10 điểm đề nghị qua việc Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu

27 Tháng Bảy 20237:55 SA(Xem: 1716)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 1 – THỨ NĂM 27 JULY 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


10 điểm đề nghị qua việc Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu


14 Tháng Mười 20228:39 SA(Xem: 2141)


VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A – THỨ SÁU 14 OCT 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


image003Phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Office of International Religious Freedom, U.S. Department of State) đến thăm chư tôn đức trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung ương GHPGVNTN tại chùa Từ Hiếu. Nguồn: chùa Từ Hiếu.

image005

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

14/10/2022


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11456/10-diem-ghi-nhan-de-nghi-qua-viec-phong-tu-do-ton-giao-quoc-te-bo-ngoai-giao-hoa-ky-den-chua-tu-hieu


Ngày 29 tháng 9 năm 2022, vào lúc 10 giờ, phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Office of International Religious Freedom, U.S. Department of State) đã đến thăm chư Tôn Đức tại chùa Từ Hiếu ngụ tại số 59 Lô D, Dương Bá Trạc, P.1, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh.


Ngày 04 tháng 10 năm 2022, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), Viện Tăng Thống, Văn phòng Chánh Thư Ký ra một Thông cáo Báo chí được Hòa thượng Thích Nguyên Lý Trưởng phòng hành sự tường thuật.


*


Theo thiển ý của chúng tôi, Thông cáo Báo chí là một Văn kiện, được chia làm 3 phần:


PHẦN 1: Bản văn là Văn kiện chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Viện Tăng Thống, Văn phòng Chánh Thư Ký, Phòng Hành Sự;


Bản văn được viết sau 4 ngày Phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm; bản văn được phổ biến qua một trang nhà Phật giáo xã hội (Thư viện Hoa Sen); bản văn không ghi nơi nhận là ai, cơ quan nào; bản văn vừa là Thông cáo Báo chí, vừa là tường thuật, vừa là phát biểu của thầy Tuệ Sỹ. (Riêng phần này 649 chữ).


PHẦN 2: Sáu điểm nêu ra hiện tình Phật giáo Việt Nam nói chung.


PHẦN 3: Tổng kết và nội dung lời ngỏ của thầy Tuệ Sỹ.


**


Thông cáo Báo chí được phổ biến dưới hình thức truyền thông xã hội (trang nhà Thư viện Hoa Sen), không có khoản ghi nơi nhận là Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hay Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội hay tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp Hồ Chí Minh hay Ban Tôn giáo Chính phủ nước CHXHCNVN.


Nhận thấy, Thông cáo Báo chí tuy là bản tường thuật, nhưng thực chất là Văn kiện đầu tiên của Viện Tăng Thống dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ; b3n văn nói về phái đoàn Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu gặp trực tiếp ba vị trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN): Ht. Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương; Ht. Thích Minh Tâm, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và Ht. Thích Nguyên Lý, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.


Với vai trò của một cơ quan truyền thông báo chí tư nhân tại hải ngoại, báo điện tử Văn Hóa Online-California http//www.nhatbaovanhoa.com và với tư cách là một Phật tử, nhân một sự kiện quan trọng vừa diễn ra liên quan đến Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính phủ nước CHXHCNVN, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Cộng đồng Phật giáo Việt Nam, chúng tôi đề nghị 10 điểm ghi nhận và đề nghị dưới đây:


1- Phái đoàn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm chùa Từ Hiếu là một hành động cụ thể xác định tư cách pháp lý-pháp nhân chùa Từ Hiếu, nơi làm việc của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN, dưới sự lãnh đạo của Ht. Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, điều hành giáo hội bước vào trang sử mới Phật giáo Việt Nam (1);


2- Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương đang điều hành công việc của giáo hội ở Tổ đường chùa Từ Hiếu, dù là chính thức hay tạm chính thức hay không chính thức, chính phủ Việt Nam cũng nên tôn trọng phẩm giá, an ninh, sự an toàn cho các vị lãnh đạo trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương. Việc phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu chứng tỏ sự tìm hiểu, lắng nghe, sự quan tâm sâu sắc của Hoa Kỳ đối với vấn đề Tự do Tôn giáo tại Việt Nam và an ninh nhân thân của các vị lãnh đạo trong Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN;   


