biển, về khí hậu, gió, mây.
Đặc biệt giáo sư Thái Công Tụng có bài về những đề tài gần gụi với nếp sống hàng ngày của người dân Việt, như trái cây, gia vị, bầu bí, cây chuối, bến đò... Ông còn chứng tỏ cung cách nho nhã và tài hoa khi viết về thi ca. Nhan đề Ngỡ lòng mình là rừng thật thú vị vì duyên dáng, nào kém Trịnh Công Sơn!
Sau cụ Đàm Duy Tạo trụ cột của mục Kiều Học là giáo sư Nguyễn Văn Sâm. Đến thế kỷ XXI mà Tập San có chuyên mục này là một điều đáng nể phục đối với những người tha thiết với văn học truyền thống, cố gắng lưu giữ giá trị tinh thần của dân tộc. Đây cũng là công cuộc gìn vàng giữ ngọc trong khi chính quyền hiện tại trong nước muốn xóa bỏ nguyên tác của văn hào Nguyễn Du.
Ngoài tác giả Nguyễn Văn Sâm, còn có nhiều tác giả khác, như Lưu Văn Vịnh, Xuân Bích, Trần Ngọc Ninh... cũng đóng góp tích cực trong mục này.
Bài Kể chuyện ngày xưa của tác già Nguyễn Văn Sâm là hồi ký về thời gian ông về Mỹ Tho dạy trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Chi tiết trong bài viết gợi lại trong tôi những kỷ niệm êm đềm nơi ngôi trường này.
Khi tốt nghiệp năm 1967, tôi không chọn Trịnh Hoài Đức, Bình Dương là trường gần Sài Gòn nhất, có thể đi đi về về trong ngày. Tôi chọn Nguyễn Đình Chiểu vì tôi là dân Bắc Kỳ Chín Nút, về dạy học tại ngôi trường lớn nhất và xưa nhất toàn miền Nam Kỳ Lục Tỉnh mới bảnh.
Mà bảnh thật.
Một buổi diễn thuyết cuối thập niên 1990 ở thành phố Oakland, Bắc California có ba diễn giả, là giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (cựu Thứ Trưởng Giáo Dục, đặc trách Trung Học), giáo sư Đỗ Bá Khê (cựu Thứ Trưởng Giáo Dục, đặc trách Đại Học Cộng Đồng) và giáo sư Trần Anh Tuấn (Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội East Bay Vietnamese Association và giáo sư Học Khu Thống Nhất Oakland). Hai giáo sư Liêm và Khê lần lượt tự giới thiệu là cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu. Đến lượt tôi, tôi cười cười tự giới thiệu ngay sau đó, còn tôi là cựu giáo sư NĐC. Cử tọa trong hội trường cười ồ vì sự trái ngược về vai trò và niên kỷ. Hai vị giáo sư lão thành thế hệ trước của tôi cũng cười vui. Sự thật mà!
Chuyên viên thư viện và sử học Lâm Vĩnh Thế có những bài rất tình cảm qua giọng văn thanh thoát và chân thành với chi tiết cụ thể dễ gây cảm tình với độc giả. Đó là những bài về địa phương chí vùng Đa Kao và Thủ Đức. Đó là những hồi ức khi đi chấm thi, hay nhớ thương thân nhân trong gia tộc.
Chuyến đi Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1980 là hồi niệm của một trí thức miền Nam với những người miền Bắc cho thấy hai giới trí thức Nam và Bắc không xung khắc nhau một khi đã có dịp thân gần, và một thực tế khá rõ là người miền Bắc phải sống hai mặt để sinh tồn.
Đóng góp lớn nhất của ngòi bút họ Lâm Vĩnh là bài Phát triển thư viện tại miền Nam trước 1975. Trong vai trò cựu Chủ Tịch Hội Thư Viện Việt Nam, giáo sư Lâm Vĩnh Thế cung cấp bản lược sử về ngành thư viện tại VNCH. Bài ngắn, nhưng đầy đủ dữ kiện về sự hình thành, tổ chức, nhân sự, và chương trình huấn luyện trong và ngoài nước. Nhiều chi tiết tỉ mỉ và rõ ràng.
Tuy nhiên, tựa đề của bài viết tôi thấy không chỉnh ở chỗ tác giả đứng trên quan điểm của miền Bắc mà nhìn vấn đề!
