Bùn đỏ Bình Thuận và siêu bão biển Đông đổ vào 5 lò nguyên tử / Từ bùn đỏ Hunggary nghĩ tới bùn đỏ Tây nguyên mà … kinh!

25 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 15683)

 

image018

Bùn đỏ Bình Thuận và một ngày nào đó siêu bão biển Đông đổ vào 5 lò nguyên tử 

 

Vào ngày 18 tháng 11 năm 2013, hồ chứa bùn đỏ thuộc địa phận xã Thuận Quí, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị sự cố vỡ bờ móng, tức là hồ chứa đã khiến cho bùn đỏ tràn ngập khắp mọi nơi, sức chảy của nó mạnh tương đương một trận lũ quét, nhiều vật liệu, vật dụng và gỗ khối trôi theo dòng bùn đỏ, tấp vào nhà dân.

 

Hiện tượng bùn đỏ ở một nơi chưa bao giờ biết bùn đỏ là gì khiến cho người dân gặp nhiều phiền toái, thậm chí hoang mang khi biết được hàm lượng độc tố bên trong bùn đỏ rất cao và có thể lượng phóng xạ cũng đang giấu mình trong bùn đỏ. Tuy người dân sợ hãi, lo lắng nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa lên tiếng.

 

Người dân sống trong lo lắng

Một người dân ở xã La Gi, huyện Hàm Thuận Nam, bức xúc nói: “Mỗi lần nó trượt xuống thì khu dân cư dưới đó đi hết. Nếu nó trượt hết hồ thì khả năng tràn đập, khả năng bùn cuốn đi rất cao còn hơn cả tai nạn vì dân cư dưới đó đông và thứ 2 chỗ đó dùng để chứa mà bây giờ nếu không di dời dân cho đàng hoàng thì khả năng thương vong cho con người có thể không đếm được hết. Rồi hoa màu của họ, hoa màu người ta đang vào vụ đón đầu, tổn thất hoa màu rất nhiều. Mấy cái bọn khai thác thì nó tận khai nó không có thiết kế bảo vệ môi trường cho mình. Mà trong khi đó, Việt Nam bây giờ hệ thống khoáng sản thì không quản lý được.”

 

Một người dân khác tên Hoạt, cùng xã với anh nông dân vừa nói, cho chúng tôi biết là hầu như toàn bộ mọi hoạt động từ lên dự án cho đến xây dựng nhà máy khai thác titan, rồi đưa vào hoạt động, người dân hoàn toàn không biết, không hề có một cuộc thăm dò ý kiến nhân dân hoặc thăm dò dư luận nào cả. Chỉ đơn giản, họ tự làm việc với nhau, doanh nghiệp đến gặp nhà cầm quyền, hai bên bắt tay nhau và làm, cứ thế mà làm, nhân dân chỉ được biết, được quan tâm đến chuyện này sau khi có sự cố xãy ra như vỡ hồ chứa lần này chẳng hạn. Nếu nó trượt hết hồ thì khả năng tràn đập, khả năng bùn cuốn đi rất cao còn hơn cả tai nạn vì dân cư dưới đó đông và thứ 2 chỗ đó dùng để chứa mà bây giờ nếu không di dời dân cho đàng hoàng thì khả năng thương vong cho con người có thể không đếm được hết.

 

Một người dân ở La Gi nói: Mọi nguy hiểm đều hướng về phía nhân dân , vì hồ chứa lúc nào cũng có cao trình ít nhất là ngang mái nhà của nhân dân để chứa cho được lượng lớn. Nhưng cái lượng lớn bùn đỏ chứa cao ngồng ấy lại không có chỗ để thải, không hề có qui trình xử lý, chính vì thế, nó tích tụ lâu ngày sẽ vỡ. Mà không chừng, những cú vỡ đập, vỡ đê lại có lợi cho nhiều thứ, về phía nhà cầm quyền địa phương, sự cố này sẽ được xếp vào diện thiên tai, chỉ số thuế của năm sẽ được trung ương giảm thiểu, và các quan chức cũng có cơ hội hù dọa, vòi vĩnh doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, một khi bùn đỏ chứa lâu ngày mà không có chỗ thải, nếu xây dựng một qui trình xử lý sẽ tốn kém cả trăm tỉ đồng, trong khi đó, tạo ra một sự cố vỡ bờ đê, cho bùn đỏ chảy khắp nơi rồi sau đó hô toáng lên rằng chúng tôi gặp sự cố, chúng tôi bị vỡ bờ hồ, chúng tôi thành thật xin lỗi bà con nông dân, chúng tôi sẽ cố gắng rút kinh nghiệm và góp tay cùng bà con khắ phục hậu quả….

