Nha Trang hội thảo Biển Đông: "Thông cáo chung" / Cần thêm tính "phản biện"

21 Tháng Tám 20167:09 CH(Xem: 6695)

"VĂN HÓA-CALIFORNIA"  THỨ  HAI 22  AUGUST 2016


Nha Trang hội thảo về Biển Đông: "Thông cáo chung" / Cần thêm tính "phản biện"

image065

Văn bản đồng thuận tại Hội thảo quốc tế


Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông


Chúng tôi, các học giả quốc tế và Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” do Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Nha Trang đồng tổ chức tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa từ ngày 16-18/8/2016, sau khi đã thảo luận về diễn biến tình hình gần đây ở Biển Đông, dựa trên các tham luận khách quan, khoa học, phát biểu và thảo luận mang tính xây dựng giữa các học giả, đã nhất trí như sau:


1. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông;


2. Khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế ở Biển Đông đối với không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế;


3. Tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (Công ước) và việc áp dụng nguyên tắc này đối với các tranh chấp ở Biển Đông;


4. Hoan nghênh phán quyết mang tính chung thẩm và ràng buộc được Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước đưa ra ngày 12/7/2016 đã giúp thu hẹp phạm vi các khu vực có tranh chấp và mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết các tranh chấp, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Biển Đông.


5. Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực và việc thúc đẩy tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc, thực thi đầy đủ DOC và sớm tiến tới COC, qua đó mở ra cơ hội mới cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông;


6. Bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm quốc tế về chủ đề Biển Đông nhằm mở rộng mạng lưới giữa các viện nghiên cứu và các học giả trên thế giới để thông tin đến dư luận, đưa ra các khuyến nghị chính sách tới các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, và một trật tự pháp lý ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.


Nha Trang, ngày 17/8/2016


Concensus


reached at the International Workshop


"Legal Status of Islands and Rocks in International Law and Practice in the South China Sea"


We, international and Vietnamese scholars attending the International Workshop “Legal Status of Islands and Rocks in International Law and Practice in the South China Sea” jointly held by Pham Van Dong University and Nha Trang University in Nha Trang city, Khanh Hoa Province, between 16-18/8/2016, having discussed the recent developments in the South China Sea, based on the results of the objective, scientific presentations and constructive discussion among scholars, reach the following concensus:


1. Stressing the need to maintain peace and stability in the South China Sea;


2. Affirming the importance of preserving freedom of navigation and overflight in accordance with international law in the South China Sea not only to the countries in the region but also the international community;


3. Reaffirming the principle of resolving international disputes by peaceful means on the basis of international law, including the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea, and its application to the disputes in the South China Sea;


4. Welcoming the final and binding Award rendered by the UNCLOS Annex VII South China Sea Arbitral Tribunal on 12 July 2016, which has contributed to narrowing the geographical scope of the disputes and opening up opportunities for resolving disputes and promoting cooperation in the interest of environmental protection and sustainable development in the South China Sea;


5. Emphasizing ASEAN's centrality in building regional security structures and promoting the diplomatic and legal processes to resolve disputes in the South China Sea in accordance with Article 33 of the UN Charter, and to work towards the full implementation of the DOC and early conclusion of the COC, thus opening up new opportunities for the maintenance of peace and stability in the South China Sea;


6. Expressing the desire to continue organizing more workshops, international seminars on the topic of the South China Sea to extend research networks among institutions and interested scholars, in order to build public opinions and to make policy recommendations to government agencies, and international organizations with the aim of creating an environment conducive to the maintenance of peace, stability, cooperation, and a legal order based on international law in the South China Sea.


Nha Trang, August 17, 2016


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Nha Trang: Hội thảo về Biển Đông cần thêm tính "phản biện"


 image067

Một góc cuộc hội thảo. Ảnh VH


image069 

Tiến sĩ Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng đọc diễn văn trong cuộc họp báo, bên phải là Tiến sĩ Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang đồng trưởng ban tổ chức trên bàn chủ tọa. Ảnh VH.


(VH) - Không thể phủ nhận lần đầu tiên sau phán quyết của tòa thường trực La Haye hôm 13/7/16 về Biển Đông, VN đã tổ chức quy mô 3 ngày hội thảo hội tụ hơn 30 diễn giả quốc tế trong và ngoài nước, với sự tham dự của hàng chục cơ quan truyền thông báo chí cả nước tại thành phố biển Nha Trang từ ngày 16-18/8/2016.


 


Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng, trưởng ban tổ chức, trong bài diễn văn khai mạc nói rằng hội nghị là một "Hội thảo Khoa học"; theo ý của Ts Trang Sĩ Trung Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang trả lời phỏng vấn của báo Văn Hóa cho rằng: "3 chủ đề đưa ra đều có tính thời sự và nó là trọng tâm của cuộc hội thảo ... và nên mở rộng hơn nữa các tiếng nói trong ngoài nước".


Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố: "Tòa trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII không phải là cơ chế giải quyết các tranh chấp biển, đây chỉ là nơi giải thích rõ về luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), vì thế, không thể giải quyết tận gốc tranh chấp Biển Đông hiện nay".


Theo thiển ý của báo Văn Hóa-California, muốn giải quyết tận gốc tranh chấp Biển Đông hiện nay, chính phủ và các đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo khoa học nên cần lắng nghe thêm "sự dũng cảm của yếu tố phản biện khoa học", đặc biệt sự phản ánh dù là cảm tính trong dư luận quần chúng, mà bất cứ cuộc hội thảo nào cũng phải có - nhất là trong thời đại đa chiều hiện nay.


Đại diện báo Văn Hóa-California tham dự hội nghị này ghi nhận và phỏng vấn một số ý kiến qua các học giả. (VH)


Dưới đây là ý kiến - bài tham luận của Tiến sĩ Trần Công Trục và bài tham luận của Tiến sĩ Ngô Hữu Phước:


image071

Tiến sĩ Trần Công Trục đọc tham luận. Ảnh VH



Những câu hỏi còn bỏ ngỏ tại hội thảo về Biển Đông ở Nha Trang


Ts Trần Công Trục


18/08/16


 (GDVN) - Hoạt động ý nghĩa này vẫn đang thiếu sự phân tích, phản biện cần thiết trong khoa học, đặc biệt là với các vấn đề dư luận còn băn khoăn, tranh cãi.


LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và luật biển quốc tế đang tham dự hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật pháp quốc tế và thực tiễn Biển Đông” tại Nha Trang, Khánh Hòa gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích thể hiện một số góc nhìn của ông về hoạt động ý nghĩa này. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.


Sáng 17/8 tại Nha Trang, Khánh Hòa diễn ra hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật pháp quốc tế và thực tiễn Biển Đông” do Đại học Nhà Trang và Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức.


Hội thảo quy tụ hơn 100 học giả quốc tế và Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước tham dự.


Đây là cuộc hội thảo quốc tế đầu tiên do Việt Nam tổ chức bàn về một khía cạnh trong Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố hôm 12/7 vừa qua.


Hoạt động này rất thiết thực và có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam cũng như các nước đang quan tâm đến vấn đề Biển Đông.


Tham dự hội thảo này, cá nhân tôi cảm nhận thấy không khí phấn khởi của tất cả các học giả tham dự hội thảo khi nhắc đến Phán quyết Trọng tài, bởi đó là thắng lợi của lẽ phải, công lý vàluật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).


Các học giả đều đánh giá cao tinh thần làm việc thượng tôn pháp luật, nỗ lực không mệt mỏi của Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán được PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 để đưa ra được phán quyết hết sức thuyết phục.


Đó là phán quyết về những nội dung tranh chấp ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 trên Biển Đông vốn dĩ hết sức phức tạp, trong đó có vấn đề quy chế pháp lý của các thực thể.


Đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền đã giải thích rất rõ ràng, xây dựng lập luận rất logic, phản ánh đúng tinh thần UNCLOS 1982 đối với các thực thể tranh chấp cụ thể.


Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc thu hẹp phạm vi tranh chấp trên Biển Đông, gợi mở nhiều điều cho các bên liên quan trong đó có Việt Nam.


Đó cũng là lý do mà cá nhân tôi và nhiều học giả tham dự đánh giá rất cao những nỗ lực kịp thời, đáng quý của hai đơn vị đồng tổ chức hội thảo.


Tôi nghĩ rằng cần tiếp tục triển khai những cuộc hội thảo quốc tế như thế này để phân tích và mổ xẻ hơn nữa những vấn đề nóng đang đặt ra sau Phán quyết Trọng tài mà dư luận quan tâm.


Trên tinh thần đó, cá nhân tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ và cảm nhận về những khía cạnh mà chúng ta có thể làm tốt hơn nữa.


Để tới đây, nếu có triển khai các hoạt động hội thảo hội nghị về Phán quyết Trọng tài nói riêng, vấn đề Biển Đông nói chung, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều hơn các câu hỏi, bài toán thực tiễn đang đặt ra, dư luận đang thắc mắc.


Những câu hỏi còn bỏ ngỏ


Chủ đề của hội thảo này là “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật pháp quốc tế và thực tiễn Biển Đông” cho thấy các nhà tổ chức hội thảo đã chọn đúng và trúng vấn đề dư luận đang quan tâm sau Phán quyết Trọng tài.


Bởi lẽ trước đó còn có rất nhiều nhận thức khác nhau, cần được các nhà nghiên cứu phân tích, mổ xẻ và giải thích kỹ lưỡng với dư luận.


Tuy nhiên có thể do thời gian chuẩn bị ngắn hoặc vì lý do nào đó, mặc dù có tới 100 học giả uy tín quốc tế cũng như Việt Nam tham dự, nhưng các bản tham luận dường như có hơi hướng một chiều.


