Trần Anh Tuấn: Nét văn minh Đại Việt thế kỷ XV

22 Tháng Hai 20217:27 SA(Xem: 6003)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA - THỨ HAI 22 FEB 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California).


Nét văn minh Đại Việt thế kỷ XV nhân mùa Xuân thế kỷ XXI

image015

Trần Anh Tuấn


Trong thời khắc giao thừa của mùa Xuân Tân Sửu 2021, tôi chia sẻ cùng quý vị độc giả một đề tài tươi vui. Đó là nét văn minh Đại Việt trong thế kỷ XV với dòng gốm sứ Chu Đậu ở Hải Dương thời Hậu Lê (1428-1527).


Thông thường, việc trang hoàng nhà cửa phòng ốc bằng cổ vật là dấu hiệu của các nhà quyền quý Việt Nam suốt từ Bắc chí Nam. Thí dụ như phòng ốc của Kinh Lược Sứ Hoàng Cao Khải ở ấp Thái Hà gần Hà Nội dưới đây.


image016 Nhà kinh lược sứ Hoàng Hoàng Cao Khải với nhiều cổ vật Tàu (Bộ sưu tập TAT)


Còn trong Nam, tôi không có hình ảnh phòng ốc của đại phú gia nào trong thời Pháp thuộc, nhưng có chân dung của hầu hết nếu không nói là tất cả giới tổng đốc và đốc phủ hồi đầu thế kỷ XX.


image017Hình 1. Hình chụp đầu thế kỷ XX gồm hầu hết tổng đốc và đốc phủ sứ Nam Kỳ Lục Tỉnh (Bộ sưu tập TAT)


image018Hình 2. Một số tổng đốc và đốc phủ sứ miền Nam. Tổng đốc Phương  bên phải, người duy nhất

mặc âu phục. (Bộ sưu tập TAT)


Chính trong giới quan lại miền Nam này xuất hiện những đại phú gia về điền thổ.


Lý do là khi quân Pháp xâm lăng nước ta, đầu tiên họ chiếm cứ miền Nam làm thuộc địa và dựa vào số người bản xứ cộng tác để cai trị dân ta. Một trong những phương cách Pháp duy trì sự trung thành của giới này là cấp đất cho họ. Nguyên khi quân Pháp tiến đánh địa phương nào thì nhân dân miền Nam bỏ nhà cửa ruộng vườn đất đai lùi vào phía trong lánh nạn. Họ phải bỏ hoang ruộng đất. Ngụy quyền Pháp bấy giờ là thời các Đô Đốc sau khi chiếm đất, liền ra thông báo thời hạn tối đa cho dân trở về nhận điền sản.


Dĩ nhiên đại đa số dân Việt miền Nam không trở về theo kỳ hạn. Thế là ngụy quyền Pháp tịch thu đất và chia cho nhóm thông ngôn ký lục sau lần hồi lên hội đồng, đốc phủ, tổng đốc... là những người tích cực cộng tác ngay từ khi quân viễn chinh Pháp xâm lăng nước ta. Đất cấp thường khi bán rẻ như cho không, vì giá chỉ là  0.5 franc một mẫu, theo như tôi nhớ nội dung của một nghị định do Đô Đốc Bonard ký.


Đó là lý do tại sao chúng ta thấy có đại điền chủ miền Nam với hàng chục ngàn mẫu ruộng đất hay nhiều hơn nữa. Và có công tử trắng, công tử đen... khách hàng sộp của chị em cô Ba Trà mà tác giả Vương Hồng Sển đề cập một cách thiết tha trong hồi ký của cụ.


image019Hình 3. Hình ảnh thế hệ trước “cô Ba Trà,” chụp đầu thế kỷ XX. Hãy để ý trang sức, nào dây chuyền, vòng tay, hài gấm... (Bộ sưu tập TAT)


Gia sản của quan lại triều đình Huế không thấm vào đâu so với gia sản của giới tổng đốc, đốc phủ, hay hội đồng miền Nam.