3- Phái đoàn Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu, một cơ sở Phật giáo, trên thực tế nhiều Phật tử không biết chùa Từ Hiếu là một cơ sở Phật giáo độc lập hay thống thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Nếu chùa Từ Hiếu là cơ sở thống thuộc GHPGVN thì vấn đề trở nên rất tế nhị và dự kiến sẽ có nhiều diễn biến mới. Câu hỏi đi đến kết luận: Chùa Từ Hiếu thuộc tổ chức nào?;


4- Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong quá khứ đã có nhiều hoạt động bảo vệ quyền Tự do Tôn giáo tại Việt Nam, đã gặp gỡ và trao đổi với cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, nay giáo Hội đang bước vào giai đoạn mới do Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ lãnh đạo; Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên có những bước cụ thể thích hợp với vai trò mới của GHPGVNTN, mà không gây tổn hại đến mối bang giao Việt – Mỹ;


5- Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể có một “Ủy ban Liên lạc” với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ban tôn giáo Chính phủ, để các bên cùng đóng góp chung vào sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp Tăng, phục vụ cho hàng chục triệu cộng đồng Phật tử qua nhiều lãnh vực, nhưng không xâm phạm đến phạm vi chính trị hay đảng phái chính trị;


6- “Bao Dung” là triết lý nhân bản, nhân ái, nhân tính, nhân đạo bao la cao nhất cho mọi tổ chức cộng đồng hay các tổ chức chính trị; đồng thời cũng thể hiện tinh thần “Đồng Bào” truyền thống nghìn năm lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong bản Thông cáo Báo chí về Đại Lễ Vesak Quốc tế Pl. 2564 của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Michael R. Pompeo ký tại Washington DC. ngày 7 tháng 5 năm 2020 viết: “Hôm nay khi chúng ta suy ngẫm về hành trạng và giáo lý từ bi, trí tuệ, dân chủ, tự do, bình đẳng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta ghi nhớ và tìm cách đề cao các nguyên tắc vượt thời gian, phổ quát về từ bi tâm, hòa bình và khoan dung, là nền tảng cho sự thể hiện đức tin Phật giáo”;


7- Bản Thông cáo Báo chí của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương nhấn mạnh 6 điểm; 1. Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam; 2. Quan hệ giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; 3. Trong thời gian qua, GHGPGVNTN có gặp khó khăn gì trong các sinh hoạt?; 4. Các thầy trong GHPGVNTN có bị xách nhiễu sau mỗi lần gặp các phái đoàn ngoại giao không?; 5. GHPGVNTN có dự định sẽ tổ chức Đại hội sau nhiều năm sinh hoạt bị gián đoạn?; 6. GHPGVNTN có bị bắt buộc báo cáo thường niên các sinh hoạt của mình cho chính quyền?


Sáu điểm trên được xem như một “lộ trình”, một “báo cáo” tổng quát về hiện trạng Phật giáo Việt Nam, hiện trạng thực tế của GHPGVNTN; đặc biệt Ht Tuệ Sỹ đã nhắc đến “lý tính phổ quát của các tôn giáo”, tính “bao dung tôn giáo”, và khẳng định “ở đâu không có bao dung tôn giáo, ở đó không thể có tự do tôn giáo”;


Sâu xa hơn, Ht Tuệ Sỹ viết: “Vấn đề tự do tôn giáo không đơn giản là các quyền tự do của con người, mà căn bản đó là quyền tôn trọng phẩm giá của con người, và mỗi cá nhân có các quyền tự do để thể hiện phẩm chất con người cao quý của mình trong các cộng đồng nhân bản. Vì vậy, tự bản chất, vấn đề tự do tôn giáo không phải là vấn đề nội bộ của một nước, mà là vấn đề chung của nhân loại, của các cộng đồng nhân bản, biết nâng cao phẩm giá con người; do đó, nơi nào mà phẩm giá con người không được tôn trọng do bởi quyền tự do tôn giáo, các quyền tự do căn bản khác không được tôn trọng.”


8- Chiến tranh đã chấm dứt nửa thế kỷ (nếu tính từ Hiệp định Paris 27/1/1973), Việt Nam đã thống nhất sơn hà ba miền Bắc Trung Nam, thời gian và không gian địa bàn hoạt động của GHPGVNTN nên được mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ VN từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau;


9- Điểm số 5, Thông cáo Báo chí cho biết GHPGVNTN dự định tổ chức Đại hội “nhưng còn phải chờ hội đủ điều kiện thuận tiện”; và lên tiếng cảnh báo trước công luận “tổ chức Đại hội sẽ bị quy kết là tụ tập bất hợp pháp”; Vấn đề được đặt ra: Đại hội sẽ tổ chức tại đâu? Cơ sở nào? Có cần xin phép không?


