Hà Văn Thùy: Phê bình Học gỉa Phan Khôi

26 Tháng Tám 20186:52 CH(Xem: 9456)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 27 AUG 2018


PHÊ BÌNH HỌC GIẢ PHAN KHÔI TRONG VIỆC NHẬN ĐỊNH VỀ NHÀ TRIỆU


image015

Hà Văn Thùy


image014

Học giả Phan Khôi


Phan Khôi (August 20, 1887 (Đinh Hợi) Bảo An village, Điện Bàn county, Quảng Nam Province, Vietnam – January 16, 1959, Hanoi, North Vietnam) was an intellectual leader who inspired a North Vietnamese variety of the Chinese Hundred Flowers Campaign, in which scholars were permitted to criticize the Communist regime, but for which he himself was ultimately persecuted by the Communist Party of Vietnam.


82 năm trước, trên Tuần báo Sông Hương do mình chủ trương, học giả Phan Khôi đăng bài HÃY BỎ TRIỆU ĐÀ VÀ DÒNG DÕI Y RA NGOÀI VIỆT SỬ (1). Trước đây không biết tới bài này nên chúng tôi đinh ninh Đào Duy Anh là người thứ hai phạm tội lớn báng bổ Tổ tiên sau Ngô Thì Sỹ. Nhưng mới đây, nhờ ông Phan Nam Sinh, con trai tác giả chỉ dẫn, chúng tôi mới biết phạm nhân thứ hai của vụ án văn tự này chính là Phan Khôi. Đọc 1616 chữ của bài báo, chúng tôi thấy tác giả mắc những sai lầm nghiêm trọng sau:


1.  Phê bình lịch sử theo quan niệm phi lịch sử.


Ông Phan Khôi viết: “Mở sử Tàu ra mà coi, ở đó có chép rõ ràng Triệu Đà là người huyện Chân Định (đất Tàu), không hề có dính líu một tí nào với con cháu Rồng Tiên cả.  Đà vốn làm quan lệnh ở Long Xuyên, là quan của nhà Tần, nhân nhà Tần có loạn dấy lên cướp lấy nước ta mà độc lập. Như thế, đối với nhà Tần Đà đã là phản thần, mà đối với nước ta, Đà cũng là cừu nhân mới phải; cớ sao lại tôn là vua của bản quốc  và cho nối lấy nghiệp cả của mười tám Hùng Vương?”


Đoạn trích cho thấy, theo tác giả, lý do quan trọng nhất dẫn đến việc trục xuất nhà Triệu khỏi Sử Việt vì Triệu Đà không phải người Việt. Quan niệm như thế là phi lịch sử, trái ngược với phương pháp luận của khoa học lịch sử. Khoa học lịch sử cho rằng, lịch sử là sản phẩm hoạt động xã hội của cộng đồng người trong quá khứ. Như vậy, lịch sử không phải là việc của một cá nhân mà là sự nghiệp của cả một đất nước. Khi làm vua, giữ quyền lãnh đạo đất nước thì ông vua ấy – bất kể là ai vì “được làm vua thua làm giặc”- không còn là một con người cá thể mà gắn chung vận mệnh với đất nước, với thần dân dưới quyền cai trị của ông ta. Mặc nhiên người đó cùng triều đại của mình được ghi trong chính sử. Không thừa nhận ông vua ấy, tức là không công nhận triều đại của ông vua ấy cũng có nghĩa là phải xóa bỏ một giai đoạn trong lịch sử của đất nước. Đấy là chuyện vô lý nên không bao giờ diễn ra trong lịch sử nhân loại (Ngoại trừ Việt Nam). Do sự hiển nhiên như thế nên chúng ta từng chứng kiến Nữ hoàng được tôn vinh là vĩ đại của nước Nga Ekaterina II (1729 – 1796) là một người Phổ. Trịnh Quốc Anh ( 1734 –  1782), một người nhà Minh tỵ nạn có công giải phóng Xiêm La khỏi quân xâm lăng Miến Điện, trở thành vua Xiêm với họ Taksin. Trần Hữu Lượng (1320-1363) là con của hàng thần người Việt Trần Ích Tắc nổi lên chống quân  Nguyên rồi làm Hoàng đế Đại Hán trong ba năm (1360 – 1363). Biết rằng, bên Trung Hoa, hai triều đại ngoại bang là Nguyên, Thanh thống trị nhưng khi giải thích chuyện này, ông Phan Khôi biện bạch khá ngộ: “Tuy vậy, Hồ Nguyên và Mãn Thanh biên tập lịch sử của mình ngay từ lúc họ còn cường thịnh, họ có thần thiếp của họ, sai bảo làm gì mà chẳng làm. Điều ấy nghĩ cho kĩ cũng không đáng trách”! Đấy quả là cách nói lấy được: việc đã rồi nên phải chấp nhận! Còn nếu đúng theo quan điểm dân tộc thuần khiết của ông thì phải đẽo bỏ hai triều đại này khỏi lịch sử Trung Hoa!


