Trần Anh Tuấn: Học giả Huỳnh Văn Lang đã khuất

03 Tháng Tư 20238:38 SA(Xem: 3436)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 1 – THỨ HAI APRIL 03, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Học giả Huỳnh Văn Lang đã khuất


(1922-2023)

image003

TRẦN ANH TUẤN


Tin cụ Huỳnh Văn Lang mãn phần hồi 7:55 giờ chiều ngày 12.3.2023 tại Albany, California khiến tôi sững sờ.


Đã biết cụ ngày càng yếu vì tuổi già, nhưng thời gian khi cụ còn ở thành phố Westminster miền Nam California, cụ thường liên lạc điện thoại với tôi cả giờ hay lâu hơn nữa về cổ vật Việt mà cụ sưu tầm từ thập niên 1960. Khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ tháng Tư năm 1975, cụ lại chuyển được bốn bộ cổ vật sang Hoa Kỳ.


Đó là bộ sưu tập sứ Bạch Định Tàu, bộ sưu tập cổ vật đơn sắc và tranh thủy mặc Tàu, bộ sưu tập cổ vật đa sắc Tàu, và nhất là bộ sứ ký kiểu xác Tàu hồn Việt từ thế kỷ XVI-XVIII (Lê-Trịnh) đến thế kỷ XIX (nhà Nguyễn) mà danh xưng đã chết tên là đồ Bleu de Hué hay Sứ Ký Kiểu. Nói xác Tàu hồn Việt vì vua quan Việt định kiểu và thợ Tàu nung nặn.


Tôi không tự ý liên lạc vì sợ cụ mệt nên chỉ nhận điện thoại khi cụ gọi. Chia sẻ với cụ những thông tin về gốm sứ và tài liệu về sứ ký kiểu trong thư viện của tôi, cụ rất vui và từng gửi điện thư cám ơn ngày 10.8.2021. Cụ viết, nguyên văn:“Với 2 quyển sách, và nhứt là với 2 bài sưu tầm công phu của anh cùng những cuộc điện đàm “bất tận,”anh đã giúp tôi BIẾT. Thật là vạn hạnh. CÓ mà không biết, thì chưa phải là CÓ, CÓ mà có BIẾT thì mới thật là CÓ. Thành thật đa tạ! Thân thương hvl.”


Khi liên lạc, tôi không nói chuyện chính trị Mỹ vì cụ ca tụng Donald Trump, còn tôi thì khinh ông ta.


Nhưng rồi sức khỏe cụ ngày càng yếu nên con cháu đưa cụ về thành phố Piedmont miền Bắc California để tiện bề chăm sóc từ tháng 8.2021. Từ đó, tôi không thể liên lạc với cụ nữa. Nay xin thành kính phân ưu cùng gia đình cụ, nhất là với Huỳnh Thúc Chí, trưởng nam của cụ là người chụp hình bộ cổ vật Bleu de Hué để cụ gửi cho tôi.


Nhân dịp đau buồn này, xin trích phần viết về cụ trong tác phẩm Sử Việt Tại Bắc Mỹ 1975-2023 chưa xuất bản của tôi.


Như một nén hương kính viếng linh hồn cụ Huỳnh Văn Lang.


image005image007Sứ ngự dụng Khánh Xuân Thị Tả mẫu Long Lân

Khánh Thọ thời Trịnh Cương-Trịnh Sâm (1707-1782).

Xuất xứ:  Nam Phương Hoàng Hậu tặng cho bí thư

Nguyễn Tiến Lãng, tên khắc tắt NTL. Cổ vật hiếm đã

đành, mà còn quý nữa vì xuất xứ từ  đức Hoàng Hậu

duy nhất của triều Nguyễn. Báu vật này từ Nguyễn Tiến

Lãng qua tay quả phụ luật sư Couget rồi đến nhà cụ

Huỳnh Văn Lang đầu thập niên 1970. Thật ra, Nam

Phương HH tặng một cặp chứ không phải một đĩa.

Cả hai cổ vật đó hiện thuộc bộ sưu tập Sứ Ký Kiểu HvL.


