Trịnh Khải Hoàng, Phạm Quốc Bảo, Lý Kiến Trúc, Trần Duy Đức Hạnh

10 Tháng Hai 20228:35 SA(Xem: 4266)

VĂN HÓA ONLINE –YOUTUBE - THỨ NĂM 10 FEB 2022

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Trịnh Khải Hoàng, Phạm Quốc Bảo, Lý Kiến Trúc, Trần Duy Đức Hạnh


Trịnh Khải Hoàng:

image054

 (Tại cửa vào thiền viện có tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ: “Hãy cởi bỏ giày dép và kiến thức để lại đây”.
Nếu cái bình chứa kiến thức đã đầy tràn sự uyên bác, “nó” sẽ không thể và không cần nhận thêm điều gì nữa và bài viết này không dành cho cho quí vị).


      Trong quan điểm chính trị của người dân miền Nam sinh sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa,thì phần đông không thể hài hòa với lập trường chính trị “thiên tả” của Hoà Thượng Thích Minh Châu viện trưởng Đại Học Vạn Hạnh ! Nhưng riêng những đóng góp của ông trong Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam là những tác phẩm được dịch thuật từ Kinh Tạng Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravada) Pali - Việt điển hình như: Dìgha Nikàya (Trường Bộ Kinh), Majihima Nikàya (Trung Bộ Kinh), Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh), Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ Kinh), Angttara Nikàya (Tăng Chi Bộ Kinh), Abhidhammattha Sangaha (Vi Diệu Pháp - Tạng Luận)…rất đáng được trân trọng, vì đã giúp ích rất nhiều cho Phật tử tìm tòi, học hỏi từ dòng chính thống Đạo Phật lịch sử để vượt thoát ra khỏi Hán Tạng là cả đại dương luận ngữ có vô số những “trí tuệ” của những nhà “tổ sư” đã trước tác, lý giải với hằng ngàn thế giới quan huyền diệu, kỳ ảo … mà vốn dĩ một Phật tử bình thường với trí óc thường thường khó có thể liễu ngộ được…! “Hán Tạng Kinh”  đã được truyền bá và có ảnh hưởng rất rộng lớn, lâu đời  tại những quốc gia như: China, Japan, Korea, Việt Nam từ cả ngàn năm qua…! Nhưng với những bậc chư Tăng tu hành theo truyền thống Bắc Tông (Mahàyàna) thì Họ giáo thuyết hơn thế…”nhất” là Kim Cang Thừa (Mật Tông Vajrayana) thì thật là bí mật với tính cách truyền thừa bí truyền, không gián đoạn từ khởi thuỷ có Đạo Phật đến thời nay, cho những đệ tử thuộc hạng cư sĩ tại gia, và chư Tăng xuất gia có căn cơ và duyên nghiệp đặc biệt với Phật Giáo Đồ được vị Đạo Sư điểm đạo, ấn chứng và truyền pháp, để dấn thân vào nơi u tịch khổ hạnh tu hành cho đến giác ngộ. Trong Đạo Phật từ ngữ “Giác Ngộ” là tri chứng Đạo và Quả Niết Bàn Nibbàna tức Tâm đã loại trừ rốt ráo ô nhiễm, nghiệp cũ đã đoạn tận, nghiệp mới không gieo… hiểu một cách khác tức đắc Đạo và Quả Arahan là tầng Thánh Đạo cuối cùng của hành trình tu hành…


   Vào thập niên 1960 – 1970, Hoà Thượng Thích Minh Châu có mời được một vị tu sĩ Phật Giáo gốc Ấn Độ tôn danh Paramahansa Naga Nuci tuổi đã ngoài 70 đến Đại Học Vạn Hạnh phụ trách dạy môn Triết Học Phật Giáo và sinh ngữ Sanskrit (Bắc Phạn), Pali (Nam Phạn). Sư Naga  Nuci rất uyên bác, ngài đã được nhiều đại học Âu – Á mời đến giảng dạy và ở mỗi quốc gia lưu ngụ, ngài chọn và thu nhận truyền pháp cho vài ba đệ tử có túc duyên với dòng phái Mật Tông Paramahansa Karma Du Dà tổng thể là một tông phái Phật Giáo Đại Thừa.


Cậu bé Naga Nuci không phải là chú tiểu, nhưng sống trong một ngôi chùa tại miền Trung Ấn từ thuở nhỏ, tới năm 20 tuổi và đang là sinh viên cử nhân năm thứ hai đại học… Bỗng nhiên vào buổi chiều ngày trăng tròn mùa Hè, vị hòa thượng trụ trì cho gọi Naga Nuci tới và bảo “ Con tắm gội, mặc quần áo sạch sẽ, tối tay Ta sẽ cử hành Lễ Quán Đảnh và truyền Mật Pháp cho con…” ! Thanh niên Naga Nuci vâng lời người Thầy đã nuôi nấng, dạy đỗ mình từ tấm bé là ơn nghĩa như trời biển bao la… Tối đến Naga Nuci quì dưới chân tôn tượng Phật Thích Ca Muni (Gotama Shakyamuni), Sư Phụ trịnh trọng mặc tam y Casa, Y Pháp, y A xà lê (ācārya) là bậc Đạo Sư của dòng phái Mật Tông Paramahansa Karma, ngài tụng kinh Tam Bảo và hành lễ thỉnh mời chư vị Bổn Tôn và chư vị Hộ Pháp minh chứng, ban bố phước báu vi diệu và thu nhận đệ tử truyền thừa giáo pháp Mật Tông với nghi lễ Qui Y Tam Bảo, lễ Xuất Gia là hành giả Mật Tông thọ nhận giáo lý Chân Ngôn Dharani, Ấn Quyết, bí pháp tập luyện luồng nội nhiệt xuyên suốt qua hệ thần kinh vô hình dọc theo xương sống lưng khai mở luân xa pháp thân, luân xa báo thân, luân xa ứng thân và luân xa bí mật… Thành tựu sẽ sinh trí huệ bát nhã, bằng mắt thường cũng  thấy rõ các pháp tan biến  thành những ánh sáng sóng màu, nên càng xác minh các pháp hữu vi không thật như giác quan thực nghiệm, giúp tâm ấn chứng tánh không của vạn pháp và ngộ nhập tánh không, vô ngã… Sư Phụ đặt cho Naga Nuci pháp danh Paramahansa  (परमहंस) là một pháp danh tôn quí cho các vị thầy tâm linh giác ngộ cũng có ý nghĩa là thiên nga tối cao. Thiên nga vô quán ngại tự tại với bất cứ nơi đâu trên cạn, dưới ao hồ, bay trên khoảng trời cao như nhà hiền triết chân chính ở trong cõi vật chất và tinh thần như nhau, luôn trong trạng thái an lạc, tỉnh giác như trạng thái paramahansa thần thánh. Đấy là Thiên nga hoàng gia cao quí như thần thức bay lơ lửng trong vũ trụ, nhìn thấy cả bản thân và đại dương, hòa mình vào thần tánh và thức tỉnh trong tất cả cõi giới là tầng tối thượng của tâm linh và thoát khỏi tất cả những nghiệp lực trói buột, chứng ngộ Niết Bàn (Nibbana). Paramahansa Naga Nuci được Đạo Sư ban cho giới luật tu sĩ Phật Giáo … Sự truyền thừa liên tục chưa hề đứt đoạn từ đức thế tôn Shakyamuni sáng đạo tới nay … Bấy giờ ngài Naga Nuci mới biết Sư Phụ mình là một vị Vijraguru (Kim Cang Sư) bậc trưởng thượng của dòng phái Mật Tông  Paramahansa Karma ẩn tàng kín đáo tự xa xưa theo dòng chảy của thời gian.