2.  Một quan niệm lịch sử ấu trĩ méo mó.


Đánh giá một nhân vật lịch sử, khi nhân vật đó là bậc đế vương dựng nước là chuyện hệ trọng bởi nó quyết định xu hướng lịch sử của một dân tộc, liên quan tới vận mệnh của dân tộc. Nhớ câu ca: Có công có đức dân thờ/ bất nhân dân đái trôi mồ thối xương! Đái hay thờ là tiêu chí cao nhất để đánh giá một nhân vật lịch sử. Sử gia thận trọng sẽ xét xem nhân vật lịch sử mình đang khảo sát được thờ hay bị đái? Không chỉ dựa vào thư tịch mà chính là nhìn vào những đền miếu không ngớt khói hương của những dân ấp dân lân vô danh kính ngưỡng mà Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên đánh giá Triệu Đà. Cũng cái nhìn tinh tế ấy, các vị dành cho Sỹ Nhiếp. Tại sao lại gọi là Sỹ Vương dù ông chưa một ngày làm vua? Vượt qua cái sự thực cụ thể mà ai cũng nhìn thấy đó, những sử gia có tâm và có tầm của chúng ta hiểu rằng, trong hoàn cảnh của mình, Sỹ Nhiếp muốn xưng vương dễ như lấy món đồ trong túi. Nhưng ông đã không làm bởi biết rằng, sau sự thỏa mãn danh vị hư ảo, sẽ là chiến tranh, là đổ máu. Không chỉ sinh mạng mình cùng gia đình khó toàn mà chúng dân bị sa vào cảnh lầm than! Không xưng vương chứng tỏ cái tâm cái chí cái khí lớn lao của Sỹ Nhiếp. Dân mang ơn ông vì lẽ đó. Do vậy, tôn xưng Sỹ Vương là sự đánh giá tuyệt vời chính xác, bởi sử gia đã đạt tới cái hồn của Sử mà người tầm thường không thể hiểu được! Khi phê phán các sử gia Trần, Lê trong việc đánh giá Triệu Đà chính là ông Phan Khôi đã đo vũ trụ bằng cái ni tấc hạn hẹp của mình.


Khi viết: “Nói cho ráo lẽ thì nước Văn Lang kể là đã mất từ đời Hùng Vương XVIII, vào tay Thục Phán.  Vì ông này chẳng rõ hương quán ở đâu, hoặc giả là một người dân ngoại tộc cũng nên. Nhưng được cái đóng đô tại Loa Thành , đất Bắc Ninh ngày nay, An Dương Vương dấy lên giữa chúng ta, thì nhận đi là vua của nước ta cũng còn được. Chớ còn họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất khác, tọa trấn tại thành Phiên Ngung, coi nước ta như một miếng thuộc địa, thì sao ta lại nhìn là vua trên quốc sử cho cam,” ông Phan Khôi thể hiện cách nhìn lịch sử nông cạn và méo mó. Khi nói “An Dương vương dấy lên giữa chúng ta” còn “họ Triệu đã dấy lên giữa giống khác, lại đóng đô ở đất khác” chứng tỏ ở vị học giả này tri thức về lịch sử quá lệch lạc. Xin hỏi: “giống khác” là giống nào? Từ xa xưa đất ấy là Lưỡng Việt, nơi sinh sống của một bộ phận Bách Việt, cùng đồng bào máu đỏ da vàng sao lại khác giống? Mặt khác, ông chỉ hiểu “nước ta” trong biên giới hiện tại, sau Hiệp ước Pháp Thanh. Ông quên rằng, trước đó, nước ta là Xích Quỷ “phía Bắc đến hồ Động Đình, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Biển Đông...”Nước ta cũng là Văn Lang mênh mông phía Nam Dương Tử để đến khi Hai Bà Trưng phất cờ thì 65 thành trì đồng tâm hưởng ứng. Trong đất nước của Tổ tiên rộng lớn như vậy, thì việc đóng đô ở Phiên Ngung, nơi trung tâm đất nước là phải lẽ. Khi viết: “Còn hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây bây giờ, lúc đó là đất của mọi rợ…” ông Phan Khôi càng tỏ ra bất cập trong sự kỳ thị chủng tộc vô lối. Đất đó là một phần máu thịt của dân tộc Việt còn ghi dấu trong câu ca “Gió Động Đình mẹ ru con ngủ/ Trăng Tiền Đường sáng đủ năm canh…” Đó cũng chính là nơi có Thiên Đài, Đế Minh lên tế cáo Trời đất, nơi có cánh Đồng Tương để những người con của cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ gặp nhau… những nơi thiêng liêng trong tâm khảm người Việt, sao lại nỡ coi là “đất của mọi rợ”?


3.  Sự thực Triệu Đà là người Việt!


Trước đây, dựa vào thư tịch Trung Quốc, ta chỉ biết Triệu Đà người Hán huyện Chân Định. Nhưng nay, từ những khám phá mới về sự hình thành dân cư phương Đông, ta được biết, hàng vạn năm trước, người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục. Một nhánh lên phía Tây Trung Quốc thành những bộ tộc Tày Thái. Một dòng Tày Thái đi lên vùng đồng cỏ, chuyển sang lối sống du mục, trở thành những bộ tộc Tần (2), cội nguồn của họ Triệu. Theo truyền thuyết, thủy tổ các đời quân chủ nước Triệu là Bá Ích, từng làm quan ở nước Ngu, được phong ấp Doanh, từ đó hậu duệ Bá Ích lấy họ Doanh. Đến cuối đời Thương, hậu duệ Bá Ích là Phi Liêm cùng với con trai trưởng là Ác Lai phò tá Thương Trụ chống lại Chu Vũ vương nên đều bị giết. Con cháu Phi Liêm ly tán, phân thành hai dòng chính. Một nhánh lưu lạc đến Khuyển Khâu, tới đời Phi Tử thì được nhà Chu phong cho ấp Tần làm phụ dung, hình thành thủy tổ nước Tần. Người con thứ của Phi Liêm là Quý Thắng di chuyển đến Hoàng Hà định cư. Con Quý Thắng là Mạnh Tăng hiệu Trạch Cao Lang sống vào thời Chu Thành Vương. Mạnh Tăng sinh Hành Phụ, Hành Phụ sinh Tạo Phụ. Tạo Phụ do lập không ít công trạng nên được Chu Mục Vương phong làm đại phu, lấy Triệu Thành làm thực ấp, từ đó mang họ Triệu, hình thành thủy tổ nước Triệu. Hậu duệ 6 đời Tạo Phụ là Yêm Phụ có danh hiệu là Công Trọng sống vào thời Chu Tuyên Vương, Yêm Phụ sinh Thúc Đới.


