VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 – THỨ TƯ 11 OCT 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Có phải người Trung Quốc là Viêm Hoàng tử tôn
Hà Văn Thùy
Lịch sử phương Đông có bí ẩn lớn là chuyện người Trung Quốc tự nhận là Viêm Hoàng tử tôn, tức là con cháu của Viêm Đế và Hoàng Đế. Điều này tạo ra sự kiện duy nhất trên thế giới là một dân tộc có tổ kép là hai người đàn ông. Hai đực rựa làm sao sinh ra con cháu? Đã tốn nhiều giấy mực nhằm giải thích điều này nhưng cho đến nay vẫn chưa thông!
Chúng tôi thử đưa ra một cách lý giải.
Muốn làm việc này phải đi tới tận cùng quá trình hình thành sân cư Đông Á để biết Hoàng Đế là ai, Viêm Đế là ai và người Trung Quốc là ai, ngõ hầu từ đó tìm ra mối quan hệ giữa các chủ thể này.
Khoa học nhân loại thế kỷ mới xác nhận rằng, 70.000 năm trước, người di cư gồm haplogroup M (Australoid) và haplogroup N (Mongoloid) từ châu Phi theo ven Ấn Độ Dương đi tới Việt Nam. Tại Việt Nam, đại bộ phận họ gặp gỡ, hòa huyết sinh ra người Việt cổ mã di truyền Australoid. Trong khi đó một nhóm nhỏ khoảng vài trăm người Mongoloid đi lên Tây Bắc Việt Nam và dừng lại sống biệt lập trong vùng giá lạnh. Vì vậy, suốt thời đồ đá, không thấy người Mongoloid xuất hiện trên đất Việt Nam. (1)
Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khí hậu được cải thiện, người Việt cổ đi lên chiếm lĩnh Hoa lục. Trong khi đó, người Mongoloid theo hành lang Ba Thục đi lên đất Mông Cổ. Sống săn hái ở đây cho tới khi kỷ Băng hà kết thúc, họ chuyển sang thuần hóa dê, cừu, bò… thực hành kinh tế du mục. Về cộng đồng người Mongoloid ở Bắc Á này, cho tới nay vẫn bị hiểu lầm là từ châu Phi di cư tới theo con đường phía Bắc. Nhưng chúng tôi khẳng định họ từ Việt Nam đi lên.
Tượng nữ thần Hồng Sơn phục nguyên có da sáng của chủng Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid)
Khoảng 7000 năm trước, người Lạc Việt chủng Indonesian nhóm đa số trong người Việt cổ, đem cây lúa, cây kê, gà, chó, lợn lên xây dựng kinh tế nông nghiệp tại Cao nguyên Hoàng Thổ phía Nam Hoàng Hà. Tại đây họ gặp gỡ, hòa huyết với người Mông Cổ du mục, chủ nhân văn hóa Hồng Sơn trên bờ Bắc, sinh ra chủng người mới, được gọi là Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Sau này được nhân học gọi là người Việt hiện đại. Người Việt hiện đại đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa di truyền người Việt cổ Australoid sang chủng Mongoloid phương Nam. Khoảng 5000 năm TCN, người Việt hiện đại trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà.(1)
Khoảng 6500 năm TCN, tại Hà Nam ngày nay xuất hiện vị vua và là vị tổ huyền thoại đầu tiên, có tên tuổi của người Việt là Phục Hy - Nữ Oa. Trong nhiều công tích của cụ tổ, lớn nhất là hoàn thành trước tác Kinh Dịch, công trình văn hóa vĩ đại. Xin nhắc lại là của người Việt vì lúc này người Hán chưa ra đời. Một nghìn năm sau Phục Hy, vị vua huyền thoại thứ hai là Thần Nông xuất hiện. Ngoài công tích lớn dạy dân trồng ngũ cốc, biết dùng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh…, ông còn lập ra nhà nước đầu tiên ở Đông Á. Truyền thuyết nói, khoảng năm 3300 TCN, từ An Huy, Thần Nông đi xuống vùng Thái Hồ cửa sông Chiết Giang xây dựng kinh đô Lương Chử của nhà nước Thần Nông. Sau 80 năm khai quật và nghiên cứu văn hóa Lương Chử, năm 2016 khảo cổ học Trung Quốc khẳng định, nhà nước Lương Chử được thành lập năm 3300 TCN. Chính đó là nhà nước Thần Nông trong huyền thoại. Nhà nước Thần Nông tồn tại được 1000 năm, tới năm 2300 TCN, nước biển dâng, nhấn chìm kinh đô Lương Chử. Con cháu Thần Nông dời đô về Thành Đầu Sơn Tây Bắc Hồ Động Đình, đổi tên thành nước Văn Lang. Tại đây truyền thuyết ghi, Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Nghi sinh ra Đế Lai và Kinh Dương Vương. Lúc này nhà nước Thần Nông gồm toàn bộ Đông Á được Đế Nghi chia đôi cho hai con. Lưu vực Hoàng Hà được gọi là Thần Nông Bắc do Đế Lai trị vì. Lưu vực Dương Tử được gọi là Thần Nông Nam thuộc quyền Kinh Dương Vương.