Cá nhân tôi qua trao đổi với nhiều người bên hành lang hội thảo đều có chung cảm nhận rằng, hoạt động ý nghĩa này vẫn đang thiếu sự phân tích, phản biện cần thiết trong khoa học, đặc biệt là với các vấn đề dư luận còn băn khoăn, tranh cãi.


Hơn nữa, câu hỏi lớn nhất mà dư luận Việt Nam nói chung, các nhà nghiên cứu nói riêng còn băn khoăn rằng, vậy nội dung quy chế pháp lý đối với các thực thể trong Phán quyết Trọng tài có ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không?


Điều này đã không được làm rõ trên bàn hội thảo.


Trước và sau phán quyết trong dư luận giới nghiên cứu Việt Nam vẫn có những băn khoăn, quan điểm cho rằng Việt Nam "mất", "thiệt" với nội dung quy chế pháp lý cho các thực thể ở Trường Sa: không một cấu trúc nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.


Có những băn khoăn rằng, vậy phải chăng từ sau phán quyết trọng tài phải đổi tên gọi các đảo Ba Bình, Thị Tứ, Trường Sa, Nam Yết...thành "đá" hết hay sao?


Bởi theo cách hiểu của một số người về Điều 121: "Chế độ đảo" trong UNCLOS 1982 rằng, là "đảo" thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, là "đá" thì không.


Tôi cho rằng đây mới là những vấn đề pháp lý dư luận Việt Nam cũng như khu vực, đặc biệt là các nhà nghiên cứu quan tâm, cần phải có trao đổi, phản biện để làm rõ và tìm ra chân lý, căn cứ vào Phán quyết cũng như cách xây dựng lập luận của Hội đồng Trọng tài và quy định cụ thể trong UNCLOS 1982.


Tiếc rằng những vấn đề quan trọng này đã chưa được làm rõ tại hội thảo.


Trước đó đã có những nhà nghiên cứu người Việt đặt vấn đề này ra để thảo luận như Tiến sĩ Dương Danh Huy từ Quỹ Nghiên cứu Biển Đông hay Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Hoa Kỳ.


Nếu ban tổ chức tận dụng được cơ hội quý giá này để mời các nhà nghiên cứu có ý kiến khác nhau về Điều 121 "Chế độ đảo", UNCLOS 1982 ngồi lại với nhau để làm rõ thì rất hay, rất thời sự và đáp ứng được mong mỏi, nhu cầu của dư luận xã hội.


Mặt khác, chủ đề hội thảo liên quan đến Phán quyết Trọng tài, một vấn đề pháp lý khó. Tuy nhiên nội dung hội thảo lại chèn thêm phần chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào làm loãng nội dung chính, trong khi thời gian dành cho thảo luận và phản biện nội dung chính lại quá ít.


Đương nhiên, chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần được đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền thông qua nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có các hội thảo quốc tế.


Tuy nhiên tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có cơ chế pháp lý quốc tế riêng để giải quyết, liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ, khác với bản chất vụ kiện trọng tài cũng như nội dung phán quyết, chủ đề của hội thảo này là áp dụng, giải thích UNCLOS 1982.


Hơn nữa, Trung Quốc đang cố tình nhập nhằng đánh lận con đen, tráo khái niệm để chối bỏ vụ kiện và nghĩa vụ tuân thủ Phán quyết Trọng tài vì cho rằng, Tòa đã xử nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và phân định biển, chứ không phải áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 như đúng bản chất vụ kiện.


Do đó chúng ta đưa những nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào hội thảo này không chỉ làm loãng nội dung, thậm chí là "lạc đề" câu chuyện đang mổ xẻ, mà có thể tạo cớ cho Trung Quốc tuyên truyền bất lợi cho ta.


image072

Chương trình bình luận của mục Vấn đề hôm nay, VTV1 về hội thảo này. Ảnh chụp màn hình


Việc nào cũng quan trọng, nhưng phải được đặt đúng "sân", bởi lẽ cơ chế pháp lý khác nhau thì cần đặt ở các diễn đàn khác nhau để tránh sự nhầm lẫn.


Những hiểu lầm về việc Việt Nam "mất gì", "thiệt gì" sau Phán quyết Trọng tài


Rõ ràng nội dung Phán quyết Trọng tài liên quan đến giải thích áp dụng Điêu 121: "Chế độ đảo" của UNCLOS 1982 đang gây tranh cãi và cần làm rõ. Cá nhân tôi đã phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này, ở đây xin nhắc lại:


Theo quy định của UNCLOS 1982, các thực thể trên biển và đại dương chỉ có hai loại. Một là "đảo", cấu thành một cách tự nhiên bởi  đất, đá, rạn san hô, cát, sỏi…phải luôn luôn nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất.


Hai là các thực thể địa lý không phải là đảo, bất kể là đất, đá, san hô, cát sỏi …, nếu chúng lúc nổi lúc chìm hay chìm hoàn toàn theo mực nước thủy triều.


Về quy chế pháp lý cho các thực thể là "đảo" nằm trong Khoản 3 Điều 121: đảo nào thích hợp cho đời sống của con người và có đời sống kinh tế riêng thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


Còn đảo nào không thích hợp cho người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 


Như vậy có thể thấy chúng ta cần chú ý 2 điểm trong Phán quyết Trọng tài về nội dung được hội thảo đề cập và mổ xẻ.


Một là Việt Nam chẳng mất gì, chẳng thiệt gì với nội dung phán quyết này, vì bản thân các đảo như Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Ba Bình, Thị Tứ...vẫn là đảo.


Nhưng do các thực thể này không có đời sống kinh tế riêng hay không thích hợp cho con người sinh sống, nên chúng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, mà chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý.


Cái mà chúng ta lầm tưởng là "mất", là "thiệt" đó thực ra không có thực theo UNCLOS 1982. Nếu có thì chỉ là sự tự nhận mà không có căn cứ.


Quan trọng hơn, nếu chúng ta tư duy theo kiểu tự nhận hoặc giải thích tùy tiện UNCLOS 1982 thì chúng ta cũng chẳng khác gì Trung Quốc.


Còn các thực thể "không phải đảo", tức các bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay các thực thể nằm hoàn toàn dưới mặt nước biển như các rặng san hô, chúng không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý.


Trong một số trường hợp đặc biệt, một số bãi cạn lúc nổi lúc chìm có thể được tính làm mốc để vạch đường cơ sở đo chiều rộng lãnh hải cho một đảo hoặc đất liền mà nó nằm cách một khoảng dưới 12 hải lý, trên bãi cạn đó có xây dựng công trình nhân tạo.


Chương trình "Vấn đề hôm nay" của kênh truyền hình VTV1 ngày 17/8 khi đưa tin về hội thảo, cũng có nhắc đến lập luận tôi vừa trình bày. Đáng tiếc rằng Biên tập viên của đài chưa đọc kỹ nên vẫn cứ sai.


Biên tập viên VTV1 nói đúng vế đầu rằng:


Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thì chỉ có 2 loại thực thể địa lý là đảo, cấu thành một cách tự nhiên, thích hợp cho con người sinh sống hoặc có đời sống kinh tế riêng thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.


Nhưng Biên tập viên VTV1 đã sai khi nói tiếp vế sau:


Hai là các thực thể địa lý không phải là đảo. Nếu chúng lúc nổi lúc chìm hay chìm hoàn toàn dưới mực nước biển khi thủy triều lên hay xuống, nhiều nhất các cấu trúc này chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế. [1]


Đây là một sai lầm rất đáng tiếc về mặt pháp lý, đáng lẽ không nên có đối với một đài truyền hình quốc gia.


Hai là, qua phân tích về Phán quyết Trọng tài liên quan tới Điều 121 "Quy chế đảo" của UNCLOS 1982, có thể thấy chủ đề của hội thảo đặt ra cũng không chuẩn. 


Không phải là “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiến Biển Đông” mà nên là “Quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý trong UNCLOS 1982 và thực tiễn Biển Đông”.


Ngoài ra, có những diễn biến mới trong khu vực sau Phán quyết Trọng tài như việc Philippines và Trung Quốc tìm cách đàm phán trực tiếp với nhau đang nhận được sự quan tâm chú ý từ dư luận cũng rất cần mổ xẻ, phân tích để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.


Do đó cá nhân tôi cho rằng, rất đáng hoan nghênh và ca ngợi những nỗ lực kịp thời của các nhà tổ chức hội thảo quốc tế này sau Phán quyết Trọng tài, và chúng ta còn phải làm mạnh hơn nữa, làm nhiều hơn nữa.


Để cho các hoạt động hội thảo ấy tăng tính khoa học và giảm bớt tính chất ngoại giao, một chiều, thiết nghĩ các nhà tổ chức cần nghiên cứu kỹ hơn giữa chủ đề và nội dung, đối tượng tham dự để tăng tính trao đổi, phản biện và trả lời cho được những vấn đề nóng có liên quan đến chủ đề mà dư luận đang quan tâm.


Tài liệu tham khảo:


[1]http://vtv.vn/video/van-de-hom-nay-17-8-2016-167276.htm


Ts Trần Công Trục


++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Bài tham luận của Tiến sĩ Trần Công Trục:

Phán quyết của Tòa Trong tài theo Phụ lục VII, UNVCLOS: Quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý ở quần đảo Trường Sa


1.Quy chế pháp lý của các thực thể địa lý theo quy định của UNCLOS 1982:


1.1 Phân loại các loại thực thể địa lý theo pháp lý:


 Điều 121 UNCLOS1982 quy định :


“1. Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.


  2. Với điều kiện phải tuân thủ Khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.


  3. Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.”


        Như vậy, theo quy định của UNCLOS 1982 thì chỉ có 2 loại thực thể địa lý:


Một là “đảo”, cấu thành một cách tự nhiên bởi đất, đá, rạn san hô, cát, sỏi…phải luôn luôn nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất.