Cụ Huỳnh Văn Lang là viên chức cao cấp thời Đệ Nhất Cộng Hoà (1954-1963), quê miền Tây Nam phần. Cụ thuộc nhóm sinh viên du học tại Hoa Kỳ đầu tiên hồi hương để giúp Ngô Đình Diệm khi nhân vật này lên nắm quyền thủ tướng năm 1954. Sau cuộc đảo chánh 1963, cụ Huỳnh Văn Lang bị chính quyền quân nhân bắt giam nhiều lần tổng cộng ba năm vì nhóm tướng tá cầm quyền nghi cụ làm kinh tài cho nhà Ngô.


Tác giả họ Huỳnh viết về nhiều đề tài khác nhau.


Về thú phong lưu của giới thượng lưu miền Nam, cụ có Cờ Bạc. Đá Cá Chọi Gà Đánh Phé Chơi Dà-dách (Tác giả xb, 1998, 271 trang).


Về săn bắn ở Việt Nam, cụ có Chuyện Đường Rừng, Một Chương Hồi Ký (Tác giả xb, 1999, 522 trang).


Về chánh trị và văn hoá, cụ có ba tập Nhân Chứng Một Chế Độ (Tác giả xb, 1999-2000, 548, 445, và 483 trang), và cuối cùng là hai tập Ký Ức Huỳnh Văn Lang (Tác giả xb, 2011-12, 654 và 841 trang).  


Những chương hồi ký chính trị và văn hoá của cụ Huỳnh đã giúp đem ra ánh sáng nhiều sự việc thời Đệ Nhất Cộng Hòa do trí nhớ của một cộng tác viên thân cận với Tổng Thống và Cố Vấn Tổng Thống.


Bộ Nhân Chứng Một Chế Độ hiến cho độc giả rất nhiều hứng thú. Đây là hồi ký làm tôi ngạc nhiên về trí nhớ tuyệt hảo của một tác giả đã bước vào tuổi 90.


image009(Thư viện TAT)


Trong Tập Một, cụ ghi lại thật nhiều chi tiết cụ thể và sống động của nếp sống miền Nam Kỳ Lục Tỉnh trong nửa đầu thế kỷ XX dưới thời Pháp và Nhật thuộc, lúc Việt Minh cướp chính quyền, và buổi đầu của thời Đệ Nhất Cộng Hoà.


Đóng góp chính và đặc biệt giá trị của tác giả là những chi tiết sinh động và cụ thể của ba nếp sống khác nhau trên giải đất miền Nam: nếp sống Miệt Vườn, Miệt Ruộng, và Miệt Giồng với những khác biệt về cách ăn cách mặc, về cách nói cách diễn tả, về cả mầu da và hình hài thân thể.


Trước đây, độc giả chỉ được đọc một Sơn Nam giới thiệu văn minh Miệt Vườn mà chúng ta tưởng như đó là đặc trưng, và đặc trưng duy nhất, của cả vùng đất Việt miền Nam. Vì thế, chúng ta cám ơn tác giả Huỳnh Văn Lang đã giúp điều chỉnh để sự hiểu biết của chúng ta về miền Nam được đầy đủ và chính xác, chứ không phải sự hiểu biết phiếm diện qua hình thức tiểu thuyết với kỹ thuật viết văn nhiều phần hư cấu và vô hình trung đã giới hạn tầm hiểu biết của chúng ta chỉ còn một nếp sống.


Tập Một này còn cho biết nhiều chi tiết vể gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm qua các nhân vật Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, và Trần Lệ Xuân. Đây là những chi tiết của một nhân chứng, từng tiếp xúc và làm việc trong đại gia đình Ngô Đình chứ không phải là những chi tiết mờ ảo vì nghe nói hay sao chép từ sách vở tài liệu.


Cái nhìn của một nhân chứng từng tòng học, làm việc, và phục vụ anh em họ Ngô từ khi họ còn hàn vi đến khi họ nắm chính quyền dĩ nhiên là cái nhìn chủ quan. May thay, sự chủ quan của một nhân chứng vốn nhiều gắn bó liên hệ đã bị thời gian -hơn nửa thế kỷ- gạt đi nhiều bụi bậm để lộ ra từng mảng sự thật làm độc giả thích thú.


Tập Một cũng giúp độc giả hiểu rõ sự hình thành và phát triển của hệ thống các trường Văn Hoá Bình Dân từ thập niên 1950, một công trình văn hoá đại chúng mà tác giả đã gây dựng nên và nhờ đó đã giúp biết bao người thoát nạn mù chữ, biết đọc, biết viết, biết ngoại ngữ, biết nghề để sinh sống tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, và nhiều tỉnh suốt từ Huế miền Trung vào đến Ba Xuyên miền Nam.