Thời kỳ Tấn Văn hầu, Thúc Đới di cư tới nước Tấn. Cháu 5 đời của Thúc Đới là Triệu Túc lập công lớn được Tấn Hiến Công thưởng cho đất Cảnh. Triệu Túc sinh Cộng Mạnh, Cộng Mạnh sinh Triệu Thôi. Năm 656 TCN, Triệu Thôi từng theo công tử Trùng Nhĩ lưu vong ra khỏi Tấn. Sau này Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn công của Tấn thì Triệu Thôi trở thành trọng thần. Con cháu Triệu Thuẫn các đời đều nắm trọng quyền, dần phát triển thế lực của gia tộc họ Triệu thành một trong Lục khanh.


Tới thời Tấn Xuất công thì quyền lực thực tế nằm trong tay các trọng thần như Trí Bá, Triệu Tương tử, Hàn Khang tử và Ngụy Hoàn tử. Sử gọi là Tứ khanh. Năm 456 TCN, Tứ khanh đuổi Tấn Xuất công đi để lập Cơ Kiêu, tức Tấn Ai công. Năm 454 TCN, Trí Bá hợp cùng hai nhà Hàn, Ngụy tấn công Tấn Dương (nay ở phía nam quận Tấn Nguyên, Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Triệu Tương tử giữ vững thành trì. Sau đó liên hợp với chính hai nhà Hàn, Ngụy diệt Trí Bá. Năm 453 TCN, ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy chia nhau vùng đất của họ Trí. Năm 437 TCN, Tấn Ai công chết. Con là Cơ Liễu (Tấn U công) kế nghiệp. Nước Tấn khi đó thực chất đã bị phân chia giữa 3 thế gia là Hàn, Triệu và Ngụy. U công không có quyền lực gì đối với 3 nhà này. Năm 403 TCN, vua Chu Uy Liệt vương phải chính thức công nhận sự tồn tại của nước Triệu cùng với Hàn, Ngụy bên cạnh nước Tấn như là các nước chư hầu của nhà Chu, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Chiến Quốc.[3]                            


Do người Triệu là một dòng của bộ tộc Tần nên nước Triệu cũng là một quốc gia của người Việt. Cố nhiên, Triệu Đà là người Việt. Khi Tần diệt nước Triệu, Triệu Đà lúc này khoảng 20 tuổi, xung lính nhà Tần, đi xuống miền Giang Nam. Tại đây dần dà ông làm tới huyện lệnh huyện Long Xuyên. Khi nhà Tần sụp đổ, ông lập nước Nam Việt. Là quan chức nhà Tần nhưng Triệu Đà là người Việt chính gốc, nếu nói theo ngôn ngữ hôm nay thì ông là “người Tần gốc Việt”. Vì vậy, khi nhà Tần không còn, mặc nhiên ông trở lại làm dân Việt tự do. Việc ông làm vua của người Nam Việt là hoàn toàn chính thống. Trước khi bị xâm lăng chia thành quận huyện thì Nam Việt thuộc Văn Lang của Vua Hùng, hoàn toàn do người Việt cư trú và quản trị. Vì vậy, khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà khôi phục nước cũ của các Vua Hùng. Đương nhiên nhà Triệu tiếp nối thể thống các triều đại của tộc Việt từ Xích Quỷ qua Văn Lang, Âu Lạc…(4)Từ tri thức di truyền học, nhân chủng học và khảo cổ học mới nhất cho thấy quá trình hình thành dân cư trên đất Việt Nam như sau:


70.000 năm trước, người Việt cổ mã di truyền Australoid được sinh ra trên đất Việt Nam. 40.000 năm trước, người Việt đi lên khai phá Hoa lục. 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt Australoid gặp gỡ, hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid, cũng từ Việt Nam đi lên) sinh ra chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ phương Bắc chiếm Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Người Việt chủng Mongoloid phương Nam chạy về phương Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á từ Australoid sang chủng Mongoloid phương Nam. Từ 2000 năm TCN toàn bộ dân cư Việt Nam thuộc chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại, chính là chúng ta hôm nay. Khoảng 300 năm TCN, đồng bằng sông Hồng hình thành, người Việt từ Đông Dương và Nam Dương Tử tập trung về khai phá. Những dòng người cùng chủng tộc, tiếng nói và văn hóa gặp gỡ nhau, tạo thành sắc dân mới, được gọi là người Kinh. Khi nhà Tần diệt nước Thục, con cháu vua Thục là Thục Chế, Thục Phán vốn là người Việt, chạy về Việt Nam ở nhờ đất vua Hùng. Sau đó lãnh đạo dân chúng đánh thắng quân Tần, diệt vua Hùng, lập nước Âu Lạc. Đến lượt mình, Triệu Đà diệt An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Tiếp sau, dòng tộc của Lý Bôn, Đinh Bộ Lĩnh, nhà Lý, nhà Trần… cũng là người Việt từ phương Bắc trở về cùng đồng bào của mình xây dựng đất nước Việt Nam.


