VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - CHỦ NHẬT 24 JAN 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Khám phá tận cùng về chiếc bánh chưng
Hà Văn Thùy
Nghìn năm nay chúng sinh Việt vẫn làm, vẫn ăn bánh chưng hàng năm thậm chí hàng ngày. Cả ao mực đã đổ ra để tán để bình về món ăn quốc hồn quốc túy. Ai cũng nghĩ mình đã hiểu và không còn điều gì đáng nói về chiếc bánh xưa như Trái đất! Nhưng thử hỏi mấy ai đã thực sự hiểu về chiếc bánh “quốc hồn quốc túy” này? Muốn hiểu tới tận cùng về chiếc bánh chưng không thể không trả lời hai câu hỏi: 1. Chủ nhân chiếc bánh chưng là ai? Và 2. Chiếc bánh chưng được sáng tạo như thế nào?
I. Ai là chủ nhân của bánh chưng?
Trước hết, cần hiểu rõ, thế nào là bánh chưng? Cái tên khai sinh được viết trên giấy đầu tiên của bánh chưng là 裹蒸. Từ điển phiên là “quả chưng”, “lõa, khỏa chưng” và được giải nghĩa là loại bánh được gói dùng cho lễ tế chưng, lễ tế mùa đông.
Như vậy, bánh chưng theo văn tự được ghi sớm nhất là loại bánh dùng lá cây, gói gạo nếp, đậu và thịt lợn đem luộc lên làm vật cúng trong lễ tế mùa đông, là thứ bánh để cúng trong dịp Tết. Tuy nhiên, đấy chỉ là chữ nghĩa trong từ điển. Mà từ thì sinh ra trước khi có điển nên những từ không được điển chế đã gây khó cho những ai chỉ biết từ điển! Nếu lục tìm trong tiếng Việt cổ thì quả cũng từng có nghĩa là bánh. Dân gian Việt quen nói bánh trái. Đó là từ xưa, nay thường được hiểu là bánh và trái cây. Nhưng nghĩa nguyên thủy của từ ghép bánh trái cho thấy: bánh cũng từng được gọi là trái, là quả! Câu ca dao Tay cầm bầu rượu quả nem là một chứng cứ. Quả nem là chiếc nem hình bánh ú, cũng có nghĩa là bánh nem. Từ cái gốc gác xa xưa ấy, ta khám phá ra điều bí mật vô cùng thú vị: quả chưng chính là bánh chưng tiếng Việt! Điều này có nghĩa là, người Việt cổ làm ra thứ bánh gọi là bánh chưng. Nhưng rồi đất Việt bị chiếm, người Việt trở thành người Tàu, biết bao tài sản Việt biến thành của Tàu! Tuy nhiên, cái tên cúng cơm của chiếc bánh vẫn được giữ nguyên. Không chỉ giữ nguyên từ Việt cổ: quả là bánh mà còn giữ nguyên văn phạm Việt theo lối nói chính trước phụ sau! Vậy là dù cho hàng nghìn năm ra sức đồng hóa thì các thày Tàu cũng không thể biến chiếc bánh chưng tiếng Việt thành chưng bính Tàu!
Với ý nghĩa như vậy thì loại bánh hình bánh ú của dân Triệu Hưng, bánh đòn, bánh tày, bánh tét, Tapeng arua của người Arem và bánh vuông của người Kinh đều là bánh chưng. Từ “chưng” ở đây không phải động từ chưng cất mà là lễ tế cuối năm, tức cúng tế trong dịp Tết. Từ Tét là do đọc trại của Tết, càng chứng tỏ loại bánh làm vào dịp Tết. Một thực tế là, không chỉ người Kinh, người Triệu Khánh Quảng Đông, người Arem làm bánh chưng, mà trên Hoa lục, từ miền đất của nước Sở, nước Ngô, nước Việt xưa tận Sơn Đông, Động Đình Hồ xuống phương Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Vân Nam, Ba Thục… đâu đâu cũng có bánh chưng.
Bánh chưng có từ bao giờ? Khó biết đích xác nhưng sách còn ghi, khi Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Mịch La (năm 278 TCN), người nước Sở thương tiếc bằng cách thả bánh chưng xuống sông để cá ăn bánh mà đừng rỉa xác ông! Sau này, hàng năm vào dịp giỗ ông, người ta thả bánh xuống ao xuống giếng để tưởng niệm. Như vậy, chiếc bánh chưng có từ xa xưa và quen thuộc với phần lớn người Việt sống trên đất Trung Quốc.
II. Bánh chưng được sáng tạo ra sao?
Có lẽ, chiếc bánh đầu tiên mà người Việt làm ra là bánh… đất! Điều này được ghi lại trong Hậu Hán thư: “Dân Giao Chỉ lấy đất sét làm bánh đem phơi khô, coi là vật quý, dùng trong cưới hỏi.” Vài ba chục năm trước, nhiều phiên chợ ở Phú Thọ còn bán bánh đất. Cũng thời đó, ở Thái Bình, nhiều bà già lấy những viên ngói nung non lửa cho con dâu ốm nghén ăn, gọi là “ăn rở.” Sau này khoa học khám phá ra đó là việc làm cực kỳ khôn ngoan vì bổ sung nguyên tố vi lượng, khoáng chất cho thai nhi.