Và cuối cùng, Tập Một ghi lại thời gian tác giả làm Giám Đốc Viện Hối Đoái. Sự nghiệp đầu tiên của tác giả là phá tan bộ máy chuyển ngân lậu tại Viện trong 9, 10 năm qua. Trong tổng số 15,000 sinh viên du học chỉ có khoảng 5,000 là sinh viên thật, còn lại là ma. Hệ thống gồm 11 ngân hàng tư chuyển ngân cho sinh viên, 3 nhà in in giấy tờ giả, và viên Phó Giám Đốc Trần Văn Thức (trước khi tác giả nhậm chức), đã đồng lõa làm giấy tờ giả để chuyển ngân cho 10,000 sinh viên ma mỗi tháng 30,000 quan Pháp một người, trích từ quỹ ngoại tệ của chính phủ. Rồi họ chia nhau số quan Pháp đem bán chợ đen, ít nhất gấp đôi giá chính thức. Số thiệt hại hàng năm của chính phủ khoảng 3.5 tỷ quan Pháp. Tác giả đã phá vỡ được hệ thống lưu manh này, và gần 100 người phạm pháp bị tù từ 6 tháng đến 4 năm.


Tác giả cũng kể chuyện kỳ kèo chuyển ngân của những tai to mặt lớn thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trường hợp thứ nhất là tướng Mai Hữu Xuân. Tướng Xuân có hai con gái đi du học ở Phi luật tân nhưng không được phép chuyển ngân vì không đủ điều kiện học lực. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã gọi điện thoại thẳng cho tác giả và dĩ nhiên hai du học sinh đó được tác giả cho phép chuyển ngân. Trường hợp thứ hai là Tổng Trưởng Ngoại Giao Vũ Văn Mẫu. Giáo sư Mẫu thường xin đổi thêm ngoại tệ mỗi khi xuất ngoại, nhưng thường thì tác giả từ chối. Trường hợp thứ ba là đức cha Ngô Đình Thục. Nguyên địa phận Vĩnh Long của Đức Cha năm nào cũng xin ngoại tệ mua rượu lễ. Có một năm Đức Cha cử người lên Sài Gòn xin mua số lượng lớn bất thường nên Viện chỉ cho ngoại tệ như những năm trước. Kết quả là Giám Đốc Viện Hối Đoái Huỳnh Văn Lang nhận được tấm carte visite của Đức Cha, viết tay chỉ một dòng chữ, nguyên văn nơi trang 494: “Thầy vẫn bướng bỉnh kiêu căng mà còn ngu si nữa.” Trường hợp cuối cùng là bà Ngô Đình Nhu. Một lần Bà đi Hong Kong, Viện cấp thêm US $1,000.00 ngoài số ngoại tệ được cấp theo luật lệ hiện hành. Nhưng Bà cho người đến xin thêm US $5,000.00. Tác giả từ chối. Khi người của Bà về báo cáo, Bà la hét với chồng thì ông Ngô Đình Nhu trả lời, “Người ta sao mình vậy!”


Nột dung Nhân Chứng Một Chế Độ. Tập Hai là về “Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng” và sinh hoạt của tác giả với nhân viên CIA.


Tác giả phân tích Đảng Cần Lao thời Đệ Nhất Cộng Hòa để chứng minh đó là một tổ chức chính trị đúng đắn và hợp pháp với mục tiêu ủng hộ một tổng thống dân cử. Nhưng hình như sự kiện này chỉ đúng trong trường hợp của Liên Kỳ Bộ Nam Bắc Việt (không gồm miền Trung) dưới sự lãnh đạo của chính tác giả, lúc ấy được Cố Vấn Ngô Đình Nhu giao nhiệm vụ Bí Thư của Liên Kỳ Bộ với bí danh Chí Nguyện.


Vì ngay trong Kỳ Bộ Bắc Việt của Đảng Cần Lao đã, như chính tác giả cho biết, có ít nhất một con sâu là Ngô Đình Nam, hay trong Khu Thành Bộ Sài Gòn/Chợ Lớn đã có ít nhất hai con sâu là Lê Văn Cang và Hà Đức Minh, rồi Quân Ủy Cần Lao thì đầy dẫy những sĩ quan Cần Lao mà, nguyên văn của tác giả, "tác yêu tác quái."