Kết luận: Một con người chưa biết nguồn cội là con người chưa trưởng thành. Một dân tộc chưa xác định được nguồn cội cũng là dân tộc chưa trưởng thành. Dù vì bất cứ lý do nào, việc biến tổ tiên vĩ đại thành kẻ thù rồi trục xuất khỏi lịch sử là một tội ác và là nỗi sỷ nhục của một dân tộc vô minh. Phải chăng mọi tai họa của dân tộc trong hơn nửa thế kỷ qua bắt đầu từ sự đảo lộn luân thường đạo lý này? Do vậy, công việc khẩn thiết của người Việt hôm nay là đấu tranh đòi trả lại công bằng cho vua Triệu và xác lập vai trò chính thống của nhà Triệu trong lịch sử dân tộc./


Sài Gòn, 23 tháng 8 năm 2018


Tài liệu tham khảo


  1. http://bulukhin.blogspot.com/2014/08/thieu-vua-thua-vua.html
  2. Nhiều tác giả. Nhà Triệu mấy vấn đề lịch sử. NXB Hội nhà văn, H. 2017
  3.  趙國 http://zh.wikipedia.org/zh/%E8%B5%B5%E5%9B%BD                                                                
  4. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội nhà văn, H. 2016.

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


ntontruongthang's Blog


PHAN KHÔI VÀ PHIÊN DỊCH KINH THÁNH TIẾNG VIỆT ( 1920-1925)


PHAN KHÔI VÀ PHIÊN DỊCH KINH THÁNH


TIẾNG VIỆT ( 1920-1925)


image016


ÔNG PHAN KHÔI. Nguồn Internet.


Từ thế kỷ 19, các Hội Thánh Tin Lành đã phát động mạnh mẻ phong trào truyền giáo trên khắp thế giới. Nhiều Giáo Hội Phúc âm muốn mang ánh sáng Chúa Giêsu – Christ đến Đông Dương thuộc Pháp. Nhưng do những lo ngại của nhà cầm quyền Pháp và Nam Triều thời ấy, kế hoạch trên chưa được thuận lợi.


“ Đến mùa xuân năm 1911, các Giáo sĩ R. A. Jaffay, Paul M. Hosler và G. Lloyd Huglers đến hải cảng Tourane, ở Trung phần Việt Nam. Họ mua được một cơ sở ở góc đường Khải Định, số 66 và đường Nguyễn Hoàng, số 67 để làm trụ sở truyền giáo, đó là trụ sở đầu tiên của hội. Sau khi hoàn tất công tác, họ trở lại Trung Hoa. Giáo sĩ Jaffray không được phép làm giáo sĩ thường xuyên tại Việt Nam, Giáo sĩ Huglers được gọi về Nữu-ước để lảnh nhiệm vụ cao trọng hơn nên chỉ còn Giáo sĩ Hosler trở lại Đông Dương một mình. Ông khởi sự học tiếng Việt và đồng thời bắt đầu giảng Tin Lành. (Trích quyển Bốn mươi sáu năm chức vụ, hồi ký của Mục sư Lê Văn Thái).


http://www.tinlanhhouston.org/hoithanh/TrangNh%C3%A0/tabid/36/ctl/Details/mid/508/ItemID/1/Default.aspx


Và nói đến Giáo Hội Tin Lành là nói đến Kinh Thánh vì chủ trương  từ   đầu “Sola Scriptura” ( Chỉ có Kinh thánh) trong khi Giáo Hội công giáo tin có Thánh Kinh và Thánh Truyền (Sacra Scriptura et Sacra Traditio) và coi sách Thánh Kinh cũng là một phần của Thánh Truyền.


Muốn biết Kinh Thánh thì phải phiên dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ địa phương. Có Kinh Thánh việc rao giảng Tin Lành  mới được thuận lợi. Là những chuyên viên Kinh Thánh có hạng, các mục sư truyền đạo cố gắng học tiếng bản xứ và phiên dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ, phương ngữ, thổ ngữ. Các Giáo Hội chung nhau thành lập Thánh Kinh Hội UBS  ( Hiệp Hội Thánh Kinh  United Bible Societies) cung cấp tài chánh để in ấn với số lượng lớn, sau đó phát không hoặc bán với giá cực rẻ. Sách in trong thời gian đầu không có chú giải vì sợ đụng chạm đến giáo lý của các Giáo hội khác nhau, về sau cho phép chú giải về lịch sử, địa danh, đo lường, tiền tệ…để độc giả ngoài Kitô giáo dễ hiểu hơn. Nhờ những nổ lực không mệt mỏi đó mà ngày nay Kinh Thánh toàn tập tức Cựu Ước và Tân Ước hoặc từng phần ( từng cuốn sách, từng đoạn) đã được dịch ra  trên 3000 ngôn ngữ trên thế giới.


image017image018

NHỮNG HÌNH ẢNH SINH HOẠT THỜI GIAN KHAI SINH GIÁO HỘI TIN LÀNH VIỆT NAM TẠI ĐÀ NẴNG. Nguồn Internet.


Giáo Hội Tin Lành Việt Nam đã bắt đầu ngay công việc nầy sau khi đặt được nền móng. Năm 1931, nhận được tờ Thánh Kinh báo đầu tiên, cụ Phan Khôi đã viết bài giới thiệu nhan đề :


 GIỚI THIỆU VÀ PHÊ BÌNH THÁNH KINH BÁO


Cơ quan của hội Tin Lành xuất bản tại Hà Nội


Mới rồi, tôi nhận được Thánh Kinh báo số 1 mà chủ nhiệm báo ấy là ông mục sư W.C. Cadman gởi tặng, tôi rất lấy làm mừng rỡ, nên viết bài nầy giới thiệu tập báo ấy cho độc giả của Phụ nữ tân văn…..


Văn học với Kinh thánh.


Kinh Thánh đây tức là Bible, gồm cả Cựu ước và Tân ước. Người có đạo Cơ-đốc ở xứ ta bất luận Cựu giáo (Catholique) hay Tân giáo (Protestant) đều dịch ra tiếng ta kêu bằng Kinh Thánh.


