GS Nguyễn Văn Sâm sinh nhật 81: Thêm nhiều tác phẩm đang viết

23 Tháng Ba 20217:27 SA(Xem: 5066)

VĂN HÓA ONLINE –VĂN HÓA LỊCH SỬ - THỨ BA 23 MAR 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


GS Nguyễn Văn Sâm sinh nhật 81: Thêm nhiều tác phẩm đang viết

image002

Phan Tấn Hải


Rất đáng khâm phục là sức làm việc hy hữu nơi một vị giáo sư già, sức đã yếu và tóc đã bạc trắng. Trong các dự án đang viết của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, có những tác phẩm bên bờ cơ nguy biến mất, nếu không được diễn Nôm và chú giải. Đó là những gì tôi thấy bùi ngùi khi nói chuyện về một nền văn hóa của quá khứ và khó tìm lại được nữa trong một ngôn ngữ có thể hiểu được cho quần chúng. Sinh nhật thứ 81 của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm là hôm Chủ Nhật 21/3/2021. Trong dịp này, nhà báo Phan Tấn Hải hân hạnh được ngồi hàn huyên mừng sinh nhật và phỏng vấn giáo sư về các dự án đang viết và sẽ viết.


image003Giáo sư Nguyễn Văn Sâm. Ảnh PTH chụp nhân sinh nhật 81.


Tác phẩm ấn hành vào tháng sau (tháng 4/2021) dự kiến sẽ là Nữ Tắc Diễn Âm, dựa vào bản phiên âm và chú giải của ông Trương Vĩnh Ký. Bản Nôm được ghi tác giả vô danh, ấn hành dưới thời vua Tự Đức, chủ yếu dạy công dung ngôn hạnh cho người phụ nữ. GS Nguyễn Văn Sâm nói rằng tài năng của học giả Trương Vĩnh Ký cũng hiển lộ qua cách nghĩ ra một vài chữ mới để diễn ý của người xưa.


Giáo sư Nguyễn Văn Sâm cũng cho biết hiện thời Giáo sư đang giữ nhiệm vụ đồng Chủ Bút tạp chí Tập San Việt Học (http://viethocjournal.com/) vì GS Đàm Trung Pháp (Chủ biên danh dự) lâm bệnh, nên cũng trao thêm một số công việc duy trì tập san. GS Nguyễn Văn Sâm mời gọi những người cầm bút có bài viết nghiên cứu, sáng tác văn hay thơ, dù tiếng Việt hay tiếng Anh, xin mời đóng góp bài cho Tập San Việt Học, gửi qua email về: samnguyen20002002@yahoo.com


image004Trong một cuộc gặp gỡ ở Little Saigon, Gs Nguyễn Văn Sâm đang trả lời phỏng vấn của nhà báo Phan Tấn Hải. Ảnh PTH cung cấp.


GS Nguyễn Văn Sâm nói rằng cũng đang diễn âm bộ Lôi Phong Tháp, một bộ tuồng Nôm rất hy hữu. Giáo sư nói rằng đã sưu tầm được vài hồi trong bản Nôm Lôi Phong Tháp khi còn dạy học ở Long Xuyên nhiều năm trước 1975, và sau này được Giáo sư Nguyễn Khắc Kham tặng thêm vài hồi khác trong vở tuồng Nôm này. Do vậy, bộ tuồng Nôm này nếu không phiên âm lại sẽ là tuyệt tích, bời vì bộ môn hát bội không còn được nhiều người chú ý nữa, và tài liệu gom góp lại được để phiên âm hoàn toàn là cơ duyên hiếm gặp.


Đồng thời, trong thời gian tới, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm cũng sẽ tu chính và in lại các bộ sách đã phiên âm và chú giải, như Hứa Sử Truyện, Chàng Lía, Trương Ngáo...


Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đa tài, không chỉ nổi bật trong các bài nghiên cứu chữ Nôm và văn học Nam Bộ, ông còn sáng tác truyện ngắn, và chinh phục ngay cả các nhà phê bình khó tính.


Giáo sư Đàm Trung Pháp có giao tình với GS Nguyễn Văn Sâm vì là đồng nghiệp dạy học ở các đại học Sài Gòn trước 1975, sau qua Mỹ gặp lại và cùng hoạt động về Việt học. GS Đàm Trung Pháp trong bài viết nhan đề "Giới thiệu tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ của Nguyễn Văn Sâm" đã ghi nhận về người viết truyện rất mực Nam Bộ này như sau:


"Quý bạn đọc đang cầm trong tay một tuyển tập truyện ngắn đặc sắc qua ngòi bút Nguyễn Văn Sâm. Tôi có cảm tưởng mỗi truyện anh viết là một kỷ niệm đậm sâu trong đời anh, hoặc trong đời một người rất thân của anh, mà khi đọc xong, dù vui hay buồn, tôi còn lưu luyến mãi trong lòng như một nhắc nhở ray rứt. Anh là một nhà văn gốc nhà giáo có một tâm hồn hướng thượng, một trái tim nhân ái, một ước vọng chấn hưng đạo đức trong một quê hương đang băng hoại về lối sống; do đó, mỗi truyện của anh là một bài ngụ ngôn thấm thía.