Đương nhiên, với người dân, một khi sự cố xãy ra, việc đầu tiên là tự tay khắc phục hậu quả, dọn vườn, lau chùi nhà cửa, xây dựng lại những gì bị hư hỏng chứ chẳng có ai đủ thời gian và tin tưởng vào pháp luật để mà đi kiện. Không chừng, sự cố vỡ bờ moong sẽ là một tiền lệ tốt, tập cho người dân có thêm thói quen chạy lũ bùn đỏ. Trong trường hợp như thế, nếu có đền bù cho nhân dân thì cũng chẳng là bao nhiêu đồng, vì căn cứ trên cây cối, nông sản bị hỏng mà đền, có cây cà phê nào chết ngay vì bùn đỏ, có con heo, con gà nào tắt thở ngay vì bùn đỏ, có cái nhà nào sập trong lúc bùn đỏ chảy?....

Những câu hỏi cắc cớ như thế sẽ được công ty đặt ra và quan chức địa phương làm trọng tài, chấm cho công ty phần hơn, cuối cùng, công ty sẽ hành động như một nhà từ thiện, rót một ít tiền đền bù sự cố cho nhân dân. Sau đó lại bắt tay với quan chức địa phương, ăn nhậu vui vẻ, đút lót ấm túi để hẹn một quả khác. Biến khu dân sinh thành bồn xả rác.

 

Hồ chứa bùn đỏ thuộc địa phận xã Thuận Quí, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị sự cố vỡ bờ moong, tức là hồ chứa đã khiến cho bùn đỏ tràn ngập khắp nơi vào ngày 18 tháng 11 năm 2013. RFA PHOTO.

 

Sở dĩ có chuyện công ty ngang nhiên dám biến khu dân sinh thành bồn xả rác mà không hề hấn gì là vì giữa doanh nghiệp và nhà cầm quyền địa phương có nhiều sự ăn chia, cổ phần ma, có cả sự thông đồng để đạp lên mọi thứ mà kiếm lãi.

Một người dân tên Thuấn, ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận bức xúc nói. Ông Thuấn nói thêm rằng không riêng gì các công trình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Bình Thuận, mà theo quan sát của ông, mọi công trình khai thác tài nguyên ở Việt Nam đều có chung hai tính chất, đó là tính bí mật của công trình, sự bí mật này nằm ở chỗ chỉ có nhà nước và doanh nghiệp biết với nhau, nhân dân không được biết bất kì thông tin hay thông số an toàn nào.

Và bên cạnh đó, mọi công trình đều không có dự án xử lý chất thải, ví dụ như hồ chứa bùn đỏ, không thể gọi là xử lý chất thải được, bởi hồ chứa chỉ là nơi trung chuyển chất thải từ nơi sản xuất ra đến nơi xử lý. Nhưng bởi không có nơi xử lý nên hồ chứa đóng luôn vai trò này, thực ra, đó là cách ăn gian với môi trường và đạp lên đời sống, sự an toàn của người dân trong khu vực. Và một khi lựa chọn phương án biến hồ chứa thành cái gọi là nơi xử lý chất thải, lâu ngày, chính các hồ chứa sẽ tích tụ độc tố, phóng xạ, sẽ gây nguy hại đến đời sống chung quanh. Và chắc chắn một điều, không có hồ chứa nào có thể hịu đựng được lượng chất thải đang mỗi ngày một dày lên, đầy lên, trong khi đó không có đường ra. Điều này dẫn đến một giải pháp duy nhất là những khu vườn của nông dân sẽ là bãi xử lý chất thải của công ty. Và kịch bản vỡ đập, vỡ bờ moong, vỡ hồ chứa sẽ được diễn. Chắc chắn không chỉ diễn một lần mà còn diễn đi diễn lại nhiều lần, diễn cho đến bao giờ tài nguyên cạn kiệt, công ty, doanh nghiệp cảm thấy nơi mình đang khai thác không còn gì để kiếm chác nữa thì mới thôi. Nói đến đây, ông Thuấn lắc đầu, thở dài và bày tỏ sự lo lắng khi nghĩ đến một ngày nào đó, phía Tây Bình Thuận thì bị bùn đỏ tràn về, phía Đông thì bão đánh tạt vào và không may, một trận bão siêu mạnh như bão số 14 có tên Haiyan vừa rồi quật đổ các nhà máy điện hạt nhân, thì hỡi ôi, người Chăm Pa sẽ mất dấu trên bản đồ dân tộc học và nước Việt Nam sẽ chia làm hai phần, đường lưu thông từ Nam ra Bắc và ngược lại sẽ bị cắt đứt hoàn toàn bởi địa bàn chết đang nhiễm phóng xạ.

