Trung cộng xây tường biên giới với Việt Nam, Miến Điện?

10 Tháng Hai 20214:10 CH(Xem: 8629)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ TƯ 10 FEB 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Trung cộng xây tường biên giới với Việt Nam, Miến Điện?


08/02/2021


image001Hàng rào biên giới với Việt Nam do Trung Quốc xây dựng tại cột mốc 1328, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Ảnh chụp màn hình YouTube Nếm TV ngày 07/02/2021. © YouTube / Nếm TV


Thu Hằng


Trung Quốc hoàn thiện 659 km hàng rào tại biên giới với Miến Điện chỉ trong vòng 2 tháng. Đây là một phần trong dự án “Vạn lý trường thành phương Nam” của Trung Quốc, kéo dài dọc biên giới từ Miến Điện (khoảng 2.170 km) đến Việt Nam (gần 1.380 km). Tại sao Bắc Kinh tăng tốc xây rào biên giới ?


 “Vạn lý trường thành phương Nam”


Theo trang Irrawaddy ngày 23/12/2020, Trung Quốc khởi công xây hàng rào dọc biên giới với Miến Điện từ tháng 10/2020 tại các bang Kachin và Shan, “chủ yếu ở các khu đông dân cư”, trong đó nhiều đoạn vi phạm quy định cách đường biên giới 10 mét (thỏa thuận biên giới tháng 10/1960), theo phát biểu của ông U Thein Min Tun, giám đốc vấn đề biên giới Cục Lãnh sự Pháp chế bộ Ngoại Giao Miến Điện.


Rất nhiều đoạn video đăng trên mạng xã hội, được truyền thông Miến Điến trích dẫn, cho thấy có những đoạn được rào tạm bằng các cuộn dây thép gai, nhưng rất nhiều đoạn được xây chắc chắn với trụ gạch hoặc bê-tông, chấn song sắt cao khoảng 3 mét, phía trên được cuốn thêm dây kẽm gai.


Trả lời RFI Tiếng Việt, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptist Hồng Kông, nhận định :  


“Ở phía biên giới với Miến Điện, chính quyền Bắc Kinh muốn kiểm soát nghiêm ngặt hơn đường biên giới và tránh gặp quá nhiều rắc rối với Miến Điện, trong đó có vấn đề quản lý các dân tộc thiểu số, như người Kachin, Karen, người Wa hoặc những tộc người khác, thường gặp khó khăn với chính quyền trung ương và vẫn vượt biên sang phía Trung Quốc.


Publicité


Tôi nghĩ đó là một cách để Bắc Kinh ổn định khu vực biên giới với Miến Điện vì thường xuyên xảy ra vấn đề về an ninh, cũng như buôn bán vận chuyển lậu vũ khí. Có thể họ thấy đã không được kiểm soát được nhiều yếu tố, trong đó có những lực lượng nổi dậy ở phía bắc Miến Điện”.


Tại biên giới Việt - Trung, hàng rào được cả hai bên xây dựng, không liên tiếp, cách cột mốc hoặc đường phân ranh biên giới từ 3-4 mét để tránh bị trùng dẫm hoặc lấn đường biên giới đã phân định.


Từ năm 2012 đến 2017, Trung Quốc xây 12 km tường rào kiên cố, cao hơn 4,5 mét, dọc sông Ka Long (đoạn chảy phía bắc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), biên giới tự nhiên giữa hai nước. Tổng trị giá dự án là 29 triệu đô la, theo Tân Hoa Xã được báo mạng Úc ABC trích ngày 24/01/2021. Cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ninh cũng tính xây dựng hàng rào dọc dòng sông này, bên phía Việt Nam, để ngăn hàng chuyển lậu qua biên giới.


Hàng rào kiên cố được Trung Quốc tiếp tục xây từ khoảng năm 2018 dọc biên giới với hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn, với chiều dài khoảng 200 km, dựa theo những thông tin dưới đây.