Sau nhiều thập niên tu hành Mật Pháp… Nay hòa thượng Paramahansa Naga Nuci đã kế thừa dòng phái và du phương  hành đạo… Ngài đi tìm lại dấu vết lưu truyền mật thừa của dòng phái Paramahansa Karma từ thiên niên kỷ qua các quốc gia, do các vị thầy tổ đã du phương truyền pháp từ Ấn Độ tới Bhutan, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn, Miên, Lao, Thailan, Champa… và riêng tại Indonesia thì đã mất dấu dòng phái.


Chân Lý luôn giản dị là thực thể hiện tiền vốn chẳng có liên hệ gì tới ngôn ngữ. Chân Ngôn Dharani thật tướng trạng cũng không là ngữ âm tối nghĩa, phức tạp và không cần phải biện giải. Những câu “Thần Chú” ngắn ngủi không để diễn tả sự việc và ý nghĩa thậm thâm vi diệu gì như nhiều người lầm tưởng, thí dụ như câu “thần chú” thường mở đầu cho nhiều bộ pháp tụng niệm là “chữ” Om Bram hoặc Ram (viết theo âm đọc truyền khẩu từ tiếng Sankrist) và từ Hán Tạng của Phật Giáo Trung Hoa được chuyển dịch sang Việt là “Án Lam” vốn tính chất là chủng tử Lửa trong Vũ Trụ và là trong thân tứ đại: Đất – Nước – Gió – Lửa. Hành giả Mật Tông khi tụng đọc liên tiếp “ om ram, om ram, om ram …. thành một chuỗi dài âm thanh ngân nga sẽ như tầng sóng rung động vang dội và trong khi Thân đang bình an đọc tụng, và Tâm quán tưởng lửa đang cháy tỏa thiêu đốt những ô trược, phiền não từ nội thân tới ngoại giới… Chính tâm lực nội quán kết hợp với chủng tử lửa có sẵn trong vũ trụ và phương pháp kết thành chuỗi tầng sóng âm vi tế rung động vang xa, bay cao trong không gian vô tận, rồi bởi tính phản hồi thiên nhiên, tầng sóng âm thanh va chạm trở lại vào bản thân sẽ tác động vào thần thức thân tâm vi tế… Hay “điển hình” như bộ Pháp Chuẩn Đề - Chandhe Dharani rất đơn giản:


Om Sabhava Vasudha S’va Dhamma S’vaha
Om Tathagata Udbhavaya S’vaha
Om Padme Udbhavaya S’vaha
Om Vajra Udbhavaya S’vaha
Om Shale Shule Chandhe S’vaha


Mật Tông Phật Giáo khá tương tự như Thiền Tông từ ngài Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) truyền qua Trung Hoa thời Lương Võ Đế (năm 464 – 549) có tính cách giáo ngoại biệt truyền, tâm truyền tâm bất lập văn tự. Mật Tông trực tiếp truyền khẩu chân ngôn, ấn quyết, chân hỏa tam muội. Do vậy, có nhiều luận sư chỉ bày nhiều luận thuyết uyên thâm và huyên thuyên về giáo lý Mật Tông, quả thật là ngoài kiến văn hiểu biết của tôi và xin mạn phép miễn luận bàn. Tuy giáo pháp của đức Phật không giảng dạy cho chúng sinh với bàn tay này mở ra và bàn tay kia nắm lại, Phật pháp hiển lộ rõ chân đế vạn pháp. Nhưng Mật Tông là phương pháp tu hành có tha lực của chư vị thầy, tổ, chư thần cõi sắc giới hộ pháp cho Phật tử có duyên khá đặc biệt Ba la mật (Paramita) từ kiếp trước như đưa lối dẫn đường cho những kiếp sau, và là phương tiện thiện xảo giúp cho hành giả Mật Tông có được thần lực huyền diệu gia trì tu hành cho đặng tới tuệ giác chấm dứt luân hồi sinh tử. Do vậy, mỗi dòng phái Mật Tông có một số giới luật nghiêm túc có tính cách thần linh mà hành giả Mật Tông phải tuân giữ. Vì thế, nếu không có vị Đạo Sư thu nhận làm đồ đệ và làm lễ Quán Đảnh với thần lực gia trì, thì kẻ đó tuy có học được chân ngôn, ấn quyết thì tu học cũng không có kết quả tốt lành, mà còn bị ảo tưởng và lạc vào quỉ thần bộ của cõi Atula sinh tai hại khó lường. Đó là chưa “nói” tới mỗi một bộ pháp như: Pháp Chuẩn Đề, Pháp Kim Cang, Pháp Liên Hoa… đều có một bộ pháp vận hành luồng Kundalini khác nhau để tập luyện…! Vị thầy tổ khi làm lễ thu nhận đệ tử truyền thừa và hành lễ Quán Đảnh thì tất nhiên phải nhận lãnh nghiệp báo của đệ tử đó. Đây là một trách nhiệm và đeo mang nghiệp báo rất nặng trên thân mạng của mình ! Do vậy, có tâm từ bi và nhân duyên nặng lắm, vị thầy tổ mới kề vai gánh vác nghiệp lực người đệ tử mà làm lễ thu nhận và Quán Đảnh truyền pháp. Cũng vì lẽ ấy mà tình Thầy – Trò trong dòng phái Mật Tông cao sâu nặng như trời biển và vị thế người Thầy như bậc Cha Mẹ hay còn được xem trọng như bậc Thánh Sư.


