"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ TƯ 22 MAR 2017
Thiền và Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc
Với cuộc sống ngày càng lệ thuộc vào vật chất, sự bận rộn và căng thẳng ngày càng cao, nên “thiền” ngày nay không còn là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người nữa. Thiền đã được bước ra ngoài khuôn khổ của tôn giáo, của sự “tu hành”, và đã được đón nhận, thực tập như một phương pháp, một cứu cánh để giúp giảm thiểu những căng thẳng của cuộc sống, tìm lại sự yên ổn, an bình của tâm hồn.
Bài viết này sẽ không chú trọng nói về thiền qua lăng kính của tôn giáo, hoặc của ngưởi tu hành, vì thiền không nhất thiết phải liên hệ với một tôn giáo nào cả. Chúng tôi sẽ không đi sâu xa về thiền, mà chỉ nói những gì căn bản, đơn giản nhất của sự thực tập thiền trong đời sống hàng ngày, những gì có thể giúp cho cuộc sống của chúng ta được vui hơn, khỏe hơn, thong thả, thoải mái, yên bình và tự tại hơn.
Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, Ở đây, chúng tôi nói đến phương pháp thiền thông dụng nhất mà nhiều người đang thực hành.
Khi nói đến thực hành thiền, thông thường mình nghĩ đến thiền là: ngồi trên tọa cụ, xếp chân, nhắm mắt, theo dõi hơi thở, hoăc chú tâm nghĩ đến một điều gì (tùy theo môn phái thiền). Đây là phương pháp “điều tâm”, có nghĩa là đưa tâm trở về với thân, tránh chuyện “Thân thì ở chùa, mà tâm thì ở chợ”. Thiền là quá trình đưa tâm ý về với thân cho đến khi đạt được “Tâm Thân Đồng Nhất Thể”, trước khi đi đến giai đoạn xa hơn của thiền là “giác ngộ” hoặc “giải thoát”.
Nghe 2 chữ “giác ngộ”, hoặc “giải thoát”, nếu giải thích qua lăng kính tôn giáo, chúng ta sẽ thấy rằng chúng cao xa, khó hiểu. Thật ra, giải thích theo đời thường thì chúng đơn giản, dễ hiểu hơn. Giác Ngộ là khi mình vỡ ra, sáng ra, chợt nhận thấy ra cái thực tại, hoặc chợt có câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Giác ngộ chính là giây phút “biết”, hoặc “ngộ” ra cái bản thể thật sự của sự việc đang hiện diện! Chắc chắn quí vị ở đây đã có rất nhiều lần ngộ ra nhiều điều hay trong đời.
Giải thoát, giải thích theo đời thường là sự “thoát ra khỏi những ràng buộc trong tâm”, để tâm ý của ta có được cái tự do, không “vướng mắc”. Một thí dụ đơn giản nhất của sự vướng mắc là chữ “phải”. Những việc gì đi ngược lại với chữ “phải” thường hay làm ta bực mình, mất ăn, mất ngủ… Chính những vướng mắc này đã ngăn chận chúng ta đến giai đoạn “giải thoát”. Thiền sư J. Krishnamurti đã nói: “Nếu có bất cứ một sự bắt buộc, cố gắng bắt tư tưởng phải tuân thủ, bắt chước, thì thiền sẽ là một gánh nặng”.
Trong phương pháp thiền thông dụng, khi thiền, những yếu tố căn bản thường cần có là:
Hơi thở / Biết / Buông
Hơi thở: Khi thiền ta quan sát hơi thở, mà không cố thở. Thở một cách thật tự nhiên, chỉ quan sát luồng hơi thở ra và vào
Biết: Thưc tập và phát triển cái tính “biết”: khi thở vào ta biết ta đang thở vào; khi thở ra ta biết ta đang thở ra. Nhận biết những gì đang xảy ra, có thể là hơi thở, những giòng suy nghĩ, hoặc những cảm giác trên thân thể. nhưng không “bám” hoặc “vướng mắc’ vào chúng. Khi chúng ta “định” vào thiền, những cảm giác này sẽ trở nên tinh tế hơn, và người hành thiền lâu năm trở nên nhạy cảm, tinh anh hơn.