Quanh khu vực cột mốc 1089 (đồi Keo, tỉnh Lạng Sơn), khi giải trình về tình trạng buôn lậu tại đây, Chi cục Hải quan Tân Thanh, được trang Giadinh.net.vn trích đăng ngày 18/11/2019, cho biết : “Từ tháng 05/2019, toàn bộ các điểm tiếp giáp với phía Trung Quốc trên biên giới thuộc địa bàn kiểm soát” của Chi cục Hải quan Tân Thanh “cơ bản đã được phía Trung Quốc rào chắn bằng hệ thống tường rào cao 3,7 mét (chỉ còn lại một khoảng cách nhỏ tại khu vực điểm đường đầu nối và đồi cao chưa có tường rào)”.


Vào đầu tháng 04/2020, trước những thông tin Trung Quốc xây tường biên giới để đưa hàng hóa nhập khẩu vào quy củ, ông Nguyễn Công Trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, giải thích : “Phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào từ lâu với chiều dài khoảng 100 km. Tường rào này được xây trên đất Trung Quốc, gần lối mở Co Sa (cửa khẩu Chi Ma, cột mốc 1223, tỉnh Lạng Sơn), “đúng quy định về hiệp định biên giới giữa hai bên” và “có thông báo cho Việt Nam” (Tuổi Trẻ, ngày 07/04/2020).


Nhiều đoạn video của một số Youtuber Việt Nam cho thấy hàng rào có trụ sơn vàng, chấn song nhọn sơn xanh dương, được bao thêm lớp dây kẽm ở chân tường và phía trên rào, đã được hoàn thiện tại các cột mốc 1270, 1296 và đến tháng 11/2020, tạm ngừng ở cột mốc 1328 (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), theo video của Nếm TV trên YouTube. Từ khu vực này có thể nhìn toàn cảnh hàng rào trườn trên những ngọn núi, cắt ngang những lối mòn. Đoạn video còn cho thấy đầu sắt nhô ra chờ tiếp tục thi công “Vạn lý trường thành phương Nam” từ đông sang tây.


Xây tường để chống buôn lậu


Năm 2018, khi hàng rào biên giới được tăng tốc xây dựng, cũng là thời điểm Trung Quốc chủ trương tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đẩy mạnh phòng chống buôn lậu và đưa các hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới vào quy củ.


Theo giáo sư Carl Thayer, đại học New South Wales (Úc), “Việt Nam có lợi như Trung Quốc trong việc ngăn chặn buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là Việt Nam còn bị thâm hụt thương mại lớn với nước láng giềng”.


Thống kê sơ bộ của Hải Quan Việt Nam khẳng định xu hướng này. Năm 2020, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 35,2 tỉ đô la, tăng 3,74% so với năm 2019. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 133,09 tỉ đô la, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 48,9 tỉ đô la, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,1 tỉ đô la.


Từ chống nhập cư bất hợp pháp đến kiểm soát dịch Covid-19


Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào đầu năm 2020, chính quyền Bắc Kinh quyết định thắt chặt kiểm soát người và hàng tại biên giới. Những biện pháp này tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đối với thực phẩm đông lạnh, theo thông tin ngày 21/01/2021 của bộ Công Thương Việt Nam.


Vậy ngoài những lý do trên, còn có động cơ nào khác ? Giáo sư Jean-Pierre Cabestan nhận định :


“Khó có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Tôi nghĩ là có nhiều yếu tố. Trước hết là để kiểm soát dịch Covid-19 bằng cách ngăn cản người ra hoặc vào lãnh thổ Trung Quốc.


Cũng có thể là nhằm chặn người Trung Quốc muốn di cư. Thực vậy, do dịch Covid-19, hoạt động kinh tế cũng bị giảm, nên rất nhiều người Trung Quốc tìm cách vượt biên để xuống các nước Đông Nam Á, đến sinh sống ở những nước này”.


Thực ra, kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp cũng là vấn đề nhức nhối của Việt Nam. Đây là nguồn lây nhiễm Covid-19 tiềm tàng. Càng gần Tết, số người lao động từ Trung Quốc tìm cách về Việt Nam bằng đường mòn, lối mở gia tăng đột biến, để trốn cách ly, trong bối cảnh Việt Nam vẫn đóng cửa biên giới từ tháng 03/2020. Trong 3 tuần đầu tháng 01/2021, chỉ riêng lực lượng biên phòng tỉnh Lạng Sơn (có 231 km đường biên với Trung Quốc) đã “phát hiện, ngăn chặn và thu dung gần 600 lượt nhập cảnh trái phép”, theo trang Soha.vn (25/01/2021).