Có nhiều người An Nam mình, theo cái óc cũ, thấy đạo khác thì không ưa, nói rằng: Kinh Thánh là do người có đạo họ tôn trọng kinh của họ mà kêu như vậy; còn mình, người ngoại, không tội chi mà kêu Kinh Thánh như họ.


Ai nói vậy là còn hẹp hòi quá, không hiểu sự học đời nay. Ở bên Tàu và Nhựt Bổn, người không theo đạo cũng kêu bằng Kinh Thánh như người có đạo vậy, vì hai chữ ấy đã thành một cái tên riêng (nom propre) rồi.


Ở đời nay, bất kỳ nước nào, nếu là một nước văn học đúng đắn thì trong đó cũng có chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh. Đương thời đây, các nhà văn học đại gia bên Tàu, dầu không phải tín đồ Cơ-đốc đi nữa, trong khi họ làm văn cũng dùng đến chữ trong Kinh Thánh luôn luôn. Như họ dùng chữ “tẩy lễ” là do chữ “Baptême” mà ra; chữ “phước âm”, là do chữ “Evangile” mà ra. Mà những chữ ấy ngày nay họ dùng đã quen lắm, chẳng khác nào chữ gốc trong ngũ kinh tứ thơ vậy.


Còn nói chi về chữ Pháp, thì muốn nói là gốc bởi Kinh Thánh mà ra, cũng không phải quá đáng. Tức như bởi một chữ Bible đó mà sanh ra bộn bề chữ có nghĩa về sách vở. Ấy là như: Người làm sách thì kêu bằng Bibliographe, sự học về biên chép sách vở thì kêu bằng Bibliographie; người ham mê sách vở thì kêu bằng Bibliomane; cái tánh ham sắm sách thì kêu bằng Bibliomanie; người hay tìm mua sách vở thì kêu bằng Bibliophile; cái nhà chứa sách vở thì kêu bằng Bibliothèque. . .


Lại có nhiều câu trong Kinh Thánh đã thành ra tục ngữ (proverbe) hay là thành ngữ (expression) trong tiếng Pháp. Như: “Kẻ tiên tri không được trọng đãi trong quê hương mình”; “Dưới mặt trời chẳng có sự gì lạ” . . . mấy câu đó đều là ở trong Kinh Thánh cả.


Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá.


Đừng nói mấy ông nhà nho họ cho là dị đoan họ không ngó tới đã đành. Các ông học chữ Pháp giỏi mà cũng ít có ông nào đọc tới Kinh Thánh thì cái học ấy cũng gọi được là cái học không gốc.


Có nhiều chữ trong tiếng Pháp – nhiều không xiết kể – nếu chẳng biết đến Kinh thánh thì chỉ hiểu nghĩa cạn cạn mà thôi. Ai đã thông thạo Kinh Thánh rồi thì chắc hiểu sâu hơn mà lấy làm khoái lắm.


Văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh Thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu.(*)


Cái bài của tôi đó tuy ngắn cũng đủ thấy Kinh Thánh có quan hệ với văn học ngày nay thế nào. Các chi hội Tin Lành ở xứ ta, đâu đâu cũng có bán đủ Kinh Thánh bằng ba thứ chữ Pháp, Hán và quốc ngữ; ước gì mỗi người có học đều tùy mình biết thứ chữ gì thì mua mà xem. Vì tôi đối với Kinh Thánh có lòng sốt sắng như vậy, nên khi thấy Thánh Kinh báo thì mừng rỡ mà giới thiệu.


Cái chỗ tôi mừng rỡ hơn nữa, là văn chương của Thánh kinh báo còn có phần giúp ích cho văn quốc ngữ ta trong lúc mới lập nền. Bởi vì văn chương của Thánh Kinh báo đặt một cách thật rõ, thật gọn mà lại dễ hiểu nữa, rất hiệp với cái lối bình dân văn học. Tôi xin cử ra đây một vài đoạn trong bài “Tánh nết” ở trương 9 –10 của tập báo ấy:


“. . . Ý tưởng kín nhiệm dầu mình không tỏ, tư dục ngấm ngầm dầu mình không lộ, lời gian dối dầu mình không nói ra miệng, sự phạm thượng dầu mình vẫn chứa trong lòng, nhưng cũng có thể làm hỏng tánh nết, và không sao che tai bịt mắt xã hội được. Tánh nết là sự mầu nhiệm, phải cố sức làm cho hoàn toàn mãi mãi. Tánh tốt quý hơn ngọc, hơn vàng, hơn quyền thế, hơn mão triều thiên. . .


Ở đời, ta phải có mục đích cao xa, nghĩ đến đời đời vô cùng, chớ chẳng phải chỉ lo tính trong tạm thời mà thôi. Không nên để hoàn cảnh uốn nắn tánh nết mình. Ai bị hoàn cảnh sai khiến ấy là người rất nhát, “giống như sóng biển bị gió động mà đưa đi đẩy đi đó” (Gia-cơ 1: 6). Cái giá một người có chí quả quyết chống nổi điều ác, giữ vững điều thiện, thật gấp triệu lần những người yếu chí nhát gan. Ta nên theo gương sáng của Đa-ni-ên quyết chí trong lòng rằng không chịu ô uế bởi đồ ngon vua ăn và rượu vua uống” (Đa-ni-ên 1: 8).


Mỗi người nên kể tánh tốt bằng sự quý nhứt trong đời mình. Cố sức bươn theo mục đích đó, thì đời mình sẽ có giá trị với xã hội và đẹp lòng Chúa… Nếu có mục đích cao xa như thế, dầu không tới được, nhưng lòng mình cũng sẽ hăm hở bươn theo. ông Disraeli có nói: “Một người thiếu niên nếu không ngửa mặt lên trời, ắt sẽ cúi đầu trông xuống; tâm thần không hướng về trời, chắc sẽ sấp mình mà bò trên đất”. Ai sống trong phạm vi cao xa thì cách ăn nết ở sẽ đúng đắn hơn người bậy bạ . . .