Thời gian này, người Mông Cổ phương Bắc sống ở phía Bắc Hoàng Hà thường xuyên cướp phá phía Nam. Trên bờ Nam Hoàng hà, nhiều trận chiến ác liệt xảy ra. Năm 2698 TCN, liên quân Mông Cổ du mục do bộ tộc Hiên Viên dẫn đầu, đánh vào Trác Lộc. Quân Việt thua, Đế Du Võng cùng dũng tướng Si Vưu hy sinh. Sau chiến thắng, quân Mông Cổ chiếm đất của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Tuy chiến thắng nhưng do số quân ít, mặt khác, do người Việt chống trả mãnh liệt cùng với sự tàn phá của lũ lụt sông Hoàng Hà nên Hoàng Đế không đóng đô tại đồng bằng miền Trung mà kéo về khu vực Tây Bắc, thuộc Sơn Tây, Thiểm Tây lập đô. Khảo cổ học đã phát hiện ở đây vị trí đóng đô cũng như lăng mộ của Hoàng Đế. Xâm lăng Nam Hoàng Hà là cuộc chiến khốc liệt và dai dẳng, để lại dư âm mãi về sau. Cuốn sách Kỳ môn độn giáp đại toàn thư của Trương Tử Phòng và Gia Cát Lượng có câu: Tích nhật Hoàng Đế chiến Si Vưu Trác Lộc kinh kim vị nhược hưu (Ngày xưa Hoàng Đế đánh nhau với si Vưu, trận Trác Lộc tới nay còn chưa dứt) nói về cuộc chiến này. Đánh mãi không thắng (đánh mười trận thì chín trận không thắng) Hoàng Đế nghe lời mưu thần, dùng văn hóa phương Nam phủ dụ người Việt đồng thời thực hành chính sách khoan hòa, không giết hại hay bắt người làm nô lệ, cho cày cấy trên ruộng của mình, chỉ phải đi lính và mức thuế thích hợp. Dân coi miếng ăn là trời (dân dĩ thực vi thiên) nên quy thuận và ủng hộ chính quyền. Nhờ vậy Hoàng Đế xây dựng được nhà nước mạnh.
Xuống Nam Hoàng Hà, đội quân của Hoàng Đế bỏ phương thức du mục lại đồng cỏ phía Bắc, một bộ phận làm lính, làm quan cai trị, đi buôn. Đa số học cách làm ruộng và sống chan hòa với người Việt. Do chung sống nên diễn ra kết hôn Việt Mông và lớp người lai Mông – Việt ra đời. Ta biết, người Mông Cổ du mục thuộc chủng Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid) có nước da trắng sáng như người thuộc văn hóa Hồng Sơn vùng Nội Mông. Trong khi đó, người phía Nam thuộc chủng Mongoloid phương Nam, có nước da ngăm đen như da của đồng bào Tây Nguyên hiện nay. Vì vậy, người Mông Cổ gọi người Việt bản thổ là lê dân với nghĩa là dân đen, dân có màu da đen. Người Mông Cổ xâm nhập cùng con cháu họ hình thành tầng lớp riêng, có nước da sáng hơn, tự nhận là Hoa Hạ.
Nhận đặc quyền từ cha ông thống trị cộng với bản tính năng động, sáng tạo và quyết đoán do nếp tư duy phân tích của tổ tiên du mục, họ trở nên thành phần ưu tú. Đần dần thay thế cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội, đưa lại nhiều thành tựu kinh tế văn hóa rực rỡ thời Nghiêu, Thuấn, Vũ, làm nên thời Hoàng Kim trong lịch sử Trung Hoa.