 Trong thời gian làm giảng sư tại Đại Học Vạn Hạnh, hòa thượng Paramahansa Naga Nuci có thu nhận 5 đệ tử và làm lễ quán đảnh mật pháp Kim Cang Thừa, nối dòng truyền thừa từ gần 27 thế kỷ không gián đoạn… Dòng phái Mật Tông Paramahansa Kama này đã được truyền qua Tây Tạng từ hơn ngàn năm trước rồi đến Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn sau đó tới thập niên 1970 mới du nhập vào Việt Nam từ bậc Kim Cang Sư (Vajra Guru) Paramahansa Naga Nuci do chính ngài tông truyền mật pháp… Đến năm 1974, ngài cho gọi tất cả 5 đệ tử đến nghe huấn từ, ngài cho biết:“ vùng đất nước này sẽ đổi chủ, Thầy sẽ giã từ để hồi hương….”.  Đến khoảng năm 1980 – 1982 ngài viên tịch và có để “chúc thư” thư thông báo “Hỷ Tín” cho hầu hết tất cả những đệ tử ở những quốc gia mà ngài đã có đạo duyên ghé qua…


   Tôi biết Sư Phụ Paramahansa Naga Nuci là do một nhân duyên. Dạo ấy tôi dạy Taekwondo và đang tu tập với chư vị trong cõi huyền thiên, tiến bộ khả quan, viết được loại chữ “Thiên” là thứ ngôn ngữ thuộc cõi giới mà người đời khó có thể biết được, mắt tôi đã nhìn thấy được lờ mờ những chúng sinh cõi âm (ma) do vậy tôi xem Tử Vi cho bạn bè và những người tìm tới nhờ xem bói, xem bệnh… rất chính xác. Có vài lần ngồi Thiền tâm an trú vào hơi thở, trạng thái hỷ lạc phát sinh trong thân, thân tâm bỗng nhẹ nhàng khinh an như mất trọng lực, rồi bỗng nhiên nhận thấy hồn mình xuất ra khỏi thân thể vật chất và đang lơ lửng trên khoảng không gian cao vời vợi, trí vẫn còn tỉnh và nhận biết thân thể mình đang ngồi tọa thiền, nhịp tim đập thoi thóp rất thấp, phổi cũng dàn hồi chậm nhịp, thân thể mất cảm giác giống như một xác chết mà còn thở… không biết thời gian trôi qua bao lâu, cho tới khi thứ gọi là “hồn” nhập lại vào thân thể, tức thì từ các lổ chân lông trên lớp da mới có cảm giác và sự sống động của toàn thể cơ quan vận hành trong thân phục hồi bình thường. Những lần hành Thiền định Tâm an tĩnh, tịch lặng trạng thái tất cả ngoại giới ngưng đọng, chỉ có không gian, không có thời gian vì tâm không ghi nhận cảnh trí sinh động ngoại giới, chiếc lá đang rơi trước mắt bỗng nhiên ngừng lại và “đứng” yên tại vị trí trước mắt một khoảng thời gian rất lâu, cho tới khi xã thiền thì mắt nhìn thấy chiếc lá tiếp tục rơi xuống thảm cỏ… Thực tế chiếc lá đã rơi xuống từ bao lâu rồi. Nhưng vì Tâm nhập vào Định tịch lặng nên không có ghi nhận quá trình lá rơi. Tôi đã lấy kinh nghiệm thân chứng trong Thiền pháp này mà viết trong đoạn cuối câu chuyện Đóa Hoa Vô Ưu Xứ Tây Tạng:”   Đầu mùa xuân trên cao nguyên Hymalaya mênh mông, tiết trời còn khá lạnh. Bầu trời xanh thẳm trong suốt như ngọc, không có những tầng mây âm u dày dặc như mùa đông qua.  Hàng cây ven rừng đang vươn nhú những chồi lộc non mơn mởn xanh biêng biếc lấp lánh giọt sương mai còn đọng lại rất diễm tuyệt …!  Bây giờ cũng là mùa hoa anh đào chớm nở cùng với từng đám hoa cải vàng tươi ẩn trong bốn bề núi tuyết hùng vĩ như có thần thức sinh động huyền bí giao cảm của đất trời và thần linh .  Từ dưới đồi cỏ xanh xa xa… có ba cô gái Nyima, Tenzin và Pema tuổi chừng đang độ xuân thì, đang vui vẻ trêu ghẹo cợt đùa, cười nói tíu tít như đám chim khuyên chuyền cành, lần theo lối tuyết tan lên ngôi cổ tự tìm hái nấm và tuyết liên hoa…Tenzin đã nhìn thấy nhánh bông Tuyết Liên nhỏ bé khép nép ẩn mình nơi kẻ đá rêu phong đang rung nhẹ theo làn gió xuân hây hây thổi lùa qua phiến lá …Tenzin nhìn vẻ đẹp sống động hiện thực như huyền diệu chưa từng biết cảm nhận qua thường ngày, bỗng trong sátna tâm thức của nàng chìm vào trạng thái yên lặng an lạc lạ thường …! Tenzin thấy cánh Tuyết Liên đứng im, bất động không còn lung linh dưới làn gió thanh xuân, không gian và thời gian như ngưng lại một chập bao lâu…cho tới khi dòng tâm thức xao động trở lại, nàng thấy cánh hoa và quang cảnh lại tiếp diễn sinh động nhộn nhịp sau  “cơn mộng” tịch tĩnh vừa qua…! Tenzin đưa tay nâng nhẹ cánh hoa và chú nguyện :” Buddhaya Dharmaya Sangaya Siddhi Bojjhanga Piti  Lokayadha - nguyện ơn Tam Bảo gia hộ hỷ lạc, khinh an, hạnh phúc cho đoá tuyết liên hoa, chủng tử bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm -  Namo saha sarabhuya arya Avalokisteshvara Bodhisattva…”. (ngưng trích). Trạng thái này cũng được xem là một loại Tưởng theo giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy.