Tóm lại, tánh nết là sự cần nhứt trong đời người. Lẽ thật đó, đơn sơ mà cao cả, đẹp đẽ mà oai nghiêm, thật là một bài đạo đức lúc trẻ nên học, khi già phải nhớ.


Xã hội nào định giá tánh nết càng cao bao nhiêu, thì trình độ càng văn minh bấy nhiêu . . . Người nào hoặc nước nào coi khinh tánh nết, thì khó tránh khỏi tiếng bậy bạ, hèn mạt và mọi rợ. Chỗ nào nhơn dân không biết chú trọng tánh nết, thì ở đó đầy dẫy tình dục và tội lỗi. Ai thích hư danh hơn tánh nết, ấy là người hèn…”


Lối văn của Thánh Kinh báo bài nào cũng đại khái như vậy. Cái sở trường ở chỗ dùng lời nói thường mà đạt được ý cao sâu. Câu nào câu nấy rắn rõi, già giặn, không có cái bịnh quá rườm rà, nhiều lời ít lẽ. Nếu những người thức giả đọc mấy đoạn trên đây mà không đồng ý, không khen như tôi, thì tôi xin chịu là tôi không có mắt, không có óc!


……


Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà Mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925), biết ông là người yêu lẽ thật, nên thấy trái thì nói, tôi chẳng lấy làm ngại chút nào. Trong bài nầy, nếu có chỗ nào bổ ích cho việc biên tập của ông thì có lẽ là một đoạn cuối cùng đó.


PHAN KHÔI


Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.74 (16.10.1930)


Qua bài viết trên, chúng ta thấy một Phan Khôi cao thượng, phóng khoáng, cởi mở tôn trọng những giá trị văn hóa và tôn giáo của nhân loại. Trong một thời đại con người còn hẹp hòi, thiển cận, ích kỹ và phe nhóm, Phan Khôi cho thấy Kinh Thánh sẽ giúp nhiều cho đất Việt.


“ Có nhiều người An Nam mình, theo cái óc cũ, thấy đạo khác thì không ưa, nói rằng: Kinh Thánh là do người có đạo họ tôn trọng kinh của họ mà kêu như vậy; còn mình, người ngoại, không tội chi mà kêu Kinh Thánh như họ.


Ai nói vậy là còn hẹp hòi quá, không hiểu sự học đời nay. Ở bên Tàu và Nhựt Bổn, người không theo đạo cũng kêu bằng Kinh Thánh như người có đạo vậy, vì hai chữ ấy đã thành một cái tên riêng (nom propre) rồi.


Ở đời nay, bất kỳ nước nào, nếu là một nước văn học đúng đắn thì trong đó cũng có chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh… Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá.


Đừng nói mấy ông nhà nho họ cho là dị đoan họ không ngó tới đã đành. Các ông học chữ Pháp giỏi mà cũng ít có ông nào đọc tới Kinh Thánh thì cái học ấy cũng gọi được là cái học không gốc… Văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh Thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu”.


Chính vì  đánh giá cao Kinh Thánh và văn chương Kinh Thánh, ông Phan Khôi, gia đình truyền thống Nho giáo và chống thực dân Pháp, không ngại cọng tác phiên dịch Kinh Thánh ra tiếng mẹ đẻ. Hơn 70 năm qua, bản dịch Kinh Thánh với  văn phong Phan Khôi vẫn còn thịnh hành đủ trã lời cho nhưng nhận xét tinh tế của ông.  Trong phần kết , ông Phan Khôi cho biết chính xác việc phiên dịch như sau:


“Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà Mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925), biết ông là người yêu lẽ thật, nên thấy trái thì nói, tôi chẳng lấy làm ngại chút nào. Trong bài nầy, nếu có chỗ nào bổ ích cho việc biên tập của ông thì có lẽ là một đoạn cuối cùng đó.”


image019

ÔNG BÀ MỤC SƯ  W, CADMAN. Nguồn Internet.


Từ thế kỷ 17, Giáo Hội Công giáo đã bắt đầu dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt, bắt đầu từ những câu, đoạn ngắn, kế tiếp là từng cuốn sách và sau cùng là Thánh Kinh toàn tập vào thế kỷ 19. Từ đó đến nay, các tác giả đã cho xuất bản nhiều bản dịch.


Riêng Giáo Hội Tin Lành vì du nhập vào đất nước ta hơi muộn nên Thánh Kinh toàn tập chỉ xuất hiện với bản dịch Cadman- Phan Khôi.


Thực ra đây không phải lần đầu tiên Kinh Thánh được Giáo Hội Tin Lành dịch ra tiếng Việt. Công việc nầy đã được khởi sự cuối thế kỷ 19.


“ Về phía Giáo Hội Tin Lành, vào năm 1890, M. Bonnet, Giáo Sư của trường Ngôn Ngữ Đông Phương tại Paris (Paris School of Oriental Languages), đã dịch Phúc Âm Luca sang tiếng Việt. Khi dịch Phúc Âm Luca, Giáo sư Bonnet đã dùng bản Kinh Thánh Pháp văn Ostervald để dịch.


Sau khi dịch xong, Phúc Âm Luca đã được Thánh Kinh Hội Anh Quốc (British & Foreign Bible Society – BFBS, Paris) xuất bản tại Paris. Năm 1898, Phúc Âm Luca tái bản lần đầu tiên.