Lúc đó thật khó mà hình dung con người sẽ sống ra sao?!

 

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

 

+++++++++++++++++


Từ bùn đỏ Hungary nghĩ tới bùn đỏ Tây Nguyên mà… kinh!


NGƯỜI VIỆT Thursday, October 14, 2010

* Vài nét về Tây Nguyên hay Cao nguyên Trung phần VN và thung lũng tử thần.

* Dưới lớp mỏ Bauxite là mỏ Uranium?

* Đề nghị Nhân Cơ-Quảng Đức dựng tượng cố TT Diệm.

Lý Kiến Trúc

Hôm Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010, Thủ Tướng Hungary Viktor Orban thảm thiết báo động về tai nạn môi trường, thảm họa sinh thái nghiêm trọng nhất xảy ra cho Hungary, bùn đỏ, chất thải từ nhà máy luyện nhôm Ajka Timfoldgyar ở vùng Ajka quanh thị trấn Kolontar, cách Tây Nam thủ đô Budapest khoảng 160km, đã phá vỡ đập ngăn tràn lan một chu vi hơn 40km2.

image018

Bùn đỏ Tây nguyên . Ành tư liệu của Vă nHóa Magazine

Cả triệu mét khối bùn đỏ qua quá trình luyện nhôm tinh chế lấy từ nguồn khoáng sản Bauxite, trực tiếp đe dọa môi trường sinh thái và sinh mạng con người. Bùn đỏ tuôn ra từ Ajka chảy vào nhánh sông Marcal, đổ vào Danube, dòng sông mỹ lệ trong văn chương và âm nhạc Âu Châu. Danube là cái nôi của nền văn minh Âu Châu, giờ đây, nó là mối đe dọa không những đối với 6 quốc gia hạ lưu là Croatia, Serbia, Bulgaria, Moldova, Ukraina và Romania mà nó còn trở thành thảm họa cho cả lục địa Châu Âu. (1)

Danube dài 2859km, lớn vào hàng thứ hai sau con sông vĩ đại Volga trong thế chiến, trong văn học Nga, đuôi của Danube đổ vào biển Đen (Black Sea). Thử tưởng tượng dòng sông xanh (The Blue Danube) của nhà soạn nhạc lừng danh gốc Áo Johann Strauss II (25/10/1825 - 3/6/1899) một lúc nào đó hóa thành mầu đỏ lừ thì hỡi ôi...! Sụp đổ cả văn chương và âm nhạc!

image023

Núi lửa Đức Lập. Ảnh tư liệu của Văn Hóa Magazine

Từ tai nạn bùn đỏ ở nước Hungary nghĩ tới tương lai đen tối của bùn đỏ Tây Nguyên mà... kinh! Cũng chỉ vì khai thác Bauxite. Rùng mình. Bởi vì sao, bởi vì với độ cao của đồi núi Tây Nguyên, các triền dốc gần như thẳng đứng cao cả ngàn mét so với mặt biển, toàn bộ đồng bằng Đồng Nai, đồng bằng Bắc và Nam Trung Bộ, kể cả các tỉnh miền duyên hải sẽ nhuộm đỏ như máu ào ra biển. Khoảng cách hai nguồn mỏ Bauxite Tân Rai-Bảo Lộc, Nhân Cơ-Quảng Đức chỉ cách Saigon khoảng 100-150km đường chim bay.

Bauxite dính tới đất Hoàng Triều Cương Thổ. Đất này là đất Tây nguyên hay Cao nguyên Trung phần Việt Nam, nó gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Quảng Đức, Phước Long, một phần Bình Long, một phần Tây Ninh, hữu ngạn ăn qua một phần Tuyên Đức (Đà Lạt) và Lâm Đồng. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về mặt quân sự, là nóc nhà che chở Đông Dương, đỉnh Langbiang Đà Lạt cao 2,167m, bình quân đồi núi Tây Nguyên đều trên nghìn mét so với mặt biển, chân núi là lũng, sâu hun hút nối liền nhau. Tây nguyên là kho tàng ẩn chứa nền văn hóa các sắc tộc E đê, H'mong, Rha đê, M'Nong, Mạ, v.v... là kho bí mật đời sống xã hội nguyên thủy miền cao.