   Từ sau đó, tôi tìm đọc để học từ Kinh Tạng Phật Giáo Theravada như:Dìgha Nikàya, Majihima Nikàya, Khuddaka Nikàya, Samyutta Nikàya, Angttara Nikàya, Abhidhammattha Sangaha… để tìm học Chánh Pháp Đạo Phật. Nhưng cho tới một hôm, tôi gặp sư huynh nhà anh ta ở đối diện bên kia đường Trương Minh Giảng là Đại Học  Vạn Hạnh, anh đang là sinh viên đại học, ham mê nhảy đầm ở các vũ trường tại Saigon. Sau một trận cúm, anh bị tê liệt hai chân, phải chống cặp nạng lê lết tấm thân tàn tật… buồn chán nản vì cuộc đời phế nhân ! Một hôm, anh chống nạng qua đại học Vạn Hạnh, vào thư viện tìm sách đọc giải khuây, trên tay đang cầm quyển Kinh Bát Nhã đọc vài trang, thì bỗng có vị Sư già dáng người cao lớn rất uy nghi đi tới, ngài dạy ở một lớp học vừa xong và đang đi tới thư viện thì nhìn thấy thanh niên tay chống nạng, tay cầm quyển Kinh, ngài bèn hỏi:


-Con đọc có hiểu không ?


-Thưa thầy, con chưa từng đọc Kinh sách … nên chẳng hiểu gì… và có hiểu thì sao chứ, đời con tàn tật như vầy thì kể như hết rồi …!


Vị Sư già nhìn anh thanh niên như quan sát một chút rồi với nụ cười an lạc và nói:


-Phật pháp nhiệm mầu, con có duyên với ta… Nào đưa bàn tay đây !


Vừa nói, ngài vừa rút cây viết mắc trên áo Casa và cầm tay anh thanh niên viết một câu Dharani và nói:


-Con về tắm gội thân thể cho thanh sạch, rồi ngồi an tọa trong phòng và chú tâm đọc tụng câu Dharani này cho tới thiếp ngủ đi … Đôi chân con sẽ bình phục.


Bỗng dưng anh thanh niên mừng rỡ phát tín tâm tin lời vị Sư gốc Ấn Độ này, và anh quay trở về nhà làm y như lời dạy của nhà Sư. Anh cố gắng lê lết bám lên từng bậc thang lên căn phòng của anh trên tầng lầu và ngồi xếp bằng đọc “Om Shale Shule Chandhe S’vaha” … cho tới khi quá mỏi mệt ngủ thiếp đi, trong cơn mơ anh thấy có một cổ xe có 8 con ngựa dũng mãnh chở anh vượt lên dãy núi hùng vĩ, tới nơi hiện ra một Đại Hùng Bảo Điện thật hoành tráng diễm lệ và đức Phật đang giảng Kinh cho hàng Chư Thiên và Bồ Tát. Anh ta xuống xe, đảnh lễ đức Phật.  Ngài mỉm cười và ban cho anh ta một trái chuối, rồi cổ xe song mã chở anh ta xuống núi … Khi cổ xe quay đi thì anh bỗng nhìn thấy từ trời cao có hai trái cầu lửa như quả cam lao vút vào hai đầu gối của anh gây nóng như bị cháy bõng …! Anh chợt tỉnh giấc và có cảm giác đôi chân mình phục hồi sức lực, anh thử đứng dậy với đôi chân yếu ớt run run không vững, anh lết vào cạnh vách phòng, tựa đôi tay vịn vào cố đứng lên và đôi chân đứng trụ được khá vững, anh cố gắng tập đi như đứa bé mới biết đi …Tâm trạng vui mừng khôn xiết, anh bật khóc và cố vịn thành cầu thang xuống nhà, để đi qua đại học Vạn Hạnh tìm vị Sư già đã cứu anh thoát khỏi thân tàn tật để lạy tạ ơn. Nhưng trời đã về khuya và quá giờ giới nghiêm. Anh đành phải chờ tới sáng ! Sáng ngày hôm sau, anh vẫn cầm một cây nạng phòng hờ nếu không thể đi được dài lâu thì sẽ chống đở để đi và với tâm trạng hớn hở vui vẻ như trẻ thơ, anh đi băng qua đường tới đại học Vạn Hạnh hỏi nhân viên nhà trường chổ ở của nhà Sư Ấn Độ. Được chỉ dẫn, anh tới phòng vị Sư già, thì thấy cánh cửa phòng đã mở và vị Sư Ấn Độ ngồi kiết già trên sàn gạch như chờ sẵn. Nhìn thấy người thanh niên, Sư nở nụ cười an lạc và nói:


-Ta đã biết con khỏi bệnh rồi phải không ?


