Quan hệ Việt - Úc - Tân Tây Lan mở ra giai đoạn mới

13 Tháng Ba 20186:26 CH(Xem: 8535)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG  - THỨ TƯ 14 MAR 2018


Quan hệ Việt - Úc - Tân Tây Lan mở ra giai đoạn mới


image002


Thấy gì từ quan hệ đối tác chiến lược Việt – Úc?


image003

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Đà Nẵng, tháng 11/2017.


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang trên đường đến thủ đô Canberra và sẽ ký Đối tác Chiến lược với Úc vào ngày 14/3/2018.


Tạp chí tài chính Australia Financial Review cho hay, Úc và Việt Nam sẽ nâng mối quan hệ giữa hai nước thành đối tác chiến lược trong khi Úc muốn nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực và thiết lập một loạt các thỏa thuận an ninh nằm đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng bành trướng trên Biển Đông.


Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch và đồng sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, hôm 12/3 nói với VOA rằng việc nâng mối quan hệ Việt – Úc thành đối tác chiến lược có ý nghĩa quan trọng:


“Úc là một quốc gia rất quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có vai trò tích cực trong khu vực Đông Nam Á. Việc Việt Nam và Úc nâng cấp mối quan hệ thành đối tác chiến lược có thể giúp thúc đẩy hơn quan hệ giữa hai nước. Biển Đông là vấn đề của các nước liên quan, đồng thời các nước lớn ngoài khu vực, trong đó có Úc cũng quan tâm. Úc cũng bày tỏ mối quan tâm là thúc đẩy tự do thương mại hàng hải. Việc này phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan ở Biển Đông.”


Biển Đông là vấn đề của các nước liên quan, đồng thời các nước lớn ngoài khu vực, trong đó có Úc cũng quan tâm. Úc cũng bày tỏ mối quan tâm là thúc đẩy tự do thương mại hàng hải. Việc này phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan ở Biển Đông.


Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường


Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/3 cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu chuyến thăm chính thức New Zealand đến ngày 14/3 rồi sau đó dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Úc ở Australia đến ngày 18/3.


Chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc và việc ký hiệp định diễn ra ít ngày trước khi có cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Úc, mà theo lời ông Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull nói với tờ Australia Financial Review, “bàn thảo về các vấn đề về an ninh khu vực hơn là các vấn đề kinh tế thương mại”.


Ông Turnbull được trích lời nói: “Úc và ASEAN là các đối tác chiến lược và kinh tế gần gũi nên cuộc họp thượng đỉnh giữa Úc và ASEAN là cơ hội giúp khu vực của chúng ta an ninh hơn và thịnh vượng hơn. Hội nghị đánh dấu mối quan hệ giữa Úc với ASEAN đã trưởng thành. ASEAN là một trong ba đối tác hàng đầu của Úc và chúng tôi có sự hợp tác mạnh mẽ trong việc đối phó với đe dọa an ninh tại khu vực.”


Trả lời phỏng vấn tờ Australia Financial Review, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại đại học New South Wales, nói: “Úc đang thúc đẩy Việt Nam nên tự tin hơn để đóng vai trò mạnh mẽ hơn tại khu vực.”


Còn Giáo sư Derek McDougall, chuyên gia chính trị châu Á từ Đại học Melbourne, nói với Zing.vn: "Việt Nam mong muốn những quốc gia như Australia đóng vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy tự do hàng hải, duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Sự tham gia lớn hơn của Australia vào duy trì trật tự hiện tại mang lại lợi ích cho hai nước."


image004

Tiến sĩ - Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường.


Năm 2009, khi bà Julia Gillard làm Thủ tướng Úc, quan hệ song phương với Việt Nam đã được nâng lên thành mối quan hệ đối tác toàn diện.


Năm 2015, khi ông Tony Abbott làm thủ tướng, hai nước đã đồng ý tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và tiếp tục bàn thảo để tiến tới là đối tác chiến lược.


Vào tháng 11 năm ngoái, Úc quyết định nâng mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược khi ông Turnbull đến Đà Nẵng dự Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC).


Việt Nam đã ký Hiệp Định Đối Tác Chiến Lược với khoảng 20 nước trên thế giới, gồm cả Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Pháp… và nay là với Australia. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nói trong đó đối tác chiến lược với Úc là “thực chất” và rất “quan trọng.”