“Văn dĩ tải đạo” là sứ mệnh văn chương của anh mà anh đã thực hiện một cách ngoạn mục trong tập truyện. Phương tiện để anh đạt mục tiêu vừa kể là một văn phong truyền cảm, thành tâm, sâu sắc, quan sát tận tường. Thêm vào đó là những yếu tố bất ngờ kỳ thú trong các cốt truyện được anh xây dựng mạch lạc, những từ vựng thực vui mắt của một phương ngữ miền Nam đáng yêu, và những đoạn văn tả chân thần sầu quỷ khốc của anh mỗi khi anh ra tay hạ xuống. Một bí quyết nữa khiến những truyện ngắn của anh thành công là chúng đều có một mở đầu gợi cảm kích thích bản chất tò mò của người đọc (khiến họ không thể bỏ cuốn sách xuống) và một kết luận làm người đọc xao xuyến trong lòng (khiến họ khó quên được câu chuyện)." (ngưng trích)


Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh nói về ngòi bút Nam Bộ trong văn phong truyện Nguyễn Văn Sâm qua bài viết nhan đề "Đọc “Khói Sóng Trên Sông” của Nguyễn Văn Sâm" trích như sau:


"Văn chương Nguyễn Văn Sâm tưởng chừng theo truyền thống viết-như-nói khởi từ trường phái Trương Vĩnh Ký, qua Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc đến Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng thời hiện đại. Khởi sáng tác cùng thời với hai nhà văn sau, nhưng các truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm nếu đọc kỹ mới thấy ông đi xa hơn: ông viết như nghĩ và dùng ngôn ngữ nói để làm văn chương. Ông hấp dẫn người đọc bằng các chi tiết ly kỳ xen kẽ với lối nói, lối suy nghĩ của các nhân vật đa dạng nhưng tiêu biểu cho “miệt vườn”. Cái khiến Nguyễn Văn Sâm không giống các nhà văn “miệt vườn” khác, là chính trong câu văn mà muốn hiểu thì người đọc phải hiểu được mạch nổi, mạch chìm và lớp từ ngữ bộn bề, dồi dào, nhuốm trí thức của ông. Có thể xem Chờ Cho Trăng Lặn và Như Nước Trong Nguồn là hai truyện ngắn tuyệt tác tiêu biểu của Nguyễn Văn Sâm!" (ngưng trích)


Trong khi đó nhà nghiên cứu Hoàng Kim Oanh ghi nhận về hình ảnh học giả qua bài viết nhan đề "Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy văn chương Nam Kì Lục Tỉnh" trích:


"Ngoài tuồng, cải lương, truyện thơ bình dân, truyện ngắn, giai đoạn sau này, thơ Nôm là một thể loại được ông quan tâm đặc biệt. Ông cho rằng chữ Nôm và những tác phẩm chữ Nôm là những gia tài cổ có một không hai của văn học Việt Nam, ra đời trong một bối cảnh đặc biệt của đất nước và có giá trị giáo dục rất cao song đang dần bị mai một. Đó là các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu...


... Gần 20 năm nay, tác giả đã lặng lẽ đi tìm ở các thư viện trên các nước Mỹ, Pháp, kết hợp với những chuyến về thăm quê, lùng tìm… Có khi ngẫu nhiên nhặt được trên bệ thờ một gia đình xứ Huế, có khi trên gác bếp một căn nhà nông thôn Nam Bộ do con cháu biết là của ông cha để lại nhưng không hiểu nội dung viết gì đành giữ đó như một di vật của tổ tiên… Có khi được tặng không, có khi phải mua cả mấy cây vàng… Công cuộc tìm kiếm tôn tạo giữ gìn vốn cổ ấy cho đến nay nhà văn của chúng ta vẫn chưa dừng bước." (ngưng trích)


Nhà phê bình văn học Trần Văn Nam nhìn về nét phương ngữ qua bài nhan đề "Nguyễn Văn Sâm, nhà văn viết về những lập nghiệp lên từ sông Bến Nghé" trích như sau:


"Ta thấy các nội dung trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm không ngoài tình đất, tình quê hương, tình người nhân nghĩa, tình gia đình gắn bó; nhưng những điều đáng kể trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm ở chỗ ông tận dụng phương ngữ của người bình dân Sài Gòn; có lẽ thuộc về phương ngữ Sài Gòn hơn là phương ngữ Nam Bộ như ta thường gồm chung lại. Do phương tiện đi lại thuận tiện, giao lưu thường xuyên giữa Sài Gòn và Miền Tây Miền Đông, nên phương ngữ các vùng ấy không có gì khác, nhưng cũng có những câu nói mà người Sài Gòn bình dân thường dùng nhiều hơn. Trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm, phương ngữ rất dồi dào; như vậy nhà văn như cũng đã áp dụng phương châm của một số nhà văn coi “cách diễn tả quan yếu hơn điều muốn diễn tả”. Cách diễn tả muốn cho đậm chất tình quê hương tình đất thì tận dụng phương ngữ,như vậy làm cho nội dung và hình thức gắn bó với nhau.Nhưng thiển nghĩ, điều ấy nên áp dụng ở những câu đối thoại." (ngưng trích)


