Hà Văn Thùy: Phê bình bài "Đôi điều về Văn Hóa VN" của Sử gia Trần Quốc Vượng

16 Tháng Tám 20188:22 CH(Xem: 7491)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ SÁU 17 AUG 2018


PHÊ BÌNH BÀI “ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM"

(TRONG ĐỐI SÁNH VỚI VĂN HÓA TRUNG QUỐC)*

CỦA GIÁO SƯ TRẦN QUỐC VƯỢNG

image030

Hà Văn Thùy

 

Văn hóa là sản phẩm hoạt động xã hội của cộng đồng người. Do vậy, muốn hiểu văn hóa của một cộng đồng trước hết cần biết cộng đồng đó là ai, có nguồn gốc thế nào và có quá trình hình thành ra sao?

 

Khi khảo cứu văn hóa Hoa-Việt, giáo sư Trần Quốc Vượng căn cứ trên cổ thư Trung Hoa và tài liệu của Viễn Đông Bác cổ cho rằng: “Văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Quốc, từ trong cội nguồn của nó.” Cái cội nguồn ấy theo ông là: “Về mặt nhân chủng, cho tới khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên (-500), về cơ bản, đó là vùng phi Hoa – phi Ấn...  Cho tới trước khi Trung Quốc bành trướng xuống vùng lưu vực Trường Giang, thì Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau trên căn bản: Việt Nam là vùng châu Á gió mùa. Trung Quốc là vùng châu Á đại lục; Việt Nam là vùng nông nghiệp nước (hệ thống ngập nước- système inondé), rồi hệ thống tưới nước (systèmes irrgués). Trung Hoa là vùng nông nghiệp khô (culture sèche); Việt Nam là vùng lúa nước, Trung Hoa là vùng kê, cao lương, rồi mạch. Từ giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên, bành trướng Trung Quốc tràn xuống lưu vực Trường Giang và xa mãi về phía Nam; vùng “Bách Việt” co lại dần, tưởng “mất hết” nhưng cuối cùng vẫn còn một Việt Nam, đại biểu duy nhất còn sót lại của phức hợp Bách Việt ngày xưa, tồn tại vừa với tính chất Dân tộc – Nhà nước (Nation-État) vừa với tính chất Dân tộc – Nhân dân (Nation – Peuple). Từ đó xuất hiện trên thực tiễn những sự giống nhau, những cái “bất dị” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vậy cái khác nhau (dị, thù, theo ngôn từ Nguyễn Trãi) là có trước, cái giống nhau là có sau.”

 

 Có nghĩa là do nguồn gốc khác nhau nên ban đầu văn hóa Hoa Việt khác nhau. Chỉ khi người Hán tràn xuống phương Nam, đồng hóa người Việt về máu huyết và văn hóa, lúc đó những gì giống nhau mới xuất hiện…

 

Trong một lần trả lời Đài BBC tiếng Việt năm 2003, ông tuyên bố: “Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng là: Việt Nam có 1000 năm Bắc thuộc. Tính cách gì thì cũng 1000 năm. Quan sang này rồi lính tới này, chúng ta bị đồng hóa đứt đuôi!” Đấy là nhận định sai lầm. Năm 1983, trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á, Giáo sư Nguyễn Đình Khóa cho biết, từ 2000 năm TCN dân cư Việt Nam là chủng Mongoloid phương Nam. Trong khi đó, người Hán cũng thuộc chủng Mongoloid phương Nam.  Giao phối giữa người Việt và người Hán nếu có thì cũng là sự hòa huyết trong cùng một chủng tộc (race) đâu phải là đồng hóa? Vào đầu năm 2005 khi phản bác Tiến sỹ McOxenham của Đại học Quốc gia Úc cho rằng người từ Nam Dương Tử mang nông nghiệp xuống Việt Nam, “Giáo sư Trần Quốc Vượng từ Hà Nội cho biết hiện nay, quan điểm chung của phía Việt Nam là công nhận thuyết ’đa trung tâm’. Theo đó, không có một trung tâm nào trên thế giới, từ đó nghề nông được truyền sang các vùng khác.”[1] Khẳng định như vậy chứng tỏ GS Vượng hiểu lầm về thuyết Đa trung tâm. Thuyết Đa trung tâm (multiregional hypothesic) thịnh hành từ thập kỷ 1970, nói rằng con người được sinh ra từ nhiều vùng khác nhau. Trong khi đó GS Vượng tưởng rằng thuyết Đa trung xác định có nhiều trung tâm phát sinh nông nghiệp khác nhau mà trung tâm này không ảnh hưởng tới trung tâm khác. Trong thực tế, sang thế kỷ XXI, khám phá của di truyền học xác nhận con người được sinh ra từ nơi duy nhất là châu Phi, thuyết Đa trung tâm sụp đổ. Vậy mà vị Giáo sư đứng đầu về Cổ sử vẫn dõng dạc tuyên bố: “ Việt Nam công nhận thuyết ’đa trung tâm’” khiến cho học thuật Việt Nam trở nên “tệ hại” trước thế giới (chữ của L.C. Kelley, phó GS Đại học Hawaii)! Không chỉ vậy, khoa học cũng xác định: Đông Nam Á là nơi phát minh nông nghiệp đầu tiên của thế giới rồi từ đây lan tỏa ra nhiều vùng khác…