Thế thì dư luận xấu về Đảng Cần Lao thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đâu có gì là bất công?!


Cũng theo tác giả, bác sĩ Trần Kim Tuyến là một người kỳ thị Nam Bắc, hay đi cửa hậu, và tiểu nhân. Nhận định này thật mới và lạ. Trước đây, từ Vĩnh Phúc đến Nguyên Sa Trần Bích Lan đều ca tụng những đức tính đàng hoàng (làm việc hữu hiệu, bình dân, hay giúp người ...) của nhân vật này. Âu cũng là tiếng chuông thứ hai cho độc giả nào muốn tìm hiểu về nhân vật cầm đầu ngành mật vụ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cựu Tổng Giám Đốc Cảnh sát VNCH đại tá Phạm Văn Liễu cũng bị đề cập đến với nhiều ác cảm. Nhưng đại tá Phạm Ngọc Thảo lại được khen, khen nhiều.


Tập Hai cũng ghi lại diễn tiến vụ truất phế Bảo Đại, nhất là biến cố Bình Xuyên và chuyện hai thùng phuy (loại 200 lít) vàng và tiền mặt của Bình Xuyên. Tác giả đã kể lại chi tiết như sau. Nguyên đại tá Nguyễn Văn Y lúc đó là thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 194 kiêm tỉnh trưởng Chợ Lớn. Trong chiến dịch tấn công Bình Xuyên, Phòng Nhì tiểu khu Chợ Lớn tịch thu được hai thùng phuy 200 lít. Một đựng vàng, và một đựng giấy 500đ. Phuy vàng rất nặng, bốn (4) người lính khiêng không muốn nổi, được chở đi giao cho Tư Lệnh Hành Quân là đại tá Dương Văn Minh. Phuy bạc bị nước vào nên đại tá Y cho người đem phơi khô rồi giao cho Ty Ngân Khố Chợ Lớn. Sau đó số bạc cũng được chuyển tới Biệt Khu Thủ Đô nơi Dương Văn Minh làm chỉ huy trưởng.


Tổng thống Ngô Đình Diệm được báo cáo chuyện 2 thùng phuy nên giao cho Bộ Trưởng Nội Vụ Lâm Lễ Trinh điều tra. Dương Văn Minh được mời tới thì sừng sộ giận dữ, cho ông Diệm là người bội bạc vì mình đã ủng hộ ông Diệm đánh dẹp Bình Xuyên. Vì thế hồ sơ vụ hai phuy vàng và tiền không có kết luận, giao hoàn về Tổng Thống Phủ.  Riêng Cố Vấn Ngô Đình Nhu từng chê Dương Văn Minh hữu dõng vô mưu vì nhiều lần bắt hụt tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh khiến Ông phải chỉ cách mới bắt được, đơn giản là đón bắt thay vì đuổi theo như Dương Văn Minh đã làm mấy lần trước. Theo luật sư Lâm Lễ Trinh sau này nói với tác giả họ Huỳnh ở California thì hồ sơ đó vẫn treo ngành ở Phủ cho đến khi hai anh em bị giết, riêng Cố Vấn Ngô Đình Nhu không những bị bắn mà còn bị đâm đến chết, hay đã chết rồi mà vẫn bị đâm bồi! 


Chi tiết như vậy, không ai xác định chính Dương Văn Minh tịch thu phuy vàng và phuy tiền giấy đã phơi khô làm của riêng, Nhưng tác giả tự hỏi tiền đâu một viên tướng Việt Nam có cuộc sống quá phong lưu, chơi lan cả ngàn chậu có loại giá mấy trăm đô la (thời giá 1960-70) mà chính tác giả, gia tài mấy trăm triệu tiền Việt cũng không dám rớ tới?!


Sau này, khi Tổng Thống Diệm bị giết, tác giả không phải muốn tìm hiểu số vàng mà chỉ thắc mắc lý do căm thù của người chủ mưu giết Ông Diệm Ông Nhu.


Tập Hai cũng thêm những ghi nhận rõ nét về cá nhân anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và người con dâu nổi tiếng của gia đình này từ khi họ còn hàn vi. Một số những viên chức cao cấp nhưng bất xứng thời Đệ Nhất Cộng Hoà, bộ trưởng như Nguyễn Lương và Nguyễn Đình Thuần, đại sứ như Phạm Khắc Hy, hay sĩ quan như Nguyễn Văn Quan... cũng bị tác giả vạch trần.