Đặc biệt, trong ngày mừng sinh nhật 81 của GS Nguyễn Văn Sâm, nhà văn Trần Ngọc Ánh cũng là hiền thê của Giáo sư, đã làm 4 câu thơ chúc mừng phu quân như sau:


Mừng Sinh nhật


Cây cổ thụ lâu nay vẫn còn sức
Thầy Đồ Sâm vẫn thức với thời gian
Tám mươi mốt năm tay bút vững vàng
Cố giữ chút hương ngàn Văn Hóa Việt

Ngọc Ánh 21/3/2021


Sau đây là sơ lược tiểu sử của GS Nguyễn Văn Sâm, dựa theo Việt Học Journal (chưa cập nhật tác phẩm mới in: tuồng hát bộ Tam Quốc Chí viết bằng chữ Nôm với văn phong Nam Bộ đầu thế kỷ 19).


GS Nguyễn Văn Sâm sanh ngày 21 tháng 03 năm 1940 tại Sàigòn. Tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học (Tây Phương) 1965, Cao Học Văn Chương (Việt Nam) 1972, và Năm Thứ Nhứt Tiến Sĩ Văn Chương Việt Nam (Khóa độc nhất trước 1975). Từng dạy Trung học (Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Sàigòn) Đại học (Sàigòn, Cần Thơ, Hòa Hảo, Cao Đài, Vạn Hạnh). Vượt biên đến Nam Dương tháng 03 /1979, vào Mỹ tháng 09/1979. Dạy học từ đó đến khi về hưu năm 2006. Viết cho các tạp chí Văn, Văn Học, Đi Tới, Chánh Pháp….)


Nơi đây, trong dịp sinh nhật thứ 81 của Giáo sư, xin ghi lại bài thơ ghi từ mấy tháng trước:


image005Gs Nguyễn Văn Sâm và nhà báo Phan Tấn Hải. Ảnh do PTH cung cấp


Kính Tặng Thầy Sâm


Nửa đêm dò trang chữ cổ
bụi vàng phủ mấy trăm năm
nghe vọng bút nghiên cung kiếm
về khua mở hội trăng rằm.
.
Triệu mời hồn xưa trong gió
Thầy tìm dịch lại từng trang
so chữ đêm dài cũng ngắn
chép từng dòng thơ mênh mang.
.
Nghe dây cổ cầm bật khóc
quân binh thúc ngựa hí vang
Thầy ghi lại hồn giấy mực
tóc râu nhuộm trắng mây ngàn.


Phan Tấn Hải, 2020-2021


Xin chúc Giáo sư Nguyễn Văn Sâm sức khỏe an bình, để lưu lại thêm nhiều tác phẩm cho kho tàng văn học VN.


TÁC PHẨM CỦA GS NGUYỄN VĂN SÂM:


TRƯỚC 1975:


1. Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam (Kỷ Nguyên, Sàigòn, 1969)


2. Văn học Nam Hà (Lửa Thiêng, Sàigòn, 1972, 1974),


3. Văn Chương Nam Bộ và cuộc Kháng Pháp 1945-1954 (Lửa Thiêng, Sàigòn, 1972, Xuân Thu, CA, 1988)


SAU 1975:


A. Sáng tác:


1. Miền Thượng Uyển Xưa, tập truyện (Bách Việt, CA 1983, in chung với Đặng Phùng Quân),


2. Câu Hò Vân Tiên, tập truyện (Gió Việt, TX, 1984),


3. Ngày Tháng Bồng Bềnh, tập truyện (Gió Việt, TX, 1987),


4. Khói Sóng Trên Sông, tập truyện (Văn, CA, 2000),


5. Quê Hương Vụn Vỡ, tập truyện (Viện Việt Học, CA, 2012),


6. Giọt Nước Nghiêng Mình, tập truyện (Viện Việt Học, CA, 2018.)


7. Ước Vọng Bay Tan, kịch thơ (Tiếng Quê Hương, Virginia, 2016)


B. Phiên âm từ sách Nôm:


1. Trương Ngáo (Viện Việt Học, 2008),


2. Tội Vợ Vợ Chịu (Viện Việt Học, 2010),


3. Người Hùng Bình Định (Viện Việt Học, 2012),


4. Mà Lòng Tôi Thương (Viện Việt Học, 2013)


5. Tỉnh Mê Một Cõi (Viện Việt Học 2015),


6. Báo Ứng Nhân Quả (Gió Việt, 2016)


C. Chú giải sách xưa:


1. Kể Chuyện Tình Buồn (Chú giải “U Tình Lục” của Hồ Văn Trung, 2014)


2. Chuyện Đời Xưa (Chú giải “Chuyện Đời Xưa” của Trương Vĩnh Ký (Ananda Viet Foundation, 2017).

20 Tháng Giêng 2023(Xem: 1516)
10 Tháng Giêng 2023(Xem: 1439)