Chẳng hạn như Ngô Đình Khả, một đường quan mà ảnh chụp cả gia đình biểu lộ sự thanh bạch bất ngờ. Ảnh cho thấy, chỉ trừ Ngô Đình Khả và phu nhân đi hài, còn tất cả năm người con trai con gái đều chân đất. Trong hình, từ Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thị Giao, Ngô Đình Thục, và Ngô Đình Diệm đều chỉ mặc quần áo đủ che thân. Riêng em bé Ngô Đình Nhu được mẹ bế có vẻ không mặc quần. Ảnh cũng cho thấy toàn gia họ Ngô tương đối gầy ốm, so với giới tổng đốc và đốc phủ sứ miền Nam ai nấy cao lớn mập mạnh, nhất là người đứng ở tiền cảnh bức hình thứ nhất, cũng là người đứng thứ hai từ trái của hàng đầu trong hình thứ hai. Tôi tiếc là không biết tên vị này. Nhưng tôi biết sự phổ biến mấy bức hình chụp giới tổng đốc và đốc phủ sứ hồi đầu thế kỷ XX này sẽ giúp các thế hệ con cháu của họ nhận ra người thân.


Trong khi hình ảnh tổng đốc Phương tức Đỗ Hữu Phương cùng thời gian thì khác hẳn. Họ Đỗ mặc âu phục ba mảnh thẳng nếp điệu đà, cổ áo hai lớp, đồng hồ quả quít trong túi quần, râu cá chốt ba chòm, giầy da bóng lộn, thẳng thớm giữa ngực là Bắc Đẩu Bội Tinh, huy chương cao cấp nhất của Pháp. Gương mặt tổng đốc Phương ra oai trông dữ dằn khó khăn, được Pháp mệnh danh, nguyên văn trong hình là “un ami de la France.” Công lao của tổng đốc Phương to lớn thế nào mới được thực dân Pháp khen ngợi là “một người bạn của nước Pháp,” cũng có nghĩa là biết bao nghĩa quân miền Nam đã bị nhân vật này triệt hại trong ba thập niên 1860-1880! 


image020Hình 4. Gia đình Ngô Đình Kh, đường quan triều đình Huế chụp giữa thập niên 1900.

(Bộ sưu tập TAT)


image021Hình 5. Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, hình chụp đầu thập niên 1900. (Bộ sưu tập TAT)


Dinh cơ của giới tổng đốc và đốc phủ sứ miền Nam cũng là giới đại điền chủ này đầy những cổ vật để chứng tỏ sự giầu sang phú quý của họ. Song tinh thần Bụt chùa nhà không thiêng khiến họ lơ là với sản phẩm Việt Nam. Thực ra, so sánh giữa hai dòng cổ vật Tàu và Việt trong thời Pháp thuộc thì cả về kỹ thuật sản xuất đến mẫu mã mỹ thuật thì cồ vật Việt đều thua kém, nên dân nhà giầu bỏ Việt theo Tàu cũng có lý do của họ.


Cho đến thời VNCH, tôi cũng chỉ thấy có cụ Vương Hồng Sển đề cập đến dòng gốm Bát Tràng và cụ Dương Minh Thới (thân phụ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa) có bộ sưu tập bình vôi.


Đặc biệt nhất là bác Huỳnh Văn Lang với bộ sưu tập sứ bleus de Hué. Xuất xứ của khoảng 150 món của bác rất đáng ghi lại nơi đây. Trong thập niên 1960-70, thái hậu Từ Cung muốn bán đồ ngự dụng trong Cung để có tiền gửi sang Pháp cho cựu hoàng Bảo Đại. Vì thái hậu không tiện ra mặt nên cần trung gian (phu nhân ông Trần Trung Dung thì phải?), nhờ đó bác Huỳnh Văn Lang mua được hầu như tất cả đồ ngự dụng bleus de Hué mà hai  vị vua cuối cùng triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại từng sử dụng hàng ngày, gồm thống, chóe, bình, ống, hũ, bộ đồ trà, bình vôi, ống nhổ, tiềm, nhiều nhất là tô, chén và đĩa. Bộ sưu tập bleus de Hué rất quý này mới thực sự là đồ ngự dụng mà người ta biết rõ cả danh hiệu của vua. Ngay cổ vật trong Viện Bảo Tàng Hoàng Cung Huế ngày nay cũng khó biết chính xác là đồ ngự dụng hay là đồ đã bị tráo đổi, huống gì những công ty đấu giá ở Pháp và nhất là ở Mỹ?!


