VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - CHỦ NHẬT 04 OCT 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Viết giữa cơn đại dịch
LỜI TÒA SOẠN: Phạm Quốc Bảo - Nhà văn, đồng thời cũng là một Nhà báo, ông làm việc cho Nhật báo Người Việt từ tháng 2- 1982. Nay ông đã chính thức về hưu.
Không phải đến lúc này ông mới viết. Từ năm 1969, ông đã cho ra mắt độc giả trên 20 cuốn sách.
Đây là lần đầu tiên tác giả Phạm Quốc Bảo góp bút với Văn Hóa Online - California, (nhatboavanhoa.com).Bài viết có tên: "Viết Giữa Cơn Đại Dịch”. Riêng cái tựa đề này đã khiến chúng ta phải thắc mắc, tác giả muốn dựa vào thực tế hiện nay để chuyển tải những gì đây?
Bài viết khá dài (gần 17 ngàn chữ), tòa soạn chia ra từng phần và sẽ đăng nhiều kỳ. Trân trọng giới thiệu cùng qúy bạn đọc và cảm tạ cây bút lão luyện Phạm Quốc Bảo đã đến với độc giả nhatbaovanhoa.com. (lkt)
Phạm Quốc Bảo
PHẦN I
Đại dịch coronavirus xuất hiện một cách âm thầm len lỏi vào đời sống hằng ngày của dân cư, bung ra nhanh và lan tràn mạnh khắp trên toàn thế giới nói chung, và cụ thể là thuộc vùng Little Sàigòn, Nam Cali. Từ lúc nào, và nguyên nhân do ai? Cho đến bây giờ, cuối tuần lễ thứ hai của tháng chín-2020, người ta đã và đang bàn luận nhiều nhưng vẫn chưa có bất cứ một tài liệu nào khẳng định để xác nhận rõ rệt chính xác, được những cơ quan uy tín quốc tế chứng thực.
Chỉ biết rằng đầu tháng ba khi nó bung ra ở trong cộng đồng dân cư Nam Cali, tôi thấy chính mình lẫn mọi người chung quanh đều chưng hửng, gần như choáng váng rồi để tự mình rơi vào tình trang bị động, tâm tư bị dầy vò với nỗi lo âu mỗi ngày một tăng trong mù mờ. Cơn dịch ào ạt lan tới, xô đẩy những cá nhân đang sống càng lúc càng nhấn sâu vào tình trạng hoang mang hỗn loạn từ tin tức tìm hiểu đến cách thức làm sao để đối phó, phòng ngừa..; rồi lối suy nghĩ, nếp sinh hoạt hằng ngày theo đấy mà đều từ từ khác lạ hẳn ra…
Suốt mấy tháng trời lu bu, vừa sống cho qua ngày, vừa luôn luôn đuổi bắt thông tin để mong mỏi
hiểu thấu. Thế mà cho đến khi quyết định viết những dòng chữ này, tôi thấy mình vẫn chưa hề biết chính xác cho ra ngọn nguồn và chưa nắm bắt được diễn tiến của cơn dịch. Nó vẫn đang lừng lững biến động từng ngày trong đời sống chúng ta, và bây giờ xem ra nó đã chuyển sang đến giai đoạn 2, như đa số nghĩ như vậy; còn tôi thì thấy nó đang bước vào đợt lây lan thứ 3…
Đồng thời cá nhân tôi bắt đầu mường tượng được những ý tưởng đang tiếp tục nẩy sinh nhưng đã lộ ra dần cái khung sườn của những yếu tố cấu tạo thành vấn đề để có thể chia xẻ với nhau được rồi.
Bắt đầu ghi chép từ cụ thể cá nhân.
Mùng Một tháng Tư năm nay tôi đã nghỉ đi làm luôn: Đúng lúc ban quản trị sở làm đang nhức đầu trước tình hình cần phải gấp rút điều chỉnh hoạt động của sở vì đại dịch đã khiến công ty bị giảm sút đến trên một nửa tổng số thu nhập. Cá nhân tôi thấy cần chủ động đề nghị ngưng mọi chức vụ và công việc hằng ngày của mình, để chính thức về hưu.
Sự kiện này xem ra khá bất ngờ đối với ai khác đồng sự với tôi, nhưng thực ra thì ngay từ cuối năm ngoái, 2019, tự tôi đã chuẩn bị rồi: Đúng tuổi xã hội cho về hưu cách đây cả trên mười năm, lúc ấy tôi thấy mình vẫn còn có thể nấn ná làm việc theo qui chế bán thời gian. Mà đến nay thì tình hình điều hành nơi làm việc đã biến đổi đến mức tôi tự thấy rằng sự hiện diện của mình ở công ty thật sự không còn cần thiết nữa.