Hai là các thực thể địa lý không phải là đảo, bất kể là đất, đá, san hô, cát sỏi…, nếu chúng lúc nổi, lúc chìm, hay chìm hoàn toàn  dưới  mực nước khi thủy triều lên hay xuống .


                              1.2.Về quy chế pháp lý:


Khoản 3, Điều 121, UNCLOS 1982 đã quy định rất rõ hiệu lực khi xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng:


Đảo nào thích hợp cho đời sống của con người và có đời sống kinh tế riêng thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


Còn đảo nào không thích hợp cho người sinh sống và không có đời sông kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


Như vậy theo phán quyết trọng tài của Tòa thì đảoTrường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Ba Bình, Thị Tứ...vẫn là đảo đúng theo  quy định tại Khoản 1, Điều 121, UNCLOS 1982, cho dù chúng không đủ điều kiện để xác lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.


          1.3. Vai trò của các thực thể địa lý không phải là đảo trong việc thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải:


Các thực là đảo hay không phải là đảo, nếu tồn tại cách bờ biển đất liền hay một đảo dưới 12 hải lý, thì có thể sử dụng để làm điểm cơ sở để vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải cho bờ biển đất liền hay đảo đó.


Tuy nhiên điều kiện để các thực thể không phải là đảo được dùng làm điểm cơ sở để vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là phải xây dựng trên đó một công trình nhân tạo nổi. Còn nếu chúng ở cách bờ biển đất liền hay một đảo trên 12 hải lý thì không được sử dụng làm điểm cơ sở để vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Các công trình nhân tạo, kể cả là đảo nhân tạo được xây dựng trên đó chỉ được phép xác lập một vùng an toàn bán kính 500 m bao quanh các công trình nhân tạo đó.


Các thực thể là đảo, kể cả các đảo thuôc một quần đảo xa bờ, nếu  ở cách bờ  đất liền hay bờ của một đảo khác trên 12 hải lý thì từng đảo đều có đường cơ sở để tính phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng. Tất nhiên, đối với các đảo không thích hợp cho người ở và không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải rộng không quá 12 hải lý.


 1.4. Tòa Trong tài đã tuyên như thế nào về điều kiện “có thể duy trì sự sống của con người hay có đời sống kinh tế riêng”?


                           Phán quyết Tòa Trọng tài đã giải thích rõ như sau:


    -Các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý, trong khi các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy.


 -  Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc.Các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác. Sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc.


 - Quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản. Việc việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác.


 - Vì vây, không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.


  Tuy nhiên, có người đặt câu hỏi bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây… là những rặng san hô, bãi cát ngầm ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển được Tòa xác định là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo đề nghị của Philippines có ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa nói chung hay 2 thực thể này nói riêng hay không?


Về vấn đề này, Tòa đã nói rất rõ: Phán quyết của Tòa không giải quyết vấn đề chủ quyền / phân định biển.


Vậy có thể hiểu là, riêng vấn đề chủ quyền đối với Vành Khăn, Cỏ Mây thì Tòa không ra phán quyết, mà sẽ được các bên liên quan giải quyết về vấn đề chủ quyền lãnh thổ theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ.


Lúc đó sẽ phải chứng minh Vành Khăn , Cỏ Mây… về mặt địa chất, địa mạo là một phần của Trường Sa hay một phần thềm lục địa của một quốc gia nào đó theo quy định của UNCLOS1982. Tất nhiên, khi bàn thảo về nội dung này, người ta không thể không đề cập đến quần đảo Trường Sa bao gồm những thực thể nào, phạm vi của nó đến đâu? Về vấn đề này, hiên nay chưa có bên liên quan nào đã công bố chi tiết, chính thức. Chẳng hạn, khi xác lập chủ quyền hợp pháp đối với Trường Sa từ khi quần đảo này còn là đất vô chủ, nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã xác định chung chung rằng quần đảo này bao gồm "các đảo và các thực thể phụ thuộc". Vấn đề là các thực thể phụ thuộc đó nằm ở đâu và gồm có bao nhiêu? Các bên liên quan sẽ còn cùng nhau xem xét sau. Nếu nghiêm túc dựa vào các quy định của UNCLOS, đối chiếu với  trạng thái tự nhiên  của chúng trên thực tế và với một thái độ thật sự cầu thị, thiện chí, khách quan, chắc chắn sẽ tìm ra được những đáp số chuẩn xác nhất. Phán quyết của Tòa Trong tài lần này cũng sẽ là tiền đề  giúp cho các bên liên quan thực hiện được phép tính khó khăn này.


2. Ý nghĩa và giá trị của Phán quyết Tòa Trong tài 12/7/2016:


Phán quyết của Tòa Trọng tài đã cho cung cấp và giải thích cho chúng ta những khái niệm pháp lý rất chính xác và rõ ràng; giúp cho chúng ta có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ich hợp pháp của mình trong Biển Đông trước những tính toán giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước LB 1982 của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông, không chỉ những nội dung mà Phán quyết Trọng tài đã tuyên, mà còn các nội dung khác nữa; chẳng hạn: Trung Quốc từng giải thích và áp dụng sai Điều 47, UNCLOS 1982 để công bố hệ thống đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải của cả quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) năm 1996.


Đây cũng là ví dụ điển hình cho việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 của Trung Quốc. Họ cũng đang có phương án lặp lại điều tương tự ở Trường Sa. Tuy nhiên, với phán quyết này, Tòa đã cảnh báo và ngăn chặn tính toán này của Trung Quốc.


Còn Việt Nam chúng ta cũng như một số bên liên quan cho đến nay mới chỉ đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc về các vùng biển tạo ra bởi các thực thể ở Trường Sa, Hoàng Sa theo UNCLOS 1982 chứ chưa công bố phạm vi cụ thể của các vùng biển này theo UNCLOS 1982. Vì vậy,  có không ít người cho rằng Việt Nam cũng nên xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho một số thực thể ở Trường Sa với hy vọng sẽ "dễ quản lý", vì không muốn để Trung Quốc và các thế lực khác dễ dàng qua lai tự do trong vùng nước nằm ở khoảng giữa các thực thể này; vì sẽ gây bất lợi cho việc phòng thủ, bảo về đảo. Tuy nhiên, điều đó có thể gây nên hiệu ứng “lợi bất cập hại”, vô tình “vẽ đường cho hươu chạy”. Chính phán quyết cuối cùng của Tòa, một măt cho thấy chúng ta không thể áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 một cách tùy tiện để phục vụ những mục đích ngắn hạn, nhất thời. Mặt khác, chúng ta càng làm rõ yêu sách các vùng biển tạo ra bởi các thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa mà chúng ta có chủ quyền, cũng như những thực thể chúng ta đang quản lý, thực thi chủ quyền trong thực tế, sẽ càng góp phần vào việc thượng tôn pháp luật, bảo vệ UNCLOS 1982 và hạn chế bớt những mâu thuẫn, tranh chấp có thể nảy sinh do tình trạng nhập nhằng đang diễn ra trên thực tế. Để làm được điều này, một lần nữa chúng ta cần nghiên cứu kỹ UNCLOS 1982 và Phán quyết của Tòa để hiểu cặn kẽ, từ những khái niệm hết sức cơ bản, bởi hiện nay vẫn còn nhiều nhận thức hết sức mơ hồ. Những nhận thức này cũng có lúc đã tác động đến chủ trương, phương án xử lý trên thực tế một số tình huống xảy ra như: Xác nhận phạm vi đâu là nội thủy, đâu là lãnh hải, đâu là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đâu là vùng chồng lấn, vùng nhạy cảm… Bởi quy chế và phương thức đấu tranh, ứng xử trong từng tình huống ở mỗi vùng biển khác nhau là hoàn toàn khác nhau.   Điều này có ảnh hưởng đến hiệu quả của những phương án đấu tranh về pháp lý, an ninh, quốc phòng; có tác động tích cực hoặc tiêu cực về mặt đối nội, đối ngoại, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, trên mặt trận đấu tranh dư luận. Như vậy, nội dung phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982, tuyên về hiệu lực của các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa như phân tích ở trên, rõ ràng đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức pháp lý hết sức có giá trị để vận dụng trong thực tế có hiệu quả nhất.  Thiết thực nhất là Phán quyết sẽ có tác động tích cực để gỡ được nút thắt của tiến trình ASEAN và Trung Quốc gặp phải trong quá trình  tiến hành tham vấn, đàm phán để ký được một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ai ai cũng đang kỳ vọng.   Sở dĩ trước đây COC không đi đến đâu vì tranh cãi chủ yếu xung quanh phạm vi áp dụng nó. Vì muốn hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đòi hỏi phạm vi điều chỉnh của COC phải nằm trong toàn bộ phạm vi đường 9 đoạn.


Và tất nhiên không một quốc gia nào ven Biển Đông chấp nhận điều phi lý này. COC không thể ký kết được chính là do cái nút thắt này. Hy vọng phán quyết sẽ giúp cho các bên có được công cụ và phương pháp để tháo gỡ nó nhằm nhanh chóng ký kết được COC.


 Chúng ta hoan nghênh và đánh giá cao Phán quyết của Tòa Trọng tài không phải vì Phán quyết này có lợi cho riêng một quốc gia nào.Cũng không phải vì có thể lợi dụng nó phục vụ cho động cơ chính trị, nhằm thỏa mãn cảm xúc thắng thua, cắn xé lẫn nhau trong cuộc cạnh tranh quyền lực đang diễn ra khốc liệt trên phạm vi khu vực và thế giới.