 

Những kiến thức mà Giáo sư Vượng tin tưởng vững chắc trên thuộc về nửa đầu thế kỷ XX. Nhưng ở cuối thế kỷ, nhiều khảo cứu cho thấy một sự thật ngược lại. Năm 1971, từ những khám phá khảo cổ ở Thái Lan, trong bài Ánh sáng mới dọi vào vùng quên lãng [2], Giáo sư Solheim II của Đại học Hawaii cho rằng Đông Nam Á là cái nôi của nông nghiệp thế giới. Năm 1998, trong cuốn Địa đàng ở phương Đông [3], Giáo sư Stephen Oppenheimer công bố: nông nghiệp sớm nhất thế giới được bắt đầu ở Đông Nam Á rồi từ đây, những giống cây trồng, vật nuôi cùng tư tưởng về nông nghiệp được đưa sang phương Tây. Năm 1992, trong công trình khảo cứu di truyền dân cư châu Á, S.W. Ballinger [4] phát hiện: người Việt Nam có chỉ số đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á. Điều này có nghĩa, con người châu Á được sinh ra trước tiên ở Việt Nam sau đó lan tỏa ra toàn châu lục. Đặc biệt là vào năm 1998, trong công trình Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc, J.Y. Chu và đồng nghiệp công bố khám phá làm chấn động giới khoa học: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện đầu tiên ở Đông Phi 180.000 năm trước. 60.000 năm trước, theo ven biển Ấn Độ họ di cư tới Việt Nam. Nghỉ lại ở đây 10.000 năm sau đó người từ Việt Nam lan tỏa ra các đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ. Khoảng 40.000 năm trước, khi khí hậu ấm lên, họ từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh đất Trung Hoa và 30.000 năm trước qua eo Bering chinh phục châu Mỹ…” [5]

 

Những nghiên cứu di truyền học và phát hiện khảo cổ mới cho thấy: 20.000 năm trước, người Lạc Việt ở Động Người Tiên tỉnh Giang Tây làm ra đồ gốm đầu tiên và 12.400 năm trước thuần hóa thành công cây lúa.  9.000 năm trước, người Việt từ Nam Dương Tử đem búa đá Hòa Bình cùng giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó lên xây dựng văn hóa nông nghiệp lúa nước ở Giả Hồ tỉnh Hà Nam. 7.000 năm trước, người Việt xây dựng văn hóa Ngưỡng Thiều. Tại vùng khí hậu cận sa mạc không trồng được lúa, kê trở thành cây lương thực chủ lực… Cho tới 3000 năm TCN, người Lạc Việt là chủ nhân của Hoa lục, tại nơi có nước thì trồng lúa, tới nơi khô hạn thì trồng kê! Khi kê là lương thực chính thì người trồng nó phải ăn cháo, ăn bánh. Cũng trong điều kiện bán sa mạc, người Việt sáng tạo nhà nửa nổi nửa chìm giúp chống nóng mùa hè, chống lạnh mùa đông và tránh cả những cơn bão cát. Chính tại Giả Hồ 9000 năm trước, người Việt chế ra những chữ viết đầu tiên mà một số còn được dùng tới ngày nay. Cũng tại Giả Hồ, khảo cổ học tìm thấy những ống sáo làm bằng xương chim Hạc… Ít ai ngờ được rằng, những bộ tộc Tần dũng mãnh vốn là người Lạc Việt trồng lúa. Khi di cư tới thảo nguyên phía Tây thì chuyển sang du mục. Chữ tượng hình khai sinh từ Giả Hồ dần trưởng thành ở Bán Pha, Cảm Tang, Lương Chử, An Dương… được dùng trong thờ cúng, bói toán.