“Việt Nam có đối tác chiến lược với khoảng 20 nước, trong đó có những nước rất là quan trọng. Phía Việt Nam muốn tăng cường quan hệ đa phương, đa dạng hóa, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế từ các nước lớn. Đồng thời các nước này thấy Việt Nam là một nhân tố trong khu vực, họ muốn hỗ trợ quá trình cải cách, mở cửa, và đặc biệt là đường lối độc lập - tự chủ của Việt Nam. Một dạng đối tác chiến lược hết sức thực chất và rất quan trọng, trong đó có Úc.”


Báo Zing trích dẫn số liệu của chính phủ Việt Nam cho biết, Úc hiện là đối tác lớn nhất của Việt Nam ở Nam bán cầu với kim ngạch thương mại song phương đạt 6,5 tỷ đôla. Số liệu của Úc, bao gồm cả dịch vụ, con số này đã đạt tới 10 tỷ đôla. Ngoài ra, hiện mỗi năm Úc dành cho Việt Nam khoảng 70,7 triệu đôla viện trợ.


Truyền thông Việt Nam cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Úc là dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược đúng dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao./ (theo VOA 2/03/2018)


++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Chiến hạm Úc và Biển Đông


Cùng với đồng minh là Mỹ, Úc muốn góp thêm sức mạnh đối phó Trung Quốc.


image002

Tàu chiến HMAS Leeuwin của Úc trong sự kiện International Fleet Review 2013 ở Sydney vào ngày 5 tháng 10, năm 2013. Úc đang xem xét gửi tàu hải quân đến giúp đối đầu lại tuyên bố chủ quyền của chính quyền Trung Quốc tại Biển Đông. (Saeed Khan / AFP / Getty Images)


Úc có thể gửi những máy bay quân sự và chiến thuyền để giúp Hoa Kỳ đối đầu lại tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc. Việc đẩy mạnh quân sự được khuyến nghị bởi chủ tịch ban cố vấn chính phủ về Sách Trắng Quốc Phòng hàng năm của thủ tướng Úc.


Những khuyến nghị từ ông Jennings phản ánh chiến lược chiến tranh với Trung Quốc, điều đã được bao gồm trong một chương bí mật nằm trong Sách Trắng Quốc Phòng năm 2009 của Úc. Chi tiết chương này được tiết lộ trong một cuốn sách xuất bản năm 2012 bởi nhà báo người Úc David Uren, “ Vương quốc và con mồi: Trung Quốc, Úc, nỗi sợ và sự tham lam” (The Kingdom and the Quarry: China, Australia, Fear and Greed).


Chương bí mật vạch ra chiến lược quân sự của Trung Quốc cho vùng phía Tây Thái Bình Dương. Nó trình bày chi tiết kịch bản Trung Quốc có thể khởi động một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Cuộc tấn công bao gồm, theo cuốn sách, các cuộc tấn công không gian mạng và tên lửa để làm mù hệ thống giám sát và liên lạc, và theo sau là tên lửa tấn công chiến thuyền và căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.


Để đáp lại những mối đe dọa được đồn thổi, Sách Trắng Quốc Phòng năm 2009 khuyên Úc nên hợp tác với Hoa Kỳ để chống lại “ chiến lược chống tiếp cận” của Trung Quốc nhằm kiểm soát toàn bộ biển Đông và Biển Hoa Đông.


Uren viết chương “ Tập trung vào khả năng tác chiến không quân và hải quân sát cánh cùng Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc. Điều này giả định sẽ ngăn chặn từ xa mong muốn kiểm soát ­tuyến đường và ngăn chặn dòng vận chuyển tài nguyên thiên nhiên mà bộ máy công nghiệp của Trung Quốc phụ thuộc”


Úc sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ, Uren viết, bằng cách chặn tuyến đường thông thương bằng các tàu ngầm của Úc.


Khuyến nghị mới nghe có vẻ quen thuộc với chiến lược được tiết lộ năm 2009. Theo tờ The Sydney Morning Herald, Jennings đề xuất rằng Úc gửi máy bay chiến đấu và tàu chiến đến biển Đông, để ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát tuyến đường giao thương quan trọng này.


image005

Tàu hải quân Úc đang tiếp tế  cho một tàu Hải quân Hoa Kỳ ở miền Nam Ấn Độ Dương, trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines, vào ngày 12 tháng 4, 2014. (LSIS James Whittle /  Bộ Quốc phòng Australia thông trên Getty Images)


Hoa Kỳ gần đây tuyên bố sẽ gửi chiến thuyền và máy bay chiến đấu  đến khu vực trong bán kính 12 hải lý tính từ những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông. Những quốc gia bao gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines  lo lắng khi Trung Quốc bắt đầu thực thi vành đai phòng thủ xung quanh những hòn đảo nhân tạo, tương tự khu vực phòng không ở biển Hoa Đông.