Trong vai trò thư-viện-trưởng thư viện Hội Société des Études Indochinoises (Hội Nghiên Cứu Đông Dương, cửa vào ngay đàng sau pho tượng Phật khổng lồ ở chính giữa Viện Bảo Tàng, trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn), tôi chỉ biết một người trong Hội Thư Viện của giáo sư họ Lâm Vĩnh là chị Nguyễn Thị Cút.
Trở lại với bài viết công phu của giáo sư Lâm Vĩnh Thế, tôi muốn cải chính chi tiết về trụ sở đầu tiên của thư viện Abraham Lincoln lúc đầu tọa lạc tại trung tâm thành phố Sài Gòn, bên cạnh rạp chiếu bóng Rex.
Không, trụ sở đầu tiên của thư viện Abraham Lincoln là ở ngã tư đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Du (tôi không nhớ rõ tên con đường này, nhưng đi thẳng đường này sẽ tới bệnh viện Grall của Pháp). Cửa vào xéo với hai mặt đường. Tôi nhớ rõ địa điểm này vì có một kỷ niệm nhớ đời. Nguyên trong phòng đọc sách có nhiều ghế bành bằng mây. Một hôm, tôi mặc quần short Hướng Đạo, ngồi đọc sách cứ thấy ngứa dưới đùi. Mải đọc, tôi chỉ lấy tay gãi. Khi thấy tay nhớp nhớp tôi mới nhìn xuống thì thấy có máu và mùi rất hôi. Vì là lần đầu tiên bị cắn, tôi không biết là con gì. Về nhà hỏi me tôi, mới biết đó là con rệp! (Trong gia đình, anh chị em chúng tôi gọi bố mẹ là ba và me.)
Đóng góp của chuyên viên sử học và thư viện học Lâm Văn Bé có chiều sâu, và mực thước của một nhà giáo cẩn trọng. Bài Diện mạo người Việt tại Canada là lược sử lập cư của người Việt bắt đầu ngày 6.5.1975 khi chiếc Air Canada đổ xuống phi trường Dorval hơn 100 người tỵ nạn. Bài kèm nhiều thống kê và bản đồ.
Bài Chánh sách khai hóa và khai thác của thực dân Pháp tại Nam Kỳ chính xác ở chỗ tóm gọn qua những chi tiết và số liệu cụ thể, minh chứng rõ sự kiện Pháp khai thác tài nguyên phong phú của miền Nam Kỳ Lục Tỉnh. Điểm đặc biệt của bài viết là trong phần kết luận, tác giả so sánh cách khai thác của thực dân Pháp trong thế kỷ XIX và cách khai thác của Cộng Sản trong thế kỷ XX lan sang XXI để thấy Cộng Sản tồi tệ hơn nhiều so với thực dân Pháp. Tác giả cũng nghiêm khắc phê bình quyển Chống xâm lăng: lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898 của một cán bộ Cộng Sản tên Trần Văn Giàu vì những sự kiện man trá, cổ xúy hận thù, và ngôn từ thô lỗ.
Giáo sư Lâm Văn Bé không phải là người xa lạ với tôi. Ông chính là hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu khi tôi biệt phái ngoại ngạch về lại Bộ Giáo Dục. Thủa ấy chúng tôi người Nam kẻ Bắc nên ít liên lạc.
Một kỷ niệm đáng nhớ là có lần tôi được/bị chỉ định thuyết trình trước hội đồng giáo sư về quốc sách chống Cộng sau giờ học. Lên bàn thuyết trình, tôi nói vỏn vẹn hai câu, là Chúng ta ngồi đây nói chuyện chống Cộng vô ích và mất thì giờ. Chi bằng chúng ta ra về sau giờ học, nghỉ ngơi và suy nghĩ những hành động chống Cộng cụ thể. Cám ơn quý vị. Nói xong, tôi đứng lên ra về. Giáo sư Lâm Văn Bé (hiệu trưởng) và Phạm Quang Minh (giám học) chưng hửng, nhìn tôi lắc đầu. Còn các giáo sư ngồi dưới hội trường bật lên ồn ào, vui cười hể hả. Không biết giáo sư Lâm Văn Bé còn nhớ chuyện cũ không, nhưng nay chúng tôi rất tương đắc và tương kính.