Không ai biết chắc chiếc bánh chưng được làm từ khi nào. Chúng tôi đồ rằng, tiền thân của nó là những thỏi cơm lam được nấu trong ống tre. Người Việt trồng lúa trước hết ở trên cạn, gọi là lúa nương, lúa lốc mà phần nhiều là lúa nếp. Gạo bỏ vào ống tre, cho nước vừa đủ rồi nướng trong lửa than. Khi cơm chín, chẻ ống tre ra, được những thỏi cơm lam thơm ngon.
Một ngày đẹp trời, có ai đó nảy sáng kiến cho thêm hạt đậu, hạt lạc rồi thịt lợn vào ống tre cùng với gạo. Lúc này sản phẩm thu được không còn là đòn cơm lam bình thường mà là một món ăn kỳ diệu. Có lẽ từ lúc này, thay cho từ cơm lam, người ta gọi là bánh! Khi phát minh ra đồ gốm để đun nấu, con người nảy sáng kiến dùng lá gói gạo (đã ngâm nước) với đậu, thịt lợn thành đòn dài như hình chiếc ống tre, cho vào nồi nấu. Chiếc bánh hình khúc tre ra đời! Loại thức ăn trân quý như vậy không dễ có hằng ngày nên chỉ có thể làm vào dịp lễ lớn nhất trong năm là lễ tế mùa đông, tế chưng, còn gọi là Tết. Do vậy, chiếc bánh được gọi là bánh chưng và cũng có tên là bánh tét, do đọc trại của từ “Tết”.
Chiếc bánh hình trụ của ống tre gợi lên hình tượng sinh thực khí nam, một vật thờ linh thiêng của người Việt cổ. Lúc này người ta nhận ra, chỉ có sinh thực khí nam thì chưa đủ! Và do bánh được gói bằng lá, không còn bị hạn chế bởi khuôn khổ chiếc ống tre nên người ta gói những chiếc bánh hình vú tượng trưng cho sinh thực khí nữ. Và trên bàn thờ là cặp bánh ú (vú, bú) với đòn bánh tét nằm giữa, vừa là biểu trưng sự sung túc của nghề nông vừa thể hiện tín ngưỡng phồn thực!
Cũng phải rất lâu sau, giữa thế giới của bánh ú, bánh tày, bánh tét, tại kinh đô Việt Trì, theo truyền thuyết, chàng Lang Liêu sáng tạo ra chiếc bánh hình vuông. Vẫn là chiếc bánh chưng truyền thống trời che đất chở muôn vật bên trong nhưng chiếc bánh vuông là bước nhảy vọt không chỉ về thẩm mỹ mà còn về trí tuệ. Chiếc bánh chỉ nặng khoảng 500 – 600 gram và được buộc bằng bốn chiếc lạt: hai dọc hai ngang. Bốn chiếc lạt trên hình vuông như trang giấy xanh tạo thành chữ Tỉnh. Đấy là hình tượng nhắc lại thuở xa xưa khi tổ tiên mở cõi: dân chúng chung tay vỡ mảnh đất hình vuông rồi chia đều làm chín phần. Tám nhà cày cấy tám phần xung quanh và chung nhau chăm sóc phần ruộng ở giữa, lấy hoa lợi nộp vua. Cách chia đất này thể hiện triết lý bình sản của người Việt, đảm bảo tài sản đồng đều giữa các thành viên, cái nền bền vững của hạnh phúc cộng đồng. Sau này, việc chia ruộng chữ Tỉnh được chuyển hóa thành công điền. Công điền là ruộng của làng, vua không có quyền đụng tới, ba năm một lần chia cho người nghèo cày cấy.
Bốn chiếc lạt còn chia bề mặt chiếc bánh thành Hà đồ, Cửu cung bát quái Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài và Trung ương, cội nguồn của kinh Dịch. Đó cũng là ma phương đồ bậc ba mà tổng các con số của các ô theo chiều ngang, dọc và chéo đều là 15: đúng bằng số bộ của nước Văn Lang thời Vua Hùng! Chắc chắn, từ đất tổ Việt Trì, chiếc bánh vuông lan tỏa ra nhiều vùng Lạc Việt khác, trong đó có Quảng Đông mà ngày nay người Hoa gốc Việt ở đây vẫn giữ được!
Cửu cung & ma phương bậc ba trên bánh chưng
Chiếc bánh vuông tượng trưng cho phái nam là sáng tạo mỹ mãn. Nhưng như vậy chưa đủ vì có nam mà không nữ chửa nên xuân! Thay cho bánh ú quen thuộc, chiếc bánh trắng như ngọc, dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên ra đời… Cặp bánh chưng bánh dầy được dâng vua cha, cúng tổ tiên và trời đất, sang trọng hơn, thanh nhã hơn!