Như đã nói ở trên, số lượng người Mông Cổ ít trong khi người Việt quá đông nên chỉ sau vài thế hệ, dân cư nhà nước Hoàng Đế không còn người Mông Cổ mà tất cả là Việt, sắc da nhọ nhọ như nhau. Thí dụ như trong phả hệ của Hoàng Đế thì ông và con ông Chuyên Húc có nước da trắng. Nhưng tới cháu ông là Đế Khốc thi da đen như con chim cốc nên được đặt tên Đế Khốc. Hậu duệ của ông ngày càng được Việt hóa, có nghĩa là sắc da ngày thêm đậm. Ta có thể thấy rằng, sau một số thế hệ, lớp người da trắng được gọi là Hoa Hạ không còn mà mọi người màu da ngăm như nhau. Nhưng do vinh quang của Hoa Hạ trong quá khứ nên ai cũng muốn nhận là Hoa Hạ.
Ngay từ khi hình thành, một cách tự nhiên, cộng đồng Hoa Hạ nhận Hoàng Đế là tổ. Điều đó là phù hợp. Nhưng rồi có nhiều con cháu của Viêm Đế ăn theo, thấy người sang bắt quàng làm họ, biết máu mình chẳng có gram “Hoàng Đế” nào cũng nhận là Hoa Hạ để được chen chân vào hàng quý tộc. Vì vậy nảy nòi đám Hoa Hạ dỏm ngày một đông! Khốn nỗi, mỗi họ chỉ có một ông tổ. Một khi nhận Hoàng Đế làm tổ đương nhiên phải bỏ Viêm Đế. Theo thời gian, lũ lượt kẻ vì hám lợi đã bỏ tổ tiên Viêm Đế để theo ông tổ nhận vơ. Nhưng rồi đến một ngày nào đó, có những người từng đổi họ, nổi lòng trắc ẩn: vì chữ danh, vì mối lợi, mình trở thành kẻ lạc loài phản tổ, chối bỏ cội nguồn máu huyết! Những người cùng nỗi lòng đã gặp nhau và nghĩ: làm sao vẫn nhận tổ Hoàng Đế mà không bỏ tổ Viêm Đế? Sau nhiều suy nghĩ, bàn thảo, họ đưa ra phương án: tạo ra vị tổ kép cả Viêm Đế lẫn Hoàng Đế. Vậy là họ dùng quyền năng sáng tạo huyền thoại, thỉnh Cụ Viêm Đế xuyên không 500 năm từ quá khứ về ngồi cùng mâm với Hoàng Đế để họ khấn vái làm tổ tiên! Từ đó họ chế tác ra vị tổ kép Viêm-Hoàng rồi tự nhận là Viêm Hoàng tử tôn! Nhận thấy cách làm hay, vừa hợp thức hóa ông tổ nhận vơ Hoàng Đế oai phong vừa giữ được ông tổ máu huyết Viêm Đế nên người người nô nức theo. Viêm Hoàng tử tôn chẳng mấy chốc trở nên con đàn cháu đống. Họ rất tâm đắc về sáng kiến của mình chế tác ra vị tố kép đủ sức bao chứa toàn bộ dân Trung Quốc, làm thỏa mãn tất cả mọi người. Vì vậy, lần đầu tiên trên thế giới, vị tổ kép ra đời. Một trò ảo thuật biến tất cả mọi người dân Trung Quốc thành con cháu Viêm Hoàng!
Đọc tới đây hẳn không ít người còn nghi vấn: ngoài việc truy về nguồn gốc như đã trình bày thì có chứng cứ nào cụ thể để nói Hoàng Đế và người của ông thuộc chủng Mông Cổ phương Bắc?
Ta thấy, mặc dù thời gian đã lùi xa khiến nhiều điều bị xóa mờ nhưng vẫn còn không ít dấu vết:
i. Trước hết ở trận Trác Lộc. Đứng về chiến thuật, thì vị trí của Trác Lộc ngay sát bờ Hoàng Hà. Nếu Si Vưu và Hoàng Đế là hai bộ tộc của cùng chủng tộc thì khi đánh nhau, họ sẽ đưa vào bên trong nội đồng mà không kéo nhau ra bờ sông. Trận đánh Trác Lộc chứng tỏ người bờ Nam đã lập phòng tuyến để ngăn quân xâm lăng vượt sông tiến đánh. Mặt khác, nếu là chiến tranh trong nội bộ người Việt thì mỗi bên không thể tập hợp lực lượng đông đến thế và cũng không khốc liệt đến thế.
ii. Thứ hai là con người. Truyền thuyết nói về cộng đồng người Hoa Hạ xuất hiện sau trận đánh là cộng đồng có màu da sáng hơn so với dân bản địa. Nhiều thư tịch ghi rằng, người Hoa Hạ gọi người Việt bản địa là lê dân, chỉ những người có nước da đen. Ngay trong phả hệ của Hoàng Đế cho thấy, Hoàng Đế và Chuyên Húc da trắng nhưng sau đó, Đế Khốc da đen. Đến ông Tiết tổ nhà Thương, ông Tắc tổ nhà Chu càng đen thêm. Đó là do các vị hòa trộn máu với người Việt bản địa nên nước da chuyển theo màu da bản địa.