image022Một số sứ bleus de Hué mà bác Huỳnh Văn Lang mua được từ thái hậu Từ Cung. Bộ sưu tập gia bảo này đã chuyển sang thế hệ thứ hai là trưởng nam của bác, vì con dâu bác là một Tôn

Nữ. (Hình do bác Huỳnh Văn Lang chụp)


Nhưng tình trạng chuộng Tàu và chê Việt của thế hệ sưu tầm cổ vật ngày nay đã thay đổi, khi ngư dân miền Trung phát hiện con thuyền đắm ở vùng Cù Lao Chàm miền Trung chở cổ vật từ các lò gốm Hải Dương xứ Bắc. Hồi đầu thập niên 1990, một số ngư dân địa phương tình cờ vớt được cổ vật vướng trong lưới cá. Sau đó, họ cố tình lặn vớt cổ vật về bán cho nhà buôn người Nhật, người Tàu, người Đại Hàn, người Mã Lai... đã chờ sẵn ở thị trấn Hội An. Mãi đến cuối thập niên, chính phủ Việt Nam mới ký kết với công ty Saga Horizon ở Mã Lai Á để công ty này độc quyền thực hiện cuộc trục vớt cổ vật trong con tàu trong những năm 1997-1999.


Kết quả là khoảng 250,000 cổ vật Việt đủ loại đủ cỡ đã được trục vớt, gồm 150,000 cổ vật nguyên toàn và 100,000 cổ vật bể vỡ. Và từ đó thế giới ý thức về một “Truyền thống khác hẳn Tàu” nói theo hai chuyên viên gốm sứ quốc tế  John Stevenson và John Guy trong tác phẩm Vietnamese Ceramics. A Separate Tradition (Chicago, Avery Press, 1997, 422 tr.) 


Khi chính phủ Việt Nam trao toàn bộ cổ vật trong chiếc thuyền đắm ở Cù Lao Chàm cho công ty đấu giá quốc tế Butterfields ở San Francisco, tôi liên tục theo dõi các cuộc đấu giá bắt đầu hồi tháng 12-2000 của Butterfields tại trụ sở đường San Bruno và trên internet. Theo truyền thống từ đời nội tổ, tôi tìm mua những mẫu cổ vật đặc thù ít người để ý. Nhưng tôi không phải là người có thú sưu tầm đồ cổ như hai thế hệ trước, mà là người đi tìm chứng tích của nền văn minh dân tộc trong quá khứ.


Cổ vật trục vớt ở Cù Lao Chàm được giới chuyên viên quốc tế mệnh danh là “Hoi An Hoard,” còn người Việt gọi là “Gốm Chu Đậu,” lấy nơi sản xuất làm tên. Danh từ mới nhất tôi phát hiện là “Gốm Cù lao Chàm” của hai tác giả Phạm Quốc Quân và Nguyễn Hoài Nam trong chuyên san Xưa&Nay của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam số Tết Tân Sửu (tháng 2-2021). Ý nghĩa sự chuyển đổi danh từ từ Gốm Chu Đậu ra Gốm Cù Lao Chàm theo tôi là vì hai tác giả tin rằng trong số gốm trục vớt được ở Cù Lao Chàm có cả gốm từ lò Thăng Long.


Không kể giới sưu tầm cổ vật trong nước, giới bác sĩ hải ngoại là giới sưu tập gốm Chu Đậu nhiều nhất, cả về số lượng lẫn phẩm chất. Tôi đã đến xem tận mắt bộ sưu tập khổng lồ của hai bác sĩ Chẩn &Kiều ở miền nam California, và những  bộ sưu tập của bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Thượng Vũ... ở miền bắc California.


Phần tôi, tôi có chủ đích đi tìm tài liệu lịch sử nên thụ đắc những cổ vật Chu Đậu mà giới sưu tập dù rất phong phú về phương tiện cũng không có.