 

Cuộc sống cứ yên bình diễn ra như thế cho tới năm 2698 TCN, khi những bộ lạc du mục Mông Cổ do Hiên Viên thị lãnh đạo, đánh chiếm vùng trung du Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Chiến thắng quân sự nhưng do văn hóa kém phát triển và số dân ít, người Mông Cổ sớm bị cộng đồng Lạc Việt đông đảo đồng hóa cả về máu huyết lẫn văn hóa. Lớp con lai Mông-Việt ra đời, được gọi là Hoa Hạ, dần nắm giữ vai trò lãnh đạo xã hội. Nhưng đó cũng là quá trình người Hoa Hạ chuyển hóa thành người Việt với các triều đại: Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu tạo nên thời Hoàng kim trong lịch sử phương Đông. Năm 1300 TCN, khi chiếm đất An Dương Hà Nam của người Việt, nhà Ân học được chữ Giáp cốt và phát triển lên khiến các vương triều Trung Hoa lần đầu tiên có chữ. Do vậy mà chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa.[6] Nhưng từ cuối thời Hán, Trung Quốc loạn lạc, nhiều triệu người từ Tây Bắc du nhập, đem văn minh du mục trùm lên xã hội Trung Hoa, khiến văn hóa Trung Quốc ngày một khác với văn hóa gốc Việt...

 

image031

Tứ trụ” Lâm Lê Tấn Vượng và Gs. Trần Văn Giau và phu nhân (ngồi).

 

 Do thiếu cập nhật tri thức thế giới, Giáo sư Vượng bám riết vào những hiểu biết sai lầm của đầu thế kỷ XX. Cho rằng Hoa, Việt là hai chủng tộc có nguồn gốc khác nhau nên ông cố tình chứng minh hai nền văn hóa Hoa-Việt khác nhau một cách khiên cưỡng:  Người Việt ăn cơm, xôi, dùng đũa. Người Hoa ăn bánh, cháo. Người Việt dùng nỏ, rìu chiến. Người Hoa dùng cung hai cánh, qua. Người Việt dùng cồng, trống, khèn – người Hoa dùng chuông, khánh, Tiêu…  chỉ là những biểu hiện hình thức, bên ngoài, không thuộc về bản chất. Trong khi đó văn hóa là cái sâu thẳm bên trong hồn người thì không thấy ông đề cập. Đọc Nhiệt đới buồn của Claude Levi-Strauss và hiểu vai trò của văn hóa đá mới nhưng ông không nhận ra, tác giả có phát hiện quan trọng: người dân bản địa Caduevo ở Bắc Canada có thói quen coi trọng phụ nữ và sự hài hòa giữa các yếu tố khác nhau của tự nhiên, giống như người ở miền Nam Trung Quốc.[7] Đấy mới chính là văn hóa, là bản thể của dân cư nông nghiệp lúa nước Việt tộc. Theo Giáo sư Kim Định thì đó là tinh thần Việt Nho. Cái đặc trưng sâu thẳm ấy từ Việt Nam được đưa lên Nam Hoàng Hà, tạo thành nền văn hóa Trong Nguồn-Thái Sơn của người Việt. Rồi sau đó theo chân người di cư sang châu Mỹ, làm nên bản sắc văn hóa của người Maya, Aztex… Những năm 1970, Giáo sư Kim Định đưa ra thuyết: do làm chủ Hoa lục trước, người Việt đã xây dựng ở đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ mà căn cốt là tinh thần Việt Nho. Sau đó người Hán xâm lăng, chiếm đất đai cùng văn hóa của người Việt. Một mặt nâng Việt Nho thành kinh điển, mặt khác làm sa đọa Việt Nho nguyên thủy thành Hán nho, Tống nho…. Tiếc là những khám phá tuyệt vời như vậy không được phản ánh trong các công trình của Giáo sư Vượng!