Nếu tọa thủ trên những điểm cao Tây Nguyên nhìn thoai thoải xuống đồng bằng Đồng Nai, đồng bằng Bắc và Nam Trung Bộ, tầm mắt từ Tân Rai chỉ cách hơn trăm cây số, Nhân Cơ khoảng hai trăm cây số đường chim bay là tới Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Saigon. Từ đỉnh cao điểm, các nhà quân sự còn quan sát rộng lớn lãnh thổ Cam Bốt ngược lên Lào. Trong trận 1975, hầu hết các sư đoàn chính quy cộng sản do Tướng Văn Tiến Dũng tổng tư lệnh, đều ẩn giấu ở rừng núi Nam Trường Sơn trước mở cuộc tiến đánh Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3, 1975.

Tây Nguyên dính liền với đường 559. Tháng 5 năm 1959, một con đường đất đá nhỏ men theo vách đá tai bèo, xuyên đèo, vượt lũng, suối, sông, ẩn núp dưới rừng già bạt ngàn, ki lô mét số không con đường này khởi đi từ Vinh-Bắc Việt chạy dọc theo biên giới Lào, Cam bốt, chạy tuốt tới Phước Long, Bình Long, Tây Ninh thuộc Quân Khu II và III VNCH, tiến về Saigon. Con đường huyết lộ này tổng cộng dài hàng ngàn cây số, nó có 16 năm tuổi cho cuộc “tiến quân xâm lược” phương Nam của đảng CSVN. Đường này nôm na gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, hành lang ngã ngách vô kể, đường chia làm hai cánh, cánh Trường Sơn Đông, cánh Trường Sơn Tây.

Trường Sơn là dẫy núi dài hàng nghìn cây số chạy dọc theo chiều Bắc Nam, là phên giậu án ngữ biên giới phía Tây của Việt Nam, là xương sống của Đông Dương. Trường Sơn là cánh dù khổng lồ che chở cho đường mòn HCM. Mật danh của nó gọi là đường 559 (trên bộ), bộ đội đi xuôi trên 559 gọi là đi B, tư lệnh đầu tiên của đoàn 559, binh đoàn Trường Sơn và cũng là người đầu tiên xây dựng con đường mòn trứ danh này là Tướng Võ Bẩm cùng với Tướng Đinh Đức Thiện, Tướng Thiện là em ruột Lê Đức Thọ, anh của Mai Chí Thọ. Các đoàn thanh niên xung phong, đoàn nữ binh tóc dài xuất phát từ chiến dịch Trường Sơn, nhà văn Dương Thu Hương cũng xuất phát từ đây. Gần đây, người ta phát giác ra trong những khu rừng già kín mít không ánh sáng mặt trời giữa Trường Sơn, hàng trăm chiếc võng ny lông toòng teng giữa hai gốc cây là xác xương bộ đội, cái chết do từ chấn động của B52, do muỗi rừng, sốt rét rừng, do đói...

Ngoài dấu ấn của binh đoàn 559, Tây Nguyên còn có hai dấu ấn trước và sau cuộc chiến Đông Dương, đó là phong trào Fulro và phong trào Daga (sẽ đề cập đề tài này sau). Tây Nguyên với Pleiku Kontum người đẹp mềm như mây chiều trong, Ban Mê Thuột thơm ngát dinh điền cà phê cứt chồn, Đà Lạt mộng mơ, còn Quảng Đức Nhân Cơ đô la bạc tỉ.

Chính vì bạc tỉ đô la cho nên mới có chuyện Bauxite Tây Nguyên. Đằng sau Bauxite còn là uranium. Uranium mới là trung tâm của vấn đề. Điểm hấp dẫn của bauxiet-uranium là địa bàn Nhân Cơ.

Nhân Cơ là một huyện nhỏ thuộc quận Kiến Đức-tỉnh Quảng Đức, ranh giới Căm Bốt-Việt Nam. Quận Kiến Đức chốt trên quốc lộ 14 xuất phát từ ngã ba Chân Thành men theo Ngã ba biên giới lên tới tận Pleiku-Kontum và chạy lên nữa. Quốc lộ 14 là quốc lộ dài thứ hai sau quốc lộ 1 ven biển. Từ Kiến Đức đi về hướng đông nội địa khoảng 10km gặp huyện Nhân Cơ phủ một mầu xanh ngắt của núi rừng, chỉ có rừng và đất đỏ ối. Đồi thấp đồi cao dính chân nhau san sát, chân đồi là khe, lũng.

