GS Carl Thayer: VN có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao ‘cây tre’

05 Tháng Giêng 20246:34 SA(Xem: 3425)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 1 - THỨ SÁU 05 JAN 2024


image003Ảnh trên: Tbt VN Nguyễn Phú Trọng đón TT Joe Biden ở Hà Nội hôm 10/9/2023; Dưới: Tbt VN Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Tập Cận Bình ở Hà Nội hôm 12/12/2023. Google Images.


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11942/ha-noi-tt-joe-biden-nhac-den-hang-ty-dola-va-van-de-nhan-quyen

 

https://www.nhatbaovanhoa.com/a12115/tap-can-binh-den-ha-noi-mang-theo-nhung-buu-boi-gi-


GS Carl Thayer: Việt Nam có thể đánh mất bạn bè và sự tín nhiệm với ngoại giao ‘cây tre’


04/01/2024


Linh Đan


image005Cây tre được dùng trong trang trí tại cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Hà Nội hôm 10/9/2023. Ngoại giao 'cây tre' đang giúp Việt Nam đạt được thế cân bằng trong quan hệ với các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc.


Ngoại giao “cây tre”, một đường hướng đối ngoại mang dấu ấn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là chiến lược ngoại giao mà Việt Nam sử dụng trong những năm qua để cân bằng quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Liệu chính sách này có giúp Việt Nam tiến xa trong thế giới ngày càng phân cực? Giáo sư vinh hưu Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia thuộc Đại học New South Wales, chuyên phân tích về an ninh và chính trị Việt Nam và khu vực, đưa ra nhận định của ông với VOA. Cuộc phỏng vấn đã được biên tập cho rõ nghĩa và phù hợp với độ dài của bài viết.


VOA: Trong năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất đón tiếp cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông đánh giá thế nào về những gì mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã làm được? Ông có gọi đó là một thành tựu không?


GS Thayer: Vâng, tôi sẽ gọi đó là một thành tựu. Tôi có thể gọi đó là một thành công lớn và một phần là sự tình cờ. Nói cách khác, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tới Trung Quốc vào tháng 11/2022 và được Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý đáp lại bằng chuyến thăm (tới Việt Nam). Vì vậy, điều đó đã nằm trong kế hoạch và sau đó điều đáng chú ý là cuộc điện thoại của ông Biden với ông Trọng. Cả hai đồng ý trao đổi chuyến thăm nhưng điều đó đã không xảy ra. Việt Nam gửi bốn giấy mời tới ông Biden trước khi ấn định được ngày giờ cụ thể. Họ đã có được chuyến thăm của ông Biden.


Thành công đặc biệt là khi Mỹ chỉ là đối tác toàn diện trong một thời gian dài, không phải là đối tác chiến lược và hai bên, giống như một điệu nhảy chưa giờ kết thúc, sau đó họ quyết định thực hiện bước nhảy vọt về phía trước.


Việt Nam đưa Hoa Kỳ lên ngang hàng với Trung Quốc và sau đó tiếp đón Tập Cận Bình, thêm Nhật Bản và có các tiến triển khác. Vâng, đó là điểm nổi bật của năm.


VOA: Theo ông, Việt Nam làm thế nào để cùng duy trì được mối quan hệ với các quốc gia có mâu thuẫn với nhau?


GS Thayer: Trở lại năm 2003, Việt Nam đã xây dựng chính sách “hợp tác và đấu tranh” – vừa hợp tác vừa đấu tranh. Và họ có những “đối tác hợp tác” và những “đối tượng đấu tranh”. Và tôi đã đến thăm Việt Nam hai lần trong hai tháng qua, và những gì họ nói với tôi là “phải linh hoạt”.


Họ đã có lúc muốn xác định chính xác các lĩnh vực hợp tác đấu tranh giữa Mỹ với Việt Nam, giữa Trung Quốc và Mỹ - cái gì cản trở việc Việt Nam có thể tiến lên trong các mối quan hệ này. Vì vậy, [Việt Nam] trở nên linh hoạt hơn và điều đó dẫn đến sự phát triển quan hệ với Mỹ và động lực ở đó là kinh tế. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.