Về hưu hẳn, nhưng hằng ngày tôi vẫn sinh hoạt như trước nay: Mỗi sáng tỉnh dậy, vệ sinh xong thì ra ngoài hiên tập thể dục độ nửa giờ đến 45 phút, tùy. Vào ‘làm’ một chén ngũ cốc ăn sáng (tạm gọi từ ngữ breakfast cereal, những loại đại khái như oatmeal, whole grain oats quaker…lẽ ra ăn với sữa tươi thì tôi chỉ đổ nước sôi vào) với một tô rau củ quả tươi xắt nhỏ ra trộn một muỗng càphê xì dầu. Ăn xong, không còn phải chuẩn bị đến tòa soạn nữa, tôi ngồi vào bàn bật laptop lên, check & trả lời emails rồi ghi lại chút gì đó vừa nẩy ra trong đầu. Độ 12 giờ, thay vì ăn trưa như khi còn đi làm thì tôi nằm nghỉ hay coi tivi, đọc cái gì đấy, hoặc tha thẩn ra mảnh vườn rộng chỉ có trên một thước quanh nhà. Có lúc bứt mấy chùm lá úa, có lúc cầm vòi nước tưới cây, nhưng cũng có thể chỉ nhìn ngó mông lung mà tâm trí dõi theo một vài ý tưởng nào vừa thoáng qua…Đến độ 3 giờ chiều tôi ăn sơ sài chén xúp hay miếng bánh sandwich kẹp trứng tráng, với thường là rau trái tươi nhiều hơn. Chiều lại ngồi vào bàn viết một chút gì đó; cho đến gần 6 giờ thì nghỉ, coi tivi hay đọc tài liệu nào mà tôi thấy cần vừa cho in ra, đợi ăn tối với nhà tôi rồi đi dạo quanh nhà độ 15-20 phút. 8 giờ trở đi, tôi lại ngồi vào check emails, viết tiếp mấy ý tưởng mới nẩy ra trong đầu để cho vào phần nhật ký lưu lại ở máy tính và USB. Độ 11giờ tối hay nửa khuya, tùy, tôi vào giường bật tivi lên lơ mơ coi gì đấy, như một cách thế thông thường của tôi để cơ thể thư thả dãn ra mà dẫn vào giấc ngủ.
Trình tự đại khái hoạt động hằng ngày rõ rệt là đều chỉ quanh quẩn trong nhà ngoài hiên - sân -vườn như thế. Thậm chí cả thứ bảy chủ nhật thì cũng chẳng rời nhà, hai ba tuần lễ cần gì lắm bất đắc dĩ tôi mới xách xe đi, với khẩu trang- bao tay và lọ nước sát trùng kè kè trong túi áo khoác, nhiều lắm chỉ một vài tiếng đồng hồ sau đó thì quay trở về. Cứ đều đặn vậy… Và đương nhiên là thỉnh thoảng tôi có cảm thấy trong người mình hơi khó chịu và bức bối, nhưng những cảm giác ấy cũng chỉ thoáng qua chốt lát rồi trở lại bình thường…
Cho đến giữa tháng Năm, một sáng thức giấc tôi tự nhiên thấy đầu mình quay quay, bước xuống giường nếu không cẩn thận cử động chậm lại thì dễ ngã. Uống một viên tylenol với ly sữa tươi hâm ấm, thấy dễ chịu hơn một chút nhưng đầu vẫn quay mòng mòng. Tôi đang chần chừ xem có nên gọi phôn báo và xin ý kiến của bác sĩ gia đình vào giữa mùa dịch này hay không, thì cô cháu dâu dược sĩ đang phục trách một cửa hàng của hệ thống dược phòng trên Los Angeles gọi xuống, nhà tôi nhân đấy cho biết bệnh tình của tôi, cô cháu bảo là sẽ gửi thuốc tới ngay…Uống thuốc cháu cho và ăn cháo trắng liên tục, hai ngày sau tôi mới bắt đầu cảm thấy cơ thể trở lại bình thường. Nghe lời tôi cảm ơn, cô cháu dâu mới bảo là, thực ra tôi đã bị tâm lý bức bối không thoát ra được (depressed) mà đổ thành tâm bệnh đấy thôi!
Chưa hết.
Tuần lễ đầu tháng 9, nhờ được nhắc nhở, lần đầu tiên tôi chịu sốt sắng chủ động đến cửa hàng Rite- Aid gần nhà xin được chích ngừa cúm. Nhà thuốc trong ấy check hồ sơ rồi cho biết rằng thuốc ngừa cúm cho độ tuổi từ 65 trở lên vừa hết, vài ngày nữa thuốc mới về. Nhưng nhân đây họ bảo loại chích ngừa chứng giời leo (shingled vaccine) năm ngoái tôi đã cho chích mỗi một mũi thôi, bậy giờ đang có sẵn thì tôi nên chịu chích mũi thứ hai theo đúng yêu cầu y tế không. Thấy tôi đang ngần ngừ, họ dẫn giải tiếp, chích ngừa giời leo thường hay bị hành nóng sốt, rồi hỏi thêm rằng tôi năm ngoái chích mũi đầu ấy có bị hành lắm không. Tôi bảo là không nhớ nữa, nhưng có lẽ nếu bị hành thì chắc không trầm trọng lắm nên tôi đã quên mất... Trong lúc trả lời như vậy, tôi nghĩ rằng mình đã cất công đến đây rồi mà sao chẳng nhân tiện chích mũi thứ nhì đi cho dứt điểm. Thế là tôi đồng ý!