Chuyên viên quốc tế Trần Văn Đạt có cả một loạt bài về lúa gạo. Ông viết cả thảy sáu bài về lúa gạo trồng ở Việt Nam từ thời nguyên thủy đến hiện đại. Ông đã giải thích ngọn ngành, chi li, tỉ mỉ cả ba đề tài, là các vụ mùa, các giống lúa, và năng suất ở cả ba miền Bắc Trung Nam.
Giáo sư Nguyễn Huy, cựu giảng sư Ban Địa Lý Đại Học Văn Khoa Sài Gòn là người đặc biệt. Ông chia sẻ nhiều bài trong Tập San, nhưng không thuộc chuyên môn của ông là Cao Học Địa Lý mà là những bài tổng quát về nếp sống, lễ hội, hay cái váy, đôi đũa, vân vân. Có lẽ vì ông đã bỏ bút để cầm kim châm cứu chăng?!
Chỉ một bài, bài Chính sách nông thôn thời Việt Nam Cộng Hòa với nội dung quy về quốc sách Khu Trù Mật thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm tôi mới thấy lại vóc dáng của một giáo sư Đại Học.
Một trong những tác giả đóng góp phong phú với nhiều đề tài nhất là giáo sư Đào Đức Chương. Ông viết về lịch sử, địa lý, về khoa cử, giáo dục, bang giao, phương ngữ, võ học, về phong tục, tập quán, lễ hội, thú tiêu khiển...
Bài Giọng Bình Định của ông là một đóng góp quan trọng về phương ngữ. Bài viết nhắc nhở tôi về những bài cùng chủ đề của tác giả Nguyễn Bạt Tụy trong tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn trong thập niên 1960.
Cuối cùng, tôi có vài đề nghị với Ban Chủ Biên.
Điểm thứ nhất là ngôn từ. Tôi đọc thấy trong Tập San những từ ngữ tư liệu, thập kỷ, nửa đầu thế kỷ... mà buồn cho ý thức của người Việt quốc gia.
Xã hội người Việt và gốc Việt hiện có hai thứ ngôn ngữ song hành, là ngôn ngữ của người Việt quốc gia và ngôn ngữ của người Cộng Sản, tôi đề nghị hai nguyên tắc sau đây để sử dụng ngôn từ sao cho vừa khoa học, vừa chính xác, vừa giữ được tư cách của người trí thức xuất thân trong chế độ VNCH.
Một, là xét xem ngôn từ nào hay, hay chính xác thì sử dụng, bất kể ngôn từ đó xuất phát từ đâu. Thí dụ từ ngữ bóng đá và bóng tròn. Bóng thì quả nào mà không tròn, nhưng bóng có nhiều loại, là ném, chuyền, hay đá. Vì vậy, nên sử dụng từ ngữ bóng đá thay cho bóng tròn hay túc cầu mà dân Sài Gòn quen gọi trước năm 1975.
Hai, là nếu có từ ngữ tương đương, thì chúng ta nên sử dụng từ ngữ của chúng ta đã sử dụng xưa nay. Việc gì phải theo đuôi ai?! Thí dụ thập niên và thập kỷ, hay tài liệu và tư liệu, tiền bán thế kỷ (=Hán Việt cả bốn chữ) với nửa đầu thế kỷ (=đầu gà đít vịt)...
Điểm thứ hai là tên họ người Việt. Tên là phải có dấu. Cách viết Pham Trong Le, Thomas D. Le, Tu Dinh, Vo Cao... theo tôi, không thể xuất hiện trong một tập san văn hóa của người Việt dù ở đâu.
Điểm thứ ba là cuối mỗi bài nên có tên tác giả, vì đó là dấu hiệu của sự chấm hết. Tôi nhiều phen bị bất ngờ vì không biết bài viết đã chấm dứt chưa, hụt hẫng thấy bài đột ngột một dấu chấm!
Điểm thứ tư là hình thức phải nhất quán. Có bài có tên tác giả cuối bài có bài không, có bài tên tác giả để trên đầu đề có bài ngược lại, có bài đầu đề hay tên tác giả toàn mẫu tự in hoa, có bài chỉ có mẫu tự đầu in hoa!
Tựa đề cũng nên cho khổ chữ lớn hơn, chừng 20-24, để khỏi lẫn với phần chính văn.
Trần Anh Tuấn
26.3.2020