Anh thanh niên đi vào trong phòng, quì xuống lạy vị Sư già và quá xúc động anh khóc nức nở như trẻ con ! Từ sau đó anh được Hòa Thượng Paramahansa Naga Nuci nhận làm đồ đệ và sau này thì tới tôi và một anh kết nghĩa nữa được truyền thừa Mật Pháp Chandhe Dharani với lễ Quán Đảnh Đức Bổn Tôn Chuẩn Đề Vương Bồ Tát và chư vị Hộ Pháp của dòng Mật Tông Paramahansa Karma với mật pháp Chuẩn Đề  hay Chandhe Dharani, Mura, Kundalini – Chân Ngôn, Ấn, bí pháp vận hành Luồng Chân Hỏa  Tam Muội; cũng cần “nói” rõ Mật Pháp Chuẩn Đề không có truyền thừa qua Tây Tạng. Đặc biệt bộ pháp luyện luồng chân hoả cũng khác với pháp luyện tập Kundalini của các dòng phái Hindhu (Bà la môn) vận động của thủ pháp để gom thu, tập trung một phần nội nhiệt trong thân thể, rồi vận hành để kích hoạt đại huyệt Muladhara Chakra còn gọi là “Luân Xa Số Một” vốn là trung tâm phát sinh và vận hành nguồn sinh dục của thân thể con người, có thể gọi Chakra là “trung tâm sinh lực hay năng lượng tử nội thân”. Sau thời gian luyện tập có thành quả tốt không bị sai lạc, trở ngại thì luồng nội nhiệt ấm nóng sẽ xung kích và khai mở được đại huyệt Maladhara, rồi tuần tự luồng nội nhiệt cộng hưởng với lượng tử của Maladhara sẽ kích hoạt kế tiếp đại huyệt Svadhisthana, tiếp tới Manipura, Anahata, Visdhuddha, Ajna, Sahasrara…


Khi trao truyền phương pháp Luyện Luồng Chân Hỏa (khá giống như pháp Tumo của Mật Tông Tây Tạng). Sư Phụ giảng dạy rất cẩn trọng tỉ mỉ khúc chiết từng chi tiết nhỏ và nhiều lần để tránh thiếu sót, vì chỉ cần một chút sai lạc, thiếu sót sẽ trở thành tai hại cho đồ đệ chân truyền bí pháp vốn đã gần như tuyệt tận ở thế gian thời hiện tại… Sư Phụ Paramahansa Naga Nuci cảnh giác với lời dạy rõ ràng:”Đây là bộ pháp bí truyền đã hầu như gần mất hẳn trong thế gian nầy, và chỉ còn một vài Đạo Sư đắc pháp hiếm quí mà đời thường khó tao ngộ…! Sau nầy khi con luyện tới trình độ nầy… thì phải dứt khoát ngừng ngay, không được tham tập luyện tiếp tục lên tầng cao hơn… Vì Ta không có ở bên cạnh con để quan sát, kiểm soát và kèm cho con được nữa ! Nếu con nôn nóng trong khi tập luyện vì thành quả vi diệu của nó mà con không vâng giữ lời cảnh giác của Ta, con cứ bướng bỉnh cố gắng tập luyện lên tầng cao hơn thì nhỡ khi luồng chân hoả chạy tán loạn kinh mạch, xung phá thân thể làm hư hoại thần kinh, nhẹ là điên loạn, nặng thì chết sẽ đoạ vào khổ cảnh…Và bệnh này gây thành nghiệp tác hại tới những kiếp tái sinh sau thân thể bệnh tật khó chửa lành… Vì mỗi một trung tâm năng lượng Chakra có công năng phát sinh năng lượng điều hành và chi phối những phần trong thân thể vật chất, trong vi tế “nó” còn là một thế giới quan cõi ngoài vật chất có liên hệ mật thiết tới sinh mệnh một con người… Cho tới thời đại khoa học tân tiến ngày nay, chưa có nhà khoa học nào biết gì về cấu trúc vận hành vi tế trong thân thể con người … ”! 


Luồng Chân Hỏa khi luyện thành đạt sẽ thêm phần giúp cho ta “thấy” thế giới quan nhiệm mầu vượt ra khỏi thân xác và thế gian pháp vốn chật hẹp và thô kệch nầy… Từ dãy Tuyết Sơn lạnh lẽo Himalaya ngàn năm trước Thánh Sư Tây Tạng Hành Giả Yogis Milarepa đã thọ truyền từ vị đạo sư Marpa giáo lý bí truyền luồng Chân Hoả Tam Muội, Milarepa đã khổ luyện thành tựu Đạo Quả Arahan và tại Ấn Độ Tổ Sư Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) hành trình từ Tây Trúc đến Đông Độ Trung Hoa, rồi lại vượt qua sa mạc mênh mông, đến hội kiến với Milarepa, thọ lãnh bí pháp luyện luồng Chân Hỏa nầy rồi lại trở về Trung Hoa diện bích tọa Thiền, khổ luyện sau 9 năm ròng rã ngài phóng bè lao vượt sông trở về Tây Trúc… (Trong quyển cổ thư Tây Tạng do đệ tử đương thời của Hành Giả Áo Vải Milarepa có viết thuật lại cuộc hội ngộ của Bodhi Dharma với Milarepa và được truyền pháp vận hành luồng chân hỏa Kundhalini này. Tác phẩm do tác giả Nguyễn Tường Bách chuyển dịch từ bản Anh ngữ). Lại nữa  trong tác phẩm Thiền Đạo Tu Tập (The Practice of Zen) tác giả Chang Chen Chi (Trương Trừng Cơ), bản dịch của Như Hạnh,Kinh Thi in lần thứ I, năm 1972. Trong tập sách nầy tác giả cũng là một hành giả tu Thiền đã du phương qua nhiều những Thiền Viện Trung Hoa, Tây Tạng …Ông đã có đề cập đến:“Có một pháp môn “Nhất Tự Quyết” bí truyền đã hầu như mất hẳn ở thế gian hiện tại, chỉ còn lại tên gọi, và trên lý thuyết những ai có được cơ duyên lớn trong đời được thọ học pháp môn “Nhất Tự Quyết” vi diệu nầy, chỉ cần một ngày luyện tập khởi động khai nguồn  trung tâm sinh lực trong thân thể thành quả sẽ bằng như tu luyện trăm năm …và nghe nói phương pháp nầy là một số kỹ thuật bí truyền vận động hai ngón tay cái …” (Tác phẩm xuất bản lần thứ nhất có trình bày khá chi tiết).