Trong khi đó kinh tế toàn cầu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và đang gặp rắc rối.


Cách duy nhất mà Việt Nam có thể nhìn ra được là nâng cấp và dỡ bỏ các hạn chế với các nền kinh tế hùng mạnh. Vì vậy, [nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với] Hàn Quốc năm trước là bước đi nhỏ đầu tiên. Sau đó, Việt Nam thêm Hoa Kỳ, thêm Nhật Bản và [sắp tới là] Úc vào danh sách này.


Vì vậy, tôi nghĩ đó là sự thay đổi trong quan điểm của Việt Nam, tìm cách tối đa hóa vị thế của mình về mặt kinh tế và thu hút các quốc gia khác tham gia vào ‘bữa tiệc’ của mình.


VOA: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã mô tả thành tựu đó là một phần của “ngoại giao cây tre”, thuật ngữ mang ý nghĩa “có gốc vững chắc nhưng linh hoạt”. Tờ South China Morning Post đã ca ngợi Việt Nam là “bậc thầy” trong quan hệ giữa sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc. Ông có đồng ý với điều đó không?


GS Thayer: Ông Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vào ngày 19/12/2023 và ông đã trình bày chi tiết, tất nhiên đó là ý tưởng nổi bật của ông.


Thứ nhất, tôi nghĩ ngoại giao tre chủ yếu hướng tới khán giả trong nước. Và thứ hai, nó có một chân lý vĩnh cửu nào đó, kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về chiến lược.


Vấn đề là áp dụng nó như thế nào. Một ví dụ là, với “cộng đồng chia sẻ tương lai” thì trong thông cáo chung Việt Nam không cam kết thực hiện. Việt Nam nói sẽ nghiên cứu nó về mặt nguồn lực và khả năng. Vì vậy, tôi gọi nó là “bày hàng tủ kính” theo một nghĩa nào đó.


Ông Tập Cận Bình đã phải thuyết phục người dân của mình và thuyết phục cả khu vực rằng Trung Quốc đang phát triển và mọi người đang tham gia vào các cộng đồng khác nhau của ông. Vì thế Việt Nam đã làm ở mức tối thiểu. Họ đã “uốn cong” chiến lược của mình. Họ hơi cúi mình một chút nhưng họ không cam kết với bất cứ điều gì khó. Cuối cùng, ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra năm điểm, là làm thế nào để dung hòa lợi ích quốc gia với các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam.


Có thể nói, đối với hành động xâm lược trong cuộc chiến ở Ukraine, “ngoại giao tre” của Việt Nam không giúp ích được gì. Ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam không muốn hủy hoại mối quan hệ với Nga, nhưng sẽ không bao giờ là người bạn tốt của Ukraine trong một thời gian dài.


Và nếu chúng ta nhìn vào ngoại giao “cây tre”, Việt Nam nằm trong ASEAN và Việt Nam không bỏ phiếu cùng với đa số các nước ASEAN nhưng vẫn muốn tận dụng ASEAN. Vì vậy, “ngoại giao tre” có những mâu thuẫn nội tại dù có thể nói hay rằng “Việt Nam kiên cường mà có thể uốn cong”.


[Ngoại giao cây tre] không thực sự là một định hướng chắc chắn [hay] một định hướng tuyệt đối cho chính sách đối ngoại trong tương lai.


VOA: Ông còn thấy điểm bất cập nào trong chiến lược tiếp cận này của Việt Nam?


GS Thayer: [Việt Nam] thuộc Hội đồng Nhân quyền [Liên Hợp Quốc] và Việt Nam sẽ không bỏ phiếu loại bỏ Nga. Và đối với các nền dân chủ phương Tây, sẽ là một sự nguyền rủa khi để Nga trong Hội đồng trong lúc chúng ta đang phẫn nộ vì [tình hình] Gaza.