*  Năm 1899, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) cho xuất bản Phúc Âm Mác tại Singapore.


*  Năm 1900, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) xuất bản Phúc Âm Giăng và đến năm 1903 lại xuất bản sách Công Vụ Các  Sứ Đồ tại Paris. Hai bản dịch nầy do Walter James, nhân viên của Thánh Kinh Hội Anh Quốc, thực hiện.


* Năm 1913, Giáo Sĩ P.M. Hosler thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (CM&A) đã dịch lại Phúc Âm Mác. Bản dịch nầy được xuất bản năm 1913 tại Ngô Châu (Wuchow), thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa.


*  Năm 1917, Thánh Kinh Hội đã xuất bản Phúc Âm Mác tại Hà Nội. Có lẽ đây là phần Kinh Thánh đầu tiên của Giáo Hội Tin lành in tại Việt Nam.


*  Năm 1918, Thánh Kinh Hội xuất bản Phúc Âm Giăng và Sách Công Vụ tại Thượng Hải, Trung Quốc. Năm 1919, lại tiếp tục xuất bản Phúc Âm Mathiơ. Đến năm 1922, xuất bản sách Sáng thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Luca; tái bản Phúc Âm Mathiơ; đồng thời xuất bản lại ba sách Phúc Âm Mác, Phúc Âm Giăng và Công Vụ đã được sửa chữa.


* Năm 1923, Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tại Hà Nội. Toàn bộ Kinh Thánh được thực hiện xong vào năm 1925 và xuất bản vào năm 1926 tại Thượng Hải, Trung Hoa.


Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có cụ Phan Khôi, ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman, Giáo Sĩ John D. Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của một số thành viên khác trong đó có: cụ Trần Văn Dõng, sinh viên trường Cao Đẳng Đông Dương, cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính là cụ Phan Khôi.


Trong suốt 70 năm qua, bản Kinh Thánh nầy được tục bản nhiều lần tại Anh Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, Đức, Đại Hàn và Việt Nam. Đây là bản Kinh Thánh Việt Ngữ được ấn hành và xử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Mặc dù chúng ta không có số liệu thống kê chính thức nhưng ước tính mỗi lần tái bản Kinh Thánh từ 5.000 – 10.000 cuốn; trong suốt 70 năm qua, số Kinh Thánh phát hành đã được vài trăm ngàn cuốn. Có lẽ đây là cuốn sách Việt Ngữ được phát hành nhiều nhất từ trước đến nay”.


Phước Nguyên


Tháng 1/1996


Trích Báo Linh Lực


Như vậy đây là một công trình dịch thuật chung:“ vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông” (W.  Cadman) (Xác nhận của Phan Khôi) “Tuy nhiên người phiên dịch chính là cụ Phan Khôi.” ( Phước Nguyên)

Những nhà truyền giáo Tin Lành làm việc ở Viễn Đông nên các vị  rất am hiểu chữ Hán, nay gặp một người thông thạo Hán Văn, chữ Nôm, chữ Pháp và Quốc ngữ như ông Phan Khôi đúng là tìm được một viên ngọc quý

Phần chuyên môn, chính xác về Kinh Thánh, đã có các nhà truyền giáo phụ trách. Riêng về mặt ngôn ngữ và văn chương vào thời đó có lẻ không ai qua mặt được ông Phan Khôi. Thử so sánh lối văn Phạm Quỳnh và Phan Khôi chúng ta nhận ra ngay một bên biền ngẫu lê thê và bên kia là  gãy gọn, chính xác, khúc chiết, sáng sủa, dễ hiểu hợp với mọi lứa tuổi, điều mà các nhà truyền giáo mong muốn “ một bản dịch Kinh thánh phổ thông hợp giới bình dân”.

Chúng ta thử đọc đoạn đầu sách Sáng Thế Ký, bản dịch Phan Khôi- Cadman.

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:YwQgs_q81CUJ:thanhkinhvietngu.net/%3Fq%3Dbible+phan+kh%C3%B4i+d%E1%BB%8Bch+kinh+th%C3%A1nh&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vnTra cứu Thánh Kinh


1 Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.


2 Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.


3 Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng.


4 Đức Chúa Trời thấy sự sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối.


5 Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhứt.


6 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước.


7 Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không; thì có như vậy.


8 Đức Chúa Trời đặt tên khoảng không là trời. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhì.


9 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy.


10 Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.


11 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy.


12 Đất sanh cây cỏ: cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.


13 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ ba.


14 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm;


15 lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; thì có như vậy.


16 Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao.


17 Đức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời, đặng soi sáng đất,


18 đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với sự tối. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.


19 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ tư.


20 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời.


21 Đức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.


22 Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều.


23 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ năm.


24 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại; thì có như vậy.


25 Đức Chúa Trời làm nên các loài thú rừng tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, và các côn trùng trên đất tùy theo loại, Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.


26 Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.


27 Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.


28 Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.


29 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy, ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.


30 Còn các loài thú ngoài đồng, các loài chim trên trời, và các động vật khác trên mặt đất, phàm giống nào có sự sống thì ta ban cho mọi thứ cỏ xanh đặng dùng làm đồ ăn; thì có như vậy.


31 Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ sáu.


Một bản dịch như trên vừa chính xác vừa dễ hiểu, vừa dân tộc. Chính nhờ thế dù đã trên 80 năm, bản dịch trên cơ bản vẫn được các Giáo hội Tin Lành xử dụng.