   Vì mật pháp Kundalini của dòng phái Bà La Môn bí truyền, để khai mở 7 Chakra là trung tâm năng lượng trong thân thể nằm dọc trên đường đi của hỏa xà cuộn quanh hệ thần kinh sống lưng, khi khai mở được sẽ phát sanh trí thức thâm sâu về nhiều vấn đề, do các vùng bảo bộ được khí lực khai thông từ thô cho tới vi tế, và thu nhận năng lượng Tiên Thiên Khí vi diệu trong vũ trụ, giúp cho thân thể khỏe mạnh phát triển tới gần tối đa, vượt qua giới hạn khả năng, công xuất bình thường mà trở thành loại “kim cương thắng nhân” ... Do vậy, kỷ thuật vận động để tập trung một phần nhiệt năng trong thân xung vào Chakra dưới cùng là trung tâm sinh lực của con người, được hiểu biết như con rắn lửa và là năng lực của dục tính, không hiểu phiến diện chỉ là sinh hoạt tình dục xác thịt của giống đực và cái vốn là nguồn của sự sinh sản vô lượng, là sự sống của con người và luồng chân hoả nầy gồm có hai luồng Âm và Dương chuyển động xoắn lấy nhau dọc theo xương sống từ dưới lên trên: Luồng Âm tính chất mát mẻ chính là chân nguyên khí Âm của toàn thể  dịch Thuỷ luân lưu trong thân gọi chung là Huyết. Luồng Dương tính chất ấm nóng chính là chân nguyên khí Dương của toàn thể lưu lượng thúc đẩy Huyết luân lưu trong thân thể. Cả hai luồng nguyên khí Âm – Dương gọi chung là Khí - Huyết là gốc của Hệ Sinh Lý thân thể… Với kỹ thuật vận động tinh xảo của bí pháp luyện luồng chân hoả theo thời gian công phu nhiếp thu, luồng chân hoả Âm và Dương sẽ được khéo điều động hợp nhất, đưa vào đường Kinh Susuma dọc theo tuỷ xương sống xuyên suốt thông tất cả 7 Chakra …và biểu tượng để Quán Trung Tánh của hai đối cực Âm và Dương luân lưu trong thân để quân bình, cân bằng hai luồng chân hoả Âm – Dương. Để chỉ hoạ khai tính chất hoà hợp như nhất khi luân lưu trong đường Kinh Susuma là hình vẽ Thangka Mandala (thế giới quan) hoặc tượng khắc tạc nữ nhân là nữ thần Khakti và nam nhân là nam thần Shiva, hoặc các tranh vẽ, hình tượng vị nam nữ Bodhisattva ngồi kiết già trong tư thế Liên Hoa Giao Hoan gốc ở đạo Hindhu (Bà La Môn, Ấn Độ Giáo có trước thời Đức Phật) chứ không như người đời thường tình nhìn hình ảnh mà nghĩ là đôi nam nữ giao hợp tình dục với nhau. Những hành giả kham nhẫn luyện tập luồng chân hoả là hạng bậc có trình độ cao thượng thừa, chứ không thể là kẻ sơ cơ mà được truyền “giáo pháp”, vì tính chất là con đường đi tắc thu ngắn thời gian tu hành để thành đạt Thiền Định, và cũng rất nguy hiểm như dao hai lưỡi “nó” không dành cho những đệ tử, tu sĩ thiếu căn cơ và không đủ năng lực ý chí sắt thép chỉ cầu thành tựu để giải thoát mà thôi… Trong thời gian luyện tập tuy chưa được thành tựu rốt ráo, luồng chân hoả tiệm tiến vẫn phát triển ảnh hưởng trở thành năng lực hổ trợ cho thân thể khang kiện chịu đựng và dung hợp, hoá giải được sự khắc nghiệt của thời tiết, mọi tế bào cấu thành thân thể tự hấp thụ khí trời tiên thiên khí, và năng lượng vi tế trong vũ trụ để sinh sống, khiến cho thân không cần phải dung nạp số lượng thực phẩm cho sự sống khi cần phải sống ẩn cư trong hang động hiểm trở trên núi tuyết thanh khiết, hay nơi chốn núi rừng hoang vu, sơn lam chướng khí để tu tập Thiền Định miên mật nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tháng và ở thang bậc thượng thừa họ có thể nhập vào tầng Thiền Định nhiều năm và thế gian hầu như chưa có họ bao giờ và họ cũng không màng gì tới thế gian trôi lăn tới đâu và về đâu... Nhưng chắc chắn những hành giả Samôn Bà La Môn nhập tầng Thiền Định sâu này không phải là thân vật vô tri, vô giác có nghĩa là “đắc cái” đạo vô tướng, vô tưởng của ngũ uẩn vốn là sắc pháp và danh pháp mà thôi. Tuệ Giác là thành quả của pháp hành “thấy” chân đế từng satna hiện tại  vốn thật không có ngôn từ nào có thể diễn giải nói chi giảng dạy ...? Chỉ có trạng thái “tu chứng” mới tạm liễu ngộ và lại cũng phải dụng Tâm công phu cho tới Tứ Thánh Đạo Quả Phật Giáo vượt ngoài thế gian trí.  Nhưng chỉ cần một tư tưởng dục lạc khởi lên trong Tâm thì luồng chân hoả sẽ bị nghiêng lệch, xáo trộn, tán loạn sẽ thiêu đốt, phá hư hoại hệ thần kinh và thân thể phát bệnh, thân nhiệt sẽ bốc thoát ra khỏi cơ thể làm mạng vong…! Nhưng phương pháp vận hành Kundalini của giáo phái Bà La Môn khác xa với phương pháp tu luyện Luồng Chân Hỏa Tam Muội của Mật Tông Phật Giáo và rất dễ ngộ nhận, lầm tưởng là một hoặc tương đồng rất tai hại cho sự giác ngộ.