Cái chính là chúng ta cần phải xem phán quyết này là thằng lợi chung của luật pháp, công lý và phải có trách nhiệm sử dụng nó như là một công cụ hữu ích để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển vì sự sống còn của nhân loại./.


+++++++++++++++++++++++++++++


Tham luận của Tiến sĩ Ngô Hữu Phước:


NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN  VỀ ĐẢO NHÂN TẠO THEO CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982 – LIÊN HỆ THỰC TRẠNG CẢI TẠO, BỒI ĐẮP CỦA TRUNG QUỐC TRÊN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA THUỘC CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM


image074

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước đọc tham luận. Ảnh VH


 Tóm tắt: Bài viết phân tích một cách toàn diện nhằm làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý liên quan đến khái niệm, điều kiện, vị trí, thủ tục xây dựng, quy chế pháp lý và quyền tài phán của quốc gia đối với đảo nhân tạo theo quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982. Đồng thời, phân tích cơ sở pháp lý và tác động tiêu cực từ thực trạng xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên các đá và bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Abstract: The paper thoroughly analyses to clarify the concept, conditions, position, construction procedures, legal status and jurisdiction of the country regarding the artificial islands under the provisions of UNCLOS. Also, the paper analyses the legal basis and the negative impact from the illegal construction artificial islands of China on the rocks and Low-tide elevations in the Spratley Islands (Truong Sa Islands) that belong to Vietnam.


1. Đặt vấn đề


Thế kỷ XXI, thế kỷ của nhân loại hướng ra biển, giàu mạnh và thịnh vượng lên nhờ biển. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi mà các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực chưa từng có như: Sự gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn tài nguyên để phát triển, yêu sách và tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia trên biển ngày càng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Do vậy, xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea- UNCLOS) để phát triển kinh tế-xã hội là một xu thế tất yếu.


Một trong những biểu hiện cơ bản để khẳng định và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên biển chính là sự hiện diện của đời sống kinh tế, xã hội của một cộng đồng dân cư, của hoạt động khai thác tài nguyên biển (khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, thủy hải sản, nước biển…), sử dụng biển trong các hoạt động hàng hải, hàng không, trao đổi kinh tế, thương mại, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, lắp đặt, sử dụng đảo nhân tạo và các công trình, thiết bị nhân tạo. Trong đó, sự hiện diện vững chắc nhất để thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia trên biển là sự tồn tại của cộng đồng dân cư, của chính quyền nhà nước trên các đảo, quần đảo tự nhiên và nhân tạo.


Chính vì vậy, vấn đề xây dựng các công trình, thiết bị nhân tạo đặc biệt là đảo nhân tạo đã và đang được các quốc gia biển quan tâm và thực hiện. Bởi lẽ, các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị nhân tạo được xây dựng hợp pháp trên biển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia ven biển trong việc bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên biển; gia tăng hiệu quả khai thác tài nguyên biển (như khai thác dầu, khí, thủy hải sản, các mỏ kim loại…), nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển; thuận lợi hơn trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia; bảo đảm an ninh hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế và các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đấu tranh phòng, chống tội phạm; điều chỉnh, cần bằng dòng chảy của thủy triều, chóng xói mòn[1]; thích nghi với tình trạng trái đất nóng lên[2]...


Từ những lợi ích to lớn nói trên của đảo nhân tạo, các quốc gia trên thế giới đã và đang tiến hành xây dựng mà điển hình là Hà Lan, các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Azerbaijan, Maldives, Qatar, Barain, Áo, Canada, Đan Mạch, HongKong , Singapo, Panama, Nam Phi, Ấn độ, quần đảo Slomon, Ba Lan, Anh, Mỹ[3]


Tuy nhiên, một thực trạng rất nguy hiểm hiện nay đó chính là việc bồi đắp, mở rộng các đảo, đá nhỏ đặc biệt là các bãi ngầm, rặng san hô, bãi cạn lúc chìm lúc nổi trên các quần đảo và vùng biển đang tranh chấp hoặc chồng lấn để biến chúng thành đảo nhân tạo đang được một số quốc gia thực hiện nhằm mục đích duy trì, củng cố yêu sách về chủ quyền đối với các thực thể này cũng như xác lập các vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo.


Việc xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo này đã làm cho tình hình tranh chấp trên biển giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng căng thẳng và phức tạp. Bởi lẽ, hoạt động bồi đắp và xây dựng này đã từng bước làm thay đổi hiện trạng của các vùng biển, đảo đang tranh chấp hoặc chồng lần giữa các quốc gia trong khu vực. Rất tiếc, thực tiễn đó đã và đang được Trung Quốc[4] tiến hành với quy mô rất lớn trên 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bắt đầu từ cuối năm 2013, đặc biệt là trong năm 2015, Trung Quốc đã tập trung tổng lực để xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam. Các hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các cam kết khu vực của nước này, cũng như vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên, gây mất ổn định và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông. Các hành động này đã gặp phải sự chỉ trích và phản đối gay gắt từ phía Việt Nam cũng như các nước có quyền và lợi ích ở Biển Đông.


Từ thực tiễn nói trên, bài tham luận này sẽ phân tích, làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý liên quan đến khái niệm, vị trí, điều kiện xây dựng, mục đích sử dụng, quy chế pháp pháp lý và vai trò của đảo nhân tạo theo quy định của UNLOS, đặc biệt là thực tiễn xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trong thời gian qua trên các đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


2. Các vấn đề pháp lý về đảo nhân tạo


2.1 Định nghĩa đảo nhân tạo


 Về phương diện lịch sử, từ thời La Mã cổ đại đã có những ghi chép sơ khai đầu tiên về đảo nhân tạo từ gần 2.000 năm trước. Năm 47, Plinius đề cập đến những “gò đất nhân tạo” do cư dân sống tại khu vực mà ngày nay thuộc đông bắc Hà Lan xây dựng để tránh triều cường và sóng bão[5]. Thời Trung cổ, dân cư ScotlandIreland đã xây dựng các crannóg tại nhiều vùng hồ để làm nơi trú ngụ an toàn để tránh kẻ thù. Năm 1634, trong quá trình thi hành chính sách Tỏa Quốc nhằm ngăn người nước ngoài vào Nhật Bản, người Nhật Bản đã xây dựng đảo nhân tạo Dejima ngoài khơi Nagasaki để làm nơi giao thương với người Bồ Đào Nha và sau này là người Hà Lan[6].


Về phương diện pháp luật quốc tế, trong quá trình đàm phán để ký kết UNCLOS đã có đệ trình của một số quốc gia liên quan tới đảo nhân tạo nhưng văn bản cuối cùng của UNCLOS chỉ định nghĩa đảo tự nhiên tại Điều 121. Theo quy định tại khoản 1 của Điều 121, đảo“là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước” mà không định nghĩa đảo nhân tạo. Việc thiếu vắng một định nghĩa chính thức về đảo nhân tạo trong UNCLOS là một điều rất đáng tiếc.


Theo Bách khoa toàn thư Công pháp quốc tế, “đảo nhân tạo là một nền tảng cố định vĩnh viễn hoặc tạm thời do con người tạo nên, bao quanh là nước và nổi trên mặt nước trên khi thủy triều lên[7]”.


Theo Soons, “đảo nhân tạo là những cấu trúc được tạo ra bằng cách đặt/đổ lên các vật chất tự nhiên như sỏi, cát và đá; trong khi đó các công trình lắp đặt nhân tạo lại là những cấu trúc bê tông cố định gắn với đáy biển bằng ống dẫn và các cọc”[8].


Theo Robert Beckman, “đảo nhân tạo là các thực thể nổi trên biển khi thủy triều lên cao do các hoạt động cải tạo đất hoặc các hoạt động nhân tạo khác..[9]”.


Theo Heijmans “đảo nhân tạo là các thực thể nhân tạo được hình thành từ nguồn tự nhiên trên nền đất của đáy biển, bao quanh bởi nước và nổi trên biển khi thủy triều lên cao[10]”.


Trong khi đó, Nghị định thư về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại sự an toàn của những công trình cố định trên thềm lục địa năm 1988[11] đã đồng nhất khái niệm “đảo nhân tạo” với khái niệm “công trình cố định”. Theo đó, “công trình cố định” được hiểu là “một đảo nhân tạo, thiết bị hoặc cấu trúc được lắp đặt vĩnh cửu gắn với đáy biển nhằm mục đích thăm dò hoặc khai thác tài nguyên hoặc nhằm các mục đích kinh tế khác”[12]


 Về nội dung, các định nghĩa nói trên chưa phản ảnh toàn diện các vấn đề kỹ thuật và tính pháp lý của đảo nhân tạo. Chúng tôi cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu định nghĩa đảo nhân tạo dựa trên tiêu chí về kỹ thuật, pháp lý và mục đích xây dựng. Tiêu chí kỹ thuật để trả lời cho câu hỏi đảo nhân tạo được xây dựng như thế nào, bằng vật liệu gì?; Tiêu chí pháp lý để trả lời cho câu hỏi, điều kiện để xây dựng đảo nhân tạo là gì; đảo nhân tạo có quy chế pháp lý như thế nào?; tiêu chí mục đích xây dựng để trả lời cho câu hỏi, đảo nhân tạo được xây dựng nhằm mục đích gì? Từ đó, chúng tôi cho rằng, đảo nhân tạo là công trình vĩnh cửu gắn với đáy biển bằng các vật liệu tự nhiên, được bao quanh bởi nước biển và nổi trên biển khi thủy triều lên cao[13]do các quốc gia xây dựng nhằm mục đích thực thi hoặc yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển”.  Như vậy, khác với các công trình nhân tạo khác như nhà giàn; giàn khoan dầu, khí; hệ thống cáp ngầm, ống dẫn ngầm trên biển, đảo nhân tạo là công trình xây dựng cố định, vĩnh cửu, thường xuyên nhô trên mặt nước biển và không thể di dời dịch chuyển được.