Thứ nhất là phải tìm dấu vết con thuyền đắm. Do đó, tôi tìm mua những cổ vật có sò hến bám và có dấu hiệu hỏa hoạn. Hiện vật bằng gốm sứ mà lửa cháy sém là chứng cớ có vụ hỏa  hoạn rất lớn, và điều đó chứng minh con thuyền bị đắm vì hỏa hoạn chứ không phải vì bão táp ngoài khơi. Địa điểm con tàu đắm gần bờ cũng có thể hiểu vì hỏa hoạn, lái tàu đã tìm cách lái vào đất liền tránh nạn chăng?


image023Chén trà dưới đáy biển bị hải vật bám đầy và một chén khác bị cháy đen sạm. (Bộ sưu tập TAT)


Thứ đến là tìm tinh thần dân tộc qua cổ vật. Một trong những tinh thần nổi bật là sự tinh quái và phóng khoáng của cả một dân tộc lúc nào cũng bị áp bức bởi cường quyền hay ngoại địch mà sự diễu cợt buông thả chính là lợi khí làm đời sống bốt vẻ gay go căng thẳng, là mạch văn hóa với thơ Hồ Xuân Hương hay chuyện Trạng Quỳnh, Ba Giai Tú Xuất, kéo dài đến những chuyện chơi chữ, nói lái ngày nay. Tính đến nay, tôi đã tìm thấy ba hiện vật trong dòng gốm này mà may mắn thay, tôi đã thụ đắc được hai. Hiện vật thứ ba thì có lẽ đến năm 2006 vẫn còn nằm trong kho tang vật của Ty Công An tỉnh Quảng Nam.


Đầu tiên là chiếc đĩa đường kính trung bình 24,3cm, mẫu vẽ hai chữ Hán “Kim Ngọc” bên trái và con chim đang bay bên phải. Trong cuộc đấu giá tháng 1-2001, tôi chỉ để ý đến vẻ bất thường của đĩa. Mãi đến khi có đĩa trong tay, tôi mới khám phá ra mẫu đĩa chính là nét vẽ tinh quái nghịch ngợm của nghệ nhân gốm Chu Đậu, Hải Dương cách nay hàng 500 năm. Hình chim chỉ là những nét nổi của một bức ẩn họa, là mặt của một trang nam tử “mắt sâu râu rậm” nhìn nghiêng, hướng về hai chữ Kim Ngọc.


image024Đĩa Kim Ngọc. Bộ sưu tập TAT)


Sau đó, là chiếc đĩa cùng kích thước, mẫu vẽ hoa lá nhưng ẩn trong cành lá là chữ “Phúc” mà tôi nhận ra ngay. Ẩn họa này có lẽ chịu ảnh hưởng của mẫu Tàu, nhưng cũng hiếm thấy trong gốm Chu Đậu.


image025Đĩa có chữ PHÚC ẩn tàng trong hoa lá. (Bộ sưu tập TAT)


Và sau cùng là chiếc đĩa phô diễn vẻ bỡn cợt hồn nhiên của dân quê trong làng xã. Đĩa đã bị sứt một phần, nhưng mẫu vẽ thì còn nguyên, diễn tả đôi nam nữ trong một tư thế làm tình dưới lùm cây. Đặc biệt lại có một khuôn mặt đàn ông đang rình xem trộm ở rìa đĩa. Đĩa bị Công An Quảng Nam thu giữ trên một con thuyền đánh cá trục vớt đồ cổ trái phép năm 2002.