Vì cuộc sống hàng ngày bận rộn, chúng ta ít có thời giờ ngồi thiền cho đến lúc tâm được định. Vì thế có những phương pháp thiền khác gọi là thiền “động”, đưa thiền vào những hành động, suy nghĩ trong khi thực hiện những công việc hàng ngày. Thiền “động” giúp chúng ta vẫn có thể hành thiền trong những sinh hoạt thường nhật, như ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi, vân vân…. Cũng giống như thiền “tĩnh”, trong khi thực hành thiền “động” hành giả mang cái “biết” vào hơi thở, vào hành động, và vào suy nghĩ. Có người gọi đó là sống trong “zen” life, hoặc cũng có thể gọi là “sống trong tỉnh thức”.
Yếu tố thứ 3 là “Buông”: Tha thứ, buông bỏ, không vướng mắc. Sư buông bỏ giúp cho hành giả thiền định tâm nhanh chóng hơn. Nếu chúng ta mang những ham muốn, lo âu, giận dữ, muộn phiền vào trong lúc hành thiền sẽ làm cản trở và chậm lại giai đoạn định tâm.
3 điều này cùng phối hợp, thực tập một cách “đâu ra đó”, sẽ giúp cho ngưởi hành thiền mau đạt được trạng thái định tâm.
Nói thì dễ, nhưng làm không dễ. Có ai trong chúng ta vừa ngồi xuống, trong vòng vài phút là mang ngay được tâm về với thân? Bản thân tôi, đã phải mất 10 ngày xa lánh cuộc sống thường nhật, chỉ ăn rồi ngồi thiền thôi, sau 4 ngày thiền tập, tâm và thân “cấu xé” lẫn nhau, mới mời nổi được cái “tâm” của mình, “chịu” nghe lời mình mà về trú ngụ ở thân mình. Hiện giờ, trở về đời sống thường nhật, mặc dù đã biết cách hành thiền, mỗi lần ngồi thiền, chúng tôi cũng phài mất hàng giờ mới định được tâm.
Chúng ta đã nói qua về thiền rồi. Bây giờ ta bước sang nói đến tính Thiền trong HOÀNG HẠC.
Qua 4 năm tập luyện Hoàng Hạc, tôi có thể khẳng định rằng Hoàng Hạc là một phương pháp thiền (thiền động) đơn giản và hữu hiệu.
Tại sao lại đơn giản? Tại vì dễ làm…. Chỉ cần biết bài 7 thế căn bản, dễ thuộc, dễ nhớ của Hoàng Hạc, làm 3 lần bài này một cách chững chạc, đâu ra đấy, quí vị có thể mang tâm mình về với thân một cách an bình mà không cần phải vật lộn với tâm của mình!
Tại sao lại hữu hiệu?
- Cái “Biết” trong Hoàng Hạc: Hoàng Hạc có cái “Biết” của thiền: Khi tập Hoàng Hạc, các môn sinh để “tâm/ý” vào những động tác của mình: khi đưa tay lên, ta biết ta đang đưa tay lên, khi mở tay ra, ta biết ta đang mở tay ra, khi buông tay xuống, thu tay vào, ta biết ta đang buông và thu tay vào ..(xin mở ngoặc rằng, chúng ta không cố, đừng cố chú ý vào những động tác này, mà chỉ “biết cái ta đang làm” một cách thật tự nhiên mà thôi). Những cử động trong cái biết này phối hợp hài hòa với chu trình của hơi thở một cách tự nhiên, giúp chúng ta mang tâm về với thân rất nhanh, nhanh hơn khi ta ngồi thiền.