Nhưng Ukraine là khúc dạo đầu về hành vi giết hại dân thường một cách bừa bãi bằng các cuộc tấn công của [Nga], tất nhiên không phải ở quy mô như ở Gaza, nhưng dù sao cũng là tàn sát.


Vấn đề thực sự bây giờ là sự linh hoạt hơn trong đối tượng đấu tranh [của Việt Nam] và Mỹ trở thành đối tượng hợp tác, để giúp đỡ về mặt kinh tế. Việt Nam không còn cho phép các khái niệm ý thức hệ can thiệp vào sự phát triển. Đó là kinh tế, không phải hệ tư tưởng, không phải sự liên kết. Đó là về trung tâm kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng và cố gắng đạt được những mục tiêu dài hạn mà Việt Nam đã đặt ra cho mình.


VOA: Với chính sách ngoại giao “cây tre”, Việt Nam cố gắng giữ thái độ trung lập trong cách tiếp cận đa cực. Liệu điều đó có khiến Việt Nam trở thành một quốc gia bị coi là đối tác không đáng tin cậy?


GS Thayer: Không thể giữ thái độ trung lập mãi mãi. Trong những cuộc trò chuyện riêng với các nhà ngoại giao Việt Nam, họ hơi khó chịu với tôi nếu tôi nêu lên vấn đề nhân quyền, đặc biệt là trong trường hợp Ukraine. Họ nói “chúng tôi đứng về phía lẽ phải, chúng tôi đã chọn lẽ phải”.


Nếu cuộc chiến ở Ukraine và Gaza làm gia tăng sự cạnh tranh [trong thế giới đa cực], tôi nghĩ Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Chính quyền Biden có thể bị thay thế bởi [chính quyền] Trump hoặc Quốc hội Mỹ có thể tức giận với Việt Nam về một số vấn đề cụ thể, hoặc lập trường của Việt Nam sẽ là trở ngại cho việc cải thiện quan hệ song phương với Mỹ.


Nếu đọc bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đưa ra những phân tích, chứ không đưa ra kết luận, về những diễn biến “phức tạp, khó lường” đang diễn ra trên trường quốc tế.


Nếu lấy quan điểm lâu dài của Israel đối với Việt Nam về vấn đề Gaza sẽ như thế nào?


Israel là một trong những nước hàng đầu, dù không phải là chính, nhưng là một trong bốn hoặc năm nhà cung cấp vũ khí chủ chốt cho Việt Nam trước cuộc xâm lược Ukraine. Vậy thì Việt Nam có mất đi nguồn cung đó không?


Và đó là một ví dụ về việc nếu chúng ta tóm gọn lại năm điểm thì ngoại giao “cây tre” đó quá trừu tượng để mô tả những gì đang xảy ra và anh không thể lúc nào cũng trung lập vì anh sẽ mất bạn bè, một số lợi ích sẽ bị ảnh hưởng.


VOA: Trong lần trả lời phỏng vấn VOA ngay sau khi Việt Nam nâng cấp với Mỹ, GS Alexander Vuving đề cập đến chính sách ngoại giao “cây tre”, nói rằng Việt Nam “phải tránh chọn bên trong cuộc chiến của các cường quốc lớn, nhưng cũng phải tham gia hoặc thậm chí tạo ra cơ chế thúc đẩy chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và khả năng tự cường của mình”. Ông có đồng ý với quan điểm đó không?


GS Thayer: “Ngoại giao tre” là một từ tương đối mới, nhưng Việt Nam luôn có quan điểm không liên kết. Đó là [chính sách quốc phòng] “bốn không”.


“Ngoại giao cây tre” không phải là một ý tưởng tuyệt vời đột nhiên xuất hiện để giải quyết các vấn đề của Việt Nam. Việt Nam luôn muốn đứng ngoài [tức trung lập] đó vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu.


Điểm mạnh là mọi quốc gia đều có thể hợp tác với Việt Nam và các vấn đề khác, và biết rằng Việt Nam sẽ không tham gia chống lại họ và ảnh hưởng đến vấn đề cụ thể của họ. Vì vậy, đó là một cách để tiến về phía trước.