Trung tâm huyện Nhân Cơ có một phi trường Air Việt Nam, hàng tuần Air Việt Nam chở hàng hóa, thư từ và cả thư tình Saigon nườm nượp gởi lên cho mấy anh lính chiến đóng đồn liền liền. Dân cư thưa thớt, đời sống nghèo nàn, dân cả tỉnh Quảng Đức không hề hay biết dưới lớp đất đá đỏ ối kia là một kho tàng vĩ đại. Kho tàng mỏ Bauxite và mỏ Uranium. Hai nguồn mỏ này hiện đang được các “lính thợ” quốc tế đào xới, nạo vét tung tóe, chu vi rộng hàng cây số.

Các nhà máy luyện nhôm ở Nhân Cơ đặt căn cứ nhà máy trên đồi cao, qua quá trình tinh luyện, các chuyên gia lượng định cứ một tấn nhôm sẽ thải ra ba tấn bùn đỏ. Bùn đỏ thải vào khe, vào lũng, quân ta xây đập ngăn lũng tưởng là an toàn, thật ra, chỉ một thời gian ngắn các khe-lũng-hồ chứa bùn đỏ trở thành thung lũng tử thần, bùn đỏ từ từ thấm vào lòng đất, thấm vào mạch nước, thung lũng tử thần này nối với thung lũng tử thần kia, bất tận, những hồ nước ngọt nuôi sống người dân sẽ không còn ngọt nữa.

Người ta ưa đề cập đến núi quên mất lũng. Lũng cao nguyên không phải là lũng chết, hay khô cằn sỏi đá, những bồn trũng thiên nhiên này trời cho con người nguồn nước ngọt trong suốt lọc từ núi, lũng chính là hồ thiên tạo tụ chứa mưa, lũ, bão bùng. Đặc điểm của lũng là nó ăn thông với nhau, chân núi này liền chân núi nọ liên tu bất tận tùy theo độ cao thấp của núi, đồi. Các mạch nước ngầm cũng ăn thông với nhau, hàng ngàn cái khe tích nước dồn thành suối, sông đầu nguồn, mùa mưa cuồn cuộn, đó là chưa kể đến các động thực vật nguyên sinh chúng chỉ sinh sôi nẩy nở ở lũng Tây Nguyên không dấu chân người. Một ngày nào đó tương lai bùn đỏ Bauxite lan tràn cạnh làng mạc, khu kinh tế mới, dinh điền, nó trở thành những lũng mồ đỏ vĩ đại Tây Nguyên.

* * *

image025

Bản đồ tỉnh Quảng Đức. Ảnh tư liệu của Văn Hóa Magazine

Năm 1893 người Pháp theo chân Yersin phát hiện ra Đà Lạt, họ cũng phát hiện ra Daklak Buôn Mê Thuột. Dân tộc Rhađê và M'Nong, Mdhur, Mạ, nổi lên chống Pháp mãnh liệt tiêu biểu như ba tù trưởng Y-Thu, M'Trang, Ama Jhao, Nơ Trang Long v.v... nhưng lần lượt những năm 1899, 1900, Pháp làm chủ cứ địa hầu hết. Năm 1923, tỉnh Daklak ra đời, lãnh chúa là viên công sứ Sabatier, dân thường gọi là “Tây đồn điền.”

Tiến dần về đất phương nam Tây Nguyên, năm 1910 một người Pháp tên là Henri Maitre tìm ra vùng đất mới phía nam Daklak dọc theo biên giới Căm Bốt đặt tên là “Ngã Ba Biên Giới - Nam-Trung Kỳ-Cam Bốt, Les Trois Frontières. Năm 1945, Nhật chiếm đồn Dakmil (Đức Lập). Năm 1946 Pháp tái chiếm lập thêm đồn Daksong (1950). Năm 1952, Daksong là quận của Daklak. (2) (Tác giả viết bài này đã từng là quan trấn thủ lưu đồn nếm mùi ở Les Trois Frontières, núi lửa Dakmil, Daksong, Buprang... quan nhỏ thôi).