Về chiếc đĩa này, hai tác giả Phạm Quốc Quân và Nguyễn Hoài  Nam trong bài “Hoa văn gốm Việt trong tàu cổ Cù lao Chàm” đăng trong chuyên san Xưa&Nay số Tết Tân Sửu 2021 (số 528, tháng 2-2021, tr. 89-94) kết luận có thể là “đơn đặt hàng của những thương nhân Hồi giáo cho thợ gốm Việt.” Đi xa hơn nữa hai tác giả còn “căn cứ vào bộ râu, con mắt và vầng trán” để  xác định người đàn ông trong đĩa là người Tây Á (trang 91). Những kết luận này, theo tôi, là do trí tưởng tượng phong phú mà thôi. Mẫu vẽ chỉ là vài nét thô thiển, làm sao ghi nhận được những chi tiết tỉ mỉ rõ ràng về “hình ảnh nhân học người Tây Á” như hai tác giả viết? Trước hết, người đàn ông trong mẫu vẽ làm gì có râu?! Thứ hai, thợ gốm Việt nào mà non tay nghề, vẽ đôi tay người nằm mà như hai khúc gỗ và bàn tay lại chéo ngược?! Và thứ ba, căn cứ vào khuôn mặt cùng đầu thiếu tóc và ngực lép của người nằm ngửa thì làm sao biết được đàn ông hay đàn bà?! Sản phẩm làm theo đơn đặt hàng -nếu quả thật là sản phẩm làm theo đơn đặt hàng- gì mà yếu kém thô vụng, người đặt sản phẩm sao có thể chấp nhận thu mua được?! Đó là lý do tại sao tôi nhận định chiếc đĩa chỉ là sản phẩm bất chợt của một anh thợ trẻ còn non tay nghề chưa biết vẽ người, có thể nhân một chuyện ồn ào vừa xảy ra trong làng xóm mà bốc đồng nguệch ngoạc vài nét khi đang làm việc. Rồi sau khi đưa đĩa vào lò nung thì anh ta quên luôn!


image026Chiếc đĩa Công An Quảng Nam thu giữ năm 2002.

Xuất xứ: Xuân Tiếp Thị 2006.


Cuối cùng, hai tác giả đã đưa vào bài viết hình ảnh chiếc đĩa. Nhưng điều đáng để ý là họ đã dùng photoshop cài sửa chiếc đĩa thành nguyên toàn: phần sứt mẻ của đĩa đã biến mất, như hình ảnh dưới đây,  nơi trang 93 trong Xưa&Nay số 528:

image027

Thứ ba là tìm đến hiện vật đặc biệt nhất và độc đáo nhất của dòng gốm Chu Đậu. Là bình rượu hình rồng. Nói theo ý kiến của dân sưu tập cổ vật trong nước qua chuyên san Cổ Vật Tinh Hoa (xb Hà Nội, cũng là một cơ quan ngôn luận của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam) thì đó là món “oách nhất” trong toàn thể cổ vật Chu Đậu trục vớt tại Cù Lao Chàm. Trong thế giới sưu tầm cổ vật, người ta quan niệm “nhất kỳ nhì cổ.” Bình rồng không những đã “kỳ” mà còn “cổ” nữa. Còn theo tiêu chuẩn “nhất dáng, nhì men, tam nguyên, tứ chế” hay “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi” thì bình rồng cũng ứng vào tiêu chuẩn đầu tiên, với cái dáng độc đáo của nó. 


Bình rồng là loại gốm hoa lam dẫn xuất từ óc sáng tạo của nghệ nhân gốm Đại Việt thế kỷ XV. Bình rất bắt mắt với kiểu dáng đặc biệt hình rồng uốn khúc, bụng phình to và ngang ra làm tăng thể tích chứa rượu, đuôi rồng vươn cao có khoét chỗ đổ rượu và miệng rồng làm vòi ngang với đuôi theo nguyên tắc bình thông nhau. Nếu che phần đầu và đuôi rồng, ta sẽ thấy rõ hình ảnh chiếc bình tích. Vậy là phần nắp bình tích được nghệ nhân người Việt nặm thành đầu và đuôi rồng, tạo ra loại bình rượu mà ngoài nước Đại Việt ra, trước nay không nơi nào trên thế giới có được. Giáo sư Mensun Bound thuộc đại học St. Peter’s College, University of Oxford tại Anh quốc, nguyên giám đốc chuyên môn của cuộc trục vớt tại Cù Lao Chàm xác nhận chỉ vớt được ba (3) bình rồng mà thôi. Đó là ba chiếc bình khá hoàn hảo không có dấu vết hỏa hoạn hay sò hến bám vào. Men hoa lam trên ba bình còn nguyên vẹn tuy có một số vết ố vàng. Đó là nhờ ba bình tương đối nhỏ nên được xếp vào lòng những hiện vật to hơn, nước biển ít lọt vào. Ba chiếc đã đấu giá tháng 10-2000 với giá thành US$57,500.00, US$63,250.00, và US$80,500.00.