Căn cứ vào mục đích sử dụng, đảo nhân tạo có thể được phân thành 2 loại cơ bản sau đây:


(i) Nơi sinh sống ổn định, lâu dài của cộng đồng dân cư trên biển (các thành phố, làng mạc trên biển cố định hoặc nổi như các đảo nhân tạo mà UAE, Maldives, Canada, Singapo, Mĩ, Nhật Bản…đã xây dựng);


(ii) Các công trình nhằm mục đích dân sự như: thăm dò và khai thác tài nguyên biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khảo cổ học, dự báo thời tiết, điều hòa thủy triều, chống xói mòn (như các đảo của Irael xây dựng để nuôi trồng thủy sản hoặc là các đảo nhân tạo của Hà Lan được xây dựng chủ yếu là nhằm mục đích điều hòa thủy triều, chống xói mòn), các công trình phục vụ giao thông vận tải như bến tàu, nhà kho, sân bay (như sân bay quốc tế Hong Kong, Macao Trung Quốc, các sân bay Kansai, Kobe và Nagasaki của Nhật Bản hoặc sân bay Emirate của UAE) hoặc nhằm mục đích quân sự như Trung Quốc đang thực hiện phi pháp trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam[14].


2.2 Vị trí và điều kiện để xây dựng đảo nhân tạo trên biển


Về nguyên tắc, các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo có quyền xây dựng đảo nhân tạo trên các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia (nội thủy và lãnh hải), trên các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tề và thềm lục địa) và trên vùng biển quốc tế[15].


             (i) Xây dựng đảo nhân tạo trong nội thủy và lãnh hải


Xuất phát từ chế độ pháp lý của nội thủy và lãnh hải, là hai vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, là lãnh thổ trên biển của quốc gia. Quốc gia ven biển hoàn toàn có quyền xây dựng các đảo và công trình thiết bị nhân tạo nhằm để khẳng định, bảo vệ và thực thi chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, xuất từ chế độ pháp lý của lãnh hải là, tàu thuyền của mọi quốc gia được quyền “đi qua không gây hại” nên việc xây dựng đảo nhân tạo trong vùng biển này phải tuân thủ các quy định của UNCLOS nhằm bảo đảm “quyền đi qua không gây hại” của tàu thuyền nước ngoài. Đồng thời, việc xây dựng đảo nhân tạo phải bảo đảm cho an toàn cho hoạt động hàng hải, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Trong phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế về vụ Eo biển Corfu ( giữa UK v. Albania)[16], liên quan đến việc các tàu chiến của Anh đi qua eo biển Corfu[17] bị vướng mìn trong lãnh hải của Albania khiến 44 thủy thủ thiệt mạng, Tòa đã tuyên rằng, mọi quốc gia có nghĩa vụ không được sử dụng lãnh thổ của mình vào các hoạt động nếu biết rõ rằng các hoạt động đó xâm phạm đến quyền của các quốc gia; không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ, bao gồm cả lãnh hải của mình theo cách thức có thể gây phương hại tới lãnh thổ quốc gia khác. Theo đó, Tòa đã tuyên, Albania phải chịu trách nhiệm những vụ nổ xảy ra vào ngày 22 tháng 10 năm 1946 và phải bồi thường cho Anh.


Đặc biệt, trong trường hợp các quốc gia đối diện hoặc tiếp giáp nhau thì hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phải tính đến các tác động của việc xây dựng đó có thể gây ra đối với lãnh thổ của quốc gia khác. Do vậy, trước khi xây dựng đảo nhân tạo, các quốc gia cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng những ảnh hưởng và tác động của việc xây dựng đối với quốc gia láng giềng. Đồng thời, quốc gia xây dựng phải có nghĩa vụ đàm phán với các quốc gia hữu quan nhằm bảo đảm việc xây dựng sẽ không ảnh hưởng hoặc giảm thiểu sự ảnh hưởng, tác động tiêu cực đối với quốc gia khác[18]. Một ví dụ điển hình về việc này là vụ cãi tạo đất giữa Singapo những năm đầu thế kỷ XX. Theo đó, Singapo đã thể hiện thiện chí trong việc đảm bảo rằng nước này sẽ thông báo và tham vấn với Malaysia trước khi tiến hành xây dựng liên kết giao thông giữa Pulau Tekong, Pulau Ubin và đảo chính nếu công trình này ảnh hưởng đến quyền đi qua khu vực này của Malaysia[19].


(ii) Xây dựng đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa


Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, quốc gia ven biển có đặc quyền đối với việc “xây dựng, cho phép xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng, vận hành và sử dụng” các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển[20]. Với quy định này, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, quốc gia ven biển có đặc quyền xây dựng đảo nhân tạo. Các quốc gia khác chỉ có thể xây dựng đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển khi được quốc gia ven biển “cho phép”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bên cạnh các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển thì ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không[21]. Do vậy, việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các vùng biển này phải tôn trọng các quyền tự do này.  


Cần lưu ý rằng, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia chưa được phân định thì việc xây dựng đảo nhân tạo phải bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường biển; không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia liên quan; không làm ảnh hưởng đến các quyền tự do hàng hải, hàng không, nghiên cứu khoa học, lắp đặt và sử dụng các công trình, thiết bị nhân tạo của các quốc gia khác theo quy định của UNCLOS. Dĩ nhiên, khi các vùng biển chồng chưa được phân định thì việc đơn phương xây dựng các đảo nhân tạo nhằm mục đích thay đổi hiện trạng của các vùng biển này là hành vi vi phạm UNCLOS. Điều này đã được UNCLOS quy định rất rõ tại Điều 74 và 83, “việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng luật pháp quốc tế như đã được nêu ở Điều 38 của Quy chế tòa án quốc tế, để đi tới một giải pháp công bằng. Trong khi chờ đợi ký kết thỏa thuận, các quốc gia hữu quan trên tinh thần hiểu biết, và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các giải pháp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng”.


(iii) Xây dựng đảo nhân tạo trên biển quốc tế và đáy đại dương (la zone)


Trên vùng biển quốc tế và đáy đại dương (la zone-vùng), mọi quốc gia đều có quyền tự do xây dựng đảo nhân tạo phù hợp với quy định của luật quốc tế[22]. Tuy nhiên, việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển quốc tế và vùng không được làm ảnh hưởng đến các quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm, tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, tự do đánh bắt hải sản, tự do nghiên cứu khoa học của các quốc gia khác đã được UNCLOS quy định tại Điều 87.


Mặt khác, nhằm bảo đảm an cho toàn cho hoạt động hàng hải, đánh bắt hải sản, nghiên cứu khoa học và bảo vệ, giữ gìn môi trường biển, UNCLOS quy định,“việc xây dựng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình phải được thông báo theo đúng thủ tục; phải “duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu sự có mặt của các đảo, thiết bị và công trình nói trên cần được bảo đảm”. Khi “các thiết bị hay công trình đã bỏ hoặc không dùng đến nữa cần được tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải, có tính đến những quy phạm quốc tế đã được chấp nhận chung do tổ chức quốc tế có thẩm quyền đặt ra về mặt đó. Khi tháo dỡ phải tính đến việc đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường biển, các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia khác. Cần thông báo thích đáng về vị trí, kích thước và độ sâu của những phần còn lại của một thiết bị hoặc công trình chưa được tháo dỡ hoàn toàn[23]”.


2.3 Mục đích xây dựng đảo nhân tạo


Về nguyên tắc, trong nội thủy và lãnh hải, những vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, là lãnh thổ quốc gia trên biển nên các quốc gia ven biển có quyền xây dựng đảo nhân tạo nhằm bất cứ mục đích gì mà luật pháp quốc tế không cấm. Cụ thể, quốc gia ven biển có thể xây dựng đảo nhân tạo để làm nơi sinh sống cho dân cư hoặc, phục vụ hoạt động khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển hoặc, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói mòn, thủy triều dâng hoặc xây dựng các căn cứ quân sự trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia với điều kiện tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực của luật quốc tế.


Khác với nội thủy và lãnh hải, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, những vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, theo quy định tại Điều 56 khoản 1 của UNCLOS, các quốc gia chỉ được xây dựng đảo nhân tạo nhằm mục đích thực thi các quyền mang tính dân sự, kinh tế mà cụ thể là để thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió[24] hoặc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo nhằm mục đích ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói mòn, thủy triều dâng…


Ở biển quốc tế và đáy đại dương, những vùng biển chung của cộng đồng quốc tế, di sản chung của nhân loại nên chế độ pháp lý của chúng bị chi phối bởi các nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt của UNCLOS là nguyên tắc “tự do biển cả”; nguyên tắc “vùng và tài nguyên của nó là di sản chung của nhân loại” và nguyên tắc “sử dụng biển nhằm mục đích hòa bình”.


Tinh thần và nội dung của nguyên tắc tự do biển cả được quy định cụ thể tại Điều 87 của UNCLOS theo đó, “Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước hay và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm: a) Tự do hàng hải; b) Tự do hàng không; c) Tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ Phần VI; d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI; e) Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2; f) Tự do nghiên cứu khoa học với các điều kiện tuân thủ các Phần VI và VIII…”.