   Ngàn năm trước chính nhà Sư Padma Samphava (Liên Hoa Sanh) khi đem Đạo Phật truyền vào Tibet (Tây Tạng), nhận thấy  khí hậu và thổ ngơi trên dãy núi tuyết Hymalaya rất khắc nghiệt và nguồn thực phẩm khan hiếm, đời sống sinh hoạt rất khổ cực, nghèo khó của cư dân… làm trở ngại cho giới tu sĩ muốn hành Thiền Định...! Ngài đã truyền dạy bí pháp Luyện Luồng Chân Hoả Tam Muội và cũng vì tính cách bí mật truyền thừa... Kiến văn bản thân của tôi cũng hạn hẹp nhận thức nên ít nhiều lầm tưởng là pháp của Bà La Môn do Thần Shiva là Bồ Tát  Avalokistes’vara hay Quán Thế Âm Bồ Tát là Tổ Sư Vajrayana qua một số tài liệu khảo cổ ! Mật Tông song hành với giáo lý Đạo Phật cho tu sĩ Tây Tạng làm nên đặc biệt Nền Phật Giáo Mật Tông với nét đặc thù bí mật truyền thừa. Do vậy, những hành giả Mật Tông trước khi dấn thân vào nơi chốn hang động hẻo lánh, núi rừng cô phong hoang vu hiểm trở để được khung cảnh thanh tịnh mà tu hành Mật Pháp, thì họ phải nhập thất trong thời gian dài để tập luyện vận hành luồng chân hỏa Kundalini của Bà La Môn, hay họ được thọ nhận chánh pháp Chân Hỏa Tam Muội của Mật Tông Phật Giáo, sau khi tu tập thành đạt, họ mới ra khỏi mật thất mà du phương tu hành ?


Kính thưa Quí Độc Giả,


   Vì truyền thống “Mật Tông” kín đáo ẩn tàng thâm diệu… lại nữa là truyền thừa trực tiếp bằng tiếng Ấn Độ, không văn tự giữa Sư Phụ cho đệ tử... Do vậy, khi cần phải tìm hiểu, đối chiếu để trình bày qua văn tự thì thật là không khỏi “phiền não” vì khi xưa Sư Phụ nói “kama” ngắn gọn, thật ra là “karma”, mà nghĩa của từ kama là ái dục, dục lạc, trong khi karma là nghiệp lực ...!  Tôi phải lần mò tự điển Ấn – Việt mà tra từng chữ của tiếng nói và chỉ cần thiếu hay dư một mẫu tự La Tinh trong danh từ Ấn Độ là “bằng mười phụ nhau”... !  Không dám sính vai “học giả” để cố gắng dùng nhiều từ huyên thuyên, bóng bẩy, phức tạp, tối nghĩa chỉ để trình bày những sự việc vốn giản dị và thường tình !  Tôi đã tự nhận thức khi Thầy Tổ đã viên tịch, tri kỳ phận không kham nỗi Mật Tông trên đường đời khi Tâm chưa vô ngã còn cưu mang nhiều tục luỵ… Nên tôi đã xin xã pháp để sống cuộc đời rất thường… Những tưởng đã chôn chặc pháp môn Luyện Chân Hoả Tam Muội và hình tượng Quán Trung Tánh Shiva – Khakti hay Hindhu Bodhisatta nam nữ trong tư thế hợp nhất nhiều thập niên tại Mỹ theo xu hướng tầm tìm tài liệu, học nghiệm ít nhiều lầm lạc như mộng ảo… Nhưng rồi như dòng nghiệp Ba la mật (Paramita) đưa chuyển trêu người... Nay tôi lại phải vì nhân duyên mà xuôi dòng hướng dẫn cô Sư Muội Nicole Trần pháp danh là Paramahansa Naga Devee trên đường Mật Pháp. Âu cũng là một nghiệp lành khó khước từ. Tôi viết tóm lược vài trang giấy như ghi chép lại  hành trạng của Sư Phụ Paramahansa Naga Nuci, Ngài đã từ xứ Phật đem Mật Pháp Kim Cang Thừa Nguyên Thủy của Dòng Phái Paramahansa Karma cao thượng truyền thừa cho năm đồ đệ người Việt Nam. Thật là quá ít ! Vậy, tôi có thể nào mà cứ mãi ẩn tàng nơi chốn u tịch của riêng mình khi tuổi đời bước vào ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy ? Thôi thì cứ như một mãnh vỡ của chiếc bình, có thể vá ghép để cho ai đó cần dùng và như trái tim còn có máu thì còn nhịp đập:


Ôi ... trái tim của tôi !
Trái tim tôi như lâu đài cổ kính
Đứng âm thầm soi bóng nước lung linh
Chỉ có em nhỏ hiểu và yêu thích
Em không hiểu cái thâm trầm súc tích
Nhưng hồn em cảm chuyện thần tiên
(Khuyết Danh)
(Trịnh Khải Giác Hoàng (Paramahansa Cita)
California mùa Xuân Nhâm Dần 2022).


++++++++++++++++++++++++++++
 

Phạm Quốc Bảo

image016
Tự Nhủ


Sáng mùng ba Tết nắng lên tươi
hương nồng từ biển gió lay mời
ngoài hiên giò lan tía nở rộ
lòng ta mở rộng đón đất trời

Tết về thời tiết chầm chậm trôi
cho tuổi tám mươi chớm đâm chồi
nhận diện được ta vào năm mới
thong thả bước đi giữa cuộc đời

Dĩ vãng dầy thêm một tuổi nữa
mà đã tan vào hiện tại này
Thôi nhá - chuyện người thôi vướng bận
tâm lành trải nghiệm cứ chơi vơi.
12:00 Thứ Năm - 03/02/22.

Phạm Quốc Bảo


https://www.youtube.com/watch?v=-ATXtvgflrw

image018
++++++++++++++++++++++++++++

 

Lý Kiến Trúc


50 năm trước

image020
50 năm trước. Dường như tuổi đôi mươi.