Đây là trách nhiệm hàng đầu của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và Viện Tăng Thống. Xin nhắc lại, Ngày 21 tháng 8 năm 2022, Phật lịch 2566, buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, đồng thời suy cử Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, được cử hành tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (2). Với nhiệm vụ này, Ht. Tuệ Sỹ đứng trước một nan đề, Ngài sẽ khó lòng tổ chức thành công đại hội, trừ phi đạt được những điều kiện “ắt có và đủ” từ nhiều phía, chẳng hạn như giải tỏa những khác biệt về quan điểm chính trị, về lợi ích của các tổ chức, về cơ sở vật chất, về hành chánh, chấm dứt những tranh chấp vì hư danh và địa vị không tưởng… Chúng tôi nghĩ rằng, Ngài cần thời gian để thuyết phục, tùy duyên để kết nối nhân duyên… nhưng với tinh thần hùng tâm vô úy, ước nguyện Ngài sẽ vượt thắng quá khứ bi thương, mở rộng thênh thang con đường Đạo Pháp của Dân Tộc.


Điểm số 6 viết: (trích) – “GHPGVNTN về mặt pháp luật không được công nhận như một Tổ chức Tôn giáo; do đó, để hưởng được các quyền tự do tôn giáo, mọi sinh hoạt cần phải tuân theo Hiến chương và những quy định của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước). Trong tư cách đó, GHPGVNTN không có gì để phải báo cáo sinh hoạt thường niên. Nếu có những đóng góp nào của GHPGVNTN cho các hoạt động văn hóa, giáo dục và cứu tế xã hội trong truyền thống dân tộc, cũng phải được xem như là những thành tựu của Giáo Hội (Nhà Nước) …


Điểm số 6 nói lên hai yếu tố và một ẩn dụ: 1- Xác định vị trí hiện nay của GHPGVNTN vẫn là một tổ chức tôn giáo chưa được nhà nước Việt Nam công nhận chính thức; 2- Những đóng góp của GHPGVNTN là đóng góp chung trong cộng đồng xã hội và cũng là thành tựu của Phật giáo Việt Nam nói chung; 3- Trong tương lai gần, quí tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước), Ban Tôn giáo Chính phủ có ngồi lại với nhau không để tạo nên “Giềng mối mới của Phật giáo Việt Nam”, trong đó, “Cái gì của César có được trả lại cho César không”, trong đó, việc thống nhất “Một” Phật giáo Việt-Nam phải là tiền đề thể hiện bản thể thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già.


10- Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Viện Tăng Thống, Pháp Tòa Hoằng Pháp và Pháp Tòa Hoằng Giới là người bạn đồng hành, hòa hiệp với các cộng đồng tôn giáo khác trên thế giới; đặc biệt tại Hoa Kỳ, Little Saigon là thủ phủ tập trung chùa chiền tự viện người Việt (đa dạng môn phái) nhiều nhất trên thế giới, mặc dù trong quá khứ có nhiều xáo trộn ở hàng ngũ giáo phẩm (những nghiệp chướng này sẽ tàn lụi theo thời gian), nhưng đứng về mặt địa lý nhân văn-tôn giáo-chính trị, Little Saigon vẫn là điểm giao thoa quan trọng của Phật giáo, là nơi hội ngộ của tứ chúng ngoài và trong nước. Chư vị tôn đức lãnh đạo GHPGVNTN và GHPGVN được tự do đi lại, được sinh hoạt Phật sự, được hành Đạo và hoằng dương Chánh Pháp mà không bị cản trở hay xách nhiễu.


Làm tại Little Saigon, nam California ngày 14 tháng 10 năm 2022


Ký tên

Lý Kiến Trúc

Chủ nhiệm, Chủ bút Văn Hóa Online-California

www.nhatbaovanhoa.com


Kính tường


(1) https://thuvienhoasen.org/a38373/thong-cao-bao-chi-phai-doan-phong-tu-do-ton-giao-bo-ngoai-giao-hoa-ky-tham-hdgptu-ghpgvntn


(2) https://thuvienhoasen.org/p122a38233/hoi-dong-giao-pham-trung-uong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-vien-tang-thong-tran-trong-cong-bo


XEM THÊM:


4 điểm của Hòa thượng Quảng Độ; 7 điểm của Thiền sư Nhất Hạnh


https://www.nhatbaovanhoa.com/a6280/4-diem-cua-hoa-thuong-quang-do-7-diem-cua-thien-su-nhat-hanh