Nhưng Việt Nam lo lắng về lệnh trừng phạt của Nga. Tôi biết có thông tin rò rỉ về nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, trong những chuyến thăm gần đây nhất của tôi, rằng Việt Nam đã ký thỏa thuận với Nga để mua vũ khí. Họ phải đáp ứng những nghĩa vụ đó.


Vâng, anh làm điều đó và anh sẽ nhận được lệnh trừng phạt từ Mỹ ngay sau khi anh nâng cấp mối quan hệ lên một đối tác chiến lược toàn diện.


Vậy đối với Gaza, cơ chế đó là gì?


Việt Nam sẽ là người đứng ngoài cuộc. Họ sẽ không phải là một bên trung tâm cho việc giải quyết hòa bình ở đó. Bạn có thể thấy Qatar, Ai Cập và các quốc gia khác đóng vai trò nổi bật hơn.


Tôi không muốn chỉ trích quá mức về ngoại giao “cây tre”. Nó thu hút trí tưởng tượng. Vâng, người Việt đã chống lại thế lực ngoại xâm và xây dựng đất nước trở lại. Xin trích dẫn di chúc của ông Hồ Chí Minh, ông nói “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.


Vì vậy, bạn phải ngưỡng mộ họ vì đã chống lại cuộc chiến trên không và hai lần được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Đó là những bằng chứng về vị thế quốc tế của Việt Nam nhưng hiện nay thế giới đang phân cực hơn bao giờ hết. Và tôi nghĩ việc tránh xa điều đó sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.


Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, Việt Nam sẽ mất đi sự tín nhiệm nếu không lên tiếng về các vấn đề nhân quyền. Tôi nghĩ trong trường hợp của Nga và Ukraine, đó là một ví dụ điển hình.


VOA: Vậy ông nghĩ Việt Nam có thể đi được bao xa với tình trạng không liên minh này?


GS Thayer: Việt Nam đang thúc ép trong khi Mỹ không trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường. Đồng thời với Trung Quốc, Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn để thu hút đầu tư tốt của Trung Quốc vào đây cũng như mở cửa các văn phòng thương mại và đưa nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đó là điều mà Việt Nam đang theo đuổi.


Việt Nam sẽ không trở thành đồng minh hiệp ước chính thức với bất kỳ ai. Vì vậy, không có sự liên minh ở đó.


Các cơ chế mới, như sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc, được cho là sẽ kế thừa cơ chế của Mỹ. Nhưng bằng cách “bày hàng tủ kính”, Việt Nam đang đưa ra lời khen ngợi cho một số khái niệm này. Bởi vì nó không làm họ mất gì cả. [Việt Nam] không đưa ra một lập trường vững chắc và họ đang tạo ấn tượng rằng họ đang ủng hộ, hoặc ít nhất là không phản đối.


Nhưng Việt Nam chưa bao giờ thực sự tham gia “Vành đai và Con đường”, mà họ nói “Chúng tôi sẽ liên kết ‘Vành đai và Con đường’ với ‘Hai hành lang, một vành đai kinh tế’”.


Giữ quan điểm đó thì có vẻ hời hợt nhưng sẽ không bao giờ dẫn đến sự sụp đổ tuyệt đối của việc không liên minh. Nhưng nói cách khác, nó không phải là liều thuốc chữa bách bệnh tuyệt vời.


Cho rằng “hãy dùng ‘ngoại giao cây tre’ và mọi thứ đều ổn”. Không phải vậy, dùng ‘ngoại giao tre’, nhưng thế giới, như ông Nguyễn Phú Trọng nói, đầy khốc liệt và cạnh tranh, và [ông yêu cầu] phải dự báo đúng chiều hướng phát triển tình hình.


VOA: Việt Nam sửa đổi Sách Trắng thành ‘4 Không’ và ‘một tùy’. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh trong tình huống cần đứng về phía ai đó hoặc làm điều gì đó hoặc trở thành đồng minh với ai đó khi cần thiết?


GS Thayer: Nhìn lại 2 sách trắng trước thì họ đã có ‘4 Không’. Nhưng điều mới là tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, Việt Nam chọn quyền sắp xếp phòng thủ của riêng mình.