Tập Ba của Nhân Chứng Một Chế Độ tiếp tục thêm chi tiết về hai anh em Tổng Thống Diệm. Lần này chú trọng đến cách xuất thân của hai người cùng cá tính và đặc điểm. Tiếp theo là bốn biến cố xảy ra trong năm 1963. Một, là vụ Phật Giáo với nhà sư Thích Trí Quang mà đỉnh điểm là các vị sư tự thiêu. Hai, là cuộc đảo chính hụt ngày 15.8.1963 do bác sĩ Trần Kim Tuyến, Đặng Đức Khôi và đại tá Phạm Ngọc Thảo chủ mưu. Ba, là dự định đảo chính ngày 25.10.1963 do chính Huỳnh Văn Lang và Phạm Ngọc Thảo tổ chức. Và bốn, là cuộc đảo chính thành công ngày 1.11.1963 của nhóm tướng tá theo lệnh của Mỹ.


Kết luận của Tập Ba là trình bầy triều đại “người lính cai trị.”


Người lính cai trị thứ nhất là Dương Văn Minh bãi bỏ ngay quốc sách Ấp Chiến Lược hoặc vì ngu dốt hoặc vì tay sai Cộng Sản cũng đều có tội phá hỏng một chương trình chống Cộng hữu hiệu. Dịp này, tác giả trích tài liệu Quốc Hội Hoa Kỳ để chứng minh Dương Văn Minh làm tay sai cho Mỹ lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đó là lá thư ngày 27.1.1964 của Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Averell Harriman gửi đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge Jr. , nguyên văn: “Dear Cabot: I followed with interest the advice you have been giving Big Minh on campaigning and was delighted to see the news-photo which shows that your pupil (TAT nhấn mạnh) is learning from a real master...” (Nguồn: Letter from Averell Harriman to Henri Cabot Lodge Jr. January 27, 1964, in Averell Harriman Papers, Manuscript Division, Library of Congress, Container 484.) 


Người lính cai trị thứ hai là Nguyễn Khánh thì múa may như chong chóng, đem lại tình trạng tao loạn quá đen tối cho đất nước. Nhưng tác giả cám ơn tướng Nguyễn Khánh đã thả tác giả, rồi bắt lại rồi thả lại cuối tháng 8.1964. Theo tôi, phải chăng Nguyễn Khánh bị ảnh hưởng của bà mẹ nuôi là nghệ sĩ Phùng Há trong ngành cải lương?!


Người lính cai trị thứ ba là Nguyễn Cao Kỳ thì bạn bè chi binh, xem việc quốc gia như trò chơi. Khi được hội đồng tướng lãnh bầu đứng đầu chính phủ thì trả lới ngay, Xin cho tôi về hỏi ý kiến vợ đã!! Guồng máy chính quyền thì tuyển bổ toàn Bắc Kỳ, quận trưởng, giám đốc phi cảng, thương cảng, đô trưởng, tổng cuộc tiếp tế, Air Vietnam...


Nhưng tôi không thể đồng ý với tác giả của Tập Ba này khi cụ viết là Tướng Nguyễn Ngọc Loan “chĩa súng vào màng tai Đại úy CS Lọp là hành động dã man làm mất nước.” (trang 411).


Lý do gì tên Việt Cộng bị bắn chết giữa trận tiền? Trả lời: vì anh ta dã man vừa tàn sát gia đình một Trung Tá Thiết Giáp chín (9) người, chỉ có một cậu bé may mắn sống sót nay là đề đốc hải quân Hoa Kỳ.


Phóng viên nhiếp ảnh Hoa Kỳ Eddie Adams chụp được cảnh này đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1969. Còn Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan mất ngày 14.7.1998. Trong tang lễ, Eddie Adams viếng một vòng hoa với tấm thiệp viết hàng chữ: “General: I’m so sorry. Tears in my eyes.”  


Người lính cai trị thứ tư là Nguyễn Văn Thiệu gian hùng, nhưng xứng đáng hơn Nguyễn Cao Kỳ vì biết nhiệm vụ của mình đối với đất nước.