Năm 1959, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ký giấy khai sinh tỉnh Quảng Đức. Ông lấy quận Daksong (bao gồm Dakmil-Đức Lập), lấy “Les Trois Frontières,” vẽ lại đường ranh ba tỉnh Đà lạt, Lâm Đồng, Phước Long lập ra tỉnh Quảng Đức. Tỉnh có 4 quận là Daknong (Gia Nghĩa Khiêm Đức), Kiến Đức, Đức Lập và Đức Xuyên. Đất Quảng Đức hiểm trở, ven biên, rừng núi chập chùng, xưa kia là bãi chiến trường của hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp, trên bản đồ mới, tỉnh này tựa như trái độn bảo vệ cho bốn tỉnh bao quanh.

Cụ Diệm cho di dân từ Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, di dân Bắc di cư 1954 lên khai khẩn đất hoang, lập dinh điền, vườn ươm, khu trù mật, mở đường, mở chợ, xây trường học, lập tòa hành chánh, phi trường, nhà thờ, chùa chiền, bệnh viện, v.v... Đặc điểm duy nhất toàn cõi nước VNCH là tỉnh Quảng Đức có phố không tên có nhà không số. Dường như cụ Diệm muốn con người của đất Quảng Đức hòa nhịp sống với vẻ đẹp nguyên thủy thiên nhiên, với bí mật của thác nguồn ghềnh đá, với vượn hú voi đàn, với mù sương mưa rừng gió núi, với thoang thoảng mùi thủy tiên lan man dại phất phơ trên ngọn đỉnh cây, xa xa là những bản làng man mác sử thi của một nền văn minh cồng chiêng u khuất rộn rã đón mùa hội lúa, chồm hổm bên chum rượu cần túy lúy say lửa lễ đâm trâu.

Bản làng và các bộ tộc miền cao là một sắc thái độc đáo của rừng núi Tây Nguyên. Họ thường được gọi là người “Thượng” (tức người miền núi) để phân biệt với người “Kinh” (tức người miền xuôi). Người “Thượng” bám lấy bản làng của họ từ đời này sang đời nọ, họ ngửi được mùi đất, họ ca hát với rừng, họ biết lòng đất là cả một kho tàng bí mật, nhưng chưa chắc họ nói.

Cố TT Ngô Đình Diệm thật là vị nguyên thủ nhìn xa trông rộng, cụ mất đi để lại một gia tài khổng lồ - quặng mỏ hàng tỉ đô la. Tác giả trân trọng đề nghị với Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Đức (bây giờ gọi là tỉnh Daknong) đúc tượng cố TT Ngô Đình Diệm đặt trên nhà nghỉ mát đơn sơ của cụ trên đồi thông giữa tỉnh, để tưởng niệm người đã khai sinh và giữờ gìn kho tàng cho tỉnh này; dưới chân đồi thông bên dòng suối mơ Daknông có căn nhà chòi duy nhất của tỉnh dành riêng cho quan nhỏ ở. Một người bạn ở QĐ lâu năm cho biết có một vị linh mục tên là Moriceau biết đất này có nhiều mỏ quý giá, Cha thường sưu tầm các mẫu đất đá đem về Pháp phân chất. (Phong trào Fulro và Daga lôi thôi ở Ban Mê Thuột chứ ở riêng Quảng Đức êm ru, hai tỉnh này công an khoanh vùng an ninh rất kỹ, các phóng viên bị khóa chân khi bén mảng).

Nhận định về Tây Nguyên, Linh Mục Cao Văn Luận tường thuật trong hồi ký “Dọc Đường Gió Bụi” (3) viết: “Ông Diệm trầm ngâm một lúc. Tôi vẫn im lặng. Những lời ông nói ra nửa như suy tư, nửa như phân trần với tôi:

- Vùng Cao Nguyên này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm ở giữa ba quốc gia Việt Miên Lào. Ai chiếm giữ được cao nguyên này có thể gây áp lực được đối với cả ba quốc gia đó. Người Pháp gọi vùng cao nguyên là Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá hình trên thực tế, chủ tâm của họ là biến vùng này thành thuộc địa Pháp. Về mặt kinh tế, thì vùng cao nguyên hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai. Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam. Rồi còn vấn đề thể diện quốc gia, chủ quyền quốc gia nữa. Không thể bỗng dưng nhường cho Pháp một vùng đất quan trọng như thế, nằm ngay giữa lãnh thổ quốc gia, người Việt Nam nào muốn lên lại phải xin thông hành!”

Cũng theo lời kể của LM Cao Văn Luận: “Tôi chợt nhớ đến một cuốn sách khảo luận về địa dư Đông Pháp (tức là Đông Dương thuộc Pháp), không nhớ rõ tác giả, và tôi đem những ý kiến được nêu lên trong tập sách này trình bày lại với cụ Diệm, cụ nói đúng.”