Thứ nhất, họ [lúc đó] chịu sức ép khủng khiếp từ chính quyền Trump về các biện pháp trừng phạt chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua Đạo luật trừng phạt năm 2017 [CAATS]. Việt Nam được Mỹ yêu cầu cắt đứt quan hệ [với các kẻ thù của Hoa Kỳ]. Họ đã làm cho Việt Nam khá khó chịu.


Nhưng cũng có nghĩa là nước nào gây áp lực lên Việt Nam thì: “hợp tác với chúng tôi và chúng ta sẽ độc lập còn chống lại chúng tôi, thì trở thành đối tượng đấu tranh”. Khi đó họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi mối quan hệ.


Đó là một lời cảnh báo đối với các cường quốc. “Anh gây áp lực cho chúng tôi, thì chúng tôi phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”. Vì vậy, nói cách khác, đừng làm điều đó. Và Trung Quốc gia tăng áp lực ở Biển Đông, nên “chúng ta có thể phải quay sang Mỹ để được hỗ trợ thêm”.


VOA: Vậy khi tình hình chính trị quốc tế trở nên phức tạp hơn, Việt Nam có nên tiếp tục ngoại giao “cây tre”?


GS Thayer: Vâng, nhưng nó sẽ tuân theo “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình”. Không có gì sai với tuyên bố đó cả. Đó là khát vọng.


Nó có ý nghĩa khi áp dụng cho một thuộc địa cũ. Nhưng ngoại giao “cây tre”, như tôi đã nói, không phải là văn bản tuyệt vời về quan hệ quốc tế. Ngoại giao “cây tre” thực sự là về việc Việt Nam duy trì quyền tự chủ, độc lập và không liên kết.


“Ngoại giao cây tre” là ý tưởng tuyệt vời của ông Nguyễn Phú Trọng. Người dân Việt Nam đón nhận nó và nó giải thích cho những người trong Đảng Cộng sản, như tôi biết từ những cuộc thảo luận với các nhà ngoại giao ở Việt Nam về ‘đối tượng hợp tác và đấu tranh’, rằng “Đó không phải là sự liên kết mà là sẽ hợp tác nhiều hơn với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vì lý do kinh tế. Không chống lại Trung Quốc và để Trung Quốc cạnh tranh để cung cấp tiền đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu”, điều mà dù sao thì Trung Quốc cũng đã và đang làm.


Không có văn bản nào về “ngoại giao cây tre”. Đó chỉ là một loạt các bài phát biểu mà ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra.


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Tiệc trà cây tre


13 Tháng Mười Hai 20236:22 SA(Xem: 149)


VĂN HÓA ONLINE – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN – THỨ TƯ 13 DEC 2023


https://www.nhatbaovanhoa.com/a12117/tiec-tra-cay-tre


Tiệc trà cây tre


Tiệc trà mời Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình


THANH HIỀN


image007Tbt Nguyễn Phú Trọng chào mừng Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm VN ngày 12/12/2023 tại phủ chủ tịch Hà Nội.


Sau buổi hội đàm chiều 12/12/2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự Tiệc Trà, thưởng thức ba sản phẩm trà thượng hạng của Việt Nam.


Thượng phẩm trà 3 năm đãi khách


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức trà do nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn - người đoạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris, Pháp năm 2022 - pha chế.


Ông Nguyễn Cao Sơn đã giới thiệu các loại trà được lựa chọn từ các vùng trà nổi tiếng của Việt Nam như Hà Giang, Yên Bái, Mộc Châu - Sơn La, Lai Châu và Thái Nguyên.


Trong đó, đáng chú ý phải kể tới trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ. Thành phần chính là Bạch trà shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh, Hà Giang (đoạt giải ấn tượng thế giới tại Pháp) kết hợp với gạo sen Đầm Trị Tây Hồ, Hà Nội ướp hương qua 3 năm.