Tôi ngạc nhiên là tại sao giới hữu trách, kể cả người cao cấp nhất, đại diện chính quyền Việt Nam thảo luận với công ty Saga Horizon để đem lô gốm Chu Đậu ra ngoại quốc đấu giá lại không thấy được vẻ sang vẻ quý và vẻ độc đáo của bình rồng Việt Nam để giữ lại cho Bảo Tàng Quốc Gia Việt Nam ít nhất một bình?! Dẫu biết rằng hai bên đã thỏa thuận là Việt Nam chỉ được giữ lại những món độc bản, nhưng còn điểu kiện Việt Nam được giữ lại 10% mỗi loại gốm vớt được thì sao?! Thực ra, dù điều kiện thể nào chăng nữa và lô gốm khổng lồ là do Saga Horizon tốn kém khoảng 5 triệu Mỹ kim để tiến hành công cuộc trục vớt, nhưng sở hữu chủ vẫn là chính phủ đương thời. Và trong tư cách ấy, việc giữ lại món này món kia trong tổng số 150,000 món nguyên toàn có khó khăn gì đâu?!


Kết luận của sự thiếu sót này là gì? Là Bảo Tàng Quốc Gia Việt Nam tại Hà Nội cũng có bình rồng, nhưng là bình rồng... mới làm! (Bác Huỳnh Văn Lang đã mách bảo trong hồi ký của bác, là chính phủ Tưởng Giới Thạch khi chạy ra đảo Đài Loan năm 1949 không quên đem theo một số cổ vật quý hiếm và cho định cư một số thợ gốm sứ lành nghề thành làng. Làng thợ này có nhiệm vụ sản xuất loại hàng nhái theo cổ vật quý hiếm do lệnh của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc để làm quà biếu các quốc khách của Đài Loan. Tôi không biết bình rồng mới làm là do thợ làng này, hay thợ trong đất liền ở Tàu. Nhưng tôi không tin bình rồng mới làm là làm tại một lò gốm Việt Nam, vì tôi đã thấy nhiều gốm Chu Đậu mới do làng nghề Bát Tràng làm thì thấy phẩm chất chưa đạt yêu cầu, trong khi bình rồng tại Bảo Tàng Quốc Gia tại Hà Nội còn “đẹp hơn cả ba bình rồng Chu Đậu đấu giá tại San Francisco,” như nhận xét của bác sĩ Kiều Quang Chản là người đã xem tận mắt bình rồng trong viện bảo tàng Hà Nội.)  


Tưởng chừng như vô vọng trong việc thủ đắc bình rồng, thì bất ngờ tôi bắt gặp một chiếc bình rồng thuộc nhóm hiện vật mà ngư dân vớt trộm. Có thể xác định xuất xứ như thế vì nước men của bình rồng thứ tư đó đã bị phai nhạt và một mặt bình có nhiều hải vật bám, mặt kia rất ít hải vật, nghĩa là bình bị văng ra khi thuyền đắm, và nằm úp mặt trên cát. Tôi đã may mắn đấu thắng chiếc bình này hồi tháng 9-2016.


image028Bình rồng. Mặt nằm úp trên cát nên ít hải vật. (Bộ sưu tập TAT)


image029Bình rồng. Mặt chìm trong nước biểnbị hải vật bám. (Bộ sưu tập TAT)


Ngoài bình rồng là hiện vật “oách nhất” đã có, tôi còn có duyên với hiện vật quý hiếm khác của dòng gốm Chu Đậu là loại đĩa lớn viền răng cưa, đường kính trung bình 33-34cm. Loại đĩa đó đắt nhất trong số hiện vật đấu giá công khai tại công ty Butterfields, San Francisco với giá thành US$30,000.00-US$40,000.00 một chiếc năm 2000. Cho đến năm ngoái, tôi thực sự không biết giá trị của loại đĩa này, chỉ thấy trong một cuộc đấu giá ở New York có chiếc đĩa gốm sứ Chu Đậu với mẫu vẽ trác tuyệt nên nhờ người đấu giúp và thắng.