            Tinh thần và nội dung của nguyên tắc “vùng và tài nguyên của nó là di sản chung của nhân loại dược quy định tại Điều 136 của UNCLOS. Theo đó, “Không một quốc gia nào có thể đòi hỏi thực hiện chủ quyền hay các quyền thuộc chủ quyền ở một phần nào đó của Vùng hoặc đối với tài nguyên của Vùng; không một quốc gia nào và không một tự nhiên nhân hay pháp nhân nào có thể chiếm đoạt bất cứ một phần nào đó của Vùng hoặc tài nguyên của Vùng. Không một yêu sách, một việc thực hiện chủ quyền hay các quyền thuộc quyền chủ quyền này cũng như một hành động chiếm đoạt nào được thừa nhận.


2. Toàn thể loài người, mà Cơ quan quyền lực là người thay mặt có tất cả các quyền đối với các tài nguyên của Vùng. Những tài nguyên này không thể chuyển nhượng được. Còn các khoáng sản đã được khai thác từ Vùng thì chỉ có thể chuyển nhượng theo đúng phần này và phù hợp với các nguyên tắc, quy định và các thủ tục của Cơ quan quyền lực.


3. Một quốc gia hay một tự nhiên nhân hay pháp nhân chỉ được đòi hỏi, giành lấy hoặc thực hiện các quyền đối với các khoáng sản đã được khai thác ở Vùng theo đúng phần này. Các quyền đã đòi hỏi, giành được hay được thực hiện bằng cách khác đều không được thừa nhận”[25].  Do vậy, “Trong cách xử sự chung liên quan đến Vùng, các quốc gia tuân theo phần này, các nguyên tắc được nêu trong Hiến chương Liên Hợp quốc và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế, với sự quan tâm giữ gìn hòa bình và an ninh, đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế và hiểu biết lẫn nhau”[26]


  Tinh thần, nội dung của nguyên tắc sử dụng biển và đại dương vào mục đích hòa bình đã được quy định cụ thể tại Điều 88 (sử dụng biển cả vào mục đích hòa bình)[27]; Điều 141(sử dụng vùng hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình)[28]; Điều 143 (nghiên cứu khoa học ở vùng nhằm mục đích hòa bình)[29], Điều 147 (các thiết bị được sử dụng trong vùng hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình)[30], Điều 240 (nguyên tắc chung chi phối việc chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học biển là nhằm mục đích hòa bình )[31]; Điều 242 (hợp tác nghiên khoa học biển nhằm mục đích hoa bình )[32] và Điều 301 (việc sử dụng biển nhằm mục đích hòa bình)[33]. Từ đó có thể kết luận rằng, UNCLOS không cho phép các quốc gia xây dựng đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển quốc tế và đáy đại dương nhằm mục đích quân sự, phi hòa bình.


           2.4 Quyền tài phán của quốc gia đối với đảo nhân tạo


Theo quy định của UNCLOS, “Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư[34]”. Về cơ bản, quyền tài phán của quốc gia đối với đảo nhân tạo tương tự như quyền tài phán trong vùng tiếp giáp lãnh hải được quy định tại Điều 33[35] của UNCLOS. Điểm khác biệt duy nhất là, đối với các đảo nhân tạo thì quốc gia ven biển có thêm quyền tài phán về an ninh. Nhằm để thực thi quyền tài phán của quốc gia đối với các đảo nhân tạo, UNCLOS cho phép “Quốc gia ven biển, nếu cần, có thể lập ra xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị hoặc công trình đó những khu vực an toàn với kích thước hợp lý; trong các khu vực đó, quốc gia ven biển có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như an toàn của các đảo nhân tạo, các hiết bị và công trình đó[36]”. Theo quy định của UNCLOS, “Các khu vực an toàn này được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý với tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, và không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình đó, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị[37]. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục[38]”. Nhằm bảo đảm cho quyền tự do hàng hải không bị cản trở, UNCLOS quy định, “…không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế[39]”.


Và để bảo đảm an toàn cho các đảo nhân tạo và cho chính các tàu thuyền hoạt động trong khu vực đảo nhân tạo, UNCLOS quy định,“Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung liên quan đến hàng hải trong khu vực của các đảo nhân tạo, các thiết bị, các công trình và các khu vực an toàn[40]”.


2.5. Quy chế pháp lý và vai trò của đảo nhân tạo trong hoạch định và phân định biển


Về quy chế pháp lý của đảo nhân tạo


Theo quy định tại khoản 8 Điều 60 của UNCLOS,“Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tinh thần này tiếp tục được quy định tại Điều 147 khoản 2 của UNCLOS, theo đó nếu các đảo nhân tạo và công trình, thiết bị nhân tạo khác được xây dựng trong vùng thì “Các thiết bị này không có quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng; sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hay thềm lục địa”.


Bên cạnh đó, việc bồi đắp, xây dựng và biến các đá (rocks) theo quy định tại khoản 3 Điều 121 của UNCLOS[41] thành nơi có thể “thích hợp cho con người đến ở” hoặc “cho một đời sống kinh tế riêng” thì các đảo nhân tạo này cũng không có các vùng biển tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác theo quy định tại khoản 2 Điều 121. Bởi lẽ, theo UNCLOS, các vùng biển chỉ được tạo ra từ danh các danh nghĩa lãnh thổ tự nhiên chứ không được tạo ra từ hoạt động xây dựng, bồi đắp nhân tạo. Mặt khác, nếu công nhận đảo nhân tạo sau khi được bồi đắp, xây dựng có các vùng biển như đảo tự nhiên thì sẽ tạo ra các vùng biển chồng lấn, làm phát sinh tranh chấp cũng như cổ xúy cho các quốc gia tăng cường xây dựng đảo nhân tạo để mở rộng các vùng biển. Điều này sẽ làm đảo lộn trật tự pháp lý của luật biển hiện nay. Do vậy, việc xây dựng nhân tạo trên các đá, bãi ngầm, bãi cạn lúc nổi lúc chìm sẽ không dẫn tới bất kỳ sự thay đổi nào về quy chế pháp lý của thực thể này[42].


Về vai trò của đảo nhân tạo trong hoạch định và phân định biển [43]


(i) Theo quy định tại Điều 11 về cảng của UNCLOS, “Để ấn định ranh giới lãnh hải, các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của một hệ thống cảng, nhô ra ngoài khơi xa nhất, được coi là thành phần của bờ biển. Các công trình thiết bị ở ngoài khơi xa bờ biển và các đảo nhân tạo không được coi là những công trình thiết bị cảng thường xuyên”. Với quy định này, nếu các đảo nhân tạo được xây dựng gắn với bờ biển, tạo thành một bộ phận hữu cơ của cảng thì được coi là thành phần của bờ biển và chúng có thể được coi là điểm vật chất cụ thể để xác định đường cơ sở. Ngược lại, nếu các đảo nhân tạo ở ngoài khơi xa bờ biển sẽ không có ý nghĩa vai trò gì trong việc xác định đường cơ sở. Đây là quy định nhằm giới hạn tác động của đảo nhân tạo đối với việc hoạch định lãnh hải.


            (ii) Liên quan đến việc áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, Điều 7 của UNCLOS quy định, “Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế”. Với quy định này, nếu quốc gia ven biển xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn lúc chìm lúc nổi và trên đảo nhân tạo này có các công trình xây dựng thì chúng sẽ có vai trò trong việc xác định đường cơ sở. Có nghĩa là, các đảo nhân tạo này có thể được xác định là điểm xuất phát hoặc điểm kéo đến để quốc gia ven biển xác định đường cơ sở thẳng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 của UNCLOS,“Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải”. Do vậy, nếu các đảo nhân tạo được xây dựng trên các bãi cạn lúc chìm lúc nổi nhưng cách lục địa hoặc một đảo tự nhiên một khoảng cách vượt quá 12 hải lý thì đảo nhân tạo đó không có vai trò gì trong hoạch định lãnh hải.


            Tóm lại, các đảo nhân tạo được xây dựng gắn với bờ biển hoặc trên các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà khoảng cách của chúng với lục địa hoặc một đảo tự nhiên không quá 12 hải lý thì chúng có vai trò trong việc xác định đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng của lãnh hải của quốc gia ven biển. Ngược lại, nếu đảo nhân tạo được xây dựng ở lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì quốc gia ven biển chỉ được thiết lập vùng an toàn không quá 500 m. Và dĩ nhiên các đảo nhân tạo, sẽ không có bất kỳ vai trò gì trong quá trình phân định biển vì chúng không có lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa  theo quy định tại Điều 60 khoản 8 của UNCLOS.


3. Liên hệ với hoạt động bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên quần đảo trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam


Về tốc độ xây dựng, từ cuối năm 2013 đến nay qua các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã tăng diện tích cải tạo đất từ 20 đến 810 ha[44]. Tại Subi, tốc độ lấn biển trong tháng 5-6/2015 là 8 ha/ngày đã biến bãi ngầm này thành một căn cứ nổi có diện tích khoảng 3,87 km² đủ để thiết lập một đường băng hơn 3 km. Trong khi đó, tổng diện tích của các đảo nổi ở quần đảo Trường Sa khoảng 10 km² trên diện tích biển 160-180.000 km². Trung bình cứ mỗi ngày Trung Quốc xây dựng thêm 96,5m2. Theo Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8/5/2015 thì Trung Quốc “đã mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong Biển Đông lên khoảng 400 lần” tương đương với 800 ha kể từ tháng 01/2014, trong đó có đến ¾ diện tích này được thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay[45]. Theo ảnh chụp vệ tinh mới nhất, Trung Quốc đã xây dựng các cấu trúc địa lý rộng hơn gấp 20 lần diện tích ban đầu chỉ trong vòng ba năm.


Về quy mô, tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tiến hành xây mới đường băng dài 2.920 m thay thế cho đường băng cũ dài 2.400m tại đảo Phú Lâm[46], mở rộng khu vực hậu cần cho máy bay tại đảo Phú Lâm, xây dựng một doanh trại quân đội, đê chắn biển và một số các công trình trên đảo Quang Hòa, mở rộng diện tích đảo này lên 50% so với diện tích vào tháng 01/2014[47] và xây dựng các tòa nhà trên đảo Duy Mộng[48]...


Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc tiến hành cải tạo trên toàn bộ bảy cấu trúc địa lý mà nước này hiện đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn nạo vét, tôn tạo, kè bao, hải đăng, sân bay và nước này vẫn đang tập trung xây dựng công trình tại Gạc Ma, Huy Gơ, Châu Viên và Ga Ven, đồng thời tiếp tục triển khai tôn tạo với quy mô, tiến độ ngày càng lớn tại Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Nguy hiểm hơn, trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines thì Trung Quốc đang rất manh động và quyết liệt nhằm thực hiện mưu đồ “quân sự hóa Biển Đông” bằng các hoạt động xây dựng các nhà giữ máy bay chiến đấu, đưa vũ khí, khí tài quân sự hùng hậu đến các đảo nhân tạo ở Trường Sa và các đảo ở quần đảo Hoàng Sa.


Hành động xây dựng đả nhân tạo của Trung Quốc trên bảy đá ở quần đảo trương Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Việt Nam, Philippines, các nước trong khu vực và thế giới lên án mạnh mẽ. Về phương diện pháp lý quốc tế hành vi này của Trung đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm DOC, vi phạm luật môi trường quốc tế, đe dọa hoạt động hàng hải, hàng không, hoạt động thương mại của khu vực và quốc tế; ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình giải quyết tranh chấp, bất đồng trong khu vực Biển Đông, cụ thể:


(1) Xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.


 Bởi lẽ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo ít nhất từ thế kỷ thứ 17. Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên, với tư cách Nhà nước, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình, thực sự và liên tục qua tất cả các thời kỳ kể từ khi hai quần đảo này chưa thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo có thể được chia thành một số các giai đoạn như sau: (i) giai đoạn thế kỷ XVII đến năm 1884: thời kỳ phong kiến trước khi Pháp đô hộ Việt Nam. Hiện có đầy đủ các tài liệu trong và ngoài nước chứng minh các chúa Nguyễn đã nhân danh Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã chiếm hữu, xác lập và củng cố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn này.


Các chúa Nguyễn đã lập ra đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải để tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên, đo đạc, khảo sát, cắm mốc chủ quyền, cai quản thường niên, thiết lập đơn vị hành chính, giao tiếp đối ngoại...đối với việc quản lý hai quần đảo này; (ii) giai đoạn 1884-1945: Nước Pháp nhân danh Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi ký Hiệp ước Patenôtre ngày 6/6/1884, nước Pháp đã đại diện cho quyền lợi của Việt Nam tiếp tục duy trì thực thi một cách đầy đủ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo thông qua một loạt các hoạt động mang danh nghĩa nhà nước như: xây dựng hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa, dựng bia chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, thường xuyên sử dụng các tàu Hải quân tuần tra hai khu vực quần đảo, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ...; (iii) giai đoạn 1945-1976.


Chính phủ Quốc gia Việt Nam, tiếp đó là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã tiếp quản và kế thừa các quyền và danh nghĩa đối với hai quần đảo từ Pháp, tiếp tục thực thi và củng cố chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo một cách hòa bình, liên tục; và (iv) giai đoạn 1976 đến nay.


Nhà nước CHXHCN Việt Nam liên tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo, phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo. Trong các tuyên bố của mình, Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền của họ đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam dựa trên các tài liệu lịch sử chứng minh Trung Quốc là nước “phát hiện sớm nhất, khai phá kinh doanh sớm nhất, cai quản sớm nhất” hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Tuy nhiên, các tài liệu mà Trung Quốc viện dẫn đều là tư liệu tư nhân, không chứng tỏ được ý chí, hành vi của Nhà nước Trung Quốc trong việc thụ đắc chủ quyền đối với hai quần đảo theo quy định của luật pháp quốc tế. Hơn thế nữa, hàng loạt các hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc để chứng minh chủ quyền của nước này hoặc kiểm soát trên thực địa đối với hai quần đảo đều không thể tạo thành danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo: Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa các năm 1956 và 1974 và các đá Su bi, Gaven, Chữ thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa năm 1988 và Vành Khăn năm 1995. Đây là hành vi vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng nhất. Luật pháp quốc tế không bao giờ thừa nhận chủ quyền của một quốc gia đối với lãnh thổ có được bằng hành động sử dụng vũ lực để xâm lược[49].


Do vậy, hành vi xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982. Mặt khác, luật pháp quốc tế mà đặc biệt là UNCLOS không công nhận hành vi sử dụng bê tông, đất cát, sắt thép để bồi đắp, tôn tạo, xây dựng bất hợp pháp… để làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ.


Do vậy, việc Trung Quốc đã và đang xây dựng trên 7 bãi đá nói trên không có ý nghĩa pháp lý nào trong việc củng cố chủ quyền và cũng không tạo ra danh nghĩa pháp lý nào về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa.


(2) Vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC[50]), cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang được Trung Quốc và ASEAN bàn thảo.


Ngày 4/11/2002, sau một thời gian dài thảo luận nhưng không đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết được một văn bản có tính cam kết chính trị - Tuyên bố ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Pênh, Campuchia. Tuyên bố này bao gồm 10 điều khoản, trong đó đáng chú ý nhất và có liên quan nhất đến hành vi cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đó là Điều 5 của DOC, theo đó “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng...”. Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn cam kết trên, cố tình làm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghĩa vụ kiềm chế, không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp cuối cùng. Hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, cũng như các cam kết của nước này tại DOC.


(3) Vi phạm các quy định của luật quốc tế về môi trường


 Với việc sử dụng công nghệ nạo vét hiện đại để lấy hàng triệu tấn đá, cát từ đáy đại dương và bơm lên các thực thể tạo thành đảo mới[51], Trung Quốc đã phá hủy các rặng san hô để lấy nguyên vật liệu bồi đắp các đá. Hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, làm tổn hại hơn 300 ha rặng san hô biển, gây tổn thất ban đầu hơn 100 triệu USD mỗi năm[52] cho các nước xung quanh Biển Đông và những tổn thất không thể bù đắp cho môi trường. Đồng thời, việc bồi đắp các cấu trúc địa lý đã làm ô nhiễm môi trường sinh thái, phá hủy môi trường sống của các loài sinh vật biển, trong đó có cả các sinh vật quý hiếm, ở khu vực này. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng Philippins, hoạt động của Trung Quốc đã phá hủy hơn 1,21 km2 san hô tự nhiên và gây thiệt hại khoảng 108,9 triệu USD/năm cho ngư dân các nước trong khu vực do suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản tại quần đảo Trường Sa[53]. Hoạt động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hợp tác bảo vệ môi trường biển của UNCLOS 1982 quy định tại các điều 123, 192, 196, 207-298. Trung Quốc cũng vi phạm quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về bảo vệ đa dạng sinh học năm 1992 liên quan tới nghĩa vụ không để các hành động do mình kiểm soát gây hại đến môi trường của các quốc gia khác và nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường. Điều 3 của Công ước yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động do mình kiểm soát không được gây hại đến môi trường của các quốc gia khác. Điều 14 của Công ước quy định một quốc gia phải tiến hành đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện những dự án có thể gây ra hậu quả có hại tới đa dạng sinh học. Thế nhưng, Trung Quốc đã không tuân thủ các nghĩa vụ quy định trong luật môi trường quốc tế, nạo vét hàng trăm triệu tấn cát từ đáy biển lấp hơn 8 triệu mét vuông rạn san hô mà không cần bất cứ đánh giá nào của các chuyên gia và không có bất kỳ sự phối hợp hay tham vấn với các quốc gia ven biển khác[54]. Mặt khác, các hoạt động này còn vi phạm  Nghị quyết của các Hội nghị môi trường thế giới, đi ngược lại chủ trương bảo vệ các rạn san hô ở Biển Đông của các tổ chức môi trường quốc tế mà Trung Quốc là thành viên như Cơ quan điều phối các vùng biển Đông Á (COBSEA) hay Tổ chức đối tác quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA) và các tổ chức khác; vi phạm nguyên tắc phải tham vấn các nước liên quan trước khi thực hiện các hoạt động có khả năng gây tổn hại môi trường biển[55].


      Ngoài ra, việc phá hoại môi trường biển của Trung Quốc dẫn đến tài nguyên hải sản cạn kiệt làm cho hàng trăm triệu ngư dân sống bằng nghề đánh cá, khai thác thủy hải sản của các quốc gia ven Biển Đông bị ảnh hưởng năng nề. Về khía cạnh này, phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS ngày 12/7/2016 về vụ kiện của Philippines kiện Trung Quốc đã nhận định tại phần (13) rằng, “Xét thấy đối với việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển ở Biển Đông: a. Các hoạt động cãi tạo và xây dựng đảo nhân tạo, công trình tại đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Gaven Bắc, đá Gạc Ma, đá Huy Gơ, bãi Xubi, và bãi Vành Khăn đã gây nên những tổn hại nghiêm trọng , không thể hồi phục cho hệ sinh thái san hô; b. Trung Quốc đã không hợp tác và phối hợp với các quốc gia trong khu vực Biển Đông để bảo vệ và bảo tồn môi trường biển khi tiến hành cãi tạo và xây dựng đảo và; c. Trung Quốc đã không thực hiện đánh giá tác động tiềm tàng của các hoạt động kể trên đối với môi trường biển theo quy định tại Điều 206 của Công ước và tuyên Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ quy định tại Điều 123, 192, 194 (1), 194 (5), 197 và 206 của Công ước ”. và tại phần (16) rằng, “Xét thấy, trong thời gian diễn ra vụ kiện, Trung Quốc đã: a. Xây dựng một đảo nhân tạo lớn ở đá Vành Khăn, một bãi cạn lúc nổi lúc chìm; b. Đã gây ra, bằng các hoạt động cãi tạo và xây dựng công trình và các cấu trúc, những tổn thất nghiệm trọng không thể phục đối với hệ sinh thái sa hô ở đá Vành Khăn, đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Gaven (phía Bắc), đá Gạc Ma, đá Huy Gơ và đá Subi và; c. Phá hủy vĩnh viên, thông qua việc cãi tạo và xây dựng nhân tạo, công trình, cấu trúc, các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của đá Vành Khăn, đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Gaven Bắc, đá Gạc Ma, đá Huy Gơ và đá Subi; ”