Phải cần tới 1.300 bông hoa sen mới cho ra được 1kg trà mạn sen thượng phẩm. Đây là một trong những lý do khiến người nước ngoài đã không ít lần xuýt xoa trước nghệ thuật ướp trà cầu kỳ, tinh tế của người Hà Nội.


Sản phẩm thứ hai là trà Olong lão từ cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là loại trà đạt giải vàng Cuộc thi Trà quốc tế Paris năm 2019 tại Cộng hòa Pháp.


Sản phẩm thứ ba là Bạch trà chốt đỉnh 2000 shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh, Hà Giang, phẩm trà đoạt giải vàng thế giới Cuộc thi Trà quốc tế (AVPA). Phẩm trà này được thu hái trước Tiết Thanh Minh tháng 3 âm lịch hằng năm, nên còn được gọi là Bạch trà chốt tiền Thanh Minh.


image009Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giới thiệu về trà Việt với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: TTXVN


image011 https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trung-quoc-du-tiec-tra-post915243.vnp


Trong không khí Trà hữu nghị, hai ông Tổng bí thư ôn lại kỷ niệm tiệc trà tại Đại Lễ đường nhân dân Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tbt Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022.


Khi đó, ông Tập Cận Bình đã mời ông Nguyễn Phú Trọng 4 loại danh trà, trong đó có Đại hồng bào - một trong những loại trà quý hiếm bậc nhất Trung Quốc.


Hai Tổng bí thư cho rằng trong sự tương đồng về văn hóa, trong đó có văn hóa trà, mỗi nước có sắc thái độc đáo riêng.


Nghi thức tiếp tân đặc biệt


image013Hai ông Tổng uống trà sau buổi hội đàm ngày 12/12/2023 - Ảnh: TTXVN. (note: Có vài điểm khá kỳ lạ trong tiệc trà – một, màu đỏ nặng nề, những lá tre nhọn hoắt trên thân con rồng ốm đang vùng vẫy như muốn đâm vào đầu hai lãnh tụ; hai, bụi tre trước mặt hai ông chẳng mang ý nghĩa gì; ba, nét mặt ông Tập Cận Bình đăm chiêu có vẻ không vui.)


image015Nhìn lại ảnh cũ: Ông Tập Cận Bình mời ông Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà tại Bắc Kinh ngày 31 tháng 10, 2022. Ảnh VN Net


Tiệc trà là một trong những nghi thức lễ tân rất đặc biệt, thể hiện sự gần gũi, thân tình giữa các nhà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc.


Đối với Việt Nam hay Trung Quốc thì mời uống trà cũng đều thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách và cũng là dịp trao đổi với nhau những điều chân thành, thẳng thắn.


Với ý nghĩa đó mà trong các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, cùng với chương trình làm việc thường có bố trí tiệc trà.


Đối với người Việt, từ bao đời nay trà luôn là một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ở mỗi không gian, thời gian, mỗi tầng lớp dân cư, mỗi dân tộc, việc thưởng trà đều có những sắc thái khác nhau. Nhưng tựu trung đều thể hiện phẩm chất con người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa, thủy chung trước sau như một; mời trà để thể hiện sự niềm nở, nhiệt tình, hiếu khách, tôn trọng của gia chủ đối với khách đến thăm.


Nhâm nhi chén trà khởi đầu cho những cuộc trao đổi, bàn thảo, hay trong những cuộc hàn huyên tri kỷ. Vì thế, văn hóa trà Việt Nam luôn mộc mạc, chân thành, bình đẳng và vô cùng trọng thị.


(Theo: https://tuoitre.vn/nhung-dieu-dac-biet-trong-tiec-tra-moi-tong-bi-thu-chu-tich-tap-can-binh-20231213124314552.htm)


++++++++++++++++++++++++++++++++++


Toàn văn phát biểu của Tbt Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32


(Chinhphu.vn) – Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 chính thức khai mạc sáng ngày 19/12/2023 tại Hà Nội. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu chỉ đạo Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


19/12/2023


https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-32-102231219155116287.htm


image017Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng


Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,


Thưa các đồng chí,


Hôm nay, tôi rất vui mừng và hân hạnh được đến dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 - một Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ của ngành Ngoại giao mà còn là của toàn bộ công tác đối ngoại cả nước. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng; trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao trọng tâm cho những năm tới; đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.