Có đĩa trong tay và tham khảo tủ sách cổ vật trong nhà, tôi vui thú khi thấy đây chính là chiếc đĩa hoa lam, song song với chiếc đĩa tam thái cùng mẫu vẽ nai bay trong mây và trên núi hiện trưng bầy tại Viện Bảo Tàng The Museum of Fine Arts, Boston, là viện bảo tàng có bộ sưu tập cổ vật Việt Nam phong phú nhất miền Bắc Mỹ Châu. Đĩa tam thái đó đã được làm mẫu bìa trang trọng và được chú giải chi tiết trong nội dung của hai tác phẩm khác nhau, là Vietnamese Ceramics. A Separate Tradition (John Steveson và John Guy, Chicago, Art Media Resources, 1997, bìa sau) và The Elephant and the Lotus. Vietnamese Ceramics in the Museum of Fine Arts, Boston (Philippe Truong, Massachusetts, MFA Publications, 2007, trang 10, 211).


Theo tác giả Philippe Truong trong The Elephant and the Lotus..., chiếc đĩa tam thái thuộc gia bảo của một phó vương xứ Aceh, miền bắc Sumatra, xứ Nam Dương. Còn chiếc đĩa hoa lam tôi có cũng không nằm trong số cổ vật vớt được tại Cù Lao Chàm, vì không có huy hiệu “Saga-Hoi An Hoard-Visal” dưới đáy. Và đĩa vẫn còn dính một loại keo hay xi-măng khi trưng bầy trên giá. Hai chiếc đĩa song đôi đó cùng một xuất xứ chăng? Nào ai biết?! Nhưng chắc chắn là cùng một nghệ nhân gốm sứ với tay nghề trác tuyệt. Theo tác giả Philippe Truong, đĩa được chế tác tại làng Mỹ Xá, chứ không phải tại làng Chu Đậu. 


image030Đĩa viền răng cưa tam thái in thành bìa sau tác  phẩm Vietnamese Ceramics... 1997.

(Tủ sách TAT)


image031Đĩa viền răng cưa tam thái in trong nội dung tác phẩm The Elephant and the Lotus... 2007.

(Tủ sách TAT)


image032Đĩa viền răng cưa hoa lam. Hai vệt trắng giữa đĩa bên phải chính là vết keo hay xi-măng

dính đĩa vào giá trưng bầy. (Bộ sưu tập TAT)


            Chưa hết, mới cách đây vài tháng, tôi tham dự cuộc đấu giá trong một công ty nhỏ ở California. Và đấu thắng chiếc đĩa viền răng cưa hoa lam đã bị bể nhiểu, may mà mẫu vẽ vẫn còn nguyên. Đem đĩa về và tham khảo tủ sách cổ vật, tôi lại bất ngờ thấy đó chính là hình bìa của cuộc đấu giá do công ty Butterfields, San Francisco tổ chức hồi tháng 12-2000 mà tôi tham dự lần đầu tiên.


image033image034(Bộ sưu tập TAT)


Chi tiết lý thú là chiếc đĩa bể vỡ này chủ nhân đầu tiên thắng với giá US$2,070.00 trong cuộc đấu giá của Butterfields có tiêu đề Hoi An Hoard Sale 71780 ngày 3.12.2000. Không biết đĩa đã qua tay bao nhiêu chủ nhân, nhưng 19 năm sau đến tôi, tôi đấu thắng với giá US$170.00! Giới buôn bán đồ cổ có câu “Buôn cám bán vàng” để chỉ người buôn buôn được cổ vật giá hời vì chủ nhân không biết giá trị. Trong trường hợp này, có thể nói ngược lại, là “Mua được vàng giá cám!”


Phải chăng vì chân tình đi tìm chứng tích của nền văn minh dân tộc Đại Việt mà tôi đã được thiện duyên nhiều lần và trong nhiều trường hợp?!


TRẦN ANH TUẤN

30 Tết Tân Sửu

11.2.2021