(4) De dọa hoạt động hàng hải, hàng không và thương mai quốc tế


Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa đã, đang và sẽ cản trở, đe dọa tự do hàng hải, hàng không, thương mại khu vực và thế giới. Đồng thời, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, làm gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực và thế giới. Bởi vì, nhằm mục đích bảo vệ các đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố thiết lập một vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo và cấm tàu thuyền, máy bay của các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển và vùng trời trên các đảo nhân tạo đó. Và thực tế, Trung Quốc luôn lớn tiếng đe dọa sẽ sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền và máy bay “xâm phạm” vùng biển xung quanh đảo nhân tạo và vùng trời trên chúng. Hình ảnh chụp từ vệ tinh mới nhất đã khẳng định, Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự trên một số bãi đá, bao gồm đường băng, đơn vị đồn trú của quân đội, hỏa lực phòng không, hỏa lực mặt đất, radar cũng như các thiết bị thông tin liên lạc quân sự khác. Điều đó sẽ làm tăng khả năng Trung Quốc tiến hành tuần tra (bất hợp pháp) các vùng biển xung quanh, do thám hoạt động của các bên yêu sách khác và khiến Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc bành trướng yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp) của họ, trong khi đẩy lùi những nỗ lực, thiện chí hòa bình của các bên khác.


Trung Quốc đã chứng minh rằng họ luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ, thủ đoạn gây mất ổn định Biển Đông. Điển hình là cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012 hay khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thểm lục địa của Việt Nam năm 2014, rồi đưa cả tàu quân sự đến vùng biển của Malaysia, Indonesia và vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Trước thực tế đó, bắt buộc các quốc gia trong khu vực phải chạy đua vũ trang, tăng cường củng cố, mua sắm trang thiết vũ khí, khí tài quân sự, hiện đại hóa quân đội, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư; liên minh, liên kết với ngoài khu vực như Mĩ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Nga, các nước trong khối G7 nhằm đối phó với Trung Quốc. Rất tiếc điều đó đã và đang xảy ra và được minh chứng bởi số lượng và tần suất các cuộc tập trận và tuần tra trên Biển Đông giữa các nước trong khu vực với Mĩ, Nhật Bản, Úc, Nga ngày càng gia tăng.


            (5) Ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình giải quyết tranh chấp, bất đồng trong khu vực Biển Đông


Hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc làm cho tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan trên Biển Đông ngày càng bế tắc; làm cho và các tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Như đã biết, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang có sự hiện diện của 4 quốc gia khác là Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan. Do vậy, bất kỳ bên nào ngang nhiên làm thay đổi hiện trạng ở khu vực này đều có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực và không loại trừ xung đột quân sự, một hệ quả mà các bên không mong muốn.


Về khía cạnh này, phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS ngày 12/7/2016 về vụ kiện của Philippines kiện Trung Quốc đã nhận định tại phần (16) rằng: “…và xét thêm rằng Trung Quốc đã, d. Làm trầm trọng hóa tranh chấp giữa hai bên về khả năng tạo ra vùng biển đá Vành Khăn về quyền tương ứng của các bên tại đây; e. Làm trầm trọng hóa tranh chấp giữa hai bên về bảo vệ môi trường biển ở đá Châu Viên, đá Chữ Thập, đá Gaven Bắc, đá Gạc Ma, đá Huy Gơ và đá Subi; và; g. Làm trầm trọng hóa tranh chấp giữa hai bên về quy chế của cc1 thực thể ở Trường Sa và khả năng tạo ra vùng biển của các thực thể này...”.


Chúng tôi cho rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và các hành vi gần đây trên Biển đông cho thấy Trung Quốc đang hướng tới hai mục đích cơ bản. Một là, củng cố và mở rộng tham vọng, yêu sách phi pháp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ trên Biển Đông theo một lộ trình trái pháp luật quốc tế gồm các 5 bước: (i) Tấn công, chiếm đóng trái phép các đá và bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; (ii) cãi tạo, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và cơ sở vật hạ tầng; (iii) yêu sách vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo; (iv) quân sự hóa các đảo nhân tạo; (v) liên kết 3 điểm chiến lược tiền tiêu án ngữ toàn bộ cửa ngõ ra vào Biển Đông là đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và các đá trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng. Đây là 3 điểm “yết hầu” có vị trí địa -chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới hòng “độc chiếm Biển Đông”, là âm mưu có tính toán, bài bản từ lâu của Trung Quốc./


Ts Ngô Hữu Phước


* Xem tiếp số báo tới. (VH)

21 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4916)
-Hoàn Cầu Thời báo phỏng vấn Ts. Vũ Cao Phan
27 Tháng Bảy 2017(Xem: 5531)
- Văn Hóa phỏng vấn Nhà báo Bùi Tín. - Văn Hóa Phỏng vấn Gs Lê Xuân Khoa.
20 Tháng Mười Một 2016(Xem: 6104)
Liên tiếp trong mùa Hè - Thu năm nay, ngày 17-18/8 năm 2016 và ngày 14-15/11 năm 2016, Nha Trang là nơi tiếp đón hai cuộc hội thảo Quốc tế về biển Đông ở Nha Trang. Ảnh bên: ông Phạm Gia Khiêm nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng bộ Ngoại giao (phải) và ông Lê Công Phụng nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ VN tại Hoa Kỳ cùng tham dự hội thảo.- Nha Trang 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông. - Phỏng vấn Ts Phạm Đăng Phước, Ts Trang Sĩ Trung và Ts Trần Công Trục, Ts Nguyễn Chu Hồi, Gs Nguyễn Mạnh Hùng.
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 5120)
Nha Trang 14/11/16: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông kỳ VIII
25 Tháng Chín 2016(Xem: 6485)
Nha Trang 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông NHA TRANG (VH 18/8/2016) - Kết thúc sau 3 ngày hội thảo quốc tế về biển Đông; sáng 18/8, phái đoàn tham dự được ban tổ chức mời đi tham quan Viện Hải Dương học ở thành phố biển Nha Trang và đặc biệt biệt quân cảng Cam Ranh. XEM THÊM: - Hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Cam Ranh 2012. - Nga đón gió Cam Ranh trước Mỹ hay Mỹ không cần Cam Ranh? - “Ai chiếm được Cam Ranh, kẻ đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc”. - Phỏng vấn và các bài tham luận của các diễn giả.
04 Tháng Chín 2016(Xem: 6161)
Nha Trang 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông Phần I/ Các bài Phỏng vấn của Văn Hóa. Phần II/ Các bài tham luận của Diễn giả. Phần III/ Văn bản Đồng thuận.
25 Tháng Tám 2016(Xem: 8940)
Đặc biệt của Văn Hóa Online-California 18/8/2016 Phần I/ Các bài Phỏng vấn của Văn Hóa. Phần II/ Các bài tham luận của Diễn giả. Phần III/ Văn bản Đồng thuận. LTS: Trong ba ngày Hội thảo Quốc tế 16 - 18/8/2016 về tình hình Biển Đông tại khách sạn InterContinental thành phố biển Nha Trang, do thời gian thảo luận rất ít và rất đông phóng viên trong nước tham dự, Văn Hóa gặp được các các quí vị: Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng và Tiến sĩ Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang - đồng trưởng ban tổ chức; Tiến sĩ Trần Công Trục, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Tiến sĩ Nguyễn Quí Bính , Tiến sĩ Ngô Hữu Phước đến từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đến từ Hoa Thịnh Đốn, Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long đến từ Đại học Maine Hoa Kỳ - trao đổi với các quí vị trên ít hàng. Mời quí bạn đọc theo dõi. (VH) XEM THÊM: - 2016: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Nha Trang, Việt Nam. (Thăm Viện Hải Dương và quân cảng Ca
23 Tháng Tám 2016(Xem: 6565)
Nha Trang: "Đặc biệt của Văn Hóa-California" LTS: Trong ba ngày Hội thảo Quốc tế 16 - 18/8/2016 về tình hình Biển Đông tại khách sạn InterContinental thành phố biển Nha Trang, do thời gian thảo luận rất ít và rất đông phóng viên trong nước tham dự, Văn Hóa gặp được Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng, Trưởng ban tổ chức ba ngày hội thảo; Tiến sĩ Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang và tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ VN - trao đổi với các quí vị trên ít hàng, mời quí bạn đọc theo dõi:
18 Tháng Tám 2016(Xem: 6256)
(VH) - Lần đầu tiên sau phán quyết của tòa thường trực La Haye hôm 12/7/16 về Biển Đông, VN đã tổ chức quy mô 3 ngày hội thảo hội tụ hơn 30 diễn giả quốc tế trong và ngoài nước với sự tham dự của hàng chục cơ quan truyền thông báo chí tại thành phố biển Nha Trang từ ngày 16-18/8/2016. Đại diện của báo Văn Hóa-California tham dự hội nghị này.
05 Tháng Bảy 2016(Xem: 7279)
- Wikipedia: Hiệp định Geneve 7/1954 - Các bài phỏng vấn khác.