Trước hết, tôi xin được thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, gửi tới các đồng chí, đặc biệt là các nhà ngoại giao lão thành, cùng toàn thể anh chị em cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác đối ngoại, ngoại giao ở trong và ngoài nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp!


Thưa các đồng chí,


Như chúng ta đều biết, trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đến nhiệm kỳ khoá XIII, cụ thể là tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021, chúng ta đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.


Trong gần 3 năm qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức theo tinh thần vừa nêu trên đây, ngành Ngoại giao và Đối ngoại cả nước ta đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua. Nổi bật là ở 6 điểm sau đây:


Thứ nhất, chúng ta đã tổ chức quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thông qua nhiều đề án đối ngoại quan trọng, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, lâu dài, như Nghị quyết Trung ương 8 khoá XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; các kết luận, chỉ thị về phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, hợp tác tiểu vùng Mê Công, công tác ngoại giao kinh tế, công tác người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đối ngoại nhân dân, v.v... Hội nghị Đối ngoại toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên được tổ chức đã quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã tích cực cụ thể hoá thành các đề án, chương trình, kế hoạch và giải pháp để triển khai toàn diện, đồng bộ và thống nhất công tác đối ngoại từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay.


Thứ hai, đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. Thành công các chuyến thăm, điện đàm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhất là hơn 40 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; đồng thời nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam, đã vẽ lên một bức tranh rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao trên mặt trận đối ngoại trong 2 năm vừa qua và tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay". Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV vừa qua), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.


Thứ ba, công tác đối ngoại, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành, phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Trước những biến động rất phức tạp trên thế giới và những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta đã kiên định tính độc lập, tự chủ trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, nêu cao tinh thần hoà hiếu, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược để xử lý đúng đắn, hài hoà quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng, cũng như các tình huống phức tạp về biên giới trên bộ và trên biển, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Chúng ta đã chủ động, tích cực thúc đẩy việc đối thoại, đàm phán; tham gia các hiệp định, sáng kiến vì hoà bình, tiến bộ nhân loại và đã đạt được những kết quả rất quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố đường biên giới hoà bình, hữu nghị, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy giao lưu, kết nối và hợp tác phát triển.


Thứ tư, công tác đối ngoại và ngoại giao đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Từ năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, kinh tế nước ta vẫn là một điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng màu của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% và dự báo năm 2023 có thể đạt trên 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 3 trong ASEANthuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát, khắc phục hậu quả của dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.


Thứ năm, chúng ta đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, góp phần không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEANLiên hợp quốc như Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023 - 2025, Uỷ ban liên chính phủ bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO, Uỷ ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2027, v.v… Tiếp tục đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế như cắt giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu; cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh giữ gìn hoà bình của Liên hợp quốc ở Châu Phi; lần đầu tiên cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, chủ động thúc đẩy hợp tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, v.v... Trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, chúng ta đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp có lý, có tình trên cơ sở nhất quán độc lập, tự chủ, đề cao chính nghĩa, đoàn kết quốc tế, hoà hiếu, nhân văntôn trọng luật pháp quốc tế, do đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của bạn bè quốc tế. Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.


Thứ sáu, công tác đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nướcđối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cộng sản, công nhân và các chính đảng khác tiếp tục được củng cố và phát triển thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi lý luận và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương. Đối ngoại của Quốc hội cũng được triển khai ngày càng chủ động, tích cực, thúc đẩy quan hệ với quốc hội, nghị viện nhiều nước đi vào chiều sâu và nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn quốc tế, nhất là trong AIPA, IPU. Công tác đối ngoại nhân dân được triển khai với nhiều hình thức, nội dung ngày càng đa dạng, phong phú và thực chất, góp phần mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Những kết quả nêu trên có được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự vào cuộc và sự triển khai tích cực của tất cả các cấp, các địa phương, các ngành, nhất là ngành Ngoại giao. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dành nhiều thời gian, công sức và nguồn lực cho công tác đối ngoại.