 

            Giáo sư Trần Quốc Vượng đã sai khi viết: “Cho tới trước khi Trung Quốc bành trướng xuống vùng lưu vực Trường Giang, thì Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau trên căn bản: Vậy cái khác nhau (dị, thù, theo ngôn từ Nguyễn Trãi) là có trước, cái giống nhau là có sau.” Không, không phải vậy! Đúng như lời truyền ngôn trong dân gian: Hoa Việt đồng văn đồng chủng. Cùng chủng tộc cùng văn hóa nên giống nhau từ gốc, từ khởi thủy. Những cái “khác nhau” trong bảng thống kê công phu của vị giáo sư chỉ là sự thích ứng của một cộng đồng người trước hoàn cảnh tự nhiên khác nhau. Khi cường điệu lên, cho đó là khác biệt văn hóa là sự ngộ nhận đáng tiếc. Nếu có sự khác nhau thực sự thì đó là điều mà Khổng Tử chỉ ra: “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã, quân tử cư chi. Nhậm kim cách, tử nhi bất yếm, bắc phương chi cường dã, nhi cường giả cư chi.” Nhưng hình như, 2500 năm sau, cái “khác nhau thuộc về bản thể” ấy cũng không còn nữa khi người phương Nam mắc tội tày đình với người Chăm, người Khmer và ngay cả với đồng bào của mình, không chỉ trong những cuộc chiến tranh dai dẳng mà ngay trong hòa bình với thời đen tối Cải cách ruộng đất!

 

Vào thập kỷ 1970, nhờ khai quật khảo cổ, khoa học đưa ra những phát hiện chấn động về lịch sử phương Đông. Sang những năm 1990, khi di truyền học vào cuộc, khám phá nguồn gốc thực sự của loài người cùng cuộc di cư của người tiền sử về phương Đông đã mở ra chương mới của cuốn sử các dân tộc châu Á… Không hiểu sao những thông tin quý giá ấy không đến được với học giả hàng đầu Việt Nam?! Việc Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Quốc Vượng, cỗ “máy cái”của ngành Sử, cho đến cuối đời vẫn khư khư ôm những tri thức lạc hậu để sản xuất ra hàng nghìn cán bộ (sao) chép sử và dạy sử quả là tai họa cho dân tộc.

 

Sài gòn, tháng Tám 2018

 

* https://nghiencuulichsu.com/2014/09/19/doi-dieu-ve-van-hoa-viet-nam-trong-su-doi-sanh-voi-van-hoa-trung-quoc/

 

1. “Từ khảo cổ đến văn hóa. GS Trần Quốc Vượng mạn đàm với BBC”. Bài đăng trên Đông tác.net (Eastern culture.net) số ra ngày 12.3.2007

 

https://www.bbc.com/vietnamese/programmes/story/.../interviewweek112005.shtml

 

2. Wilheim G. Solheim H. Ph. D: New light on Forgotten Past. National Geographic Vol 1339 n 3 tháng 3 năm 1971.

 

3. Stephen Oppenheimer: Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia- Phoenix London 1998. Nhà xuất bản Lao Động 2006.

 

4. S. W. Ballinger et al: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 N 130 p.139-45

 

5. J.Y. Chu et al: Genetic relationship of populations in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 N. 95 p. 11763-11768.

 

6. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn, 2016.

 

7. Claude Lévi-Strauss . Nhiệt đới buồn. NXB Trí thức, 2009.

 

- Hà Văn Thùy: Lời ai điếu cho một thời "Tứ Trụ"