Trong một bài viết của Huỳnh Christian Timothy, ông nhận xét cách chọn từ của Phan Khôi  về các chức vụ trong Giáo Hội mà Kinh Thánh có bàn đến, ông chỉ lưỡng lự ở hai từ MỤC SƯ là ông cho không chính xác, còn các từ khác ông hoàn toàn đồng ý là Phan Khôi dịch chính xác. Ví dụ:


I. Apostle


Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp là: apostolos


Phan Khôi dịch Apostle sang Hán Việt thành Sứ Đồ. Sứ = Người được sai đi; Đồ = Học trò. Thiết tưởng sự dịch này tương đối chính xác cho nên chúng ta có thể giữ lại. Người Công Giáo dịch Apostle là Tông Đồ hoặc Ngôn Sứ. Tông = Chính gốc; Ngôn = Nói, lời nói.


II. Evangelist


Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp là: euaggelistes


Phan Khôi dịch Evangelist là Người Giảng Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:8; II Ti-mô-thê 4:5). Thiết tưởng, dịch như vậy là đúng nghĩa. Chúng ta có thể giữ nguyên hoặc đổi thành Truyền Đạo Viên (Truyền Đạo = Rao giảng Đạo; Viên = Người chuyên tâm làm một công việc nào đó).


III. Bishop


Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp là: episkopos


Phan Khôi dịch Bishop sang Hán Việt là Giám Mục. Giám = Xem xét; Mục = Nuôi súc vật, theo ý thuộc linh là Mục Vụ: Công tác chăn bầy hoặc truyền đạo. Thiết tưởng, dịch như vậy là đúng nghĩa, không cần phải thay đổi.


IV. Elder


Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp là: presbuteros.


Phan Khôi dịch Elder sang Hán Việt là Trưởng Lão. Trưởng = đứng đầu; Lão = lớn tuổi (ở đây được hiểu là về mặt thuộc linh = có kinh nghiệm thuộc linh). Thiết tưởng, dịch như vậy là đúng nghĩa, không cần phải thay đổi.


V. Pastor/Shepherd


Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp là: poimēn


Phan Khôi dịch Pastor sang Hán Việt là Mục Sư. Mục = Mục vụ: Công tác chăn bầy hoặc truyền đạo; Sư = thầy. Thiết tưởng, chúng ta nên dịch Pastor/Shepherd thành “Người Chăn” trong tiếng Việt hoặc “Mục Tử” trong Hán Việt, hoặc tốt hơn, dịch là “Mục Đồ” với ý nghĩa “học trò của Chúa làm nhiệm vụ chăm sóc bầy chiên của Chúa.” Mục Đồ mới nghe thì lạ tai nhưng nghe nhiều lần sẽ quen tai như: tín đồ, môn đồ, sứ đồ, thánh đồ… Người Công Giáo dịch Pastor/Shepherd sang Hán Việt thành Linh Mục, rất đúng nghĩa.


VI. Deacon


Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp là: diakoneō


Phan Khôi dịch Deacon sang Hán Việt là = Chấp Sự. Chấp = làm theo; Sự = Công việc. Thiết tưởng chúng ta có thể giữ nguyên danh từ Chấp Sự vì dịch như thế cũng khá xác nghĩa và khó mà tìm được danh từ nào thích hợp hơn. Trong Hội Thánh ban đầu cũng có Nữ Chấp Sự (Rô-ma 16:1).


VII. Minister


Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp là: diakonos


Phan Khôi dịch Minister là = Người Hầu Việc/Người Giúp Việc. Đề nghị chúng ta dịch là  Mục Vụ Viên. Mục vụ = công tác chăn bầy hoặc truyền đạo; Viên = Ngưòi chuyên tâm làm một công việc nào đó.


VIII. Preacher


Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp là: kerux.


Phan Khôi dịch Preacher là = Thầy Giảng. Đề nghị chúng ta dịch là Giảng Viên. Giảng = Trình bày rõ ràng một điều gì; Viên = Ngưòi chuyên tâm làm một công việc  nào đó. Giảng Viên là người chuyên tâm rao giảng lời Chúa, như vậy tránh được sự hiểu lầm về chữ “thầy.”


Khi đọc lại những phản hồi ý kiến về từ Mục sư  mà Tam Huynh cho là chưa chính xác , đại đa số anh em Tin Lành không đồng tình với ông ... trái lại số đông cho là từ mục sư thông dụng hiện nay do Phan Khôi dịch chẳng có trở ngại gì lớn.


Trong năm năm trời làm bạn với từng câu chữ Kinh Thánh chắc ông đã hiểu rõ lẻ đời “ Vanitas vanitatum, omnia vanitas” ( Ngưởi truyền đạo nói : Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không) Sách Truyền Đạo 1, 2. “ Chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời” ( Sách Truyền Đạo 1, 9)  “Sự thật sẽ giải thoát anh em” ( Các ngươi sẽ biết lẽ thật , và lẽ thật sẽ buông tha anh em” ( Giăng 8, 32 ). Do vậy nên ông chấp nhận mọi gian khổ, và an bình trong mọi biến cố, luôn đứng về công lý, về chân lý mà không phải nhân vật nào cũng có đủ dũng khí  đương đầu.


Tôi có cảm nghĩ, ông Phan Khôi, bên ngoài tuy  “ngoại đạo”,   nhưng tâm hồn ông đã thuộc hàng con cái Thiên Chúa rồi, ông đã thấm nhuần Lời Chúa từ thời ông nâng niu phiên dịch từng chữ, từng câu Thánh Kinh. Ông đã thuộc về con cái “Thần Đức Chúa Trời”, con cái của tự do nội tâm mà không còn quyền lực âm phủ hay thế trần nào còn có thể làm lung lạc được nữa. Chính vì thế mà ông ung dung tuyên ngôn .


Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi !
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao!


Và như Thiên Chúa vĩnh hằng… bài thơ cứ thế tiếp tục cho đến thiên thu vạn đại!


 Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.


Hội An, ngày 25 tháng 11 năm 2010.