Cuối cùng, tác giả đã bật mí quan thầy của những người lính kể trên. Quan thầy của Dương Văn Minh là Henri Cabot Lodge Jr, của Nguyễn Khánh là Colby, của Nguyễn Cao Kỳ là Taylor, và của Nguyễn Văn Thiệu là Westmoreland!


Bộ Ký Ức Huỳnh Văn Lang dự định gồm ba tập: Thời kỳ thuộc Pháp, Thời kỳ Việt Nam độc lập, và Thời kỳ lưu  vong.


image011(Thư viện TAT)


Thời kỳ thuộc Pháp (1928-55) đã xuất bản năm 2011, và Thời kỳ Việt Nam độc lập (1955-75) năm 2012. Nhưng Thời kỳ lưu vong (1975-2010) chưa hoàn tất. Thật đáng tiếc, vì chính thời kỳ thứ ba này mới hào hứng và mới mẻ vì hai thời kỳ trên thì tác giả đã ghi nhận ít nhiều trong bộ Nhân Chứng Một Chế Độ ba tập xuất bản hơn một thập niên trước.


Nội dung của Ký Ức Huỳnh Văn Lang Tập 1 gồm cảnh, người và việc từ năm 1928 đến năm 1955 dưới thời Pháp thuộc trong cuộc đời tác giả Huỳnh Văn Lang. Sách ghi lại quê hương Trà Vinh với khung cảnh thiên nhiên và sinh hoạt của mọi tầng lớp dân chúng, từ đồng ruộng đến thổ sản, từ sông rạch đến nhà cửa, từ tình cảm gia đình đến lễ tục hàng năm, từ sinh hoạt của tá điền đến sự phong lưu của điền chủ, từ học hành đến những thú vui đồng quê như đá cá đá gà, từ các bà các cô đến cái ăn cái mặc.


Đặc điểm địa phương điển hình là cách gọi tên cha mẹ. Tác giả ghi lại danh xưng tía đực tía cái của dân làng Các Cao, Các Còng, tỉnh Vĩnh Long.


Thời gian này hai lần tác giả vào chủng viện để ra linh mục như ước nguyện của thân mẫu. Nhưng chỉ vì buổi trình diễn văn nghệ do tác giả tổ chức với vở kịch Trương Định đánh Pháp mà Cha Bề Trên người Pháp tên Delagne đuổi tác giả ra khỏi chương trình Thần Học, cũng có nghĩa là chấm dứt đường tu của tác giả. Không nản chí, tác giả tiếp tục vào đại chủng viện lần thứ hai thì bị Đức Cha Ngô Đình Thục phán Thày không có vocation (ơn thiên triệu)!


Buồn chán, tác giả lên Đà Lạt sinh sống và dưỡng bệnh sốt rét năm 1949. Rồi gặp ông Ngô Đình Nhu và cùng sinh hoạt với nhóm ông Nhu, tên là Hội Nghiên Cứu Xã Hội Học. 


Vì gần gụi tiếp xúc với các nhân sĩ trí thức thế hệ trước trong Hội, tác giả nuôi mộng du học để luyện tài. Gom góp tiền bạc xong, tác giả xúc tiến giấy tờ đi Pháp, xuống tàu viễn duyên của Pháp khởi hành ngày 15.8.1950.


Ở Paris, tác giả ghi danh học tại trường Sciences Politiques gần hai năm thì bị công an cảnh sát Paris điều tra nghi cụ liên hệ với Cộng Sản nên tìm cách sang Canada học tiếp năm 1951 cho đến năm 1954 tốt nghiệp Cử nhân Kinh Tế (BS) và Cao Học Xã Hội (MA).


Muốn học lên chuyên ngành Econometrics nên tác giả ghi danh học tại đại học Chicago bắt đầu tháng 4.1954.