iii. Về ngôn ngữ. Người Nam Hoàng Hà là người Lạc Việt nên nói tiếng Việt theo ngữ pháp Việt mà ta vẫn gọi là nói xuôi với thành phần chính đứng trước, thành phần phụ đứng sau. Thí dụ nói: Tôi đi trước, thịt gà… Nhưng người dân trong nhà nước Hoàng Đế mà sau này là người Hán nói khác: thành phần chính đứng sau, thành phần phụ đứng trước. Thí dụ : Tôi trước đi, gà thịt… Đó là nói theo ngữ pháp Mông Cổ. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi người Mông Cổ thống trị, bắt buộc người dân nói theo cách nói của họ. Do vậy tiếng nói của người Hoa Hạ xấu đi. Vào thời Xuân Thu, Khổng Tử phải kêu gọi dân chúng nói theo nhã ngữ là tiếng nói thanh nhã của miền Nam. Tương tự như vậy, người Nguyên, người Thanh bắt người Trung Quốc nói theo họ khiến cho tiếng Trung Quốc trở nên xấu xí.
Với những chứng cứ vừa dẫn đủ để tin rằng Hoàng Đế và quân của ông là người Mông Cổ phương Bắc đánh chiếm Nam Hoàng Hà.
Kết luận
Hoàng Đế dẫn đội quân xâm lăng chiếm lưu vực Hoàng Hà. Do đường lối cai trị khôn khéo, ông được người Việt tuân phục và đạt nhiều thành công, mở ra thời đại Hoàng kim trong lịch sử. Người Trung Quốc đã quy cho ông rất nhiều công lao to lớn trong đó có những điều mà ông không thể làm được. Theo lệ công quy vu trưởng thì đó cũng bình thường. Nhưng việc nhận Hoàng Đế làm tổ là có vấn đề. Theo ý nghĩa thông thường thì tổ tiên, dòng dõi chỉ gồm những người cùng huyết thống. Việc suy tôn một kẻ ngoại tộc xâm lược vào chiếm đất, giết dân thành tổ tiên của cả một dân tộc, loại bỏ những vị tổ máu huyết là điều chưa từng có trong lịch sử thế giới. Phải chăng đó là biệt lệ chỉ có ở người Trung Hoa? Việc chế tác ra tổ kép Viêm Hoàng dẫn tới hệ lụy sau:
1. Dù công trạng tới mấy nhưng là ngoại tộc thì không thể là tổ của một dòng họ đã có. Nhận Hoàng Để làm tổ, người Trung Quốc làm rối loạn cương thường, mắc tội nhận giặc làm cha.
2. Nhận Hoàng Đế làm tổ mặc nhiên truất phế các vị tổ tiềm nhiệm, xúc phạm sự tôn nghiêm thiêng liêng của đòng giống.
3. Rút ngắn lịch sử dân tộc Trung Hoa ra đời 7000 năm trước tại làng Bán Pha Thiểm Tây, chỉ còn 4700 năm, từ trận Trác Lộc, quá trẻ so với các dân tộc phương Đông.
4. Với khoảng 20.000 người vào Nam Hoàng Hà năm 2698 (chúng tôi phỏng đoán), nhóm quân Mông Cổ quá nhỏ so với khối người khổng lồ hậu duệ của Viêm Đế. Đến nay gen của họ dường như biến mất khỏi cộng đồng dân tộc Trung Hoa, vốn là người Việt. Một vị tổ đích thực phải có bộ gen trường tồn trong cộng đồng dân tộc của mình. Hoàng Đế không có điều này nên chỉ là ông tổ ảo! Huyết thống là thiêng liêng, không thể đánh tráo, hay lừa đảo. Thực tế là, nhân học chỉ thừa nhận người Hán thuộc chủng Mongoloid phương Nam, là con cháu của Thần Nông Viêm Đế. Việc nhận Hoàng Đế làm tổ đã tạo nên vấn nạn về cội nguồn nhức nhối của dân tộc Trung Hoa.
Sài Gòn, ngày 8. 10. 2023
Tài liệu tham khảo:
- Hà Văn Thùy. Tiền sử người Việt. NXB Hồng Đức. HN, 2020
CÙNG TÁC GIẢ,
Xin gõ vào mục tìm kiếm:
Hà Văn Thùy