Năm 2020, có 31.460 người bị bắt vì vào Việt Nam bất hợp pháp, trong đó có khoảng 25.000 người đến từ Trung Quốc. Trang VnExpress (bản tiếng Anh, 09/01/2021) cho biết 153 người đã bị điều tra vì “tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam”.


Đà Nẵng, nơi khởi nguồn đợt dịch thứ 2, là thành phố thu hút rất đông người Trung Quốc đến đánh bạc qua mạng, do đồng hương của họ tổ chức, rất bài bản và sử dụng công nghệ cao. Bộ trưởng bộ Công An Việt Nam, vào tháng 09/2019, từng thừa nhận là “tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) là người nước ngoài, lợi dụng địa bàn Việt Nam để hoạt động, có chiều hướng gia tăng”. Về nguyên nhân, theo ông Tô Lâm, được báo mạng Thanh Niên (13/09/2019) trích dẫn, là do sơ hở và thiếu sót trong công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài.


Sau khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch Covid-19, từ tháng 08/2020, nhiều đường dây đưa người Trung Quốc vào Đà Nẵng trái phép nhanh chóng bị triệt phá và xét xử. Thường chủ mưu là người Trung Quốc, kết hợp với người Việt địa phương chuẩn bị hậu cần và vận chuyển từ biên giới. Việt Nam cũng là nơi chung chuyển để nhiều người Trung Quốc sang nước thứ ba, ví dụ sang Cam Bốt để đánh bạc. Trung Quốc cũng lo ngại những đối tượng này, khi về nước bất hợp pháp, có thể mang mầm virus corona.


Kiểm soát nguồn lực lao động ?


Ngoài những đối tượng trên, hàng rào dọc biên giới còn được cho là để ngăn người Trung Quốc di cư vì những lý do khác nhau, theo nhận định của giáo sư Jean-Pierre Cabestan :


“Tôi nghĩ Trung Quốc muốn ngăn cản công dân nước này di cư sang Việt Nam. Điều đó sẽ khiến mối quan hệ song phương thêm phức tạp. Theo tôi là như thế nhưng cũng có thể là tôi nhầm. Dù sao thì Trung Quốc muốn kiểm soát đường biên giới của nước. Việc này nằm trong chính sách chung của Bắc Kinh”.


Việc làm là một trong những động cơ chính để người Trung Quốc đến Việt Nam. Trung Quốc không muốn mang tiếng rằng công dân của họ đi làm chui hoặc phạm pháp ở một nước khác. Tuy nhiên, đây lại là thực tế từ vài năm gần đây. Để tránh bị vạ lây vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển hoạt động sang Việt Nam. Họ cần ngay nhân công có tay nghề, hiểu chung ngôn ngữ, nên sẵn sàng tuyển cả người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp để tránh mất thời gian đào tạo lao động địa phương.


Điều này lại vi phạm quy định của Việt Nam “chỉ được sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu”. Thực tế này từng được Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội thừa nhận tồn tại trong những năm 2013 đến 2019. Người lao động Trung Quốc sinh sống và làm việc rất đông ở tỉnh Bình Dương, “lập làng, lập xóm” ở những khu vực công ty Trung Quốc trúng thầu, khiến người dân địa phương lo ngại, theo phản ánh của báo Thanh Niên (11/05/2020).


Trước khi xảy ra đại dịch, rất nhiều người vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan du lịch, nhưng ở lại làm việc. Con đường này bị tạm ngừng vì Việt Nam đóng cửa biên giới chống dịch từ tháng 03/2020, nên tình trạng nhập cư bất hợp pháp có chiều hướng tăng.


Cuối cùng, theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, bức tường mà Bắc Kinh cho xây dọc biên giới có lẽ còn gây trở ngại cho những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc muốn đào thoát. Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, giáp với Việt Nam, Lào và Miến Điện, từ lâu được coi là “ngả đào thoát cho người Duy Ngô Nhĩ và những người khác muốn xin tị nạn ở phương Tây”. Đây cũng là con đường cho những người Bắc Triều Tiên tìm cách thoát khỏi chế độ Kim Jong Un.