Hiệp định Genève ngày 20.7 đã khiến tác giả vừa buồn vừa bực nên tổ chức biều tình phản đối trước Tòa Bạch Ốc ngày 21.7.1954. Điều đáng ghi lại nơi đây là dù tác giả, và hai sinh viên khác cùng tổ chức biểu tình là Đỗ Trọng Chu và Đỗ Vạng Lý đã gọi điện thoại viễn liên cho hơn 20 sinh viên nhưng ngày biểu tình chỉ có ba mống nói trên, sau thêm được một người nữa, là bà Dư Phước Long. Hóa ra nhóm sinh viên du học ở Mỹ lúc đó là bọn “trí thức tiểu tư sản thành thị sợ khó sợ khổ ham hưởng thụ mà không có lý tưởng gì hết,” như cách nói khinh bỉ của người Cộng Sản. Ngày hôm sau, nhóm tác giả vẫn không nản, tổ chức biểu tình phản đối các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ, chia đôi nước Việt tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Lần biểu tình này thêm được nhiều sinh viên du học, là vợ chồng Bùi Kiến Thành, vợ chồng Nguyễn Ngọc Linh, vợ chồng Dư Phước Long, vợ chồng Nguyễn Thái, Nguyễn Mỹ Linh, cha con người tên Tải... tất cả hơn 20 người.


Ngày 19.8.1954, tác giả tham dự cuộc họp bầu đại diện cho Hội Sinh Viên Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 1954-56 tại Chicago. Đang họp thì cảnh sát đến thông báo là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang tìm đương sự. Rồi 2 giờ sáng hôm sau, cảnh sát đưa tác giả ra phi trường và giấy tờ đi Washington D.C. Đến nơi lúc 8 giờ sáng, tác giả được nhân viên Tòa Đại Sứ Việt Nam làm thủ tục đưa về Sài Gòn. Tại Tòa Đại Sứ, tác giả gặp thêm Đỗ Vạng Lý, Dư Phước Long, Đỗ Trọng Chu, Nguyễn Thái, Bùi Kiến Thành, tất cả sáu (6) người cùng lên đường về nước.


Về đến Sài Gòn buổi chiều thì nhóm 6 người được đưa ngay vào dinh Gia Long gặp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Chiều tối cả nhóm được ăn cơm chung với Thủ Tướng, thực đơn gồm cá kho, thịt kho, canh cải, và cơm trắng. Chén bát và đũa là loại thường, không phải sứ ký kiểu!  


Thời gian đầu, tác giả làm việc ngay cạnh Thủ tướng với danh nghĩa là Phó Bí Thư giúp Bí Thư Võ Văn Hải, nhiệm vụ chính là dịch Anh-Việt Việt-Anh.


 Đến tháng 10.1954, Thủ Tướng chuyển tác giả qua Bộ Tài Chánh. Tại đây, tác giả nẩy ý kiến thiết lập trường Bách Khoa Bình Dân. Chương trình không ngờ thành công ngay từ đầu. Ngày khai giảng định là 15.11.1954 với sĩ số học viên 500 người. Kết quả là 7, 719 người ghi danh khiến chương trình quyết định thu nhận 1,275 người. Đến tháng 4.1955, Bách Khoa Bình Dân được quy chế hội bất vụ lợi với danh nghĩa chính thức là Hội Văn Hóa Bình Dân.


Ký Ức 1 chấm dứt với cuộc họp của các chính đảng, các tôn giáo, và các nhân sĩ quốc gia ngày 29.04.1955 để giúp ý kiến Thủ Tướng quyết định đi hay không đi Pháp theo lệnh của Quốc Trưởng Bảo Đại. Không ngờ cuộc họp bầu ra Ủy Ban Cách Mạng Quốc Gia, và ra kiến nghị 3 điểm: Truất phế Bảo Đại, giải tán chính phủ Ngô Đình Diệm, và ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới.


Diễn tiến tiếp theo là cuộc trưng cầu dân ý ngày 22.10.1955 để toàn dân miền Nam chọn lựa giữa Bảo Đại hay Ngô Đình Diệm. Kết quả là vai trò quốc trưởng của Bảo Đại chấm dứt và chế độ Cộng Hòa ra đời.


Nội dung Ký Ức 2 tức Thời kỳ 1955-1975 phần lớn là sự lập lại những sự kiện và nhân vật đã trình bầy trong bộ Nhân Chứng Một Chế Độ.


Độc giả có thể hiểu sách là sự lập lại nhàm chán và vô bổ. Nhưng không, đề tài trong Nhân Chứng Một Chế Độ Ký Ức tuy hoàn toàn giống nhau, nhưng sự kiện và nhân sự không lập lại mà quảng diễn rất nhiều.


Theo tôi, lý do là tác giả Huỳnh Văn Lang viết sách không hề tham khảo sách vở tài liệu của những tác giả khác. Cụ viết hoàn toàn do trí nhớ siêu đẳng của cá nhân cụ. Ngồi vào bàn viết là lúc cụ lục trong ký ức rồi hồi tưởng và gõ máy. Vì thế, sau một thời gian đọc lại, cụ nhớ thêm nên cần viết tiếp.