Ngày 1 tháng 11, 2007, Thủ Tướng Chính Phủ CHXHCNVN Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng Bauxite giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, sau khi ông TT Dũng đã nghe báo cáo từ các ban ngành bộ liên hệ tới 3 lần, trong bản quy hoạch ông Dũng không công bố địa điểm nào và cũng không nhắc tới một chữ về Uranium.

Cao trào chống đối vụ Bauxite Tây nguyên nổi lên dữ dội làm lu mờ hết thảy các sự kiện khác. Chính phủ không “care”! Ngày 4 tháng 2, 2009, Bộ Chính Trị lại còn nhấn mạnh “Bauxite là chủ trương lớn của đảng và chính phủ!”

Ngày 10 tháng 10, 2008 tại Quận Cam, nhà báo Lý Kiến Trúc trong cuộc phỏng vấn Đại Sứ Michael Michalak có hỏi câu: “Ngài đã tới thăm những địa điểm có Bauxite của các công ty nước ngoài tại vùng Tây Nguyên Việt Nam chưa? Ngài nghĩ gì về việc khai thác Bauxite tại các vùng đó?”

Đại sứ Michalak trả lời: “Không, tôi chưa tới thăm chính nơi có Bauxite. Tôi đã đi thăm vùng cao nguyên; tôi đã thấy nhiều đề án phát triển kinh tế và tôi đã nói chuyện với một số công ty hoạt động ở vùng cao nguyên tại Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku, v.v... Ở vùng đó không có nhiều công ty nước ngoài, nhưng có công ty nào thì họ đều hoạt động suôn sẻ. Chuyện khai mỏ khoáng chất Bauxite rất phức tạp. Tôi biết rằng công ty Mỹ Alcoa muốn làm việc khai thác Bauxite tại đó, nhưng họ đã đứng ngoài các cuộc thảo luận hiện đang diễn ra, vì họ nghĩ rằng các bạn cần nói chuyện nghiêm chỉnh với các tổ chức môi trường phi chính phủ, với chính quyền địa phương và với cư dân địa phương để thiết lập những kế hoạch môi trường thực tế và vững chắc cho việc khai thác mỏ Bauxite. Hiện tại, xin cho tôi nói thẳng là những điều kiện môi sinh chưa thỏa mãn mọi người, nên dường như Alcoa muốn đứng ngoài ở thời điểm này. Như tôi đã nói, tôi nghĩ rằng cuộc thảo luận về khai thác Bauxite có nhiều tính cách chính trị hơn là môi trường.”

Nhà báo hỏi tiếp: “Tại đó có những khoáng sản khác cho năng lượng hạt nhân không?”

Đại sứ trả lời: “Tôi không chắc chắn là ở Việt Nam có Uranium. Tôi không nghe ai nói về chuyện đó. Tôi biết là Việt Nam tất nhiên là rất muốn phát triển kỹ nghệ hạt nhân như là một nguồn năng lượng không gây ô nhiễm. Chúng tôi đang làm việc với phía Việt Nam để soạn thảo một bản ghi nhớ thỏa thuận về sự cần thiết có một quốc gia khác tham dự, để các công ty Mỹ có thể nhập cuộc và trao đổi thông tin kỹ thuật về các nhà máy năng lượng hạt nhân. Việt Nam định xây dựng nhà máy điện hạt nhân khoảng năm 2012. Tôi cũng biết rằng công ty Westinghouse hiện nay trực thuộc Toshiba, và General Electric rất chú ý về năng lượng hạt nhân ở Việt Nam.” (4)

Ngày 5 tháng 1, 2009, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư tới Thủ Tướng Dũng đề nghị dừng triển khai dự án khai thác Bauxite này. Ông Giáp, người đã từng theo dõi và chỉ đạo việc khảo sát khai thác Bauxite ở Tây Nguyên hồi những năm 1980 theo lời khuyến cáo của khối COMECON nêu quan ngại về “Nguy cơ nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội” của dự án. Khuyến cáo của Tướng Giáp được nhiều nhân vật trong ngoài nước đua nhau ủng hộ. Cho đến bây giờ khuyến nghị của COMECON cho thấy có nhiều ý nghĩa sâu xa.