- Hoàng Hạc có thế “Buông”. Trong cuộc sống, tôi cứ nghe mọi người hay khuyên nhau “hãy buông”, “phải buông thôi”.. Nhưng buông làm sao, có ai chỉ mình cách buông không? Trong khi hành thiền, ta nói ta hãy buông, nhưng buông bằng cách nào bây giờ, càng bảo buông, có khi mình lại càng vướng mắc. Thưa quí vị, trong tất cả các thế tập Hoàng Hạc, sau khi vươn, chúng tôi “buông”. Chúng tôi không cần bảo chính mình “hãy”, hoặc “phải “ buông, mà các môn sinh Hoàng Hạc buông một cách rất tự nhiên. Buông lỏng toàn thân, đầu, cổ, vai, tay, và rồi cả ý cũng sẽ buông theo.. Đây chính là giai đoạn mang lại cho người tập sự tĩnh lặng nhất, yên bình, và an lạc nhất.
- “Tam Hợp”: “3-T” của Hoàng Hạc – “TÂM, THÂN, và THỞ”: Ở trên chúng ta đã nói đến cái “Biết” chính là cái“TÂM/Ý” vào các “Động Tác” (tức là cái “THÂN”): Bấm, Vòng, Vươn, Buông, phối hợp điều hòa với chu trình của hơi “THỞ” một cách hết sức nhẹ nhàng, tự nhiên, không gò bó. 3 điều Tam Hợp cần có và đủ, cộng thêm cái “Buông” của Hoàng Hạc đã giúp cho các môn sinh đưa tâm về với thân nhanh hơn, và để đạt được những cảm giác sảng khoái, tươi vui, và hạnh phúc ngay cả trong bài tập căn bản 7 thế.
Trong Hoàng Hạc có nhiều vị, thấu hiểu được môn tập thể dục hữu hiệu này, có những vị đã nhiều lần tâm sự với chúng tôi rằng họ thấy Hoàng Hạc có những điều hay, sâu xa, như một triết lý sống… Họ chuyên cần luyện tập với hy vọng Hoàng Hạc có thể giúp họ đi đến giải thoát! Mặc dù chính cái “muốn” (mong cầu được giải thoát) có thể đã đưa chúng ta đến cái “vướng mắc” trong tâm, làm giảm đi sự an bình, làm chậm lại con đường tìm đến giác ngộ, giải thoát. Tuy nhiên tôi thấu hiểu được những ước nguyện tốt đẹp đó. Thôi thì chúng ta cứ thong thả tập, rồi những giây phút “giải thoát” đó sẽ tự nhiên đến và luôn ở bên cạnh chúng ta, những môn sinh Hoàng Hạc
Phần đông những môn sinh Hoàng Hạc đều có nhận thức rằng Hoàng Hạc đã giúp họ đạt được sự thoải mái, tĩnh lặng của tinh thần. Có những vị thường thực hành thiền đã nhận xét, sau khi thực hành vài lần bài 7 thế, họ ngồi xuống thiền, họ cảm thấy định tâm rất nhanh. Hoàng Hạc đã giúp họ làm tan đi những tạp niệm, thanh lọc tâm ý của họ, tinh thần họ yêu đời hơn, vui vẻ, phấn chấn hơn.
Tôi thiết nghĩ, nói thế cũng đã đủ. Nếu quí vị nào có ý muốn thực nghiệm rằng Hoàng Hạc là 1 phương pháp thiền đơn giản và hữu hiệu, mang đến cho quí vị một sức khỏe về thể chất, và quan trọng hơn là một sức khỏe về tinh thần: vui tươi, yêu đời, và tự tại, xin mời cùng đến tập với chúng tôi. Đây là những lời chân thành nhất của chúng tôi, muốn san sẻ những lợi lạc đến quí vị.
Đầu năm Đinh Dậu, xin kính chúc toàn thể quí vị một năm an bình và hạnh phúc
Hoàng Hạc Kiều Hạnh – Ủy Viên Ngoại Vụ – TDKCHH (562) 242-5876
Địa điểm tập TDKC Hoàng Hạc tại Orange County - Hoa Kỳ:
9032 Hazard Ave, Westminster, CA 92683
Hàng tuần có lớp:
Thứ tư, Thứ năm, Thứ bảy, Chủ nhật:
7:00 am – 8:00 am & 8:00 am – 9:00 am