Chẳng hạn như Nhân Chứng Một Chế Độ năm 1999-2000 chỉ trình bầy sinh hoạt của Hội Văn Hóa Bình Dân tại Sài Gòn, thì Ký Ức năm 2012 ghi thêm sinh hoạt của Hội ở Huế, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Bảo Lộc, Xuân Lộc, Ninh Thuận, Biên Hòa, Gia Định, Bến Tre, Vĩnh Long, Ba Xuyên, cùng sinh hoạt mới nữa là Ban Tráng Niên và Thư Viện.


Đề tài Tạp chí Bách Khoa (tr. 171-197) rất mới, và cần thiết cho những nhà nghiên cứu văn học muốn biết rõ ai là người sáng lập và nuôi dưỡng Bách Khoa, không phải như nhận định sai lầm Lê Ngộ Châu là Bách Khoa, Bách Khoa là Lê Ngộ Châu như giáo sư Nguyễn Văn Trung viết ở Canada, hay Bách Khoa là Võ Phiến, Võ Phiến là Bách Khoa như thi sĩ Nguyên Sa diễn tả ở Nam California, hay Bách Khoa được sự tài trợ của bà Ngô Đình Nhu như Đặng Tiến viết ở Pháp.  


Đề tài hoàn toàn mới còn là những hoạt động thương mại của tác giả. Đó là công ty Hòa Phong nhập cảng xe Honda, thành lập Đại Á Ngân Hàng, công ty bảo hiểm Phượng Hoàng, khai thác gỗ ở các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Ban Mê Thuột, Quảng Đức và Pleiku để xuất cảng sang Nhật.


Đến tháng Tư Đen thì tác giả được nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ đến nhà đón vào phi trường Tân Sơn Nhất để sửa soạn di tản. Ngày 28.4.1975 đại gia đình tác giả 13 người lên máy bay C130 và đến đảo Guam lúc 3 giờ sáng. 


Về hình thức, Huỳnh Văn Lang đã để lại trong sách của cụ rất nhiều lỗi của một tác giả miền Nam: những lỗi hỏi ngã, những lỗi có G hay không có G, những lỗi viết C hay viết T, vân vân, khiến độc giả nhiều khi đang đọc bị hụt hẫng. Điểm đặc biệt nhất là tác giả Huỳnh Văn Lang thường xuyên sử dụng từ ngữ "ngoài ra và hơn nữa."  Người khó tính sẽ phê bình là khi viết "ngoài ra" thì đâu cần "hơn nữa" làm gì. Riêng tôi, tôi nghĩ cụ đã tạo cho mình một cái tên mới: Ông Ngoài Ra Và Hơn Nữa, là cái tên mà, chính cụ cho biết, vì người viết mà phu nhân của cụ gọi chồng.


Tác giả Huỳnh Văn Lang là người đã có tất cả. Về danh vọng, cụ từng làm Giám Đốc Viện Hối Đoái và phụ trách Bí Thư Liên Kỳ Bộ Nam Bắc Việt của Đảng Cần Lao cầm quyền thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Về tiền của, cụ là tỷ phú lương thiện do sáng kiến nhập cảng xe Honda, khai thác và xuất cảng lâm sản, cùng thành lập ngân hàng và công ty bảo hiểm.


Vì thế, chúng ta có thể tin rằng cụ viết không phải để kiếm chút danh hay lợi. Khi viết lại những chương hồi ký, mục đích chính của tác giả Huỳnh Văn Lang là ghi lại những kinh nghiệm của đời sống tư mà rất công của cụ.


Cụ mất đi, nhưng cuộc đời của cụ kể là rất may mắn, thật thành công, và ít ai được thượng thọ như cụ: hơn một thế kỷ! Cái còn lại của cụ là những bảo vật cổ Việt để lại cho con cháu mà về tinh thần là những tác phẩm trao truyền thông tin và dữ kiện về nước Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975) cho người đương thời, nhất là cho hậu thế.


TRẦN ANH TUẤN

2.4.2023

(Trong Sử Việt tại Bắc Mỹ 1975-2023)
23 Tháng Tư 2020(Xem: 7232)
05 Tháng Hai 2020(Xem: 7853)