Phật Giáo GHPGVNTN Văn Phòng II VHĐ qua “Lời kêu gọi tháng 5” của HT Thích Quảng Độ cũng hăng hái tham gia vào cuộc chiến Bauxite và đòi 2 điểm: “Nhà cầm quyền Việt Nam phải cấp tốc nộp hồ sơ xác nhận thềm lục địa của mình theo Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển cho Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (UNCLOS) trước ngày quy định của LHQ là ngày 13 tháng 5 năm 2009; yêu cầu chính phủ phải công bố toàn bộ nội dung hai bản Hiệp Ước Biên Giới - Hải Giới Việt-Hoa năm 1999 và năm 2000.”

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009 trong một cuộc họp báo trực tuyến tại Hà Nội, Thủ Tướng Dũng sau 3 lần nghe báo cáo về kế hoạch Bauxite ở Tây Nguyên, TT Dũng kết luận 4 điểm chính: “Nguồn tài nguyên to lớn này một cách bền vững, hiệu quả, đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc gia.” Chẳng ai hỏi ông Dũng về nguồn tài nguyên này là nguồn gì, Bauxite hay Uranium?

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009, thông báo của Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải cho phép Tập đoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam, gọi tắt là TKV, lập công ty cổ phần và giữ 51%, bán ra công chúng 9%, còn lại thì cho nước ngoài tham gia với tỉ lệ không quá 40%. Dựa vào quyết định của chính phủ, tập đoàn TKV huy động hai “cai thầu Bauxite”: cai thầu Mỹ và cai thầu Trung Cộng. TKV Có thể mời tập đoàn ALCOA của Mỹ góp đến 40% vốn vào dự án Nhân Cơ ở ĐắkNông. TKV đã cho tập đoàn luyện kim Chalco Vân Nam-Trung Quốc trúng thầu ở Tân Rai, cách thị xã Bảo Lộc khoảng 5 km, với tỉ lệ vốn không quá 20%. Như vậy, trong vấn đề mời gọi “cai thầu,” không chỉ có “lính thợ” Trung Cộng thầu mà sẽ có “lính thợ” Mỹ thầu! Đoàn quân “lính thợ Mỹ” được chọn cho thầu vùng Nhân Cơ-Quảng Đức, đoàn quân “lính thợ Trung Cộng” được chọn huyện Tân Rai-Bảo Lộc.

Tháng 11, 2009, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở gần bờ biển tỉnh Ninh Thuận. Kế hoạch này khởi đi từ quan hệ ngoại giao quốc phòng Việt-Xô trong cuộc gặp gỡ Chủ Tịch CSVN Nguyễn Minh Triết với lãnh đạo tập đoàn Rosatom Nga, mặc dù trước đó nhiều năm hết Mỹ đến Nhật, Ấn Độ, Đại Hàn, Trung Hoa, Pháp, Argentina đều muốn tham gia hợp tác vụ năng lượng hạt nhân.

Ngày 7 tháng 9, 2010, cuối cùng Rosatom của Nga thầu xây hai lò nguyên tử. Tập đoàn NWT Uranium Corp-Toronto Canada sẽ khai thác và xử lý chất phóng xạ uranium tại Việt Nam. Căn cứ vào một biên bản ghi nhớ ký với Viện Năng Lượng Nguyên Tử ở Hà Nội, TT Nguyễn Tấn Dũng sẽ ký văn bản nguyên tử với TT Nga Dimitry Medvedev tại Hà Nội vào cuối tháng 10, 2010. (5)

Từ tai nạn bùn đỏ Hungary, người dân sống ở Tây Nguyên phập phồng với thung lũng tử thần; người dân Chàm Ninh Thuận lo âu với rò rỉ nguyên tử. Chưa biết nguồn điện năng nguyên tử và nguồn nước thác Đămbri có đủ phục vụ cho việc sản xuất nhôm hay không, có mang lại lợi ích quốc gia hay lợi ích phiêu lưu, không rõ tập đoàn tư bản nào trong nước làm “cai đội” hai dự án này, nhưng với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay của nước ta, ai dám bảo đảm sẽ không xảy ra sự cố Chechnya và Hungary.

Chú thích:

(1) Tin tổng hợp 7 tháng 10, 2010

(2) “25 Giáo phận Việt Nam,” LM Trần Phúc Long, tập hai, tr 312-313.

(3) Cao Văn Luận, Dọc Đường Gió Bụi.

(4) Google và trang nhà Bauxite (Nguyễn Huệ Chi)

(5) Tin BBC 8 tháng 9, 2010./