Bùi Xuân Phái - người khai mở dòng tranh con giáp

17 Tháng Giêng 201911:12 CH(Xem: 5524)

VĂN HÓA ONLINE - TÁC GIẢ TÁC PHẨM - THỨ SÁU 11 JAN 2019


Bùi Xuân Phái - người khai mở dòng tranh con giáp


15/01/2019


TTO - Phong trào vẽ con giáp được các họa sĩ trẻ hưởng ứng rầm rộ mấy năm trở lại đây mỗi dịp Tết đến, ít ai ngờ lại được khởi đầu từ những tấm bưu thiếp ngày xuân mà danh họa Bùi Xuân Phái hay vẽ tặng bạn bè từ hơn nửa thập kỷ trước.


  image034


Thiệp chúc Tết năm con khỉ của danh họa Bùi Xuân Phái


Thông tin được nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm Tranh Tết Kỷ Hợi sáng nay 15-1.


Ông Thượng cho biết, không kể dòng tranh dân gian thì vẽ con giáp được các họa sĩ Việt Nam bắt đầu theo đuổi từ sau năm 1954, trên các bưu thiếp chúc Tết hoặc bìa báo xuân, tranh trong báo xuân.


Điều ngạc nhiên là, chính Bùi Xuân Phái - người nổi danh với những bức tranh vẽ phố phường Hà Nội - lại là một trong những họa sĩ khởi xướng cho dòng tranh con giáp.


Ông Thượng nói, khoảng từ năm 1956-1957, Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ những tấm thiệp con giáp để tặng người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến, xuân về. Có những năm, họa sĩ vẽ cả chồng bưu thiếp, để sẵn trong ngăn kéo để làm quà mừng năm mới cho những người thân quý.


Thời kỳ đó, cùng với Bùi Xuân Phái còn có các họa sĩ Nguyễn Bích, Sĩ Ngọc cũng vẽ tranh con giáp rất nhiều.


image035


Tranh con giáp của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm


Nhưng người theo đuổi đề tài vẽ con giáp quy mô nhất lại là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ông Thượng cho hay, Nguyễn Tư Nghiêm chuyên sáng tác về mười hai con giáp. Ông còn chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành.


Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng chia sẻ, ông còn nhớ mãi những lần được tới thăm họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vào ngày Tết.


Những bức tranh con giáp có dòng chữ "Chúc mừng năm mới" được hai họa sĩ vẽ luôn là tặng phẩm nhiều ý nghĩa đối với ông. Nguyễn Quân trân trọng đem về để lên mâm ngũ quả, vừa để cẩn báo tổ tiên món quà ngày Tết, vừa để cho xôm không khí ngày xuân.


Theo nhà phê bình Nguyễn Quân, mỗi năm Nguyễn Tư Nghiêm có thể sáng tác vài chục bức và hoàn toàn không bị lệ thuộc vào trật tự thời gian. Ông là người đại diện cho các họa sĩ Việt Nam cất lên tiếng nói của dân tộc mình qua các tác phẩm hội họa con giáp ngày xuân.


Khởi nguồn từ Bùi Xuân Phái và vài người khác, rồi đến Nguyễn Tư Nghiêm chuyên chú vẽ một cách quy mô, tính toán tỉ mỉ, việc vẽ con giáp được đẩy lên thành truyền thống vẽ tranh Tết hàng năm, được các thế hệ họa sĩ khác nhau nối dài cho tới tận ngày nay và càng ngày phong trào càng rầm rộ.


Tiếp theo thế hệ của Bùi Xuân Phái có Thành Chương tiếp tục giữ lửa dòng tranh này vào những năm 1970-1980 và những năm 1990 lại có Nguyễn Quang Vinh, Hà Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa.


Mấy năm nay, dòng tranh con giáp càng rầm rộ hơn. Đã có hai triển lãm thường niên chuyên về tranh con giáp, tranh Tết được tổ chức ở Hà Nội của nhóm G39 và nhóm Viet Art Now.


Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo vui mừng khi nhìn thấy dòng tranh con giáp ngày các được các họa sĩ kế tục một cách hào hứng.


"Xưa chỉ các làng tranh dân gian vẽ con giáp, rồi đến một vài cá nhân họa sĩ vẽ, và giờ đây thì cả một tập thể các họa sĩ cùng vẽ khiến dòng tranh này càng sống động, đầy sức hấp dẫn", ông Bảo nói.


image036


Tác phẩm 'Lợn Mán' của Thành Chương tại triển lãm Tranh Tết Kỷ Hợi


Về triển lãm Tranh Tết Kỷ Hợi, ông Phan Cẩm Thượng đánh giá cao tính đa dạng của triển lãm khi nó mang tới cho công chúng đủ phong cách từ hiện thực, trừu tượng, ấn tượng, tối giản… cho tới cả Pop Art (nghệ thuật đại chúng).


Ông Thượng thích các tác phẩm phấn màu trên giấy với vài nét rất đơn giản của Trần Nhật Thăng, ông nói, đó là những bức tranh với những nét đơn giản nhất ở triển lãm này nhưng lại "rất đáng xem".


Ông Thượng cũng rất thích hai tác phẩm vẽ trên hai chiếc mâm của họa sĩ Thành Chương; cũng như những nét sơn đầu với kỹ thuật điêu luyện trên những bức tranh trừu tượng của Phạm An Hải….


Tuy nhiên, ông Thượng cũng thẳng thắn nói ông không thích một số tác phẩm "mới quá" và có phần "hơi thị trường" trong triển lãm này.


Ngắm một số tác phẩm tại triển lãm:


image037


Tác phẩm 'Tự họa' của Thành Chương


image038


Tác phẩm 'Kỷ Hợi dân tộc và hiện đại' của Phạm An Hải


image039


'Kỷ Hợi 1' của Trần Nhật Thăng


image033


'Hợi 2019' của Trần Vinh


image040


'Sung túc' của Lê Trí Dũng


image041


'Kỷ Hợi 2' của Đào Trọng Lưu


image042


'Xuân' của Trương Vũ Trung


image043


'Vũ điệu mùa xuân' của Ngụy Đình Hà


image044


'Chào xuân số 9' của Khổng Đỗ Duy


image045


'Lợn xanh' của Doàn Hoàng Kiên
09 Tháng Ba 2022(Xem: 4252)
18 Tháng Bảy 2019(Xem: 5162)