Câu chuyện bánh chưng còn cho ta biết quá trình hình thành ngôn ngữ Trung Hoa. Người Việt từ xưa trên toàn Đông Á gọi chiếc lá thích hợp nhất để gói bánh chưng là lá dong. Khoảng 4000-5000 năm trước, khi sáng tạo chữ vuông, dựa theo âm “dong” tiếng Việt, người Quảng Đông gọi lá dong là diệp đông 叶冬. Nhưng từ thời Tần Hán, người phương Bắc xâm chiếm Nam Dương Tử, áp đặt dân Giang Nam nói theo cách nói phương Bắc, lá dong 叶冬 biến thành 冬叶 dong lá. Tới thời Đường, chuyển hóa theo tiếng nói của kinh đô Tràng An thành đông diệp. Nhưng sau này, tiếng Trung Quốc biến đổi thành tiếng Bắc Kinh pinyin là dongye
Ở đây có vấn đề dễ gây lấn cấn: bánh chưng vuông tượng đất “địa phương 地方” là âm. Bánh dầy tượng trời “thiên viên 天圆” là dương! Nhưng trong truyền thống, người Việt quan niệm “nam văn, nữ thị.” Văn vốn là chữ “vuông”, trong giáp cốt văn lúc đầu được vẽ hình vuông. Sau cách điệu thành hai đường chéo tượng trưng cho hình vuông (文). Nhưng trong câu chuyện này, bánh chưng tượng trưng cho phái nam trở thành âm còn bánh dầy tượng trưng cho phái nữ lại là dương! Giải thích sao về sự trái ngược này? Không khó! Bởi lẽ đã có khi người xưa nói: “Ông giăng mà lấy bà giời!” Phải chăng đó cũng là cái “lý” của người Việt: không có cái gì tuyệt đối dương hoặc tuyệt đối âm! Cồng là bà. Lệnh là ông. Nhưng có lúc “lệnh ông không bằng cồng bà!” Cũng vậy, Trời là cha là dương nhưng có lúc lại trở thành âm. Còn Đất là mẹ, là âm nhưng có lúc lại thành dương?!
Giáo sư trần Quốc Vượng cho rằng bánh chưng cổ xưa không phải hình vuông là chính xác. Nhưng Giáo sư của chúng ta đã sai khi nói:
"Bánh chưng vuông tượng đất, bánh dày tròn tượng trời là một triết lý rất Trung Hoa nhưng triết lý ấy thực ra còn chưa có ở đời Hán (HVT tô đậm). Vậy, làm gì có chuyện "bánh chưng vuông tượng trời" ra đời ở Việt Nam vào thời Hùng Vương? Ở Cổ Loa, thủ đô của nước Âu Lạc, nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội có 17 km mà bây giờ vẫn có rất ít bánh chưng vuông. Họ thường gói bánh chưng tròn, còn gọi là bánh tét hay là bánh tày."
Sự thực, bánh chưng vuông tượng đất, bánh dầy tròn tượng trời không phải triết lý Trung Hoa mà là triết lý của tộc Việt từ xa xưa, trước cả thời Phục Hy 4800 năm TCN, trong thiên viên địa phương của kinh Dịch. Còn việc ở Cổ Loa ít gói bánh vuông chỉ là một thói quen: người dân ưa gắn bó với với tục xưa của mình!
III. Đâu là trung tâm?
Hàng nghìn năm nay, các học giả đại Hán cho rằng, Trung Nguyên Hoa Hạ là trung tâm, tỏa chiếu ánh sáng văn minh khai hóa các dân man di tứ cận! Sở dĩ nói như vậy vì họ không hiểu rằng, Trung Nguyên xưa chính là đất Trong Nguồn của người Dương Việt. Sau khi chiếm đất này, người Hoa Hạ đã chuyển chữ Trong thành Trung, Nguồn thành Nguyên! Tuy tổ tiên Việt từ xa xưa di chúc cho con cháu: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra thì chỉ tới nay người Việt mới biết viết hoa chữ Trong Nguồn và nhận ra đó là đất cũ của tổ tiên!
Tuy vậy kẻ ăn vụng không phải bao giờ cũng chùi được mép: theo văn phạm Trung Hoa thì địa danh ấy phải là Nguyên Trung mới đúng! Đằng này lại vẫn là Trung Nguyên –Trong Nguồn theo cách nói Việt! Không chỉ địa danh này mà hàng loạt địa danh khác cùng chung số phận, trái ngược cách nói Hoa: Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc… Sở dĩ vậy vì lẽ đơn giản: đất lấy được nhưng tên đất đã ăn sâu trong lòng người thì không dễ đổi!
Chỗ nào có người Việt, nơi ấy có bánh chưng. Tuy nhiên, chiếc bánh vuông Lạc Việt không chỉ đẹp về tạo hình mà còn mang những nét tiêu biểu nhất của minh triết Việt.
HVT