 

Lấy vội chiếc áo Jacket treillis cũ mèm khoác lên vai em. Làm quen

em - bỏ phố lên rừng ướt sũng cánh thiên nga

đừng nhìn xuống 

suối ngực trần ôm lấy đá rong rêu

xoá tinh khôi 

gió tàn khốc đưa về con lũ đỏ

ngược lên non

dòng suối đa tình Dak’nong ngẫu nhiên xẻ dọc hai quả đồi.

 

Đôi giầy bê bết bùn BuPrang - Đức Lập - Doris - Dak’song - Dak’tik - Núi lửa

dẫn em đi trong chiều nắng nhạt xuyên qua đồi ngơ ngẩn

hết con đường bụi đỏ không tên mà vẫn thuộc

tận con phố không đèn mà vẫn tưởng chưa khuya.

 

Ta leo con dốc này nhé

ta lần xuống hẻm thiên tiên

nước tiên trôi tuồn tuột áo trận vượt thác băng ngàn

thấm mệt.

Giờ muốn ngủ trên vai bé nhỏ

tròn

mưa lất phất kinh cầu trên đồi gió

lối mòn xưa in mới đỏ chân em.

 

Tôi muốn chia cho em gia tài chiếc áo hành quân xa từng bước

đẫm mồ hôi

hôi hám bụi chiến trường

nếu có ngửi, mùi chiến tranh

đừng nghĩ mùi vĩnh biệt

nếu có buồn, nhuộm mắt chút phong sương.

 

50 năm trước. Dường như mối tình đầu.

 

Tuổi đôi mươi, có điên mới có tình đầu

tình đầu chưa biết cách hôn

chưa biết mùi da thịt.

Ai nói những thằng điên không biết yêu thời chiến loạn

nó miên man viễn thám vùng cấm địa

nó khơi bầu nhiệt huyết dạt phấn hoa

tất nhiên, chẳng ai muốn chia lìa trong lửa đạn

tình em tựa sương khói bạt điêu tàn.

 

50 năm trước. Em có yêu anh không?

 

Em không ưa giây phút ấy ư?

nụ hôn đầu khét lẹt say điếu thuốc

chưa biết nói những điều chưa bao giờ nghĩ tới

chưa biết đo sao trời định vị góc tình yêu

chưa biết nghĩ ngày mai ngừng suy nghĩ

giây phút nhẹ như lá gởi bên đường. Lá đôi ta.

 

Một thời áo trận ngần ngần động

Hương sắc len vào áo rỗng không.

  

(1) Áo trận ngự hàn của lính ở mặt trận Quảng Đức 1969-1975.

(2) Những chữ in nghiêng là địa danh dấu giầy binh lửa ở cao nguyên Trung phần.

 

image022

Nhà chòi


Nhà chòi,

tôi dựng lên. Đúng vào mùa binh lửa

 

Nhà chòi,

tôi ẩn náu. Người chiến binh đóng quân nơi đầu rừng cuối phố

 

Nhà chòi,

tôi nguyên vẹn. Vùi đầu vào gối lạnh sau những trận càn hành quân biên giới

 

Nhà chòi,

mùa phong nguyệt. Dốc mái nghiêng - thở gấp hơi thở tình.

 

Súng biên thùy tới giờ ngưng chiến cuộc

không có khói đại bác gầm lên từng đợt   

không có tiếng loa kèn thúc quân vào trận địa

mặt trận tan hàng rồi.

Xung phong! 

tháng ba gẫy súng (1) 

đời chiến binh trận này chưa ngã ngũ

Xung phong!

tuổi thanh xuân chưa đủ đã - đã tù đày biệt xứ tha hương.

 

Nhà chòi,

vẫn có kẻ đến đây đòi gây sự. Tôi khẽ bảo:

thôi gác súng đi bạn ơi. Hai ta đều mệt mỏi lắm rồi

vào đây đánh một giấc cho đẫy. Rồi đường ai nấy bước.

 

Nhà chòi,

nhà trăng gió. Ngóng đạn bác đì đùng từ xa rồi lại ngủ thiếp.

 

(1)      tựa sách của cựu Trung úy TQLC Cao Xuân Huy.

Nhuận sắc 02/2/2022

 

Tím tim

Sao lâu quá anh không về thăm quê?

Gởi em chút tình xanh không ràng buộc

Năm xưa ăn quả tầm xuân độ nhụy

Hoa xuân tươi ươm ướp nụ tầm xuân.

 

Sao lâu quá anh không về thăm em?

Anh một đi, một bước không quay về

Bỏ lại quê dòng sông mù xa lạ (1)

Dạt về đâu những đồi tím hoa sim. (2)

 

Ở đây chẳng có gì gởi cho em

Tiền bạc phấn son xuống đường đòi trang sức

Có đủ rửa sầu đau nhớ nhung hoài không dứt

Có lấp nổi mây thành bao phủ tấm thân em.

 

Ở đây có những mùa cô đọng lại

Mùa thu đông kéo theo mùa giông bão thôi thúc khúc trường chinh

Trên đoạn đường quá khứ oan nghiệt có lối mòn rẽ lối. Anh đi 

Anh đi mãi. Dừng lại đâu đó một lúc

Rồi lang thang khắp bốn phương trời (3)

Thỉnh thoảng ngân nga câu thơ cổ: Bắt phong trần, phải phong trần. (4)

 

Họa chăng chút tình yêu còn sót lại dù chinh chiến đã rời

Ngắt đóa hoa tím dại mọc hoang ven đồi cài lên mái tóc

Có nỗi buồn gặm nhấm buổi cầu hôn đã chia ly vội vã

Có điều chi khác lạ dù ngày về nhớm kề cận gót chân.

 

(1) phương trời viễn mộng - Tuệ Sỹ

(2) đồi tím hoa sim - Hữu Loan

(3) Rabindranath Tagore

(4) Kiều.


Lý Kiến Trúc

++++++++++++++++++++++++++++++++


Trần Duy Đức phổ nhạc từ thơ Ngô Tịnh Yên


Hương Thơ phỏng vấn Nguyệt Hạnh


https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/KtbxLvHHmrfkQplkwFjfhmsknxlxBWFLZL?projector=1

image058image059
09 Tháng Ba 2022(Xem: 4250)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5160)