Dân quân Biển Việt Nam

28 Tháng Tư 20218:27 SA(Xem: 4665)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ TƯ 28 APRIL 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Tạp chí Trung Quốc: Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân biển để thách thức Bắc Kinh


26/04/2021


image028Việt Nam vào năm 2009 ban hành Luật Dân quân Tự vệ, trong đó cho phép dân quân biển thực hiện các cuộc tuần tra, giám sát trên biển, cũng như đối đầu và xua đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải.


Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân và tự vệ biển của mình trên Biển Đông nhằm thách thức những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thống trị tuyến đường thuỷ đang có tranh chấp, theo tiết lộ trên một tạp chí quân sự của Trung Quốc.


“Lực lượng dân quân biển của Việt Nam và các hoạt động của họ trên vùng biển gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đe doạ đến việc thực thi luật hàng hải và an ninh quốc phòng quốc gia của Trung Quốc,” tạp chí Naval and Merchant Ships của Trung Quốc được South China Morning Post của Hong Kong và ANI News của Ấn Độ trích dẫn cho biết trong một bài viết công bố vào tuần trước.


Tạp chí này nói rằng vấn đề này cần được “xem xét nghiêm túc và xử lý kịp thời.”


Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông với đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn, chồng chéo lên các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Hà Nội. Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng có lịch sử lâu đời sử dụng dân quân biển để giúp bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình.


Việt Nam năm 2009 ban hành Luật Dân quan Tự vệ, trong đó cho phép dân quân biển thực hiện các cuộc tuần tra, giám sát trên biển, cũng như đối đầu và xua đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải để bảo vệ các đảo và bãi đá ngầm do Việt Nam kiểm soát.


Trong khi Liên minh châu Âu ước tính rằng khoảng 8.000 tàu đánh các và 46.000 ngư dân là một phần của lược lượng dân quân biển của Việt Nam, thì tạp chí quân sự của Trung Quốc được SCMP và ANI News trích dẫn cho biết con số này có thể là hơn 70.000. Theo đó, khi không đánh bắt cá, những dân quân biển được huấn luyện này đã tham gia một loạt các nhiệm vụ, đôi khi là hợp tác với hải quân Việt Nam.


Theo tạp chí quân sự của Trung Quốc, nhiệm vụ của lực lượng dân quân biển Việt Nam bao gồm do thám các cơ sở quân sự và tàu của Trung Quốc, và đôi khi cố tình đụng độ với các tàu tuần duyên của Trung Quốc để thu hút sự chú ý của giới truyền thông phương Tây. Theo SCMP và ANI, tạp chí này cáo buộc rằng điều này nhằm đưa những khái niệm về “sự cố nhân đạo” và “sự cưỡng bức của Trung Quốc” vào tâm trí của công chúng quốc tế.


Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức công khai nào về bài viết của tạp chí quân sự của Trung Quốc.


Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương trên Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS có trụ sở ở Washington, Mỹ, hồi năm ngoái, lực lượng dân quân biển của Việt Nam “không phải là một lực lượng bí ẩn chỉ có thể suy đoán” và có những đặc tính chung tương đồng với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.


Theo nhà nghiên cứu này, lực lược của Việt Nam được chia thành hai loại hình tổ chức vào năm 2010, bao gồm dân quân biển, được thành lập dựa trên khu vực hành chính, và tự vệ biển, được thành lập bởi các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu.


Cả Hà Nội và Bắc Kinh đều được cho là đã huy động tàu đánh cá và ngư dân của mình vào các hoạt động tuyên bố hàng hải của họ trên Biển Đông.


Tháng trước, Philippines cáo buộc Trung Quốc đưa hơn 200 tàu cá và tàu dân quân tới khu vực Đá Ba Đầu đang trong vòng tranh chấp giữa hai nước.


Còn lực lượng dân quân biển của Việt Nam được huy động để bao vây giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, theo nhà nghiên cứu Collin Koh của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho SCMP biết. Vào năm 2019, các lực lượng dân quân biển của Việt Nam và Trung Quốc được cho là đã cùng hỗ trợ lực lượng tuần duyên của nước mình trong vụ đụng độ tại Bãi Tư Chính.


Tạp chí quân sự của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh nên tăng cường luật pháp đối với tàu thuyền nước ngoài, gây áp lực buộc chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp kiềm chế thông qua các kênh ngoại giao và tăng cường khả năng tuần duyên để ngăn chặn lực lượng dân quân biển của Việt Nam.