Ai ngờ về nhà thì tối hôm ấy tôi liền cảm thấy nhức ở bắp vai trái và bắt đầu có triệu chứng sốt. Đêm bị xuất hạn, mồ hôi ra xâm xấp ướt mình mẩy, phải uống dằn một viên Tylenol mà trằn trọc hồi lâu sau mới thiếp mê đi, giấc ngủ cứ chập chờn cả từ khuya cho đến sang hôm sau…Và tôi đã tự hối trong lòng rằng tại sao mình lại ỷ y mà dễ dãi với mình một cách cạn suy xét đến thế nhỉ: Đang mùa đại dịch, tôi đã vốn đã biết điều quan trọng lúc này là chỉ nên thực hiện những gì nhằm ngăn ngừa trực tiếp một cách tối đa tình trạng sống yên lành để cơ thể chẳng may bị lây nhưng nhờ sức khỏe lướt đi mà không bị covid -19 hành. Nghĩa là phải luôn cẩn trọng, tránh đừng xốc nổi một hành động nào có thể tạo cơ hội khiến cho người mình bị yếu đi hệ miễn nhiễm. Như vậy mới phải chứ!
Ngoài ra, trong cuộc sống liên quan cụ thể đến cá nhân mình ở mấy tháng giữa mùa đại dịch coronavirus, tôi thấy được vài điều đại khái nêu trên là tạm có thể đề cập tới.
Sát cạnh đó thì còn gì nữa?... Ở trong vòng gia đình họ hàng thân sơ và bạn hữu thì tôi chỉ có vài người ra đi, nghe nói là do đại dịch này, nhưng vì tế nhị nên không tiện gạn hỏi, và không một trường hợp nào tôi được biết rõ một cách rành mạch cả. Riêng đặc biệt một tháng nay, ít nhất có ba người bạn mà tôi quen biết và thường sinh hoạt qua lại với nhau trên nửa thế kỷ qua, họ tuổi từ 80 trở lên, họ ra đi êm…Tôi biết rõ rằng họ đã bị yếu sẵn từ nhiều năm nay...
Mấy câu thơ giữa mùa đại dịch.
Trước khi tiếp tục tâm tình những ý tưởng khác nữa, chắc chúng ta cũng nên thư thả đọc qua mấy đoạn thơ của tôi mới xuất hiện vào thời gian vài tuần lễ giữa tháng Tám vừa qua sang đến đầu tháng Chín này, xem sao nhá:
Từ tấm ảnh trái đậu bắp.
Nay sống mãi ở trời Đông
vẫn không quên được trái đậu bắp nhà..
như chẳng thiếu bạn hiền ta
để chúng mình cứ an nhiên lòng dạ.
Đầu tuần qua
tiễn bạn* đi
về đâu nhỉ
về nơi nao
miền miên viễn…
còn lại đây vài bóng chim..
Thôi
cũng tạm nguôi niềm thương nhớ.
Hỡi bạn hữu của ta ơi
đừng quên đi lòng son sắt
mang mang hình trái đậu bắp
để chúng ta cùng tạm yên...
* tiễn HÀ TƯỜNG CÁT
On Thursday, August 13, 2020
Mời.
Nâng tách trà uống trong mùa đại dịch
mong trôi đi bao cơn khát cuồng mê
để đắng cay cứ trải qua chân thật
mà mát họng đời dịu nắng cuối hè.
Bạn hữu ơi
Đường ta đi đã gần lại quá rồi
Cuộc đời này trải nghiệm biết nao nguôi
Ác tâm kia vẫn khiến ta tiếc nuối…
nhưng cuối cùng xem ra đều biến đổi,
riêng con người rồi cát bụi hư vô…
Thôi thế thì
Lưu lại chi lời trái tai bạo ngược
cho đường ta đi nhẹ bước phiêu du
cho lòng ta thanh thản chiều đang xuống
gót chân trần muộn nở đóa liên hoa.
14:00 thứ Tư Aug. 19/ 2020.
Đợt nóng cuối hè.
Cuối hè sao oi bức quá...
Trời đất muốn hành chúng ta?
Hay chính vì người bạo ngược
vung tay hại khắp ta bà?
Nay mình phải chịu trả quả...
Cũng may, vẫn còn bạn ta
tâm tư được nơi giải tỏa
mà ấm ức vơi nhẹ ra ...
Kìa, ngoài hiên dưới nắng đổ
hoa lá cứ tươi tắn mở
khuyến khích ta vượt gian khổ
cho cơn đại dịch này qua.
16:10, Thursday, Aug.20,2020.