Những bình luận của  của Jennings xuất hiện đúng lúc có những tin đồn gây tranh cãi ở Úc rằng Hoa Kỳ sẽ bổ sung thêm không lực ở Úc, bao gồm máy bay ném bom B-1 và máy bay do thám.


Tờ Sydney Morning Herald cho biết, theo Jennings, Mỹ sẽ phải “đâm thủng những tuyên bố của Trung Quốc” bằng cách gửi tàu và máy bay qua vùng biển và vùng trời mà chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và rằng “Australia sẽ cần phải làm theo.”


“Bước tiếp theo sau khi khẳng định vị thế của chúng ta là việc biểu dương sức mạnh đơn giản bằng việc cho thuyển đi qua vùng viển và vùng trời ( được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền)”, Jennings nói, theo tờ Sydney Morning Herald.


“Nếu chúng ta nghiêm túc với khẳng định này thì chúng ta sẽ phải thực hiện, ở một giai đoạn nào đó”, ông nói./(theo Tin Đa Chiều  21/05/2015 / Joshua Philipp Theo vietdaikynguyen.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Hải Quân Úc chuẩn bị trực tiếp bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông?


Thu Hằng 27-02-2018


image006Một cảnh tập trận Talisman Saber Mỹ - Úc ngoài khơi nước Úc năm 2017. Ảnh 14/07/2017.Reuters


Chủ đề Biển Đông đã được đề cập trong buổi hội đàm giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Washington vào cuối tuần trước.


Theo thông tin ngày 27/02/2018 trên trang News.com của Úc, tổng thống Donald Trump khẳng định Hoa Kỳ phải tăng cường nỗ lực trước một Trung Quốc ngày càng trở nên « cứng rắn » và « đang củng cố sức mạnh ». Còn phía Canberra dường như đang chuẩn bị một cuộc tuần tra riêng tại Biển Đông, trái ngược với chủ trương tránh trực tiếp tham gia hoạt động bảo vệ tự do hàng hải để không gây tổn hại đến quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc.


Khi trả lời báo giới tại Washington về khả năng Mỹ tính đến việc tuần tra chung với Úc, tổng thống Donald Trump tuyên bố : « Chúng tôi muốn một nước Úc dấn thân và tôi nghĩ là nước Úc muốn chúng tôi tham gia ». Tuy nhiên, liên quan đến việc tập trận hải quân chung với Mỹ, thủ tướng Turnbull lại trả lời khá chung chung : « Úc bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải và quyền được bay trên khắp thế giới, nhưng chúng tôi không muốn đưa ra ý kiến về nội dung hoạt động ».


Trang News.com cho rằng việc thủ tướng Turnbull không khẳng định cũng không phủ nhận liệu Úc có tham gia tập trận chung với Mỹ hay không là nhằm tránh gây thái độ thù nghịch với Bắc Kinh. Vào cuối tuần trước, tờ The Australian từng đưa tin chính phủ Úc tính đến việc tiến hành tuần tra độc lập vì tự do hàng hải ở Biển Đông.


Trong khi đó, trang Global Times, được trang Abc.net.au trích dẫn ngày 27/02, cảnh báo thủ tướng Úc Malcolm Turbull là « môi trường chính trị không lành mạnh » của Úc đang làm tổn hại quan hệ song phương, đồng thời cáo buộc Canberra thổi phồng hoạt động tình báo của Trung Quốc tại Úc.


Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn khẳng định : « Úc đã trở thành nước tiên phong chống Trung Quốc từ hai năm qua ».


image007


Chiến hạm Úc ghé Cam Ranh


Chiến hạm HMAS Warramunga của Australia đã cập cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm kỹ thuật đến Việt Nam từ ngày 2 đến ngày 7/11.


Trong thời gian thăm Việt Nam, Thuyền trưởng và nhóm chỉ huy chiến hạm HMAS Warramunga chào xã giao lãnh đạo Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân; giao lưu bóng chuyền với cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân, tham quan một số danh lam, thắng cảnh trên địa phương.