Đặc biệt, những kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng, với tâm huyết, trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ ta, luôn đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia - dân tộc, luôn cháy bỏng khát khao cống hiến và phục vụ. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa đó của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng.


Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. Bởi vì, trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt quarất nhiều việc phải làm. Tôi đề nghị các đồng chí kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những kết quả, thành tựu kể trên để tiếp tục phát huy, làm tốt hơn nữa. Đồng thời, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng những hạn chế, yếu kém trong công tác đối ngoại thời gian qua để chủ động khắc phục.


Thưa các đồng chí,


Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước có độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế như nước ta. Các nước lớn sẽ tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác. Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới. Khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. An ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng... đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia. Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động nhưng sẽ trở thành trọng điểm cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn. Chính vì thế, chúng ta cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật đúng các tác động đến Việt Nam để không bị động, bất ngờ và luôn luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ, như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".


Tôi cơ bản tán thành với các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Báo cáo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, chỉ xin gợi mở và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm sau đây, có 5 vấn đề:


Một là, cần phải tiếp tục bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao; tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung những xu hướng mới và những vấn đề mới phát sinh để cụ thể hoá, xây dựng và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, đơn vị một cách đồng bộ, khoa học, bài bản, thống nhất, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt"!


Hai là, phải luôn luôn quan tâm kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn là luôn luôn giữ vững hoà bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển. Chúng ta đã xác định đúng đắn và rõ ràng vị trí, vai trò của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của chúng ta luôn luôn phù hợp với xu thế lớn đó của thời đại. Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta lúc này vẫn là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là những thuận lợi rất cơ bản để chúng ta có thể kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.


Ba là, phải luôn luôn kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai". Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.


Bốn là, phải luôn luôn quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng". Đường lối đối ngoại đúng đắn, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và sự triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng cần tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp hơn; cơ chế phối hợp giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, như: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường...; giữa Trung ương và địa phương,... cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, ngày càng đồng bộ và phù hợp hơn, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy sự năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả cao của hoạt động đối ngoại, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, tạo những thời cơ và điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đất nước.


Năm là, phải làm tốt hơn nữa việc kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện cả về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc; chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử; tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ III (tháng 01/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ ngoại giao: "Cán bộ ngoại giao cần phải học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng; cần phải biết giữ bí mật; cần phải tiết kiệm đúng cách; cần phải chú ý đoàn kết nội bộ; cần cố gắng nắm bắt tình hình nước sở tại và tình hình quốc tế nhanh và chính xác". Những lời dạy còn nguyên giá trị đó của Bác chính là định hướng xuyên suốt để các cán bộ làm công tác đối ngoại và ngoại giao phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.


Thưa các đồng chí,


Với những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2023, tôi tin tưởng và mong rằng, trong thời gian tới, dù tiếp tục phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức mới, các thế hệ cán bộ đối ngoại, ngoại giao cả nước nhất định sẽ vẫn tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức và cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và kế tiếp được truyền thống đối ngoại quật cường nhưng hoà hiếu của dân tộc Việt Nam, tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"; và xứng đáng hơn nữa với vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.


Nhân dịp năm mới 2024 và xuân Giáp Thìn sắp đến, một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn và chúc các nhà ngoại giao, các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại, ngoại giao cả nước luôn luôn dồi dào sức khoẻ và thu được nhiều thắng lợi mới trong nhiệm vụ đầy vinh quang và trọng trách rất cao cả của mình. Tôi cũng nhờ các đồng chí trưởng cơ quan đại diện ngoại giao chuyển tới các cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân thế giới ngày càng phát triển và bền chặt.


Chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi!


Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp!
12 Tháng Mười Một 2024(Xem: 868)
VIỆT NAM 50 NĂM ‘GIÔNG TỐ’