Chuyến thăm nhằm cụ thể hóa việc triển khai nội dung hợp tác an ninh biển đã được ký trong Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng Việt Nam - Australia năm 2010, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Hải quân và Quân đội hai nước.


image008


Chiến hạm HMAS Warramunga cập cảng Cam Ranh. Ảnh: Dân Việt


Theo nội dung bản ghi nhớ, Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng an ninh, thông qua các cơ chế hợp tác đa phương và song phương hiện có; cam kết thúc đẩy hợp tác và cởi mở hơn trong quan hệ quốc phòng thông qua việc tiếp tục trao đổi nhân sự, đào tạo sỹ quan và tàu hải quân sang thăm lẫn nhau.


Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh hàng không và hàng hải, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, lực lượng đặc nhiệm và các vấn đề liên quan đến hậu quả chiến tranh.


Hai nước ghi nhận nguy cơ nghiêm trọng và ngày càng gia tăng của tội phạm xuyên quốc gia cũng như tầm quan trọng của việc tăng cường chia sẻ thông tin và trao đổi tình báo. Hai nước cam kết đẩy mạnh hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, bao gồm buôn bán người, buôn bán ma túy, rửa tiền và tội phạm công nghệ cao.


Việt Nam và Australia ghi nhận các thách thức khác như an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ dịch bệnh và thiên tai. Hai bên sẽ hợp tác giải quyết các thách thức này cả trong khuôn khổ song phương và tại các diễn đàn quốc tế.


Chiến hạm Hmas Warramunga do Đại tá Hải Quân Dugald Clelland, Hải Quân Hoàng Gia Australia chỉ huy. Chiến hạm này thuộc lớp ANZAC mang tên lửa hành trình có khả năng phòng không, chống ngầm, đối hải, tuần thám, đánh chặn và trinh sát. Tàu có lực giãn nước 3.720 tấn. chiều dài 118m.


Hmas Warramunga được trang bị tên lửa phòng không Sea Sparrow phiên bản mới, tên lửa đối hải Harpoon Block 2, pháo hạm Mk 45 127mm và 6 ống phóng lôi Mk 32. Ngoài ra, tàu Hmas Warramunga có sân và hầm đỗ trực thăng cho trực thăng đa năng MH-60R Sea Hawk và có thể đạt vận tốc tối đa 27 hải lý./ Thùy Dung (theo Quốc phòng VN 02/11/2016)


++++++++++++++++++++++++++++++++


Thủ tướng VN thăm New Zealand: Thúc đẩy hợp tác, nâng tầm quan hệ


ZING 13/03/2018


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm New Zealand trong bối cảnh hai bên đều mong muốn nâng tầm quan hệ từ đối tác toàn diện thành đối tác chiến lược.


image009image010


Bà Ardern từng đến Đà Nẵng hồi tháng 11/2017 để tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, không lâu sau khi bà nhậm chức thủ tướng New Zealand. Bà là lãnh đạo nữ thứ ba tại đảo quốc. Ảnh: Getty.


image011


Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) trò chuyện cùng Phó thủ tướng New Zealand Winston Peters (trái). Quan hệ song phương đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua. New Zealand xem Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. New Zealand cũng là một trong 11 nước vừa ký hiệp định TPP-11 cùng Việt Nam. Ảnh: Getty.


image012


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nông nghiệp New Zealand Damien O'Connor chứng kiến lễ ký biên bản giữa VCCI và Chương trình liên kết chính phủ New Zealand (G2G) về hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên. Đây là một phần của sự kiện diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand được tổ chức ở Auckland sáng 13/3. Ảnh: Thanh Tuấn.


Việt Nam - New Zealand ra tuyên bố chung, hướng tới đối tác chiến lược


13/03/2018


Tuyên bố chung sau hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng New Zealand nhấn mạnh hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, hướng tới đối tác chiến lược.


Zing.vn giới thiệu toàn văn tuyên bố chung ngày 13/3/2018 về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, hướng tới đối tác chiến lược giữa Việt Nam và New Zealand nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.


image013

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Auckland sáng 13/3. Ảnh: Thanh Tuấn.


1. Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức New Zealand từ 12-14/3/2018.


2. Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được tổ chức tại Tòa nhà Chính phủ tại thành phố Auckland ngày 13/3/2018. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm và dự chiêu đãi do Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chủ trì. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội New Zealand Trevor Mallard. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand và tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn của New Zealand. Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Đại học Waikato và Viện Nghiên cứu Thực phẩm và Cây trồng./